Mắt bão - Chương 33 + 34

Chương 33

Bằng cặp mắt dò xét chuyên nghiệp, người bảo vệ nhìn Hải, đối chiếu với thẻ sinh viên của anh. Sau đó, ông ta lướt mắt qua quyển sổ nhỏ, nói cho anh biết số căn hộ của Nhã Thư. Anh cám ơn, bước về phía thang máy. Khu chung cư cao cấp, mọi thứ đều sạch tinh và sáng loáng. Từ cái phù hiệu trên mũ đồng phục người bảo vệ, những cánh cửa kim loại, cho đến sàn đá hoa rộng lớn dưới chân anh. Ánh nhìn lạnh lẽo của người bảo vệ vẫn bám sau lưng. Hải cuối xuống, vuốt lại cho thẳng nếp túi giấy đựng chùm nho Mỹ nặng trĩu một bên tay.

Tan lớp học tiếng Pháp, anh chạy xe ngoài phố, đầu óc ngổn ngang. Hồi nãy, lớp học của anh dịch bài khóa có chủ đề chăm sóc y tế. Hơn nửa bài nói về nạn phá thai và chính sách hỗ trợ những cô gái có con ngoài ý muốn của liên minh châu Âu. Vấn đề khô khan nhưng lại làm Hải đau thắt. Chừng như bài khóa tình cờ là sự nhắc nhở dành riêng cho anh vậy. Đầu óc anh tuột ra khỏi loạt từ mới hay những cụm ngữ pháp cần phân tích. Nhã Thư lại hiện ra trong cái hôm mưa họ ngồi ăn tối cùng nhau. Câu nói nhận xét cay độc của Hữu nhói lên, âm oang. Cái gật đầu xác nhận của cô ấy về việc đang có một đứa bé trong bụng… Chuông báo giờ học kết thúc như một sự giải thoát. Anh đi loanh quanh, không điểm dừng . Để chấm dứt ý nghĩ giằng co, anh tấp xe vào siêu thị trái cây, chọn một chùm nho to nhất, đẹp nhất. Nhìn đồng hồ, đã gần chín giờ. Chắc chắn Nhã Thư không còn ở văn phòng. Anh biết chung cư nơi cô ở. Chắc cô sẽ bất ngờ, có thể khó chịu nữa. "Nhưng bạn bè gặp nhau đôi chút cũng được mà! - Hải tự trấn an - Mình chỉ gặp cô ấy một chút, rồi đi ngay. Can đảm lên nào!". Càng đến gần hơn với Thư, sự vững tin trong anh càng suy giảm. Hải bước chậm dần.

Một bóng người từ cầu thang chạy vụt xuống. Vĩnh. Anh giật mình, nép ngay sau một cây cột. Có lẽ phản ứng lẫn trốn hoàn toàn không cần thiết. Vĩnh đã rẽ ngoặt qua hướng hành lang dẫn xuống tầng hầm để xe. Hải bàng hoàng khôn tả. Chưa bao giờ anh thấy gương mặt bạn mình vừa giận dữ, vừa trống rỗng đến vậy. Không mảy may nhận biết xung quanh chỉ là chuyện nhỏ. Đáng sợ nhất, chính là cái thần sắc hệt như vừa nhúng tay vào tội ác và tháo chạy của cậu ấy. Không biết giữa Vĩnh và Thư, trục trặc gì xảy ra? Vừa lo sợ cho Nhã Thư, vừa muốn lảng tránh không xen vào chuyện cá nhân của bạn, Hải đứng sững trước cửa thang máy. Nó mở ra hồi lâu mà anh không hay. Tiếng chuông báo hiệu nhắc nhở. Đúng lúc ấy, một đám trẻ nhỏ cả người Việt lẫn Hàn Quốc từ ngoài công viên đuổi nhau ào vào hàng lang. Hệt như bầy thú hoang dã, cả đám chạy xô qua cửa thang máy mở rộng. Chúng đông và mạnh đến nỗi anh bị cuốn bật vào trong lúc nào không hay.

Đi lạc loanh quanh một lúc trên tầng chín, Hải mới tìm thấy căn hộ của Nhã Thư nằm khuất đầu kia hành lang. Anh bấm chuông, đập cửa hồi lâu. Anh vặn nhẹ tay nắm. Cánh cửa mở ra êm ru. "Có ai không?" - Hải lên tiếng. Ánh đèn vàng dịu và hơi lạnh bảng lảng trên sàn gỗ. Anh lúng túng cởi giày, rón rén bước sâu vào trong. Căn hộ rộng bài trí trang nhã. Những món đồ hiện đại, thiết kế ấn tượng. Các bức tranh treo tường sang trọng mà không phô trương. Chỉ có điều, chẳng thấy một bóng người. Sự im lặng bắt đầu làm Hải lo sợ. Anh rút điện thoại gọi cho Nhã Thư. Tiếng chuông vang lên ngay sát cạnh anh. Di động của cô vứt trên ghế sofa. Thất vọng, Hải tắt máy, quyết định rời khỏi căn hộ lạ thường.Bước ngang qua hộc tủ âm tường, anh chợt nhận ra có một khối đen im lìm, cuộn tròn. Phải mất mấy giây, Hải mới hiểu anh đang nhìn gì. Ngồi im trong cái hốc, chỉ còn hiện diện gương mặt mờ nhạt, Nhã Thư tựa một quầng sáng leo lét, vô hồn. Dáng ngồi kỳ quặc khiến cô trông méo mó, gần như bẹp dúm. Chừng như tất cả mọi nỗi đau khổ và kinh hoàng trên thế gian đã cô đặc lại, lúc này đặt hết lên thân thể cô. Một Nhã Thư tự tin, thân thiện và nhẹ nhàng hoàn toàn biến mất. Chỉ còn cái hình nhân rỗng không bị ném vào cái hốc tủ âm tường này. Sợ hãi lẫn xót thương, Hải cuối xuống, gọi khẽ: "Sao Thư ngồi đây?". Im lặng. "Có việc gì vậy, Thư ơi?" - Anh chỉ lờ mờ là mình đang nói rất to. Hoặc sự yên tĩnh của căn hộ đã khuếch tán âm thanh đến mức kỳ dị. Anh quỳ hẳn gối xuống, mặt anh ngang tầm với cô. Thư vẫn nhìn mà không nhận ra anh. Hải rụt rè đưa tay, nắm lấy bàn tay co quắp cô giấu trong lớp vải áo trước bụng. Bất thần, cả cái khối đau khổ ấy nghiêng ụp xuống, đổ vật vào vai anh.

Hơi loạng choạng, anh mau chóng lấy lại thăng bằng. Vòng tay ôm nhẹ lưng Nhã Thư, anh đỡ cô đứng dậy, dìu cô về phía sofa, đặt cô ngồi tựa hẳn vào lòng ghế. Lúc này, anh mới nhận ra cô chỉ mặc một cái áo chemise nam dài ngang bắp đùi. Áo của Vĩnh. Chi tiết nhỏ nhặt, tình cờ, thế mà nó quất anh đau điếng. Biết mười mươi Thư yêu Vĩnh, nhưng phải chấp nhận biểu hiện của tình yêu ấy, quả là thử thách nặng nề. Cây bút mực kim nhỏ Vĩnh vẫn hay xoay nhẹ giữa mấy ngón tay, lăn cuối góc bàn salon. Cảm giác tội lỗi, vì ăn cắp sự riêng tư của người khác, vì gặp gỡ người yêu của bạn choán đầy Hải. Anh đứng dậy, bước ra khỏi tấm thảm len. Chẳng biết làm gì khác, anh đành đỡ chùm nho ra khỏi túi, rửa dưới vòi nước dàn bếp. Tiếng bao giấy loạt xoạt, những hạt nước văng tung tóe giằng Hải ra khỏi ảo giác, trả anh lại cảm giác thực về mọi thứ đang diễn ra. Rồi anh đi về phía tủ lạnh, hy vọng trong đó có nước hay một thứ gì đó giúp anh thoát khỏi tình trạng hoang mang.

Có rất nhiều thứ trong tủ lạnh. Trái cây chất đầy trong ngăn rau. Sữa và nước quả đóng hộp xếp kín bên cánh cửa. Các loại bánh ngọt và snack chen chúc nhau trong các khoang còn lại. Gần như tất cả còn nguyên trong hộp vỏ sang trọng, chưa từng được bóc. Ừ, cái tủ lạnh giống như cuộc đời thầm kín của con người ta vậy, Hải lan man nghĩ. Ai cũng cố gắng làm lụng để kiếm những thứ đẹp đẽ ngon lành, càng nhiều càng tốt. Họ sẵn sàng vắt kiệt mình, chắt bóp thời gian để làm nhiều việc, nhiều hơn, chỉ để bảo đảm lúc nào cái tủ lạnh cuộc đời cũng được chất đầy. Họ làm điên cuồng đến nỗi không thể nhận ra từ lâu, họ chẳng còn thời gian, thậm chí chẳng còn sức lực và hứng thú để đụng đến những thứ mà họ kiếm nữa… Rốt cuộc, Hải chỉ nhặt một quả chanh trong ngăn hộc đựng trái cây. Anh tìm hũ đường và cái cốc thủy tinh, lúi húi pha nước chanh nóng. Mùi vỏ chanh thơm hắt khiến cảm giác căng thẳng trong đầu anh dịu xuống.

Cô gái cầm cốc nước từ tay anh, máy móc đưa lên môi. Hồi còn ở quê, mùa mưa lũ, hàng chục lần Hải chứng kiến cảnh tương những kẻ bị dòng nước tàn nhẫn cuốn đi. Ngay phút cận kề cái chết, hết thảy họ đều giống hệt Nhã Thư lúc này: Nước da xanh tái khủng khiếp. Vệt môi trắng bệch. Hai bàn tay cóng lạnh. Anh lên tiếng:

- Thư à, gắng lên một chút được không. Tôi chẳng biết có chuyện gì xảy ra. Nhưng tôi muốn Thư đừng có suy sụp vậy. Hại sức khỏe lắm đó! - Ngừng một lúc, anh khó khăn nói thêm - Hại cho cả đứa nhỏ trong bụng Thư nữa!

Lời nhắc của Hải đập vào trí óc đóng băng. Cô gái chậm rãi ngước lên, đăm đăm nhìn anh. Một hạt nước lớn dần nơi khóe mắt, rơi xuống, lăn trên gò má.

- Ừ, Hải tới thế này tốt hơn. Nếu không, tôi chẳng biết sẽ làm gì điên rồ nữa…

Làn gió từ ban- công thổi tung tấm rèm cửa lớn. Chợt nhớ dưới kia là không gian sâu thẳm, Hải vội kéo sầm cửa trượt. Ý nghĩ Thư có thể hành động dại dột khiến anh lạnh gáy. Khi anh quay lại, cô đã đổi một tư thế khác, dáng ngồi quen thuộc của cô, tự chủ hơn và bình tĩnh hơn. Vệt nước trên má đã lau khô. Cần phải nói chuyện, chuyện gì cũng được, Hải tự nhủ, miễn cô ấy thoát khỏi trạng thái trì trệ đáng sợ này.

- Vĩnh đã biết về đứa bé chưa, Thư? - Anh hỏi thẳng.

Cô gái gật đầu, hơi nhếch môi cười.

- Hai người sẽ cưới sớm, đúng không? - Hải nói, tim nhói lên.

- Không!

- Sao lại thế? - Bỗng dưng anh phát hoảng - Phải làm mọi thứ thật nhanh chứ, trước khi đứa bé ra đời…

- Hải ngây thơ thật, hay đang đùa cợt vậy? - Nhã Thư nhìn thẳng vào mặt anh.

- Đùa cợt gì ở đây? Chẳng lẽ Thư không muốn như vậy sao?

- Không phải là muốn hay không muốn. Mà vấn đề ở đây là đứa bé không nằm trong dự tính. Cả của Vĩnh và của tôi, Hải ạ!

- Tôi không hiểu nổi, Thư ạ! - Hải luôn cáu kỉnh khi điều đơn giản bị làm cho phức tạp - Hải và Thư yêu nhau, sống cùng và có một đứa con là điều tốt lành chứ. Ừ, có thể hơi sớm với tuổi hai người. Nhưng vẫn có thể thu xếp được.

- Đời sống gia đình không phải là điều Vĩnh đặt lên hàng đầu đâu. Hải biết, anh ấy còn rất nhiều kế hoạch khác, quan trọng hơn.

- Đứa bé thì sao? - Đột nhiên, nội dung bài khóa tiếng Pháp trở lại đầu Hải.

- Có lẽ tôi sẽ đến bệnh viện. Nội trong tuần này, Hải ạ. Đó là cách duy nhất.

- Vĩnh biết ý định ấy chưa? Cậu ấy khó chịu phải không? - Hải dần dần hiểu ra khi anh liên kết sự kiện với hình ảnh ban nãy Vĩnh chạy ra khỏi chung cư.

- Không quan trọng nữa đâu! - Thư lắc đầu nhè nhẹ - Khi nói với anh ấy về đứa bé, tôi mong gì nhỉ? Thú thật, tôi chỉ thèm muốn được chia sẻ, được vỗ về. Chút ít thôi cũng được. Vĩnh chưa nói gì hay có quyết định gì rõ ràng đâu. Nhưng sự sợ hãi và im lặng của anh ấy khiến tôi tổn thương khủng khiếp. Rốt cuộc thì tôi không thể lảng tránh sự thật là Vĩnh phải nghĩ đến anh ấy, đến sự nghiệp của anh ấy trước khi nghĩ đến tôi và đứa bé. Nhưng tôi sẽ không trách móc gì hết, Hải ạ. Tôi rất ghét đặt mình vào vị trí nạn nhân cần phải thương hại. Tôi sẽ tự lo liệu. Như xưa nay vẫn thế…

Sau câu nói dài, Thư lại nhìn anh, mỉm cười. Nụ cười bình thản nhất mà cũng cay đắng nhất anh từng thấy. Hải rời chiếc ghế đối diện, ngồi xuống tấm thảm, nắm nhẹ bàn tay cô, nói hối hả:

- Tôi lo cho Thư được. Tôi đi làm, có tiền. Tôi giúp Thư chăm sóc đứa bé được.

- Không, Hải! - Cô gái rụt bàn tay ra khỏi tay anh - Đừng nói nữa!

- Thư biết hết mà, đúng không?

- Ừ, tôi biết cảm xúc Hải dành cho tôi. Tôi biết chiếc đồng hồ trắng là Hải tặng, chứ không phải của Vĩnh. Tôi biết nếu cần phải trông đợi một người luôn ở bên mình, bất chấp điều kiện, thì duy nhất chỉ có Hải. Nhưng không được đâu, Hải ạ.

- Tại sao không, hả Thư? - Hải kêu lên, thiết tha nhìn cô gái anh yêu - Tụi mình cùng là dân tỉnh. Tụi mình cùng gắng sức làm việc để ở lại thành phố mà. Thư cần gì, tôi sẽ gắng làm được hết. Tôi biết mình còn kém nhiều, nhưng tôi đang đi làm, đi học thêm đủ thứ, không để thua sút ai đâu…

- Hải đừng nói như vậy nữa, làm ơn! - Thư so vai, giọng bình tĩnh lạ lùng - Hải có biết những cô gái như tôi cần gì không?

- Được yêu thương? Đột nhiên, niềm vững tin trong Hải mất sạch.

- Yêu thương sẽ vô nghĩa nếu không được đảm bảo một cuộc sống đầy đủ và yên ổn, Hải ạ! - Thư đưa mắt nhìn một lượt căn hộ, cười chua chát - Tôi mới thuê chỗ này để sống. Tôi ưa thích tiện nghi, Hải ạ. Tôi không đủ hư hỏng để làm gái bao moi tiền đàn ông như một vài cô gái khác. Nhưng tôi cũng phải xoay sở theo cách tốt nhất chứ. Lúc nào tôi cũng cố gắng làm việc, nhưng dân tỉnh lẻ tụi mình, làm mấy chục năm nữa mới đủ tiền mua nơi chốn như thế này hả Hải? Một người như Vĩnh sẽ đảm bảo cho tôi một đời sống an toàn dài lâu. Tôi yêu Vĩnh, yêu thật sự. Nhưng ý nghĩ anh ấy vững chãi và giàu có khiến cho tình yêu càng mạnh hơn…

- Khi nhận ra Vĩnh không còn là chỗ dựa ấy, Thư đã tuyệt vọng?

Cô gật đầu. Hải ngột ngạt kinh khủng. Anh bước ra ngoài ban- công, nhìn ra khoảng trời trống rỗng, tối om. Phía sau anh, vang lên tiếng nấc đẩy ra từ cổ họng, rồi tiếng khóc nghẹn ngào, hoang hoải. Chưa bao giờ Hải thấy lạnh và cô độc đến thế. Một thế giới đầy toan tính mà vẫn trống trải đến kỳ dị, không thể nào hiểu được.

Đêm, khi Thư vào ngủ trong giường , Hải vẫn ngồi lại ngoài sofa để canh chừng cô. Anh không muốn bất kỳ bất trắc nào xảy ra. Trong bóng tối yên tĩnh, Hải nghĩ miên man về tình yêu, về chuỗi bí mật của lòng người, về sự xa cách giữa những người tưởng như gần gụi nhất, về những ảo tưởng khiến người ta luôn gây đau đớn cho chính mình và làm tổn thương nhau. Bên trái lồng ngực anh nặng trĩu, rồi như muốn vỡ bung với những ý nghĩ buồn thảm ấy.

Tia nắng trắng nhạt rọi qua ô vuông thông gió, chiếu lên mặt bàn. Đóm nắng thứ hai rơi trên má Hải, nóng ấm. Anh cựa nhẹ người, mở mắt. Tấm rèm im lìm màu khói lọc hết mọi âm thanh từ bên ngoài thấm vào. Bất chợt, một làn gió thốc mạnh. Tấm rèm bay lên, hé lộ vạt không gian ban mai sáng rực, nhuốm một thứ màu xanh tinh chất, ónh ánh như ngọc biếc.Trong gian phòng kia, Thư vẫn ngủ say, hơi thở chậm, nhưng đều. Đã đến lúc anh phải rời khỏi nơi đây. Đã đến lúc anh không được dự phần vào cuộc đời Thư nữa. Vĩnh viễn là thế.

Chương 34

Sáng thứ ba thường có những chuyện bất ổn.

Hữu vào trường sớm. Bác bảo vệ ra hiệu cho anh cứ việc phóng thẳng chiếc SH vào bãi gửi xe có mái che phía cuối sân, khu vực chỉ dành cho giảng viên. Đó là một đặc quyền nho nhỏ riêng mình Hữu được nhận, nhờ thỉnh thoảng lại mời bác bảo vệ ly cà phê hay điếu thuốc, nói đôi ba câu chuyện gẫu. Nhưng bữa nay anh xuống xe, dắt bộ rẽ sang phải. Bãi xe này ngay cạnh dãy phòng học khoa Quản trị. Ngoài một hàng xe tay ga hạng sang, phần lớn trong bãi là những chiếc xe máy đời cũ. Nhiều vè xe nhem nhuốc, dính đầy bùn đất. Có chiếc bảng sổ tróc mờ hết sơn, gạt chống mòn vẹt nên cái xe lúc nào cũng như sắp đổ kềnh ra tới nơi. Đứng bên cạnh chúng, chiếc SH nôie bật, như một gã bảnh chọe phô trương giữa những gương mặt mệt mỏi vì công việc. "Có lẽ mình nên kiếm một chiếc xe nào cũ cũ, đi tạm trong mấy tuần này thì hay hơn. Một người nghèo, gian dị đang nỗ lực vươn lên bao giờ cũng tạo cảm giác gần gũi, thu hút thiện cảm hơn là một kẻ có đầy đủ mọi thứ..." - Hữu suy tính.

Còn hơn một tháng nữa sẽ tới đại hội Sinh viên khoa. Quỹ thời gian quá ít ỏi. Mỗi khi nghĩ đến nó, gương mặt Hữu hiện ra trong mắt chính anh ta. Với đôi mắt sáng lóe, thèm khát, sẵn lòng theo đuổi mục tiêu đến cùng. Hồi đầu, Hữu thường nói nhẹ nhàng: "Ra tranh cử cho vui. Thử coi làm được gì thì làm cho sinh viên khoa mình. Nếu rớt cũng không sao!". Tuy nhiên, trong thâm tâm, Hữu không xem đây là một trò vui. Bằng mọi giá, anh phải thắng, phải nắm được chức chủ tịch Hội sinh viên ở năm cuối. Với chức vụ này ghi trong lý lịch sinh viên, mai đây chắc chắn anh sẽ kiếm được một vị trí tốt ở các công ty lớn. Trước đây, mải mê công việc quản lý bên cửa hàng thời trang thể thao, rồi tranh thủ chạy show cho các công ty quảng cáo và tổ chức biểu diễn, Hữu sẵn lòng bỏ tiết, chỉ lên trường những hôm thi hay các giờ học bắt buộc trên giảng đường. Nhưng một tháng nay, Hữu sắp xếp lại thời gian biểu, ưu tiên tất cả thời gian để lên lớp. Anh biết, tận dụng mọi cơ hội xuất hiện trước mắt mọi người, trong từng giây từng phút gây được ấn tượng mạnh, tạo nên được một hình ảnh tốt đẹp trong mắt các đồng môn là điều quan trọng nhất cần quan tâm bây giờ. Phải như thế, may ra mới giành cơ may chiến thắng trước Vĩnh, đối thủ quá nặng ký.

Hữu bước men theoo hành lang phía sau bức tường các phòng học. Mấy mảng rêu loang ra trên một khoảng tường ướt mưa. Hương vị ẩm lạnh của bức tường cũ trộn với mùi dầu xăng gợi nên cảm giác lo âu kỳ quặc. Một nhóm sinh viên lớp dưới tụ tập bên ô của sổ gần chỗ ngoặt, đang bàn chuyện sôi nổi. Bất chợt, loáng thoáng bay đến tai Hữu tên Vĩnh, rồi cả tên anh. Hữu nép lưng vào tường, căng tai lắng nghe. Một giọng nữ nói to, phấn khích, cố gắng thuyết phục xung quanh: "Tại sao mấy bạn cứ lựa chọn chủ tịch Hội theo thói quen? Tại sao tụi mình không thử một lần thay đổi? Anh Vĩnh giỏi, ai cũng công nhận. Nhưng, anh Hữu tui thấy cũng có năng lực lắm đó. Nhớ hồi cuối năm học vừa rồi không, anh Hữu đứng ra tổ chức cuộc thi Hoa khôi, hấp dẫn quá trời quá đất!". Ngay lập tức, một giọng con trai rặt miền tay phản bác: "Thực tế giùm một chút đi bà! Tui ghét nhứt mấy cái trò thi người đẹp õng ẹo, chỉ xôm tụ bề nổi chứ đâu có ích lợi thiết thực gì cho sinh viên tụi mình. Anh Vĩnh tốt hơn. Kinh nghiệm làm chủ tịch của ảnh đầy mình, làm việc rất có trách nhiệm. Mấy bà đừng có quên, cái trò thi Hoa khôi chỉ là một hoạt động nhỏ nằm trong hội chợ Sinh viên thôi đó nha. Mà nhớ kỹ đi, ý tưởng của ai làm hội chợ đó? Anh Vĩnh đó!". Tranh cãi bùng dậy. Nhóm sinh viên như một bầy ong náo nhiệt. Chừng như tất cả những ai có mặt trong căn phòng kia đều có ý kiến riêng, tất cả đều muốn được phát biểu, được tranh luận. Bất ngò, một giọng sắc nhọn nổi bật lên, lấn át tất cả những tiếng nói khác: "Bất kỳ ai làm chủ tịch hội cũng được, nhưng anh Hữu chắc chắn không ổn. Tôi không kỳ thị người đồng tính, nhưng tôi nghe nói anh Hữu cặp bồ với một gay giàu sụ, để lợi dụng tiền bạc! Một người như vậy có đáng làm chủ tịch Hội của chúng ta không?". Im bặt. Hệt như đợt sóng đang dâng trào đột nhiên bị hút xuống vực thẳm hoang mang, các tranh cãi ồn ào biến mất. Phải hơn nửa phút sau, mới có một người hắng giọng, muốn tiếp tục câu chuyện. Nhưng Hữu không thể nghe nữa. Xoay lưng, anh tức tốc rảo bước rất nhanh. Trước khi một ai đó có thể nhận ra.

Đương nhiên, phải đương đầu với bất ổn sáng thứ ba.

Ở cuối bãi gửi xe, có một trạm biến áp nhỏ, cỏ dại mọc lút. Xung quanh vắng lặng, không một bóng người. Hữu ngồi khuất trong hõm cửa, bứt một nhánh cỏ gấu, vò nát trong tay.

Cách đây một tháng, Hữu qua đêm với Trung. Lần đầu tiên. Không phải là tò mò dấn thân hay bị lôi kéo mê đắm. Sự khuất phục vì lợi lộc hoàn toàn không hiện diện ở đây. Cũng chẳng phải say rượu mất kiểm soát hay ma xui quỷ khiến. Mọi thứ diễn ra theo một trình tự đơn giản: Nỗi cô độc thét lên thành tiếng của Trung. Sự thông cảm được thổi bùng, bốc lên thành một đám cháy, thiêu rụi mọi rào cản lý trí trong Hữu. Một thứ kinh nghiệm kỳ dị. Gây sợ hãi và rối ren khi hồi nhớ. Nhưng, phủ nhận sức quyến rũ ma quái của nó, là một lời nói dối hèn nhát. Phải đến khi thức dậy trong căn phòng trắng toát với những món đồ nội thất sang trọng đen tuyền của Trung, Hữu mới tìm thấy lại đôi chút trí não. Cuối cùng thì anh đã bước qua rào cản, gạt bỏ cấm kỵ thân xác, vào lúc không ngờ nhất. Chuỗi ký ức nghèo nàn vài lần chung đụng với các cô gái qua đường, về cái đem nặng nề ở khách sạn với con bé Thái Vinh mau chóng bị phủ mờ dưới thứ kinh nghiệm bỏng gắt mới mẻ. Sáng hôm ấy, Hữu lết về nhà trọ, nằm im, thân thể đau rã rời. Nhưng đến trưa, anh ngồi dậy, tắm rửa và thay bộ quần áo mới. Một khi không thể thay đổi được gì nữa, tốt nhất là thỏa hiệp với chuyện đã rồi, Hữu tự nhủ. hai ngày sau, Trung đụng mặt anh ở cửa hàng. Giọng anh ta thản nhiên như chưa từng có gì nghiêm trọng. Anh ta lại rủ Hữu tới nhà. "Có việc gì cần bàn hả anh?" - Hữu thận trọng. Cổ đông lớn nhất của cửa hàng thời trang thể thao im lặng, nhìn lướt qua mắt anh. Hữu lẳng lặng tuân theo đề nghị, không thắc mắc. Sau lần đó, anh bắt đầu tập quen nhìn nhận quan hệ đồng tính là bình thường. Thân thể cũng chỉ là công cụ. Nếu nó đem lại lợi ích, tại sao không sử dụng nó? - Hữu nghĩ, gạt bỏ mọi nỗi đắn đo.

Rốt cuộc thì tin đồn đã loang ra, như một đốm dầu loang. Chắn hẳn Hải đã nhìn thấy anh và Trung sờ soạng âu yếm nhau ở nhà hàng. Hữu không ngạc nhiên, cũng chẳng bị shock hay tổn thương vì các bình luận tình cờ. Bất kể chuyện gì, một khi là sự thật, anh đều có thể chấp nhận. Nắm được sự thật tồi tệ người khác biết hoặc nghĩ về mình, bao giờ cũng tốt hơn sống trong ảo vọng của những dối trá đẹp đẽ. Tiếp xúc, làm việc với giới biểu diễn, dù chỉ thời gian ngắn ngủi, đủ dạy cho Hữu biết chỉ có kẻ tầm thường, kẻ bất tài hoặc kẻ hèn nhát mới tồn tại mà chẳng gây nên điều tiếng gì. Những ai luôn được tụng ca rất đáng bị ngờ vực. Những kẻ nhẫn nhục, luôn cố gắng làm vui lòng người khác chỉ là thứ công cụ chẳng mấy giá trị. Càng về sau này, Hữu càng ác cảm đến mức căm ghét các từ như dễ thương, hiền lành, tốt bụng. Nó được xài thoải mái và phát ra dễ dàng, bởi thực chất nó ngầm ý khinh miệt. Người ta dụng tới nó, hòng khỏa lấp khéo léo cái bản chất yếu kém của một cá nhân. Chỉ những ai nổi trội, được đám đông chú ý, ghen tị và thèm khát, thì mới có khả năng gây ra dư luận trái chiều. Thậm chí, những đồn đại càng tàn nhẫn, độc địa, chỉ chứng tỏ nhân vật ấy càng sáng giá, càng đáng được thèm muốn...

Những lập luận giúp Hữu giữ nguyên trạng thái cân bằng, Bằng sự thính nhạy và tỉnh táo đặc biết, anh ta tức khắc gạt qua nỗi khó chịu không quan trọng, nhìn thẳng vào các vấn đề vừa hé lộ. Bộ não Hữu tức khắc vận hành như một cỗ máy phân tích hoàn hảo: Một nhóm cử tri đã biết rõ về anh. Họ đang so sánh cân nhắc giữa Hữu và vĩnh. Với nhóm này, không thể phủ nhận, bất lợi đang nghiêng về anh. Bởi xét trên độ nổi tiếng trên cộng đồng và sự thuyết phục bởi thành tựu, Vĩnh hơn anh vài bậc. Nhóm thứ hai, vì thông tin về anh còn khá ít, họ chỉ biết đến tên anh theo cơ chế "nghe nói" hay các tin đồn. Nhóm này khá đông, dễ bị tác động và dễ thay đổi lựa chọn. Nếu biết cách tạo ấn tượng mạnh, vào thời điểm mang tính quyết định, anh sẽ nắm được họ. Chỉ cần một động tác thuyết phục, anh sẽ nhận được sự ủng hộ lớn. Kinh nghiệm mấy đợt làm chương trình quảng bá nhãn hàng mách bảo Hữu rằng, nếu anh thành công khi lôi kéo được một nhóm người, tức khắc sẽ có sự lan truyền cảm xúc. "Mình không nổi tiếng bằng thằng Vĩnh. không sao! Nhìn ở mặt tốt, điều này cho thấy cử tri hy vọng vào các khả năng còn giấu kín. Được, mình phải cho họ thấy điều họ muốn thấy!" - Hữu bật ngón tay, vứt nắm cỏ nát ngướu xuống bậc thang xi măng, đạp lên nó và quay bước về phía phòng học.

Trên sảnh lớn ở tầng hai, sinh viên ngồi vắt vẻo trên các mí gạch, vốn là chân các bức tường kính. Ngay chính giữa hành lang, mấy bàn đánh bóng bàn xếp nối tiếp, mọi người vây quanh khá đông. Tiếng đánh bóng lách tách, dồn dập. Chốc chốc lại rộn lên tiếng suýt xoa, tiếng cười phấn khích sau một cú giật bóng hay đập bóng đẹp mắt. Hữu định rẽ ngay vào hội trường. Nửa giờ nữa có buổi nói chuyện của một giáo sư thỉnh giảng người Đức. Nhưng anh dừng lại bên cạnh một bàn bóng. Hai đấu thủ ngừng tay, nhìn anh ngạc nhiên. Chơi thể thao là cách tiếp thị hình ảnh rất ổn, tại sao không tận dụng? Hữu lên tiếng trước: "Cho anh chơi thử một séc coi sao. Được không?". Từ phía sau lưng Hữu, giọng Hải vang lên, rành rọt: "Có muốn đấu với tôi một ván không?". Tình thế này Hữu không hề tính tới. Anh ta dừng khựng. Nhưng chỉ tích tắc, Hữu lấy lại ngay vẻ bình tĩnh, hất cằm thản nhiên: "Cậu cầm vợt mau đi!".

Hải cầm vợt dọc. Những cú giật và xoáy bóng của Hải mạnh, đầy bất ngờ, dồn Hữu rơi dần vào thế bị động. Hệt như Hải không chơi, mà cậu ta đang thể hiện con người của chính cậu ta lúc này vào trận đấu bóng đột xuất. Ý định tấn công ngay từ đầu trận của Hữu tàn lụi. Anh đảo người, chạy ngược xuôi đỡ bóng. Mồ hôi toát ra, chảy dọc nách và lưng áo. Bên kia lưới, gương mặt đối thủ lạnh lẽo, lầm lì. "Không phải là thằng Hải mình coi nhẹ lâu nay. Nó biến hình hồi nào vậy?" - Hữu tự hỏi, hoang mang. "Anh Hữu cố lên!". Tiếng hò reo thưa thớt dần, nhường chỗ cho vẻ ngạc nhiên pha lẫn chế nhạo. Thua trắng trước Hải là nguy cơ đang đến rất gần. Ngày thứ ba bất ổn! - Hữu nguyền rủa. Nhưng, thật may mắn, đúng lúc ấy, từ phía cầu thang, nhóm người trẻ mặc vest cùng một người nước ngoài đi lên. Vị giáo sư thỉnh giảng tiến thẳng vào hội trường. Hữu trả lại vợt, vội vã bám theo ngay sau lưng vị giáo sư. Hải vẫn không buông tha. Cậu ta đi bên cạnh Hữu, nói vừa đủ nghe: "Trận đấu chưa kết thúc đâu, nghe Hữu!".

"Nó ngầm ý gì?". Hữu nghĩ miên man. Chợt, anh nghĩ đến cuộc tranh cử sắp tới. Chắc chắn, Vĩnh có Hải bên cạnh. "Hạ nhục mình trước cử tri hẳn là tính toán của bọn chúng - Hữu lẩm bẩm, mắt tối sầm - Phải! Mình cần lập một ê- kíp để đối phó và tấn công. Đơn độc, tự xoay sở sẽ làm cho cơ hội chiến thắng vuột khỏi tầm tay".