Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 9 - Chương 11

Về đại giả thạch[1512], sách Bổn thảo chép: Nghiền ra màu đỏ có thể dùng để điểm sách.

Sách Sơn hải kinh chép: Son nước (lưu giả) bôi lên bò ngựa thì không có bịnh.

Chú-thích: Giả là đất đỏ, ngày nay người ta cũng lấy son bôi lên sừng bò, nói là tránh độc. Điều nầy cũng phải biết.

Sách Sơn hải kinh chú chép: Con tê-giác giống như con trâu, đầu giống đầu heo, chân thấp, chân giống chân voi có ba móng, bụng to, màu đen, có ba sừng: một sừng ở trên trán, một sừng ở trên mũi, một sừng ở đỉnh đầu.

Sừng trên mũi nhỏ mà không rụng, gọi là thực giác.

Con tê-giác ưa ăn gai. Trong miệng thường rây máu và nước bọt.

Con tự[1513] cũng giống [87b] như con trâu, màu xanh, có một sừng nặng 30 cân.

Phần Doanh nhai thắng lãm trong sách Thuyết-phu chép: Con tê-giác giống như con bò rừng, mình nó không có lông, màu đen, có vảy da dầy, chân có ba móng, có một sừng tại đầu mũi dài độ 1 thước 5 tấc, chỉ ăn gai và lá cây.

Sách Giao-quảng chí chép: Đất rợ tây-nam có giống tê lạ-lùng có ba sừng, đi trong ban đêm như cây đuốc to chiếu ra xa mấy ngàn bộ. Bậc vua chúa quý sừng của nó, cho là lạ, dùng làm cây trâm, có thể tiêu trừ được điều hung nghịch.

Sách Giao-châu ký chép: Con tê-giác sản-xuất ở huyện Cửu-đức, lông như lông bò, chân có ba móng, đầu như đầu ngựa, có hai sừng. Sừng trên mũi thì dài, sừng trên đầu thì ngắn.

Sách Uyên-giám chép: Sừng con thông thiên-tê có sớ như chỉ tơ được thứ sừng nầy dài từ một thước trở lên [88a] đẽo khắc thành hình con cá, ngậm vào miệng mà xuống nước, thì nước thường vẹt ra ba thước, dùng cái sừng ấy để dẫn đường.

Cầm cái sừng thông thiên-tê khuấy vào trong các thứ nước thuốc độc thì đều thấy sùi lên bọt trắng, và nước thuốc độc không còn độc nữa.

Có ai trúng tên độc, lấy sừng thông thiên-tê ghim vào chỗ vết thương, thì khỏi ngay.

Vân sừng tê giống như hình trứng cá, gọi là túc văn (vân hột thóc), trong vân sừng có mắt gọi là túc nhãn (mắt thóc), thứ trong chỗ đen có hoa vàng là chính thấu (thẳng suốt), thứ trong chỗ vàng có hoa đen là đảo thấu (suốt ngược), thứ trong hoa lại có hoa là trùng thấu (suốt hai lần), mới là sừng thứ thượng hạng.

Thứ sừng tê có hoa như đốm hột tiêu hột đậu thì kém hơn.

Sách Quảng-nam dị lục chép: Trong khoảng nước Sở nước Việt, loài voi đều màu xanh đen, chỉ ở phương tây nước Phất-lâm[1514] nước Đại-thực[1515] có nhiều voi trắng.

Sách Phật chép: voi trắng có sáu ngà.

Sách Phật lại chép: Một bầy voi tuy nhiều con mà không [88b] đáng sợ.

Sách Ngô-lục chép: Huyện Đô-đàng quận Cửu-chân có nhiều voi sống ở trong núi. Trong quận và ở Nhật-nam có nhiều voi.

Sách Bì-nhã chép: Thân voi có đủ thập nhị tiêu (12 con giáp: là chuột, sửu là trâu, dần là cọp, mão là thỏ, thìn là rồng, tỵ là rắn, ngọ là ngựa, vị là dê, thân là khỉ, dậu là gà, tuất là chó, hợi là heo).

Sách Vật vĩ thư chép: Tinh của sao Dao-quang[1516] tán ra mà thành con voi.

Sách Ngu hành chí của Phạm-Thành-Đại chép: Chế ngự voi thì dùng cây móc. Người quản-tượng ngồi ở cổ voi, lấy cây móc sắt móc vào đầu voi, muốn voi đi sang tả thì móc cổ nó ở bên hữu, muốn voi đi sang hữu thì móc cổ nó ở bên tả, muốn voi lui thì móc trán nó, muốn voi tới trước thì không móc, muốn voi quỳ mọp xuống thì lấy móc nhận đúng vào óc nó, nhận đau thì nó kêu rống lên.

Muốn hàng liệt được tề chỉnh, người ta đều dùng cây móc để khiến voi đi sang bên tả bên hữu tới trước [89a] lui về.

Với hình thể to lớn, voi chịu đau không nổi, cho nên người ta được mấy tấc lưỡi sắt nhọn mà dạy được voi.

Con voi được dạy thuần-thục đã lâu, khi người quản-tượng đến, nó cúi đầu, quỳ co đầu gối ở chân trước bên tả, người quản-tượng bước mà leo lên thì nó đứng dậy mà đi.

Móng chân voi giống như móng chân tê-giác có thể làm dây đai lưng.

Sách Thuyết-uyển chép: Lỗ tai trái của voi khi có dầu chảy ra người ta bảo là tính núi rừng của nó phát động, nó tuôn chạy làm hại đến người.

Người chăn voi hễ thấy dầu trong lỗ tai nó chảy ra thì thường lấy dây buộc giữ nó.

Sách Dậu dương tạp trở chép: Mật voi tùy bốn mùa mà xuống bốn chân.

- Mùa xuân mật xuống chân trái trước.

- Mùa hạ xuống chân mặt trước.

- Mùa thu xuống chân trái sau.

- Mùa đông xuống chân mặt sau.

Không có lệ nhất định như loài rùa.

Sách An-nam chí chép: Khi voi bị bịnh, nó hướng đầu về phía nam mà chết.

Thịt voi to sớ liền với da, nấu dễ chín [89b]. Mầm ngà và thịt bàn chân ăn khá ngon.

Sách Thị thính sao chép: Voi sợ khói và ánh lửa. Người ta dùng cây sào dài có gắn bó đuốc bằng cỏ tranh ở đầu ngọn, ở xa trông thấy voi đến, đốt đuốc mà chỉ vào voi, voi liền chạy đi.

Hiện nay nhân-dân ở ven núi giữ lúa cũng đốt đuốc mà ném vào voi rừng để đuổi nó chạy đi.

Đào-Trinh-Thạch nói: Trong tháng mùa hạ, khi hòa hợp các món thuốc, nên để cây ngà voi ở bên cạnh, như vậy có thể giải được tà khí.

Sách Chu-lễ chú chép: Lấy răng voi làm thành hình chữ thập 十, lấy cây sơn-du xâu vào cho chìm xuống nước thì thủy thần chết, mà chỗ vực sâu ấy biến thành gò. Đó là răng voi có thể đuổi quái.

Sách Bổn-thảo tập giải chép: Voi sản-xuất ở Giao-châu, Quảng-châu và Vân-nam cùng các nước ở Tây-vực.

Voi có [90a] hai màu, màu xám tro và màu trắng. Con hạng to mình dài hơn trượng, bề cao xứng hợp với nó. Con hạng trung mình dài độ 6 thước, thịt nhiều gấp mấy con bò, mắt như mắt heo, đi thì trước hết cất chân trái, năm năm mới đẻ, sau mười năm xương mới đủ.

Sách Thảo-mộc trạng chép: Voi đi phân biệt được chỗ nào rỗng chỗ nào đặc. Chỗ nào hơi rỗng voi không chịu bước qua, cho nên lỗ-bộ[1517] của bậc đế-vương cho voi đi trước dẫn đường.

Sách Trang-tử chép: Loài chim ô-thước luyến mến nhau, loài cá truyền bọt cho nhau, con nào lưng nhỏ thì đẻ.

Chú-thích: Loài ô-thước giao vĩ (đạp mái) thì đẻ. Loài cá truyền bọt cho nhau thì đẻ. Loài ong không có giống cái mà cũng đẻ.

Sách Hoài-nam tử chép: Tro tàn sinh ra ruồi. Loài ruồi đen thứ to ở trong nhà do đầu dê hóa thành.

Sách Tạp-trở của Tạ-Tại-Hàng chép: Việc ăn uống của người Nam thật có thể nói là không lựa chọn thật quá lắm.

Ở đất Mân có loài long [90b] sắt (con cà-cuống) bay trong ruộng nước không khác gì con táo-trùng (côn-trùng trong bếp).

Trong khoảng nước Yên nước Tề, người ta ăn con cào-cào con châu-chấu. Người ta bắt con thảo-trùng (châu-chấu) rang cho vàng làm món ăn, gọi là nhuế-tử (con châu-chấu) cho là món trân quý.

Tạ-Tại-Hàng lại nói: Sách Bì-nhã của Lục-Điền chép: Con phù-du giống như con thiên-ngưu (con xén-tóc) mà nhỏ hơn, có vỏ cứng, có xúc-giác dài ba bốn tấc, màu vàng đen, dưới lớp vỏ cứng có cánh bay được. Nướng nó mà ăn thì ngon lắm.

Hình chất của nó thuộc về loài long sắt (con cà-cuống). Người xưa đã bắt nó làm món ăn đã lâu.

Sách Tuyền-nam tạp chí lại nói: Con long sắt như con bọ hung trên bãi cứt trâu, đen mà mỏng. Tách vỏ cứng của nó ra mà ăn thì có chút ít phong vị. Con ấy tức tục gọi là con cà-cuống[1518].

Nhuế-tử tức gọi là con châu-chấu.

Đông-Phương-Sóc nói: Ở Trường-an, đất trồng khoai và gừng rất thích-hợp, nước có nhiều ếch cá, người nghèo lấy đó mà ăn [91a] mà gia-đình khỏi phải đói rét. Đó là bằng-chứng: Người xưa đã ăn thịt ếch.

Con tằm là loại côn-trùng thuộc dương, ưa chỗ khô ráo, ghét chỗ ẩm ướt. Đất Giao-châu và đất Nam-Việt là miền nóng bức cho nên tằm đặc-biệt rất nhiều, một năm tằm chín 8 lần.

Bài Ngô đô phú có câu:

鄉貢八蠶之錦

Hương cống bát tàm chi cẩm

Dịch nghĩa

Hương thôn đem cống thứ gấm bát tàm.

Sách Vĩnh-gia ký chép: Ở Vĩnh-gia có thứ tằm Bát-bối, thứ tằm Nguyên-trân, ươm tơ vào tháng 3, thứ tằm Thác, ươm tơ vào đầu tháng 4, thứ tằm Nguyên, ươm tơ vào đầu tháng 5, thứ tằm Ái, ươm tơ vào cuối tháng 6, thứ tằm Hàn-trân, ươm tơ vào cuối tháng 7, thứ tằm Tứ-xuất, ươm tơ vào đầu tháng 9, thứ tằm Hàn, ươm tơ vào đầu tháng 10.

Phàm các thứ tằm mà chín hai lần, các bậc tiền-bối đều gọi là trân-ái (yêu-quý).

Sách Bác vật chí nói: Lấy tơ nhện bó vào chỗ cục bướu trong bảy ngày thì tiêu hết. Lắm lần đã có hiệu-nghiệm.

[91b] Sách Kim đài ký văn chép: Người xưa thấy con ong đá mắc vào lưới nhện. Con nhện bò ra bắt con ong, bị con ong chích rơi xuống, chốc lát thì sống lại, bò đến góc tường cát, lấy chân sau bới cứt trùn (giun) đắp chỗ vết thương, chốc lát thì mạnh khỏe, cuối cùng ăn thịt con ong.

Sách Bút-đàm chép: Người ta thường thấy một con ong to mắc vào lưới nhện. Con nhện bị con ong chích rơi xuống đất cái bụng gần vỡ ra. Con nhện bò chậm chậm vào trong đám cỏ cắn lấy cọng cỏ cho hơi nát rồi đem chà xát vào chỗ bị chích khá lâu. Bụng con nhện lần lần khỏi.

Ôi! Đã bày ra máy-móc khéo-léo để bắt lấy vật, lại biết tính lý của vật-chất để toàn vẹn thân-thể mới là trí tuệ đấy.

Sách Loại tụ chép việc con ong chúa. Nay người ở núi nuôi ong mật, cách-thức thật không sai.

Ong chúa có một giống đầu vàng như cái mũ và eo vàng như dây đai lưng. Bầy ong bộ-hạ [99a] hàng mấy trăm con đều màu đen.

Ong chúa sinh ra ong con. Khi ong con lớn lên, ong chúa phân bộ quân cho ong con ở riêng như thể thức phong-kiến. Ong chúa tuy nhiều, mà bộ quân không lẫn lộn.

Đã từng có một người bắt hơn trăm con ong trong bộ quân này đem hớt cánh hết, rồi trộn lẫn với bộ quân khác và đặt vào trong một đồ đựng, xong rồi thả buông ra. Mỗi con ong đều nhận ra chúa mình mà theo, không có một con nào lộn.

Nhân-dân ở núi thường nuôi ong, khiến chúng tụ lại đông để lấy mật.

Bầy ong đi lấy mật ở hoa, cắp vào chân để đem về, mật hoa nào quý và thơm thì đội trên đầu để dâng lên ong chúa.

Ong chúa đi ra ngoài tất có ong quân theo hộ-vệ có hàng liệt. Mỗi ngày bày hàng hai lần.

Có khi bị mất ong chúa, ong quân nhịn đói mà chết chớ không chịu làm tôi cho ong chúa khác.

[99b] Mật và sáp đều do ong gây thành, mà mật thì ngọt, sáp thì lạt rất khác biệt nhau.

Người nào nói chuyện vô vị, sách Nội-điển[1519] gọi là tước lạp 嚼蠟 (nhai sáp).

Có một thứ côn-trùng ăn nước cây đông-thanh, lâu ngày hóa thành chất mỡ trắng. Vào mùa thu, người ta cạo lấy thứ mỡ trắng ấy đem nấu đổ vào trong nước tức thành sáp trắng. Thứ sáp trắng nầy đem đốt đèn tốt hơn sáp ong.

Sáp trắng ngày nay ở Trung-quốc đều chuộng.

Sách Hãi-phổ (sách nói về loài cua) chép: Loài cua đến tháng 8 thì cắn mầm lúa hai cọng dài độ một tấc đi về hướng đông đến biển đem đến chỗ cua chúa.

Sách ấy lại chép: Loài cua cắp bông lúa để đi chầu chúa nó.

Loài cua có nghĩa vua tôi giống như loài ong loài kiến.

Sách Lĩnh-biểu lục chép: Giống cua đỏ, trong mai có mỡ (gạch) màu vàng đỏ như tròng đỏ trứng gà trứng vịt.

[93a] Thịt cua màu trắng hòa với gạch cua rồi dồn vào mai cua, thêm đồ ngũ vị, phủ lên lớp bột mì làm món hãi-trạch rất quý và ngon dễ ưa.

Cua biển là món ăn ngon.

Sách Quảng-đông tân-ngữ chép:Loài cua giỏi chiêm-nghiệm nước thủy triều lên hay xuống. Khi nước thủy-triều sắp lên loài cua cất hai càng ngẩng lên mà nghinh đón, khi thủy-triều sắp xuống, loài cua xếp sáu chân cúi xuống mà tiễn đưa.

Người đánh cá thấy loài cua cúi xuống hay ngẩng lên thì biết thủy-triều xuống hay lên.

Thủy-triều lên thì ít cua. Thủy-triều xuống thì nhiều cua.

Vỏ vừa lột, mình cua mềm yếu như bông gòn, cả thân thể đọng mỡ vừa hồng vừa vàng lẫn-lộn. Đó gọi là nhuyễn-hãi (cua lột).

Cua chưa lột vỏ gọi là cao hãi (cua mỡ). Người ta lấy thứ cua mỡ (chưa lột) làm ngon, lấy thứ cua lột làm quý.

Nước triều vơi thì cua béo. [93b] Nước triều đầy thì cáy (bành kỳ, một loài cua) béo.

Người muối cua lấy thứ con cáy có lông chân bỏ vào nước muối, ngâm hai tháng, nấu nước ấy làm nước mắm bỏ thêm vào vỏ cam vỏ quít, thì mùi vị ngon tuyệt.

Giải bỏ phần cặn bã, dùng lấy phần tinh hoa cho nên gọi con cua là hãi[1520].

Xét ra đời xưa có tương hãi (nước mắm cua), có tao hãi (cua nát như hèm), có đường hãi (cua ngọt như đường).

Sách Thiên-trung ký chép: Vật trong thiên-hạ, thứ to có loài cua ở Bắc-hải, nó cất một cái càng đưa lên trên núi, mà mình nó còn ở dưới nước.

Sách Quảng-đông tân ngữ chép: Con hào[1521] sống phụ vào đá liền nhau như phòng (buồng nhiều phòng dính liền nhau) cho nên có một tên nữa là lệ-phòng (con hàu có từng phòng).

Đục một phòng, ở trong có một con hàu sắc trắng ngậm phấn xanh, ăn sống được gọi là hào [94a] bạch (hàu trắng). Con hàu nầy đem muối, gọi là lệ-hoàng (con hàu vàng), mùi vị đều ngon.

Ở Đông-quan có hào điền (ruộng hàu). Người ta lấy đá đốt cho đỏ, đập nhỏ đổ xuống thì loài hàu sinh ra ở phía trên, lấy đá thì bắt được hàu.

Người ta đốt đá cho đỏ đổ xuống biển, mỗi năm đổ đá hai lần, bắt hàu hai lần.

Con hàu vốn là vật hàn (lạnh) được lửa thì mùi vị càng ngọt, gọi là chủng-hào (hàu nuôi).

Khí-cụ bắt hàu: Lấy gỗ làm thành chữ thượng 丄 ở trên có một cái giỏ. Phụ-nữ một chân đạp lên thanh gỗ ngang, một chân đạp lên bùn, tay cầm thanh gỗ thẳng, đẩy nhẹ thì thanh gỗ ngang trợt trên mặt cát phẳng, thế rất nhẹ nhàng mau lẹ.

Khi đã đến ruộng hàu, đục phòng đá (hàu đóng thành phòng như khối đá) ra, lấy thịt hàu bỏ vào giỏ, chờ nước thủy-triều lên mới trở về.

Thanh gỗ ngang dài chỉ một thước, thanh gỗ cao dài mấy thước. Đó cũng là cách-thức đi trên bùn của người xưa còn truyền lại, và cũng là phép đi cà-khiêu trên bùn của người xưa còn truyền lại.

Ở nước ta, nhân-dân miền duyên-hải đi bắt hàu [94b] cũng như thế.

Sách Uyên-giám loại hàm dẫn sách Bổn-thảo chép:Thạch quyết minh (bào-ngư) có một tên nữa là phục-ngư.

Sách Quảng-chí chép: Con phục-ngư (bào-ngư) không có vảy, có cái vỏ một mặt bám vào đá, có những lỗ nhỏ chen lẫn, có con bảy lỗ, có con chín lỗ.

Nhan-chi-Thôi[1522] khen thứ bào-ngư sản-xuất ở Đăng-châu, mùi vị ngon tuyệt. Món mà Vương-Mãng đời Hán thích ăn tức là món bào-ngư này.

Trong thời Nam-Tề mỗi con bào-ngư trị-giá đến mấy ngàn tiền.

Sách Quảng-đông tân-ngữ chép: Hòa trùng (con-rươi), khi mưa xuống trong mùa hè nóng nực, lúa bị hun uất mà sinh ra con rươi, hoặc là gốc rạ hóa thành, cho nên cũng màu vàng. Con thứ to như chiếc đũa dài độ một trượng, có đốt có miệng, còn sống thì màu xanh, khi chín thì màu đỏ [95a] vàng.

Trước tiết Sương-giáng, lúa chín thì con rươi cũng chín. Vào ngày mùng một mùng hai và ngày 15 ngày 16, theo nước thủy-triều lên to, con rươi đứt từng đốt bơi nổi trên ruộng, người ta lấy lưới vớt lấy. Nấu rươi bỏ giấm vào thì nước trắng tự nhiên chảy ra, lấy nước gạo lọc qua, chưng làm cao thì ngọt ngon bổ dưỡng con người, bởi vì được phần tinh hoa của lúa.

Con rươi ướp muối làm khô làm mắm là món ăn của nhà nghèo.

Lại có thứ côn-trùng hình trạng như con tằm dài một hai tấc, không thuộc chủng-loại gì, trong khoảng mùa hạ mùa thu, từ gốc lúa bò ra.

Nước thủy-triều dâng lên tràn cả đồng ruộng, loài nầy theo nước thủy-triều trôi ra biển, ban ngày thì nổi, ban đêm thì chìm.

Khi loài nầy nổi lên, mặt nước đều một màu tía. Người đi bắt dùng thứ lưới miệng to đáy hẹp cột ở bụng, đi ngược dòng mà hứng lấy. Ở đáy lưới có cái túi. Khi túi đã nặng thì nghiêng đổ vào thuyền.

Sách Lĩnh-nam tạp lục dẫn trong sách Thuyết-linh chép: Con rươi (hòa-trùng) hình dáng giống như [95b] con bách-cước (loài rít có hàng trăm chân), lại giống con mã-hoàng (con đĩa), thân mình mềm như con tằm, nhỏ như chiếc đũa, dài hơn 2 tấc, màu xanh màu vàng xen kẽ nhau, ở trong có nước trắng, hình-trạng rất dễ ghét, sinh sản ở gốc rạ trong ruộng nơi bờ biển, mình dài mấy thước hoặc đến độ một trượng, có sợi dài như tơ trắng, theo nước biển mà ra, xuôi theo dòng trôi đến bờ biển, tự đứt ra từng tấc, tức là con rươi.

Người bổn-thổ lấy lưới mà bắt, trước giờ ngọ (12 giờ trưa) gánh đem bán, sau giờ ngọ thì ươn không thể ăn được.

Bắt con rươi đặt vào trong đồ đựng, đổ một chén giấm vào, thì con rươi tự nhiên nhả ra chất nước, lược lấy chưng với trứng gà mà ăn thì rất ngon.

Trong thời giặc phiên, con rươi cũng đánh thuế đến mấy ngàn vàng.

Xét ra loài nầy ở nước ta người ta gọi là con thổ-hà (con tôm đất, tức là con rươi) sinh-sản ở trong ruộng gần biển, khi con rươi xuất-hiện thì ắt có mưa, đã nghiệm [96a] đúng như thế không sai.

Mỗi năm ngày 20 tháng 9, ngày mùng 5 tháng 10, con rươi xuất-hiện rất nhiều, lênh-đênh theo nước thủy-triều.

Người bổn-thổ dự-bị lưới vỏ bắt lấy không biết bao nhiêu mà kể.

Ngày 30 tháng 5, ngày 20 tháng 8 cũng có con rươi.

Con rươi nầy dài không quá mấy tấc, không đến độ một trượng, chứa trữ mấy ngày không ươn, đem con rươi thui qua trong lửa cho hết lông, trộn với măng tre nấu canh mà ăn.

Con rươi có nhiều quá, người ta đem muối hay làm mắm đều rất ngon.

Những huyện Phụng-hóa, Gia-viễn, Yên-mô, An-khang thuộc trấn Thanh-hoa, những huyện Vũ-tiên, Chân-định, Nam-chân, Giao-thủy, Thanh-quan, Thụy-anh, Đông-quan thuộc trấn Sơn-nam đều thường dâng cống lên vua loài rươi nầy.

Sách Lĩnh biểu lục của người đời Đường chép: Ngõa ốc tử là loài trai sò, ở Nam-trung xưa, người ta gọi [96b] là ham tử (con sò huyết). Bỗng quan Thượng-thư Lư-Quân làm trấn-thủ ở đấy sửa đổi gọi là ngõa ốc tử vì trên vỏ sò huyết có khía giống như mái nhà lợp ngói (loài sò huyết).

Trong vỏ sò huyết có thịt màu tía mà đầy bụng. Người Quảng-châu càng quý loại sò nầy thường nướng mà uống rượu, tục gọi là thiên luyễn chá (chả thịt trời). Nhưng ăn nhiều thì bế khí, phải đau lưng mỏi chân.

Sách Hải vật lục chép: Vỏ con sò huyết có vằn như cái bình đứng (?), ở ngoài thì vun gồ lên, ở trong thì lõm sâu xuống[1523].

Xét ra trong sách Đường-sử thấy chép: Khổng-Quỳ[1524] và Nguyên-Chân[1525] đều can gián vua Đường, xin dừng bắt dâng cống sò biển nữa, sợ nhọc sức dân. Thế thì loài sò nầy cung-cấp lên vua đã lâu.

Mao-Thắng đời Tống gọi con sò là Đạm-nhiên-tử, phong nó làm Thiên vị đại tướng quân và khen nó có câu:

體雖脆異,用寔芳鮮

Thể tuy xuế dị, dụng thực phương tiên.

Nghĩa là

Thể-chất thịt con sò tuy mềm bở lạ-lùng, mà ăn thật là thơm ngon.

Lời của Mao-Thắng thật là có ý vị.

Sách Bổn-thảo gọi con ly 蜊 (loài sò hến) là khôi, gọi con cáp 蛤 (loài sò hến) là ham, bảo rằng thịt của hai loài nầy nhuần ngũ tạng, trị dứt chứng tiêu [97a] khát và ích-lợi cho khớp xương.

Sách Tuyền-nam tạp chí lại chép: Con sò to mà béo thì ngon đặc-biệt lạ-lùng.

Sách Tạp-trở nói: Thức ăn trong yến tiệc phải có món hàm tương (nước tương sò).

Sách Quảng-đông tân-ngữ chép: Con sò rất ngọt, không cần phải điều hòa bằng gia vị mà ngon ngọt tự nhiên, càng to càng mềm. Đó đều là người biết rành và thích ăn sò.

Người đời Tống làm bài thơ tạ ơn được tặng món tao ham[1526] có câu:

半捐介甲露濃纖

急具薑葱喚啊添

Bán quyên giới giáp lộ nùng tiêm

Cấp cụ khương thông hoán a thiêm

Nghĩa là

Cạy hé vỏ sò thấy thịt đậm-đà êm mịn lộ ra,

Gấp đem đủ gừng hành và gọi lấy thêm để ăn nữa.

Dịch thơ

Hé cạy vỏ sò, thịt đậm êm,

Hành gừng lấy gấp, gọi đem thêm.

Đất Chiết-đông người ta lấy những ruộng ven biển nuôi sò, phần nhiều là ruộng nuôi con trai.

Ở nước ta xã Tam-tri huyện Thụy-anh, vào tháng 10 người ta kết thuyền ra biển đến bờ biển Khâm-châu mặc tình bắt sò đem về kinh-đô dâng cống lên vua, còn dư bao nhiêu thì đem bán.

Khi gió đông-nam thổi, sò thúi ngay không thể ăn được. Chỉ có tháng chạp và tháng giêng là mùa bán sò.

Sò tính ôn (ấm) có thể [97b] bổ ích khí lực.

Ăn sò với gừng xắt thành miếng mỏng và cải mà uống rượu thì ngon tuyệt. Tục gọi nó là con sò.

Sách Di kiên chí chép: Ở Ôn-châu có người vợ họ Đinh ở bờ biển có tính không thích sát sinh. Có người đem tặng bà hơn một trăm con sò huyết (ngõa lũng, loài sò vỏ có khía giống như mái nhà lợp ngói.- Ngõa là ngói). Bà không nhẫn ăn sò ấy mới để vào trong chậu, rảnh-rang sẽ đem thả xuống sông.

Ban đêm bà nằm mộng thấy lũ ăn mày rất đông, thân-thể lõa lồ gầy ốm, mỗi đứa trước sau tự che thân bằng một tấm ngói. Họ đều có dáng vui mừng. Riêng có hơn mười đứa buồn rầu bảo: “Tụi bây vui quá còn tụi tao lại khổ làm sao!”

Bà họ Đinh tỉnh dậy suy nghĩ, cho rằng lũ ăn mày ấy ắt là mấy con sò ngõa lũng. Nằm chiêm bao bà còn nhớ rõ số sò, mới dậy đem sò ra đếm, thì thấy số sò đã bị một người thiếp lén lấy ăn hơn mười con. Mười mấy con sò nầy tức là mười mấy đứa ăn mày buồn rầu đó.

Cứ theo thuyết nầy thì loài sò biển cũng có thần vậy.

[98a] Loài cáp ly (sò hến) có vỏ trắng, thịt tía sống dưới biển.

Sách Bổn-thảo nói loài sò hến làm cho người ta hết khát và làm cho ngon miệng ăn nhiều.

Thứ sò hến mà vua Tống Nhân-tông không nhẫn ăn là loại nầy, một tên nữa là xích khẩu (miệng đỏ).

Sách Nam Việt chí chép: Ở chỗ bờ biển có giống thủy mẫu (con sứa), ở Đông-hải người ta gọi là con trá sắc thật trắng nhủng nhủng như bọt. Loài vật nầy có tri-thức, không có tai không có mắt cho nên không biết trách người.

Thường có con tôm tựa theo nó. Con tôm thấy người ta thì kinh sợ lặn mất, nó cũng lặn mất theo.

Sách Lĩnh-nam lục dị chép: Con sứa tính ôn (ấm) có thể chữa những chứng về lãnh (lạnh) và nhiệt (nóng).

Sách Hải vị sách ẩn chép: Con sàn, mình mềm như mỡ, không có xương, vảy mịn, miệng rộng, răng nhiều, phong vị rất ngon, thật là thức thượng hạng.

Lại có bài khen có câu:

Phong nhược vô cơ, nhu nhược vô cốt, tiệt chi [98b] phương da? Hoạch chi chi da? 豐若無肌,柔若無骨,截之肪耶? 劃之脂耶? = Mập béo dồi-dào như không có da, mềm-mại như không có xương, cắt ra như mỡ dầy vậy chăng? Phân ra như mỡ đông vậy chăng?

Phần Trùng-ngư sớ trong Mao-thi chép: Bối 具 là loài ốc có vỏ cứng sống trong nước, thuộc loài cá loài cua-đinh (ba-ba), con to gọi là hàng 蚢 con nhỏ gọi là bối 具. Loài nầy rất nhiều khác nhau về màu sắc, không đồng nhau về lớn nhỏ.

Đời xưa vỏ loài ốc được dùng làm tiền có thứ chất vàng rằn trắng, lại có thứ tử bối (vỏ ốc màu tía) chất trắng như ngọc có đốm làm vằn. Con to đường kính được một thước, con nhỏ đường kính được tám chín tấc.

Ở Cửu-chân ở Giao-chỉ người ta dùng vỏ ốc làm chén làm mâm, đồ vật để ăn uống (như muổng thìa).

Xét theo đó bối tức là loài ốc xà-cừ dưới biển.

Đại mội (đồi-mồi) sản-xuất ở Quảng-yên, con to giá không quá 5 tiền. Hình-trạng con đồi-mồi giống như con rùa, trên lưng có 12 lá vảy ráp lại.

Người bổn-thổ nuôi đồi-mồi cho nó ăn cua hay cơm.

Muốn lấy vảy đồi-mồi mà dùng, người ta treo ngược nó lên, lấy giấm sôi bôi lên [99a] thì từng miếng vảy theo tay mà rớt xuống.

Vảy đồi-mồi thứ màu vàng nhiều màu đen ít làm quý để chế-tạo dây đai lưng. Người ta lấy vảy đồi-mồi thứ có đốm hình người hình núi làm đẹp. Dư ra người ta dùng vảy đồi-mồi để chế-tạo các loại chén mâm quạt hộp lược.

Xét theo thiên Vương-hội trong sách Chu-thư thấy chép: Ông Y-Doãn nói với vua Thành-Thang xin đem con lâu-mội dâng lên.

Con lâu-mội tức là loài đồi-mồi nầy. Vậy con đồi-mồi đã có từ lâu.

Cá hậu (âm hậu), hình thể rộng hơn một thước, giống như cái ky úp, mai của nó bóng láng màu xanh đen, mắt của nó ở trên lưng, miệng của nó ở dưới bụng, chân của nó giống chân cua mà to. Con cái thường cõng con đực. Máu của nó màu xanh biếc.

Tục gọi là con sam. Con sam nấu đồ ăn thì ngon nhất. Nếu làm không sạch, người ta ăn vào phải ỉa chảy. Mai của nó có thể dùng để treo đèn.

Sách Quảng-đông tân-ngữ chép: Hậu (con sam) là hậu 侯là chiêm-nghiệm, con sam nghiệm bao giờ có gió rất giỏi. Con sam cái [99b] mang sam con đầy bụng.

Loài cua ở Viêm-hải không có chữa để đẻ con. Cua con ở đấy đều do loài sam hoá ra.

Ở những chỗ khác không có con sam.

Việc sinh ra cua lại lạ-lùng.

Sách Vân-tiên tạp ký chép: Loài cá thích mùi thai non của con huơu. Người ta lấy thai non hươu tán nhuyễn làm thành khối treo ở phía trên phía dưới cái lưới để dụ cá, thì hàng vạn con cá đều tụ lại.

Sách Văn-xương tạp lục lại chép: Nhà đánh cá lấy lông con hồ-tôn (loài khỉ đuôi ngắn) bỏ vào bốn góc lưới thì bắt được nhiều cá.

Sách ấy nói: Cá thấy lông con hồ-tôn như người ta thấy cẩm tú (gấm thêu) vậy.

Trang-Tử nói:“Trái dưa hư thúi hoá ra cá. Đó là sự biến hoá của vạn vật.”

Sách Sơn-đường tứ khảo chép: Sông Long-Môn ở huyện Mông tự châu Gia-hưng nước An-Nam, chảy đến đấy dòng sông bị cắt ngang chia làm ba ngả, từ trên cao đổ xuống, tiếng [100a] nghe ra xa hàng trăm dặm. Bên cạnh có một cái hang sản xuất cá anh-vũ màu xanh lục, mỏ và mặt giống chim anh-vũ (chim két)

Sách Uyên-giám loại hàm chép: Núi Long-môn ở tại châu Gia-lăng, nước từ trên cao đổ xuống, tiếng nghe ra xa hàng trăm dặm.

Thuyền qua đấy phải kéo lên bờ, đem qua khỏi chỗ ấy mới có thể đi nữa được.