[Truyện ngắn] Mụ điên

Mụ chặt phăng cây xoài to ở cuối vườn, lựa cành cây đem chất thành một đống riêng ở góc sân nhiều nắng rồi gom toàn bộ số lá, cả xanh và khô thành một ụ lớn.

Mụ đốt ụ lá. Cái nắng giữa trưa hè như hun như thiêu dễ dàng thổi ngọn lửa đang nhen nhóm dưới mớ lá tươi bùng lên mạnh mẽ. Ụ lá xoài cháy khét, hăng hắc mùi nhựa, khói theo gió vờn qua hàng rào kẽm gai, nhảy nhót khắp các ngõ ngách của xóm nghèo, trườn nhẹ trên mái ngói cũ kĩ của những căn nhà ba gian thấp bé rồi xông thẳng vào căn nhà ba tầng đẹp đẽ ở đầu xóm.

Nhà mụ ở cuối xóm.

Mụ làm nghề mổ lợn. Nói đúng hơn là gia đình chồng mụ làm nghề mổ lợn, cái nghề cha truyền con nối, mụ được gả về căn nhà này đã ngót nghét hơn hai mươi năm. Gã chồng kế thừa nghiệp cha được ba năm thì cha chồng qua đời, hai năm sau đó, mụ sinh được một mụn con gái rồi thôi, không sinh được nữa. Có người nói, nhà mụ sát sinh nhiều vô kể nên bị báo ứng, tuyệt hậu là điều hiển nhiên. Mụ nhếch môi cười khảy một tiếng coi thường. Gã chồng của mụ tuy hiền lành chất phác nhưng lại là một con ma men, rượu quấn thân quanh năm nên còm cõi như người sắp về bên kia thế giới, mụ mà còn sinh được nữa trừ khi gian díu với một gã chẳng phải chồng.

Đôi chân mụ như dán chặt vào đất, đôi mắt trân trân nhìn vào ụ lá đang dần cháy lớn, khói bay nghi ngút cuộn vào mắt mụ, nóng bỏng, cay xè. Mụ chuyển mắt, ánh nhìn xuyên qua làn khói, lướt qua những mái nhà thấp rồi đóng đinh vào căn nhà sơn màu vàng nổi bật ở đầu xóm. Con ngươi xám xịt màu thù hận.

Có bóng người thấp thoáng bên khung cửa, bắt gặp ánh nhìn của mụ thì hoảng hốt kéo rèm rồi quay lưng thật nhanh.

- Bác Năm! Bác Năm!

Tiếng gọi gấp gáp ở đầu ngõ làm mụ giật mình thoát khỏi cơn mê vội vàng đưa tay dụi hai mắt rồi bước ra, nhìn thấy người gọi là bé Ba con lão Tứ trưởng thôn thì quắc mắt:

- Mày gọi tao làm gì?

Không để ý đến giọng điệu nhiều phần khó chịu của mụ, bé Ba quýnh lên cầm lấy tay mụ kéo đi, vừa đi vừa phân trần:

- Bác đi nhanh lên, chị Xuân bị bọn trẻ chăn trâu ở thôn bên bắt nạt, bọn nó gọi chị Xuân là con hư thân, con điên… Con là con gái, con đánh không lại bọn nó… Tội chị Xuân lắm bác ơi…

Giật tay mình khỏi nắm tay nhỏ nhắn của Ba, mụ chạy như điên về phía trước, phía có khoảnh đất gò cao mù trở thành nghĩa địa của xã đã bao năm nay. Mặc nắng, mặc bé Ba gọi í ới phía sau, mụ cứ chạy, vừa chạy vừa thảng thốt hai tiếng: “Con ơi”.

Đứa con của mụ, đứa con gái số khổ tội nghiệp của mụ, đời cứ hành hạ nó bao điều trong khi người già như mụ lại phải sống khỏe mạnh từng ngày nhìn con gái mình chết dần chết mòn trong đau khổ.

Mụ chạy phăm phăm trong nắng, bước chân huỳnh huỵch nghe như khỏe mạnh lại không hề hay biết bóng dáng mình đã già nua và cô quạnh lắm thay.

o0o​

Tiếng rên khẽ của gã chồng vang lên từ giường đối diện làm mụ giật mình tỉnh giấc. Mụ ngồi dậy bước xuống giường, bằng ánh đèn hắt xuống từ phía bàn thờ, mụ vén màn bắt đầu công việc quen thuộc hàng đêm – xoa bóp tay chân cho gã chồng bệnh tật. Tiếng thở dài kiềm nén của mụ hòa lẫn vào tiếng chó sủa đêm văng vẳng ở xa, rồi tắt hẳn.

Sống ở đời, có vài chuyện, trời hại không chết mà người hại thì rước họa vào thân. Gã chồng, à không, gia đình mụ là một điển hình.

Gã chồng của mụ là con trai trưởng trong một gia đình có ba người con trai. Người ta vẫn nói tam nam bất phú, từ ngày có ba đứa con, gia đình chồng sa sút hẳn đến khi cha chồng đổ bệnh rồi qua đời, mẹ chồng vẫn ở với mụ, được mụ thương yêu và chăm sóc tử tế dù bà nhiều lúc khó khăn và cay nghiệt vô cùng. Năm năm trước, bà đột quỵ rồi nằm một chỗ, mọi chuyện thuốc thang, ăn uống, đi ngoài… đều một tay mụ lo toan chăm sóc.

Ba năm đầu, hai đứa em chồng còn phụ tiền chăm mẹ, thỉnh thoảng còn để vợ sang giúp mụ trông mẹ chồng vài hôm. Dù không định kỳ hay nhiều nhặn nhưng vẫn là có, mụ không thể phủ nhận. Mẹ chồng yếu dần còn bị bệnh đãng trí, không nhận ra con cháu, sự chăm sóc của em chồng vắng dần đi rồi mất hẳn. Mụ giận lắm, nhưng để giữ gia đình hòa thuận mụ đều nín nhịn, hòa thuận hỏi han, dịu dàng nhắc nhở, em chồng tươi cười vâng dạ rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy…

Nhưng là con người, có ai hoàn hảo, nhà cửa ngày một khó khăn, gã chồng nát rượu, con gái nửa tỉnh nửa mê, mẹ chồng chỉ nằm một chỗ, mình mụ gánh gồng, người gầy đi vài phần, tóc bạc thêm một ít, trên khóe mắt nếp nhăn nhiều hơn. Một chiều mưa giông, gã chồng lại cà kê bên chai rượu trong khi mụ phải chạy vạy vay tiền khắp nơi, cái giận, cái mệt lâu ngày khiến mụ điên tiết giật lấy chai rượu ném thẳng ra sân.

Chai rượu vỡ toang dưới nền đất lởm chởm đá, rượu hòa lẫn cùng nước mưa. Chuyện, cũng sinh ra từ đấy.

Sau vài phút sững sờ vì hành động của mụ, gã chồng đưa tay hất đổ cái gạt tàn cũ kĩ xuống đất rồi loạng choạng đứng lên, chỉ vào mặt mụ, gằn giọng:

- Bà làm cái gì vậy hả?

Mụ đưa chân đá cái gạt tàn, hất cánh tay đang run rẩy của gã chồng xuống rồi nói như hét vào mặt, mụ đang giận lắm, máu trong người đang cuồn cuộn sôi:

- Nhậu! Nhậu! Suốt ngày nhậu, ông nhậu cho lắm vào rồi có ngày chết vì rượu. Tôi nói cho ông biết, ông chết cũng được, nhưng ông chết thì tôi cũng mặc mẹ ông với con gái ông mà bỏ xứ đi.

Đê đã vỡ, nước sẽ tràn lan tứ phía, mụ cũng vậy, bao nhiêu nỗi lòng cất giữ suốt thời gian qua giờ có cơ hội sẽ tuôn ra cho bằng được. Mặc kệ lão chồng đang ngơ ngác và đứa con gái đứng nép góc tường, mụ xẵng giọng:

- Nợ nần chồng chất, tiền vốn mua lợn, tiền thuốc cho mẹ, tiền thuốc cho con, tiền rượu cho ông, rồi ngày ba bữa cơm đầy đủ,… bao nhiêu là tiền. Mở mắt dậy là thấy mất tiền, nhắm mắt lại là phải nghĩ xem mai đi vay tiền ở đâu. - Rồi mụ thấp giọng, nghẹn đắng, bàn tay đưa lên vỗ vào lồng ngực gầy gò. - Ông xem, hai đứa em ông ngày một giàu lên mà có đứa nào chịu đưa một đồng nuôi mẹ, đều là con này lo cả. Ăn uống, thuốc thang, đều là con này lo đã thế lại chưa một ngày được yên thân với mẹ. Tôi nhịn bao nhiêu năm nay, nhịn đến sắp tắt thở mà chết rồi.

Dứt lời, mụ ôm lấy đứa con gái đang lao đầu đến rồi ngồi phịch xuống tấm phản gỗ mà khóc nức nở. Đời mụ có lẽ sẽ không phải khổ như thế nếu gã chồng chẳng phải ma men…

Gã chồng đứng sững giữa nhà nhìn hai mẹ con mụ. Cơn mưa ngoài trời nặng hạt dần lên, giông chớp rạch những đường sáng chói giữa một khoảng trời tối om làm sáng rõ mặt người. Mảnh vỡ của chai rượu nằm lăn lóc giữa sân, rượu có lẽ đã tan theo nước mưa.

Sau buổi chiều đó, gã chồng đàng hoàng hẳn, thôi uống rượu và chăm chỉ hơn…

o0o​

Con chó già nhà mụ nuôi ở góc vườn tự dưng sủa lên một tiếng rồi im bặt kéo mụ ra khỏi cơn mê man. Mụ ngẩng đầu nhìn về phía bàn thờ, dưới ánh đèn dầu, bóng của cha chồng nhìn mụ đầy hiền từ.

Dừng động tác xoa bóp, mụ đứng dậy vén lại màn cho chồng rồi với tay lấy cái đèn pin trên đầu tủ bước ra sau nhà. Mụ ho lên vài tiếng và bật đèn, vài con lợn trong chuồng kêu lên “en éc”, tiếng động lạ cũng lặng mất vài giây rồi thay bằng tiếng bước chân vội vàng chạy trốn. Mụ liếc mắt nhìn đồng hồ, đã hai giờ sáng, vừa kịp với giờ mổ lợn hằng đêm.

Sau khi kiểm tra số gà trong chuồng còn đủ và con chó già chỉ bị đánh thuốc mê thì mụ mới yên tâm đun nước sôi, mài dao, chọc tiết lợn… Một mình mụ làm công việc của cả ba người, kể cả việc vốn thuộc về một người đàn ông – chọc tiết. Mụ thản nhiên, bình tĩnh, không một chút run tay. Mà cũng phải, một người đàn bà như mụ phải quán xuyến và nuôi nấng cả bốn miệng ăn bằng nghề mổ lợn suốt một năm qua thì có run tay cũng phải cố mà giữ cho bình tĩnh. Mụ biết, đời mình, phận mình nhất định phải tự tay sát sinh.

Cũng có lúc mụ muốn bỏ nghề, làm một công việc không phải sát sinh, nhưng ruộng không có, đất lại quá ít, cày thuê cuốc mướn thì không ai thuê một mụ đàn bà yếu sức như mụ. Mà có thuê, tiền công nhận được cũng chẳng đủ nuôi sống người nhà, chưa kể đến tiền thuốc men, chăm sóc…

Có người nói mụ điên rồi, một người đàn bà lại chọc tiết lợn chẳng khác một tên đồ tể thực thụ, rồi mụ cũng bị báo ứng mà thôi. Mụ cười cay nghiệt, báo ứng của mụ, chẳng phải đã đến từ lúc mụ sinh cái Xuân rồi sao. Mụ chấp nhận bị báo ứng, chỉ cần những việc mụ làm không thẹn với lương tâm và nuôi sống được những con người trong gia đình mụ, vậy là đủ, không đòi hỏi thêm. Tham lam, chỉ khiến con người chết sớm.

Trời tối rồi trời cũng sáng.

Đồng hồ vừa điểm năm giờ sáng, trời còn nhá nhem, gà trong xóm đồng loạt gáy canh, người trong xóm lục tục thức dậy thì cũng là lúc có người đến nhà mụ mua thịt lợn.

Vợ lão Tứ trưởng thôn là người đến sớm nhất. Chị nhiệt tình múc nước giúp mụ dọn sạch chỗ mổ, giúp mụ vớt thịt đang luộc trong nồi, đon đả hỏi thăm:

- Lợn hôm nay thế nào vậy cô Năm? Lợn rau hay cám? Mỡ nhiều không?

Mụ lắc đầu:

- Lợn rau khó lắm chị ạ, giờ người ta chỉ nuôi bằng cám tổng hợp, thúc lợn lớn nhanh để bán lấy tiền, mà lợn như thế toàn nạc là nạc thôi. Nhưng con hôm nay không đến nỗi nào, thịt cũng thơm lắm. Chị mua nhiều không?

- Tôi mua chừng nửa ký luộc cho cha con lão ăn thôi, với mua ít thịt nạc sống để nấu canh nữa.

Mụ à một tiếng rồi cúi đầu mài dao cắt thịt để bán, không kịp phát hiện ánh nhìn thương xót của chị.

- Chú thế nào rồi cô? Có đỡ lên chút nào không?

Đầu không ngẩng lên, mụ buông tiếng thở dài:

- Đã biết rồi chị, nhận ra em và con nhưng vẫn chẳng thể đi đứng được.

Chị tiến lại gần mụ, hạ giọng thì thầm:

- Cô có còn ý định đâm đơn kiện bên đó nữa không? Cũng đã một năm rồi…

Ừ, cũng đã một năm rồi. Thời gian vẫn luôn trôi nhanh như thế mặc cho con người vất vả, khổ đau hay sung sướng, hạnh phúc nhưng chuyện cũ cứ như vừa mới hôm qua, nỗi đau vẫn còn dày đặc trong hiện tại.

Mụ vẫn nhớ rất rõ đó là một buổi chiều mưa đông lạnh buốt, cơn mưa bắt đầu từ trưa đến chiều, tối trời tối đất. Mụ kẹt giữa buổi chợ chiều ế ẩm bởi cơn mưa, thấp thỏm nhìn mớ thịt thừa trên bàn bán và sốt ruột nhớ về cái Xuân ở nhà. Dứt khoát, mụ cho thịt vào túi, dọn dẹp sạch sẽ bàn bán rồi dắt xe đội mưa trở về, ánh sáng ban ngày đã hoàn toàn nhường chỗ cho bóng đêm.

Xe vừa quẹo vào đầu ngõ, mụ đã giật mình bởi tiếng cãi nhau trong căn nhà tối om, lẫn trong tiếng người là tiếng đồ vật va vào nhau làm mụ hốt hoảng. Dựng vội chiếc xe cà tàng ở giữa sân, mụ nhanh chân bước vào nhà, cái Xuân đang cuộn người ngủ co ro trên chiếc phản đen lạnh lẽo, chỉ kịp nhìn con bé như thế rồi mụ bước vội lên nhà trên. Với tay bật công tắc đèn, mụ chôn chân ở cửa nghe gã chồng thét lên một tiếng rồi nặng nề ngã xuống. Dưới ánh sáng vàng vọt của bóng đèn dây tóc, đứa em thứ hai của gã chồng đang cầm chiếc ghế gỗ gãy làm nhiều mảnh, trên thân ghế còn vương vết máu, máu chảy ra từ đầu của chồng mụ.

Máu trên người như bị rút cạn, cả người mụ cứng đờ chạy nhanh về phía gã chồng, trên khuôn mặt gầy gò không chút huyết sắc, mụ lay gã chồng, vừa lay vừa gọi gã tỉnh dậy nhưng không chút phản ứng, máu trên đầu gã chồng chảy dài trên nền xi măng, hòa dần vào nền nhà ẩm ướt. Lồng ngực nghẹn tắt, mụ phải há miệng để hít lấy không khí, nước mắt chảy ra, nhỏ xuống trộn lẫn cùng với máu của gã chồng. Nước mưa thấm vào da thịt cũng không khiến mụ thấy lạnh lẽo bằng việc nhìn gã chồng nằm bất tỉnh trước mặt. Mụ gào lên:

- Cấp cứu! Đưa anh mày đi cấp cứu ngay!

Nghe tiếng gào của của mụ, đứa em chồng vốn đang ngơ ngác như bị đánh thức, vội buông cái ghế trong tay rồi xoay người bỏ chạy. Mụ thả người ngồi phịch xuống đất, nấc lên thành tiếng, cả đời của mụ, kể cả khi cái Xuân bị người ta lợi dụng lúc con bé dại khờ mà cưỡng hiếp cũng chưa từng hoảng loạn và sợ hãi như thế này. Thế là hết, cuộc sống của mụ, của cái gia đình vốn nghèo khó này thế là hết, cây cột chống nhà duy nhất cũng bị người ta đốn ngã, hơn hết đó còn là người thân ruột thịt vốn thuộc về một nhà…

- Mẹ ơi, sao ba nằm dưới đất vậy?

Tiếng cái Xuân mơ màng nơi cửa kịp thời vực dậy tinh thần hoảng sợ của mụ, mụ đứng dậy vội vã xộc ra khỏi cửa băng qua đường gọi hàng xóm đến giúp. Ngoài trời, mưa vẫn tí tách rơi.

Sau trận đó, gã chồng tổn thương tám mươi phần trăm cơ thể, có thể tỉnh dậy nhưng không thể đi lại, một con ma men vốn có sức khỏe kém nay phải chống chọi với hàng đống bệnh tật trở nên yếu đuối hơn bao giờ hết. Gã chồng chỉ nằm trên giường và sống đời sống thực vật gần như suốt quãng đời còn lại, đó là những gì bác sĩ đã khuyên mụ chuẩn bị tinh thần lúc ca phẫu thuật cho gã chồng vừa xong.

Đứa em chồng bị kết án sáu năm tù giam, bồi thường 180 triệu đồng, đồng thời phải chăm sóc gã chồng của mụ vĩnh viễn. Đó là quy định của tòa án sau khi vụ việc được khởi tố, nhưng thực tế, số tiền mụ nhận được từ bồi thường chỉ chiếm một phần mười so với quy định, từ lúc đứa em chồng phải ngồi tù, gồng gánh trên vai mụ cũng nặng hơn, mọi việc đều một mình mụ lo lắng, quán xuyến. Cuộc đời bạc bẽo đến độ, gã chồng có hai đứa em trai, một đứa ngồi tù vì hành hung anh trai, một đứa thì dặn gia đình đi đường vòng để không phải chạy ngang qua nhà mụ.

Quá mức vất vả, mụ đâm đơn kiện dưới sự giúp đỡ của lão Tứ trưởng thôn mong nhận được chút tiền bồi thường để trả bớt nợ nần vay mượn lúc chạy chữa cho gã chồng bệnh tật, nhưng kiện gần một năm, đến một đồng cắc mụ cũng chẳng nhận được từ gia đình đứa em chồng. Thế sự vô thường, đứa em dâu sẵn sàng bỏ ra vài triệu để mua quà biếu xén cấp trên cho qua vụ kiện cũng không muốn vung ra để mụ chăm lo cho gã chồng và bà mẹ chồng đãng trí.

Thời đại vật chất, tiền là trên hết, tình thân trở nên vô cùng rẻ mạt, lương tâm con người cũng được bày bán một cách trơn tru.

o0o​


Đặt miếng thịt lên cân, mụ lắc đầu:

- Em mệt mỏi quá rồi chị ạ

Mụ đã hầu tòa, đã kiện tụng suốt một năm qua, đã sớm kiệt sức trong mớ bòng bong của tiền bạc và vật chất. Mụ đã kiên trì vì chồng, vì con, vì chính bản thân mụ, vì cái gia đình không có cột chống đang đổ oằn trên đôi vai ngày một gầy đi của mụ nhưng có ai thấu hiểu. Người ta chỉ thấy mụ như người điên cố chấp với thứ không thuộc về mình. Gia đình hai đứa em trai cười vào mặt mụ, người ở chợ ngoài mặt thì hỏi han nhưng sau lưng thì thương hại… Mụ đều biết, kể cả việc lão Tứ trưởng thôn đã hết kiên nhẫn với những nhờ vả của mụ suốt thời gian qua, mụ đều hiểu. Nhưng mụ buộc mình phải nhẫn, nhưng sự chịu đựng của mụ chẳng được đền đáp, mụ dần quen.

- Ừ, cô cố gắng chăm sóc cho chồng con, giờ chỉ có thế. Có gì cần giúp thì nói với nhà tôi nhé.

Mụ đưa túi thịt cho chị, gượng cười, gật nhẹ đầu ra điều cảm ơn. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn là việc nên làm. Nhưng chẳng ai có đủ lòng tốt để luôn luôn giúp đỡ, bằng thứ này hoặc thứ khác, sự giúp đỡ của họ dần dần nhỏ đi rồi mất hẳn, sự thật lòng cũng thay thế bằng việc tính toán với ý nghĩ tạm bợ vì sợ phiền phức hiện diện trong tâm trí. Là con người, mụ hiểu và chấp nhận điều đó một cách hiển nhiên, nhưng mụ cũng vĩnh viễn ghi nhận lòng tốt của những người không bỏ rơi mụ trong lúc khó khăn nhất dù tấm lòng đó có từng bị đong đo.

Tiễn chị ra về, mụ rửa tay bưng nước lên nhà, gã chồng vừa ho thông báo mình đã tỉnh. Mụ rửa mặt cho chồng rồi kê gối đỡ gã ngồi dậy hít thở không khí và đón ánh mặt trời đang dần vươn mình sau những tàn cau ở góc vườn nhà hàng xóm, ánh mặt trời đỏ ối lấp ló sau những đám mây mù của tiết trời mùa đông se lạnh. Mụ cho chồng uống nước rồi ngồi xuống bóp chân cho gã, tiếng gã chồng khó nhọc vang lên trên đỉnh đầu:

- Cảm… ơn… bà…

Mụ chẳng dừng động tác trên tay, cũng chẳng ngẩng đầu, để mặc một giọt nước mắt nhỏ xuống chiếc chiếu cũ kĩ, khóe môi mụ cong lên.

Dẫu có là trời đông u ám, mặt trời vẫn luôn mọc đấy thôi.

Tác giả: Sâu

Ảnh: Internet

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3