Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 9 - Chương 12

Bên cạnh có một cái hang sản-xuất nhiều anh-vũ màu xanh lục, mỏ quắm màu hồng. Tương truyền loài cá này có thể hoá thành rồng cho nên gọi là Long-môn.

Xét ra núi Long-môn nay ở tại Vạn-ba. Tương truyền vào ngày mùng 8 tháng 4, loài cá lên núi ấy hoá thành rồng. Các loài cá đều ngược dòng mà lên, không chỉ có cá lý (cá chép) mà thôi. Cá nào không thành rồng được thì bị vỡ trán xước vảy. Người bổn-thổ đón ở hạ lưu bắt được nhiều không kể xiết.

Lại nói: Cá anh-vũ thì vùng Vĩnh-lại huyện Sơn-vi và sông Mạc-giang huyện Tam-nông đều có nhưng không béo [100b]. Cá này ở sông Việt-trì mùi vị rất ngon. Tháng mùa đông khí-hậu lạnh lẽo mới được thứ cá này, còn vào mùa xuân mùa hạ ẩm thấp ấm áp thì một cái vảy cũng không thấy, không biết giống cá ấy đã đi đâu mất. Từ sông Bạch-hạc mà xuống thì tuyệt nhiên không có thứ cá ấy, bởi vì thứ cá ấy lấy sông Việt-trì làm giới hạn mà sống.

Thói tục đã nói rất vô lý, nói rằng: Thời xưa ở biên giới tỉnh Hưng-hoá có một cây ngô-đồng cao ngất trời,rễ ăn thấy đến bên Tàu.

Một khi gió thu (kim phong) thổi lại lá rơi đến trước điện của vua Ngô.

Vua Ngô hỏi sứ giả nước Nam mới biết được việc ấy, mới sai Lý-Bạch cỡi ngựa đến đấy làm pháp thuật trấn áp.

Lúc sắp trở về, Lý-Bạch để lại một tờ giấy giao cho một bà lão và bảo:“Chờ đầy ba tháng mười ngày mới có thể dán lên cây ngô đồng” .

Vừa được ba tháng, bà lão quên lời của Lý-Bạch vội lấy tờ giấy ra dán lên cây ngô đồng. Lúc trời mưa cây ngô đồng sụp đổ, cành ngô đồng bay đi đè chết Lý-Bạch ở dọc đường. [101a] Lỗ ở gốc cây thành cái hang sâu thông đến cửa sông ở bên Tàu, cho nên cá anh vũ mới có thể sang nước Nam. Mùa đông lạnh lẽo cá anh-vũ đến đấy. Mùa xuân mùa hạ ấp áp cá anh-vũ trở về bên Tàu.

Sách Giao-châu ký của Lưu-Hân-Kỳ đời Tấn chép: Hai trăm dặm về phía đông đất Hợp-phố có một cây sam, lá rơi gió thổi đưa vào trong thành Lạc-dương. Ông thầy tướng giỏi thời nhà Hán nói:“ Đó là điềm lành, có bậc vương ra đời” .

Cho nên sai một ngàn người đi đốn cây ấy. Phu đốn cây chết hết ba trăm người. Ở trên cây bị đốn thật là ông thầy tướng.

Thuyết này quái đản, cũng là hơi quê mùa.

Sách Uyên-giám loại hàm chép: Cá lễ, tục gọi là ô-ngư, đầu đội bảy vì sao, ban đêm ứng với bảy ngôi của sao Bắc-đẩu.

Đạo-gia kỵ ăn cá này.

Tháng chạp người ta lấy mật cá nầy phơi trong mát, gặp người nào bị chứng hầu cấp tý, lấy một chút mật ấy chấm vào thì khỏi ngay.

[101b] Sách Phi tuyết lục chép: Nước An-nam có một giống cá đầu nhọn không vảy, chỗ có xương như giắt mũi tên, mùi vị như cá hà-đồn (một loài cá độc ở gần biển), gọi là cá đái-mạo (tức tục gọi là cá trê). Cá này ở bên Tàu không có, bởi vì loài cá này sợ lạnh,những tháng mùa đông thường ở trong hang cho nên ở phương bắc lạnh-lẽo không có.

Sách Uyên-giám loại hàm cũng nói: cá đái-mạo sản-xuất ở nước An-nam.

Tỉnh Quảng-đông có hoa ngư bộ, tức là chợ bán cá con (chợ nhóm ở bên bờ sông gọi là bộ 步) sáu bảy mươi chỗ. Hoa ngư là cá con. Mối lợi về bán cá con bằng với mối lợi về làm ruộng trồng lúa.

Làng Cửu-giang có ao cá giống.

Ngạn-ngữ có câu:

九江估客魚穜爲先

左手數魚右手數錢

Cửu-giang cô khách ngư chủng vi tiên

Tả thủ sổ ngư, hữu thủ sổ tiền.

Dịch nghĩa

Ở Cửu-giang khách buôn lấy việc bán cá giống làm trên hết,

Tay trái đếm cá, tay mặt đếm tiền.

Cá giống đều sản-xuất ở hai con sông Tả-giang và Hữu-giang. Cá to đẻ trứng tản mác ở trong khe [102a] đầm. Đến sông Đoan-châu trứng ấy nở ra con. Nhân-dân đến chỗ nước chảy vòng mà bắt lấy.

Lúc mới đầu bắt được cá con, người ta đựng vào chậu sành trắng. Cá con mới vừa bằng cây kim, nhưng người ta đã phân biệt được, lựa riêng ra từng giống một. 魚宗兼卞令

Cá nổi trên mặt nước gọi là tôngImage, cá ở lưng-chừng gọi là kiềmImage, cá ở dưới gọi là biệnImage, cá ở dưới đáy gọi là thổ linh 土Image.

Người ta phân ra từng loại nuôi ở trong ao, mỗi năm đến tháng 5 phân ra đem bán.

Nước ta ở xứ Sơn-nam ven theo sông người ta cũng bắt cá con đem bán đại khái cũng giống như ở bên Tàu.

Phạm-Lễ (Lãi)[1527] nói:“Nuôi cá ba năm, tiền lời có thể đến số ngàn muôn” .

Nay ở Tây-hồ, thuế đánh cá mỗi năm đến ngàn quan tiền.

Ao hồ ở dân-gian cũng đóng thuế mỗi năm năm sáu trăm quan tiền.

Mối lợi về cá giống thật là to rộng.

Sông Thao ở vùng Hạ-hòa và Thanh-ba có giống hoả-ngư, giống như cá trắng mà sắc hơi đỏ, có giống mã-ngư [102b], miệng nó giống như miệng ngựa, có giống thiềm-ngư, đầu nó giống như đầu con cóc (thiềm là con cóc).

Miền Sơn-vi và Phù-khang ở hạ lưu sông Thao không có những giống cá ấy.

Sông Thanh-lâm có một giống cá tức, xương sống và bụng nó có sắc vàng, vị rất ngon, gọi là cá hoàng-mạt.

Về phép nuôi cá, sách Bắc-hộ lục[1528] chép: Ở các bộ miền Nam-hải vào tháng 8 tháng 9, người ta đi vớt trứng cá vướng theo lá cỏ trong ao đầm, đem về treo gác trên khói bếp.

Đến tháng 2, lúc sấm động, người ta đem những lá cỏ ấy ngâm xuống ao đầm. Trong mười ngày trứng cá nở ra con nòng-nọc, người ta đem ra chợ bán, gọi là cá giống.

Cá giống này nuôi ở trong ao được một năm có thể ăn được.

Gần đây có người nói có một phép nuôi cá: Trước nhà làm một cái hầm to, đổ vào nhiều bùn [103a] màu-mỡ, lấy cỏ kê đầu thảo (cỏ gà) cắt khúc từng một tấc ném vào, trải cứt bò cứt trâu lên trên, đến lúc trời mưa to thì sinh ra cá tức (cá giếc), nuôi lấy thì ăn được.

Bài Giang-phú của Quách-Phác nói: Con giang-đồn (lợn sông), con hải-hỷ (lợn-biển) giống như con lợn (heo) mà không có vảy, có nhiều mỡ. Con hải-hỷ hình thể giống con cá, đầu giống con heo.

Lại nói: Con giang-đồn khi sắp có gió thì nhảy lên, tục gọi nó biết có gió.

Tôi phụng sứ sang Trung-quốc, thuyền đi ngang qua Hồ-bắc thấy con giang-đồn lội ra lội vào trong lớp sóng, chỗ nào cũng có, nhưng không thấy có gió thổi.

Trinh-Tử nói:“Nay ở Trung-đô có người nuôi cá có thể làm cho cá biến ra màu vàng, nhất là giống cá tức (cá giếc), kế đến là giống cá lý (cá chép).

Bậc vương công[1529] thường đục đá ở bể cạn đặt ở thềm nhà, nuôi cá để thưởng ngoạn.

Có người [103b] nói: Bắt con trùn con màu hồng ở trong vườn trong rãnh cho cá ăn.

Những con cá ấy trong một trăm ngày đầu đều như thế, mới đầu trắng như bạc, kế đến lần lần màu vàng, lâu rồi thì vàng hẳn.

Riêng có thứ cá trắng như tuyết mà vằn đen rực-rỡ như dầu sơn gọi là cá đại-mội (cá đồi-mồi) màu sắc ngắm rất đẹp.

Trọn bộ VÂN-ĐÀI LOẠI-NGỮ có 9 quyển đến đây là hết.