Và Khi Tro Bụi - Chương 14

14. Cây đàn hồ cầm của Anita

Tôi lau bụi cây đàn của Anita bằng bàn tay của mình, bàn tay đã quệt nước mắt cho ông Kempf. Tôi căng lại giây đàn. Tôi vuốt nhựa thông lên những sợi lông đuôi ngựa của cánh cung. Tôi tìm một nơi để ngồi xuống, dang chân ra, đặt cây hồ cầm vào giữa, sát người tôi. Tôi nhắm mắt nhớ lại những nốt nhạc đầu tiên của một bài sonate của Bach và tôi bắt đầu kéo đàn, lần đầu tiên sau bảy năm kể từ ngày tôi đem bán chiếc đàn của mình.

Cây đàn có tiếng vang tuyệt vời. Nó hơi khan và chững chạc, mong manh nhưng không mất tiếng. Tiếng nó đẹp, đổ đầy một không gian bao la vừa dồn dập vừa nhạy cảm. Giản dị đây là một cây đàn quí.

Tôi chơi bị sai nhiều nốt. Tôi nghe thấy mình sai, kịp sửa lại cho đúng, cố không bỏ nhịp. Dù vấp váp, tôi cũng cứ đi, cứ buông mình theo giòng nước dù có lúc chới với và lạc giọng. Tôi chơi rất lâu, không nhớ tới chỗ ngồi của mình và buổi chiều đang tắt đi ở bên trên, ngoài kia. Lúc chơi nhạc tôi có một ý thức khác, một hồn phách khác, một cuộc đời khác, dường như có một con người ở một cõi riêng không vướng vào những chuyện của tháng ngày hiện tại. Âm nhạc không nằm trong không gian, nó là không gian. Âm nhạc không xảy ra trong thời gian, nó đã trở thành thời gian. Nếu tôi mở mắt ra, buông cây cung kéo đàn xuống, nó sẽ biến mất muôn đời.

Cuối cùng bản nhạc hết, tôi để rơi chiếc cung kéo đàn. Tôi đặt cây hồ cầm dựa tường và tôi ngồi thật im trong bóng tối. Tôi chợt nhận ra rằng tôi đang khóc, không biết từ lúc nào. Khi nước mắt đã bắt đầu rơi, nó không ngưng được nữa. Tôi nhớ lại trọn vẹn nỗi buồn của Anita. Tôi không nhớ lại những câu chuyện buồn đã xảy đến với chị mà tôi đã dần dần biết được, chỉ nhớ nỗi buồn. Những chuyện buồn là những điều riêng lẻ, những mảnh vụn của một cuộc đời không còn nguyên lành. Còn nỗi buồn là một đại dương, trọn vẹn, mênh mông không có các đường viền.

Tôi mang cây đàn của Anita lên trên nhà. Tôi đi tìm gian phòng trước kia chị đã ở. Căn nhà chỉ có ba phòng ngủ, hai phòng cho hai đứa con trai và một phòng của hai vợ chồng, chị không có phòng riêng. Tôi mở tủ tìm tấm trải, phủ nó lên một trong hai cái nệm trần dầy và cứng trên chiếc giường lớn và hơi quá cao. Tôi trở xuống hầm lần lượt khênh hai cái thùng đựng những thứ của chị lên để ở giữa phòng. Tôi leo lên giường nằm và nhìn lên cái trần nhà chị đã nhìn vô số những buổi tối trước khi ngủ. Gian phòng không còn một chút mùi hương nào của Anita. Chỉ có mùi của chiếc nệm cũ, mùi của đau yếu và hơi ẩm đọng lại từ nhiều năm. Mùi của một sự chết kéo dài, kiên nhẫn và bất dịch. Tôi thấy sợ. Tôi bước ra hành lang. Tôi đẩy cửa bước vào một căn phòng nhỏ, tôi nghĩ là phòng của Marcus. Vẫn còn đó chiếc giường nhỏ và cái bàn học, nhưng phòng đã trở thành một nơi chứa những thứ không dùng đến, một cái nhà kho không nhiều đồ lắm. Tôi trở qua căn phòng lớn mang cây đàn rồi kéo hai cái thùng đựng đồ đạc của Anita qua đây. Căn phòng này cũng có mùi ẩm mốc, nhưng ít nhất, nó không có mùi của ông Kempf.

Tôi băng qua phòng khách lớn và tối, đi đến nhà bếp nằm bên phải của căn nhà. Tất cả đều hoang tàn. Tôi đứng ở nơi có chiếc cửa sổ nhìn ra ngoài sân, nơi vào mùa đông cuối cùng Michael đã đứng nhìn ra thấy cái xác con chó đã đông cứng nằm bên ngoài, nó chết đã nhiều ngày rồi mà vẫn chưa được đem chôn. Bây giờ chỉ có mình tôi, một người lạ, đến ở cùng âm hồn của người đã chết và âm hồn của những người còn sống. Tôi nhìn ra cửa sổ, không thấy gì, chỉ thấy ánh sáng từ cửa sổ bên trong hắt ra một ánh vàng nửa đục nửa trong rồi ngấm mất vào bóng tối.

Trên mấy tấm ván bắc làm kệ dưới hầm tôi tìm được vài hộp đậu hòa lan nấu với nước muối loãng. Tôi mang lên bếp tìm đồ khui, mở một hộp đặt trên bàn. Tôi vặn nước rửa một cái muỗng. Tôi ngồi ở bàn múc đậu ăn. Đêm nay tôi sẽ ngủ lại đây, cùng với những âm hồn.

Buổi sáng tôi tìm thấy một chiếc xe đạp trong nhà kho ngoài sân. Tôi tìm thấy đồ nghề, tôi sửa giây sên, canh tay lái, vá ruột xe ngoài kho gần hết một ngày. Buổi chiều, tôi đạp xe xuống thị trấn mua bánh mì, thịt hộp, thuốc gội đầu, bột giặt và thuốc chùi nhà. Hôm sau tôi giặt giũ, lau nhà suốt cả ngày không suy nghĩ và không buồn vui gì cả.

Buổi tối, tôi thắp ngọn đèn ở chiếc bàn học cạnh cửa sổ, ngồi đọc những thứ tôi tìm được của Anita và của Marcus. Nhưng những gì tôi tìm được quá hiếm hoi. Tôi không biết ông Kempf đã đốt đi bao nhiêu sách vở của họ. Anita chỉ còn lại hai cuốn nhạc, tôi mở ra, thấy chị thỉnh thoảng dùng bút chì đánh dấu những đoạn nhạc khó hay tự dặn dò mình phải chơi chậm và nhiều chú ý hơn. Thỉnh thoảng, cũng bằng những nét bút chì mong manh, chị ghi lại đâu đó trên lề những trang nhạc: Tối lúc đi ngủ Marcus bị sốt 39,5 độ, buổi sáng 38 - Michael không thích nhạc. Marcus thích ngồi nghe tôi chơi, nhưng bảo cậu học cậu cũng lắc đầu - Tại sao tôi không mơ những giấc mơ khác, những giấc mơ khác, những giấc mơ khác – Mùi hương gió thoảng bên đường nghe còn quen thuộc hơn hơi thở của anh ấy.

Một đời người chỉ để lại bốn giòng ngắn viết bằng bút chì trên lề giấy. Hai giòng dành cho con, hai giòng kia thật bâng quơ. Chỉ có vậy thôi sao? Tôi không biết Anita có một cuốn sổ ghi chép nào không. Nếu có, hẳn ông Kempf đã đốt đi rồi.

Tôi dỡ từng trang hai quyển sách nhạc, cố tìm thêm một ghi chú nào đó. Chợt tôi thấy hai tờ giấy xé ra từ vở học trò gấp lại, nằm ở giữa những trang nhạc. Có thể Anita trước khi vứt đi một quyển sổ nhật ký viết lúc còn rất trẻ, đã xé ra và giữ lại vài trang ghi chép mà chị không muốn đánh mất, nhưng cũng không biết phải giữ nó ở đâu..

Đây là một trang giấy trắng. Trên đó có những đường kẽ song song, những chấm đen, những vệt cong. Đây là âm nhạc. Tại sao những tần số rung dài ngắn khác nhau của âm thanh, kéo dài trong một khoảnh khắc nào đó; tại sao những khoảng cách lên xuống từ một vệt đen này đến một vệt đen khác lại nói với chúng ta được câu chuyện của riêng nó?

Có những lúc tôi nhìn một trang nhạc, dù bản nhạc ấy tôi đã từng chơi, tôi vẫn không nghe thấy gì hết, như lúc người ta dỡ ra một cuốn sách chép bằng một thứ cổ tự mà họ chưa khám phá ra cách đọc. Cũng có lúc tôi dỡ ra một trang nhạc trước mặt mình trong một căn phòng yên lặng và tôi nghe thấy tiếng trôi của nước, tiếng kêu của một loài chim nhỏ dưới một bầu trời mây vần vũ u buồn. Mắt tôi lướt theo những chấm đen trôi trên những đường kẽ song song, và tôi nghe hơi tê đau ở những đầu ngón tay như khi tôi dang nhấn trên những giây đồng dù lúc đó tôi đang ngồi bất động trong một gian phòng hoàn toàn im lặng.

Khi tập đàn, tôi đặt những chấm đen trên những đường kẽ song song lên cây đàn bằng những đầu ngón tay của tôi. Dầu chơi đàn đã lâu nhưng tôi vẫn còn cảm giác hơi đau ở những ngón tay bấm phím. Cảm giác đau đau đó là một phần của công việc tạo ra âm thanh. Như độ cao của mặt ghế tôi ngồi, như một chút hơi ẩm của mồ hôi trong lòng bàn tay, như độ nghiêng rất khẽ của chiếc hồ cầm buồn bã dựa vào tôi. Và tôi ngồi tập đàn giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, năm tháng và tuổi tác của tôi tan biến đi, ý niệm thời gian chỉ còn nằm trong những khoảnh khắc của những nốt nhạc rơi rớt theo nhau. Mới đầu mắt tôi dẫn tôi đi theo đường đi lên xuống của những chấm đen trên những đường kẽ song song. Nhưng sau đó những chấm đen đó bị quên mất và tôi đi theo âm thanh đã trở thành ký ức. Những ngón tay trái bấm phím và những ngón tay phải cầm thanh kéo cũng có ký ức của riêng chúng.

Khi chơi nhạc tôi cảm nhận được cả thân thể mình hơn bao giờ hết. Ý niệm và cảm xúc chảy theo tất cả những mạch máu trong người đến những đầu ngón tay và thoát ra ngoài bằng tiếng nhạc. Chúng thoát ra như thế nào vẫn là một bí mật muôn đời. Nhiều lần, nhiều lần lắm, sự mầu nhiệm ấy không đến và tôi nhốt mình trong vo số những giờ tập đàn lầm than, những đầu ngón tay tôi tím đi vì tuyệt vọng.

Mùa đông qua tôi chỉ chơi Dvorak. Khi kỹ thuật mới tạm xong, tôi vẫn chưa cho phép mình đem những cảm xúc riêng tư vào bài nhạc. Tôi sẽ ở một nơi âm thanh chỉ chuyên chở chính nó chứ không có điều gì khác. Tôi không có kỷ niệm, chữ viết, hình ảnh, ước mơ. Chiều sâu và nỗi buồn là của những khoảnh khắc ở giữa những nốt nhạc chứ không phải của một kỷ niệm nào đó tôi đang nhớ tới. Một hôm nào đó khi đoạn nhạc tôi chơi đã đủ mạnh mẽ để tồn tại như một bài thơ toàn vẹn bằng âm thanh, tôi sẽ thả nó bay qua rừng núi, biển cả và lịch sử của riêng tôi. Tôi sẽ vẫn ngồi rất cô đơn trong căn phòng đóng cửa. Tôi sẽ nhớ tới tiếng sóng âm thầm dưới đáy sông của giòng sông mênh mông nơi quê hương ở miền Đông, nhớ tới màu tím ngắt của bầu trời tôi thấy vào năm mười bảy tuổi. Nỗi buồn của tôi sẽ là vực thẳm để tiếng nhạc tôi rơi vào đó. Tôi chưa nhìn thấy đáy của cái vực thẳm đó.

Một tờ giấy khác xé từ cùng một quyển vỡ, chỉ chép có nửa trang…

Buổi tối, tôi nằm trong căn phòng tắt hết đèn, với tất cả cửa mở ra ngoài khoảng sân ngập ánh sáng và bóng tối của con trăng hạ tuần già cỗi. Có khi chồng tôi đến ngồi hút thuốc lá ở cửa sổ. Tôi chỉ thấy bóng của anh, chỉ thấy đường nét của một người ngồi được đóng khung trong thành gỗ của cửa, còn thân thể của anh thì tan vào đêm tối. Đêm tối một nửa là thực, một nửa nằm trong giấc ngủ. Và nơi anh ngồi làn khói bay lên từ cái chấm sáng của điếu thuốc lá, đàng sau là ánh trăng đang thở thật chậm, phả ra một vùng sáng mờ lặng.

Chúng tôi không nói với nhau một lời nào. Có thể anh không biết tôi đang ở trong phòng, hoặc anh nghĩ tôi đang ngủ. Tôi muốn tưởng tượng anh có một chuyện gì đó đang kể cho tôi nghe, một câu chuyện không có tiếng nói bởi vì tôi đang ở một nơi khác nên không thể nghe nó. Mà tôi đang ở một nơi khác thật, bởi vì tôi đang nghe một bài hát của Brahms, Người thôi đã biết buồn. Tôi nhớ tới giọng hát của người đàn bà đã hát bài đó và thâu vào dĩa, tôi đang nghe nhạc bằng trí nhớ. Và tôi cứ nằm rất im, tan biến đi trong tiếng hát không có đó, trong nỗi buồn ai đó gây cho người mình yêu đã từ hơn một thế kỷ trước.

Đêm đó tôi nằm mơ thấy Anita. Không hẳn là tôi thấy chị, mà là thấy cái khung cửa sổ trước mắt chị, khung cửa nhìn ra khu rừng bên ngoài. Chị ngồi im trên chiếc ghế đặt giữa phòng quay mặt ra ngoài. Chị giữ lưng thẳng, cổ thẳng, tôi thấy gương mặt của chị, nhưng không có nét. Rồi chợt dưng tôi thấy những gì chị thấy, như chính tôi là người ngồi trên chiếc ghế đó nhìn ra ngoài. Những cây thông mầu xanh thẫm, gần như đen, đứng yên trong một ngày không gió. Bầu trời giăng đầy mây màu xám bất động, chỉ còn một chút vàng yếu ớt ở một góc xa mờ nhạt. Đóng khung trong cái khung cửa sổ bằng kính hình chữ nhật, bầu trời và rừng thông đã mất đi không gian. Chúng là một ý niệm về một ngày đông không có tuyết hơn chính chúng là cái ngày đông đó. Rồi hình như người đàn bà ngồi trên chiếc ghế cũng chỉ là ý niệm về Anita chứ không phải chính là Anita. Trong gian phòng của giấc mơ, Anita khi có khi không. Đôi khi tôi nhìn thấy cái ý niệm về chị, đôi khi tôi mất cái ý niệm đó, chỉ còn tôi trong phòng, tôi là Anita. Hay tôi không phải là chính chị, mà là cái ý niệm về chị ấy.

Hai giờ đêm tôi thức dậy nằm nhớ lại giấc mơ. Trí nhớ mông lung, chập chùng. Tôi vẫn còn ý thức, còn ý nghĩ, nhưng tôi không kiểm soát được giòng chảy của nó.

Anita đứng bên cạnh khung cửa sổ màu đen, vẫn gương mặt không nét đàng sau một làn sương.

“Chị Anita, chị đã chết rồi, chị hãy đi đi, đừng trở về, đừng làm em sợ.”

“Cô là ai mà đến nhà tôi?””

“Em là An Mi.”

“Tại sao cô chơi nhạc bằng cây đàn của tôi?”

“Chồng chị giết chị. Con trai lớn của chị hứa sẽ báo thù. Nhưng rồi nó bỏ rơi chị. Mọi người đã quên chị. Em cứ nghĩ tới chị.”

“Người ta có nhớ hay quên thì tôi cũng đã chết rồi An Mi à. Cô nhìn lại mình đi kìa: cô còn sống, cô lang thang qua bao nhiêu chuyến tàu u buồn, có ai nhớ cô không?”

“Không. Em không còn ai trên đời là người thân.”

“Vậy thì cô nghĩ tới cô chứ đâu phải nghĩ tới tôi. Cô chỉ mượn tôi để có cớ ngồi khóc về chính mình thôi.”

“Em hứa sẽ không khóc nữa.”

“Cô còn ngồi khóc như thế thì không ra đi được đâu. Còn buồn tủi, còn thương lấy tấm thân, làm sao xa rời nó đi được.”

“Em sẽ không thương thân nữa, để có thể chết được. Chị Anita ơi, nếu bây giờ có ai cho chị sống lại, chị có muốn sống lại không?”

“Sống lại? Có lại da thịt để biết ấm lạnh? Có lại đôi tay để chơi đàn? Và con tim để buồn thương?”

Tôi không ngờ câu hỏi làm cho Anita chợt run lên. Chị bàng hoàng quay đi, bước ra khỏi cửa, đi vào bóng đêm, vừa đi vừa kêu những tiếng kêu lạ lùng vừa như tiếng sói gọi trăng, vừa như tiếng hồ cầm lạc giọng. Tôi chạy theo chị để xin lỗi đã hỏi một câu như vậy. Tôi ra khỏi nhà, không còn thấy chị đâu. Tôi đi vào bóng đêm, tôi lần theo tiếng kêu vẳng lại từ một nơi nào đã xa, xuyên qua cây rừng và gió đêm, tôi đi mãi, đến lúc chính tôi cũng tan biến đi vào bóng đêm trong lúc mải mê tìm Anita.
Chợt có một người ôm lấy tôi, ý thức tôi nhạt nhòa đi, lẫn vào trong người đó, lẫn vào bóng tối, chiêm bao, giấc ngủ. Tôi vẫn còn nghe tiếng kêu như sói gọi trăng vẳng lại từ phía trước, nhưng dường như những tiếng kêu ấy là của chính tôi.