Đời sinh viên đi làm thêm với ước mơ làm giàu

Một ngày thứ 5 rảnh rỗi không phải đi học, lại dậy sớm uống cafe và đọc sách như những ngày nghỉ khác. Đến mãi hôm nay mới có dịp đọc cuốn "The Lexus and The Olive Tree", một cuốn sách về toàn cầu hóa khá là thú vị mà ai cũng nên đọc. Đọc liền tù tì mấy tiếng, bất chợt nghĩ về cuộc sống hiện tại và quyết định lên facebook viết một cái note. Lần chót viết note chắc cũng hơn một năm. Hôm nay note sẽ nói về việc hiện tượng tích cực đi làm thêm của sinh viên. Bài viết thật sự khá dài, nên nếu các bạn chịu đọc hết thì quả là một niềm vui đối với mình :)

Mỗi ngày cứ đều đều trôi qua như thế từ ngày cai nghiện facebook, cứ đi học rồi đi tập thể dục, về đến nhà lại đọc sách hoặc đi uống nước tám chuyện đời với bạn bè. Cuộc đời sinh viên ít ỏi còn lại đang trôi qua khá nhàn nhã, không có nhiều thử thách như các bạn đồng trang lứa đang hì hục đi làm thêm hay đang tham gia những dự án kinh doanh nhỏ lẻ của riêng mình. Mỗi người có một lí do riêng, mình thì phần lớn là do rào cản gia đình, nhưng cũng có một phần là vì mình muốn cảm nhận được khoảng thời gian tận hưởng cuối cùng của đời sinh viên, muốn có thêm thời gian để suy ngẫm về chuyện đời, về tương lai, nhưng cũng có thể được tóm gọn bằng cụm từ đơn giản:" làm biếng ".

Vậy tại sao có một số lượng lớn các bạn sinh viên tích cực xả thân đi làm thêm, còn một số chỉ ở nhà học bài và làm những chuyên nghe khá kêu như : "suy ngẫm chuyện đời"?

95% sinh viên đi làm thêm khi được hỏi sẽ trả lời " tôi muốn học hỏi kinh nghiệm thực tế trước khi ra trường". Đây quả thật là một lí do chính đáng và rất đáng được ủng hộ. Vậy thực sự sinh viên làm gì?

Bắt đầu từ "ngàn xưa" đó là:  bán hàng đa cấp. Thường bắt đầu từ cuối cấp 3 sang đến đầu năm nhất. Phong trào này ngày xưa rất nở rộ vì ai cũng nghĩ rằng hoa hồng quá cao và "chắc người thân sẽ chịu mua cho mình". Đồng thời ý chỉ được bơm thêm vời vợi sau những buổi training với sự góp mặt của các "doanh nhân bán lẻ" với doanh thu hàng triệu đô mỗi năm. Nhưng kết quả là bán chẳng được bao nhiêu vì cơ bản họ không có một chiến lược sales hợp lí và "vạ ai nấy bán". Vậy bài học đầu tiên khi khởi nghiệp chắc chắn là bài học về tìm kiếm khách hàng thật sự có nhu cầu và thị trường tiềm năng. Oriflame, Amway và Herbalife đã dạy một bài học rõ ràng như thế, nhưng có lẽ những sinh viên non trẻ lúc bấy giờ cũng chẳng ai thèm để ý, và không thèm bán nữa vì lí do đơn giản "không ai thèm mua vì mặt hàng không hữu dụng". Công việc đầu tiên thế là thất bại.

Làm sales khó quá, lại hay bị người ta xua đuổi và chắc chắn không hợp với bản thân, thôi thì đi làm cho công ty vậy. Thế là những công việc part-time và internship bắt đầu hiện lên, một chân trời mới cho sinh viên từ năm 2 trở đi. Kho tàng kiến thức từ những công ty thành công, chuyên nghiệp đang lồ lộ trước mắt và... đúng ! Nó rất hợp với tiêu chí "học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế trước khi ra trường".

Cái sức lôi cuốn hấp dẫn bắt đầu từ bản miêu tả công việc hay còn gọi là JD (jod description) được gửi đến từ các công ty này. Chủ yếu bao gồm "tham gia thực thi dự án, thu thập và phân tích số liệu, lập plan và hỗ trợ đựa ra chiến lược". Những cụm từ hoa mỹ được dệt nên bởi các doanh nghiệp làm hút hồn những sinh viên tham vọng. Và khi bắt đầu công việc thì những "thành ngữ chuyên nghiệp" nêu trên được tinh giản trở lại thành "đi phát survey, nhập liệu, coding, gọi điện hỏi ý kiến khách hàng và hỗ trợ bưng bê cho các event". Cũng không phải luôn luôn là như thế vì có khoảng 20% được làm những công việc rất hay, nhưng 80% các bạn còn lại thì khó thoát khỏi cảnh đìu hiu này. 

Thực tế là công việc không như mơ, tuy học hỏi cũng được rất nhiều nhưng nếu xét về toàn cảnh thì nó cũng chỉ là những kiến thức khá nhỏ bé mà chỉ cần một vài ngày or vài tuần đi training khi đi làm sau khi tốt nghiệp, các bạn đều có thể học được nhanh chóng. Đến đây, bài học từ doanh nghiệp bắt đầu hiện lên, đưa ra một góc nhìn rất thực tế: 

"Đối với góc nhìn doanh nghiệp, sinh viên là những người năng nổ, chịu cực, không đòi hỏi lương và giao gì làm nấy. Do vậy, sinh viên là một nguồn lao động dồi dào giá rẻ và sẵn sàng làm nhiều thứ để được gắn mác "chịu học hỏi thêm kinh nghiệm". Tuy nhiên phần lớn sinh viên khi được giao việc thì ít khi nào hỏi lại là công việc này có ích gì, dùng để làm gì và một câu hỏi lớn hơn là "mình học gì từ việc này". Doanh nghiệp cũng ít đánh giá cao sinh viên là vì lí do thế. Mà thôi, em này đi thì cũng còn khối em trẻ hơn nguyện dấn thân vào, lo gì ! "

Đến lúc này, phần lớn sinh viên bắt đầu chuyển mình sang một tư duy cao cấp hơn: " Mình phải kinh doanh !". Việc đi làm thêm một thời gian cho sinh viên thấy được sự khắc nghiệt khi đi làm và từ đó thôi thúc một ý chí cao cả và to tát của các bạn. Một ý chí "phải làm một cái gì đó cho đời" được rèn đúc lên và tham vọng khi ấy cao vời vợi : Tai sao phải đi làm cho những người khác, mình có khả năng và mình phải làm chủ bản thân mình, làm chủ công việc kinh doanh riêng.

Sự việc cũng bắt đầu từ những cuốn sách về kinh doanh, hun đúc ý chí của Napoleon Hill, hay của"người tạo gió" Adam Khoo thông qua "người truyền gió" Trần Đăng Khoa. Sau khi "vô tình" đọc hết một trong các cuốn sách này thì đảm bảo motivation của các bạn sinh viên cao lên vời vợi. Đó là còn chưa kể những khóa học Tôi Tài Giỏi hay Awake Your Power còn bơm doping cho các bạn cao lên chót vót. Vâng, và trong đầu lúc nào cũng hiện lên câu "Tôi làm được vì tôi tài giỏi".

Hiện tượng sinh viên lập đồ án kinh doanh nở lên như nấm, những hội thảo về khởi nghiệp, những cuộc thi về ý tưởng kinh doanh luôn được tham gia đông đảo nườm nượp và các bạn sinh viên thì hừng hực khí thế với khái niệm vĩ mô trong đầu: " mình sẽ là những Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg tiếp theo". Sách đã nói thế và anh Khoo, anh Khoa cũng nói thế, NOTHING IS IMPOSSIBLE !

Tuy nhiên ý tưởng mang tinh thực tế thì ít, mà viễn vông hoặc lặt vặt thì nhiều. Các bạn sinh viên đều tập trung vào việc tìm ra một ý tưởng mới lạ độc đáo, và những ý tưởng cơ bản thì luôn bị đem vứt vào sọc rác. Mà có khi những ý tưởng cơ bản và thực tế mới là cái kiếm ra tiền. Lấy ví dụ về một người bạn của mình làm về deliver sách, đó là một ý tưởng thực tế và rất có tiềm năng nếu được thực hiện đúng và được đầu tư. Tuy nhiên đối với cộng động start up thì những ý tưởng như vậy nghe thật bình thường, các bạn phải làm một cái gì đó mà chưa ai nghĩ ra, phải to tát và khi nghe vào thì phải thật chuyên nghiệp, tinh vi.

Và đương nhiên hậu quả thì cũng khá rõ ràng, nghiệp kinh doanh chỉ tạm thời hoặc thậm chí còn chưa được dịp kinh doanh (vì ý tưởng nhảm thì ai mà hùn vốn), và các bạn có thêm được một bài học quý báu "Kinh doanh quả là không dễ". Do đó, có lẽ tốt nhất sẽ đi làm một thời gian học hỏi thêm kinh nghiệm, kiếm vốn và start up lại trong một tương lai không xa. Sinh viên bắt đầu biết mình hơn.

Guồng quay của cuộc đời sinh viên nó cứ như thế, lặp lại ở rất nhiều người mà Khải quen biết. Có những trường hợp thành công nhưng đa số đều kết thúc ở việc đang ngồi "suy ngẫm chuyện đời" và không làm gì cả. Do đó đến lức này mình cũng xin giải thích một lượng lớn sinh viên còn lại đang không làm gì chính là nằm ở hai dạng : 

1) Thật sự trước giờ không làm gì cả, làm biếng, thích ở nhà ngồi đọc sách, đọc article và nghe kinh nghiệm truyền lại. Đồng thời tham gia chút ít các hoạt động sinh viên (như mình)

2) Đã trải qua cả ba đời công việc mình nêu trên, gặp thất bại, hiểu được mùi đời và ngẫm thấy thôi ráng học cho tốt, thu lại cái tôi và bắt đầu xác định lại bản thân.

Thật ra, như đã nói, sinh viên là những người tham vọng và luôn muốn học hỏi. Các bạn thật sự rất xứng đáng được tưởng thưởng cho những nỗ lực của mình vì dù sao chắc chắn các bạn đã học được những bài học xương máu cho cuộc đời mình. Người chịu làm và gặp thất bại đương nhiên vẫn hay hơn là người ngồi không (sách đã dạy như thế). Tuy nhiên, làm sao cho đúng và làm thật sự có mục đích, có hướng đi rõ ràng thì hãy làm. Đừng làm chỉ vì thấy người khác làm mà không thấy được bức tranh toàn cảnh.

Vì vấn đề to lớn nhất của sinh viên là không xác định được career path của mình, không trả lời được câu hỏi "tôi sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp". Chính vì vậy việc đi làm thời sinh viên trở nên tản mạn, thiếu đường lối và không thực sự giúp ích nhiều cho tương lai.

Do vậy, hãy tìm hiểu bản thân thực sự muốn gì, mình thích gì và tìm ra hướng đi thích hợp, chắc chắn các bạn sẽ thành công. Do vậy, Career Orientation là một điều tối quan trọng mà ai cũng phải xác định thật sớm. Mặc dù xác định được career path rất khó và nhiều người sẽ bảo rằng "cách tốt nhất để biết mình thật sự muốn gì là hãy trải nghiệm ở những lĩnh vực khác nhau". Tuy nhiên, liệu làm mà không có mục đích thì có là điều hay?

Sau một thời gian tham khảo khá nhiều ý kiến, mình cũng định ra được career path cho riêng mình. Mình sẽ viết một cái note trong thời gian sắp tới về xác định career path và thực trạng hiện nay. Chủ yếu đều la thu thấp từ những anh chị, từ những người bạn mà mình kính nể, hi vọng sẽ giúp ích :)

P.s: Bài note này có thể mang tính chủ quan, chắc chắn sẽ có rất nhiều bạn không đồng tình. Cũng sẽ có những bạn bảo mình rảnh, không chịu làm mà chỉ thích ở nhà nói nhảm. Tuy nhiên, chắc chắn dù ai đang làm gì và sống thế nào thì cũng đều có nguyên nhân chính đáng của họ. Nói ra để mọi người cùng đóng góp ý kiến sẽ là một điều hay hơn và cũng là một cách hiểu thêm về góc nhìn của mỗi người. Vì vậy, hi vọng không bị ném đá, và sẽ tuyệt vời  nếu bài viết được like và share ra cho nhiều bạn cùng đọc, để Khải nhận được thêm nhiều ý kiến từ các bạn.

 

Thân

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3