[Chia sẻ sách hay] Đức Phật và nàng - Nghìn năm một nỗi nhớ thương

Trước đây, tôi có xem một bộ phim tình cảm lãng mạn có tựa là “Like crazy” do nam diễn viên trẻ Anton Yelchin và nữ diễn viên Felicity Jones đóng vai chính. Phim này đã đoạt giải “Phim hay nhất” tại liên hoan phim độc lập Sundance. Đồng thời, phim cũng đã mang về cho Felicity Jones giải thưởng “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” cho vai diễn nữ sinh viên người Anh - Anna.

Nội dung phim là câu chuyện tình yêu giữa Jacob và Anna. Họ gặp nhau tại một trường đại học trên đất Mỹ khi Anna đến đây du học theo chương trình trao đổi sinh viên trong thời hạn vài tháng. Và tại đây, cô đã gặp chàng sinh viên Jacob chân thành, đáng yêu. Họ làm quen, trò chuyện, cùng ăn tối và rồi yêu nhau.

Khi hết thời hạn ở lại Mỹ, Anna buộc phải quay trở về nước Anh nhưng lúc này tình cảm của đôi bạn trẻ đang trong giai đoạn sâu đậm, họ không thể xa nhau. Và thế là Anna đã có một quyết định táo bạo. Cô tiếp tục ở lại Mỹ trong khi thị thực nhập cảnh đã hết hạn.

Rồi khi Anna cảm thấy đã đến lúc phải trở về thì cô bị bắt ngay tại sân bay vì phạm tội định cư trái phép trên đất Mỹ. Cô bị trục xuất ngay lập tức và bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trong thời hạn ba năm.

Vậy là mối tình vừa chớm nở nhưng sớm nồng đậm giữa cô và Jacob đã phải chịu sự thử thách rất lớn về niềm tin bởi sự chia cách về mặt địa lý và sự trưởng thành của cả hai trong cuộc sống riêng.

Ở hai phương trời khác nhau, khi nhớ nhau, họ gọi điện thoại để nghe được tiếng của nhau. Và khi kết thúc cuộc gọi, bao giờ Anna cũng bật khóc nức nở còn ở bên kia đại dương, Jacob cũng ôm đầu đau khổ vì bị nỗi nhớ hành hạ.

Jacob và Anna đã từng hi vọng sẽ chống án thành công để họ sẽ sớm được ở bên nhau nhưng họ càng hi vọng thì họ lại càng thất vọng bởi sự thật không thể thay đổi ấy. Sự thất vọng khiến họ đau khổ, tranh cãi rồi tưởng chừng như tan vỡ hoàn toàn khi mà bên cạnh Jacob xuất hiện một cô gái khác và tại đảo quốc sương mù bên kia đại dương cũng có một chàng trai sẵn sàng làm bờ vai ấm áp cho Anna tựa vào mỗi khi buồn.

Tuy nhiên, trong giấc ngủ hàng đêm, Jacob vẫn âm thầm nhớ về Anna. Còn Anna, dù bận rộn với công việc nhưng cô vẫn không thôi nhớ về Jacob mỗi khi lặng lẽ đứng nhìn ra ô cửa sổ.

Ai đó đã nói rằng nhớ một người là cách mà trái tim nhắc nhở bạn đã yêu người ấy.

Chính sự nhớ nhung đó đã nhắc Jacob và Anna rằng họ đã từng yêu nhau và chưa bao giờ ngừng yêu nhau.

Nội dung phim chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đã để lại cho tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Trong suốt hơn chín mươi phút của bộ phim, tôi nhìn thấy một nỗi nhớ nhung da diết giữa hai người yêu nhau nhưng không thể gặp nhau vì hậu quả mà họ phải gánh chịu để được ở bên nhau trước đó.

Khi xem bộ phim này, tôi có cảm giác trái tim luôn bị bóp nghẹt bởi niềm hạnh phúc khi gặp gỡ, sự quyến luyến khi chia ly và nổi nhớ nhung khi xa cách của hai nhân vật chính. Và đó cũng chính là điều khiến tôi cứ nhớ mãi về một bộ phim hay và nhiều cảm xúc như “Like crazy”.

Thế nhưng, nỗi nhớ nhung trong ba năm vì chia xa của Jacob và Anna không là gì nếu so sánh với nỗi nhớ nhung kéo dài suốt ba mươi sáu năm vì những cách trở của không gian và thời gian, vì những biến cố của lịch sử, vì sự tác động của khoa học kỹ thuật và vì thân phận vô cùng đặc biệt của nhân vật mà tôi đã đọc được trong tác phẩm “Đức Phật và nàng” - Tác giả Chương Xuân Di.

“… Nơi ấy, trên lưng lạc đà, có những dòng kinh văn bồng bềnh trôi.

Nơi ấy, sau bao bão giông, sau những chông gai, một bậc danh sư đã đến với cõi người.”

Khi đọc những dòng này ở phía sau cuốn sách “Đức Phật và nàng”, tôi đã tự hỏi “nơi ấy” là nơi nào và “bậc danh sư” ấy là ai. Chính điều này đã khiến tôi tò mò giở sách ra đọc thử mà không phải là bỏ qua tác phẩm này ngay lập tức bởi cái tựa nghe “kỳ kỳ sao đó” như ấn tượng ban đầu của nhiều cô bạn “mê sách - thích đọc truyện” của tôi khi nhắc đến bộ tiểu thuyết gồm hai cuốn và hơn một nghìn trang này.

Và rồi, tôi hoàn toàn bị cuốn hút vào bộ tiểu thuyết mà không sao dứt ra được.

Cũng giống như cái cảm giác day dứt vì nhớ nhung khi xem bộ phim “Like crazy”, khi đọc tác phẩm này, tôi cũng bị sự nhớ nhung của các nhân vật làm cho cảm động và có ấn tượng sâu sắc.

Trước hết là nỗi nhớ nhung không sao dứt bỏ được của “người cổ đại” Kumarajiva (Rajiva) dành cho Ngãi Tình - một cô gái hiện đại sống ở thế kỷ 21 vượt thời gian đến với thời đại của Rajiva thông qua một dự án nghiên cứu và kiểm chứng lịch sử.

Đọc truyện, tôi cảm giác sự gặp gỡ giữa Rajiva và Ngãi Tình là những cuộc gặp gỡ để ly biệt, để chờ đợi và để nhớ thương nhau.

Lần đầu tiên họ gặp nhau, Rajiva chỉ là một tiểu hòa thượng đang theo mẹ đến tiểu quốc Wensu để thuyết pháp theo lời mời của quốc vương tiểu quốc này. Cuộc gặp gỡ ban đầu ấy là cuộc gặp gỡ không được dự tính trước bởi sự trục trặc kỹ thuật của máy xuyên thời gian. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và ngoài dự kiến này lại khiến cô gái đam mê lịch sử Ngãi Tình vô cùng thích thú vì gặp được “vị hòa thượng vĩ đại nhất trong lịch sử” mà cô và những người bạn trong ký túc xá đã đồng ý bình chọn cho Rajiva.

Ngãi Tình đến với thời đại của Rajiva ngoài dự kiến và cô rời khỏi nơi ấy để trở về thời đại của mình cũng ngoài dự kiến như cái cách mà cô đã đến. Sự biến mất của cô đã để lại trong lòng Rajiva một nỗi nhớ không bao giờ phai theo năm tháng.

Dù khi đọc truyện, tôi chẳng hề nhìn thấy một từ hay một câu nào miêu tả nỗi nhớ của Rajiva nhưng chỉ cần nhìn những bức vẽ mà Rajiva đã vẽ Ngãi Tình cũng đủ để tôi cảm nhận được một nỗi nhớ sâu sắc đến mức độ nào.

Nếu không nhớ Ngãi Tình, Rajiva đã không thể vẽ được những bức ảnh chân dung của cô vô cùng sống động và giống thật đến vậy.

Nếu không nhớ Ngãi Tình, Rajiva đã không thể vẽ những bức ảnh cô trong nhiều tư thế từ cái dáng ngồi không vững trên lưng lạc đà đến nụ cười với đôi má lúm đồng tiền xinh xắn, từ vẻ mặt ngây ngô khi hát đến dáng vẻ vô cùng đáng yêu khi ngủ gục trên bàn học.

Nếu không nhớ Ngãi Tình, Rajiva đã chẳng giữ gìn chiếc ba lô hiệu North Face của cô với những thứ đồ vật linh tinh như báu vật.

Nỗi nhớ ấy cứ âm thầm đâm chồi, bén rễ trong lòng Rajiva suốt mười năm dài.

Còn Ngãi Tình, sau khi cô quay về với thời đại của mình cũng đã bắt đầu nhớ đến Rajiva. Tuy nhiên, tôi nghĩ là nỗi nhớ mà Ngãi Tình dành cho Rajiva lúc ấy chẳng qua chỉ là sự mong ngóng quay lại để tìm hiểu về một bậc danh sư mà cô hằng ngưỡng mộ. Nỗi nhớ ấy không phải là nỗi nhớ về một người nào đó như cái cách mà Rajiva nhớ về cô.

Chính vì vậy mà Ngãi Tình không có nhiều băn khoăn và nhớ nhung về những con người mà cô đã gặp tại thời đại ấy trong lần đầu tiên quay về với thời hiện đại. Cô vẫn tiếp tục con đường học thuật của mình, tiếp tục cùng giáo sư nghiên cứu về cuộc đời của Rajiva trong tâm thái thoải mái và vui vẻ. Nổi nhớ ấy có chăng là khi đến di chỉ Thiên Phật Động Kizil ở Tân Cương, cô đã chụp một bức ảnh với bức tượng điêu khắc của Rajiva ở độ tuổi ba mươi và tự hỏi không biết khi lớn lên Rajiva có giống như bức tượng đó hay không.

Nếu sự gặp gỡ ban đầu là ngoài dự kiến thì lần gặp gỡ thứ hai và thứ ba giữa họ hoàn toàn là theo chủ ý của Ngãi Tình. Và chính trong những lần gặp gỡ này đã khiến cô phát hiện ra một Rajiva giàu cảm xúc và đầy yêu thương đối với những người thân yêu của mình mà không phải là một vị hòa thượng xuất gia từ thuở nhỏ, sống khổ hạnh và từ bỏ mọi xúc cảm của thế tục.

Ngãi Tình đã chứng kiến cảnh Rajiva mắt ướt nhòe vì khóc, bờ vai gầy gò trong màu áo nâu sòng run lên bần bật vì cố gắng kiềm nén nổi nhớ thương người mẹ vừa qua đời nơi Thiên Trúc xa xôi. Rồi cô cũng nước mắt ràn rụa khi nhìn thấy Rajiva gào khóc một mình trong đêm tối bên bờ sông Tongchang vì mất cha. Một Rajiva rất đời, rất người trước nỗi đau mất người thân bởi lẽ trước khi xuất gia làm hòa thượng, trước khi thọ đại giới nguyện suốt đời phụng sự Phật tổ, Rajiva cũng là một con người bình thường, có cha, có mẹ, có anh em như bao con người bình thường khác.

Tôi cho rằng chính những điều ấy đã khiến tình cảm của Ngãi Tình chuyển biến từ lòng ngưỡng mộ dành cho một bậc danh sư thành một thứ tình cảm rất lạ mà cô không bao giờ dám thừa nhận. Cô biết cô đã yêu Rajiva bằng tình cảm của một cô gái dành cho một người đàn ông chứ không phải là một vị hòa thượng. Và cô cũng biết cô đã vi phạm quy tắc quan trọng nhất mà giáo sư đã căn dặn cô trước mỗi chuyến hành trình vượt thời gian.

Chính vì đã yêu và yêu một cách sâu đậm nên trong lần chia xa thứ hai và thứ ba để quay lại với thời đại của mình, Ngãi Tình đã ôm trong lòng một nỗi nhớ đau tận tâm cang để tiếp tục sống, sinh con và nuôi con khôn lớn. Ngãi Tình đã làm tất cả những điều ấy trong nỗi nhớ nhung da diết về một bóng dáng cao gầy trong màu áo nâu sòng để giữ trọn lời hứa với Rajiva. Tôi đồng cảm với suy nghĩ của Ngãi Tình và có thể hiểu lý do vì sao trong những ngày tháng cuối đời, cô lại từ chối mọi cuộc điều trị y khoa nhằm kéo dài sự sống. Bởi cô biết ở tầng địa ngục Vô Gián tàn khốc kia đang có một người đã đợi cô hơn nghìn năm qua.

Nếu nỗi nhớ của Ngãi Tình dành cho Rajiva hình thành và lớn dần theo năm tháng thì nỗi nhớ mà Rajiva dành cho Ngãi Tình lại càng sâu sắc và khắc khoải hơn sau ba lần gặp gỡ và ly biệt. Nỗi nhớ ấy từ đâm chồi, bén rễ đã lớn dần rồi phát triển mạnh mẽ và chưa bao giờ mất đi trong lòng Rajiva suốt ba mươi sáu năm dài.

Người ta hay nói đời người có được bao nhiêu lần cái-mười-năm. Vậy mà, hết lần này đến lần khác, Rajiva mất mười năm rồi lại mười năm rồi lại mười sáu năm dài đằng đẵng trong nỗi nhớ nhung chưa bao giờ nguôi ngoai để chờ đợi một người mà mỗi lần ly biệt đều không bao giờ hẹn gặp lại. Đối với Ngãi Tình, cái cột mốc mười năm ấy có thể chỉ là vài tuần hoặc vài tháng. Nhưng với Rajiva, cái mốc mười năm ấy không đơn giản như vậy.

Mười năm ấy là hơn ba nghìn ngày Rajiva mang trong lòng nỗi nhớ thương về một người con gái đến từ tương lai mà sự xuất hiện và quay lại của cô là điều hết sức mơ hồ;

Mười năm ấy là hơn ba nghìn ngày Rajiva phải đấu tranh tâm lý dữ dội để bản thân không vì những cảm xúc thế tục mà vi phạm giới luật của Phật pháp;

Mười năm ấy là hơn ba nghìn ngày Rajiva sám hối dưới chân Phật tổ vì bản thân không thể khống chế thứ tình cảm kỳ lạ ấy, là những ngày dài hết lòng phụng sự Phật tổ và chấp nhận sự trừng phạt nơi địa ngục Vô Gián tàn khốc vì tội lỗi của mình khi chết đi.

Mười năm của Rajiva là những chuỗi ngày đầy mâu thuẫn và giằng xé đến thế.

Khi đọc đến đoạn hai người họ quyến luyến chia tay nhau lần thứ ba để Ngãi Tình về với thời đại của mình, tôi đã rơm rớm nước mắt khi Rajiva nói rằng lần này chàng muốn có một cuộc chia-tay tử-tế vì hai lần trước ngay cả đến một cơ hội gặp nhau lần cuối trước khi chia xa, Phật tổ cũng không thương xót mà dành cho chàng.

Và tôi đã rơi nước mắt khi biết rằng hai người họ đã hẹn gặp nhau nơi địa ngục Vô Gián. Vì là người của thời cổ đại, cách thời đại của Ngãi Tình những 1650 năm nên chắc chắn Rajiva sẽ “ra đi” trước cô. Vì thế, để có thể cùng với Ngãi Tình chịu sự trừng phạt nơi tầng địa ngục đáng sợ nhất ấy, Rajiva đã hứa sẽ ở đó chờ cô trong nghìn năm cho đến khi gặp được cô.

Tôi thật sự cảm động trước nỗi nhớ nhung sâu sắc và da diết ấy của Rajiva.

Ngoài nỗi nhớ nhung của Rajiva và Ngãi Tình, khi đọc “Đức Phật và nàng”, tôi cũng rất xúc động trước một nỗi thương nhớ khác mà tôi cho rằng cũng sâu sắc và da diết không kém gì nỗi nhớ mà Rajiva dành cho Ngãi Tình. Đó là nỗi nhớ thương mà quốc sư Kumarayana (cha của Rajiva) dành cho người vợ Jiva của mình.

Kumarayana là hoàng tử một quốc gia nhỏ ở Ấn Độ. Ông đã từ bỏ mọi địa vị và quyền lực, vượt qua dãy Thiên Sơn đến Khâu Từ rồi cưới công chúa Khâu Từ là Jiva làm vợ. Jiva đã sinh cho ông hai người con là Rajiva và Pusyseda nhưng sau đó, bà đã xuất gia đi tu và rời bỏ gia đình để đi học đạo. Sự ra đi của bà đã để lại trong lòng quốc sư Kumarayana một nỗi nhớ thương khắc khoải về người vợ của mình đồng thời cũng là người mẹ của những đứa con trai nhỏ.

Cũng giống như Rajiva, Kumarayana chỉ âm thầm giữ kín nỗi nhớ thương ấy vào lòng vì ông biết con đường mà bà Jiva đã lựa chọn và biết cả sự quyết tâm khi ra đi của bà.

Để làm được điều ấy, tôi chắc rằng ông đã phải rất yêu thương và tôn trọng bà. Bởi nếu ông không yêu thương bà, không tôn trọng bà thì ông đã không tôn trọng những quyết định của bà và bằng lòng ôm tình yêu ấy vào lòng để mà thương, để mà nhớ cho đến tận những giây phút cuối đời. Trước khi về với miền cực lạc, ông vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ về bà.

“Không biết… có thể… đoàn tụ với bà ấy… trên cõi cực lạc… hay không?

… Chắc là không được rồi… Bà ấy đã chứng tam quả… cắt đứt mọi tơ tình nhân thế… trong khi ta vẫn đắm chìm trong bể khổ tương tư…

… Lần đầu gặp bà ấy, con tim ta đã loạn nhịp…

… Jiva, đừng đi… bọn trẻ còn nhỏ lắm…”

Đọc đến những dòng này khiến tôi suy nghĩ nếu như mười mấy năm trước, quốc sư Kumarayana thốt lên câu “Jiva, đừng đi … bọn trẻ còn nhỏ lắm …” thì liệu rằng bà Jiva có ra đi và kiên định trên con đường tu hành đã chọn hay không?

Sự ra đi của bà Jiva để tìm đến với Phật pháp, để được giải thoát, để được lên cõi cực lạc, để không còn phải chịu kiếp số luân hồi có quan trọng hơn những đứa con của bà hay không khi mà lúc ấy Rajiva chỉ mới là đứa trẻ lên bảy, Pusyseda chỉ là đứa trẻ lên bốn và quan trọng nhất là bà còn có một người chồng hết mực yêu thương bà?

Tôi không dám chủ quan đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi trên vì đây là vấn đề thuộc phạm trù đức tin và lòng mộ đạo của con người dành cho một tôn giáo mà họ tín ngưỡng và thờ phụng. Có lẽ, bà Jiva có những lý lẽ của riêng bà khi quyết định rời bỏ thế tục trong hoàn cảnh như thế.

Nếu giải thích theo cách này, tôi lại tiếp tục tự hỏi một câu hỏi khác về quyết định của bà Jiva. Có phải bà ấy là một người không có cảm xúc?

Bản thân tôi thì nghĩ rằng bà Jiva dẫu đã một lòng quy y cửa Phật, quyết tâm tu hành để thoát khỏi bể khổ, để đến với miền cực lạc thì trước hết bà cũng là một người phụ nữ, một người vợ, một người mẹ. Cho nên, dù bà có lạnh lùng trong quyết định rời bỏ thế tục để bước vào con đường tu hành thì bà vẫn là một người mẹ yêu thương con.

Bà yêu thương Rajiva luôn ở bên cạnh bà trong những chuyến du học từ Kashmir đến Kabul rồi Ganhara. Và bà cũng luôn mang trong lòng nỗi nhớ về đứa con trai nhỏ Pusyseda ở với cha nơi đất Khâu Từ.

Nếu bà không có cảm xúc bà đã không nhớ, không thương Pusyseda. Bà đã chẳng bật khóc nức nở và ôm chặt Pusyseda vào lòng không nỡ rời xa khi bà trở về sau bốn năm dài học đạo ở phương xa.

Khi đọc “Đức Phật và nàng”, ngoài nỗi nhớ da diết giữa những người yêu nhau, tôi còn cảm nhận được nỗi nhớ khôn nguôi của một người con dành cho người mẹ của mình.

Khi bà Jiva ra đi học đạo, Pusyseda mới chỉ là đứa trẻ lên bốn. Ở cái tuổi ấy, đứa trẻ nào cũng muốn được ở bên cạnh mẹ, được sà vào lòng mẹ mà làm nũng, để được mẹ vuốt ve và yêu thương. Nhưng với Pusyseda, khao khát ấy hóa ra lại quá xa vời khi mẹ cậu đã quyết tâm bỏ lại tất cả mà tìm đến với Kinh kệ.

Trong suốt những năm dài xa cách cho đến ngày bà Jiva về với miền cực lạc nơi đất Thiên Trúc, số lần Pusyseda gặp được mẹ là vô cùng ít ỏi. Vì vậy mà từ lòng nhớ thương mẹ, Pusyseda đã dần trở nên căm ghét mẹ.

Pusyseda trách mẹ đã xem việc tu hành để được lên cõi cực lạc sau khi chết còn quan trọng hơn cả người chồng và những đứa con trai đang hiện diện trên cõi đời này cùng với bà. Chính vì vậy mà khi mới nghe tin mẹ mất, Pusyseda chỉ tái nhợt sắc mặt và giọng nói nghẹn ngào chứ không hề khóc thương mẹ như Rajiva.

Dù bà Jiva không phải là người mẹ như Pusyseda mong ước. Dù bà Jiva không thường xuyên ở bên cạnh Pusyseda, không dành cho Pusyseda sự quan tâm và tình yêu thương như cách mà bà quan tâm và yêu thương Rajiva thì bà vẫn là mẹ của cậu ấy. Và điều đặc biệt là Pusyseda cũng chưa bao giờ phủ nhận sự tồn tại của người mẹ này trong lòng cậu.

Có ai mà không buồn khi mất người thân và có người con nào mà không đau khi mất mẹ. Nếu Rajiva dễ dàng biểu lộ cảm xúc đau xót khi hay tin mẹ mất thì Pusyseda lại không dễ dàng như vậy. Tâm trạng của Pusyseda là sự đan xen giữa nỗi buồn, sự tức giận và nỗi đau cho đến khi cậu hỏi“Mẹ có yêu tôi không?”

Có người mẹ nào lại không yêu con kia chứ. Bà Jiva đã yêu thương Pusyseda theo cách riêng của bà và có lẽ Pusyseda đã không cảm nhận được tình yêu ấy.

Tôi nghĩ là tôi sẽ trách Pusyseda lắm vì thái độ có chút hờ hững của cậu khi nghe tin mẹ mất nhưng cuối cùng Pusyseda lại khiến tôi xúc động hơn cả những giọt nước mắt mà Rajiva đã khóc bên bờ sông Muzat khi nhớ thương mẹ.

Viền mắt của cậu thanh niên bất cần và ham chơi Pusyseda đã đỏ dần lên trong buổi nói chuyện nghiêm túc hiếm có với Ngãi Tình. Trong buổi nói chuyện ấy, Pusyseda đã bộc bạch những suy nghĩ của mình về người mẹ và về nỗi khát khao tình mẹ mà cậu đã che giấu bấy lâu.

Nếu không yêu mẹ, Pusyseda đã chẳng giận mẹ;

Nếu không khát khao tình mẹ, khi còn nhỏ, Pusyseda đã chẳng tìm mọi cách để được ở bên Ngãi Tình nhằm tìm chút bóng dáng và vòng tay ấm áp của mẹ;

Nếu không nhớ mẹ, Pusyseda đã chẳng vui đến thế khi nhận được quà sinh nhật từ Ngãi Tình bởi đó như là món quà mà mẹ dành tặng cho con trai vào ngày sinh nhật.

“Đức Phật và nàng” khiến tôi có quá nhiều xúc động về những nỗi nhớ thương mà Rajiva dành cho Ngãi Tình, Kumarayana dành cho người vợ Jiva của mình và của Pusyseda dành cho mẹ.

Ngoài những xúc động về tình yêu và tình thân, đọc “Đức Phật và nàng”, tôi như được tham gia vào một chuyến khảo cổ học tìm về với những nền văn minh cổ xưa, những thành cổ nghìn năm vang bóng một thời mà nay chỉ còn là phế tích với những bức tường thành đổ nát và hoang tàn.

Tôi thực sự bị “Đức Phật và nàng” mê hoặc bởi những kiến thức vô cùng phong phú về lịch sử Phật giáo, về những bộ kinh Phật, về địa lý kiến trúc và về những địa danh rất lạ ở vùng Tây Vực huyền bí dọc theo con đường thương mại cổ xưa nhất thế giới đi từ đông sang tây. Trên con đường ấy, đã từng có những đoàn lạc đà chất đầy tơ lụa, hương liệu và đá quý lững thững bước đi trong bóng chiều tà sa mạc mênh mông và hoang vắng.

Con đường dài thăm thẳm ấy bắt đầu từ Ngọc Môn Quan, vượt qua “biển cát tử thần” của sa mạc Gobi, qua Hỏa Diệm Sơn phủ dày một sắc đỏ hừng hực để đến với bồn địa thấp nhất thế giới – bồn địa Turpan, nơi có thành cổ Giao Hà tấp nập bóng thương nhân một thời trong lịch sử nghìn năm.

Con đường ấy lại tiếp tục vượt dòng Khổng Tước - cái nôi sản sinh ra nền văn minh Kroraina nổi tiếng với xác ướp “Mỹ nữ Lâu Lan” để đến với các tiểu quốc Luntai, Yarkland, Khotan, Wensu … Cuối cùng con đường ấy vượt sa mạc Taklamakan, vòng qua lòng chảo Tarim để đến với quốc gia Phật giáo Khâu Từ nằm tựa lưng vào dãy Thiên Sơn hùng vĩ. Nơi ấy chính là quê hương của bậc danh sư lừng lẫy trong lịch sử Phật học: pháp sư Kumarajiva.

Theo từng trang sách, tại quốc gia Phật giáo cổ đại và giàu mạnh này, tôi đã được tới thăm ngôi chùa Acharya hay còn gọi là ngôi chùa “kỳ lạ” nằm bên kia dòng sông băng. Tôi được đến ngôi chùa Cakra hay còn gọi là chùa Chiêu Hộ Li mà năm xưa Đường Huyền Trang đã từng ghé thăm và thuyết pháp khi trên đường đến Tây Thiên thỉnh Kinh.

Tiếp tục cuộc hành trình, xa xa, cách thành Subash bảy mươi dặm là Thiên phật động Kizil vô cùng nổi tiếng với những bức bích họa được khắc chạm trong hang đá, được trang trí bằng sắc vàng của bột vàng nguyên chất, sắc đỏ của dãy núi Karadag và sắc xanh thăm thẳm, trường tồn cùng thời gian của loại đá Lapis Lazuli.

Quả thật, chưa có một bộ tiểu thuyết ngôn tình nào mà khi đọc lại khiến tôi thích thú đến thế như “Đức Phật và nàng”. Tác phẩm này lôi cuốn tôi bởi những kiến thức mà nó đã mang đến cho tôi cùng một câu chuyện tình yêu kỳ lạ giữa một vị danh sư cổ đại với cô gái hiện đại ở thế kỷ 21 xuyên không về quá khứ.

“ … Nơi ấy, tình yêu vượt qua thời gian, vượt trên thế tục để viết lên huyền thoại.

Nơi ấy, họ đã gặp gỡ, đã tin yêu, đã trao gửi và sánh bước bên nhau.”

---o0o---

Đây là một video clip mà tôi tìm được trên trang Youtube có liên quan đến pháp sư Kumarajiva, nguyên mẫu của nhân vật Rajiva trong tác phẩm“Đức Phật và nàng”.

Nội dung trong video clip này là một đoạn phim được trích một bộ phim tài liệu có tựa là “Khâu Từ cô đơn” do đài truyền hình KBS của Hàn Quốc thực hiện.

“Khâu Từ cô đơn” là bộ phim tài liệu về con đường tơ lụa huyền thoại. Đây chính là con đường đã đưa pháp sư lừng lẫy vùng Tây Vực Kumarajiva đến với Trung Nguyên để hoằng pháp Phật giáo vào thế kỷ thứ 4, thứ 5 sau công nguyên. Chính vì vậy mà khi nhắc đến con đường tơ lụa thì không thể không nhắc đến hòa thượng Kumarajiva.

Và nếu bạn biết rằng, danh sư Kumarajiva, người đã dịch bộ Kinh Kim Cương từ tiếng Phạn sang tiếng Hán với độ chuẩn xác cao từ hơn 1650 năm trước và vẫn được sử dụng cho đến tận ngày nay là vị hòa thượng có sự ảnh hưởng rất lớn đến Phật giáo Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật bản thì bạn sẽ không lấy làm lạ khi trong bộ phim tài liệu về con đường lịch sử này đã dành thời lượng không ít để nói về hòa thượng Kumarajiva đến từ quốc gia cổ đại Khâu Từ xa xôi.

Sau khi đọc xong truyện, tôi đã vô cùng thích thú khi nhìn thấy người diễn viên đóng vai Kumarajiva trong bộ phim tài liệu này vì dường như người diễn viên này có đầy đủ những đường nét về ngoại hình cũng như khí chất của Rajiva được miêu tả trong truyện.

Lam Diệp

Mod chuyên mục Chia sẻ sách hay trên Diễn đàn Gác Sách

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay