Hoa tai bên phải
Hoa tai bên phải
Chuyện bắt đầu từ một tai nạn dễ thương vào ngày đầu tiên năm lớp 6. Cây bút mực của tôi đang chạy trơn tru thì nghẽn. Tôi vẩy mạnh để sửa nó. Một dòng mực phóng ra, đậu thẳng hàng lên chiếc áo trắng tinh của cậu con trai ngồi phía trên. Quay đầu lại, cậu ta rướn cổ nhìn xuống lưng áo. Tôi mím môi nặn ra một nụ cười lả rả, trong đầu nhanh chóng nghĩ kế sách. Năn nỉ ỉ ôi. Đề nghị giặt giúp. Tồi tệ nhất là phải xin mẹ ứng trước tiên tiêu vặt để đền cái áo khác. Nhưng anh chàng lại cười khoái chí:
- Hớ, tớ mặc áo chấm bi đi học này. Mốt nhỉ!
Cậu ấy tên Nguyên. Suốt sáu năm sau ngày hôm đấy, tình cảm tôi dành cho Nguyên qua những ngày đến trường, qua những mùa hè đã từng chút, từng chút phổng phao ra và kết chặt lại.
Cốc riêng tặng một người
Mùa hè năm lớp 11 lên 12, tôi tập tành uống cà phê. Hôm ấy là ngày thứ 3 trong tuần nghỉ học đầu tiên. Mãi gần trưa, tôi mới ngủ dậy. Sau bữa ăn nhẹ, tôi pha một cốc cà phê ra ban công ngồi, đặng ngắm những đám mây đen to như đàn khủng long đang tiến quân che kín cả bầu trời. Ngay cả khi chạm môi vào làn cà phê ấm thơm, đầu tôi liền bíng boong một suy nghĩ: “Phải mua một cái cốc cà phê. Một cái cốc xinh đẹp chuyên dụng chắc chắn sẽ làm cà phê ngon lành hơn.” Nghĩ thế tôi bèn gọi cho Nguyên cùng đi mua cốc. Tuy lèm bèm đôi chút về thời tiết, cậu cũng đến.
Chúng tôi vừa bước vào siêu thị thì trời lác đác những giọt mưa đầu tiên. Tôi tần ngần rất lâu trước quầy sành sứ, cầm lên bỏ xuống hơn chục cái cốc. Nhiều cái rất lạ, rất bắt mắt nhưng không làm tôi vừa ý. Tôi tìm một chiếu cốc mà chỉ vừa chạm tay vào, cảm giác “phải rồi, chính là nó” sẽ lan tỏa từ các tế bào da ở vùng tiếp xúc sang các tế bào da lân cận, rồi cứ thế lan khắp thân người. Lan truyền giống như hiệu ứng domino.
Trong khi chờ tôi, Nguyên đứng ngắm nghía những chiếc đĩa pha lê nhập khẩu ở quầy đối diện. Tôi cầm lên một chiếc cốc màu hồng. Không hề xuất hiện cảm giác lan truyền như mong muốn. Điều khiến tôi thích thú chính là chiếc cốc mau xanh dương đặt cạnh. Một cặp cốc hồng xanh - hồng cho con gái và xanh cho con trai. Hai tay cầm cặp cốc ấy, tôi hí hửng bước đến bên Nguyên.
- Thích không? Mỗi người một cái nhé. – Tôi hơi nhấn hơi mạnh chữ “người”, ngầm báo hiệu cho Nguyên rằng cách gọi của tôi bớt bạn bè hơn. Chứ bình thường tôi sẽ nói “Mỗi đứa một cái nhé”.
- Cốc đôi á? Thôi đi.
- Sao lại thôi? Xinh mà. Để ở nhà uống, có ai biết đâu mà sợ. – Tôi phụng nhịu.
- Nhưng có phải cặp kè gì đâu. – Có một cái gì có rất lạ trong giọng Nguyên.
Tôi nhìn thẳng vào Nguyên. Một suy nghĩ đến nhanh: “Nếu bây giờ không nói thật ra hết những gì tôi cất giấu trong lòng bấy lâu, chẳng bao giờ mới lại có một dịp cố tình thuận tiện như thế này.” Hiện đã là mùa hè cuối cùng của những năm trung học. Tôi hi vọng một mùa hè thật khác những mùa hè trước…
- Vậy thì bây giờ chúng ta có thể chính thức cặp kè. – Tôi nói sau một cái hít thở sâu.
- Không thể! – Nguyên nói mà từ chối nhìn vào mặt tôi.
- Tại sao? Đừng nói dối là những năm qua cậu không có tình cảm với tớ. Tớ có linh cảm của con gái. Hơn nữa, cậu không phải đang có bạn gái thì tại sao không thể? – Dòng máu di chuyển lên mặt tôi như bị đun nóng.
- Nhìn này! – Nguyên nghiêng mặt, chỉ cho tôi chiếc hoa tai pha le màu đen lấp lánh trên dái tai bên phải của cậu.
- Sao chứ? Bấm từ Tết vừa rồi mà, mới mẻ gì đâu. - Giọng tôi có âm hưởng tức tối, nghĩ rằng Nguyên đang cố tình đánh trống lảng.
- Nam tả nữ hữu. Con trai đeo hoa tai chỉ đeo bên trái, hoặc cả hai tai. Chỉ gay mới đeo độc một chiếc hoa tai bên phải. – Nguyên bước đến trước sát mặt tôi, hai tay đút vào túi quần, nói rất thầm. Nhưng những lời ấy lại dội thình thịch lên màng nhĩ tôi.
Tôi nhìn sâu vao đồng tử mắt cậu. Đồng tử bình thường là nói thật. Đồng tử nhỏ hẹp là nói dối. Sao tôi lại thấy đồng tử ấy to đùng như cái chén thế kia?! Tôi định nói một lời nào đó để tình thế bớt tẽn tò, nhưng ngặt không ra một âm bật ra. Nguyên nhìn tôi, mím môi rồi bỏ đi.
Hôm ấy, tôi rời siêu thị một mình, không mua chiếc cốc nào cả.
Tôi không chủ động liên lạc với Nguyên sau đó. Cậu ấy cũng vậy. Suốt hai tháng đầu mùa hè, ngày ngày tôi đón xe buýt ra ngoại thành học làm gốm. Lần đầu tiên, tôi tham gia một hoạt động mà không có Nguyên.
Tôi trống trải và buồn bực ghê gớm, cứ như bước ra khỏi nhà mà quên chải đầu, ngoại hình thiếu chỉnh tề nên kém tự tin. Sang ngày thứ hai. Sang ngày thứ ba…Mọi chuyện dần ổn. Những ngày tôi sống tách ra khỏi Nguyên bắt đầu từ đó. Việc tôi và Nguyên từng chút một trở thành hai đường thẳng song song thân thiết – luôn luôn có nhau nhưng không bao giờ giao nhau – bắt đầu từ mùa hè mà tôi đi học làm gốm ấy.
Học làm gốm là cái cớ để tôi bắt mình bận rộn và tìm một không gian xa Nguyên. Lòng tôi gào thét những trận lụt câu hỏi. Nhưng tôi biết tìm gặp Nguyên là cách tệ nhất để xử lí hoàn cảnh này. Tôi khó mà giữ được bình tĩnh và thông suốt nếu gặp cậu ấy ngay. Tôi phải tìm cho mình một chính kiến trước. Tôi phải xác định rõ ràng luồng cảm xúc trong mình. Vì cảm giác của tôi không phải là hụt hẫng và xấu hổ của một cô gái bị từ chối lời tỏ tình. Cảm giác trong tôi khó chịu hơn nhiều.
Suốt cả khóa học, tôi chỉ chuyên tâm nặn ra những cốc cà phê. Bài tốt nghiệp của tôi là một chiếc cốc cà phê trắng phau. Tôi quệt một vệt mực tím sẫm lên ngón cái tay trái của mình và in vân tay ấy lên phần phía trên quai cầm cốc. Trông hệt như tôi đã sử dụng và làm vấy bẩn lên chiếc cốc với bàn tay lem luốc.
Vào một ngày cuối mùa hè, tôi hẹn Nguyên đi cà phê. Trong những lúc nặn đất sét, tôi đã nghĩ rất nhiều về những ngày tháng đã qua và lời thú nhận của Nguyên. Tôi quyết định không tin vào lời thú nhận ấy. Tôi quyết định sẽ gặp Nguyên lần cuối, rồi dứt khoát luôn tình bạn. Bởi cậu ta đã nói dối quá đáng. Có trăm vạn lý do để từ chối một cô gái, thế mà Nguyên lại chọn cái lý do rẻ nhất: tự hạ thấp chính mình. Thời ấy, tôi nghĩ gay là một chuyện rất xấu.
Những lời quá thật
- Hãy thú nhận là cậu đã phỉnh tớ đi. Chỉ là tớ quá hiểu lầm, khiến cậu khó xử nên cậu phải nói mình là gay. – Tôi chào Nguyên xối xả tại quán cà phê
- Cho một latte nóng. – Nguyên nói với anh phục vụ bàn, rồi nhẹ nhàng kéo ghế ngồi, không đáp lại lời tôi.
Chúng tôi trân mắt nhìn nhau, để mặc hai cốc cà phê nóng ấm dần nguội lạnh đi. Rồi miệng Nguyên cong lên giống - một - nụ - cười:
- Ốm một chút, nâu một chút. Nghe nói cậu dành hết mùa hè tập tập tành gốm hả? Có làm quà cho tớ không?
- Trả lời câu tớ hỏi lúc nãy trước thì mới có quà.
- Nếu tớ trả lời không giống những gì cậu muốn nghe, cậu có cho tớ quà không? – Ngón tay Nguyên di di trên mép cốc cà phê, mắt đăm chiêu nhìn vào mặt nước màu nâu sẫm trong đấy.
Tôi đặt lên bàn một chiếc hộp, bên trong có cốc cà phê trắng phau in lên một dấu vân tay mà tôi đã làm và đẩy nó về phía Nguyên. Chiếc hoa tai óng ánh đập vào mắt tôi. Nguyên xỏ lỗ tai cả hai bên, nhưng lúc nào cũng chỉ đeo bên phải.
- Biết như thế từ bao giờ? – Lúc đó, trong đầu tôi định sẵn là phải hỏi ”Cậu thực sự bị gay à?” trước, thế mà lại thốt ra câu này. Cứ như tư duy của tôi đã mặc nhiên chấp nhận chuyện Nguyên gay, bỏ qua câu đầu mà vào thẳng vấn đề.
- Lờ mờ đoán như thế lâu lắm rồi. Tìm đủ mọi cách chữa, gặp cả bác sĩ tâm lý. Đến đầu năm lớp 11 thì chắc chắn. Mệt mỏi rồi, chẳng muốn cố gắng chối bỏ sự thật làm gì nữa. Đeo cái hoa tai này để nhắc nhở bản thân rằng mình là ai. Càng cố lấp liếm cho một cái không thật, càng không thấy vui vẻ.
Nguyên đã nói rất nhiều. Những biện giải khoa học. Những phân tích tâm lý. Những suy nghĩ và lo toan. Tôi cảm giác như Nguyên không phải đang trút ra hết những tâm sự đã nén sâu trong lòng, mà là đang tấn công từ muôn hướng, hòng đâm chết cái hi vọng còn le lói của tôi: Có thể bằng một phép tiên nào đó đem giới tính của Nguyên trở về bình thường, để chúng tôi có thể yêu nhau và tay trong tay cặp kè.
Mẹ Nguyên mang thai và sinh cậu ấy vào năm thứ 2 đại học. Vừa học, vừa chăm sóc gia đình, vừa chuẩn bị sinh con kiến người phụ nữ hai mươi tuổi phải đương đầu với quá nhiều áp lực. “Có thể áp lực chính là lý do khiến từ tuần thứ 6 đến thứ 8 trong bụng mẹ, tớ - một phôi thai XY đã không nhận đủ lượng hormone testosterone cần thiết để hoàn chỉnh đặc tính nam. Sự thiếu hormone này không tác động lên cơ thể, nên tớ vẫn trưởng thành đầy đủ như một thằng con trai. Nhưng bộ não thì chịu trận. Nếu nó có mười phần, thì bẩy, tám phần là nữ tính mất rồi. Vậy đấy, tớ gay và không thể chữa. Chẳng lẽ lại múc não đổ đi, thay cái mới. Con người, dù thế nào vẫn là nô lệ của sinh học của tự nhiên.”
Cái cách Nguyên mạch lạc và chặt chẽ chứng minh mình gay đẩy tôi rơi vào một nồi súp cảm giác. Tôi thấy nhẹ nhàng vì không còn bị che mắt bởi bí mật. Tôi thấy ỉu xìu trước sự thật - chẳng còn gì để hi vọng, để tự huyễn hoặc bản thân. Tôi hình dung ra Nguyên lúc né tránh những cặp mắt soi mói đến gặp bác sĩ tâm lý, lúc lục tìm tư liệu sinh học trong thư viện. Những lúc đó, tôi ở đâu? Tôi thấy mình vô dụng.
Bầu trời đêm sẫm mầu cà phê
Nguyên sang Mĩ du học ngay sau khi chúng tôi tốt nghiệp. Ngày Nguyên đi, tôi không đi tiễn mà ở nhà bắt tay vào kế hoạch tìm học bổng. Tôi dốc cả tâm trí và trái tim vào sự học của mình chỉ có một, mà để sống gần Nguyên thì đến mười. Rồi một năm sau, tôi cũng sang được Mĩ, ở khác bang với cậu ấy.
Nguyên rất hòa nhập cuộc sống mới. Bớt những ánh mắt đánh giá, bớt những tiếng xì xầm, lời nói và hành động của cậu trở nên phóng khoáng hơn. Rồi Nguyên biết yêu. Tôi nhớ như in cảnh đám sinh viên trong thư viện nhìn tôi tròn mắt phấn khích gào ầm vào điện thoại, lúc Nguyên báo sắp có cuộc hẹn đầu tiên với một người cùng lớp. Rồi Nguyên nếm trải mùi vị chia tay, thất vọng vì yêu, tự đứng dậy và dũng cảm bắt đầu một quan hệ tình cảm mới. Tất cả những kinh nghiệm sống quý báu ấy, tôi luôn chia sẻ cùng cậu ấy.
Về phần mình, tôi cũng trải qua không ít lần hẹn hò, vài lần mang danh bạn gái, nhưng chẳng bền lâu. Tôi luôn tìm kiếm cảm giác thoải mái cùng cực – khi con người tôi, cái tốt, cái không tốt – không xấu và cả cái xấu đều được tự do biểu hiện chẳng chút quan ngại. Cái cảm giác tôi có khi ở bên Nguyên. Nhưng tôi chưa tìm được người thứ hai mang nó đến cho mình.
Mùa đông năm ngoái, tôi khăn gói sang bang Nguyên ở chơi suốt kì nghỉ. Đêm giáng sinh, sau bữa tối no say, sau khi chén sạch cái bánh khúc cây to đùng và xem hết hai cuộn video, chúng tôi tập tành ti vị: kéo hai cái ghế bành lớn ra sát cửa sổ để ngắm tuyết và uống cà phê.
Nguyên pha cà phê cho tôi vào chiếc cốc trắng phau có in một dấu vân tay màu tím. Ủ chiếc cốc trong tay, tôi cảm giác như được chiêm nghiệm lịch sử. Nhiều năm trước chính tay tôi đã mân mê cục đất sét nặn ra nó, tỉ mỉ từng chút thu vén thành hình, in dấu vân tay đẹp nhất của mình lên trang trí, rồi đem cho đi. Tôi chưa từng nghĩ sẽ có lúc hai bàn tay mình lại được hưởng thụ hơi ấm tỏa ra từ nguồn cà phê nóng ấm trong nó. Nếu không có Nguyên bên cạnh thế nào tôi cũng hỏi cái cốc như hỏi một người: “Mấy năm qua, mi có hoàn thành nhiệm vụ ta giao hay không? Mi đã uống cạn bao nhiêu mệt mỏi, bao nhiêu tâm sự của cậu ý rồi?”
Chiếc cốc sứ này vốn là quà tạm biệt Nguyên, vì tôi đã cho rằng “Nguyên gay” là nói dối được sáng tác nhanh gọn để từ chối lời tôi tỏ tình. Tôi cảm thấy bản thân vô nghĩa trong cuộc sống của cậu – Nguyên nói dối tôi, trong khi tôi luôn đối với cậu bằng cả tâm trí và trái tim. Tôi không muôn bên cạnh một người không tôn trọng mình. Dù thế, tôi vẫn muốn bằng một cách nào đó chăm sóc Nguyên. Tôi đã dốc trọn sự dịu dàng, mơ mộng của một cô gái mới lớn vào chiếc cốc. Sau này, đến tận bây giờ, tôi chưa đối với ai ngọt ngào như với Nguyên.
Sau khi hớp ngụm cà phê đầu tiên, tôi khẽ nghiêng đầu sang định khen ngon, thì mắt chạm vào chiếc hoa tai bên phải của Nguyên. Một viên pha lê tím sẫm.
- Mới à? Màu gì tím rịm!
- Ừ. Lúc đi chọn, vừa nhìn thấy đã biết phải mua ngay. Tím và tròn y hệt như mấy cục mực cậu quăng vào áo tớ ngày xưa.
- Nhớ dai nhỉ! Cũng may là tớ, chứ một cô gái nào khác thì cậu đã thành tội nhân thiên cổ rồi. Nhớ kỉ niệm tình yêu kĩ như thế, ai nỡ đi yêu người khác. – Tôi nói rồi cười, cảm giác vừa ấm áp, vừa đằng đẵng.
- Tớ luôn biết cậu rất khác mà. Cậu mạnh mẽ hơn bọn con gái bình thường. Từ xưa tớ đã biết. Đâu phải cô gái 17 tuổi nào cũng có khả năng đứng trước mặt con trai, dõng dạc nói anh ta không phải đang có bạn gái thì tại sao không thể cặp kè với mình.
Tôi lườm cậu ấy. Tự tôi hiểu ra, cái cảm giác rất lạ tôi cảm nhận trong giọng Nguyên lúc từ chối mình năm xưa là hỗn hợp của phân vân và kiên quyết, của nói thật và nói dối, của tin tưởng và nghi ngờ. Cảm xúc cả một người đang cân nhắc quyết định có nên chia sẻ bí mật lớn nhất đời mình với người khác hay không.
- Cái ngày theo cậu đi mua cốc là ngày dũng cảm nhất của đời tớ. Trước đó, chưa bao giờ tớ nghĩ có thể nói thành lời cho người khác biết chuyện mình bị gay. Ở quầy cốc tách, quả thật tớ rất muốn nhận lời cậu. Lúc đó, cái ý nghĩ “phải nói dối” gấp mấy lần ý nghĩ “nên nói thật”.
- Nếu đến bây giờ tớ vẫn còn yêu cậu thì sao? - Giọng tôi tỉnh táo như đó chỉ đơn thuần chỉ là một câu hỏi nếu – thì, nhưng lại là những lời thú nhận chân thành.
Qua tấm kính cửa sổ, tôi thấy chiếc hoa tai màu tím trên tai Nguyên ánh lên lóng lánh. Hoa tai bên phải. Nguyên không hề vô cảm với những ánh mắt liếc nhìn và âm thầm đánh giá của người xung quanh. Nhưng cậu vẫn ngang bướng đeo độc chiếc hoa tai bên phải. Đó là lời tự nhắc nhở: ”Phải thực tế và hài lòng với bản thân. Một người nói dối chính mình thì vĩnh viễn cô độc”. Tôi đã chịu ảnh hưởng quá mạnh, hấp thụ quá sâu triết lý này của Nguyên. Nên vào buổi đêm sẫm mầu cà phê ấy, tôi đã can đảm nhìn thẳng vào cậu ấy, nói những lời chân thật nhất:
- Tớ thật sự rất yêu cậu. Yêu nhiều đến mức chẳng cần cậu yêu lại. Tớ chỉ cần yêu hết phần mình đã đủ nhiều để mãn nguyện rồi.
Nói rồi, tôi hớp thêm một ngụm cà phê, ngước mắt nhìn hình ảnh phản chiếu của hai chúng tôi trong tấm kính cửa sổ. Chiếc hoa tai màu tím lại ánh lên óng ánh.