Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 9 - Chương 10

Nay ở các trấn Sơn-tây, Tuyên-quang, Hưng-hóa, Thái-nguyên, Lạng-sơn nhân-dân có trồng cây nầy.

Cây này dễ sống, dễ cao, hai năm đã thành cây, lấy vỏ bán khá nhiều.

Ở Thụy-nguyên người ta làm giấy bằng vỏ cây thương-lục, tục gọi là ngô-quả. Giấy làm bằng vỏ cây nầy trắng tinh mềm dai đáng là phẩm chất thượng hạng.

Cây nầy không được nhiều cho nên giấy giá đắt, một tờ giấy giá một tiền.

Ở phường Quảng-đức người ta lấy vỏ cây chử (cây gió) làm giấy.

Cây chử dễ được cho nên giấy giá rẻ.

Ở Trung-quốc người ta biết có giấy bạch-thùy ở Cao-ly mà không biết có giấy thương-lục ở nước Nam.

Cây sanh, sách Bổn-thảo gọi là cây hà-liễu (cây liễu ở ven sông), lại gọi là cây vũ-sư (thầy làm mưa), gọi là cây thùy ty liễu (cây liễu buông tơ), nói khi trời sắp mưa [77a] cây sanh dấy hơi lên để cảm-ứng, và nói khi mưa tưới xuống cây sanh rủ lá buông tơ, lại nói Phật Quan-âm dùng cành cây nầy để rảy nước phép, lại dẫn các sách cho là cây nhỏ, cành yếu, vỏ đỏ, lá bé hoặc như tơ rủ dễ thương, hoặc dùng làm roi.

Tục gọi là cây si.

Quạt bồ-quỳ mà Tạ-An[1499] cầm, sách Thảo-mộc trạng chép: Cây bồ-quỳ giống như cây tông-lư mà lá mỏng có thể làm nón lá.

Sách Quảng-đông tân-ngữ chép: Cây bồ-quỳ, thân cây giống như cây quang-lang, hoa cũng giống hoa cây nầy, một chùm có mấy trăm ngàn đóa rủ xuống, trái như trái cây trám. Các làng ở Tân-hội phần nhiều trồng cây nầy rất thích-hợp để làm quạt. Quạt to ba bốn thước có thể che nắng. Ngọn lá dùng làm áo tơi làm đệm làm chiếu hay miếng bồ-đoàn để ngồi. Lá bồ-quỳ cũng có thể lợp nhà.

Đấy tức là tục gọi lá bồng.

Vùng thượng [77b] lộ hai con sông Thao và Đà ở Sơn-tây có thứ cây nầy.

Ở Đô-thành người ta đều dùng lá nầy. Một vạn tấm lá chỉ trị-giá 3.600 tiền.

Dùng lá bồ-quỳ lợp nhà cho dày thì có thể dùng được sáu bảy năm.

Người ta cũng lựa lấy thứ lá mịn để làm nón.

Châu Bố-chính trấn Nghệ-an có một giống cây bồ-quỳ lá mịn và nhỏ có thể dùng để lợp mái kiệu.

Sách Tân-ngữ lại chép: Lá cây du-quỳ giống như lá cây bồ-quỳ hơi mềm, người ta lấy lá cây nầy làm áo tơi để đi mưa dùng được bền lâu.

Đấy tức tục gọi là lá tơi.

Cây hoàn, có một tên nữa là vô hoạn mộc (cây không có họa hoạn), hột cây nầy người ta dùng để giặt rửa đồ dơ, các tăng ni dùng làm xâu chuỗi niệm Phật, lại có tên là hột bồ-đề.

Sách Cổ kim chú chép: Ngày xưa có một vị thầy pháp có thể lấy bùa bắt các giống quỷ, bắt được quỷ thì lượm cây hoàn làm gậy mà đánh chết con quỷ ấy. Cho nên đời truyền rằng vì thứ cây nầy được các loại quỷ kinh sợ, người ta lấy nó làm đồ dùng để trừ tà, cho nên gọi là cây vô hoạn (cây trừ quỷ cho nên không có họa hoạn).

Tục nước ta gọi sai ra cây bồ-hòn (vô hoạn đọc sai ra bồ-hòn).

[78a] Ở Quảng-châu sản-xuất trái thiên-đào to như trứng vịt màu xanh vàng, vị ngọt hơi chát.

Điền-châu và Thổ-châu ở Quảng-tây cũng sản-xuất trái thiên-đào.

Mỗi năm đến tháng hai cây thiên-đào mọc cành non, hoa mịn mọc thành chùm màu vàng lợt và kết trái chín vào tháng năm. Trái to giống trái đào, màu vàng, vị ngọt thơm.

Cây nầy tức tục nước ta gọi là cây ổi. Trái lúc chín có hai thứ: màu vàng và màu trắng. Đâu đâu cũng có thứ trái nầy, đúng là trái đường-đệ. Sách Bổn-thảo gọi là trái úc-lý.

Rừng núi ở vùng thượng-lộ trấn Sơn-tây có trái đài-hải, to như trái bí (đông-qua) rất béo và mềm, người bổn-thổ nướng mà ăn gọi là huyền chi trư (lợn treo ở cành cây).

Sách Quần toái lục chép: Thịt trái đài-hải ngay-ngắn và lạt như thịt heo. Trái to như cái [78b] chén, nướng mà ăn thấy có mùi vị như thịt heo mà ngon, tức là trái đó.

Cây ô-môn (cây mun), sách Bổn-thảo chép: Lá nó như lá cây tông-lư, gỗ như dầu sơn đen rắn chắc có thể làm đũa lại thích-hợp làm roi ngựa. Đất Nhật-nam có loại cây nầy, nhưng không nói để làm nhạc-khí.

Sách Động thiên thanh lục[1500] chép: Mặt cây đàn cầm phải làm bằng gỗ cây đồng, đáy cây đàn cầm phải làm bằng gỗ cây tử, phím đàn phải làm bằng gỗ ô-mộc, lõi cây táo và gỗ cây hoàng-dương.

Sách ấy lại nói: Gỗ cây ô-mộc bóng láng và xạm đen lại rất kỳ cổ, thuyền biển hay mua, thì thứ gỗ nầy rất tốt có thể biết được

Nay, người nước ta làm đàn tranh, ván ở hai bên dùng gỗ này thì tiếng trong và khua vang. Thứ gỗ nầy khô thì cứng chắc, thật các thứ gỗ khác không bằng.

Cây tô-phương, sách Thảo-mộc trạng chép: Cây tô-phương giống cây hòe sản-xuất ở Cửu-chân, người Nam dùng để nhuộm màu đỏ.

Sách Bổn-thảo chép: [79a] Ở Giao-châu và Ái-châu cũng có thứ cây nầy, cây nầy giống cây yêm-la (cây xoài), cành dương ra dài độ một thước, người bổn-thổ dùng để nhuộm màu đỏ.

Sách ấy lại chép: Khi nấu nước cây tô-phương phải kỵ đồ sắt, hễ gặp đồ sắt thì nước đổi màu xạm đen.

Người nước Xiêm-la khinh tiện dùng cây nầy như củi.

Sách Thù vực chu tư lục lại chép: Cây tô-phương có một tên nữa là cây đa-na. Nay những phủ Nam-ninh Thái-bình bên Trung-quốc cũng có nhiều thứ cây nầy. (Nước Xiêm-la ở phía nam nước Chiêm-thành, nước ta gọi là nước Chiêm-lỗ).

Về cây đồng, sách Đồng-phổ chép: Xưa nay các thợ mộc có khi làm những món đồ lớn nhỏ đều đo mà dùng gỗ cây đồng.

Những loại cây gỗ đáng quý là cây ô-bề, cây bạch-dương, cây tử, cây trà, cây khuê, cây sơn-đào, cây bạch-thạch, cây đào, cây lật, cây cánh, cây nam, cây tùng, cây y, cây phỉ. Nhưng có sự phá hoại của mọt mối, nỗi lo phải mục nát, mối hiềm phải gãy vỡ, thể chất phải khô héo cho những loại cây gỗ kể trên.

Còn gỗ cây đồng thì khác hẳn thế. Dùng làm nhà to, gỗ cây đồng có thể làm đòn dông, làm rường, [79b] làm cột. Không có loại gỗ nào có thể sánh bì về sức kiên cố của gỗ cây đồng.

Gỗ cây bạch hoa đồng (cây đồng bông trắng) để làm đồ vật-dụng, có tính hoãn.

Gỗ cây tử hoa đồng (cây đồng bông tía), sớ gỗ như gỗ cây tử, mà tính gấp, càng tốt hơn nữa.

Các thứ gỗ đồng khác chỉ có tên mà không làm vật dụng được.

Sách Bổn-thảo chép: Cây mộc lan, cành và lá đều thưa, hoa ở trong trắng, ở ngoài tía, thịt mịn mà lòng vàng, cho nên gọi là hoàng tâm (lòng vàng), được thợ mộc quý trọng.

Thứ cây mộc-lan mọc ở trên núi thì to hơn hết, có thể làm thuyền.

Hồng tuyến truyện của người đời Đường có câu thơ:

採菱歌泛木蘭舟

Thái lăng ca phiếm mộc-lan chu.

Dịch nghĩa

Hái trái ấu vừa hát vừa thả thuyền bằng gỗ mộc-lan.

Sách Lý-Bạch thi chú có câu: Mộc-lan chi duệ 木蘭之枻 = Mái chèo bằng gỗ mộc-lan.

Ở trấn Nghệ-an, trấn Tuyên-quang nước Nam ta tục gọi cây mộc-lan là cây vàng là tốt nhất, thứ to rộng hơn 3 thước, sớ mịn, bền-bĩ lâu dài, có thể làm vật dụng, nhưng không thích-hợp để đóng thuyền.

Sách Động thiên thanh lục chép: Cây tử có nhiều thứ:

- Có thứ cây thu tử, cưa xẻ ra thấy màu tía hơi đen, dùng làm [80a] đáy cân đàn.

- Có thứ cây hoàng tâm tử (cây tử lòng vàng), sớ giống sớ cây chư mà rất mịn, màu vàng trắng, hay khô mục không kham làm vật dụng, cũng không phải vật-liệu để làm đàn.

Sách Bổn-thảo chú-thích: Cây tử ở mọi nơi đều có, có ba thứ:

- Thứ sớ gỗ trắng là cây tử.

- Thứ sớ gỗ đỏ là cây thu tử.

- Thứ có vằn đẹp là cây ỷ tử.

Có thứ nhỏ là cây giá đồng, cũng gọi là cây , không giống với thứ nầy.

Sách ấy lại chép: Cây thu, thân cây mọc thẳng lên cao và rủ tơ xuống như chỉ, tức là cây tử thứ đỏ.

Sách ấy lại chép: Cây thu có hai thứ:

1) thứ cây thu không có gai.

2) thứ cây thu gai, cây cao lớn, da màu xanh trắng, ở trên có đốm vàng trắng, ở chỗ cành có nhiều gai to, lá mỏng mà ngọt, non ăn được.

Nước Nam sản-xuất mấy thứ gỗ, gọi là gỗ thiết lâm (gỗ lim), gỗ thiết liễn (gỗ sến), gỗ thiết tấu (gỗ táu), gỗ thiết nghiễn (gỗ nghiễn) là tối thượng hạng.

[80b] Có cây to đến mười ôm, màu tía, màu đen, rắn chắc như đá. Cung thất, chùa chiền, thuyền tàu, vật dụng không có thứ gì là không dùng đến những loại cây ấy.

Những thứ gỗ ấy sản-xuất ở Sơn-tây và Nghệ-an là tốt nhất, sớ gỗ như cánh chim sẻ, tuyệt nhiên không có một tấc nào hỏng.

Những thứ gỗ ấy sản-xuất ở Thanh-hóa An-quảng thì kém hơn, còn sản xuất ở Kinh-bắc thì hạng chót.

Sách Quảng-tây chí khen thứ gỗ thiết đao sản-xuất ở các phủ tại Ngô-châu, lại gọi là gỗ thiết lăng, sớ gỗ rắn chắc có thể bền lâu hơn trăm năm, tức là loại ấy.

Cây khổ luyện, sách Bổn-thảo chép: Cây nầy lớn rất mau, năm ba năm có thể làm được cây đòn tay. Loài thuồng-luồng kinh sợ thứ cây nầy, cho nên người nước Sở lấy lá cây nầy gói bánh ném xuống sông để điếu tế Khuất-Nguyên.

Tục gọi cây nầy là cây thù-đâu. Người ta lấy gỗ cây nầy đốt làm than hòa với lưu-hoàng làm thuốc súng.

Loại gỗ nầy sản-xuất ở Thanh-hóa, Hưng-hóa là to nhất, có thể làm nhà, tránh được mọt mối và bền lâu được trăm năm.

[81a] Cây sam, sách Bổn-thảo chú-thích: Cây sam giống cây tùng mà cứng thẳng, lá tựa vào cành mọc ra như gai như kim.

Ở Giang-nam, trước và sau tiết Kinh-trập, người ta bẻ cành cây sam cắm xuống đất mà trồng.

Gỗ sam sản-xuất ở Oa-quốc (nước Nhật-bổn) không bằng gỗ sam sản-xuất ở các động xứ Thục (Tứ-xuyên) xứ Kiềm (Quý châu).

Cây sam có hai loại: đỏ và trắng.

Cây sam đỏ đặc mà nhiều dầu.

Cây sam trắng xốp mà khô-khan.

Nay một tỉnh Hồ-nam, người ta trồng cây sam đầy núi. Khách buôn kết bè thả xuống Giang-nam. Người ta bán cây sam rất nhiều, phải lấy số ngàn vạn cây mà tính. Nhà cửa đồ dùng đều dùng cây ấy mà làm, nhưng những cây sam ấy to không đầy một thước.

Ở nước Nam, cây sam sản-xuất ở Tuyên-quang là giống cây sam đỏ, rộng có khi đến mấy thước.

Cây sam sản-xuất ở Nghệ-an phần nhiều là giống cây sam trắng, nhưng không bằng thứ cây sam ở Tuyên-quang.

Sách Quảng-đông tân-ngữ chép: Cây truyền chia ra ba giống: xanh, vàng và trắng.

Cây truyền vàng tốt nhất, chắc mà [81b] mịn nhặt, mọt không đục, tức là cây lai ở nước Nam, thứ cây mà Vương-Chiêu-Tố[1501] đã ném thằng ăn trộm, tức là cây đó.

Ở bờ biển phần nhiều sản-xuất một loại cây rắn chắc màu đen rất cổ quái.

Sách Quảng-đông tân-ngữ chép: Cây trạch[1502] có hàng ngàn trăm cây mọc thành hàng ở bờ sông bờ biển, lại là thứ cây từ thời vô thủy (?) trở về trước, chất gỗ không mục nát, lửa đốt không cháy. Người dân chài chặt cây nầy để buộc lưới buộc vó.

Sách Trúc-phổ chép: Trúc (tre) có 61 loại.

Sách Dưỡng kha mạn bút chép: Ở Thi-châu có một giống trúc nhỏ, gọi là hoàng ty trúc (tre tơ vàng) mọc trong hốc núi, cao vừa đầy một thước, mịn chỉ như cây kim.

Núi Vũ-lăng có phương trúc (tre vuông), có bốn mặt phẳng như người ta chuốt, cứng chắc có thể làm gậy.

Sách Hán-thi thoại chép: Trong Tương- [82a] châu có thứ tre bông. Lúc mới mọc trên mỗi đốt có đốm rêu tròn[1503] đóng phủ lên rất khắn, người bổn-thổ đốn tre bông ngâm vào trong nước rồi dùng cỏ chà xát rửa hết rêu ra, thì lộ màu tía tươi sáng rất dễ thương.

Sách Chí-lâm[1504] chép: Trúc có cây đực (hùng) cây cái (thư). Cây trúc cái có nhiều măng, nên người trồng trúc thường chọn thứ trúc cái mà trồng. Muốn biết cây tre nào đực, cây tre nào cái, phải xem nhánh thứ nhất từ gốc kể lên, có 2 nhánh là tre cái, có một nhánh là tre đực.

Cách thức trồng măng: Cách rào chôn một con chồn hay một con mèo ở dưới tường, năm sau măng tự nhiên mọc rải rác khắp nơi.

Sách Trúc-phổ[1505] của Đái-Khải-Chi chép: Cức trúc (tre gai) mọc chung rễ ăn sâu, một bụi làm rừng, cũng gọi là ba-trúc dùng thứ trúc gai này để củng-cố thành-trì.

Chú-thích: Tre gai sản-xuất ở các quận Giao-châu, thứ to bề chu-vi được 2 tấc, thịt rất dầy đặc, mắt (đốt) đều có gai, người ở đấy trồng để giữ thành, khiến quân địch không thể tấn-công.

Sách ấy lại chép: Cân trúc (tre gân) dùng làm mâu [82b] làm mối lợi khắp ngoài vùng bốn biển[1506], mọc ở đất Nhật-nam, gọi là phiếu trúc, dài độ hai trượng, bề chu-vi được mấy tấc, rất chắc và bén, người Nam dùng làm cây mâu. Lúc măng chưa thành tre có thể dùng làm dây nỏ.

Sách ấy lại chép: Tre bạc và miêu-nha, thể-chất đều dùng được, bề chu-vi được mấy tấc. Tre bạc thì đặc, miêu-nha thì rỗng, cung-cấp cho người dân Nam-Việt dùng làm rường cột.

Chữ nha 衙 nay tục viết ra chữ nha 芽.

Sách Thảo-mộc trạng chép: Bội-trúc sản-xuất ở Giao-chỉ, chức-viên và dân-chúng thường trồng, dài ba bốn trượng, đường kính bề chu-vi được tám chín phân, không dùng làm cột nhà, không biết là ai đúng.

Sách Dị vật chí chép: có thứ tre bạc (phúc) to được mấy vi, những đốt cách nhau rất nhặt, trong ruột đầy đặc, chắc mạnh dùng làm cột nhà và rui nhà, tức tục nước ta gọi là tre bang.

Chú thích: Sách Trúc-phổ chép: chữ 薄 âm [83a] bạc, thinh âm cũng gần giống như vậy.

Sách Bát quận chí chép: Huyện Mê-linh thuộc châu Phong có thứ tre to mấy vi, đặc ruột, dùng làm rường nhà cột nhà được, dùng lợp nhà thay ngói.

Sách Chủng thụ thư chép: Cây trúc có tính hướng về phía tây-nam.

Sách Quảng-đông tân-ngữ chép: Cây quang-lang cùng với ba giống cây cau (tân-lang), cây dừa (da), cây bồ-quỳ đều gọi là tre trong loài cây.

Cây cau (tân-lang) lá nhỏ, cây dừa (da) lá to,hai loại cây này người ta lấy trái, còn quang-lang người ta lấy gỗ, cây bồ-quỳ người ta lấy lá.

Có một giống nam da (dừa nam) người ta lấy bột, đều là giống cây lạ-lùng dưới trời Nam.

Ở chỗ đền thờ người ta thường trồng cây quang-lang, cây bồ-quỳ, cây mộc-miên. Ở chỗ chùa Phật người ta thường trồng cây bồ-đề. Ở làng xã người ta thường trồng cây da. Ở bờ ao bờ đê người ta thường trồng cây lệ-chi (cây trái vải).

[83b] Bài Ngô đô phú trong sách Văn-tuyển chép: Cây thì có loại bình-trọng, quân-thiên, tùng-tử, cổ độ.

Chú-thích: Bình-trọng là cây lư, sớ cây bằng-phẳng, có thể làm bàn cờ, cho nên bàn cờ gọi là bình 枰.

Quân-thiên, tùng-tử như cây mã-nãi, tục gọi là cây ngưu nhũ sĩ (cây hồng vú bò).

Sách Giao-châu ký chép: Cây cổ-độ không trổ hoa mà kết trái, trái từ trong lớp vỏ cây lú ra, to như trái thạch-lựu màu đỏ, trái lúc mới ra còn non có thể nấu mà ăn, trong trái có thứ bồ-lê (?) có thể lấy làm bánh.

Sách Bắc hộ lục lại dẫn sách Việt-nam chí chép: Cây cổ-độ, người Nam gọi là cây vả (viết á thiết = vả), trái từ trong vỏ cây lú ra, như xâu ngọc châu, to như trái anh-đào, màu vàng có thể ăn được, trái quá chín thì trong ruột hoá thành con kiến bay ra.

Sách Dậu dương tạp trở lại chép: Cây a-nhật, không có hoa mà có trái màu đỏ.

[84a] Sách Bác vật chí chép: Dân nước Mạnh-thư, vị tiên-chủ của nước này dạy các loại chim, đến đời Hạ-hậu người ta mới bắt đầu ăn trứng chim. Mạnh-thư bỏ đi, chim phụng-hoàng cũng bay theo.

Sách Khách toạ tân văn chép: Phàm loài chim hễ cánh hay chân bị gãy, thì lấy thứ phương-ma (mè thơm) nhai nhỏ đắp lên chỗ đau thì khỏi ngay.

Sách Bì-nhã[1507] chép: Mỏ loài chim núi ngắn, mỏ loài chim nước dài.

Hoài-nam-tử nói: “Xem chim thước làm ổ thì biết gió sắp nổi lên từ phía nào” .

Chú-thích: Năm nào gió nhiều thì chim thước làm ổ ở cành thấp.

Xem hang con rái thì biết nước dâng lên cao hay thấp.

Chú-thích: Nước dâng lên đến đâu thì loài rái biết tránh mà làm hang.

Du-Diệm dẫn sách Toả toái lục chép: Loài cá lội ngược nước mà lên, chim bay ngược gió mà đến, cho vảy cá và [84b] lông chim được xuôi chiều.

Có gió nhẹ mà không biết từ hướng nào thổi đến, cứ xem hướng chim bay thì biết.

Tôi trộm nói rằng:“Cá và chim đều thuộc về loài dương. Chim bay trên không, cá lội dưới nước không có giây phút nào ngừng, thì biết chúng là loài ưa động” .

Thơ của Đỗ-phủ có câu:

輕燕受風斜

Khinh yến thụ phong tà

Dịch nghĩa

Chim én nhẹ đón lấy ngọn gió thổi nghiêng mà bay.

Chim én rất nhỏ yếu mà còn nghịch gió mà bay, thì những loài chim khác mình có thể biết được.

Sách Chiêm nha kinh (sách đoán tiếng quạ kêu) của Đông-Phương-Sóc đại-khái chép: Trước hết đếm số tiếng quạ kêu, tiếng kêu thứ nhất là giáp thanh, lấy số thập can mà đếm, phân-biệt tiếng kêu hoãn hay gấp mà định làm dữ.

Sách Tây kinh tạp ký chép: Trong thời vua Thành-đế (32-7 trước Tây-lịch) nước Giao-chỉ dâng trường minh kê (gà gáy tiếng dài). Gà ấy gáy sáng thì đồng hồ cạn, xét nghiệm với bóng mặt trời thì không sai.

Phần Thích-danh trong sách Bổn-thảo chép: Cù điểu[1508], ở Quảng-đông người ta gọi là chim bát-bát. Loài chim nầy ưa tắm, tròng mắt nó trông dáo-dác [85a] sợ hãi. Bát-bát là tiếng nó kêu cho nên gọi nó là chim bát-bát.

Ở Sơn-tây vùng thượng-lộ có nhiều chim công, chúng bay thành bầy ăn lúa chín. Người ta bắt làm thịt ngon béo hơn gà nuôi ở nhà.

Chim hỏa-cưu sản-xuất ở tỉnh Quảng-đông.

Mỗi năm đến tháng sáu, cá chép biển từng bầy đến bãi cát hoá thành chim cưu, người ta bắt ăn. Đến mùa thu mùa đông ở các bờ sông đều như thế. Có người dùng làm quà tặng cho nhau.

Chim hoàng-tước sản-xuất ở Huệ-châu.

Mỗi năm đến tháng tám, loài cá hoá thành chim hoàng-tước, đến sau tháng mười thì thành cá trở lại.

Chim lục-cưu (chim cu xanh) sản-xuất ở huyện Vĩnh-thuận tỉnh Quảng-tây. chim nầy giống như chim cu cườm[1509] mà màu lục do loài cá vàng hoá thành vào tháng chín.

Nước ta cũng có thứ chim nầy gọi là chim cu ngói, mỗi năm vào tháng tám tháng chín người ta ăn cơm lúa mới thì bắt thứ chim nầy nấu canh.

Theo tục-lệ người ta bắt thứ chim nầy làm quà tặng cho nhau.

Sách Giao-châu ký chép: Biển Nam [85b] có thứ cá vàng, đến tháng chín thì hoá thành chim cút.

Chim lư-tư (chim cồng-cộc) sách Bổn-thảo chép: Chim cồng-cộc sắc đen như chim quạ mà mỏ dài hơi quắm, giỏi lặn lội dưới nước và bắt cá.

Các thuyền đánh cá phương Nam thường có cột nuôi mấy mươi con cồng-cộc để bắt cá. Đó là tục gọi chim cồng-cộc.

Tôi phụng mệnh đi sứ sang Tàu, đi đường ngang qua vùng Dương-sốc Bình-lạc, thấy dân bổn-thổ phần nhiều nuôi giống chim cồng-cộc nầy, lấy cành tre to cột chân nó vào rồi phóng xuống nước cho bắt cá, người-ta dự-bị cột lỏng lỏng sợi giây ở cổ nó khiến nó nuốt cá không được. Khi thấy nó bắt được nhiều, người ta kéo nó lên, mở mỏ nó ra, nghiêng trút số cá nó bắt được khá nhiều.

Nuôi cồng-cộc để bắt cá phải đóng thuế.

Chim chá-cô, tục gọi là chim đát đa-đa, cũng gọi là cô kê (gà gô). Sách Quảng-đông tân-ngữ chép: Chim chá-cô là chim trĩ nước Việt theo bóng mặt trời (tùy dương Việt trĩ). [86a] Nó bay theo hướng mặt trời. Số lần bay của nó tùy theo tháng: tháng giêng bay một lần mà thôi, tháng 12 bay 12 lần mà thôi.

Người ở núi lấy số lần bay của nó mà tính tháng. Người ta hỏi nhau: “Nay là tháng mấy? ” - Đáp: “Chim chá-cô đã bay mấy lần.”[1510]

Sách Quảng-đông tân-ngữ chép: Người ở Quảng-đông khéo ấp trứng vịt. Lấy năm sáu trăm trứng vịt làm một khuông để trên lò đất, lấy áo mềm phủ lên, lấy mạt cưa đổ chung quanh rồi đốt lửa khi to khi nhỏ ở trong. Trứng ấm nhiều ấm ít thì nâng cái khuông lên hay xuống và thay đổi ngày đêm bảy lần. Như thế đến 11 ngày mới đem lên giường. Đặt trên giường cũng lấy áo mền phủ lót rồi lần lần giảm bớt áo mền đi cho trọn một tháng thì vịt non khẻ vỏ trứng mà ra. Vịt non nầy lần lần lớn lên thành vịt con.

Đương mùa thịnh hạ (nắng dữ) người Quảng-đông thường lấy gừng non xào thịt vịt con trộn với [86b] ít trái nhân-diện (trái sấu) để ăn.

Câu ngạn-ngữ nói: “Gừng già xào thịt bò, gừng non xào thịt vịt” .

Nay nước ta ở xã An-vệ huyện Quỳnh-khôi cách-thức ấp vịt không khác như thế.

Tương truyền ông Bá-Lạc[1511] có sách xem tướng ngựa. Lời của ông nói: “Ngựa tốt thì đầu mong được vuông, mắt được sáng, xương sống được mạnh, bụng được trương lên, bốn chân được dài, khuông mắt được cao, lỗ mũi được to, đầu mũi có chữ vương 王, trong miệng được đỏ, xương đầu gối tròn mà dài, hai tai được gần nhau mà hướng tới trước, thụ (?) nhỏ mà đầy.

Phàm xem tướng ngựa trước hết phải trừ tam luy (ba ngựa ốm) và ngũ nô (năm ngựa tồi) rồi mới xem tướng những bộ-phận còn lại.

- Cổ to đầu nhỏ là nhất luy.

- Xương sống yếu bụng to là nhị luy.

- Đùi nhỏ móng to là tam luy.

- Đầu to tai chậm là nhất nô.

- Cổ dài không gãy là nhị [87a] .

- Chân trước ngắn chân sau dài là tam nô.

- Đầu gối to xương sườn ngắn là tứ nô.

- Hông cạn vế mỏng là ngũ nô.

Xét ra thời xưa dân-gian tự lo sắm ngựa cho nên tinh-thông về cách xem ngựa như thế.