Nữ hoàng và kẻ cướp - Hôn nhân tác thành hạnh phúc, bạn có tin?

Một chiều giữa tháng sáu, đọc đâu đó trên facebook một người khá nổi tiếng lẫn nổi - tai - tiếng một câu nói nửa đùa nửa thật, rằng Đi ăn giỗ thích hơn đi ăn đám cưới ở chỗ là sẽ không ai hỏi: "Bao giờ đến lượt mày?" 

 

Một đêm đầu tháng mười, khép lại quyển sách trong tay, mở note facebook gõ vài dòng cảm nhận, lại nhớ đến câu nói ấy. 

 

Đã từng gặp một Tiền Đa Đa trong “Nhật ký lấy chồng” phải chịu áp lực từ gia đình khi bước sang tuổi ba mươi mà vẫn độc thân, sang đến “Nữ hoàng và kẻ cướp”, Nhân Hải Trung lại đưa tôi đến với Diệp Tề Mi, một cô gái tự lập đến mức từng có ý nghĩ không muốn gắn bó cả đời với một người đàn ông nào cả. Xinh đẹp, cá tính và thành đạt, cô không đi theo con đường truyền thống : yêu - kết hôn - làm tình - sinh con. Vì cô là một luật sư chuyên thụ lý các vụ ly hôn, gặp nhiều đổ vỡ nên mới mất niềm tin vào hôn nhân ư? Đúng, nhưng chưa đủ, bởi không ít người cũng vì chứng kiến những cuộc hôn nhân không hạnh phúc mà có cảm giác e sợ hoặc chán ngán, nhưng khi “đến tuổi” thì vẫn lấy chồng do áp lực gia đình hay sợ điều tiếng xã hội. Muốn chủ động theo chủ nghĩa độc thân như Diệp Tề Mi, những người phụ nữ hiện đại cần đủ tự tin và mạnh mẽ, cần cả khả năng kinh tế để có thể tự chăm sóc và tìm niềm vui cho chính bản thân mình, không phải lệ thuộc, dựa dẫm vào bất kỳ ai, cũng không bị những lời nói của người ngoài làm khó dễ.

 

Vậy nên, sau khi chia tay người yêu cũ vì anh ta không chấp nhận được tư tưởng của cô, Tề Mi vẫn sống một cách thoải mái, vui tươi. Khi gặp nam chính của đời mình rồi, ban đầu cô vẫn chấp nhận một mối quan hệ "như Tây", thoáng nhưng không dễ dãi, có thể có tình yêu và có luôn tình dục, nhưng không ràng buộc nhau bởi một tờ đăng ký hay lễ cưới, cũng không can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của nhau. Nói một cách khác, Tề Mi vẫn "hẹn hò với sự tự do" ngay cả khi đã tìm được một partner phù hợp. Chính xác hơn, một partnerphù hợp đã tìm đến với cô, “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” và thuyết phục cô bước vào mối quan hệ ấy.

 

“Chúng ta rất giống nhau, nếu đã như vậy, có muốn tìm một partner không?”

“Không phải tình một đêm, tôi cũng sợ AIDS”.

“Đã xem chưa? Nếu không hồi âm, tôi coi như cô đã ngầm đồng ý, ok?”.

 

Khoảng một phần ba đầu truyện đã trôi qua với một nhịp điệu rất nhanh, như cách Thành Chí Đông đã xuất hiện và bước vào cuộc đời Diệp Tề Mi. Một anh chàng Hoa Kiều được mang danh “Sky walker” bởi sự bận rộn trong công việc, cứ phải đi khắp trời Nam đất Bắc nên không chịu được cảnh bạn gái suốt ngày than trách, nhưng cũng không muốn có những mối quan hệ hời hợt qua đường. Vài lần gặp gỡ tình cờ và có ấn tượng tốt đẹp, thế là tìm hiểu những thông tin cần thiết, và đưa ra đề nghị ngay từ lần tiếp cận đầu tiên, bị từ chối cũng không nản lòng mà vẫn tiếp tục theo đuổi một cách táo bạo. Đến lần hò hẹn thứ ba, họ đã tiến triển đến bước lên giường. Những ngày kế tiếp trôi qua một cách thoải mái, Chí Đông vẫn cứ phải đi đi về về trên những chuyến bay, Tề Mi vẫn ngày ngày đến chỗ làm, ra tòa án. Chỉ khi nào thời gian rỗi của họ trùng nhau, cả hai mới lại hẹn hò, rồi cùng qua đêm ở chỗ Chí Đông. Ô cửa sổ nào là của phòng cô, anh không biết; anh bận rộn nên không cùng cô đi xem đoàn múa Vân Môn được, cô tự đi cùng anh bạn hàng xóm của mình. Không ai giận hờn ai bởi những điều đó cả. Với tiết tấu nhanh và những tình tiết ngọt ngào, “Nữ hoàng và kẻ cướp” vừa cho người đọc cảm giác như đang theo dõi một bộ phim Mỹ, lại có chút gợi nhớ đến những quyển romance novel hiện đại hoặc chick-lit hài hước nhẹ nhàng. Nhưng những gì nhanh đến dễ khiến người ta sợ nó nhanh đi, đôi trai tài gái sắc này đến với nhau quá dễ dàng, quá thuận lợi, cộng với sự hoàn hảo từ ngoại hình đến sự nghiệp của mỗi người, khiến người ta không khỏi có chút nghi ngại, họ sẽ bên nhau đến bao giờ? Cứ vui vẻ thế này đến hết, có phải là nhạt nhẽo quá không? Và làm thế nào để đi đến một Happy Ending hợp lý cho hai con người độc lập, tự tin như thế?

 

Thậm chí có lúc tôi đã nghĩ, có lẽ câu chuyện sẽ đi theo hướng của một vài quyển truyện tình cảm phương Tây mà tôi từng đọc, ấy là càng bên nhau lâu, người phụ nữ càng mềm yếu và lệ thuộc, nhưng chàng cứ quyết tâm giữ phương châm cũ “Anh có thể cho em tất cả, trừ đám cưới”. Một lần sơ sểnh, nàng có thai, chàng nổi giận vì cho rằng nàng “gài bẫy”, thế là xa nhau, nàng đau khổ, chàng sau một thời gian cáu tiết thì nhận ra mình cũng muốn bên nàng lắm lắm, thế là quay về rồi đưa nhau vào lễ đường. Nhưng nếu thế thật, thì liệu hình tượng nữ luật sư đầy khí chất ở đầu câu chuyện liệu có còn nguyên vẹn? Chí Đông có trở thành một người đàn ông bình thường, không còn đầy hoài bão như xưa? Hôn nhân biết đâu sẽ lại là nấm mồ chôn cất tình yêu, như những trường hợp Diệp Tề Mi đã gặp? Cả hai đều quá bận rộn, họ sẽ sắp xếp thời gian thế nào để xây dựng mái ấm?

 

Rất may, Nhân Hải Trung đã không làm tôi thất vọng. Càng về sau, câu chuyện bắt đầu nhiều kịch tính hơn, và cũng nhiều khoảng lặng cảm xúc, dằn vặt nội tâm hơn. Người khó chịu trước với việc thời gian bên nhau ít ỏi lại là Chí Đông chứ không phải Tề Mi, người có biểu hiện ghen trước cũng là anh nốt. Có lẽ dù phóng khoáng đến đâu, trong mỗi người đàn ông vẫn tồn tại tính chiếm hữu, muốn giữ trọn người phụ nữ của mình. Cũng có thể khi càng bị ràng buộc hay đeo bám họ càng bất mãn và muốn có khoảng trời riêng, nhưng khi được thả lỏng, họ lại cam tâm tình nguyện tự trói mình vào người mình yêu thương. Người phụ nữ càng biết cách giữ lại cho mình khoảng không gian rộng lớn phía sau để có thể lui về bất cứ lúc nào, người đàn ông lại càng có cảm giác không an toàn và muốn níu lại chặt hơn.

 

“Bất luận anh đang làm gì, ở đâu, lúc nào anh cũng nhớ tới cô, thậm chí có những giây phút bỗng nhiên nỗi nhớ mạnh mẽ ào ào ập đến, chỉ hận không thể mọc thêm đôi cánh lập tức bay về ôm cô vào lòng.

Thứ tình cảm đó có phần nguy hiểm nhưng anh thấy rất hạnh phúc, bởi vì cô ấy xứng đáng với tình cảm đó của anh”.

 

Thế nên khi biết Tề Mi ngất trên đường mà mình không ở cạnh bên, Chí Đông nghe lòng mình xót xa. Hay tin trong cô đang hình thành một mầm sống, anh quá đỗi vui mừng, sợ cô làm điều dại dột, nài nỉ cô đợi anh trở về, nài nỉ cô cứ sinh con để anh nuôi.  Lại có đôi khi, anh thực sự mong cô cũng như những người con gái khác, ngoan ngoãn hưởng thụ sự nuông chiều của người đàn ông. Nhưng Tề Mi vẫn thế, vẫn là một Nữ hoàng mạnh mẽ và kiên định. Khi Chính Đông bị phiến quân Philippin bắt cóc, khi Tề Mi nôn nóng ra sân bay mà gây tai nạn, tôi giận Tề Mi ghê gớm, giận sự độc lập đến mức cố chấp, bướng bỉnh của cô. Nếu như lúc ấy cô chịu nhờ vả người khác, chịu để người khác đưa mình đi, có lẽ đã không xảy ra cớ sự. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu Diệp Tề Mi không cứng rắn như thế, không rạch ròi như thế với những người đàn ông không phải người yêu, Chí Đông chưa chắc đã yêu cô nhiều đến vậy, và anh chàng bác sĩ Mai cô gặp hôm đi xem mắt lẫn anh hàng xóm Lận Hòa tốt tính cũng sẽ không từ bỏ ý định theo đuổi cô một cách dễ dàng. Thôi thì cứ xem tai nạn ấy, mất mát ấy, lần suýt phải xa nhau thực sự ấy là một minh chứng rằng cả Tề Mi lẫn Chí Đông đều không hoàn hảo, họ cũng có những lúc không hiểu chuyện, cư xử không hợp lý; rằng dù mạnh mẽ đến đâu cũng có lúc gục ngã, tổn thương. Để rồi sau đó, họ lại đối mặt và giải quyết mâu thuẫn một cách nhanh gọn dứt khoát bằng sự thẳng thắn, tránh những dây dưa hiểu lầm “ngược tâm” nhau không đáng có.

 

“Thể xác đương nhiên rất đau, lại thấy tủi hờn nữa, những ngày vừa rồi cô đã sống rất khổ sở, tính cách của cô không thích để mọi chuyện mập mờ, cô sẽ cho anh biết mọi chuyện từ đầu tới cuối”.

 

Quá trình Chí Đông thuyết phục Tề Mi chấp nhận kết hôn cũng rất đỗi khó khăn. Dõi theo hành trình ấy, tôi vừa buồn cười với những biểu hiện chân thành đáng yêu của Chí Đông, lại vừa băn khoăn, làm thế nào để Tề Mi nói lời đồng ý mà vẫn không thay đổi quá nhiều, không từ bỏ con người thật của mình. Đáp án đôi khi giản dị đến không ngờ:

“…Mọi người ai cũng coi cô là một Nữ hoàng mình đồng da sắt, một Nữ hoàng theo chủ nghĩa độc thân, chưa bao giờ cô nghĩ tới việc mình sẽ dựa dẫm vào một người đàn ông, hoặc chờ đợi ai đó tới thay đổi cuộc sống của mình. Nhưng sáng sớm mùa thu có thế áp sát mình vào một cơ thể ấm áp khác, thứ cảm giác này chỉ cảm nhận được khi có hai người, đến cả một Nữ hoàng thực sự cũng không tự mình tạo ra được”.

 

Là chính cảm giác ấm áp dịu dàng này, khiến người ta biết rõ “Hôn nhân chính là keo dán sắt trên mặt ghế, ăn xong bạn vẫn phải ngồi, ăn no rồi vẫn phải ngồi, có chết no cũng vẫn phải ngồi trên chiếc ghế đó”, nhưng vẫn muốn được “cả đời ngồi ở hai đầu bàn ăn cơm cùng nhau mãi mãi”.

 

Không thể không nhắc đến vai trò của cặp đôi Liêm Vân và Ân Như trong “Nữ hoàng và kẻ cướp”. Xét ở một góc độ nào đó, họ như một mảnh ghép khá lớn giúp bức tranh về cuộc sống hôn nhân hiện đại thêm rõ nét. Nhân Hải Trung không viết nhiều về những nghiệp vụ luật sư của Tề Mi khiến quyển sách nặng tính chuyên môn, cũng không đi sâu vào cuộc sống của quá nhiều nhân vật phụ gây loãng truyện, mà chỉ khéo léo cài đặt những mảnh ghép nhỏ trong mạch truyện. Một người chồng đầu ấp tay gối nhiều năm, khi ra tòa bỗng trở nên xa lạ, ki bo đến đáng sợ, trưng ra quyển sổ ghi chi tiết từng khoản chi phí từ lớn đến nhỏ nhặt nhất trong quãng thời gian theo đuổi đến khi kết hôn, quà sinh nhật cho con gái cũng không quên tính. Một người phụ nữ nhu nhược chấp nhận bị chồng bạo hành, không đủ can đảm để tự giải thoát cho mình bởi không biết sẽ phải đi đâu, sống thế nào. Một đôi vợ chồng nói lời từ biệt nhau ngay trước mắt con gái mặc kệ những giọt nước mắt đau khổ của cô bé. Một người đàn ông bực tức vì vợ mình suốt hai mươi lăm năm cúi mình mở cửa và pha trà nhân sâm cho ông ta uống trong khi ông ta thích uống trà Ô Long… Họ đều chỉ xuất hiện thoáng qua trong truyện, vừa đủ khiến độc giả nhận ra những tình huống này sao quen quá, dường như ngoài đời chẳng thiếu. Chỉ riêng vợ chồng Vân – Như là có đất diễn khá nhiều, chỉ sau đôi nhân vật chính. Vì họ có nhiều điểm tương đồng với Tề Mi và Chính Đông nhất, nên cũng là cặp đôi có sức ảnh hưởng đến sự do dự cũng như lời đồng ý sau này của Tề Mi nhiều nhất. Họ cũng là những người trẻ tự tin và thành đạt, cũng ôm nhiều ước mơ hoài bão, cũng từng yêu nhau nhưng ít có thời gian ở bên nhau. Nhưng họ đã sai lầm khi đến với hôn nhân một cách không bình đẳng, để Ân Như phải từ bỏ công việc, an phận trong chiếc lồng son, rồi trở thành một chiếc bóng nhạt nhòa. Ân Như khiến tôi nhớ đến một trích dẫn trên tumblr:

 

“Hãy nói xin lỗi với chính mình, bởi vì đã từng yêu một người đến nỗi quên cả bản thân.

Hãy nói xin lỗi với chính mình, bởi vì đã từng vì người khác mà làm khó bản thân.

Hãy nói xin lỗi với chính mình, bởi vì phải cố gắng giả vờ làm cho bản thân mệt đến không chịu nổi.

Hãy nói xin lỗi với chính mình, bởi vì có rất nhiều chuyện bản thân đã không học được thế nào là quý trọng.

Hãy nói xin lỗi với chính mình, bởi vì đã từng quá cố chấp đến nỗi làm tổn thương bản thân.

Dù thế nào thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, chỉ có điều phải xin lỗi bản thân vì đã không còn tìm lại được bản chất vốn có của mình.”

( Thiên Lam dịch)

Có lẽ, trên thực tế cũng không ít những người phụ nữ giống Ân Như, vì yêu quá nhiều mà phải từ bỏ bản thân. Khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, nếu một bên phải hy sinh, người phải hy sinh và chịu nhiều thiệt thòi vẫn thường là phụ nữ. Họ có thể không xinh đẹp rực rỡ, không đạt đến mức độ thành đạt của Ân Như, nhưng cũng có công việc yêu thích, có những đam mê của riêng mình, mà buộc phải gác sang một bên để trở thành “mẹ hiền vợ thảo”, chấp nhận vị trí đứng sau sự thành công của chồng. Họ cố làm vừa lòng tất cả, chăm lo cho tất cả, chỉ quên đi việc phải yêu thương chính bản thân mình.

 Câu chuyện dần kết thúc, khi Ân Như đủ dũng cảm để bước ra khỏi chiếc lồng son tù túng mà tìm lại những niềm vui, mơ ước của một thời, Liêm Vân chịu giải quyết dứt điểm mối quan hệ dây dưa giữa mình và “cô con dâu lý tưởng của gia tộc”. Làm trung gian hòa giải cho Vân – Như, Tề Mi mong mỏi họ được hạnh phúc, mà cũng là trông chờ một đáp án cho những trăn trở của lòng mình.

“Ân Như, có thể cho mình chút niềm tin không? Để mình tin rằng tất cả mọi gập ghềnh đều chỉ là thử thách, khiến cả hai người nhận ra rằng sau khi trả qua mọi chuyện, cuối cùng vẫn mong muốn có người đó tồn tại trong cuộc sống của mình, mong người đó mãi ở bên mình, để mình tin rằng tình yêu tác thành hôn nhân, hôn nhân tác thành hạnh phúc”. 

Đến cuối cùng, Tề Mi đã tìm được người khiến cô "cảm thấy tất cả đều rất tốt, tất cả đều rất xứng đáng", tình yêu của cô đã đơm hoa kết trái ngọt lành. Còn bạn, bạn có tin rằng “tình yêu tác thành hôn nhân, hôn nhân tác thành hạnh phúc” ? Có tìm được ai sẵn lòng ngồi trên “chiếc ghế có keo dán sắt” để cùng ăn cơm với bạn đến hết đời?

 

Thủy Mộc  

Đọc trực tuyến tại : http://alobooks.vn/forum/16167/nu-hoang-va-ke-cuop-full-nhan-hai-trung.html

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3