[Tự sáng tác] Con mèo giữa đường
Con mèo chết ở giữa đường.
Mấy hôm nay dân ở hai bên cái con đường lên huyện này đã trông thấy con mèo ấy lảng vảng quanh đây. Có thể con mèo ấy từ đâu đi lạc tới, mấy cái làng ở mạn triền đê chẳng hạn. Cũng có thể nó cố ý đi lạc tới, những cánh đồng đã được san phẳng và rải sỏi để làm khu công nghiệp dưới kia đã chẳng còn gì để giữ chân bọn mèo hoang chó dại ấy nữa. Mèo thì cũng muốn sống như ai, sống không nổi thì đành phải tha hương mà cầu thực chứ sao!
Sáng nay, lúc cái loa phóng thanh treo ở đầu cột điện trước cổng trường cấp ba xã Quế Chi vang lên giọng nói rè rè - tiếng người đàn ông trung tuổi “Đây là đài phát thanh xã Quế Chi”, như một tiếng súng lệnh, tất cả các nhà đều mở cửa. Hàng chục năm nay vẫn thế, chị ấy đẩy cái tủ kính bày vài ba gói mì tôm, sữa hộp… mốc meo và bụi bặm ra hiên nhà, với tay lấy cái chổi lông gà qua phẩy qua phẩy lại cho đỡ bẩn. Rồi chị xếp lại mấy cái kẹo mút lăn lóc góc tủ, đếm xem còn bao nhiêu gói bim bim. Hết bày hàng lại đến ra sân quét tước, mặc dù tối qua chị đã quét cho nó sạch bóng cả lên. Quét nhà, hay dọn dẹp, hay bất kể làm gì đi nữa, dường đã trở thành một thói quen vô thức. Làm đơn giản để khuây khỏa, và để thấy mình sống trên đời còn có mục đích gì đấy.
Chồng chị đã dậy. Chị nghe tiếng đài cát xét xèo xèo trong nhà. Cũng như công việc nhà đối với chị là thói quen, đây là thói quen vô thức của anh ấy, cứ tỉnh dậy là bật đài, mặc dù vào giờ ấy nhà đài có khi họ còn chưa phát. Một lát sau, anh đã ăn vận để ra khỏi nhà: bộ quần áo màu xanh quân phục, đôi giày da nâu đã bị nổ lỗ chỗ và bục cả mép ra. Hình như bộ quần áo và đôi giày đó theo anh đã lâu lắm rồi, lâu đến nỗi anh cũng chẳng nhớ được là từ khi nào nữa. Mấy lần chị đã muốn mua cho anh ấy một đôi giày mới, nhưng anh ấy gạt đi : “Già rồi còn mua giày mới để khoe với ai?”. Phải, tuổi tác và những năm tháng nhọc nhằn đã để lại màu trên tóc anh rồi, cả chị nữa, nếu như chị có khi nào nhìn vào gương.
…Có lẽ cũng phải hai chục năm rồi ấy…
- Đi nhé! Trưa nay mua đậu rán nhé. Ăn trứng mãi chán ngấy rồi!
Chị gật đầu mỉm cười, song như chợt nhớ ra cái gì, lại vất cái chổi vào một xó mà chạy đi.
- Bánh mì! – Chị gọi với – Quên hả?
- Sáng nay đầy bụng, không muốn ăn. – Anh đáp rồi đi luôn, đi bộ. Ngôi trường nơi anh đang làm bảo vệ ở ngay sát nhà anh.
Chị còn đang đứng nhìn theo dáng người gầy gầy và gù gù của anh ấy, đã thấy bà cụ Toe bán nước chè, hàng xóm nhà chị bước vào. Con đường nhà chị chỉ là một con đường nhỏ, mặc dù lái xe hay chạy qua đây để trốn trạm thu phí, nhưng họ cũng ít khi dừng lại mà uống nước chè. Bà cụ Toe, vì thế, rỗi lắm. Ngày nào bà ấy cũng qua nhà chị ngồi nói chuyện. Toàn những chuyện rông rài không đâu, ngày nào cũng nói mà mãi vẫn không hết.
- Chị Hường đã dọn hàng rồi đấy ah?
- Cụ hôm nay dậy sớm thế? – Chị niềm nở, đoạn, chạy đi lấy mấy cái ghế nhựa đặt ra sân – Cụ ngồi chơi ! Chờ cháu pha nước nhé!
- Chả dậy sớm thì ngủ thế nào được hả chị? Già rồi, khó ngủ lắm.
Bà cụ lắc đầu, đặt cái mông già nua xuống ghế. Khác với những ngày thường, là cụ hay hỏi han vài chuyện linh tinh hàng hóa nhà chị, hôm nay cụ cứ nhíu đôi mắt kèm nhèm ra ngoài đường.
- Có cái gì ngoài đấy hở cụ?
- Chị xem… - bà cụ lặng đi một lát - … nó lại đâm chết mèo ở ngoài kia kìa! – Bà cụ nói, trên nét mặt đầy những dấu vết của sự trải đời đã đến mức chán đời, vẫn thoáng rung lên cái gì giận dữ mà bất lực – Mèo ở đâu đến không biết…
Phải, ở cái “phố” – như những người sống cạnh cái con đường này vẫn nôm na mà gọi như thế - lèo tèo vài mái nhà bờ đô xi măng quanh năm chật vật bám lấy con đường mà sống này, nuôi thân chưa nổi, họ nuôi mèo làm gì? Chị thở dài, hơi đánh mắt theo hướng bà cụ chỉ, không khỏi giật bắn người lúc trông thấy cái xác mèo chềnh ềnh giữa vạch ngăn cách.
Đó là một con mèo vàng, có điểm vài khoang trắng. Lông nó ướt sũng những bùn và máu. Hai mắt nó đã nhắm nghiền lại, kẽ mắt còn nhoèn gỉ dấu tích của một quãng đời lang bạt. Con mèo ấy đã chết, trong cái tư thế co quắp đến thê thảm. Bọn trẻ con gần đó nhận ra con mèo hoang chúng gặp mấy hôm nay, khóc thét lên. Đám học sinh cấp ba trường Quế Chi thì sợ quá, không dám nhìn. Người lớn trông thấy con mèo, họ quay đi. Ai cũng bàn tán về nó, chẳng phải họ thích chuyện con mèo, mà ở đây chẳng có chuyện gì khác để mà nói. Thế mà, tuy con mèo nhận được sự quan tâm từ dư luận là vậy, nó vẫn phơi thân ở ngoài đó.
- Đấy, có mỗi cái tiền thu phí mà cũng trốn ! Chị xem, cái con đường này đã bị chúng nó xới tung lên rồi! Tai nạn liên miên …
Nghe đến hai chữ “tai nạn”, chị càng thảng thốt. Chị cứ nhìn ra phía con mèo chết, mắt nhòa mờ đi.
… Cứ như thể, chị đang trông thấy một cái gì khác …
- Chả trách bao nhiêu người đã bỏ đi hết! – chị nghe loáng thoáng bà cụ Toe nói, song hình như lại không nghe thấy gì cả…
- Hay là mình chuyển đi chỗ khác? – Câu hỏi ấy anh đã hỏi chị không ít lần trong những đêm tiếng xe tải trộn với tiếng thạch sùng kêu trên mái nhà.
Chị chỉ lắc đầu.
***
… Con mèo đã chết được hai ngày.
Vẫn không ai đến mang xác nó đi cả. Kiến, dòi bọ và ruồi muỗi kéo đến đông nghịt . Quy luật thì muôn đời vẫn vậy! Nỗi đau của kẻ này có khi lại chính là hạnh phúc của kẻ khác. Hai ngày, anh bỗng thấy chị ấy ít nói hẳn đi. Anh định hỏi, nhưng lại thôi. Cả hai vợ chồng, dường như đều có cái gì mắc kẹt trong cổ họng.
Chẳng lẽ tôi lại không hiểu? Nhìn cái dáng người đã còm đi vì dãi dầu bao năm nay của chị, anh càng đau xót. Anh chị hiếm con. Đến tuổi này rồi, đầu đã hoa râm, vẫn hai vợ chồng lủi thủi nuôi nhau. Nhưng tôi biết làm thế nào? Trời cho rồi trời lại lấy đi …
Đêm hôm ấy, trời nổi giông. Hai vợ chồng chị ngồi ăn cạnh cái đài cũ. Trừ cái đài ấy ra, chẳng có ai nói gì cả. Thỉnh thoảng chị nhìn ra đường, nghĩ đến con mèo đã chết ấy… Nó chết rồi mà vẫn phải phơi xác ngoài kia, để mỗi lần có ô tô đi qua lại khiến máu và thịt vụn rây khắp đường …
Nghĩ đến đó chị không chịu được. Than ôi! Chúng nó không chỉ kéo lê sinh mạng những hồn ma đã chết dưới bánh xe của chúng , chúng nó còn kéo rách lòng cả những người còn sống đây! Chị buông đũa muốn đứng dậy. Chồng chị hỏi :
- Sao không ăn nữa?
- Chẳng lẽ cứ để nó … - cứ như giọng nói của chị thì anh biết chị nói về con mèo - … ngoài kia?
Trông gương mặt xúc động của vợ, anh quay đi, cố nuốt miếng cơm đắng nghét trong cổ.
- Để đó! – Anh nắm tay vợ, siết chặt.
Mặc cho mưa gió gào thét tung hoành trên những cánh đồng còn sót lại của vùng công nghiệp, ở nghĩa địa hôm nay vẫn có hai con người khoác áo mưa lầm lũi đào đất. Con mèo được bỏ vào một cái hộp gỗ nhỏ và đem chôn. Bên cạnh nó là một ngôi mộ nhỏ xíu, có lẽ là của trẻ con, xây bằng xi măng trét vôi trắng. Chôn xong con mèo, hai vợ chồng dừng lại rất lâu cạnh ngôi mộ trẻ con, một trong hai người òa lên khóc.
… Trên bia mộ, gương mặt ngây thơ của một đứa trẻ mãi ở tuổi lên sáu đang nở một nụ cười vĩnh hằng …
Khi cơn mưa mùa hạ đã qua đi, đêm trở về với sự u tĩnh của nó. Các nhà đã đóng cửa lâu rồi, duy có ngôi nhà lợp tấm bờ đô cạnh trường cấp ba Quế Chi thì còn le lói đèn. Nếu lại gần, người ta có thể nghe thấy tiếng cát xét còn xèo xèo giọng người lẫn tiếng nhiễu sóng.
- Tắt đi nhé? – Anh nói, không nhìn vợ.
- Để đó cho có tiếng người! – Chị nói, cũng không nhìn anh ấy. Hai vợ chồng quay lưng vào nhau. Cả hai đều chìm vào im lặng.
Thôi nào. Anh nhắm mắt. Ngày mai rồi sẽ đến.
… Nhưng … ngày mai rồi sẽ ra sao đây?
***
Xác người đàn bà luống tuổi nằm giữa đường, đè lên dải phân cách - đã được đắp chiếu.
Người dân xung quanh đó thi nhau xì xào, nhưng cũng chỉ dừng lại ở một khoảng cách đủ xa để không trông thấy máu. Nghe đâu lúc gần sáng nay, hàng xóm láng giềng bỗng nghe thấy tiếng đàn bà kêu thất thanh ngoài đường :
- Nam … con ơi! Nam ơi! Con ơi! NAM! Cẩn thận con! Xe đấy! NAM ƠI!
Sớm nay, lúc một tay lái xe tải chạy về đây sau một chuyến xi măng lên khu công nghiệp, hắn kinh hãi trông thấy cái thi thể đầy máu trên đường. Cạnh đó, chiếc xe hơi tã nát vứt chỏng chơ. Lái xe đã bỏ chạy.
Bà cụ Toe, năm nay đâu đã bảy mươi chín, vẫn phải ra sức hô hào bà con làng xóm giúp đỡ, kẻ thì đem táng chị ấy, người vào viện chăm lo cho anh chồng. Anh chị ấy chẳng phải người ở đây, chẳng có họ hàng thân thích, chỉ vì miếng cơm mà cắm đất chốn này... Tội nghiệp, sao cái thân già này thì giời không sớm bắt đi? Bà già này đã chán thấy cảnh đầu bạc tiễn đầu xanh lắm rồi!
***
Màn đêm vẫn buông xuống, đều đặn, chẳng bao giờ thay đổi.
Anh ngồi cạnh mâm cơm với độc một đĩa rau luộc rối. Một mình, làm bạn với chai rượu và cái đài cát xét chỉ còn nghe tiếng nhiễu ù ù như xay lúa.
... “ Để đó cho có tiếng người”...
Chẳng mấy khi người ta không bắt gặp anh say khướt. Dĩ nhiên rồi, vì những phút tỉnh táo hiếm hoi đó, anh chỉ ngồi trước cái bàn thờ. Bây giờ, cạnh những bức ảnh truyền thần của ông bà tổ tiên, không chỉ có ảnh một cậu bé sáu tuổi, mà còn thêm tấm ảnh của người phụ nữ trung niên, gương mặt gầy, xương, hai hốc mắt trũng sâu vì khóc nhiều.
Đêm câm lặng nghe tiếng còi xe lướt ngang qua...
Mùa thi tháng 6/2013