Những trái tim bay

Viễn về rồi. Cái tin đó đến với tôi sau hơn mười năm dài dằng dặc. Nỗi nhớ qua ngần ấy năm đã được thời gian bào mòn và tán mỏng, chỉ còn sót lại chút tàn dư hư ảo. Yêu thương thành kỷ niệm.

 Nhớ ngày Viễn đi, một điều gì đó thật sự kinh khủng đã đổ vỡ trong tôi, thảm hại hơn cả những trận động đất kinh thiên bên nước Nhật bây giờ. Tôi xơ xác như miếng chanh đã bị vắt kiệt nước, chỉ còn lại mảnh vỏ nhăn nhúm tàn tạ. Ngày đó, Hân ném cho tôi cái nhìn vừa cảm thông, vừa thương hại lẫn trách móc: “Ai biểu mày nặng tình chi. Người ta có yêu mày đâu mà mày si mê đến thế!”. Tôi muốn gào lên, muốn bổ nhào vào đứa bạn thân mà bảo rằng chính nó là chướng ngại vật trên chặng đường đi tìm tình yêu của tôi. Những lời của Hân giúp tôi ngộ ra rằng, tôi và Viễn đều là những kẻ thất bại. Viễn si mê Hân bao nhiêu thì tôi cũng yêu Viễn bằng như vậy. Viễn nhận sự lạnh nhạt từ Hân rồi vô tình lan tỏa nó sang tôi, dù tôi có cố làm mọi cách thì ngọn lửa nhiệt tình trong Viễn vẫn không sao lóe lên nổi.

Ba đứa chơi chung từ lúc đầu còn để chỏm. Hân là con gái nhưng sống lý trí và thực tế. Viễn cũng có cái giống tôi là ưa để đầu óc lang thang trên chín tầng mây. Nhà ba đứa ở cùng xóm, nhà tôi ở đoạn giữa. Mỗi lần muốn tụm ba tụm bảy đi chơi hoặc bày trò gì hay ho thì Viễn phải sang nhà tôi trước rồi mới qua tới nhà Hân. Thói quen khiến tôi nổi cáu khi có hôm Viễn đột xuất làm ngược lại. Viễn sẽ bị ăn vài cái nhéo vai “cảnh cáo”.

Hồi đó, ba đứa không chơi bán đồ hàng hay trò cô dâu chú rể chán òm như đám con nít cùng xóm. Viễn cắt những mảnh giấy, dán vào nhau thành những chiếc đuôi dài kiểu cọ. Ba con diều tim nhanh chóng lao vút lên trời uống gió. Chúng khi thì rượt đuổi nhau, khi thì vờn nhau, khi lại thong dong dập dờn bên nhau. Cảm xúc của chúng tôi cũng chao lượn, lên xuống dập dờn theo những vũ điệu của diều tim. Lúc đó mê diều quá, nên tôi không nhận ra con diều trái tim Viễn làm cho Hân đẹp hơn hẳn con của tôi.

Chúng tôi vẫn chơi diều cho đến khi tôi và Hân trổ mã con gái. Hân bắt đầu biết làm điệu, duỗi tóc thẳng đuột, cách tuần lại lén mẹ đi ra tiệm làm móng, chăm sóc da mặt. Hân bỏ hết những chiếc áo sơ mi rộng hoặc hoa hòe lòe loẹt, chỉ chuộng những chiếc áo thun ôm khoe dáng. Khi tôi thức đêm miệt mài bên đống bài vở ngất ngưởng để tìm một vé vào đại học thì Hân bỏ quê lên thành phố làm thợ may. Hân không làm thợ may. Nó mau chóng lọt vào mắt xanh của một bà chủ quán nhậu. Mỗi lần Hân về là mỗi lần tôi phải ngửi một mùi nước hoa khác, ngắm một kiểu tóc khác, áo quần cũng khác. Và mắt Viễn, những lần đó trở nên u ám bất thường.

Những hôm không còn Hân bên cạnh, tôi và Viễn có gặp nhau cũng chẳng biết nói gì. Viễn chỉ luôn luôn muốn biết cuộc sống của Hân trên đó. Liệu Hân có nhớ tới mình nữa không hay bị nhịp sống náo nhiệt kia làm quên lãng. Điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại, để rồi mỗi đêm nghĩ về Viễn, nhớ ánh mắt trĩu buồn của Viễn, tôi quặn lòng đau đớn.

Trong ba đứa, Viễn là người thiệt thòi nhiều nhất nhưng không bao giờ hé răng than vãn điều gì. Khi tôi cặm cụi tô vẽ giấc mơ tri thức thì Viễn phải gác ngang chuyện học hành. Ba Viễn bệnh bán thân bất toại. Mọi việc đều trông chờ vào Viễn. Viễn bảo: “Mình học nhiêu đó cũng đủ lắm rồi. Chỉ mong sống sao để sau này không phải hối hận điều gì”.

Viễn đi bốc vác cho nhà máy xuất khẩu gạo lớn ở tỉnh. Công việc rất nặng nhọc, vất vả. Đó là lý do chính đáng để Viễn tránh gặp tôi thường xuyên. Tôi biết, Viễn sợ phải nói về Hân. Mỗi chiều từ trung tâm luyện thi trở về, tôi đều đạp xe vòng qua nhà máy gạo, cố nhìn cho được hình ảnh Viễn vác những bao gạo lúp xúp trong đám đông.

Chẳng bao lâu sau đó, Hân về quê tổ chức đám cưới. Chồng Hân là một người đàn ông trung niên rất nam tính, cao lớn, phong độ, đi xe hơi màu đồng sang trọng. Hân không nói nhiều về ông chồng. Ánh mắt rạng rỡ của Hân khi nắm tay chồng đi thăm họ hàng bà con đã nói rõ niềm hân hoan của nó. Hôm Hân đưa chồng về ra mắt họ hàng, Viễn có lướt nhanh qua ngõ nhà Hân chỉ để thấy niềm tự hào hiện rõ trên gương mặt điểm tô son phấn kỹ lưỡng. Đêm đãi bạn, Viễn chẳng nói gì nhiều, chỉ uống rượu và hát bài “Sao em nỡ vội lấy chồng”. Hôm đó, Viễn say khật khưỡng, tôi và mấy thằng bạn cùng xóm phải đưa Viễn về, dù nhà Viễn cách nhà Hân chẳng bao xa. Đám cưới Hân diễn ra chóng vánh, nhanh gọn, nhưng cũng khá sung túc. Trong lễ rước dâu, cô dâu không khóc mà chỉ thấy toe toét cười. Tự nhiên tôi thấy ghét cái điệu cười của Hân kinh khủng.

Rồi Viễn cũng bỏ quê mà đi sau khi lo hậu sự xong xuôi cho cha. Tin đó đến khiến tôi bấn loạn bỏ cả ngày học, chỉ làm mỗi việc là ngồi đợi Viễn ở nhà máy gạo. Nhưng Viễn đi thật rồi. Tôi đợi từ sáng sớm đến khi mặt trời ngả về Tây, những quầng đỏ hực lên giận dữ phía sau chóp nhà máy, tôi biết mình đã mất Viễn rồi.

Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu bằng cách nào mình đã vượt quá cú sốc lớn lao đó. Chỉ biết, khi lên Sài Gòn học đại học, việc đầu tiên là tôi lao đi tìm Hân. Nó vẫn làm tiếp viên quán nhậu. Gái một con nhưng bộ ngực vẫn no tròn, đầy ma lực. Tôi hỏi nó:

- Chồng mày đâu?
Hân nhếch mép cười buồn:
- Chồng gì, bỏ nhau lâu rồi. Cũng tại tao hám tiền nên bị nó lừa. May mà chưa bị mụ vợ nó “vồ”, không thì cũng sống dở chết dở rồi!
Tôi gặng:
- Sao mày không kiếm nghề khác mà làm?
Nó cay đắng:
- Tao lên đây tay trắng, có nghề ngỗng gì mà kiếm. Làm nghề này cho đỡ buồn, thu nhập cũng khá. Tao còn phải nuôi con.

Hân vẫn mặt hoa da phấn, quần áo tóc tai thơm nức, nhưng ánh mắt không còn lấp lánh niềm kiêu hãnh như trước. Tôi hỏi thăm về Viễn, Hân lắc đầu:

- Từ lúc đám cưới tới giờ, tao đâu gặp lại Viễn.

Chuỗi ngày sau đó của tôi cô đơn đến cùng cực. Câu hát ru của mẹ ngày nào giờ vận vào tôi y như đúc: “Tìm anh như thể tìm chim, chim bay biển Bắc em tìm biểnNam”. Hân bảo tôi quên Viễn đi, tôi còn cả một tương lai phía trước. Tôi cười buồn. Đâu phải muốn quên là quên, khi mà đêm đêm hình ảnh Viễn vẫn trở về trong giấc mơ tôi cùng những con diều tim mải miết bay. Tôi lao vào học như chưa từng được học. Rồi tôi ra trường, đi làm cho một tập đoàn địa ốc lớn. Công việc cho tôi nhiều đam mê, lắm tiền, nhưng cũng bào mòn tuổi thanh xuân với những cơn stress vồ vập. Lúc tôi gần như kiệt sức, một đồng nghiệp nam tốt bụng đã giúp tôi hết mình. Tôi thản nhiên nhận mọi sự giúp đỡ của anh với niềm cảm kích, hàm ơn rõ rệt, trừ tình yêu. Tôi biết anh buồn lắm, nhưng thật tình, chính tôi còn không hiểu nổi mình, làm sao ai có thể hiểu tôi.

***

Tôi đã định gặp Viễn để xem Viễn thay đổi thế nào sau ngần ấy năm. Hân một lần nữa làm ý định gặp gỡ của tôi tắt lịm:

- Viễn đề nghị hai mẹ con tao sống chung với anh ấy. Anh ấy bảo sẽ xem con bé như con ruột. Viễn tốt quá! Và đó là lý do tao không muốn ràng buộc ảnh.

Có thể ngay hôm nay Viễn sẽ lại ra đi. Viễn đã có câu trả lời cho đời mình. Có thể anh sẽ hạnh phúc theo một cách riêng, hy sinh và dõi theo cuộc sống của người mình yêu, thế là đủ. Trong Hân không tồn tại tình yêu dành cho Viễn. Và trong Viễn cũng chẳng có chút tình cảm nào cho tôi. Ba chúng tôi cũng giống những con diều tim, mãi theo đuổi nhau, tìm nhau nhưng không thuộc về nhau.

***

Bỗng dưng tôi thèm một tối cà phê cùng một người, người mà tôi hàm ơn nhưng chưa từng chờ đợi. Đã đến lúc, trái tim tôi cũng cần bay vào một vùng trời khác…

Trần Huyền Trang

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3