Những đống lửa trên vịnh Tây Tử - Truyện 11 - Dư âm
Dư âm
Cuối năm, có người đến và lơ đãng bỏ lại trên bàn những chiếc chuông gốm màu đất nung nhỏ nhắn vẽ những khoang màu trắng thanh nhã, gợi nhớ đến đồ sứ Nhật Bản men trắng, vẽ hoa xanh hay hoa văn màu chàm mát mắt, bình yên. Mỗi chiếc chuông buộc một sợi dây dịu dàng.
Tôi treo dây chuông lên cửa sổ. Có tiếng gì gợi nhớ đến quả chuông gió Furin nhỏ bé treo trên mái hiên một ngôi nhà Nhật mỗi mùa hè, hay gợi đến những làn gió xuân rạo rực thổi suốt tháng tư, và người đàn ông treo cây đèn lồng đỏ dưới tán những cây anh đào nở hoa...
Nhật Bản trong trang sách là ngọn núi tuyết và hàng cây tùng già tươi thắm, buồn bã và hùng tráng. Cảm nhận được từ hình ảnh hoa anh đào cái tính chất mỏng manh của đời sống. Con người Nhật cũng như Sakura vậy, cả một rặng cây nở hoa thì rất đẹp, nhưng hái một bông Sakura sẽ thấy rất cô đơn. Tôi đã nghe kể về Samisen, cây đàn ba dây chơi trong những bữa tiệc vui. Samisen giống tiếng nói của người Nhật, buồn mà vui, ngọt ngào mà cay đắng.
Trong tôi có hai người ngồi quỳ giữa căn phòng nhỏ, đối diện nhau, trước chiếc bàn thấp, cửa sổ mở vào một chiều Xuân. Người đàn ông cúi mặt xuống cây đàn, người phụ nữ ngước mặt chờ đợi.
Đấy là một chuyện tình buồn của nhiều năm về trước, khi ấy người ta còn trẻ, và Sakura nở khi những lễ hội ngắm hoaHanami mở lối cho tình yêu đến. Có nước mắt chảy hạnh phúc, đôi mắt xếch duyên dáng cúi nhìn xuống má, hồng lên bên hoa.
Nhưng cũng có thể chỉ là một cuộc gặp gỡ ngắn, người này muốn người kia vui. Dẫu sao Samisen vẫn mang hương vị rượu Sake và tiếng cười. Tiếng đàn huyễn ảo như giấc mơ, như nụ cười của cô kỹ nữ Geisha.
Nhưng không biết vì sao tôi tin đó cũng là tiếng cười của một số phận cay đắng.
Tôi nghĩ đó là lẽ buồn. Cũng như trà đạo, kiếm đạo, Ikebana... chứa đựng quan niệm sống trong cái đẹp cao cả thuần khiết. Nhưng đằng sau đó lại là triết lý nhân sinh. Vì sự thanh thản thuần khiết không đến từ nghệ thuật mà bắt đầu từ chính tâm hồn người.
Và chén trà, cánh hoa chỉ là gợi nhớ về chính ta, khi quay về với cái khắc khoải vô tận của kiếp sống con người, trong một khoảnh khắc Mu (hư vô) ấy.
Tôi thích Mayumi Itsuwa của thập kỷ 60, bởi cô hát "Koibito yo, Sayonara" (người yêu ơi, tạm biệt!), cũng như tôi yêu tác phẩm "Những người tình buổi sáng mùa đông" của Fukunaga Hiromi. Họ đứng trước mặt biển tràn ngập hơi nước và ánh bình minh vàng rực.
Tôi không yêu cái đẹp, tôi yêu bởi họ, những tình nhân ấy luôn hy vọng, luôn tha thiết với tình yêu và cuộc sống.
Tôi viết những dòng này nhờ dây chuông gốm treo trên cửa sổ, ngay trước bàn làm việc của tôi. Hôm sau tôi đến nhiệm sở, không nhìn thấy đồ vật dễ thương và xinh đẹp ấy nữa.
Người chủ để quên đã quay lại và mang nó đi.
1996