Và Khi Tro Bụi - Chương 15

15. Tuổi thơ nào cho Marcus

Ngày thứ ba người vợ từ căn nhà mà tôi đã hỏi đường đến thăm. Bà ấy đứng ngoài đường kêu réo vì cổng khóa và tôi đã tắt chuông. Bà ấy hỏi tôi làm gì trong căn nhà của ông Kempf. Tôi nói ông ấy nhờ tôi đến quét dọn. Tôi cầm chùm chìa khóa đặt lên bàn để bà ấy biết rằng ông ta đã đưa chìa khóa cho tôi chứ tôi không phá ổ khóa mà vào. Bà ấy hỏi tôi quen thế nào với ông Kempf. Tôi nói tôi làm việc ở Trung tâm hồi phục, nơi đang chăm lo cho ông Kempf. Bà ấy hỏi:

“Cô là bác sĩ hay y tá?”

“Y tá”

“Cô chăm sóc cho ông ấy à?”

“Vâng.”

“Bệnh tình ông ấy thế nào?”

“Gọi là Trung tâm Hồi phục nhưng chúng tôi cũng nhận những người không hồi phục. Ông Kempf thuộc về loại này.”

“Ông ấy không cử động được cả người à?”

“Cái đầu thì được.”

“Cô săn sóc cho ông Kempf thì làm những việc gì?”

“Bà có thể tưởng tượng ra được.”

“Cô cho ông ấy ăn bằng thìa hay bằng ống dẫn?”

“Tôi không nghĩ là tôi được nói về bệnh tình của bệnh nhân với người lạ.”

“Chúng tôi không phải là người lạ. Chúng tôi là hàng xóm.”

“Hàng xóm không phải là người thân.”

“Chúng tôi thân với ông Kempf hơn cô. Chúng tôi biết nhau đã gần ba mươi năm. Cô không biết từ đâu tới đây.”

Tôi không trả lời.

Tôi nghe tiếng xe gầm rú giận dữ và ngừng lại. Michael bước nhanh vào nhà.

“Nếu chị không rời khỏi căn nhà của chúng tôi ngay lập tức, tôi sẽ gọi cảnh sát.”

“Cảnh sát tới, tôi sẽ nói với họ lý do tôi ở đây.”

“Lý do nào?”

“Tôi ở đây là để tìm hiểu sự thật về những điều anh viết trong quyển sổ bìa da anh đã đưa cho tôi.”

“Tôi không có viết gì hết. Không có quyển sổ nào hết.”

“Michael, dù anh có muốn chối bỏ những điều anh đã viết vì anh muốn xóa tội cho cha, thì anh cũng phải nghĩ tới em Marcus chứ. Marcus đang rất cần một người thân.”

“Tôi cũng cần một người thân.”

“Tại sao người đó là Sophie mà không phải là đứa em trai?”

“Bà không có quyền chen vào chuyện tình cảm của Sophie và tôi. Với bà không còn một thứ gì trên đời này là thiêng liêng hết hay sao?”

Tôi thấy Michael giận dữ, anh hơi run và mặt tái đi. Tôi biết mình không thể nói gì thêm. Tôi đã thua hết, mất hết. Những tháng năm đi lầm than một mình đi tìm Marcus.

“Có, có một thứ đối với tôi là thiêng liêng trên đời này. Đó là tình anh em. Đừng bỏ rơi Marcus.”

Tôi ngạc nhiên vì chính miệng mình đã nói ra câu đó. Tôi là một cô gái mồ côi. Tất cả mọi cố gắng để có một người thân đều đã không thành. Tôi không tin ở tình yêu. Tôi biết gì về tình anh em?

“Không ai bỏ rơi Marcus. Mẹ tôi bỏ nhà đi, và dẫn nó theo rồi.”

Michael nhắc tới mẹ làm cho tim tôi chợt nhói lên. Tôi gắng nói chậm để câu nói không chứa xúc động:

“Anita đã chết rồi. Cha anh giết mẹ anh. Từ năm 13 tuổi, anh đã biết điều ấy.”

“Bà đã bị điên, chị hoàn toàn loạn trí rồi. Bà nên đi gặp một bác sĩ thần kinh, không phải là một nhà tâm lý học, mà là một bác sĩ thần kinh.

Và tôi không để cho một người điên tới chiếm ngụ bất hợp pháp căn nhà của chúng tôi. Sophie đã gọi cho cảnh sát rồi.”

Đáng lẽ tôi phải cho Michael xem cây đàn của Anita, nhắc rằng mẹ anh không bao giờ đi đâu, sống ở đâu mà không có cây đàn. Nó còn đây nghĩa là Anita chưa từng đi khỏi căn nhà này. Nhưng có một điều gì, không phải là một điều gì, mà là một ai đó ngăn tôi lại. Người đó là ai? Có thể là ông Kempf. Dù ông ấy là người thế nào, tôi cũng không thể làm sai điều quan trọng cuối cùng của một đời người mà ông đã nhờ tôi, tôi và không còn ai khác. Hay người đó là Anita. Chị không muốn cây đàn về với Michael, hay là Sophie. Cây đàn cũng có một cái hồn biết thấy tổn thương và u uẩn. 

Sau khi Michael đi rồi, tôi gọi điện thoại cho nhà ga. Chuyến tầu cuối trong ngày rời Treuwasser lúc 9 giờ 40. Tôi mang theo chiếc hồ cầm của Anita. Tôi sẽ đem nó đến cho Marcus. Đấy là một cây đàn quí. Ước gì em sẽ học chơi được nó một ngày nào đó. Nếu không, nó cũng đáng giá một khoản tiền lớn khi bán đi. Tôi về khách sạn trả phòng rồi mang cây đàn và hành lý lên tầu, bỏ lại phía sau cái khung cửa sổ nhìn ra cánh rừng thông màu xanh thẫm vào những ngày không gió. Khung cửa mà trong giấc mộng của tôi, Anita đã ngồi trên ghế nhìn ra. 

Tôi ngủ đêm tại München và lấy chuyến tàu sớm đến H vào lúc 7 giờ rưỡi sáng. Từ đó lên Weilenthal còn mất 17 cây số, nhưng tôi phải chờ gần 2 tiếng mới có tầu để đi tiếp. Tôi sẽ giao cây đàn cho ban hiệu trưởng Nhà nuôi trẻ tâm thần nơi Marcus đang sống. Trên suốt đoạn đường đi tôi thấy lòng hắt hiu, buồn thăm thẳm. Trước mặt tôi là khoảng trời mênh mông, không còn lại một thứ gì trên đời, không còn một tình yêu nào, một kỷ niệm nào trong tôi. Tôi sẽ khép lại cái khoảng đời hai năm tìm kiếm Marcus. Hai năm vay mượn, tôi đã sống bằng câu chuyện của người khác, đã nuôi thân thể mình bằng máu từ nhịp đập trái tim của họ, người chết và người sống. Hai năm tôi lạc vào một cuốn phim. Nhiều lúc tôi không biết mình có hiểu nó hay không. Nhiều lúc tôi không biết cuốn phim kể một câu chuyện thật về gia đình Kempf, hay là một cuốn phim về những ảo giác của chính tôi. Nhiều lúc tôi đi trong cuộc đời như người mộng du, bập bềnh ở giữa đời thật và chiêm bao. Trong khoảng đời mông lung đó, cây đàn là thật. Nó kể cho tôi nghe rằng Anita là thật. Nó nhớ lại những ngón tay của chị đã bấm trên phím, còn để lại những vết mờ trên giây đồng. Nó nhớ lại bờ vai nó đã dựa vào, nhớ hơi thở và nỗi buồn của chị. Cây đàn là vật đã gắn bó tôi với Anita. Tôi đã chơi cây đàn của chị, tưởng mình là Anita, đã mơ những giấc mơ, buồn những nỗi buồn của chị. Tôi đã mang nỗi uất ức của người chết, đã thương nhớ sự sống, quý báu cái da thịt, cái thân thể còn biết ấm lạnh. Nhưng cây đàn không phải là của tôi, tôi phải trả lại nó cho đứa con trai nhỏ của Anita. Trả nó lại rồi, tôi có còn câu chuyện nào, tình yêu nào, sự thật nào để tôi chạm lấy được? Còn kỷ vật nào cho tôi biết rằng tôi cũng đã sống trong một câu chuyện thật, dù rất buồn, nhưng là một câu chuyện thật? 

Tôi xin gặp ông hiệu trưởng nhà nuôi trẻ phát triển không bình thường. Vì không hẹn trước, tôi phải chờ đến 11 giờ 30 mới gặp được ông.

“Tôi biết một đứa con trai sống dưới sự bảo bọc của mái nhà này. Tên em là Marcus Maibuchen. Tôi mang đến cho em cây đàn hồ cầm, nó là của em.”

“Nhưng Marcus đâu có biết chơi đàn. Ở đây cũng không có ai dạy đàn. Ngay cả một lớp nhạc cũng không có.”

“Đây là một vật có giá trị, mong ông cất giữ nó giùm cho Marcus. Biết đâu có ngày em sẽ học chơi hồ cầm. Hay lúc trưởng thành em có thể quyết định bán nó đi.”

“Ồ, chúng tôi không nhận đâu. Chúng tôi đâu có biết cất nó ở đâu.”

“Không lẽ trại không có một nơi cất giữ những thứ quí giá?”

“Không. Cái hộp đàn này cồng kềnh chứ có nhỏ đâu. Nếu Marcus giữ nó trong phòng, hay để ở phòng đọc sách, rơi vào tay bọn trẻ là chúng phá hỏng hay đập vỡ trong 3 phút.”

Tôi nhớ lại những năm ở viện mồ côi, giữ một cây đàn trong phòng không phải là chuyện dễ. Bọn trẻ chỉ chờ chực mở nắp hộp đàn rồi dùng hết sức lực đập các cây cung kéo đàn lên thùng đàn rầm rầm, nếu tôi phản đối, năn nỉ hay khóc lóc chúng càng làm già.

“Tôi biết làm gì với cây đàn này bây giờ?”

“Bán nó đi. Cô có thể tặng tiền cho Nhà nuôi trẻ qua Hội Bảo trợ, cô sẽ được trừ thuế. Tôi không biết cây đàn này đáng giá bao nhiêu. Nếu cô muốn dành trọn số tiền đó cho riêng Marcus thì cô có thể mở một tài khoản dành cho em, năm 18 tuổi Marcus sẽ là chủ nó. Nhưng em có được quyền dùng số tiền đó vẫn còn tùy sức khỏe tâm thần của em có cho phép em làm chủ đời mình không. Nếu không, người đại diện của em sẽ quyết định.”

“Người đó là ai?”

“Chúng tôi không biết. Hiện giờ thì sở Thanh thiếu niên là người đại diện, nhưng lúc em lớn hơn thì là một sở khác.”

“Ông không nhận giữ dùm cây đàn thì tôi đành phải mang nó về vậy.”

Tôi đứng dậy để ra về, nhưng ông hiệu trưởng không đứng dậy để tiễn tôi. Ông vẫn ngồi ở ghế và tiếp tục như thể buổi nói chuyện chỉ vừa mới bắt đầu.

“Cô có chuyện gì để kể cho tôi chăng?”

“Chuyện gì?”

“Không ai đem một cây đàn hồ cầm đến tặng một cậu bé bị bệnh tâm thần mà không có một câu chuyện đi kèm theo.”

Tôi yên lặng nhìn về hướng bức tường sau lưng ông hiệu trưởng, nơi đó có một khung cửa sổ. Tôi nhìn qua cửa sổ, ngoài xa có những cây thông trên sườn đồi nhưng mắt tôi không thấy rõ nét, chúng đứng trong một màn sương. Tôi không biết cách kể câu chuyện này, tôi đã làm mất khoảng cách giữa người kể chuyện và câu chuyện.

“Tôi có lý do để đem cây đàn tới đây cho Marcus, nhưng tôi không thể kể cho ông nghe về lý do đó. Tôi không thể bán cây đàn. Sau này Marcus không biết làm gì với nó, em có thể bán nó đi, không phải tôi. Và câu chuyện của em, tôi ước ao có một người nào kể cho em, một người nào khác, không phải tôi.”

“Cô nghe đây: Marcus bị chứng PTSD rất nặng vì đã trải qua những ngày khủng khiếp. Em bị mất trí nhớ và mất khả năng giao thiệp với người chung quanh. Cô sống ở một nơi gọi là trái đất. Còn Marcus, em tự cô lập mình, sống ở một nơi gọi là mặt trăng, trên đó rất lạnh, rất trống, hoàn toàn vắng người. Để giúp các bác sĩ thần kinh và các nhà phân tích chữa bệnh cho em, chúng tôi cần thu thập tất cả những gì chúng tôi có thể biết về lịch sử của Marcus, chuyện gì đã xảy ra với em. Các bác sĩ chỉ hy vọng chữa được bệnh nếu họ biết phải bắt đầu từ đâu. Sở Thiếu niên và Tòa án cũng cần xác nhận lai lịch của em. Từ hơn ba năm nay, những gì chúng tôi thu thập được là không. Chúng tôi không biết em là ai. Hôm nay cô tới với một món quà rất lạ, rồi cô nói cô biết câu chuyện của Marcus, nhưng không kể được. Cô tưởng chúng tôi sẽ để cho cô ra về trước khi kể nó sao?”

Tôi chơi vơi. Kể lại câu chuyện này là việc quá sức tôi. Tôi không còn quyển sổ của Michael, không còn lời thú tội của ông Kempf, tôi chỉ còn lại sự thật của riêng tôi, tôi biết rằng nó đúng, nhưng nó mong manh, họ chạm vào, nó sẽ vỡ. Sự thật đó, tiếng kêu của một loài chim nhỏ dưới một bầu trời mây vần vũ u buồn của Anita, là điều tôi không thể chia sẻ được với ông hiệu trưởng, các bác sĩ, các nhân viên sở Thiếu niên và các thẩm phán ở tòa án. Tất cả những người tôi gặp trong làng đều chống lại Anita, với họ, chị nghiện rượu và lang chạ. Tôi đưa em trở về cái quê hương ấy, với một người cha sát nhân nay đã bán thân bất toại, với một người mẹ đã bị giết hai lần, một lần bởi người cha đó, bằng một con dao, và một lần sau đó bởi những người khác, bằng lời nói. Để làm gì, và điều đó giúp gì được cho em bình phục?

“Ông không muốn nhận dùm cây đàn, thì tôi mang nó về. Ông cứ xem như tôi không hề đến đây sáng nay. Tôi xin lỗi vì một tiếng đồng hồ ông mất để tiếp tôi.”

“Cây đàn – lúc nãy cô có nói là nó rất quý – hoàn toàn không có nghĩa lý gì hết. Nó chẳng giúp gì được cho Marcus. Em không cần nó. Câu chuyện mà cô biết nhưng không muốn nói, nó có thể cứu em. Đó mới là món quà quí mà chúng tôi muốn nhận thay cho em, không phải cây đàn.”

“Tôi xin lỗi phải làm ông thất vọng. Tôi không có câu chuyện nào để kể.”

Ông hiệu trưởng ngưng một phút rồi bắt đầu lại:

“Cô biết cha mẹ ruột của Marcus phải không?”

“Không.”

“Cây đàn này từ đâu ra?”

“Nó là của tôi?”

“Cô mua nó hay ai tặng nó cho cô?”

“Một người bạn gái rất thân tặng cho tôi?”

“Người bạn gái đó là ai?”

“Nếu ông muốn thì hãy gọi cho cảnh sát, nhờ họ giữ tôi lại, hỏi cung chuyên nghiệp hơn. Nhưng tốt hơn ông nên tin tôi rằng tôi không có câu chuyện nào về Marcus có thể giúp em bình phục cả. Tôi chỉ là một người lạ.”

“Nếu cô nhất định không chịu giúp chúng tôi thì cô mang cây đàn về đi và nhớ là chúng tôi không có lý do gì để tiếp cô một lần nữa dưới mái nhà này. Đừng đến nữa.”

“Tôi không có ý định trở lại. Nhưng xin ông cho tôi gặp Marcus một lần này thôi.”

“Để làm gì?”

“Ông không cho thì thôi vậy.”

Tôi đứng dậy, khiêng cái hộp đàn đi ra khỏi cửa. Khi tôi ở ngoài hành lang rồi, ông hiệu trưởng mới nói:

“Nếu cô không chê thức ăn ở căn tin thì tôi xin mời cô buổi trưa.”

Ông giúp tôi đem cây đàn trở vào phòng. Ông khóa cửa và chúng tôi đi đến căn tin.

Phòng ăn có những khung cửa rộng nhìn ra những ngọn đồi, bên ngoài trời không có nắng, những ngọn đồi ở xa tan dần vào làn sương nhạt. Ông hiệu trưởng hỏi tôi từ đâu đến, tôi nói tôi không có một quê hương nào, hoặc có, mà tôi không biết. Tôi định nói tôi cũng lớn lên từ những viện mồ côi, nhưng tôi không nói. Trong bữa ăn, chúng tôi yên lặng.

Sau bữa trưa, ông hiệu trưởng đồng ý cho tôi gặp Marcus. Ông đưa tôi đến phòng học, chúng tôi đứng ngoài hành lang nhìn vào. Marcus vẽ màu sáp lên những tấm thẻ, và sắp xếp chúng theo một thứ tự nào đó. Trông em hơi buồn, nhưng bình thường và đáng yêu hơn tôi tưởng. Ông hiệu trưởng xin phép cô giáo cho em ra khỏi lớp. Chúng tôi đi về phòng em. Ông hiệu trưởng giới thiệu tôi:

“Đây là cô An Mi.”

Marcus không nhìn tôi. Em đến ngồi ở mép giường. Em thấy bất an vì có người lạ. Đôi mắt của em đẹp, em thu hút tôi, có lẽ vì cái khoảng không buồn buồn của em, có lẽ vì em sống ở một nơi lạnh và vắng, ở mặt trăng, như ông hiệu trưởng nói. Tôi cũng thấy bất an.

Không hỏi ý tôi trước, bất ngờ ông hiệu trưởng nói:

“Cô An Mi có mang đến một cây hồ cầm để chơi nhạc cho em nghe. Em có muốn nghe không?”

“Có.”

Marcus trả lời có vì nói có dễ hơn nói không. Tôi biết em chẳng suy nghĩ gì.

Ông hiệu trưởng đi lấy cái đàn. Chỉ còn lại tôi và Marcus trong phòng. Em tránh mắt tôi, mải nhìn cái khung cửa nơi ông hiệu trưởng đã đi ra.

Tôi lấy đàn ra và lên giây. Trong hộp đàn có quyển sách nhạc của Anita. Tôi mở ra tìm một đoạn quen của Dvorak, một đoạn Anita đã chơi và ghi chú bằng viết chì lên bản nhạc. Không có giá để bản nhạc, tôi nhờ ông hiệu trưởng đặt ghế ngồi đối diện tôi, cầm bản nhạc để mở trước mặt tôi.

Marcus không bao giờ nhìn tôi, nhưng khi bản nhạc hết, em chợt quay đầu nhìn cái đàn chăm chăm. Tôi hỏi em:

“Em có muốn lại gần đây xem cây đàn không?”

Marcus lắc đầu. Tôi dựng cây đàn vào tường và trở lại ngồi trên ghế. Tôi muốn nhìn em, nhưng tôi đành lơ đãng nhìn ra cửa sổ, vì tôi biết em tránh ánh mắt tôi. Marcus ngồi nhích dần tới chân giường, nghĩ ngợi một lúc rồi đứng dậy đi tới chỗ tôi dựng cây đàn. Những ngón tay em chạm lấy đường cong của thân đàn, rồi em vuốt nhẹ lên mặt gỗ. Có một thoáng gì như là ánh sáng trong mắt em. Trong một giây, dường như em vừa tìm được một vật của quá khứ, một dấu vết dẫn em về một tuổi thơ có mẹ.

Nhưng cũng có thể chỉ do tôi tưởng tượng mà thôi.

Ông hiệu trưởng hỏi Marcus:

“Con thấy bài nhạc có hay không?”

Marcus không trả lời.

“Con có muốn mai mốt cô An Mi đến đàn cho con nghe nữa không?”

Marcus nói nhỏ:

“Không.”

Rồi em lập lại ba lần, mỗi lần em lại nói lớn hơn lần trước một chút:

“Không. Không. Không.”

Em muốn người ta hiểu thật rõ câu trả lời.

Ở văn phòng tôi nói với ông hiệu trưởng:

“Xin ông giữ giùm cây đàn cho Marcus. Ông nói là ông không biết cất nó ở đâu, nhưng tôi biết nếu ông muốn, ông sẽ tìm được chỗ.”

“Tôi không muốn.”

“Tại sao?”

“Trao được cây đàn cho tôi rồi cô sẽ không quay lại đây nữa.”

“Nếu tôi cứ để nó đây và đi về thì sao?”

“Tôi sẽ đi theo cô.”

Tôi không nói gì.

“Hãy hứa là cô sẽ trở lại.”

Tôi vẫn không nói gì.

“Tôi sẽ nói chuyện với bác sĩ của Marcus để nghe ý của ông ấy về chuyện này. Cô sẽ trở lại, cô hứa với tôi đi.”

“Tôi phải đi xa. Trước khi đi tôi mang cây đàn đến cho em. Nếu các ông không nhận thì tôi vẫn phải đi.”

“Tôi biết là cô sẽ trở lại. Và cô biết rằng tôi chờ. Marcus cũng vậy. Chúng tôi luôn luôn chờ cô trở lại.”