Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 9 - Chương 08

Thơ của Liễu-Tông-Nguyên có câu:

五月收火米

Ngũ nguyệt thu hỏa mễ[1476]

Dịch nghĩa

Tháng năm thu hoạch lúa hỏa mễ

Đấy đúng là thứ lúa mà sách Quảng-chí đã thuật.

Lúa Cái hạ bạch [56a] đến thời vua Chân-tông (998- 1022) nhà Tống sai xứ sang nước Chiêm thành lấy ba vạn hộc lúa phân ra cấp cho các đạo, cho nên mới có giống lúa ấy.

Giống lúa này sách Bổn-thảo gọi là lúa tiên 秈.[1477]

Người Giao-chỉ ở phương Nam và người Chiêm-thành tiếp-xúc với nhau cho nên thứ lúa chín vào mùa hạ phần nhiều gọi là lúa Chiêm.

Lúa Thiền-minh (lúa chín vào mùa ve kêu) nay ở Tầm-châu tỉnh Quảng-tây có, trồng được 63 ngày thì lúa chín.

Sách Quảng-đông tân ngữ chép: Lúa ở vùng Lĩnh-nam nhiều nhựa mà ở nước Giao-chỉ thứ lúa có nhựa thì nhiều. Nếp ở An-nam có thứ nếp trắng nếp vàng, hơn mười giống, người ta lấy gạo có nhựa nấu cơm, lấy nếp làm rượu.

Sách Đạo-phẩm (phẩm lúa) của Hoàng-Tỉnh-Tăng, người nhà Minh soạn nói về các giống lúa ở Trung-Quốc phần nhiều giống với lúa ở nước Nam, nay chép ra như sau:

- Lúa nếp không có lông.

- Lúa tẻ có lông.

- Lúa tẻ thứ nhỏ hột là lúa tiên, hột nhỏ dài mà trắng, vị ngọt mà thơm, [56b]tháng 9 có hột, đó gọi là thứ lúa thượng hạng.

- Lúa tiễn-tử.

1) Thứ hột to mà lông màu hồng và đỏ, tháng 5 trồng, tháng 9 chín, gọi là lúa Hồng-liên (sen hồng)

2) Thứ hột nhỏ mà màu trắng, tháng 4 trồng, tháng 6 chín, gọi là lúa 60 ngày, thứ lúa chín trễ gọi là lúa 80 ngày, thứ lúa chín trễ hơn nữa gọi là lúa 100 ngày.

Những giống lúa này đều do nước Chiêm-thành đem đến, thật đã nhờ mưa và nắng mà thành hột. Hột gạo lúa này nấu cơm thì hơi cứng.

Nhà Tống sai sứ đến nước Chiêm-thành, lấy đồ trân bảo đổi lấy giống lúa ấy để cấp cho dân.

Ở Thái-bình, lúa tiên (lúa tẻ chín sớm) trong vòng 60 ngày gọi là lúa Đà lê kiếm, có thứ lúa Xích hồng tiên, có thứ lúa Bát nguyệt tiên, nhưng vỏ hột lúa màu trắng mà không có lông hoặc tháng 7 hoặc tháng 8 thì chín, thứ trắng có vị lạt, thứ hồng có vị ngọt.

Lúa ở đất Mân không có lông mà hột gạo thì nhỏ, có thứ 60 ngày gặt được, có thứ 100 ngày gặt được. Những giống lúa này đều gọi là lúa Chiêm- [57a]thành, hột gạo nhọn màu hồng mà tính cứng, tháng 4 trồng, tháng 7 chín, gọi là lúa Kim-thành. Đó là giống lúa mà Cao-Trọng đã trồng.

Thứ gạo mà Tùng-giang gọi là Xích-mễ (gạo đỏ) lại là thứ thóc hạng chót, hột dài mà có đốm, tháng 5 trồng, tháng 9 chín.

Thứ gạo mà Tùng-giang gọi là:

- Lúa Thắng hồng liên thì cứng cơm, vỏ hột lúa và cây lúa đều màu trắng.

- Lúa Bã á đạo thì hột gạo to màu trắng, cọng lúa mềm có lông.

- Lúa Tuyết lý đống thì hột không có lông mà cây lúa thấp, tháng 5 trồng, tháng 7 chín.

- Lúa Sự hộ đạo thì trồng vào tháng 4.

- Lúa Ải-bạch thì hột gạo màu đỏ, vỏ hột lúa màu trắng có lông, đầu tháng 5 trồng, tháng 8 chín.

- Lúa Tảo-bạch, ở Tùng-giang người ta gọi là lúa Tiểu-bạch, chín vào tháng 9.

- Lúa Vãn-bạch, lại gọi là lúa Lư-hoa bạch,ở Tùng-giang người ta gọi là lúa Đại-bạch, tháng 3 trồng, tháng 6 chín.

- Lúa Mạch dương-trường (lúa mạch ruột dê), cấy lại [57b] mà chín muộn.

- Lúa Ô-khẩu (lúa mỏ quạ) ở Tùng-giang, màu đen mà chịu nước và khí hàn, lại gọi là lúa Lãnh thủy kết, đó là thứ lúa thượng hạng.

Có thứ lúa ngọn đã gặt rồi, gốc lại mọc lên cây và kết hột một lần nữa, gọi là lúa Tái-thục (chín hai lần), lại gọi là lúa Tái-liêu (lấy lần thứ hai), hột gạo trắng mà to, tháng 4 trồng, tháng 8 chín.

- Lúa Trung-thu ở Tùng-giang, thứ chín vào lúc trăng tròn tháng 8 gọi là lúa Tảo trung thu, lại gọi là lúa Nhân tây phong (nhân gió tây), hột gạo màu trắng, hột lúa màu tía, tháng 5 trồng, tháng 9 chín.

- Lúa Tử-mang (lúa lông màu tía), rất dễ trổ bông.

- Lúa Hạ mã khán (lúa xuống ngựa mà xem) lại gọi là lúa Nhất triêu khán (lúa xem một buổi sáng) ở Tùng-giang hột nhỏ, có tính mềm, có hai loại:

1) Lúa lông hồng.

2) Lúa lông trắng, chín vào tháng 7.

- Lúa Hương-canh, hột nhỏ mà có đốm. Lấy 30 hay 50 hột gạo thứ nầy bỏ vào mấy đấu gạo khác đem nấu thì nghe mùi thơm ngon. [58a]

- Lúa Hương-tử ở Triều-châu, một giẻ lúa có hơn một trăm hột.

- Lúa Tam tụy tử, dùng để nấu cơm mà ăn hay gầy rượu thì được nhiều gấp bội.

- Nếp Kim-thoa, hột gạo màu trắng có tính mềm, tháng 5 trồng tháng 10 chín.

- Nếp Dương-chi (nếp mỡ dê), hột lúa có lông dài nhiều đốm trắng, hột gạo trắng, tháng 5 trồng, tháng 9 chín.

- Nếp Yên-chi[1478], ở Thái-bình gọi là nếp Chu-sa, màu sắc có đốm trắng, tháng 5 trồng, tháng 10 chín.

- Nếp Hổ-bì (nếp da cọp), hột gạo rất dài, vỏ lúa màu trắng, tháng 4 trồng, tháng 7 chín.

- Nếp Tảo-trần, cũng gọi là nếp Chỉ, hột gạo to màu trắng, tháng 4 trồng, tháng 9 chín.

- Nếp Ải cũng gọi là nếp Ải nhi (nếp thằng lùn), vỏ lúa màu vàng, lông màu đỏ, lúc lúa đã chín mà cây lúa còn hơi xanh, thích hợp với ruộng tốt, tháng 4 trồng, tháng 9 chín.

- Nếp Thanh-cán (nếp cây xanh), hột gạo to màu trắng, hột lúa có lông dài mà chín rất sớm, màu sắc dễ biến đổi, nhưng [58b] gầy rượu ngon nhất.

- Nếp Lô-hoàng (nếp bông lau vàng), hột gạo tròn màu trắng mà vỏ hột lúa màu vàng, trời nắng to thì gặt được, không nên gầy rượu.

- Nếp Thu-phong (nếp Gió-thu) có thể thay lúa tẻ đem nộp thuế, lại gọi là nếp Cách, ở Tùng-giang người ta gọi là nếp lãnh-lạp (hột gạo lạnh), không chịu được gió mưa, tháng 4 trồng, tháng 8 chín.

- Nếp Tiểu-nương (nếp cô gái bé) ở Triều-trâu, màu đen mà thơm.

- Nếp Ô-hương (nếp đen thơm), lông như bờm ngựa, màu đỏ.

- Nếp Xích mã tông (nếp bờm đỏ ngựa)

Đất 12 tổng huyện Đông-thành trấn Nghệ-an đều là cát, theo thói tục, nhân-dân làm ruộng mỗi năm chờ tiết Mang-chủng (mùng 6 mùng 7 tháng 6) báo-hiệu, thì cày xới đất lên, gieo rải hột giống rất rậm, trong ngày ấy lại bừa qua, cát và hột giống lẫn lộn nhau, chẳng bao lâu hột giống mọc mầm, được nước mưa rưới tưới, đất cát bồi vun, cây mạ tươi tốt như cỏ dồi-dào, lại bừa qua một lần nữa không câu-nệ là đã có mạ, bừa như thế không hại mạ mà có thể trừ cỏ.

Lúc lúa chín, thu [59a] gặt xong, gốc rạ mục nát không phải cắt, để bón ruộng càng tốt, hoặc bừa qua một lần nữa cho rơi ngã xuống đất, hột lúa lại mọc lên, mạ lúa không đợi phải gieo trồng.

Một nhà một con trâu cày hơn mười mẫu ruộng, thật không tốn công mấy.

Ở Nghệ-an, ven theo bờ biển cách nước Chiêm-thành mấy trăm dặm, còn nước Chiêm-thành cách nước Chân-lạp, đường đi phải nửa tháng.

Xem sách Chân-lạp phong thổ ký[1479]thì biết nước Chân-lạp và đất Nghệ-an đại lược không khác nhau về phong-thổ.

Nước Chân-lạp, nữa năm có mưa, nửa năm không mưa. Từ tháng 4 đến tháng 9, mỗi ngày sau giờ ngọ (12 giờ trưa) thì đổ mưa. Từ tháng 10 đến tháng 3, một giọt cũng không có.

Người cày cấy chỉ rõ: Đến lúc nào lúa chín thì lúc bấy giờ nước sẽ tràn đến chỗ nào, tùy theo cuộc đất mà gieo trồng.

Nay vùng phía trên Nghệ-an mỗi năm đến tháng 5 thì mưa nhiều, đến tháng 6 thì nước lụt tràn ngập, [59b] đến đầu mùa đông (tháng 10) trời mới tạnh, nước mới rút.

Tục lệ ở huyện Hương-sơn thuộc tỉnh Quảng-đông, người ta chỉ lấy số thóc nộp thuế nhiều hay ít của miếng ruộng làm lượng độ, chớ không lấy số mẫu của miếng ruộng làm lượng độ. Hỏi ruộng được bao nhiêu thì nói: “Nộp thóc được bao nhiêu? ” Chớ không nói: “Ruộng được bao nhiêu mẫu? ”

Ở nước ta thời tiền triều chưa làm sổ Tu tri điền bộ, chưa định mẫu sào trượng thước. Người ở Kinh-bắc Hải-dương chia ruộng cho con cháu cũng nói: “Một sở ruộng ở mỗ xứ mỗ xã được lúa bao nhiêu gánh” mà không nói: được bao nhiêu mẫu” .

Sách Kinh Sở tuế thì ký[1480] chép: Tháng trọng đông (tháng giữa mùa đông là tháng 11) sương xuống, người ta đem rau quỳ củ cải và các thứ rau lặt vặt phơi khô mà làm dưa.

Chú-thích: Ngày nay người nước Nam làm dưa, lấy nếp rang giã làm thành bột (gọi là thính) và nghiền mè [60a] lấy nước mà gầy dưa, lấy đá dần cho chín thì dưa đã ngọt bở và nước cũng đều chua ngon.

Sách Thảo mộc trạng chép: Dây củ-tương (dây trầu) là dây tất-bạt (cũng một loại trầu), sinh-sản ở nước Phiên thì to mà màu tía thì gọi là cây tất-bạt, sinh sản ở Phiên-ngung thì nhỏ mà xanh gọi là dây củ-tương. Vì có thể ăn được cho nên gọi là tương.

Nhà người ở Cửu-chân quận Giao-chỉ thường trồng cho bò leo lên cây khác, thứ đó tức là lá lốt cũng có thể nấu ăn mà không thể làm tương được, rất giống với dây trầu.

Có người cho hai thứ dây nầy là một thì lầm.

Lá trầu cay không thể làm dưa (tương).

Nhưng sách Ích bộ phương vật lược ký[1481] của Tống-Kỳ[1482] có nói: Dây củ-tương như vương-qua (dưa chuột) dày mà trơn, trái như trái dâu, mọc leo lên cây khác, trái lúc chín thì ở ngoài đen, ở trong trắng, dài ba bốn tấc, ngâm mật để được lâu, ăn ngon thơm, ôn nhuần ngũ tạng làm dưa, hòa với các món khác rất ngon, tục gọi là dưa chuột. Hình trạng hoàn-toàn khác với cây tất bạt.

Tống-Kỳ lại nói: “Có người bảo đó là dây trầu” . Nói như thế là lầm.

Tống-Kỳ lại nói: “Nó mọc leo lên dây khác, ra trái như trái dâu, có người bảo là dây trầu (phù lưu)” . Nói như vậy cũng không phải.

Dây trầu trồng bằng gốc (chớ không có trái hột để trồng) và vốn không có trái.

Người Quảng-châu hễ ăn cau thì ăn phụ thêm lá trầu. Lúc sương xuống nhiều thì trầu ít lá, người ta ăn rễ trầu với vôi.

Trầu tức là dây phù lưu.

Sách Thảo-mộc trạng chép: Úng thái (rau muống) có tính đạm, vị ngọt. Người Nam kết cỏ lau làm bè chừa lỗ nhỏ cho nổi trên mặt nước, rồi trồng hột rau muống ở trong bè ấy như bèo nổi trên mặt nước. Khi rau muống lớn lên, cây và lá đều [61a] mọc lên ở lỗ bè. Đó là thứ rau kì lạ ở phương Nam.

Sách Quảng-đông tân-ngữ chép: Ở Quảng-châu cứ 10 khu ao hồ, thì 3 khu nuôi cá, 3 khu trồng ấu, trồng sen, trồng bông súng, còn 4 khu còn lại thì gọi là ruộng rau muống, lấy bè thả vào cho lên xuống theo mặt nước để trồng rau muống, gọi là phù điền (ruộng nổi để trồng rau muống).

Rau đó tức tục gọi là rau muống, đại để giải hết các thứ độc, cho nên cả nước đều trồng mà ăn.

Ở Quảng châu có thứ hải thái (rau biển), một tên nữa là thạch-hoa (bông đá) để làm rượu hải tảo (rượu rong biển) trị chứng anh khí (bịnh mạch lươn ở cổ), để làm đường hổ phách trừ chứng thượng tiêu phù nhiệt.

Người ở Quỳnh-châu hái thứ rau này mỗi năm bán được muôn vàng.

Sách Lĩnh-nam tạp ký chép: Yến sào (ổ chim én) có mấy thứ:

1) Thứ màu trắng có sợi như tế ngân ngư (cá bạc nhỏ) sạch-sẽ trong-trắng dễ thương.

2) Thứ màu vàng kém hơn, ở trong có màu hồng có thể trị được bịnh huyết lỵ (bịnh kiết có máu).

Thứ trắng hợp với lê và đường phèn [61b] đem chưng mà ăn có thể trị được chứng cách đàm.

Sách Quảng-đông tân-ngữ chép:Chim én ăn phấn đá ở bờ biển, nhả chất ấy làm ổ đóng kết ở vách núi. Người ở hòn (hòn đảo) chờ chim én bay đi trong mùa thu, mới làm cây sào có lưỡi liềm đến đấy mà lấy.

Hải phấn có tính hàn (lạnh) và vị mặn được chim én nuốt vào và nhả ra thì trở thành ấm và ngọt, hình và chất đều biến hóa hết cả, cho nên có thể thanh đàm khai vị.

Yến sào (ổ chim én) có hai thứ: màu đen và màu trắng. Còn thứ màu đỏ thì khó được. Bởi lẽ chim én thuộc hỏa, yến sào thứ đỏ thật là tinh dịch của chim én.

Củ nâu (Vũ-dư-lương), trong sách Bổn-thảo, Hoằng-Cảnh[1483]nói: “Người Nam gọi một giống dây leo mọc trong ao đầm nơi đồng bằng, lá như lá cây bạt-khế, rễ thành khối, có mắt (đốt), màu đỏ, mùi giống như cây thự-dư (củ mài) là vũ-dư-lương (củ nâu)” .

Lý-Thời-Trân vạch rõ đó là sai lầm và bảo: “Vũ-dư-lương, Thái-nhất-lương, Thạch-trung-lương, ba thứ đều là đá [62a] cả” .

Tổng-quát mà nói, những thức có tên đá dùng làm thuốc hẳn là không thể biết rõ.

Nhưng đây là loại dây mà người ở phương nam thật đã lấy tên vũ-dư-lương mà gọi. Tiếng tục lại gọi sai ra bồ đâu.

Cây xuân[1484] ở trước nhà ông Đỗ-Tuân-Hạc[1485] mọc lên cây cỏ chi. Năm sau ông thi đỗ, ông lấy sơn và phấn trang-sức cây cỏ chi ấy và đặt ở chỗ chiếu ghế gọi là khoa danh thảo (cỏ thi đỗ nên công danh).

Bên nhà ông Trương-Cửu-Linh[1486] có một cây đã chết khô, bị gió thổi bạt gốc lên, người ta xẻ ra để làm vật-dụng, thấy có vân rất kỳ lạ.

Người ta cho ông là đứng đầu về văn-học trong một thời, mới gọi cây khô ấy là văn chương mộc (cây văn chương).

Sách Dã nhân nhàn thoại chép: Có vị đạo-sĩ trao cho Vương-Xử-Hồi trồng cây tinh tiết hoa của tiên gia.

Cây nầy có thể đối với cây văn chương mộc.

Sách Hoa sớ của người nhà Minh chép: Cây chi-tử (cây dành dành), sách Phật kinh gọi là chiêm-bặc, thứ cánh đơn có sáu cái, hột dùng làm [62b] thuốc, và nhuộm đồ, thứ cánh kép thì hoa to mà trắng, mùi hương thật không tao nhã.

Cây xương-bồ, lấy loại một tấc chín đốt làm thứ báu, lấy loại râu cọp làm thứ quý, loại mọc trên đá chỗ suối nước thì thật có tiên khí.

Tô-Đông-pha có câu thơ:

六花詹蔔林間佛

九節昌蒲石上仙

Lục hoa chiêm-bặc lâm gian Phật

Cửu tiết xương-bồ thạch thượng tiên.

Dịch nghĩa

Hoa dành-dành sáu cánh là Phật trong rừng,

Cây xương-bồ chín mắt là tiên trên đá ở suối nước.

Ở Lăng cổ-pháp của triều Lý huyện Đông-ngàn tỉnh Bắc-ninh, trong rừng có một giống cây thự-dự (củ mài), củ nhỏ chỉ bằng ngón tay, da mịn và mỏng, mùi vị ngọt ngon.

Tương truyền họ Lý dựng nước lấy giống củ mài này ở bên Tàu đem về trồng ở đây.

Nay hàng năm từ tháng 2 đến tháng 4 người ta tìm lấy để dâng lên vua.

Củ mài sản-xuất ở chỗ khác thì to, nhiều nhớt mà phong vị thì kém xa.

Phép bào-chế củ mài: Cạo sơ bỏ lớp vỏ, lấy vải thô lau chùi, đừng nhúng vào nước, ban đêm phơi gió, ban ngày phơi nắng thì củ mài tự nhiên hoàn-toàn trắng tinh, làm thuốc thì sao mà dùng.

Có thứ củ mài do thuyền buôn người Tàu đem đến, đó là thứ sản-xuất ở [63a] núi Hiển-sơn phía nam huyện Tương-dương tỉnh Hồ-bắc cũng không tốt bằng.

Thơ của Lão-Đỗ (Đỗ-Phủ) có câu:

黄獨無苗山雪盛

Hoàng-độc vô miêu sơn tuyết thịnh

Dịch nghĩa

Củ hoàng-độc không mọc mầm vì tuyết trên núi nhiều.

Theo sách Bản-thảo củ Hoàng-độc có một tên nữa là thổ-vụ lại gọi là thổ-noãn, mọc leo lên cây khác, củ màu trắng, vỏ màu vàng, người đời Hán gọi là củ hoàng-độc, trong những năm đói kém, người bản-thổ đào lấy củ nầy làm lương-thực mà ăn.

Nay ở Thanh-hoa tục gọi là củ cáo, con trẻ và sản-phụ không ai lại không nấu mà ăn, nào có độc gì.

Sách Thực-vật bản-thảo lại chép: Ở Việt-trung cỏ một loại củ, củ lớn như trứng ngỗng, củ nhỏ như trứng gà trứng vịt, hấp mà ăn rất ngọt ngon gọi là củ điềm-thự, sách Bổn-thảo gọi là củ cam-chư, nay tục gọi là củ từ.

Tục nước ta, hễ rễ loài cỏ ăn được đều gọi là củ.

Sách Thảo-mộc trạng chép: Cam-chư thuộc về loại thự-dự, rễ và lá như rễ lá khoai, trái như nắm tay lại to như cái [63b] ô, vỏ màu tía mà thịt màu trắng, người ta hấp mà ăn.

Người ờ vùng biển đào đất trồng cây cam-chư này, mùa thu thì chín, người ta thu lấy hấp mà ăn, xắt nhỏ như hột gạo, tích trữ ở kho vựa làm lương-thực mà ăn thì sống lâu hơn trăm tuổi.

Sách Thực-vật bản-thảo chép: ở Việt-trung có một thứ củ, hình-trạng như gan heo, củ to nặng hơn 10 cân, củ nhỏ nặng bốn năm cân. Đấy tức tục gọi là củ khái mật xắt ra trộn với gạo nếp hấp mà ăn đều ngon.

Sách ấy lại chép: Có một thứ củ nữa, vỏ màu hồng, ăn sống có vị ngọt, gọi là củ hồng-thự, cũng gọi là củ phiên-thự, nấu ăn có vị ngon, trị được chứng động phong, phát sang, lãnh tỳ. Củ đó tục gọi là củ lương. Thứ củ nầy nước Lữ-tống (Luçon) đem đến vào cuối đời Minh.

Sách Lĩnh-nam tạp chí chép: Củ phiên-thự có hai loại: hồng và trắng, có thể xắt nhỏ phơi khô làm lương-thực, [64a] lại có thể chế làm bột.

Sách Quảng-đông tân ngữ chép: Khoai nấu là món ăn phụ cho cơm gạo.

Khoai xứ Quảng có 14 giống, lại gọi là đại-mễ (gạo lớn, có củ to). Các thứ khoai cũng thế.

Hoa cây lăng (cây ấu) nở trái với hướng mặt trời.

Hoa cây kiệm (cây bông súng) nở hướng theo mặt trời.

Cho nên cây lăng (cây ấu) thì hàn, mà cây kiệm (cây bông súng) thì ấm.

Trần-Úc đời Tống nói: “Củ bột-tề, một tên nữa là ô-vu, một tên nữa là địa-lật, tán nhỏ mà uống trừ được chứng cổ độc[1487] và tiêu tan được chất đồng. Nước Việt nước Sở sản-xuất củ nầy nhiều nhất” .

Tục nước ta gọi củ này là củ năn, củ do nước ta sản-xuất thì nhỏ không bằng như của nước Tàu mà có thể ăn được.

Hột sen bỏ vào trong nước thì chìm, bỏ vào trong nước mặn thì nổi.

Khi nấu muối người ta dùng hột sen để thử muối, hễ thấy hột sen nổi lên thì biết muối dùng được.

[64b] Củ tì-giải có hai thứ: vàng và trắng. Thứ vàng thì cứng, thứ trắng thì mềm, tục gọi là củ kim-cương.

Củ thổ phục-linh có hai thứ: đỏ và trắng. Thứ trắng mới tốt, tục gọi là củ khúc-khắc.

Sách Hương-phổ chép: Bạch mao hương (cây sả) nấu nước tắm thì người được thơm tho, nấu nước uống thì trị được chứng đau bụng lạnh, sinh-sản ở nước An-nam. Nhà đạo-gia lấy củ sả nấu nước tắm gội.

Giáng chân hương (đốt hương nầy thì thần tiên giáng xuống) chủ trị bịnh thời khí do trời ban hành. Trong nhà có quái dị đốt giáng chân hương thì trừ được. Con trẻ đeo giáng chân hương thì trừ được khí tà.

Tước đầu hương tức hương phụ tử ở Giao-châu thì tốt nhất, nó hạ khí trừ nhiệt. Hợp với các thứ hương khác mà dùng thì tốt.

Sách Vong hoài lục chép: Cỏ vân, người xưa gọi là vân-hương, để vào trong sách vở thì trừ được mọt, để vào trong chiếu thì trừ được rệp. Lá vân-hương giống lá cây tiểu-đậu, mọc thành bụi nhỏ, trong mùa thu, trên lá sinh ra tí phấn trắng, [65a] người Nam gọi là thất-lý-hương (hương thơm tỏa ra bảy dặm).

Giống cỏ nầy người ta đứng cách mười bước đã nghe thơm, từ mùa xuân đến mùa thu không dứt.

Sách Bổn-thảo gọi cỏ ấy là cây sơn-phàn.

Các nhà chú-thích tranh biện không đồng nhau.