[Tự sáng tác] Dương Cầm và cậu bé.

Tôi không phải là người giỏi Văn càng không phải là người giỏi lý luận triết học để có thể bắt đầu câu chuyện bằng những lời lẽ sâu lắng và thuyết phục người đọc. Tôi chỉ đơn giản là một thằng bé chỉ mới tám tuổi, ở cái độ tuổi mà đám bạn cùng trang lứa đang vui đùa, nghịch ngợm ngoài kia. Thì chính tôi đây chỉ có thể cảm nhận niềm hạnh phúc đó qua đôi mắt khi mà đôi chân không còn có khả năng di chuyển và cử động được nữa.

Câu chuyện xảy ra cũng khá lâu mà cho đến cách đây hai tháng mẹ tôi mới kể lại. Khi tôi vừa có mặt ở cái thế giới này, bác sĩ đã giáng một đòn vào tinh thần của mẹ tôi cũng như những người thân trong gia đình. “E rằng cháu bé sẽ có tật ở đôi chân và không bao giờ có thể đi lại được nữa.” Mẹ kể lại trong những giọt nước mắt lặng lẽ chực chờ rơi xuống. Nhưng không, bà đã mạnh mẽ ngước lên và nhắm mắt lại để những giọt nước mà người ta cho là mặn chát ấy chảy ngược vào trong.

Không lâu sau, tức là khi tôi tròn bốn tuổi. Người cha vốn là một nhạc sĩ nghiệp dư chuyên sáng tác các bài tình ca đã không nói một lời ra đi cùng cô ca sĩ trẻ. Mặc dù giữa ông và mẹ tôi đã trải qua một thời yêu đương và hoạn nạn. Từ đó bà đâm ra hận nghệ thuật hay nói đúng hơn là hận âm nhạc bởi cú sốc quá lớn đối với bà.

Hằng ngày bà làm việc trong một cửa hàng bách hoá gần nhà với đồng lương ít ỏi đủ lo cơm gạo và tiền học phí ở trường khuyết tật cho tôi. Nhưng có lẽ âm nhạc đã là thứ không thể thiếu, ăn sâu vào dòng máu đang chảy trong người tôi. Từ lúc tôi sáu tuổi đã bắt đầu tập tành đàn những nốt đơn giản trên cây dương cầm – thứ tài sản duy nhất cha đã để lại. Mẹ rất giận và quyết định cất luôn cây dương cầm vào một căn phòng tối và ra lệnh cho tôi không được tiếp xúc với thứ đó.

Mỗi khi bà đi làm hay có việc ra ngoài là tôi lại dùng sức mình đẩy chiếc xe lăn lại căn phòng ấy.

Lặng lẽ đàn.

Bà mãi mãi không biết niềm vui và sung sướng của tôi khi được ngồi trước chiếc dương cầm, chính tay mình đàn lên những nốt nhạc diệu kỳ. Căn phòng tối chỉ được chiếu sáng bởi một bóng đèn nhỏ trên trần nhưng tâm hồn tôi lại bừng sáng hơn bao giờ hết. Tôi không dám kêu ca bởi tôi quá hiểu những nỗi đau, nỗi oán hận khi bị phản bội cùng sự cùng cực khi luôn lao động để có được những đồng lương lẻ tẻ đã giết chết tâm hồn một con người vốn đam mê âm nhạc hơn cả tôi.

Tôi nhớ có lần, vào một buổi tối, tôi bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng. Tôi như có ảo giác khi nghe tiếng đàn du dương, trầm bổng phát ra từ căn phòng tối đối diện phòng tôi. Tôi ngờ vực từ từ di chuyển lại gần cánh cửa. Là một bài nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Beethoven – Sonate ánh trăng. Tôi không tin vào mắt mình khi người phụ nữ cau có hằng ngày lại có thể êm đềm và lặng lẽ ngồi trước cây dương cầm mà bà ghét bỏ nhất.

Đôi tay của bà thăng hoa trên mỗi phím đàn, âm thanh của bản Sonate vốn buồn lại càng thê lương hơn. Bà quay mặt về phía tôi nên tôi không thể nhìn thấy được biểu cảm trên khuôn mặt của bà. Chỉ nghe và nhìn thấy những giọt nước nhỏ rơi trên phím đàn. Bà không tàn nhẫn như những gì bà thường nói. Bà vẫn yêu âm nhạc và hơn ai hết bà yêu chính cây dương cầm này, niềm đam mê âm nhạc trong lòng của bà chỉ cháy bỏng vào mỗi buổi tối và bị dập tắt khi ánh bình minh ló dạng nhường chỗ cho những lo lắng cơm áo gạo tiền.

Tôi trở về phòng và tiếp tục nằm trên giường nhưng không sao chợp mắt được. Hình ảnh người phụ nữ ngồi trước cây dương cầm và những giọt nước mắt lã chả rơi cứ luôn đeo bám tôi.

Một ngày đầu hạ năm tôi mười tám tuổi, mẹ tôi đã già với những vết nhăn trên khoé mặt. Nhưng có một thứ không thay đổi chính là tình thương của bà dành cho tôi. Cả lòng kính trọng của tôi dành cho bà.

Hôm đó tôi trở về nhà sau một buổi tập đàn lén lút với đám bạn cùng lớp. Một lá thư đang mở đặt ngay ngắn trên bàn. Tôi từ từ tiến lại. Sau khi đọc xong nội dung bức thư, tôi quẳng cặp sách lên ghế sofa và lăn cái xe ra ngoài.

Trước cửa bệnh viện lớn của thị trấn, mẹ tôi vẫn lặng lẽ núp sau cánh cửa một phòng bệnh số ba trăm mười hai. Hình ảnh này giống với hình ảnh của tôi trong đêm hôm đó. Bà ôm mặt, chân như không còn sức để tiếp tục đứng được nữa.

Khi bà đã về, tôi mới từ sau bức tường lăn xe đi tới. Một người đàn ông có gương mặt hao hao tôi nhưng đôi mắt vô hồn, mờ mịt trong làn sương khói. Khoé miệng giật giật, trên trán có rất nhiều nếp nhăn. Mái tóc dài lãng tử cũng bạc hết phân nửa. Ông ta cầm một cây bút bi đã cũ và tớ giấy chi chít những nốt nhạc đặt phía trước mặt.

Thời khắc này đây tôi chợt cảm thấy lòng mình sao xao động quá. Tôi không phải một đứa thích xúc động. Ông ghi được một lúc rồi gương mặt tái nhợt, ông ho dữ dội rồi đột nhiên lăn đùng ra giường, cây bút trên tay tự lúc nào rơi xuống đất lăn dài đến chân của tôi. Tôi lẳng lặng đẩy xe tới, tờ giấy ông sáng tác không có lời nhưng có những nốt nhạc quằn quèo.

Vài tháng sau, tôi thấy trong căn phòng tối, có thêm một thùng đựng những tờ giấy đều cùng một nét mực mà ra. Tôi lấy từ túi áo mẩu giấy mà mình lấy được trong phòng của bệnh viện mấy tháng trước rồi từ từ đàn, âm thanh du dương mà trầm bổng, lúc cao trào, lúc nhẹ nhàng.

Cánh cửa phòng được mở ra, tiếng bước chân như không còn lực vang lên. Bà đặt lên trán của tôi một nụ hôn nhẹ như lướt qua. “Con thấy âm nhạc thế nào?” Bà chân thành hỏi. Tôi ngưng lại một lát, nắm lấy bàn tay sần sùi của bà áp vào gò má của mình để sưởi ấm cho bà: “Con không biết diễn tả sao, nhưng mà có thể nói âm nhạc là giấc mơ của con.” Bà thở hắc ra một hơi: “Toàn bộ chỗ giấy này là những bản sáng tác của cha con trước lúc ổng qua đời bởi căn bệnh hiểm nghèo.” Bà không nói gì thêm, đứng dậy đi ra ngoài.

“Bà à! Tôi là người mà mười bốn năm về trước đã không nói một lời bỏ rơi hai mẹ con bà. Tôi luôn thấy ray rức và có lỗi. Tôi thành thật xin lỗi những gì bà đã chịu đựng những năm qua, mặc dù lời xin lỗi có chút muộn màng. Tôi đã bị báo ứng, chắc bà sẽ không còn hận tôi chứ? Có chăng hãy hận một phần thôi. Tôi sắp không qua nổi những cơn đau hành hạ của căn bệnh hiểm nghèo – Viêm phổi. Phải chăng cuộc đời người nghệ sĩ nào cũng túng quẩn như thế. Nếu bà đã tha thứ cho tôi hãy đến gặp tôi lần cuối cùng ở bệnh viện thị trấn phòng ba trăm mười hai. Nếu bà không đến tôi cũng không trách bà bởi tôi gây cho bà quá nhiều đau khổ. Nhưng hãy tin tôi tình yêu thuở trẻ là điều tôi cảm không hối tiếc nhất cuộc đời này. Cả con trai của chúng ta nữa, chắc giờ nó lớn rồi. Nếu bà không đến thì tôi cũng nói luôn ở đây, cuộc đời tôi thứ quý giá nhất là bà và con trai. Tôi muốn để lại cho nó cây dương cầm, xem như là tài sản di chúc cuối cùng. Còn bà, có lẽ kiếp sau tôi sẽ trả hết những gì nợ bà. Lời cuối cùng. Xin lỗi.”

Câu chuyện của tôi kết thúc tại đây nhưng tôi tin câu chuyện về cuộc đời của mình vẫn còn tiếp diễn, ít nhất âm nhạc cũng là ước mơ của tôi và mẹ, cả người cha quá cố.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3