Yêu Đương Cùng Người Lạ - Tập 3 - Chương 01 – Thủy Điện

Yêu Đương Cùng Người Lạ
Tập 3 – Thủy Điện Có Ma
Chương 1 – Thủy Điện

Trước hết, chúng tôi xác định mình đi du lịch, nếu bỏ qua yếu tố bị người ta sắp đặt thì hai lần trước vẫn cho cảm giác khá ổn.

Nếu như Liêu câm đã nói ba mẹ bình an vô sự, vậy tôi cũng không lo lắng nữa. 

Lên tàu, vẫn là một chuyến tàu khá cũ kỹ, các hàng ghế đối diện nhau, Dung An rất gần chỗ tôi ở, gần tới mức tàu liên tỉnh không dừng lại mà phải đi tàu chợ. Tôi ngồi trên chiếc ghế cứng nhìn người lên tàu, phần lớn là nông dân và sinh viên. Dung An Tam Giang là nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều sinh viên sẽ đến đó chơi. 

Lan Tuyết và Dương Nghị lên tàu, ngồi đối diện với tôi. Lan Tuyết đặt balô to uỵch của mình xuống và hỏi: “Này, nói thật với tao đi, mày có thích Liêu câm thật không? Chứ không thì sao mày phải mò tới tận quê người ta hả? Tính lên kế hoạch kết hôn hay gì?”

“Đừng có mà nghĩ bậy bạ. Tao tới tìm hiểu Liêu gia. Nếu xét theo những gì họ nói ngày hôm đó thì việc ba mẹ tao biến mất có liên quan tới nhà họ Liêu, đi coi thế nào nắm tình hình cũng tốt hơn.”

Dương Nghị xếp gọn đồ đạc và tham gia vào câu chuyện sau khi lẳng lặng kéo Lan Tuyết về phía mình: “Tôi ủng hộ cậu Phúc Phúc, theo đuổi con trai phải thật manh mẽ, tôi tin là cậu sẽ sớm có đột phá.”

“Tôi thật sự không định theo đuổi hắn ta mà! Hôm đó, tôi đã nói rất rõ ràng rằng tôi chẳng biết gì về hắn cơ mà!” Tôi nhấn mạnh.

Lan Tuyết cáu lên: “Mày đừng có đạo đức giả đi, hai người hôn nhau không biết bao nhiêu lượt mà vẫn bảo không hiểu nhau! Thôi được rồi, chị đây biết rồi, không theo đuổi được nên sợ mất mặt hả?”

Tàu chợ cũ này đi tương đối chậm, chúng tôi phải mất hơn hai giờ mới tới nơi. Ra khỏi nhà ga nhỏ, chúng tôi tìm một chiếc ô tô và ra bến tàu thủy. Bác tài vừa đi vừa nói, hôm nay là ngày họp chợ nên cứ một tiếng sẽ có tàu chạy.

Lúc chúng tôi đến được bến tàu, mặt trời đang chiếu sáng rực rỡ. Bên bến tàu có một cây đa lớn, nhìn như một gốc cổ thụ, tán lá xum xuê che mát cho cả bến tàu.

Bước xuống dưới bến, chúng tôi thấy một người đàn ông trung niên đang phì phèo hút thuốc trước một con đò khá lớn. Chúng tôi lại gần, Dương Nghị hỏi: “Chú ơi, có đi tới khu Song Trấn phía trên trạm thủy điện Mã Thạch không?”

“Có! Tám tệ một người!” Ông ta trả lời bằng tiếng địa phương. Nói cơ bản như vậy, tôi hiểu được! Đưa tiền và chúng tôi lên thuyền. 

Tôi đã nhiều lần đi thuyền rồi, trong thành phố tôi ở có tuyến đường thủy nội ô, chuyên đi ngắm cảnh đêm. Lên thuyền, vào trong khoang khách tìm chỗ ngồi rồi ngắm cảnh qua cửa sổ. Nhưng với chiếc đò gỗ này, tôi tìm mãi không thấy cửa để vào, thay vào đó, tôi thấy một chiếc đèn lồng treo trên một cột tre hơi nhô ra ở mũi tàu. Tôi nghĩ thầm, mặt trời còn đang nắng chang chang, sao lại phải treo đèn lồng nhỉ? Hay do việc kinh doanh tốt nên sẽ chạy cả ban đêm? Nhưng sau đó, sau khi nhìn quanh thuyền, tôi thấy trong buồng lái có đèn điện cơ mà, rõ ràng đèn điện sẽ tốt hơn đèn lồng nhiều.

Một người khác cũng lên thuyền sau lưng chúng tôi. Người đàn ông trung niên thấy chúng tôi đang đứng chắn đường thì nhắc nhở: “Bước tới đi, đi xuống.”

Tôi vội bước về phía trước rồi nhìn lại, làm sao mà đi xuống được? Vòm khoang thuyền còn không cao bằng chỗ mình đang đứng thì làm sao mà xuống? Vài giây sau, tôi nhận ra có một cái hố sâu khoảng gần một mét ở ngay chân Lan Tuyết, trước mặt tôi, đó hẳn là cánh cửa để đi xuống khoang thuyền.

Tôi nói với Lan Tuyết, nó hét lên: 

"Trời ơi! Đây là cửa à? Bên trong tối quá, tao chẳng nhìn thấy gì làm sao mà xuống?”

Có một bà già đứng sau lưng chúng tôi nói gì đó, nhưng chúng tôi không nghe rõ, dường như bà đang hối thúc chúng tôi. Lan Tuyết cúi người, xoay người lại, leo xuống. Tôi cũng bắt chước nó, leo xuống bằng cách xoay lưng lại với cửa, bên dưới mái vòm là một cái thang, gần như thẳng đứng nên tôi chỉ còn cách đó mới đi xuống được.

Sau khi xuống khoang tàu, sau vài giây thích ứng với bóng tối, tôi đã có thể nhìn rõ xung quanh. Chúng tôi đang ở trong bụng của con đò, một chiếc đò ngắn, nhưng bụng khá to, cả khoang tàu chìm bên dưới sàn đò. Điều đó có nghĩa là trọng tâm của con đò sẽ thấp hơn những con đò khác. Có vài băng ghế gỗ cố định ở trong khoang, những tấm ván gỗ nhẵn nhụi sẫm màu, rõ ràng đã trải qua nhiều năm tháng. Con đò khô ráo và dường như không có chút dấu hiệu nào bị rỉ nước.

Càng lúc càng có nhiều người lên đò, chúng tôi vội tìm chỗ để ngồi xuống. Việc họp chợ phiên thế này chỉ có những người ở nông thôn mới hiểu được. Ở những khu vực tập trung dân tộc thiểu số như thế này, xa chợ, xa siêu thị, xa trung tâm nên việc đi chợ khá khó khăn, nên thường sẽ có chợ phiên mở ra theo ba ngày một lần, mọi người sẽ đến một nơi nào đó được chỉ định để trao đổi hàng hóa. Như vậy, những nhà đò như thế này sẽ có cơ hội làm ăn khá ổn định. Chính vì vậy, tôi cảm thấy nhà đò này sao lại dùng đèn lồng thay vì đèn pha nhỉ, chẳng lẽ keo kiệt tới mức đó?!

Chỉ một loáng, con đò đã đầy ắp người, có cả người già và trẻ em, ai cũng cố ngồi thu vén và giữ kỹ đồ đạc của mình.

Cuối cùng, cũng đến lúc rời bến. Sự phấn khích của chúng tôi với con đò đặc biệt này vẫn chưa kết thúc. 

Con đò chạy bằng máy, tiếng máy nổ ầm ầm đưa con đò lao vào dòng sông rộng lớn. Tôi nhìn con đò đã rời bến, vừa định lách qua cánh cửa đi ra ngoài thì người đàn ông trung niên đang lái ở đằng đuôi đò hét lên: “Này! Đi vào! Đi vào! Thuyền chạy rồi, vào ngay!”

Tôi ngơ ngác không hiểu hết lời ông ta, nhưng có thể hiểu là chúng tôi không được phép đi ra ngoài. Những người trên con đò chắc chắn không bắt cóc và đem bán chúng tôi đâu nhỉ. Thấy tôi như vậy, một cô gái trẻ - có vẻ còn đang đi học nói với chúng tôi: “Nước chảy rất xiết, trên sông còn có xoáy nước nữa, nên tàu sẽ khá xóc, vậy nên các bạn không được ra ngoài đâu. Nếu các bạn muốn ra ngoài xem thì phải đợi tới lúc nước êm đã.”

Chúng tôi mỉm cười lịch sự cảm ơn cô ấy. Một lúc sau, con đò xóc nảy lắc lư vài lần.

Sau khoảng hơn nửa tiếng, con đò dường như đã dừng lại, cả tiếng máy cũng ngừng nổ. Dương Nghị đứng lên, xốc ba lô lên vai và nói: “Mình xuống nào!”

Tôi cũng đứng dậy, trong lúc tôi còn đang suy nghĩ làm thế nào để chui qua cánh cửa nhỏ với balô đeo sau lưng, thì một người đàn ông thò đầu vào qua khe cửa quát: “Các người xuống thuyền trước đi, đi tiếp đi, băng qua thủy điện thì đứng đợi chúng ta, bao giờ qua tới nơi chúng ta sẽ đón các người lên thuyền.”

Tôi gật đầu. Lần này tôi hiểu. Ông ta hẳn đã cố gắng lắm để có thể nói tiếng phổ thông với chúng tôi. Lúc ném ba lô ra ngoài để leo lên khỏi khoang thuyền, tôi phát hiện trên đò đông người như vậy nhưng chỉ có ba chúng tôi di chuyển, mọi người vẫn ngồi yên. Tôi nghĩ lại lời nói của người đàn ông vừa rồi:  "Các người xuống thuyền trước đi." Nói cách khác, ba người chúng tôi xuống thuyền, những người khác không cần xuống!

Là phân biệt đối xử hay sao? Hay do chúng tôi không phải dân địa phương nên mới bắt chẹt?

Không chỉ có tôi phát hiện ra việc này, Lan Tuyết hét to: “Này ông già, ý ông là mọi người không phải xuống đò, mà có chúng tôi thôi sao? Tính lừa đảo à?”

Người đàn ông trung niên lại quay lại, ngồi xổm trước cửa nhỏ nói với chúng tôi: “Bọn họ đều là người địa phương, chỉ có các ngươi là người ngoài.”

“Người ngoài cũng trả tiền mà!” Dương Nghị cũng lên tiếng.

“Tàu đi ngang qua thủy điện, đi chừng nửa tiếng đồng hồ, lên bờ có thể ngắm cảnh, ngắm cảnh.”

Tôi nhìn về phía bến thuyền không thấy thủy điện mà thấy một dãy kè cao ngang mặt nước, thuyền nằm song song với bờ kè nên rất thuận tiện để lên xuống thuyền.

Cô gái trên đò giải thích: “Người dân địa phương đi đò đã quen, nhưng nhiều người từ nơi khác đến chơi, đi cùng trẻ nhỏ sẽ rất sợ khi đi ngang qua thủy điện, có người nôn ói rồi ngất đi." Cô ấy dường như nhìn thấy sự lo lắng của chúng tôi, và tiếp tục nói "Ông chủ sẽ không bỏ rơi các bạn, nhiều người từ nơi khác cũng đi xuống, chỉ cần chờ ở phía trước."

Tôi lại ngồi xuống, hỏi cô gái: “Thuyền qua bến thủy điện thì có gì mà sợ? Ở đó có ma hay là gì?"