Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 9 - Chương 09

Sách Hương-phổ chép: Vân thảo giống như cỏ tà hao trừ được giống mọt trong giấy, cho nên người ta đem cất ở thư đài (nhà chứa sách) và nhà chứa sách được gọi là vân đài.

Sách Thư truyền chinh ngộ chép: Người ta cho thứ hoa bách nhật hồng (nở hồng đủ một trăm ngày) nở vào tháng 6 là hoa tử-vi. Thứ hoa này có hai màu: màu hồng và màu tía, cây cao được một tầm một trượng, vỏ mỏng mà trắng, hoa nhiều mà nở loét ra cũng thơm nồng dễ thương. Ngày nay mọi nơi đều có thứ hoa nầy.

Hoa cúc kể có đến hàng ngàn giống, sắc hoa không giống nhau.

Sách Ngũ tạp trở chép: Lúc nhụy hoa cúc sắp nở, lấy sáp bịt miệng hoa lại, qua lúc ấy lấy nước nóng nhỏ vào thì sáp tan, hoa nở rộ một lần, hương thơm nồng [65b] nực, càng là kỳ phẩm.

Sách Phong song tiểu độc chép: Hoa mồng gà (kê quán hoa), người ở Biện-trung gọi là tẩy thủ hoa (hoa rửa tay). Trước tiết Trung-nguyên, con trẻ tranh nhau mua để cúng tổ-tiên. Ngày nay tục gọi là hoa tử-hiện.

Sách Lĩnh nam tạp ký chép: Cây tiên-nhân-chưởng (tay người tiên) người ta trồng ở bờ ruộng để ngăn trâu bò đạp vào ruộng, người ta trồng ở đầu tường để trừ hỏa tai.

Loại cây này không có cành lá, thân cây màu xanh non, giẹp và dày có gai, mỗi từng có mấy nhánh mọc tẽ ra, thật trông không đẹp tí nào.

Mũ cây này vào mắt khiến người ta đau mắt.

Cây nầy ngày nay người ta gọi là cây xương rồng.

Súc sa sản-xuất ở trấn Thái-nguyên, tượt nó giống như tượt gừng, trái nó giống như trái bạch đậu khấu (tức là cây sa-nhân).

[66a] Cây hậu phác được chú-thích là mọc ở nước Giao-chỉ, nay tục gọi là cây vối, người ta hái hoa và cành cây này để nấu nước uống.

Sách Quế hải ngu hành chí chép: Trái cây niêm to như ngón tay, màu xám, tức tục gọi là cây sâm truật, ưa mọc trên núi, người ta thường hái trái đem bán. Trái này có thể trị bịnh ỉa kiết. Trị bịnh ỉa thì lấy trọn vỏ, trị bịnh kiết thi bỏ vỏ lấy hột, sắc thành thuốc thang mà uống thì đều rất hay.

Sách Tiềm đối loại thư chép: Nhân-sâm sản-xuất ở hốc núi Thượng-đảng. Các châu ở Liêu-đông đều có nhân-sâm nhưng không bằng ở Thượng-đảng.

Lục-Vũ[1488] nói: Sâm thượng hạng sản-xuất ở Thượng-đảng, sâm hạng trung sản-xuất ở Bách-tế Tân-la, sâm hạng chót sản-xuất ở Cao-ly.

Nay người Tàu phần nhiều quý sâm Liêu-đông mà rẻ sâm Thượng-đảng, vì ở Thượng-đảng đã không còn sâm nữa.

Thứ sâm ấy sản-xuất ở Kế-châu do nhà nông trồng, màu hồng trắng khá xinh nhưng rất lạt không mùi vị, một lượng chỉ đáng ba tiền.

[66b] Những xã Phù-lưu Tiên-lễ ở châu Bố-chính trấn Nghệ-an có sản-xuất nhân-sâm, trong khoảng tháng 4 tháng 5 cây nhân-sâm nở hoa tía, người ta tìm lấy củ sâm rửa qua, chưng sơ, cạo qua loa, ban ngày thì phơi, ban đêm thì sấy.

Thứ sâm nầy cũng có rằn ngang không khác gì với sâm bên Tàu.

Vị của sâm nầy thanh và ngọt dùng để làm cho sinh tân-dịch trong cơ-thể, bổ khí rất có công-hiệu.

Sâm sản-xuất ở làng Sóc-sơn trấn Thanh-hóa thì hoa màu vàng trắng, vị thơm ngọt nhưng niêm-lực mỏng không bằng sâm Nghệ-an.

Ở Kinh-bắc và Phượng-nhỡn cũng có sâm.

Nhưng sâm Nghệ-an không quý lắm, một lượng chỉ trị-giá 30, 40 tiền.

Sâm bên Tàu do khách thương đem đến thì khí-chất hoàn-toàn đã biến đổi, một lượng trị-giá đến 80 quan, về sau lại lên đến 150, 160 quan, Bậc công-hầu hoàng-tộc dốc tiền ra mua.

Tôi bảo: Như thế cũng chỉ là chán gà nhà thích le-le đồng vậy thôi.

Sản-vật tốt phần nhiều sản-xuất ở vùng Đông- [67a] nam. Cùng núi ven biển đều là kho-tàng của trời đất.

Liêu-đông, Cao-ly, Tân-la đều là đất cực đông cho nên sản-xuất nhân-sâm.

Châu Hoan châu Thuận ở nước Giao-chỉ là đất cực nam, cho nên trầm hương, tốc hương, đàn hương, quế đầy dẫy cả rừng núi.

Vậy việc sản-xuất nhân-sâm lại có đáng gì là lạ đâu mà cứ cho sâm bên Tàu mới là thứ thiệt, còn trầm hương, tốc hương, đàn hương và quế cũng phải đòi cho được thứ ở hải-ngoại do thuyền tàu chở sang nữa hay sao?

Thứ sâm Tây-dương do thuyền biển chở vào, nay người Tàu cũng ưa thích, một cân có khi giá đến 10 lượng bạc.

Tôi đã từng uống thứ sâm ấy, thật đã thấy khô chát vô vị, nào có ích lợi gì cho khí lực đâu.

Gần đây người ở Hàng-châu viết sách Bổn-thảo tùng tân có khen sâm Tây-dương có thể bổ phế (bổ phổi), giáng hỏa (hạ nhiệt), sinh tân dịch trong cơ-thể, trừ phiền muộn cũng là quá khen vậy.

[67b] Sản-vật tốt phần nhiều sản-xuất ở phương Nam, hương liệu, dược-phẩm hoa quả rau cây có thứ bên Tàu không có.

Từ khi nhà Hán khai-thác đất Giao-châu, tìm-tòi những thứ trân kỳ thì các thứ lạ lùng thơm-tho đã bày la-liệt ở thiên-phủ (phủ tàng của triều-đình).

Sách Thảo-mộc trạng do Kê-Hàm thuật vào thời Tây-Tấn, tuy thu thập chưa được rộng-rãi, đại-lược cũng là đủ.

Những sách Quảng-châu chí, Ích-bộ ký, Quế-hải chí và các sách phổ biến đều là hạng hậu tấn của sách ấy.

Sách Thảo-mộc trạng của Kê-Hàm chép: Trái cau tươi (tân lang) ăn thì có vị đắng và chát, nhưng chẻ bỏ cái vỏ ra đem nấu chín thì nó như trái táo khô, đem ăn chung với trầu và vôi thì thấy trơn ngon hạ khí tiêu cơm. Người ở Giao-châu và Quảng-châu cho là quý, khi cưới gả thì đem trầu cau ra đãi khách trước nhất, nếu gặp nhau mà không bày trầu cau ra thì người ta sẽ oán hờn. Phong-tục ngày nay cũng còn như thế.

Sách Bổn-thảo lại chép: Cau sản-xuất ở Giao-châu thì trái [68a] nhỏ mà vị ngọt. Cau sản-xuất ở Quảng-châu thì trái to mà chát.

Sách Quảng-đông tân-ngữ chép: Ở Quỳnh-châu nhà người dân đều có vườn cau vườn dừa. Đó là sản-vật đất màu-mỡ.

Sách Quế hải ngu hành chí chép: Người Nam ưa ăn cau, lấy bạc lấy thiếc làm cái hộp nhỏ, một cái đựng vôi, một cái đựng trầu, một cái đựng cau.

Sách Quảng tây thông chí chép: Đổng-Phó-Sách có bài thơ về trầu cau:

急脚蠻奴髻半斜

客來提盒手雙叉

檳榔擎出班斕片

灰白蔞青當獻茶

Cấp cước Man nô kế bán tà

Khách lai đề hộp thủ song xoa

Tân lang kình xuất ban lan phiến

Khôi bạch trầu[1489] thanh đương hiến trà.

Dịch nghĩa

1. Đứa tớ người Man nhanh chân đầu tóc nửa lệch,

2. Hai tay bưng cái hộp (đựng trầu cau vôi) ra khi khách đến.

3. Cau bưng ra có miếng màu rằn-ri,

4. Vôi trắng trầu xanh thay cho việc đãi nước trà.

Dịch thơ

Tớ Mán nhanh chân tóc nửa tà,

Hai tay bưng hộp, khách thăm nhà.

Cau màu lốm-đốm bày từng miếng,

Vôi trắng trầu xanh thế nước trà.

Tác-giả tự chú-thích: Người ở Ung-châu và Quảng-châu lấy lá trầu xanh têm vôi với miếng cau mà ăn gọi là thay nước trà khi đãi khách tới nhà.

Sách Quảng-đông tân-ngữ của Khuất-Đại-Quân chép: Ở Quỳnh-châu lúc cây cau bắt đầu trổ hoa chưa kết trái, người ta lấy cọng hoa non mà [68b] ăn để thay nước trà.

Có câu ca dao:

檳榔白白生花

食花蒂當清茶

Tân-lang bạch bạch sinh hoa,

Thực hoa đế đương thanh trà.

Dịch nghĩa

Cây cau bắt đầu trổ hoa trắng trắng,

Người ta lấy đế hoa mà ăn thay nước trà trong.

Dịch thơ

Cây cau trắng trắng trổ hoa,

Cuống hoa ăn lấy thay trà nước trong.

Có câu ca-dao nữa:

檳榔青子初成

食青子當茶清

Tân-lang thanh, tử sơ thành,

Thực thanh tử, đương trà thanh.

Dịch nghĩa

Cây cau xanh, trái mới thành,

Ăn trái xanh thay nước trà trong.

Dịch thơ

Cau xanh, trái mới tượng ra,

Trái xanh ăn lấy thay trà trong veo.

Chuối ở Giao-chỉ có mấy giống:

- Ải tiêu (chuối lùn), trái to, vỏ xanh, vị ngọt hơi chua.

- Thanh tiêu (chuối xanh), trái to, vỏ cũng xanh, thịt trong trái nhiều và dài, vị ngọt hoàn-toàn.

- Phật tiêu (chuối bụt), trái to, vỏ vàng, ngọt nhất.

- Diệp tiêu (chuối lá), trái to, vỏ vàng, vị hơi ngọt.

- Ô tủy tiêu (chuối mỏ quạ), trái như trái chuối lá mà dài, hơi chua.

- Mộc diệp tiêu (chuối lá cây), trái nhỏ, vỏ vàng lợt, thịt bở, ngọt nhất.

- Miêu nhĩ tiêu (chuối tai mèo), trái nhỏ mà dài, vỏ đỏ, vị lạt.

- Hột tiêu (chuối hột), trái rất to, vỏ có chỗ xanh chỗ vàng, thịt trong trái có nhiều hột, ngọt nhất.

- Sơn tiêu (chuối núi), cây thấp nhỏ hơn chuối lùn, người ta ít được ăn trái.

Những giống chuối kể [69a] trên, cây lá và trái không giống nhau, được người ta thường trồng.

Sách Thảo-mộc trạng chép về chuối hơi chưa rõ ràng.

Sách Tạp-trở của Tạ-Tại-Hàng chép: Chuối phiên tiêu giống như chuối phụng vĩ mà nhỏ hơn, trồng nó sẽ trừ được hỏa-hoạn.

Sách Quảng-đông tân-ngữ chép: Người ở Tây-châu thuộc Tăng thành thường trồng chuối, ba bốn năm liền đốn hết chuối để trồng mía trắng. Mía được đất đã trồng chuối mọc rườm-rà ngon ngọt tốt đẹp.

Trồng mía được một hai năm, đổi lại trồng chuối, trồng xen kẽ với khoai thì đều được thơm ngon.

Chuối với mía trồng thay đổi nhau, khí vị hợp nhau hơn ở chỗ khác.

Sách Quảng-đông tân-ngữ chép: Lá cây chung, hình-trạng giống như lá chuối, lúc còn tươi dùng để gói bánh nếp, lúc đã khô dùng [69b] để bao lót đồ, bịt miệng hũ, cất đồ vật được lâu, chôn xuống đất ngàn năm không hỏng, có thể dùng để chùi đánh ngà voi cho trơn bóng. Tính ra các thứ lá dùng ở Việt-trung thì lá chung được dùng nhiều nhất.

Cho nên bài Trúc chi tư (bài từ cành trúc) có câu:

五月街頭人賣葉

卷成片片似巴蕉

Ngũ nguyệt nhai đầu nhân mại diệp

Quyển thành phiến phiến tự ba-tiêu.

Dịch nghĩa

Tháng năm ở đầu đường người ta bán lá,

Từng tấm cuốn lại giống như lá chuối.

Dịch thơ

Tháng năm bán lá đầu đàng,

Giống như lá chuối, cuốn mang từng tờ.

Vẻ đẹp-đẽ của trái lệ-chi (trái vải), người xưa đã khen nào là như hồng tăng[1490], như tử tiêu[1491], như thủy tinh, như giáng tuyết[1492].

Bạch Lạc-thiên (Bạch Cư-Dị) và Thái Quân-mô[1493] đều có ngợi khen ở những sách đồ tự phổ ký.

Nước Nam sản-xuất trái lệ-chi nhiều nhất. Thứ trái lệ-chi ở xã An-nhơn huyện Đường-hào là ngon, ngọt và thơm không thể nào tả được.

Trái lệ-chi ở những chỗ khác cũng ngọt và thơm nhưng không bằng thứ lệ-chi ở xã An-nhơn.

Đầu tháng tư trái lệ-chi chín, cuối tháng tư thì hái đã xong, không để lâu được. Người thích ăn chỉ ăn không quá sáu bảy chục trái. Ăn trái lệ-chi quá nhiều thì bế khí sinh đàm.

Những phổ biên trong sách Thuyết-phu đều lấy từ trái lệ-chi sản-xuất ở đất Mân làm ngon nhất. [70a] Loại trái lệ-chi nầy có thứ Nhất phẩm hồng, thứ Trạng nguyên hồng.

Có bốn giống lệ-chi là Ma-thắng, Bàn-họa, Kê-dẫn, Thước-noãn đều chín vào tháng 7.

Có thứ lệ-chi hột nhỏ như hột đậu, có thứ trái giẹp mà không hột.

Thứ lệ-chi chín vào tháng tư gọi là hỏa-sơn (núi lửa), thịt mỏng vị chua là thứ hạng chót.

Có người chê Tô Đông-pha ăn trái lệ-chi vào tháng tư, bảo Tô Đông-pha chưa từng đến đất Mân, không biết lệ-chi thứ thiệt ở đấy. Trái lệ-chi mà ông đã ăn chỉ là thứ hỏa-sơn thôi.

Sách ấy lại chép: Những người thưởng-thức có kẻ một ngày ăn một hai trái, có kẻ ăn một ngày ba trăm trái.

Tôi thường phụng sứ sang Trung-quốc được các quan đại-phu ở các tỉnh tặng cho ăn trái lệ-chi muối, lại được vua của Trung-quốc ban cho yến tiệc có thứ lệ-chi khô. Trái và hột lệ-chi không khác gì thứ lệ-chi ở nước nhà.

Sách Hoa-mộc ký chép: Có mười thứ trái nại, có thứ gọi là Tần-bà, ở Yên-kinh nhiều nhất.

Lệ vua ban yến cho [70b] các sứ-thần nước phiên sang cống có trái nại thứ tròn mà to, vỏ xanh, thịt trắng, vị ngọt thanh, hột nhỏ như hột trái khế. Đó mới thật là thứ ngon.

Sách Sơ-học ký không có tên trái nại.

Cây cỏ nước Nam như dưa hấu (tây-qua) ở thành Cổ-lộng tại La-khê, cà ở xã Đại-lữ tại trại An-lãng, khoai ở bến Đông-dư, củ mài ở lăng Cổ-pháp, lệ-chi (trái vải) ở làng An-nhơn, trái bưởi ở xã Đông-lao đều là thứ thượng hạng vì thích-hợp với phong-thổ ở đấy.

Sách Nhất-thống chí chép: Nước An-nam sản-xuất trái ba-la-mật (trái mít) to như trái đông-qua (trái bí), vỏ có gai mềm, tháng 5 tháng 6 thì chín, vị rất ngọt thơm, hột có thể nấu ăn rất bổ-dưỡng con người. Mít sản-xuất ở Gia-lâm thì ngon nhất. Nay hỏi người bổn-thổ ở đấy thì họ bảo là không ngon, mà mít trồng ở Đông-ngạn ở Cổ-loa ngon hơn.

[71a] Sách Quy-điền lục chép: Ở khoản châu Đường châu Đặng có nhiều giống hồng to (đại sĩ). Trái lúc mới ra thì chát và cứng như đá. Lấy một trái minh tra hay trái ôn-bột cũng được, để chung vào trong một trăm mười trái hồng thì trái hồng chín đỏ mềm như bùn mà ăn được ngay. Người bổn-thổ gọi là hồng sĩ (giú hồng), không phải dùng lửa để giú cho chín mà dùng cách như thế.

Ở nước ta, hai trấn phía tây-bắc (Sơn-tây và Kinh-bắc) có nhiều hồng. Người bổn-thổ hái trái để vào trong rổ tre, lấy lá xuyên-luyện giú vài ngày thì trái hồng chín đỏ, gọi là hồng giú.

Ngâm hồng vào trong nước để trừ vị đắng vài ngày thì trái hồng chín mềm, gọi là hồng tẩm (hồng ngâm).

Những phương pháp nầy đều thích-nghi cả.

Xem xét ở sách Bổn-thảo thấy chép: Giú hồng để vào trong hũ cho hồng tự nhiên chín đỏ gọi là hồng sĩ (hồng đỏ), phơi hồng ra nắng cho khô gọi là bạch sĩ (hồng trắng), lấy lửa sấy hồng cho khô gọi là ô sĩ (hồng đen), ngâm hồng trong nước gọi là lâm sĩ (hồng ngâm).

Phương-pháp từ xưa đến nay không khác nhau.

[71b] Phương-pháp làm hồng trắng: gọt vỏ, đè nhận cho giẹp, ban ngày phơi nắng, ban đêm phơi sương cho đến khi hồng khô có phấn trắng gọi là sĩ bính (bánh hồng). Nay ở phố Thiên-tân thứ hồng trắng này rẻ lắm, một cân chỉ đáng giá mười tiền. Đến Đài-trang hồng trắng nầy đã đắt đến 18 tiền một cân. Từ Dương-châu trở về nam giá hồng trắng đắt gấp bội.

Cây bễ sĩ (cây cậy) được sách Bổn-thảo chú thích: Cây bễ sĩ như cây sĩ (cây hồng) nhỏ mà thấp, trái giã nhỏ ngâm nước gọi là sĩ tất (sơn cậy), có thể dùng để nhuộm quạt lụa và các món khác.

Đó tức tục nước ta gọi là cây cậy, cây cũng không thấp. Lúc trái cậy còn xanh, người ta hái ngâm nước, lấy nước ấy nhuộm quạt.

Để một khối sắt vào, nước cậy có màu đen nhánh.

Trái cậy không hái để chín giống như trái hạnh, màu vàng, ăn cũng ngọt ngon nhưng có nhiều hột.

Lý-Thời-Trân nói: “Trái cậy chín cũng có màu xanh đen, hoặc là một giống khác” .

Lại theo sách Giới am mạn bút chép: [79a] Hồng thứ lớn thứ nhỏ có rất nhiều loại, có thứ hỏa bồn sĩ (hồng hỏa bồn) to mà giẹp, có thứ phương sĩ (hồng vuông) có bốn cạnh hay sáu cạnh, có thứ can nhương (hồng khô) không có hột rất ngon, có thứ hỏa châu (hồng hỏa châu) nhiều hột không ngon, có thứ lục sĩ (hồng xanh) là thứ hạng chót.

Những loại hồng này đều không chép vào sách Bổn-thảo.

Quít (quất) và bưởi (dụ) thấy chép ở thiên Vũ-cống trong kinh Thư và chép trong sách Chu-thư, đó là thức trân quý ở phương Nam đầu tiên được đưa vào Trung-quốc.

Nước Giao-chỉ thuộc nhà Hán có đặt một vị trưởng quan coi về quít hàng năm dâng cống cho vua.

Sách Hán-thư chép: Ở Giang-lăng được một ngàn cây quít thì được phong ngang với tước Thiên-hộ-hầu.

Lý-Hành để lại cho con một ngàn cây cam quít (mộc nô, tên riêng của cam quít) khi cam quít được dồi-dào, mỗi năm hoa lợi được bằng mấy ngàn tấm lụa.

Mối lợi về quít lớn-lao là như thế.

Trái lê ở nước ta và ở Quảng-tây vừa thô vừa chát. Lê ở Giang-nam hơi mềm. Bắc-trực, Hà-giang sản-xuất [79b] thứ hương lê to như nắm tay, vỏ màu vàng trơn bóng, vị ngọt thanh.

Tôi còn nhớ ở Trác-châu, nửa đường mệt khát, được mấy trái lê liền ăn ngay, lúc ấy cho là quỳnh tương ngọc dịch (thức nước quý như ngọc của thần tiên dùng) cũng không hơn được.

Mía và chuối sánh với lê chỉ là hạng tôi đòi.

Tay gọt vỏ lê mà suốt ngày còn nghe mùi thơm.

Sách Thanh dị lục chép: Ở Kiến-nghiệp, có người ở nhà quê trồng lê khoe vị ngọt của lê, gọi lê là mật phụ[1494], người trồng đào cậy sắc trái đào, gọi đào là sáp huynh[1495].

Ở Giang-hữu có nhiều tùng thái (một thứ rau). Người bán măng tre ghét thứ rau ấy, mắng nó gọi là tâm tử thái, bởi vì rau là hạng tôi thiếp của măng.

Nước Nam, cam cũng có nhiều giống:

- Liên cam (cam sen).

- Nhũ cam (cam vú), vỏ sần, vị rất ngọt.

- Trừng cam, vỏ mỏng trơn bóng, vị ngọt hơi chua.

- Sanh cam (cam sành), vỏ dày, vị chua.

- Mật cam (cam mật), [73a] vỏ mỏng vị ngọt.

- Chỉ cam (cam giấy) tức kim quất (quít vàng), vỏ mỏng nhất màu hồng dễ thương, vị chua.

- Động-đình cam (cam Động-đình), trái to nhất, vỏ dầy nhất, vị chua nhất.

Bài Quy điền lục của Âu-công chép: Muốn để quít vàng được lâu thì giấu nó vào trong đậu xanh, trải qua thời-gian lâu quít không biến đổi, bởi vì quít tính nhiệt mà đậu tính hàn cho nên có thể giữ được lâu.

Trái củ-duyên, sách Thảo-mộc trạng chép: Hình-trạng nó giống trái dưa, vỏ nó giống vỏ cam mà màu vàng rất thơm, thịt rất dày màu trắng như trái lô-phục, thợ khắc hình hoa chìm giầm vào mật ong trông rất đẹp-đẽ khéo-léo. Đó tức là trái hương-viên, tục gọi là trái thanh-yên, người ta ăn vào thì tỉnh-táo khỏi chứng chóng mặt.

Mộc-qua (đu đủ), người Tàu hái trái đu-đủ dùng làm thuốc. Người Nam gọi là cây đu-đủ, hái trái [73b] ngào mật hay bẻ trái chín ăn tươi, vị nửa ngọt nửa chua.

Sách Thanh dị lục chép: Trái đu-đủ có tính bồi-dưỡng phần hạ bộ cơ-thể con người, gân cốt ở chân có đau thì ăn trái đu-đủ mà chữa, cho nên gọi là thiết cước lê (trái lê làm cho chân cứng như sắt).

Sách Hoa mộc ký chép: Đu-đủ có 5 thứ khác nhau:

1) Sơn mộc-qua (đu-đủ núi).

2) Nhuyến điều mộc-qua (đu-đủ cành mềm).

3) Tuyên-châu mộc qua (đu-đủ ở Tuyên-châu).

4) Hương mộc-qua (đu-đủ thơm).

5) Minh-tra mộc-qua (đu-đủ minh-tra).

Trái hồ-đồi lại gọi là hoàng-bã-nãi.

Sách Bổn-thảo nói: Thân cây hồ-đồi cao sáu bảy thước, cành mềm yếu như dây leo, lá dài hẹp mà nhọn, bề mặt thì xanh, bề lưng thì trắng có những chấm nhỏ, tháng giêng trổ hoa trắng, kết trái nhỏ, dài như trái sơn thù-du, ở trên có những đốm nhỏ, trái sống màu xanh, trái chín màu hồng, trước tiết lập-hạ, người ta hái ăn vừa chua vừa chát.

Sách Phi tuyết lục[1496] chép: Nước An-nam có thứ trái nhỏ màu hồng gọi là trái lô- [74a] đô.

Đó tức tục gọi là trái nhót. Lấy lá nhót sắc thành thuốc thang mà uống thì trị được bịnh ỉa kiết nhiều công-hiệu. Trái nhót đem nấu cá thì chẳng kém gì canh mơ.

Sách Quảng-châu ký chép: Cây quang-lang to chừng bốn năm ôm, cao năm sáu trượng, thẳng suốt không có nhánh, trong lớp vỏ có bột như bột mì, màu đỏ vàng, có cây chứa nhiều đến mấy mươi hộc, ăn nó như bột mì thường không có khác chi hết.

Bài Thục đô phú có câu: Miến hữu quang-lang 麫有桄榔 = Bột mì có thứ mì quang-lang.

Chú-thích: Bột mì quang-lang sản xuất ở Cửu-chân Giao-chỉ, thứ mà tục nước nầy gọi là cây phụng.

Phần Ngô-lục trong sách Bổn-thảo chép: Ở nước Giao-chỉ có cây tương, trong lớp vỏ có bột gạo trắng, đem phơi khô và giã ra và lấy nước nhồi làm bột mì thì có thể làm bánh.

Sách Thục-ký chép: Cây sa, trong lớp vỏ có bột mì trắng độ một thạch[1497], đem mài thành bột nấu cơm ăn thì nhẹ-nhàng trơn mướt đẹp ngon hơn bột quang-lang. Đấy tức tục gọi là [47b] cây bảng.

Hai cây phụngbảng khác nhau, ở núi Mỹ-lương có rất nhiều. Dọc theo núi, nhân-dân thường kết bọn chừng mấy mươi người, mỗi người đem theo ba ngày lương-thực, họ mới vào núi mà khấn rằng: “Tạ ơn ông Phụng bà Bảng, kẻ dân mọn đói khát thiếu ăn, mong được gánh nặng đem về” .

Họ đi một ngày đến chỗ sản-xuất thứ cây ấy, làm cái lều nhỏ, gặp ban đêm thì đốt củi đốt pháo để phòng thú rừng, chờ đến sáng đi tìm mà lấy thứ cây ấy.

Thứ cây nầy ưa mọc ở núi đá, mọc ở chỗ tối-tăm thì thường cứng và chát không có bột, mọc ở chỗ có nắng chiếu thì màu lá dòn bở trơn bóng là thứ tốt, người ta đốn lấy đem về, chẻ ra từng miếng đem giã được bột rất nhiều, hòa với đường đem nấu thật ngon.

Nhân-dân ở địa-phương bán một cây thứ thượng hạng được 700 đồng, hạng trung được 600 đồng, hạng chót được 300 đồng.

Những năm đói kém người ta nhờ thứ cây nầy làm lương-thực.

Núi ở Kim-bảng hạt Hoài-an cũng có thứ cây nầy.

[75a] Người nào ở An-ấp có được một ngàn cây táo, ở Yên-tần có được một ngàn cây lật, ở Hà-bắc có được một ngàn cây lê, ở Giang-lăng có được một ngàn cây quít, ở Vị-xuyên có được một ngàn mẫu trúc (tre) thì người xưa cho là thiên-hộ hầu, ý nói thu lợi được nhiều.

Ở Giao-châu thì trong vườn cau, vườn trà, vườn cam, vườn quít, vườn lê chỉ trồng được một ngàn cây thì hàng năm thu lợi đến ba bốn trăm quan.

Ở Sơn-đông táo nhiều nhất. Người ta mua trái táo khô, thuê người chở một lần đến mấy trăm hộc, sở phí thuê thuyền cũng đến ngàn vàng, đem đến vùng Giang-Quảng, đầu tiên một cân trị giá 10 tiền, đến An-nam một cân đến giá 100 quan.

Sách Tiểu nhĩ-nhã chép: Trái của cây cức gọi là trái táo, thì chín cây cức[1498] là chín cây táo.

Cây cảm-lãm (cây trám), trái có vị trước đắng sau ngọt, cho nên gọi là trái trung-gián (trung-trực can-gián) có thể chữa tất cả chứng độc cá.

[75b] Sách Bổn-thảo chép: Cây cảm-lãm, ở khoảng những đốt trên cành có nhựa như nhựa cây đào. Người ta lấy nhựa ấy và vỏ lá sắc lấy nước như thiếc đen gọi là lãm đường, dùng để xảm thuyền (trét kẽ hở ở ghe thuyền) lâu năm như keo như sơn, càng nhúng nước càng khô cứng.

Ngũ liễm tử (trái khế) có năm cạnh, mỗi cạnh giống như hình sống gươm, có một tên nữa là dương-đào (đào dê).

Sách Thảo-mộc trạng chép: Người Nam gọi cạnh là liễm, cho nên đặt tên là ngũ liễm tử (trái năm cạnh).

Sách Lĩnh-nam tạp ký chép: Trái khế giải được độc vì ăn thịt, giải được độc người ta thuốc để hãm hại và giải được sơn lam chướng khí.

Người bổn-thổ lấy khế giầm mật hay ngâm muối để có thể để lâu ngày đem đi xa.

Sách Quảng-đông tân-ngữ chép: Lấy nước gạo nếp tưới thì cây khế có trái ngọt. Người trúng độc, đâm khế vắt nước mà uống thì mửa độc ra. Người không hợp thủy thổ (ngã nước) và bị sốt rét uống nước khế đều có thể trị được. Tục gọi trái nầy là trái khế.

Trái nhân-diện (trái mặt người, trái sấu), sách Thảo-mộc trạng chép: Trái nhân-diện ngâm mật thì có thể làm đồ ăn. [76a] Nấu thịt gà thịt vịt thì phải dùng trái sấu. Trái sấu cũng có thể ngâm làm dưa.

Tục gọi là trái sấu.

Sách Quảng-đông tân-ngữ chép: Những nhà ở núi, muốn để của cho con cháu được giàu có thì thường trồng cây nhân-diện (cây sấu) và cây ô-lãm (cây trám đen). Cây sấu cho người ta bán trái, cây trám đen cho người ta bán hột và nhân, hơn trăm năm còn hưởng được lợi đời đời.

Sách Thảo-mộc trạng chép: Cây dung (cây da), bóng mát che được mười mẫu rộng để người ta làm chỗ nghỉ mát. Cây và cành đã rậm-rạp, lá lại nhỏ, mềm, cành dài như cọng mây rũ xuống vừa ăn vào đất thì mọc rễ. Có khi một thân cây có đến bốn năm gốc, cành gie ngang tiếp đến cây lân-cận nối liền hàng mấy dặm.

Nay tục gọi là cây da, lại gọi là cây đa.

Cây chử (cây gió), lời sớ trong kinh Thi chép: Người ở U-châu gọi là cây cốc-tang, người ở Giao-châu và Quảng-châu gọi là cây cốc.

Trong thời vua Thái-mậu (76b) cây tang-cốc mọc to thành ôm ở triều-đình, tức là cây ấy.

Người ta giã vỏ nó ra làm giấy.