Giải thưởng sách hay 2017

Giải thưởng Sách Hay 2017 do Viện Giáo Dục IRED, Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh và Sáng kiến OpenEdu tổ chức. 

Sách Hay tôn vinh các hạng mục sách: Kinh tế, Giáo dục, Quản trị, Nghiên cứu, Thiếu nhi, Văn học, và sách Phát hiện mới; mỗi hạng mục trao cho hai thể loại sách dịch và sách viết.

Giải thưởng Sách Hay năm nay không có tiết mục trao giải, thay vào đó, Hội đồng trao giải chỉ công bố các sách được chọn tôn vinh, "xem như Hội đồng trao giải đã thu thập, nêu ý kiến, giới thiệu các tác phẩm/ dịch phẩm đáng đọc", nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn chia sẻ.

Quá trình bình xét trải qua ba vòng đề cử, sơ khảo và chung khảo cũng được ông Nam Sơn cho biết các chuyên gia, trí thức, được mời vào hội đồng xét giải "có thể đến từ nhiều chân trời nhưng đều có điểm chung là uy tín, cung cách làm việc khách quan, chân thành, vô vị lợi".

Các sách được giải đều được giới chuyên môn nhìn nhận là xứng đáng với tiêu chí "khuyến khích nên đọc" bởi trước hết ở chất lượng nội dung và hàm lượng tri thức tiến bộ, theo tinh thần "khai minh bắt đầu từ sách" như ý tưởng mà Ban tổ chức theo đuổi lâu nay.

Trên tinh thần đó, hạng mục sách Giáo dục được bình chọn trao cho: Tác phẩm Nước Đức thế kỷ XIX - Cuộc cách mạng giáo dục khoa học & công nghiệp (tác giả Nguyễn Xuân Xanh); sách dịch Những mục tiêu của giáo dục và các tiểu luận khác (tác giả Alfred North Whitehead, dịch giả Hoàng Phú Phương, Tiết Hùng Thái, Hà Dương Tường).

Một hạng mục quan trọng là sách Kinh tế đã tôn vinh quyển sách Một vành đai một con đường (OBOR) - Chiến lược của Trung Quốc và hàm ý chính sách với Việt Nam (thể loại sách viết) của tiến sĩ Phạm Sỹ Thành.

Giải sách Nghiên cứu năm nay tôn vinh Bộ sách 7 cuốn về nghiên cứu lịch sử của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính xoay quanh các đề tài về cuộc chiến tranh Đại Việt và Đại Thanh cùng với bức tranh xã hội và mối quan hệ Trung - Việt thời bấy giờ.

"Bộ sách thực sự là công trình Trung Quốc học hàng đầu của chúng ta trong thời điểm hiện nay", nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn - thay mặt Hội đồng trao giải - nhận xét.

Ngoài ra giải sách Nghiên cứu còn có sách dịch Định chế totem hiện nay (tác giả Claude Lévi - Strauss, dịch giả Nguyễn Tùng).

Một nội dung được chờ đón nhiều là sách Văn học, năm nay tiểu thuyết Tình cát của Nguyễn Quang Lập được tôn vinh ở thể loại sách viết, và quyển Bảo tàng ngây thơ (Orhan Pamuk, dịch giả Giáp Văn Chung) được giới thiệu ở thể loại sách dịch.

"Pamuk trong Bảo tàng ngây thơ đã "tìm thấy hình tượng mới mẻ cho thành phố quê hương ở Thổ Nhĩ Kỳ trong nối kết với thế giới phương Tây. 

Tác phẩm này nổi lên hai chữ ‘u uất’ bao gồm cả nỗi buồn, sự khép mình và mâu thuẫn với quá khứ kiêu hãnh...", nhà văn Nguyên Ngọc đưa ra nhận xét cho tác phẩm văn học dịch được giải.

Còn Tình cát, theo Nguyên Ngọc lại là một sứ ám ảnh của nhà văn Nguyễn Quang Lập, "và chiến tranh trong truyện, tuy chỉ một góc thôi nhưng rất thảm khốc qua hình tượng hy sinh của các cô thanh niên xung phong".

Các hạng mục giải Sách Hay còn lại:

Sách Kinh tế: sách dịch: Bí ẩn của vốn (tác giả Hernando De Soto, dịch giả Nguyễn Quang A).

Sách Quản trị: tác phẩm: Bộ sách 7 cuốn về quản trị kinh doanh (tác giả Alan Phan); sách dịch: i(tác giả Gary Hamel, Bill Breen, dịch giả Hoàng Anh và Phương Lan).

Sách Thiếu nhi: tác phẩm: Hành trình yêu thương - Nhật ký Thiện Nhân (tác giả Trần Mai Anh); sách dịch: Cánh tay cha là con thuyền vững chãi (tác giả Stein Erik Lunde, Øyvind Torseter, dịch giả Mẹ Ong Bông).

Sách Phát hiện mới: Đà Lạt một thời hương xa: Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954-1975 (tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên); Mộ phần tuổi trẻ (tác giả Huỳnh Trọng Khang); Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu (tác giả Hoàng Tuấn Công).

LAM ĐIỀN/Tuoitre

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3