[Tin tức] 11 thư viện tuyệt vời nhất trên Thế giới
1. "Vũ khí giáo dục rộng khắp" ở Argentina
Cái tên hấp dẫn và concept cực kỳ thông minh (sách giúp biến sự hủy diệt thành điều gì đó hoàn toàn trái ngược) đã khiến chiếc xe tăng này trở thành một trong những hiện tượng được lưu truyền trên mạng internet.
Thực chất, đây là một thư viện sách miễn phí di động trên đường phố Buenos Aires, Argentina. Nghệ sĩ thiết kế xe nghệ thuật Raul Lemesoff đã sử dụng khung của chiếc Ford Falcon 1979 để tạo thành một thư viện trông giống như một chiếc xe tăng. Quan trọng nhất là sách không hề được dán cố định vào thân xe, mà chúng được chèn vào chiếc khung kim loại có công dụng như một giá sách.
2. "BiebBus" ở Hà Lan
BiebBus là một thư viện sách thiếu nhi di động ở Hà Lan. Không như ở Mỹ, những con đường nơi đây khá hẹp, đặc biệt là ở những vùng đông dân. Một xe tải sách di động điển hình ở Mỹ với khoảng 50 mét vuông sẽ là quá lớn đối với đất nước này.
Kiến trúc sư Jord den người Hà Lan đã nảy ra một giải pháp cực kỳ thông minh. BiebBus không hơn gì một chiếc xe điện được nới rộng thêm ở phía trên. Có tất cả hai phòng. Phòng phía dưới là những giá sách với khoảng 7,000 cuốn sách thiếu nhi. Qua chiếc trần nhà trong suốt (hình), bạn có thể nhìn thấy được phòng phía trên, là một khu đọc sách và vui chơi tuyệt vời.
3. "Thư viện nổi" ở Minneapolis - Mỹ
"Thư viện nổi" là một dự án sáng tạo nghệ thuật đại chúng của Sarah Peters, một nghệ sĩ, nhà văn, nhà giáo – và giờ là một thủ thư dũng cảm. Đây là một thư viện hoàn chỉnh xây trên một chiếc bè gỗ được đặt làm với giá sách ở hai bên.
Thư viện sách đáng chú ý này, được làm với niềm đam mê, sáng tạo và sự quyết tâm, có thể được nhìn thấy vào mùa hè ở Hồ Cedar, Minneapolis.
Bạn có thể dùng canoe, kayak, ván lướt sóng, hay những phương tiện di chuyển trên sông nước khác để tiếp cận thư viện này. Bơi thì "cũng có thể nhưng không khuyến khích".
4. "Logos Hope" ở Đức
Logos Hope cũng là một thư viện nổi - lớn nhất trên thế giới. Chiếc tàu thủy này thuộc về GBA, một tổ chức từ thiện ở Đức (GBA có nghĩa là “Gute Bücher für Alle” – Sách hay cho Mọi người).
Con thuyền này đi vòng quanh thế giới để khuyến khích văn hóa đọc và quyên góp tiền từ thiện. Trên con thuyền bạn có thể tham gia một hội sách trưng bày hơn 7,000 cuốn sách với đủ mọi thể loại từ công nghệ, lịch sử, triết học, nghệ thuật và văn học.
Hơn 500 hành khách và du hành đoàn có thể ở trong hơn 200 cabin trên tàu. Con tàu này đủ lớn để lúc nào cũng có thể chứa hơn 1,000 khách tham quan.
Tính tới thời điểm này, Logos Hope đã cập bến 75 bến cảng ở 47 quốc gia và khu vực. Hơn 3.6 triệu khách đã ghé thăm tàu, và hơn 4 triệu cuốn sách đã được mua.
5. "Thư viện sách số di động" ở Mỹ và Canada
Đây là một thư viện độc nhất vô nhị trên thế giới, bởi nó là thư viện di động đầu tiên không có một cuốn sách nào.
Được OverDrive, tổ chức toàn cầu hàng đầu trong việc phân phối dữ liệu số hóa của các thư viện tài trợ, Thư viện sách số di động đang góp phần gia tăng nhận thức về những chương trình cho mượn ebook ở thư viện và trường học.
6. "Thư viện trên xe điện" ở Cộng hòa Czech
Chiếc xe điện cũ đã được biến thành một thư viện di động sống động và là một công cụ quảng bá cho thư viện Jiří Mahen ở Brno, Czech Republic.
Chiếc "Thư viện trên xe điện" này sẽ đi quãng đường 70 km mỗi ngày để chỉ cho mọi người biết không chỉ về những dịch vụ của thư viện, mà quan trọng hơn hết là về lợi ích của việc đọc ebook.
Hành khách có thể dùng điện thoại quét mã QR để truy cập vào website của thư viện, tìm kiếm danh mục và download miễn phí những mẫu đọc thử của nhiều ebook được tuyển chọn.
7. "Bibioburro" ở Colombia
Có những vùng trên thế giới mà chỉ dùng một loại phương tiện duy nhất mới đến được. Thủ thư kiêm nhà giáo Luis Soriano đã sử dụng hai chú lừa là Alfa và Beto, để chở sách đến những khu làng hẻo lánh ở vùng trung tâm Magdalena, Colombia.
8. Những thư viện Lừa di động ở Ethiopia
Những thư viện bắt mắt như thế này ít được biết đến hơn, nhưng nó cũng quan trọng với Ethiopia như là thư viện Biblioburro với Colombia vậy.
Dự án này ra đời sau một phát hiện đơn giản là ở những vùng quê Ethiopia có rất nhiều lừa nhưng lại quá ít sách.
Thư viện màu vàng di động này bắt đầu lăn bánh vào 2006, và giờ đã có tới 6 chiếc, di chuyển vòng quanh từ trường này đến trường khác và từ làng này đến làng khác, đem theo những cuốn sách đến cho lũ trẻ đang háo hức trông mong.
9. Il Bibliomotocarro ở Ý
Antonio La Cava là một giáo viên về hưu ở Ferrandina, Italy. Sau 42 năm giảng dạy ông đã tự hỏi mình có thể làm gì thêm nữa để chia sẻ tình yêu đọc sách đến với những đứa trẻ.
Vào năm 2003 ông đã mua một chiếc xe thùng nhỏ và biến nó thành nơi để hơn 700 cuốn sách.
Kể từ đó ông đã đi khắp những vùng quê nước Ý, mang sách đến với những làng quê vùng Basilicata.
10. "Kể một câu chuyện" ở Bồ Đào Nha
"Kể một câu chuyện" là một thư viện di động tuyệt vời có thể được nhìn thấy ở những con đường Lisbon. Chiếc xe tải nhỏ này là một phần của dự án trao đi những cuốn sách Bồ Đào Nha kinh điển được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Ý, Đức và Tây Ban Nha.
Người sáng lập ra nó là Francisco Antolin. Ông đã biến chiếc Renault Estafette 1975 tuyệt vời thành một trong những bưu thiếp đáng yêu nhất của văn học Bồ Đào Nha.
Dự án được phát triển sau khi Antolin và bạn của ông nhận ra việc tìm kiếm những bản dịch văn học Bồ Đào Nha để tặng cho bạn bè quốc tế là khó khăn đến nhường nào.
11. "Rừng sách Berlin" ở Đức
Cụm cây mọc giữa vỉa hè này được gọi là "Rừng sách Berlin". Đây là nơi trao đổi sách miễn phí của những người dân trong khu vực. Ở giữa thân cây được khoét thành những kệ sách, với bao plastic bọc bên ngoài để bảo vệ sách khỏi mọi thời tiết.
Có rất nhiều loại sách, cả tiếng Anh lẫn tiếng Đức được trao đổi ở Ki-ot này, với đủ thể loại từ sách thiếu nhi đến văn học đương đại.
Mục đích của nó là để khuyến khích văn hóa đọc trong khu vực, và nó nổi tiếng đến nỗi lẽ ra chỉ được tồn tại từ 2006 - 2008, thì cây sách này vẫn tồn tại đến ngày nay.
Dịch và tổng hợp: streetchick
Phủi bụi chuyên mục Tin tức