[Bút kí] Tháng mười hẹn hò ngày thu cuối
….
Làm sao con thuộc được, truyện Kiều Nguyễn Du
Những bài thơ mùa thu Nguyễn Khuyến
….
Lảm nhảm câu hát trích trong Bài ca học trò của Phan Ni Tấn với điệu rock lạc điệu, tôi bỗng thèm nhìn thấy mùa thu. Ở Ban Mê không có mùa thu, nó chỉ có hai mùa mưa nắng và những tháng cuối năm có thêm bốn mùa trong một ngày. Mùa thu ấy chỉ ghé vào vài tiếng đồng hồ giấc tối tháng mười, mười một, mười hai nào đó, nó bất chợt trong cái rùng mình giữa khoảnh khắc nóng của hè, rét mướt của đông. Vì thế, nó làm lòng con người ta nhớ nhung, chờ đợi, bâng khuâng, những ngôn từ không thể nào định nghĩa. Tôi bèn lên đường đi tìm nỗi nhớ của mình giữa những lo toan bộn bề. Bạn hỏi tôi đã gặp được chưa, người yêu vô hình ấy. Có lẽ tôi đã gặp được, dù không chắc lắm…
Những hẹn hò của tôi bắt đầu từ bài bút ký của bạn CF&S có đoạn trích thế này: Đức Lý Thái Tổ đã biến Hà Nội thành đô thị cả ngàn năm trước, nhưng đi trên những con đường quanh co nằm sâu trong phố cổ, người ta vẫn có thể chạm vào được nét văn hóa lúa nước bên những bãi sông Hồng. Và khi đã đi xa, rất xa, “hoàn toàn ra khỏi Hà Nội”, đôi khi chỉ vì một bãi đất trống mọc lấm tấm hoa xuyến chi, một góc quán cà phê vắng có treo bức tranh hoa gạo, một tiếng cười trẻ thơ đuổi theo đám lá vàng trên hè phố hay một chiếc bóng của cụ già nào đó ngồi tư lự bên bậu cửa nâu trầm… người ta không khỏi thảng thốt nhớ về khu phố cổ giữa lòng Hà Nội, trong đó, có cả phố hàng Bạc mà anh đứng.
Và cứ thế mà tôi đặt cuộc hẹn với tháng mười để đi tìm chút thu cuối mùa ở Hà Nội, những hẹn hò dường như không khép lại nên cuộc tình của tôi lắm lao xao… nó vỏn vẹn có ba ngày, người ta bảo chưa đủ sâu sắc. Tôi biết thế nên chỉ dám thầm thì nói: “Ta hẹn hò nhé, Hà Nội.” Ở một bài viết tỏ tình trước, tôi có kể rằng tôi chỉ được Hẹn nhưng chưa được Hò vì tiếng gọi nhau khi đó rất mơ hồ…
Từ lối ra cửa sân bay Nội Bài, rẽ phải đi dọc hết cái vỉa hè lát đá sẽ gặp bến xe buýt của sân bay. Ngồi xe buýt để vào nội thành giá chỉ có 40k, hôm ấy vì muốn xe đi sớm không chờ đầy khách, mọi người đã đồng ý thêm một ít tiền. Trên xe chắc cũng có vài người khách xa Hà Nội lâu nên những câu hỏi: tôi đến đó thì xuống xe ở đâu là tiện… Qua cầu Long Biên thì nên đi như thế nào? Những câu hỏi được hỏi và trả lời rất nhiệt tình của mọi người. Bác tài vui vẻ ngừng từng điểm dừng gần nơi theo yêu cầu của khách. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự nhiệt tình đó, nó không quan cách như lời đồn đại, những lo lắng trong tôi giảm đi không ít. Theo chỉ dẫn tôi được bác tài cho xuống ngay đầu phố Quang Trung, từ đó tôi bắt xe taxi đến khách sạn rất gần nên chỉ tốn thêm 20k. Theo như tôi biết qua lần đi này, nếu đi taxi ngay từ sân bay vào khách sạn hoặc ngược lại thì số tiền phải chi ít nhất là 250k cho mỗi cuốc xe.
Con đường từ sân bay vào nội thành xa tít tắp, tháng mười nhưng tôi cảm thấy Hà Nội rất nóng. Cái nóng trước một thông báo ba ngày tới có đợt gió lạnh về. Mùa thu chừng như đang giận hờn, vết mưa loang nhẹ trên ô cửa kính. Tôi mơ hồ nhìn từng con phố trôi qua nhanh, nó nhang nhác bộ mặt của Sài Gòn, cũng khói bụi, cũng chật chội những vòng xe, hai bên đường là những biển hiệu với chi chít những hàng dây điện giăng giăng.
Trong “Tháng mười gió bấc mưa phùn” nhà văn Vũ Bằng viết: Mùa thu vừa qua đây, cây khô lá vàng vì thời tiết hanh hao, sang đến tháng mười có mưa dầm, cây cối tỉnh lại… Có lẽ tôi đến Hà Nội cuối tháng mười nên mùa thu vừa chớm tạ từ, tìm lá vàng, tìm bầy sâm cầm nhỏ, chỉ còn thoáng hương hoa sữa nồng trong gió. Vũ Bằng gieo trong lòng tôi một Hà Nội đầy quyến luyến, tôi thả lòng mình đi tìm mùa thu ấy giữa phố Hà Nội, tìm nhưng chẳng gặp, bởi cái tình dành cho Hà Nội của tôi còn rơi vãi đâu đó trên đường.
Đón tôi là cô bạn Hà thành dịu dàng. Giấc trưa trong cái nắng ong vàng chói lọi, Hà Nội ngọt ngào một vòng ôm, tiếng cười chào nhau sao mà thân quen, bàn tay nắm chặt vui mừng vì gặp gỡ. Hà Nội vẽ người bạn bước ra từ trong bức tranh ảo rất chân thật và sống động. Đẹp như thế nên con người cười vui đến thế, cả mắt và môi loang loáng một màu hồng như say.
Hà Nội gây ấn tượng với tôi nhất có lẽ là những tên đường gọi là phố là ngõ, con người cũng tất tả ngược xuôi trên những cung đường qua lại. Tôi ở khách sạn ngay trong lòng phố cổ. Những con phố có cái tên Hàng Bồ, Hàng Mã, Hàng Phèn… nằm trong ba sáu phố phường một thưở, khu phố như một bàn cờ không lúc nào vắng bóng người, khách bộ hành có cả người nước ngoài, cả người dân Hà Nội và khách tham quan, họ như ùa cả ra đường từ sáng tinh mơ đến khi đêm tối.
Sen hồng một thủa, em ngồi một thủa yêu người
Phố Hàng Bạc có đôi bạn đang lựa nhẫn
Có hàng xôi đêm
Tôi len lén tìm cho mình một chỗ, và món xôi cốm chả này tôi vừa gọi
Con phố đi bộ lên đèn
K.
Ảnh tự chụp.
Một góc phố
Và cùng nhau say
Lang thang phố cổ, tôi nhìn thấy bóng trăng non trôi nhẹ trên bầu trời đêm, nó theo bước tôi vào lòng phố náo nhiệt. Hòa cùng thứ ánh sáng của các ngọn đèn rực rỡ, tôi nhận ra phố rất khác lạ bởi không có tiếng nhạc ồn ào, lòng đường rất hẹp, vỉa hè nhiều bước chân qua. Tôi nhớ đến lời của chị Trưởng nói khi đặt chỗ cho tôi ở phố cổ: - Đặc trưng của khu phố cổ là kiến trúc nhà cổ trong khu phố buôn bán. Những nhà cổ chủ yếu là nhà ống, mái ngói nghiêng, mặt tiền là cửa hàng buôn bán thò thụt không đều. Hình ảnh nhà cổ và mái ngói đã đi vào hội họa, thơ ca. Nhìn quanh xem nó thò thụt thế nào? Cơn tò mò dẫn bước tôi… đến lạc cả lối về.
Tôi lại nhớ đến một hình ảnh rất xưa trong bộ phim nào đó của Hà Nội, người ta đi thông nhau từ nhà này qua nhà kia, đi như ba mươi sáu phố phường thông nhau bằng bức tường thành vô hình. Nhớ đến, nên nghiêng ngó khắp nơi, nếu người yêu của tôi trốn trong đó liệu tôi có biết để mà tìm. Ý nghĩ ngớ ngẩn ấy động đậy hết cả tâm trí…
Hôm các chị chia tay để về Sài Gòn, tôi một mình ở lại. Thời gian không nhiều tôi có hỏi chị: "Em nên đi đâu cho ý nghĩa?" Chị Trưởng tặng lại tôi cái bản đồ phố cổ và giới thiệu với tôi người họa sĩ tài hoa, để được gặp gỡ ông ấy chị khuyên tôi đến quán cà phê Lâm trên đường Nguyễn Hữu Huân.
Tiếc là, ngoài những bức tranh trên tường của họa sĩ Bùi Xuân Phái ra, quán không có gì đặc sắc, không gian nhỏ… cuộc gặp gỡ tan tành. Chắc để gìn giữ những kỷ niệm xưa, quán không có điểm bài trí nào giúp tôi làm nên một cuộc hẹn tình tứ. Uống hết ly cam vắt, ngắm nghía một mình rồi tôi rời quán Lâm, lững thững đi bộ quanh những con đường trong phố cổ để về khách sạn… Di tích, hai chữ ấy lần nữa lại gợi tôi nhớ đến câu của chị Trưởng: - Khu vực phố cổ có rất nhiều di tích lịch sử lâu đời, gồm đình, đền, chùa, hội quán.
- Đình: mỗi phố nghề thường có một đình để thờ tổ nghề hoặc thành hoàng làng nguyên quán. Đình ở khu này đặc biệt là tầng dưới vẫn làm cửa hàng cho thuê, tầng trên mới làm nơi thờ cúng. Qua thời gian, các đình bị lấn chiếm nhiều, rất khó tìm ra dấu.
- Đền: tương tự như đình, nhiều đền cũng chỉ đặt trên tầng, phía dưới làm cửa hàng. Một số đền còn giữ được là: đền Mã Mây, đền Nhân Nội, đền Bà Chúa.
- Chùa: trong khu phố cổ còn một số ngôi chùa, tuy đã bị lấn chiếm nhiều: chùa Cầu Đông, chùa Kim Cổ, chùa Thái Cam.
- Hội quán: khi người Hoa đến buôn bán, đã lập ra hai hội quán: Hội quán Quảng Đông và Hội quán Phúc Kiến.
Tại khu vực khu phố cổ xưa kia có các cửa ô như: ô Phúc Lâm, ô Thanh Hà (ô Quan Chưởng), ô Trừng Thanh, ô Mỹ Lộc. Hiện chỉ có ô Quan Chưởng là còn nguyên vẹn.
Cuộc hẹn trở nên ý nghĩa hơn khi tôi bước chân vào ngôi Đình trên phố Hàng Bạc, nhìn quanh mà nghe lòng mình buồn tênh. Phố vẫn đông người qua mà tình của tôi không sao lên tiếng được, chút gì đó nhận ra mình xa lạ biết bao tại nơi này…
Dừng chân bên bàn nước nhỏ trên vỉa hè, gọi chén chè nóng buổi đêm. Người đàn bà có nụ cười đon đả đưa tôi một cốc thủy tinh, từng làn khói mỏng nhẹ nhàng mang theo mùi thơm nồng phảng phất. Bà hàng quán hỏi tôi có thấy thơm không? Bà giới thiệu đó là loại chè Thái Nguyên đặc biệt. Nghe tiếng tôi trả lời bà đã trố mắt hỏi tôi ở đâu tới? Miền Nam? Trung? Tôi chợt băn khoăn… Chắc là tôi rất lạ. Bà ấy nhìn tôi như phát hiện ra điều gì quan trọng, tôi ngụm giọt chè Thái lại ngỡ mình gặp được người yêu. Người dưng nghe tôi kể đã cười tôi nói quá, ngụm chè Thái ấy phải mượn câu thơ mà tôi không nhớ được tên tác giả:
Quái!
Cái mùi thơm ngọt ngào, ngào ngạt.
Đậm mà không gắt, nồng nàn
mà mộc mạc hương quê
Lạ
Cái ngọt quấn quít trong hương, trong vị
Chửa nghe ai nhắc bao giờ
Mà rành rành trong tình ý có nghìn năm!
Để diễn tả ngụm chè ấy thành lời…
K.
Tôi lại bâng khuâng ngồi nhớ Hà Nội trong những lời kể của ba tôi, hay một Hà Nội trong thơ văn của người xa nhớ. Tôi nói tiếng yêu khi chẳng định nghĩa rõ được, vì sao có thứ tình yêu như thế? Tôi chợt nghĩ hay chợt tin rằng người ta không thể giải thích hoặc nói ra được, vì sao yêu vì sao thích. Một thứ tình cảm dành cho người hay một nơi chốn, nó vốn không lời. Thế nên tôi hẹn lần nào đó “trở lại”. Tôi tin rằng lần đặt hẹn này Hà Nội sẽ không nhìn tôi với con mắt tò mò, câu hỏi: Cô là người miền Nam ạ? Thành lời chào của người Hà Nội dành cho khách tìm về chốn cũ.
Trở lại với những bộn bề của cuộc sống, anh chàng thơ tên Tắt Nắng viết hộ lòng tôi:
Hay là mình ra Hà Nội
Một thân xuống cảng Nội Bài
Trời khuya xuôi vào thành phố
Đèn đường chiếu bóng thành hai
Nếu mà mình ra Hà Nội
Xách theo chỉ mỗi tay không
Nỗi buồn chẳng là hành lý
Mùa thu đã cưới anh chồng
Ngày xưa mình yêu Hà Nội
Ngày xưa đâu đã có bồ
Bữa nọ gặp em cập nhật
"Vui, buồn ở chốn thủ đô"
Hay là mình ra Hà Nội
Làm ly trà nóng rồi vào
Nếu nhỡ mồm cà phê đá
Nhớ, quên, thì có làm sao?
Đấy là bài “Chả sao” mới nhất của cậu ấy, tôi đọc mà như thấy mình vừa với Hà Nội “đèn đường chiếu bóng thành hai” ngày hôm qua. Gặp gỡ rồi chia tay cũng “chả sao” vì đâu đó “mùa Thu đã cưới anh chồng”, liệu mùa còn dành lại chút gì cho cuộc tình lưu luyến. “Hay là mình ra Hà Nội” câu tự nhủ lòng như đặt câu hỏi dành cho Hà Nội? Nó xao động đến nỗi hay là tôi đặt vé ra Hà Nội mùa Đông này nhỉ? Câu thơ ấy mãi vương trong lòng tôi một thôi thúc vô hình.
Mượn bài thơ “Chả sao” tôi gởi tình cảm nhớ nhung Hà Nội theo vào từng câu của Tắt Nắng. Gặp gỡ rồi chia tay, Hà Nội bỗng một chiều thành nỗi nhớ như xa mà như gần khó quên.
K. 10-2015
Con đường gốm sứ, bờ đê sông Hồng thương áo len cài vội chưa về
Hẹn mùa đông với đám cúc Họa mi, chỉ là hứa hẹn thế thôi....