Dì Tôi

Tôi hay gọi Dì là Má Hai, bởi Dì là con đầu lòng của Ngoại và là người đầu tiên ẵm bế tôi lúc lọt lòng. Cả tuổi thơ của tôi gắn bó với Dì trong ngôi nhà nhỏ bên xóm chợ An Nhơn cũ những năm hai ngàn. Sài Gòn những năm đó cũng đã vồn vã đúng chất phố thị nhưng cái xóm chợ nơi tôi sống thì hẵng còn mang dáng vẻ của vùng đất nằm ở rìa thành phố, rất an yên và bình dị trong những buổi chiều khi nắng vẫn còn chưa tắt, Dì bế tôi ngồi lên chân, hát những bài hát về tình yêu thời chiến.
Dì xinh đẹp. Nước da trắng, mái tóc đen dài ngang lưng hay được búi lên cao, vài sợi tóc mềm mại lòa xòa qua đôi mắt ướt át lúc nào cũng đượm buồn. Thuở ấy, bố tôi công tác xa nhà, mẹ bận rộn với sạp vải nhỏ trong chợ. Dì ở nhà trông coi tiệm tạp hóa của gia đình, tiện thể chăm sóc cho mấy chị em tôi. Cuộc sống của người phụ nữ góa chồng, tôi cũng chẳng cảm nhận được nhiều, chỉ ấn tượng những chiều trời trở mưa Dì hay đem một cái ghế nhựa ra ngồi trước cửa, tay cầm tấm hình một người đàn ông trong bộ quân phục, đôi mắt vốn dĩ đã rất buồn lại lắm lần ngấn lệ. Khi lớn lên, tôi mới hiểu đôi mắt ấy tại sao lại hay buồn đến vậy.
Dì kết hôn năm mười tám. Theo như những câu chuyện tôi nghe lỏm từ người lớn thì Dượng tôi đẹp trai, giỏi giang, nhưng vốn là con mồ côi lưu lạc vào làng năm mới lên bảy tuổi. Hai người yêu nhau rồi kết hôn mặc cho ông bà ngoại ngăn cản. Cũng không bao lâu Dượng ra chiến trường Tây Nam rồi hy sinh. Ở cái tuổi đẹp nhất của thì con gái, vì nặng tình mà Dì chẳng muốn đi thêm bước nữa. Khi bố mẹ tôi vào Sài Gòn sinh sống, Dì cũng muốn vào Nam để còn đi tìm hài cốt của Dượng trên chiến trường biên giới Tây Nam. Nhưng mãi, dù Bố tôi đã nhiều lần đi hết mấy tỉnh miền Tây, qua tận chiến trường cũ ở Campuchia vẫn bặt vô âm tính. Mẹ tôi bảo, thật ra Dì vẫn hy vọng Dượng còn sống ở đâu đó, chỉ là có gia đình mới nên không muốn về gặp Dì, đó là lý do cho tận bây giờ Dì không lập bàn thờ cho Dượng. Hồi đó, tôi nghĩ Dì ngây dại, nếu Dượng đã có gia đình mới tại sao Dì chẳng đi thêm bước nữa, chờ đợi chi một người tình nghĩa như vôi. Sau này, khi trải qua những tan vỡ, tôi mới hiểu, tình yêu vốn dĩ là cam tâm tình nguyện, dẫu chẳng cần biết người có còn yêu thương nhớ mong mình hay không thì bản thân vẫn cứ cố chấp đuổi theo một người chẳng còn thuộc về mình nữa.
Tuổi thơ tôi cứ êm đềm trôi theo năm tháng thanh xuân của Dì, theo những chiều mưa bất chợt của Sài Gòn. Bố tôi không còn đóng đơn vị xa nhà nữa mà chuyển hẳn về thành phố, các chị lớn lần lượt đi du học rồi kết hôn. Còn mỗi tôi bận rộn với lịch học và những thú vui của tuổi mới lớn, chẳng còn quấn quanh chân Dì, chẳng chạy theo Dì đi lấy đá lạnh ở mấy xưởng gần bờ sông. Đúng là ông bà nói chẳng sai “Nước chảy xuôi, nước không chảy ngược”. Càng lớn tôi càng ít dành thời gian bên Dì. Thi thoảng dăm ba bữa những lúc Dì ốm đau tôi mới qua ngủ chung với Dì. Dì thì vẫn thế, đồ ăn ngon vẫn để phần cho tôi, vẫn đón tôi học về mỗi lần trời bất chợt đổ mưa, vẫn ôm tôi và bảo “Gà nay lớn rồi nhưng vẫn út ít thôi.”
Mọi người trong xóm bảo tôi giống Dì, nhất là đôi mắt – lúc nào cũng như đang khóc. Dì sợ. Sợ cuộc đời tôi sẽ giống Dì nên nghe ai nói thế cũng xua xua “Mặt mũi con bé tươi tắn thế sao giống tui được”. Cho đến năm tôi vào học phổ thông, Dì về quê sống để tiện chăm sóc cho bà Ngoại đã già. Dì về rồi, ngôi nhà bên cạnh bố tôi lấy lại đem cho thuê, tôi không chịu nên chuyển sang đó ở. Mọi thứ trong căn nhà tôi vẫn giữ như cũ, những món đồ nho nhỏ Dì mua, tôi cố giữ lại mặc kệ bố bảo vứt bớt cho đỡ chật. Một dịp hè, tôi về quê viếng mộ bà ngoại và thăm Dì. Dì già đi nhiều, mái tóc bạc dần, đôi mắt buồn mờ dần bởi đã khóc quá nhiều cho một người. Ôm Dì, tôi khóc vì nhớ và vì thương.
Vốn có ý định đưa Dì vào lại Sài Gòn nhưng khi nhìn thấy bàn thờ của Dượng và nghe Dì bảo muốn sống ở đây với những kỷ niệm thuở mười tám đôi mươi thì tôi không nói ý định ấy với Dì nữa. Vậy là sau bao năm Dì đã chấp nhận sự thật, không còn nuôi hy vọng về một điều viển vong, chấp nhận rằng một người đã không còn ở trên cõi đời này nữa. Dì ngồi bên cạnh tôi, giữa ngôi nhà trống vắng không tiếng trẻ con, giữa ánh chiều tà nhè nhẹ len qua khe cửa sổ, chỉ có sự cô đơn lạnh lẽo. Dì bảo: “ Dì chẳng dám đi thêm bước nữa là bởi còn thương và ngần ngại lỡ một ngày Dượng trở về, Dì biết phải làm sao. Cũng gần bốn mươi năm, Dì không chờ đợi nữa, dù sự thật có thế nào thì với Dì bây giờ Dượng cũng đã không còn trên đời này !”. Tôi tạm biệt Dì về lại Sài Gòn để chuẩn bị một hành trình mới của cuộc đời ở một đất nước xa lạ. Xa Sài Gòn được gần một năm thì hay tin dữ. Dì mất! Tôi đã không thể ngờ được, lần cuối cùng tôi gặp Dì lại đến nhanh như vậy. Cả cuộc đời Dì, sống trong chờ đợi trong mòn mỏi hy vọng rồi đến cuối đời ra đi trong thinh lặng và lẻ loi.
Ngày về Việt Nam tiễn Dì.
Trên chuyến bay từ Narita đến sân bay Tân Sơn Nhất, tôi ngồi cạnh một người đàn ông, mái tóc hoa râm, đôi mắt leo nheo nhìn vào tấm ảnh của một cô gái cỡ tuổi đôi mươi. Là tấm hình Dì ngày còn trẻ mà tôi đã từng nhìn thấy.
- Dượng Quân!
Nếu đúng là con người bạc bẽo ấy, Dì bây giờ liệu đau lòng hay vui mừng đây, khi người bao năm Dì ngóng trông vẫn còn đang sống và có vẻ viên mãn như thế kia? Nếu người đó không phải là Dượng thì tại sao lại có tấm hình của Dì? Mọi thứ khiến tôi tôi thốt lên vô thức, lúc đấy chẳng cần biết có đúng là Dượng không.
Ông ta ngước lên nhìn tôi: “Sao cháu biết chú?”
Tôi như nghẹn đắng cổ họng, một chút tủi hờn, một chút oán hận như trỗi lên trong lòng. Tôi đau thay cho Dì, hận thay cho Dì.
- Chú là chồng Dì Tuyết sao?
Sau cái gật đầu, tự nhiên tôi òa lên khóc. Chẳng biết lúc đó ngoài cảm giác oán hận ra trong lòng tôi có vui mừng không, khi cuối cùng tâm nguyện cả đời của Dì cũng đã hoàn thành.
Tôi đưa Dượng về quê chịu tang Dì.
Mẹ tôi oán Dượng nên chỉ biết buông lời trách móc, sao ngần ấy năm biệt tăm biệt tích để Dì phải lặn lội kiếm tìm. Dượng kể, năm đó trên chiến trường, sau một lần gần như đã chết Dượng được một cô gái trong làng cứu giúp, hai người phải lòng nhau rồi nhanh chóng kết hôn, ít lâu sau thì qua Nhật sinh sống. Dù đã qua nhiều năm nhưng trong lòng Dượng chưa bao giờ thôi nhớ về Dì, thôi nhớ về mối tình đầu. Dượng cứ ngỡ, sau tin Dượng hy sinh, Dì chắc cũng đã lập gia đinh và rất hạnh phúc nên không muốn quay về hay giải thích điều gì nữa. Hôm Dì mất, Dượng mơ thấy Dì trong chiếc áo hoa tím thuở hai người còn hò hẹn, mặt buồn tênh vẫy tay chào Dượng rồi mất hút. Chẳng biết vì điều gì thôi thúc, Dượng quyết định về lại Việt Nam sau gần bốn mươi năm chưa một lần về thăm.
Tôi chẳng trách Dượng, chỉ tiếc cho tình yêu mà Dì đã dùng cả xuân xanh để cược cho sự son sắt của Dượng, còn Dượng lại dùng sự nghi ngại và bội tín để chạy trốn tình yêu ấy. Trời tháng ba, xuân hẵng còn, cỏ non xanh rì, bầu trời trong veo đượm chút nắng.
Tôi tiếc cho tình yêu của Dì và khóc cho thanh xuân của Dì.
Còn Dượng ôm một bó hoa màu tím, lặng lẽ quỳ bên cạnh mộ Dì. Đâu đó vẫn văng vẳng những câu thơ thuở bé tôi hay nghe Dì đọc…
“Em ơi! Dẫu xuân xanh có qua
Thì hẵng nhớ tình anh vẫn còn
Anh vẫn mãi thương
Dẫu tóc có hoa râm
Dẫu giọng nói không còn khỏe khoắn
Dẫu tình ta vô cớ chia đôi lối rẻ…”
Vĩnh biệt Dì! Má Hai của con!

--- Tuệ Di ---