Hỡi anh chồng cũ tôi ơi...! - Phương Uyên
Ghi chú: Truyện lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian như tích Vợ chàng Trương, Hòn Vọng Phu, Nàng Tô Thị hóa đá và các sáng tác như Trường ca Hòn Vọng Phu 1 – 2 – 3, Lạy anh em đi lấy chồng, Nước non ngàn dặm ra đi, Chinh phụ ngâm, Người đàn bà hóa đá… Mọi sáng tạo của tác giả chỉ nhằm phục vụ nội dung truyện, xin đừng đánh đồng tình tiết trong truyện và bản gốc lưu truyền trong dân gian.
-----
I.
“Lấy chồng cái thuở chiến chinh
Ái ân đến nửa đường tình đã tan
Bế con lên núi mà than
Oán trời gieo cảnh dở dang trêu người.”
Ông trời quả thật thích tạo cảnh trớ trêu, lấy đi của tôi tấm chồng rồi bù lại một mẹ già một con thơ. Tôi từ thân liễu yếu đào tơ bỗng chốc hóa lưng dài vai rộng. Ngày xưa có thầy mẹ nâng niu, lúc mồ côi đi ở nhà ông lý chỉ nấu cơm hầu chè cho cậu ấm thứ ba, chừng vài năm thì chồng tôi mang cau trầu đến rước. Lửa chưa đủ đượm, hương chưa đủ nồng, quan gia ở kinh thành lại hạ lệnh mộ binh để đánh nước Chiêm Thành mãi tận phía nam, chồng tôi phải ra đi giữa lúc tôi đương bụng mang dạ chửa. Ngày tiễn chàng ra trận, tôi nước mắt vắn dài:
- Em không cần ông lập công làm quan lớn, em chỉ cần ông trở về với em. Em ít học, không có ông em biết làm sao dạy con trẻ lớn khôn?
Giữa bao ánh nhìn thương cảm, chàng chỉ có thể buồn buồn vén mấy sợi tóc mai phơ phất trước mặt vợ, xoa xoa cái bụng chưa kịp đẫy đà, dặn dò mấy câu rồi lạy mẹ ra đi. Tháng lại ngày qua, con tôi đã sắp lên ba mà người đi vẫn bóng chim tăm cá.
Mẹ chồng tôi cứ hoàng hôn lại tựa cửa ngóng về phía núi, lưng mỗi ngày một cong, mắt mỗi ngày một yếu, những cơn ho lúc trời trở gió cũng dày hơn. Mỗi lần thấy cánh chim lạc bầy dáo dác lượn tìm chỗ trú đêm, bà lại chép miệng thở dài:
- “Trai khôn tìm vợ chợ đông…”, thầy của con lúc sinh thời vốn minh mẫn, không hiểu sao lại chọn mẹ về làm vợ. Phải chi mẹ tháo vát được như những người đàn bà khác, nhà ta có của ăn của để, thằng Nghĩa đã không cần đi lính làm gì. Thục ạ, mẹ có tội với con…
- Mẹ đừng nói vậy. Dẫu cảnh nhà ta đủ sức xoay sở lấy lòng quan trên mà thoát vạ, chồng con vẫn sẽ chọn ra đi thôi mẹ ạ. Chàng tên cũng như người, phải đâu giống mấy kẻ lắm của thừa tiền, vung bạc vàng ra rồi sống đời hèn mọn…
Tôi nói một thôi một hồi mà không biết cậu ba Quân – quý tử nhà ông lý trưởng – vừa đến ngõ. Cậu đứng như trời trồng giữa sân, hàm cứng lại, mãi mới nói được một câu:
- Hóa ra trong mắt mày, cậu là kẻ hèn kém đáng khinh như vậy?
- Cậu… cậu ba… - Mẹ chồng tôi lắp bắp.
- Con… con nói mấy người trên huyện chứ nào dám vô phép với cậu. – Tôi đảo mắt tìm cách nói tránh đi. – Sao cậu đến mà không cho người báo trước, hôm nay con chỉ nấu cơm có ba phần…
- Hôm kia đứa nào than cái giậu tre sau nhà bị đổ, sợ thằng Đản chạy ra ngoài? Cậu thương tình vác rựa sang dựng hộ, vừa hay nghe được mấy câu thật lòng, từ nay nhà mày sống chết gì mặc xác, cậu không ngó nữa.
- Cái Thục trẻ người non dạ, cậu ba đừng bắt tội… - Mẹ tôi cố gọi với theo người đang quay lưng đi ra ngõ.
- Cậu, cậu ơi! – Tôi chạy đến đỡ mẹ. – Chết dở chưa, xem ra lần này cậu giận thật rồi mẹ ạ. Mấy năm qua cậu hờn mát được vài hôm lại đến lấy cớ này cớ kia bắt chuyện, đâu có kiên quyết thế này…
Mẹ bấu vào tay tôi ý nhắc ăn nói phải dè chừng, dẫu cậu ba Quân nổi tiếng cợt nhã, dẫu tôi hầu cậu từ thuở thiếu niên nên ít nhiều thân thiết, cậu vẫn là người trên, lũ nghèo như chúng tôi mãi mãi là kẻ dưới. Ngày tôi xuất giá, cậu đang lên tỉnh làm việc cho ông lý, khi trở về biết chuyện liền nổi trận lôi đình, đi trong làng có tình cờ chạm mặt cậu cũng ngó lơ. Mãi đến khi chồng tôi đã đi xa, tôi vác bụng mang trầu lên chợ bán mới gặp cậu đang chè chén say sưa ở đầu làng, cậu lại lên cơn thịnh nộ:
- Cậu tưởng mày gặp mối duyên mơ nên gả vội gả vàng. Lấy chồng mà cực khổ thế này sao không đợi cậu tìm nơi danh giá cho hở Thục?
Trong số những con hầu ở phủ nhà ông lý, tôi là đứa nấu ăn hợp ý cậu nhất nên được cậu ưu ái, thường ngày quở trách cũng bớt vài câu, có món gì hay hay cũng ban cho một ít. Thảng hoặc, cậu cao hứng bảo sẽ tìm cho tôi một tấm chồng tốt để yên ổn nửa đời sau, tôi chỉ cười cười cho qua chuyện.
- Phận mồ côi mồ cút nghèo khổ như con được bà lý làm chủ hôn, được cưới gả đàng hoàng đã là phúc đức mấy đời tổ tiên để lại, con còn dám đòi hỏi gì thêm. Chồng con tên Nghĩa, từ nay xin cậu…
- Mày theo cậu bao lâu mà vẫn cái thói tự xem thường mình, vậy từ nay đừng mong cậu tôn trọng nữa! – Cậu còn lớn tiếng hơn ban nãy.
Mấy ngày sau, cậu ba Quân đến nhà đòi ăn cơm tôi nấu. Vừa hớp ngụm canh, cậu bỗng ném cả bát xuống nền nhà, vỡ tung tóe:
- Chỉ có bọn dân cày suốt ngày mướt mồ hôi mới ăn thứ canh mặn thế này. Thục, mày rời nhà chưa tròn năm đã quên khẩu vị của cậu thế nào phỏng?
Mắng thì mắng, trách thì trách, sau hôm ấy bữa nào cậu cũng sai người ở đến lấy thức ăn, để lại rau củ cá thịt nấu bữa sau và một chút tiền, đôi ba hôm lại đích thân mang đến mấy thang thuốc bổ bảo tôi sắc cho cậu uống, mà phần thuốc bao giờ cũng rất nhiều không thể đun hết một lần, cũng không thể để đến hôm sau. Ban đầu tôi ngại mẹ phật lòng, từ chối cậu lại không xong nên ngỏ ý sang phủ ông lý nấu mỗi ngày, vừa mở miệng đã bị cậu gạt phắt đi:
- Mày chửa vượt mặt thế kia còn đòi ngày ngày lội mấy con đê, chồng mày chưa biết chết sống thế nào, nhỡ sảy chân lại than trời trách đất. Nhà cậu lắm kẻ ăn người ở, bọn nó không phải sang chỗ mày cũng phải lên huyện mua món ngon cho cậu, mày không cần lo chuyện lôi thôi!
Cứ như thế, suốt ba năm chồng trẩy, tuy tôi vẫn phải làm những việc nặng nhọc trong nhà nhưng cũng không đến mức đói ăn thiếu mặc. Khi cu Đản lên hai, tôi muốn nhờ mẹ chồng trông giúp để đi làm thuê cho người thì cậu ba lại mắng cho một trận. Tôi lớn gan giở chứng kêu sợ người đời dị nghị nên không nấu nữa, cậu liền tìm đến tận nơi, cứ ngồi lì trước ngõ giang nắng từ sớm đến trưa, tôi đành phải mời cậu vào xơi cơm kẻo lại đói lả người khiến mẹ con tôi phải tội. Chừng nghe tôi lèm bèm mãi, cậu mới bảo tôi làm nem chua như trước khi hay gói hầu ông bà lý, cậu sẽ cho người mang lên chợ bán giúp để tai cậu được thảnh thơi. Món nem ấy cũng là thứ chồng tôi ưng nên tôi lấy làm hăng hái lắm, mỗi ngày xong việc cơm nước là lại bò ra gói, báo hại người ở của cậu ba ngày nào cũng phải ở đến lúc chợ tan.
Lần đầu tiên tôi gặp mặt chồng là ngày chàng đến rước dâu. Bà lý ra chợ huyện phải gió, được mẹ chồng tôi tình cờ giúp đỡ, lại thấy Trương Nghĩa con của mẹ biết đôi chữ thánh hiền, tính nết thiện lương nên nhớ đến con hầu hay được cậu ba khen ngợi hết lời là tôi. Đám rước tuy chẳng quá rộn ràng múa trống khua chiêng nhưng đủ đầy lễ nghi, tôi nghĩ thầy mẹ tôi chốn suối vàng cũng không tủi hổ. Đêm tân hôn, đôi vợ chồng mới cưới ngượng nghịu nhìn nhau, chồng tôi bảo:
- Nhà tôi không to như phủ ông lý, chắc em Thục ở không quen. Em cứ ngủ trên giường, tôi trải chiếu nằm dưới sàn cũng được.
Tôi lúng túng chẳng biết đáp thế nào, bèn gật đầu cho qua chuyện. Tôi nằm xoay mặt vào vách, cả đêm cứ chập chờn cơn mê cơn tỉnh. Đến gần sáng, tôi cảm giác như có người ở sau lưng, vội quay lại thì thấy chồng tôi đang lăm lăm con dao nhỏ. Nhanh như cắt, chàng liếc một đường trên tay mình rồi chùi cả ngón tay đang bê bết máu lên chiếc chiếu hoa bà lý tặng cho. Tôi hốt hoảng đến cầm tay chàng xem vết đứt, thấy lòng như cũng bị ai nhè nhẹ cứa vào:
- Ông làm thế làm gì? Đây là bổn phận của em mà…
- Tôi muốn mẹ vui lòng. – Chàng nhìn sâu vào mắt tôi. – Tôi cũng muốn vợ tôi nguyện ý.
- Em vốn chỉ là con ở, ông đâu cần… - Tôi nghèn nghẹn nhưng ánh mắt cương nghị của chàng không cho phép tôi nói thêm gì nữa.
Từ hôm ấy, tôi ở nhà trồng rau, nuôi gà, chăm sóc mẹ chồng, chàng vẫn ngày ngày lên chợ, vừa bán rượu vừa bày một hàng thư pháp cạnh bên bán chữ. Người ta có vợ hiền tảo tần nuôi ăn học đến ngày đỗ đạt thành tài, người vợ như tôi lại trở thành gánh nặng. Nghe tôi nói thế, chàng chỉ tự cười mình là anh hàng rượu, là kẻ võ biền chứ nào phải thư sinh. Chàng sớm lạc khỏi gia đình, may mắn được vợ chồng họ Trương nhận làm con. Tôi nghĩ bất cứ ai làm vợ chàng cũng sẽ được nâng niu bảo bọc hết lòng vì một mái nhà đầm ấm là điều chàng luôn mơ ước.
Kẻ trên giường người dưới đất ngót nửa năm, có một ngày trời nổi cơn giông, chái bếp sau nhà bị gió thổi bay phên liếp, tôi tất tả đội mưa xuống tìm cách che cho khỏi ướt. Mưa chưa kịp thấm vai thì ai đó đã trùm lên người tôi manh áo tơi rồi kéo xộc vào nhà. Đến lúc hoàn hồn, tôi thấy Trương Nghĩa người ướt sũng, bàn tay rắn chắc đang siết từng nuột lạt để cố định tấm phên. Xong việc, chàng lại tất tả đun nước giục tôi tắm nhanh kẻo ốm. Mấy thanh củi bị thấm nước mưa không chịu cháy báo hại chàng phải thổi đến bở hơi tai, nước mắt ròng ròng. Giữa bão giông, làn khói mỏng vấn vít trong gian bếp đơn sơ bất giác trở nên ấm sực.
Tối hôm ấy, chàng bị cảm lạnh, người sốt hầm hập vẫn toan tìm manh chiếu trải. Tôi níu tay chàng, kiên quyết bảo:
- Ông đang ốm, đừng nằm đất kẻo bệnh nặng thêm!
Chàng thả chiếc chiếu nhỏ xuống sàn, bước lại gần tôi:
- Thục muốn tôi lên giường nghỉ?
Tôi gật. Chàng cười cười nói tiếp:
- Không chỉ đêm nay?
- …
Về sau, khi cu Đản đã tượng hình trong bụng mẹ, chồng tôi cứ hay chòng ghẹo làm tôi ngượng muốn chui xuống đất:
“Trời mưa thì mặc trời mưa
Mình cứ làm bừa dưới tấm áo tơi.”
***
Mỗi khi nhớ chồng, tôi thường bế con lên núi ngắm mặt trời từ từ chìm xuống phía bên kia. Ngày chàng tòng quân tôi cũng đứng ở nơi này dõi mắt trông đến khi đoàn người ngựa đi khuất hẳn. Dưới chân núi là một vùng rộng lớn ngát xanh màu lúa mới, xa xa thấp thoáng một dãy đồi, người trong làng kháo rằng ở đó có nhiều hang động, còn có vài ngôi chùa rất linh thiêng, thuở xưa chồng tôi từng bảo muốn đưa mẹ con tôi đi cầu phúc. Mấy lần tôi muốn đến nhưng không tiện vì còn mẹ già và con nhỏ phải chăm lo, mẹ tôi dạo này lại hay đau ốm, tôi chỉ biết mỗi ngày nhìn lên không van vái Phật Trời cho chàng sớm quay về với gia đình. Nghĩ đến đây lại thấy mắt cay cay, tôi bèn ôm chặt đứa con thơ dại trong lòng, cất giọng ngâm nga:
“Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu
Ai làm cho dạ sư sầu
Cho ruột sư héo như bầu đứt dây?”[1]
Sau lưng bỗng vang tên tiếng cười khùng khục. Cậu ba Quân ôm bụng cười đến đỏ mặt tía tai:
- Thục ơi là Thục, mày ru con hay dạy hư con đấy?
Mấy năm qua, trăm ngày như một, cậu luôn là kẻ phá tan cảnh chiều tà ấm êm của mẹ con tôi. Khi thì dọa rằng hẳn Trương Nghĩa tử trận từ lâu nên mới mãi không về, khi lại bóng gió chồng tôi đã chán cảnh vợ dại con thơ, sớm tìm vui nơi trời xa xứ lạ. Tôi biết cái bụng cậu lành, cái tâm cậu thiện, nên cái mồm cậu độc địa thế nào tôi cũng nghe tai này lọt tai kia. Nhưng mà, cậu hoài nghi tấm lòng thương con của tôi thì không thể chấp nhận được, tôi cố trấn áp cái ruột đang quặn lên từng cơn run rẩy, đáp trả đầy phẫn nộ:
- Con ít chữ, có thuộc được mấy câu đâu? Bài này lúc ở phủ lý con chẳng nghe cậu đọc suốt, bây giờ lại trách con là cớ làm sao?
Cậu công tử kia cũng chẳng bao giờ chịu lép vế:
- Mày không biết câu nào dùng vào lúc nào thì đừng có đọc bừa!
- Trước giờ con đã làm mẹ đâu mà biết! – Tôi cong cớn. – Đợi chồng con về, con đẻ thêm đứa nữa, chừng đó con chăm em bé khéo nhất cái làng này cho cậu thấy!
Mặt cậu ba bỗng trở lạnh như băng. Tôi xốc đứa trẻ bên hông, tiến đến ngang chỗ cậu, vẻ mặt ngông nghênh kia cứ ì ra. Tôi không còn biết sợ là gì nữa:
- Cậu ba rỗi việc lắm sao mà ngày nào cũng theo mẹ con con? Mấy đứa ở nhà ông lý thiếu gì đứa xinh non mơn mởn?
- Cậu thèm vào! Chẳng qua cái dáng ôm con trông chồng của mày ngồ ngộ hay hay…
- Con biết thừa cậu ba hoa liễu chán chê mới sang chọc phá con. Con nghèo nàn ít học, đời này chỉ biết một chữ “chân thành”, không tiếp được những trò cợt đùa của cậu. Con còn phải về thổi cơm chiều, xin cậu tránh đường cho!
Cậu nghiêng người để tôi bước qua, tay vẫn phe phẩy quạt, không ngừng liếng thoắng:
- Đừng bảo cậu không nhắc nhở mày, mai có lên đây nhớ khoác thêm manh áo. Kẻo trúng gió chết lại phiền cậu ma chay.
- Con có chầu ông bà thì mẹ con, chồng con mai táng, quẫn lắm thì thả trôi sông, nào dám phiền đến cậu!
Tôi tưởng kẻ sau lưng đã chịu lặng im, chẳng ngờ tôi xuống đến chân núi rồi vẫn nghe tiếng léo nhéo vọng theo:
- Chân thành, chân ái, chân tình… thằng nào mà chả có chân? Mày chết vì chồng thì cũng sớm có ngày chồng mày dắt vợ mới đi tảo mộ.
***
Không phải tôi chưa từng biết đến cái sự bạc lòng của giống đàn ông. Thuở bé, tôi từng có một người anh thương tôi như ngọc như ngà. Nhà tôi tuy không giàu nhưng cũng chẳng thiếu thốn, lúc nào cũng vẳng tiếng nói cười. Khi tôi lên sáu, có một hôm thầy mẹ đi làm đồng, tôi vòi anh trai róc mía ăn cho đỡ khát. Chắc hôm trước đó tôi nhỡ tay nhón tí mứt gừng trong hộp quà mẹ mang đi biếu nên bị trời quở trách, lúc anh tôi đưa dao chặt xuống thì lưỡi dao sút ra khỏi cán, bay vào đầu tôi cắt một đường dài sau gáy. Tôi ngã lăn quay chẳng biết gì nữa, đến khi tỉnh lại, nghe mọi người nói anh tôi đã trốn đi xa, tìm thế nào cũng không thấy. Thầy tôi ngũ tuần mới có một mụn con trai nên bao nhiêu hy vọng đều đặt cả vào anh, anh bỏ đi khiến thầy buồn khổ rồi sinh bệnh qua đời chỉ hai năm sau đó. Cảnh nhà tôi trở nên túng thiếu, tôi đành đi ở cho nhà ông lý trưởng, thân phụ của cậu ba Quân. Không ít lần tôi thầm than trách, dù biết khi ấy anh tôi chỉ mới là đứa trẻ mười một tuổi, nhưng đã mang thân trai tráng, nhẽ ra nên dám làm dám chịu. Nhỡ tôi có chết ngay lúc ấy, anh càng phải phụng dưỡng thầy mẹ cả phần tôi, có đâu lại đi biền biệt để thoát tội nợ mình. Anh thì nhẹ lòng rồi, những người còn lại biết sống làm sao? Phải chăng trời đất sinh ra cái giống nam nhi là để rong ruổi tứ phương, còn thân đàn bà dĩ nhiên phải tựa cửa ngóng chờ?
Cậu ba nhà ông lý, tên đầy đủ là Phạm Trung Quân, lại khiến lòng tin của tôi về một đấng trượng phu giảm thêm chút nữa. Tuy cậu hay chữ lại thạo việc làm ăn của gia đình nên được ông lý dễ dãi bỏ qua tật xấu, nhưng tiếng trăng hoa của cậu làng trên xóm dưới ai nấy đều hay. Hôm nay cậu say bí tỉ trong lòng cô này, mai âu yếm cầm tay cô khác. Thiên kim tiểu thư không thiếu, mà đám đào hát lại càng nhiều. Cũng may, tôi vào phủ sau bọn con Mận, con Hồng, đã thấy chúng nó khóc như cha chết vì yêu thầm mà phải dâng cơm hầu chè cho tình nhân của cậu, nên tôi luôn tự răn mình giữ phận. Nếu không, dù biết mình ngu dại mới nghĩ chuyện đèo bòng, nhưng bởi dung mạo và phong thái kia, cộng thêm sự quan tâm rất đỗi tận tình của chủ, tim lòng gan ruột tôi sớm đã bị cậu giày vò đến nát như tương.
Cũng có lẽ vì thế, cái sự từ tốn và giữ kẽ của Trương Nghĩa mới khiến lòng tôi khe khẽ rung rinh. Tôi ít chữ, nghe những lời hay ý đẹp cũng chẳng biết người kia muốn nói gì, chỉ biết nhìn những việc họ làm, phải có yêu có thương thì người ta mới sợ mình đau, sợ mình buồn, sợ mình vất vả, mới tình nguyện thay mình gánh vác cả những việc cỏn con, đời người có mấy ai được một lần đội đá vá trời mà mỏi mắt trông chờ chuyện đao to búa lớn.
Tiếc thay, các đấng anh hào không hiểu được niềm mong mỏi nhỏ nhoi ấy của bọn đàn bà nông cạn chúng tôi. Như ông huyện mới về nhậm chức ở tận đẩu đâu, vô tình ăn được cái nem trên chợ làng tôi đã mang bạc vàng đến ngõ, tôi từ chối thế nào cũng không xong. Cứ nhác thấy bóng ông phía xa xa, tôi lại lẻn vào đường mòn trốn ra phía núi. Chồng tôi còn sống, mẹ chồng vẫn sờ sờ thế mà bướm ong cứ thi nhau vờn lượn, cảnh nhà tôi đơn chiếc, chỉ có thể tìm cách lần khân chứ nào dám từ chối thẳng thừng, nhiều đêm tôi gác tay lên trán nghĩ mà cười ra nước mắt.
Hôm nay cũng không ngoại lệ, đất trời đang vần vũ nổi cơn giông mà mẹ con tôi lại chưa thể về nhà. Tôi ôm cu Đản nép sát vào hốc đá, lầm rầm khấn vái. Bất chợt, một giọng nói quen thuộc lanh lảnh vang lên:
- Quan cẩn thận khéo trượt chân, chỗ này dốc lắm, hôm qua trời mưa nên vẫn còn lầy.
- Cậu lý có chắc cô Thục trốn ở chỗ này không?
- Con bé ấy trước hầu ở phủ nhà tôi, tính tình ương bướng. Tôi thấy nó ngang ngược khó bảo, được quan ưu ái mà không biết mang ơn nên lấy làm bất bình lắm. Tôi cho người theo dõi thì biết nó hay trốn trên này nên vội vã báo quan. Khốn khổ cái thân cậu lý tôi đây, vì mướn thêm người lo mấy việc thế này nên tiền công cho bọn tá điền phải giảm đi đôi chút…
Giọng ông huyện thoảng chút mỉa mai:
- Nhọc thân cậu ba rồi, biết đâu khi tìm được cô Thục về phủ quan, cô ấy lại chẳng sẩy tay làm cháy mất tờ đơn kiện của bọn tá điền…
- Quan nói chí phải, con bé ấy vụng về nên mẹ tôi mới gả đi cho chóng đấy!
Tôi giận run người, hóa ra bấy lâu tôi thầm cảm kích, mang ơn cậu là ngốc nghếch biết bao! Cũng may tôi nấp ở nơi này, nếu không còn biết trốn đi đường nào nữa.
Tiếng bước chân giẫm lên đá xa dần, hướng về phía sau núi, không phải nơi tôi thường đứng. Cơn tò mò trỗi dậy, tôi khẽ dặn cu Đản trốn kỹ ở nơi này rồi đánh liều bám theo. Cậu ba dẫn ông huyện leo lên mỏm đá chìa hẳn ra ngoài, tôi chỉ có thể nép ở phía xa. Giọng cậu lại thất thanh:
- Rõ ràng chiều nào nó cũng bế con đứng ở đây mà?
- Cậu lý lại đây xem. – Tiếng ông huyện khẽ khàng. – Khối đá này có phải…
Sự im lặng kéo dài một hồi lâu, rồi ông huyện lại kêu lên như khóc:
- Quan đã hại cô Thục rồi! Hôm qua mưa to gió lớn, sấm sét đầy trời, chắc cô Thục đứng ở đây để lánh quan nên…
- Sao… sao lại có chuyện như thế được?
- Cậu ít đọc sách nên không biết đó thôi, tự cổ chí kim, ở nước Nam hay phương Bắc đều đâu thiếu những câu chuyện người hóa đá…
Ông huyện đấm tay lên nền đá rên rỉ một đỗi rồi thất thểu đi xuống núi, cậu ba gọi thế nào cũng không nghe. Tôi đợi người đi khuất hẳn mới dám đến gần nhìn thử, giữa sấm vang chớp giật, khối đá tạc rõ hình thù thiếu phụ bế con dáng lưng thẳng tắp, sừng sững đứng trên mỏm non cao trông về phía ải xa, đinh ninh một lời thề như chém đinh chặt sắt. Những giọt mưa đầu tiên rơi xuống ướt đẫm mặt tôi.
- Mày cứ đứng đó rồi trời đánh thật, chừng có tận hai ả chinh phụ thì cậu lại không biết giải thích với ông huyện thế nào đâu.
Tôi xoay lại nhìn kẻ nọ, trong một chốc không biết nên nói gì. Cậu ba cười cười rồi hất hàm đầy khoái trá:
- Ai bảo mày muốn chồng vội quá, hồi trước mà ở lại phủ với cậu vài năm để học hỏi thì giờ này đâu có cuống lên vì một chuyện bé tẹo thế này!
- Hóa ra bấy lâu nay cậu thập thò ở đây là để… - Tôi nghẹn giọng.
- Mày bớt tưởng bở đi Thục ạ. Cậu đã bảo cái dáng trông chồng của mày ngồ ngộ nên xem như vật mẫu để cậu luyện nghề đẽo đá. Vừa hay thằng huyện thích đọc mấy cái tích vớ va vớ vẩn. – Tôi chợt nhớ ra hồi ở nhà cậu thường loay hoay cả ngày với những khối đá có hình thù kỳ dị, nhưng ông bà lý trưởng cho rằng đó là thú vui tầm phào khiến cậu xao nhãng việc buôn bán của gia đình nên ra sức ngăn cấm. – Mà không, cũng do cậu mày tài năng trác tuyệt, đẽo tượng hệt như người mới lừa được hắn!
- Chết rồi! Cu Đản đang ở một mình… - Tôi sực nhớ đến con, ba chân bốn cẳng chạy đi tìm.
Từ hôm ấy, ông huyện đã không đến phiền mẹ con tôi nữa, nhưng tôi đã hóa đá nên cũng không thể làm nem chua để bán như trước. Thật ra dù không có việc giả chết ấy, tôi cũng bận tối mũi chăm sóc mẹ chồng đương trở cơn đau nặng. Không biết vì tuổi già, vì trời trở gió hay vì mòn mỏi nhớ thương con, bệnh của mẹ tôi càng trầm trọng, những cơn ho nối nhau chẳng dứt, thuốc thang thế nào cũng không thuyên giảm.
- Mẹ cố uống thuốc cho chóng khỏi. Con nghe nói quân của quan gia thắng giòn giã ở phía nam, chắc chồng con cũng sắp về rồi!
Những ngày đó, cậu ba Quân không quan tâm người trong làng sẽ thêu dệt gì nữa, cứ rỗi ra là đến. Cũng may có cậu giúp tôi trông cu Đản, nhưng mỗi lần nghe hai người trò chuyện, tôi chỉ muốn mời cậu về cho:
- Coi cái mặt mếu kia! Cậu kể làm mày sợ phỏng? Đừng lo, ban ngày ma quỷ không dám ló mặt ra đâu!
- Thật không? Ban đêm mới có ma hả cậu?
- Ừ. Cậu gạt con nít làm gì.
- Vậy ma quỷ cũng giống thầy Đản, chỉ ban đêm mới đến!
- Thầy mày mờ ám như thế thì mày xui mẹ bỏ đi, mày nhận cậu làm thầy, ngày nào cậu cũng kể chuyện ma tha hồ nghe!
- Không chịu đâu! Cậu béo hơn thầy của Đản, lại đến cả ngày, ăn tranh cơm của Đản!
II.
“Nghìn năm chẳng đặng thương hoài
Trăm năm sum họp biết ai một lòng?”
Cũng vào một ngày trời mưa như trút, có khách đến gõ cửa nhà tôi.
Người nọ xưng là bạn chiến đấu của Trương Nghĩa, đến để đưa tin dữ.
- Ông Nghĩa võ nghệ đã giỏi mà lòng nhân cũng hơn người, năm lần bảy lượt cứu tôi thoát chết. Khi quân ta rút khỏi đất Chiêm thì bị một toán tàn quân đánh úp, ông tranh cả ngọn giáo của địch với tôi… - Người đàn ông họ Nguyễn quỳ mọp, run run đưa tấm áo rách bươm lên cao quá đầu.
Tai tôi không nghe được gì thêm. Cu Đản không hiểu chuyện gì, bước đến ôm chân mẹ, tôi sụp xuống ôm chặt con trẻ vào lòng, hàm nghiến chặt, mắt vẫn ráo hoảnh. Chuyện này không thể nào là thật được, chàng biết tôi đang chờ, mẹ đang mong, con trai đang nhớ, sao nỡ lòng bỏ mà đi?
- Bác! Bác ơi! – Tiếng người kia kêu thất thanh khiến tôi sực tỉnh.
Mẹ chồng tôi nhìn tấm áo tự tay khâu cho con, nấc lên một tiếng, khuỵu xuống, từ đó không dậy nữa, mặc tôi lay gọi đến khàn giọng. Bà ốm liệt giường suốt mười ngày rồi thác.
Tôi gác hết mọi suy nghĩ trong đầu, lo hậu sự cho bà tươm tất, đắp một nấm mộ cạnh nhà hương khói cẩn thận. Khi mọi việc đã xong xuôi, tôi gửi cu Đản lại cho cậu ba Quân trông giúp ít lâu rồi khăn gói lên đường.
- Có phải cậu chưa từng thấy cái bản mặt mít ướt của mày đâu. Hồi ở phủ lý mày chẳng khóc nhè suốt đấy thôi, giờ vờ vịt kiềm chế làm gì?
- Giờ con yếu đuối cho ai xem hả cậu? – Tôi đáp, cố không để cậu thấy đôi vai đang run rẩy.
Mãi không nghe cậu trả lời, tôi bèn quay lại cúi chào:
- Con đi tìm chồng mấy tháng, dù tìm thấy hay không con cũng về đón bé Đản, không dám phiền cậu quá lâu. Ơn nghĩa cậu giúp mẹ con con, kiếp này con làm trâu ngựa cũng cam lòng.
Cậu ba đỡ tôi đứng dậy, lẳng lặng bỏ vào túi hành lý thêm ít bạc, giọng nói ít nhiều mệt mỏi:
- Nhà cậu nhiều trâu nhiều ngựa lắm rồi. Mày vác cái thân lành lặn về gặp cậu là đủ. Đi nhanh kẻo nắng lên!
Tôi đã khẽ thề trước vong linh của mẹ tôi là sẽ đưa Trương Nghĩa trở về nhà, dù chỉ là một mảnh thi hài. Không hiểu sao, linh cảm của người vợ nói với tôi rằng chồng tôi chưa chết, vì năm xưa chàng chỉ bị rựa cắt nhẹ lúc làm đồng, tôi ở nhà đã nghe nhoi nhói trong tim. Tin như thế nhưng lại không dám kỳ vọng quá nhiều, tôi cứ nhắm hướng chiến trường phía Nam, vừa đi vừa hỏi. Ròng rã ba tháng trời, bạc mang theo đã hết mà sức lực cũng mỏi mòn, nhớ thương con quặn thắt ruột gan, tôi tự nhủ sẽ tìm thêm một tháng nữa rồi trở về nhà. Không phải tôi bỏ cuộc, nhưng tôi còn có trách nhiệm lớn hơn với chồng, với mẹ chồng, với cả chính mình là nuôi đứa trẻ kia khôn lớn, nối dòng nối dõi cho họ Trương. Khi cu Đản cứng cáp hơn, mẹ con tôi sẽ cùng nhau đi tìm lần nữa!
Ngay lúc đó người nhà ông lý trưởng đến truyền tin bảo tôi lập tức quay về. Đón tôi không chỉ có cậu ba Quân, còn có người tôi mải miết kiếm tìm, Trương Nghĩa.
Nghe nói chàng đến viếng mộ mẹ trong đêm tối rồi không kiềm được xúc động mà bật khóc, người làm của cậu ba ở gần đó nghe thấy chạy đến rồi chia nhau đi tìm để báo cho tôi.
Tôi vừa đến ngõ đã thấy dáng người cao lớn thân thương, gương mặt đã đen sạm vì sương gió nhưng ánh mắt vẫn như xưa, nửa trìu mến, nửa ngập ngừng. Không kiềm được xúc động, tôi sà đến ôm chặt gối chàng nức nở.
- Em biết ông còn sống… Em biết ông sẽ về mà… – Mãi lâu sau tôi mới lắp bắp được mấy từ.
Bàn tay ấm áp phủ lên vai tôi, khẽ siết. Tôi vội lùi ra sau, cúi đầu sát đất:
- Xin lỗi ông, em không giữ được mẹ đợi gặp ông. Xin lỗi…!
Chồng tôi toan nâng tôi dậy, lừng khừng mãi rồi cũng gục xuống đất ôm chặt lấy vợ khóc òa:
- Không! Thục ơi! Tôi mới là kẻ có tội… Sao tôi không chết quách cho rồi?
- Ông chết thật thì em biết sống sao? – Tôi đưa tay che miệng không cho chàng nói gở.
Vợ chồng tôi ôm nhau mừng mừng tủi tủi hồi lâu, quên hết những người đang có mặt xung quanh. Đến khi nghe tiếng hắng giọng của cậu ba, bọn tôi mới giật mình ngẩng đầu lên:
- Mẹ cậu rất thích thằng cu Đản, thích tới nỗi mắng lây sang cậu không chịu lấy vợ để có cháu cho bà bế. Chúng mày cứ thong thả mà tình tự, để nó chơi với bà thêm vài hôm nữa rồi cậu mang đến trả.
Cậu khoát tay ra hiệu bọn hầu cận rút cả đi. Trương Nghĩa tiễn cậu ra tận cổng, cúi gập người. Tôi hơi ngạc nhiên vì trước giờ chàng vốn coi thường cậu chỉ biết cậy quyền cậy thế ăn chơi, sao hôm nay bỗng cung kính lạ thường. Rất nhanh, nỗi thắc mắc ấy bị lãng quên bởi tôi quá mừng vui vì chàng đã bình an vô sự. Đám người của cậu ba vừa khuất dạng, tôi lại nắm chặt tay chàng, định cọ dụi một phen cho thỏa nỗi nhớ mong. Chẳng ngờ chàng rụt tay lại rất nhanh, sải bước vào nhà.
- Ông Nghĩa…
- Xin lỗi Thục, tôi hơi mệt. Vả lại, đang kỳ tang mẹ.
Tôi tự trách mình vô ý rồi không dám nói thêm gì nữa, lặng lẽ giúp chàng xếp chỗ nghỉ ngơi, lại là người dưới đất, kẻ trên giường.
Trừ việc tránh chuyện vợ chồng gần gũi, chàng vẫn chu đáo như xưa. Ngày ngày giúp tôi gánh nước, chẻ củi, trồng rau, cậu ba và những người hầu của cậu cũng không cần lui tới nữa. Những ngày đầu tiên tràn ngập niềm vui sum họp, ấm áp như đôi trai gái làng mới phải lòng nhau. Tôi ngỏ ý đi đón cu Đản về cho cha con gặp mặt, chàng còn gạt đi bảo muốn tận hưởng cuộc sống hai người thêm mấy ngày nữa.
Đương nhiên không thể tránh khỏi những lúc thật buồn.
Có lẽ vì dãi dầu nơi tiền tuyến lâu ngày, mồ hôi thấm lương khô mà sống, mỗi lần đến bữa cơm chàng đều trầm ngâm, gắp một miếng thịt, miếng rau do vợ nấu cho vào mồm mà ngậm ngùi đến rơi lệ. Những lúc ấy tôi chỉ biết rót một chén chè cho chàng rồi ngồi lặng lẽ cạnh bên.
Cũng có thể, chiến trường vốn là một nơi tàn khốc. Chồng tôi bản tính thiện lương, vì bất đắc dĩ mà phải ra tay lấy mạng quân địch nên nỗi ám ảnh ấy len cả vào cơn mơ. Có nhiều đêm tôi thấy chàng ú ớ trong giấc ngủ, tay chân vung vẩy như đang đánh nhau, miệng không ngừng kêu lên:
- Tôi không biết! Tôi không cố ý!
- Ông Nghĩa! Ông Nghĩa ơi, mau tỉnh dậy! – Tôi cố lay chàng thật mạnh.
Chồng tôi choàng tỉnh, ôm chặt vợ vào lòng, người mướt mồ hôi. Hơi thở vừa chậm lại, chàng đã vội đẩy tôi ra, đập đầu vào vách nghe chan chát. Sáng hôm sau, chàng vẫn tươi tỉnh như đêm qua chẳng hề mộng mị.
Mỗi khi chiều xuống, chàng lại ra mộ mẹ, ngồi như thầm thì kể lể điều gì đó, lúc nào trở vào nhà mắt cũng hoe hoe đỏ. Tôi thầm ngưỡng mộ tình cảm của gia đình chàng, tuy chẳng máu mủ nhưng không khác gì ruột thịt. Có lần tôi đứng sau lưng chàng mãi một lúc lâu, khi thấy bờ vai rộng ấy run lên trong cơn xúc động, tôi liền bước đến vòng tay ôm chặt, thầm thì bên tai chàng:
- Mẹ luôn mong ông sống thật tốt, thật mạnh khỏe. Chúng mình sẽ sinh thêm thật nhiều con, để trong nhà luôn rộn rã tiếng nói cười cho mẹ vui lòng, ông nhé!
Người trong lòng tôi bỗng như hóa đá. Rồi chàng vỗ lên bàn tay tôi nhè nhẹ:
- Sương rơi rồi, vào nhà kẻo ốm.
***
Khi chưa tòng quân, Trương Nghĩa nổi tiếng là người nấu rượu ngon nhất vùng, bản thân chàng lại ít khi chè chén. Từ hôm trở về, không lúc nào hơi thở không phảng phất hơi men. Mọi hôm ngà ngà, hôm nay túy lúy. Tôi sợ chàng phải gió nên đỡ lên giường nghỉ, chàng tựa hẳn vào vợ, chân nam đá chân chiêu. Tôi dìu chàng một đoạn đã bở hơi tai, loạng choạng thế nào lại ngã nhào, ngẩng mặt lên đã thấy chàng kề sát, hơi thở nóng rẫy.
- Ông nằm nghỉ, để em đun nước lau người cho ông nhé! – Tôi cố đẩy chàng ra.
- Thục à… - Giọng chàng nhừa nhựa. – Lần đầu chém gã kia, tôi run sợ lắm! Thằng Trọng bảo tôi nhấp ngụm rượu để có thêm can đảm, mãi thành quen... – Đầu chàng vục vào hõm cổ tôi.
- Mọi việc qua rồi, qua cả rồi! – Tôi đưa tay xoa lưng chàng hệt như lúc ru con.
- Thục! Thục à…
Môi lưỡi chàng khiến cổ tôi ướt đẫm, tôi ngượng nghịu quay đầu tránh né, cuối cùng vùi mặt vào trong gối, đưa gáy ra cho chàng mặc sức hôn. Bàn tay chàng càng lúc càng ngông cuồng, tóc tôi bị vén cả sang một bên.
Rồi, tôi bỗng thấy lành lạnh, không phải vì váy áo xô lệch mà vì người phía trên đã rời đi, ngồi thu lu một góc nơi mép giường, đôi mắt đăm đắm nhìn vào khoảng không như chưa từng mờ mịt vì say. Lòng tôi chợt trống hoác một mảng như ngôi nhà vừa có trộm vào.
Đêm trước ngày đăng ký tòng quân, chàng cũng kỳ lạ thế này.
Đêm ấy, tôi kể chàng nghe chuyện năm xưa bị anh trai vô ý tặng cho vết sẹo dài trên gáy.
***
Mươi hôm sau, cậu ba Quân đưa cu Đản về tận nhà. Con trẻ vừa thấy tôi đã sà vào lòng ríu rít:
- Sao mẹ đi lâu quá không về với Đản? Bà lý cho Đản ăn ngon, cho Đản áo đẹp, nhưng Đản chỉ thích ăn cơm của mẹ thôi. Cậu ba cũng luôn miệng kêu nhớ món ăn mẹ nấu…
Tôi vội bịt mồm con, sợ chồng hiểu lầm thì chết dở. Hai mẹ con nựng nịu thỏa thích một hồi, tôi mới nhớ ra cậu chủ cũ vẫn đang đứng nhìn giữa trời nắng nóng, liền nhỏ giọng:
- Con vô ý quá! Cậu thưa với bà giúp con, mấy hôm nữa con làm vài món mang sang phủ đội ơn bà và cậu.
Cậu ba nhếch mép cười:
- Phủ cậu không thiếu đầu bếp giỏi. Mày ở nhà lo nấu cơm hầu chồng, đừng phiền cậu nữa, cậu mang ơn ngược lại mày.
Tôi phì cười nhìn bóng áo thư sinh ngông nghênh khuất dần trên con đê vắng. Khi tôi ôm con trở vào nhà, Trương Nghĩa đang đứng ngay cửa nhìn ra. Tôi nói nhỏ vào tai con:
- Đây là thầy của Đản đấy! Đản gọi thầy đi!
Mắt con tôi vẫn tròn xoe nhìn chăm chăm người trước mặt. Tôi biết mình không thể vội vàng vì từ lúc sinh ra đến giờ con đã được gặp thầy đâu. Chồng tôi chắc cũng nghĩ như thế, nên mãi lâu sau chàng chỉ bước đến xoa xoa đầu nó, mỉm cười rất hiền từ.
Tôi âu yếm nhìn hai cha con rồi lại nhìn về phía đồng lúa đang dập dìu như những con sóng đuổi nhau về phía chân trời, sự ấm áp trong lòng còn hơn cả cái nóng ngoài trời. Gia đình tôi cuối cùng cũng đoàn viên!
***
Vui chẳng được bao lâu, tôi lờ mờ cảm thấy nhà mình chẳng giống nhà người khác một chút nào, cả nhà mình của trước kia cũng không hề giống. Trương Nghĩa vẫn là cây bách cây tùng che nắng che mưa cho vợ cho con, nhưng trụ cột ấy chỉ có thể nương mà không thể tựa. Dù môi chàng cười, mắt chàng lấp lánh những khi gian nhà rộn ràng tiếng con thơ, tâm trí chàng vẫn còn ở đâu đó nơi miền biên ải. Tháng lại ngày qua, chồng tôi về nhà đã được nửa năm mà vẫn chưa một lần gần vợ. Tôi không phải loại đàn bà phóng đãng nhưng ba năm gối chiếc phòng không, ít nhiều cũng nhớ những lần được rúc trong lòng chàng mà cảm nhận thương yêu dịu ngọt. Đằng này, không ngủ cùng nhau là một nhẽ mà khi thức chàng cũng tránh chạm vào tôi, “thụ thụ bất thân” như khách lạ. Tôi cố dặn mình không suy nghĩ vẩn vơ nhưng nỗi tủi nhục cứ len lỏi trong lòng.
Một hôm nọ, cậu ba sang đón cu Đản qua chơi cùng bà lý, chồng tôi lại đang ở chợ chưa về, nhà chỉ còn lại mỗi tôi. Tôi cặm cụi nào giã thuốc nào nấu cơm để ủ rượu, khi xong việc thì mặt trời sắp lặn. Chiều hôm nay cũng giống như mọi chiều khác, cũng vầng dương chầm chậm khuất sau dãy núi, cũng một tôi tựa cửa ngóng về xa. Nhưng, chiều hôm nay không như những chiều năm cũ, sau lưng đã im tiếng ho khan của mẹ già, dưới gối không có con trẻ lúc nào cũng bám lấy mẹ như nguồn vui duy nhất. Hạnh phúc tôi mong đợi đã quay về hay mãi trôi xa cũng không rõ nữa. Có phải ký ức ngọt ngào thuở ban đầu đã khiến tôi hy vọng quá nhiều không? Đàn ông được bao kẻ nặng tình, mấy năm trời ở miền xa chắc gì đã không có người đàn bà nào kề cận…?
Ấy là chưa kể đến, thuở mới cưới nhau, có lần chàng còn làm giỗ cho một cô bạn thời thơ ấu. Tôi thấy chàng mang vàng mã ra sân đốt, trong số đó có cả con rối vải rất đẹp mà khi còn bé tôi hay vòi anh trai mua cho mỗi lần ngang chợ. Tôi ngạc nhiên gặng hỏi nhưng chàng chỉ đáp qua loa. Hôm ấy trùng hợp là ngày mà năm xưa anh tôi bỏ nhà đi, năm nào thầy tôi cũng buồn nhiều hơn nên tôi nhớ rõ. Trong men say hạnh phúc, tôi ngây thơ nghĩ rằng chúng tôi quả có duyên, đến cả chuyện buồn cũng chung một ngày. Giờ ngẫm lại, biết đâu chàng chẳng thương tôi vì có nhiều nét giống cô bạn nọ?
Vò rượu đã ở trên tay từ lúc nào, tôi cứ chìm vào những suy nghĩ ấy, chìm vào vị đắng, vị cay, chìm vào cái lâng lâng ngây ngất. Mơ mơ hồ hồ, tôi thấy Trương Nghĩa đứng trước mặt mình, ánh mắt phảng phất chút ngây dại. Tôi mặc kệ là thực hay mơ, đưa tay vuốt lên má chàng:
- Ông chán ghét em rồi phải không?
- Em say rồi. Ngoan nào, tôi dìu em vào nghỉ! – Chàng vẫn dịu dàng.
Tôi chưa say, tôi chỉ mượn rượu làm càn. Có lần ra sông giặt áo, tôi nghe các chị trong thôn kháo nhau rằng đàn bà lúc ngà say có một vẻ phong tình khó cưỡng. Tựa hẳn thân người mềm oặt vào lồng ngực rắn rỏi kia, tôi vòng tay qua cổ chồng, kéo mặt chàng sát lại, cất giọng nỉ non:
- Em nhớ ông! Em chỉ muốn được gần ông mãi…!
Họa có là sắt đá mới chẳng yếu lòng. Tôi ôm chặt lấy chồng, siết ghì cho thỏa bao nỗi chờ mong, bao ngày đơn lạnh. Lần này chàng đã thực sự trở về với tôi chăng?
Hơi thở còn gấp gáp, hương ân ái chưa tan, từ ngõ xa đã vang vọng tiếng người làm nhà ông lý:
- Cô Thục! Cô Thục ơi! Cậu Đản ngã cây rồi!
***
Vợ chồng tôi ba chân bốn cẳng chạy đến phủ lý, đến nơi đã thấy con tôi nằm thoi thóp trên sập, máu ướt đẫm thân hình bé bỏng. Tôi toan lao đến thì bị một cánh tay giữ chặt, cậu ba Quân ra sức trấn an:
- Thục! Bình tĩnh lại! Thầy lang đang cầm máu!
- Nó có phải là con của cậu đâu! Nó có bề gì làm sao tôi sống được!
Cậu giữ tôi bằng cả hai tay, lay mạnh, lớn tiếng quát:
- Mày câm ngay cho cậu! Cậu trông nó từ lúc mới chào đời, lẽ nào không coi nó như con? Có cậu ở đây ai cho nó chết!
Lực siết trên cánh tay tôi dần nhẹ đi, cậu lại hạ giọng vỗ về:
- Thầy nói thằng Đản tuy chảy máu nhiều nhưng không nghiêm trọng lắm, cũng may không bị đập vào đầu…
Tôi cố gắng trấn tĩnh lại, giọng nói cũng dịu dàng hơn:
- Trăm sự nhờ cậu, cứu thằng bé…
Cậu đưa tay lau nước mắt cho tôi. Tay cậu vừa chạm lên má, tôi sực nhớ đến chồng mình nên lùi lại một bước, xoay người tìm Trương Nghĩa nhưng không thấy. Có người làm đưa tay chỉ về phía gốc cây nơi con tôi nghịch ngợm trèo lên rồi té ngã. Chồng tôi không ngừng đấm mạnh vào thân cây đến tay bật máu rồi gục xuống, gương mặt chất chồng đau khổ. Tôi tiến lại gần thì nghe chàng khẽ rên xiết qua hàm răng nghiến chặt:
- Trời có giáng tội thì giáng xuống đầu tôi, sao lại phạt con tôi…
***
Tôi xin phép ông bà lý đưa con về nhà để tiện chăm sóc, cậu ba cũng nhờ thầy lang đến bốc thuốc mỗi ngày. Chẳng bao lâu, vết thương của cu Đản đã gần như khỏi hẳn. Chồng tôi tuy không nói gì nhưng tôi biết chàng thương con chẳng kém chi tôi, đêm nào cũng chong đèn thức trắng, thỉnh thoảng còn nhìn trời cao mà cầu khẩn. Khi con tôi khỏe lại cũng là lúc chàng đổ bệnh, chẳng chịu ăn uống gì mà cứ nằm mãi trên giường.
- Ông dậy xơi tí cháo rồi uống thuốc!
- Tôi không đói. – Chàng trở người, xoay mặt vào tường.
- Ông cố để mau khỏe lại, mẹ con em lo lắm!
- Cứ mặc xác tôi! – Chàng lớn giọng.
- Chàng nói gì lạ vậy…
Tôi chưa dứt lời, chàng đã vung tay rất mạnh. Tôi suýt té nhào, bát cháo rơi xuống đất, vỡ tan tành.
- Không được đánh mẹ Đản! – Con tôi đang chơi ngoài sân nghe động chạy vào.
Nó thấy Trương Nghĩa vẫn nằm đưa lưng ra ngoài không thèm ngó thì trèo lên giường, lay mạnh:
- Ông xin lỗi mẹ Đản đi! Ông không được đánh mẹ Đản!
Chồng tôi lại đưa tay toan đẩy cu Đản ra, tôi vội bế con lùi lại, dỗ dành:
- Đản ngoan nào! Thầy không có đánh mẹ, tại thầy mệt thôi! Thầy yêu mẹ và Đản lắm!
Nó nhìn chăm chăm vào gương mặt đen sì ở trên giường, bỗng khóc òa rồi nói một hơi:
- Ông ta không phải thầy của Đản! Thầy của Đản chỉ ban đêm mới đến. Mẹ đi thầy cũng đi, mẹ ngồi thầy cũng ngồi. Ông ta không yêu Đản, không yêu mẹ!
Tôi ôm chặt con trẻ vào lòng, nhìn về phía Trương Nghĩa toan giải thích thì gương mặt kia đã khiến tôi sợ điếng người:
- Ra vậy. – Chàng nhếch mép cười. – Hay! Hay lắm! – Chàng cười khùng khục trong cổ họng rồi lại nằm xuống, lim dim ngủ.
Tôi muốn nói, nhưng mãi chẳng thành câu.
III.
“Giữa đàng, ai đã muốn thôi
Ai gieo tiếng dữ cho rồi, ai đi.”[2]
Sau khi khỏi bệnh, Trương Nghĩa bắt đầu nấu rượu mang lên chợ bán, bao giờ cũng về nhà khi trời đã tối mịt. Những hôm trời đổ mưa to không đi được, chồng tôi ngồi thu lu trong một góc nhà đọc đi đọc lại quyển sách đã cũ mèm. Cu Đản chơi một mình với mấy món đồ được cậu ba Quân đẽo cho khi trước. Thỉnh thoảng nghĩ ra điều gì vui thích, nó lại phá lên cười. Quay sang bắt gặp gương mặt đen sì của thầy, thằng bé sợ điếng người, mang đồ chơi bỏ vào hộp giấu dưới gầm giường. Ngày qua ngày, tiếng cười trong ngôi nhà của chúng tôi thưa dần rồi tắt hẳn.
Có lần tôi nhân lúc mặt mũi chàng tươi tỉnh, lựa lời phân giải, rằng thuở vắng chồng tôi hay trỏ bóng mình trên vách để con trẻ khỏi tủi phận không cha. Không ngờ chàng nghe rồi chỉ mím môi cười nhạt, khinh khỉnh như thể vừa xem một vở tuồng rất vụng. Những lời tôi toan nói ra đến bờ môi lại phải nuốt vào, nghèn nghẹn trong cổ họng.
Tháng bảy có giỗ của thầy tôi. Tôi dắt con cùng lên chợ mua ít đồ về thắp hương cho thầy. Cu Đản cứ sà vào hàng bánh mứt, mắt hấp háy nhìn những thức quà đủ màu xanh đỏ. Anh hàng mứt trêu: “Cô Thục mua cho cháu đi, lần nào cháu đi với cậu ba lên chợ cũng được mua rất nhiều quà đấy!”. Mấy hàng bên cạnh nói chen vào: “Đúng rồi! Ai không biết còn tưởng cậu ba mới là thầy đẻ thằng Đản!”. Thấy tôi nhíu mày, họ cụp mắt quay sang chỗ khác. Tôi mua vội mấy đồng bánh gio rồi nhanh chóng dắt con về, gió trên đê thổi mạnh làm mắt tôi cay cay mãi, mấy ngọn cỏ cứ châm chích vào chân. Tôi chỉ ở một buổi, biết họ đặt điều đã thấy khó chịu ngứa ngáy trong lòng, huống hồ chồng tôi ngày nào cũng phải nghe đến mòn tai chuyện vợ mình trắc nết mà không cách gì xác nhận thực hư. Lòng tin giữa những kẻ chung chăn gối nào phải là sắt đá, trách sao mỗi lúc một mòn?
Nhưng giá như một lần người cho tôi được nói…!
Khi mẹ con tôi về đến, Trương Nghĩa đã ở nhà. Tôi mang bánh bày ra đĩa, nấu thêm một mâm cơm rồi rồi đặt lên bàn thờ, cung kính thắp hương, lầm rầm khấn mời thầy về. Điều hối tiếc lớn nhất trong lòng thầy thuở sinh thời là không biết đứa con trai duy nhất còn sống hay đã chết, nhưng tôi biết đi đâu để trả lời được cho thầy? Thôi thì, mong thầy sống khôn thác thiêng, phò hộ cho gia đình con được yên ấm, để chồng con thay anh cả làm con trai mà trọn hiếu với thầy! Tôi khấn vừa xong thì Trương Nghĩa bước đến, tôi mừng rỡ đốt liền ba cây hương đưa cho chàng. Chàng chỉ gật đầu rồi nhắm mắt, dâng hương lên cao quá trán, lẩm nhẩm gì trong miệng. Tôi ngó ra sân, vẫy gọi con vào thắp hương cho ông ngoại. Cu Đản hăm hở chạy đến, bị chồng tôi ngăn lại, nó ngây thơ hỏi:
- Ông ngoại của Đản mà?
Tôi tưởng ý chồng bảo con còn nhỏ nên cứ phiên phiến là được, bèn giải thích pha chút tự hào:
- Đản biết giỗ ông từ năm trước đấy!
Không ngờ chồng tôi đáp, giọng như đang đe dọa:
- Từ nay về sau không được đứng trước bàn thờ ông nữa.
Tôi thảng thốt, quai hàm như bị ai bóp chặt. Trương Nghĩa lại lạnh lùng nói tiếp:
- Dắt nó ra ngoài, tôi có chuyện muốn nói với thầy.
Tôi tự trấn an mình, dỗ con ra sân tiếp tục trò chơi ban nãy. Chợt nhớ mâm cỗ nhỏ còn thiếu ấm chè, tôi vội đi pha rồi mang vào nhà, không ngờ nghe được câu mà chồng tôi đang nói khẽ:
- Thầy ạ, thằng Đản là nỗi nhục!
Chiếc ấm trên tay tôi rơi xuống đất, nước sôi tạt vào chân mà tôi chẳng thấy đau.
Trương Nghĩa quay sang nhìn tôi, nét mặt thoáng ngỡ ngàng. Tôi giương đôi mắt phẫn nộ nhìn ông ta qua làn sương mờ mịt:
- Ông có gì không hiểu thì hỏi tôi, không vừa lòng thì đánh tôi, cớ gì ở đây dằn vặt vong linh của thầy tôi?
Người trước mặt tôi như hóa đá, tôi nghe tiếng mình mà ngỡ như của ai xa lạ:
- Ông đâu phải biết tôi ngày đầu, sao lại nghĩ thằng Đản là con của cậu Quân?
Nước mắt cứ thi nhau tuôn khiến tôi không thấy rõ mặt chồng, chỉ nghe từng tiếng rít qua kẽ răng:
- Tôi ước gì có thể chứng minh nó là con hoang để đường hoàng mà viết thư thôi vợ!
Tôi lấy hết sức lực tát ông ta một cú mạnh như trời giáng rồi vùng chạy ra ngoài.
Gió từ sông thổi lên lồng lộng làm tóc tôi rối bời. Tôi mặc kệ, cứ gào khóc thật to cho thỏa cơn ấm ức. Từng gương mặt lướt qua trong đầu, là nụ cười hiền của mẹ chồng tôi, là khóe môi cong cong ngày đầu tôi gặp chồng, là đôi mắt thầy tôi vuốt mãi mới khép mi, là muôn mặt những kẻ lạ quen trên chợ huyện… Phải chăng tôi đã quá ngây thơ, không biết miệng đời có thể cay độc thế nào? Tôi biết rửa làm sao cho sạch, để chồng tôi xóa mối nghi ngờ, để con tôi một lần được nhận cha? Thầy tôi ở suối vàng có biết nỗi oan của con gái, hay cũng đang nhục nhã không dám về với tổ tiên? Phải chăng thân đàn bà lúc bụng mang dạ chửa côi cút một mình mà trót nhận sự giúp đỡ của người khác cũng là có tội?
Tôi cứ khóc cho đến khi mệt lả, bầu trời cũng nhá nhem. Sắp đến giờ cơm chiều, chắc là con tôi đang đói lắm! Nhưng về nhà rồi mẹ con tôi biết sống tiếp thế nào đây? Tôi nhìn những cơn sóng nhẹ vỗ vào bờ đê, chợt nhớ chuyện ai kể ở làng bên có đôi nhân tình dan díu bị người ta dìm chết, tự dưng thấy rờn rợn, lại thấy hay hay. Người ta nói từ lúc đấy đến giờ không ai nhìn thấy họ nên chắc họ không oan ức gì. Bây giờ, nếu tôi chết rồi hiện hồn về báo oán, hẳn là mọi người sẽ tin tôi trong sạch chứ, sẽ cho con tôi một danh phận rõ ràng chứ? Ý nghĩ ấy như đốm lửa không ai thổi mà cứ lớn dần lên, tôi bước đi như người mộng du, cảm giác lành lạnh do nước phủ vây dâng lên từng chút, đến chân, đến đùi, rồi ngang ngực. Vẳng đâu đó có tiếng ai gọi “Thục ơi”, nhưng tôi không nghe rõ, cứ tiến về phía trước. Lớp bùn dưới đáy sông cuộn lấy chân tôi như muốn bảo tôi hãy tan vào trong nó, rồi mặt sông sẽ lại phẳng lặng thôi. Bỗng từ sau vang lên tiếng kêu xé lòng:
- Mẹ! Mẹ đừng bỏ Đản!
Ngoảnh lại nhìn, thấy con, tôi liền sực tỉnh, tìm cách quay lại vào bờ. Chẳng ngờ hụt chân, cả người tôi chìm trong biển nước. Nước xộc vào mũi, vào miệng, tôi cố vùng vẫy, tìm chỗ bám víu trong vô vọng. Tôi cứ thế chìm dần…
Trong đầu tôi hiện ra hình ảnh đứa con bé bỏng của tôi đang òa khóc vì bị người ta đánh mắng. Không… Không được! Dẫu tủi nhục đến mực nào, ngày nào tôi còn sống, đừng hòng ai đụng đến con tôi! Tay chân tôi quờ quạng mãi mà không bám được vào hòn đá hay nhánh cây nào cả.
Có tiếng ai hò vẳng lại phía cuối sông:
“Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng?”
Tôi không thể chết! Tôi không muốn chết!
***
Tôi tỉnh lại giữa một căn phòng vừa lạ vừa quen.
Mở mắt ra nhìn thấy cậu ba Quân, tôi thét lên như gặp ma, kéo chăn lùi sát vào góc giường. Cậu nhìn tôi trân trối:
- Mày té đập đầu xuống đáy sông nên giờ mất trí rồi à Thục?
Tôi cố nhớ lại chỉ thấy đầu rất đau, miệng lắp bắp:
- Cậu cứu con, con mang ơn cậu. Nhưng mà… nhưng mà… con ở đây, người ta sẽ lại độc mồm…
- Độc mồm thế quái nào nữa? – Cậu cười khẩy. – Giờ làng trên xóm dưới có ai không biết cái Thục chết oan?
Hóa ra, cậu ba âm thầm cứu tôi rồi giấu biệt. Cậu còn cho người xõa tóc rũ rượi hàng đêm ở bờ sông, khiến ai nấy cũng tin tôi hàm oan mà chết.
- Người đó… có phản ứng gì không? – Tôi hỏi bâng quơ.
- Nó khóc rống rồi lập đàn tế mày suốt mấy ngày đêm, miệng không ngừng kêu lớn là đã hiểu lầm mày, đòi sống đòi chết xin mày trở về với nó.
Hình dung dáng vẻ ấy trong đầu, không biết phải cười hay phải khóc, tôi tìm chuyện nói tránh đi:
- Cậu đang ăn chay hay sao mà miệng mồm không chua ngoa nữa? Con tưởng con nghịch dại thế này sẽ bị cậu mắng một trận to.
Ánh mắt cậu công tử con quan nhìn tôi rất lạ kỳ. Hồi lâu, cậu bước ra ngoài, đến cửa mới bỏ lại một câu:
- Cậu đợi mày khỏe đã.
***
Nằm trên giường bệnh, tôi cứ nghĩ mông lung mãi. Con tôi còn bé quá mà mẹ nó chẳng biết làm sao để gia đình mình đoàn tụ. Mấy lần tôi ngỏ ý muốn về nhà vì giờ chồng tôi đã rõ tâm vợ trinh bạch thế nào, cậu ba liền gạt phắt đi:
- Nó tin mày oan vì mày nhảy sông tự tận để tỏ lòng. Giờ nó biết mày còn sống, khác nào bảo nó nghĩ mày giả oan giả ức?
Cậu nói cũng có lý. Tốt hơn hết là để mọi người xem con Thục đã chết rồi, để chồng tôi nhớ về vợ với tất cả yêu thương trọn vẹn không gợn chút hoài nghi. Duyên vợ chồng nếu vẫn còn ắt ông trời sẽ có cách để chúng tôi trở lại bên nhau, không kiếp này thì kiếp khác. Đợi một thời gian nữa mọi việc lắng xuống, tôi sẽ tìm cách đón cu Đản về. Nghĩ thế, tôi thấy vơi ít phần tủi thẹn, yên lòng ở lại trong ngôi nhà nhỏ mà cậu ba chuẩn bị ở ngôi làng cách chốn cũ rất xa.
Thấm thoát, mấy tháng đã trôi qua. Tôi nhớ con đến cháy lòng, bèn lén về thăm, chỉ đứng trông từ xa thôi cũng thỏa. Sụp nón che mặt vì sợ gặp người quen, tôi lội hết mấy cánh đồng, mái ấm thân thương thuở nào đã thấp thoáng giữa những rặng tre. Nép mình trong chỗ khuất, nhìn ra thấy con nhỏ đang ngồi một mình ngoài sân, tôi cắn chặn môi để không lên tiếng gọi. Con tôi đã cao thêm, tóc cũng dày hơn, da thịt hồng hào thơm như lúa non giờ đã sạm đi chút ít vì cháy nắng. Tôi muốn bước đến ôm con vào lòng mà hôn hít nhưng cố kiềm lòng, tay bấu vào lá tre, bị cứa một đường đau điếng. Khi ngó lại, sân nhà cũ của tôi đã có bóng người đàn bà nào xa lạ.
Chồng tôi từ trong nhà sải bước ra, đôi trai gái nhìn nhau mỉm cười, ánh mắt đong đầy tình ý.
Hóa ra là vậy!
Mọi sự băn khoăn từ bấy đến nay bỗng trở nên sáng tỏ.
Tôi nén cười đến vai run bần bật.
Nào tình sâu nghĩa nặng, nào chung thủy sắt son. Người khiến tôi mang tiếng lăng loàn hóa ra chỉ để che đậy chuyện thay lòng đổi dạ!
***
Tôi không nhớ mình làm cách nào trở về nơi mình đang sống. Tôi bước đi trên đường mà không thấy sức nặng của đôi chân, nhúng tay vào nước mà không biết là ấm hay là lạnh. Ngồi bệt trên nền đất, lưng tựa vách, tôi cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi xem rốt cuộc tại sao lại đến nỗi này. Đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện thường tình, nếu ông ta có người nâng khăn sửa túi buổi đường xa thì cứ đưa về, sao phải gây chuyện đến nhà tan cửa nát? Hay vì cô gái kia hoa nhường nguyệt thẹn, bên gối nhỏ to không cam làm lẽ, không muốn sống cùng với con chồng? Như thế… bé Đản của tôi làm sao sống ở ngôi nhà ấy được? Lúc con tôi đau, con tôi đói, làm sao ả ta biết xót thương?
Hết tưởng tượng này đến suy nghĩ khác kéo đến trong đầu, tôi không biết mình đã ngồi như thế bao lâu. Cậu ba Quân đến, hốt hoảng thấy tôi như cái xác, lôi tôi dậy, nhưng tôi không đứng vững, cứ lả đi. Cậu để tôi tựa vào lòng, khẽ hỏi:
- Thục! Nói cậu nghe, có chuyện gì?
Tôi cố hết sức níu lấy vạt áo cậu, thành khẩn van nài:
- Cậu tìm mọi cách giúp con đón con của con về. Con lạy cậu!
Nói ra rồi như trút được gánh nặng ngàn cân, tôi ngất đi trong tiếng gọi đầy lo lắng của cậu ba. Mơ màng nhớ lại, tôi đã từng nghe tiếng gọi thê lương ấy giữa bốn bề sông nước.
***
Tôi không buồn hỏi cậu ba đã làm gì để mang cu Đản về cho tôi. Sáng hôm ấy tôi nghe tiếng con trẻ gọi lanh lảnh ngoài sân, vội vã chạy ra, chân nọ cứ quấn chân kia. Mẹ con tôi ôm nhau mừng mừng tủi tủi.
- Mẹ không được bỏ Đản đi nữa, mẹ hứa đi!
- Ừ, mẹ hứa! – Tôi vùi vào tóc con hôn hít.
Quãng thời gian đầu, mẹ con tôi sống nhờ bạc và thức ăn, đồ dùng cậu ba Quân tự mình mang đến. Căn nhà này cậu dựng ngoài nơi ở cho mẹ con tôi còn có một góc nhà kho cho cậu. Mỗi lần cậu đến chỉ nói bâng quơ vài câu với tôi rồi rúc vào chốn ấy, cu Đản đi tìm cậu thì hai người một lớn một nhỏ không ra khỏi cửa suốt từ sáng đến chiều, tôi có bưng cơm đến, cậu cũng bảo đặt ngoài cửa rồi cậu sẽ dùng. Tôi lại ủ rượu, làm nem mang lên chợ bán, dần dần đã đủ tiền mua gạo mua thịt nấu luôn phần của cậu. Tôi tự xem đó như một cách trả lại cái ơn mà cậu đã đùm bọc mẹ con tôi, dẫu chẳng thấm vào đâu. Đôi lần cậu ra khỏi kho mà ngồi ăn trên nhà chính, gắp một đũa bỏ vào mồm cậu lại đùa:
- Người xưa tần tảo nuôi chồng ăn học đến ngày đỗ đạt còn mày nuôi cậu luyện tay nghề đến lúc thành danh. Chừng thành ông chủ lớn có xưởng điêu khắc mở khắp kinh đô, cậu sẽ cho mày vẻ vang hơn cả bà Trạng nguyên, Thục nhé!
Tôi đã quá quen với những câu cợt đùa của cậu nên chỉ cười trừ, nhưng cu Đản thì tò mò ra mặt:
- Bà Trạng là vợ ông Trạng nguyên hả cậu?
- Ừ! To lắm! Giàu lắm đấy!
- Đản cũng muốn làm Trạng nguyên, Đản cưới vợ đẹp về hầu mẹ!
Tôi há hốc mồm, nhìn con rồi lại quay sang nhìn ông chủ cũ:
- Cậu đã dạy gì cho nó? – Giọng tôi ít nhiều đe dọa.
- Mày yên tâm! Cậu cam đoan thằng Đản lớn lên sẽ thông minh, tháo vát, hào hoa phong nhã y như cậu vậy. – Cậu nhăn nhở cười đầy kiêu hãnh.
Mắt tôi cụp xuống khi nghe đến hai chữ “hào hoa”. Lòng tôi đã bị cái sự phong lưu của đàn ông biến thành gỗ đá, tôi không muốn sau này con tôi lại khiến một cô gái nào phải khóc một đời.
- Đản muốn lớn lên giống cậu, chỉ thương mỗi mẹ thôi! – Con tôi nói như reo.
Cậu ba tít mắt cười hưởng ứng. Tôi thở hắt ra, gắp thêm thịt vào chén con rồi ăn vội cho xong.
***
Thấm thoát hơn một năm đã trôi qua, cậu ba Quân giã từ mẹ con tôi để mang tượng đá lên kinh đô bán. Ông bà lý giờ cũng không phản ứng gay gắt như xưa nhưng cậu vẫn muốn chứng minh mình có thể tự tạo dựng việc làm ăn nên trò nên trống. Cu Đản cứ bám lấy chân cậu chẳng cho đi, cậu phải dỗ dành:
- Đản ngoan nào! Để cậu đi, chừng nào giàu to cậu sẽ mua một xe mứt hồng về cho mày ăn thỏa thích!
- Thật ạ? Cậu hứa đi! – Đản vui mừng ôm cổ cậu.
- Cậu mày có nói dối bao giờ? – Cậu ngoéo lấy ngón tay út của con tôi, cam kết một lời chắc nịch. – Nhưng mày cũng phải hứa với cậu một điều!
- Điều gì ạ?
- Có thằng nào bén mảng đến đây mày phải dọa nó chạy mất, không được để mẹ mày lấy chồng khác, phải đợi cậu về, hiểu không?
Tôi dúi bọc vải vào tay cậu:
- Nem con gói đấy. Cậu mang theo đi đường cho đỡ rỗi mồm kẻo nói linh tinh!
Cậu nhăn nhở cười mấy tiếng rồi bước lên xe rời đi. Con trai tôi vừa vỗ ngực vừa la với theo inh ỏi:
- Cậu cứ yên tâm! Đản sẽ giữ lời hứa! Đản là đàn ông mà!
Tôi nhìn theo xe ngựa khuất dần phía cuối đường, tiếng lộp cộp vó ngựa gõ trên đá như lẫn trong lời cậu nói hôm báo với tôi cậu muốn ra đi:
- Sau bấy nhiêu năm, mày vẫn nghĩ cậu là kẻ đào hoa chắc?
***
Cu Đản sắp lên năm, tôi gửi con lên học với ông thầy đồ trên huyện. Trước đó thằng bé đã được cậu ba Quân dạy cho ít chữ nên học nhanh hơn chúng bạn, rất hay được thầy khen. Mỗi lần như thế, nó về đến nhà chân chưa chạm ngõ tiếng đã rộn ràng khoe với mẹ khiến mọi nhọc nhằn của tôi như tan biến hết. Đời tôi xem như chẳng còn gì nữa, chỉ mong con trẻ có một tương lai tươi sáng, ngẩng mặt nhìn đời.
Thương mẹ, thằng bé càng lớn càng ngoan. Ngoài những khi đi học và đọc sách, nó phụ tôi mọi việc trong ngoài. Mang nặng không than, té đau không khóc, tôi xót con ôm vào lòng dỗ thì bị nó đẩy ra:
- Cậu ba nói Đản là nam nhi, phải mạnh mẽ để bảo vệ mẹ!
- Nhưng mà mẹ là mẹ của Đản, Đản khóc với mẹ thì không có gì hổ thẹn, hiểu không? – Tôi vuốt tóc con.
Được lời như cởi tấm lòng, trang nam nhi trong vòng tay tôi trở về làm cậu bé con, mắt bỗng hoe hoe đỏ:
- Đản nhớ cậu ba quá… Khi nào cậu mang mứt hồng về mẹ nhỉ?
Tôi phì cười, lại không biết trả lời câu hỏi ấy thế nào nên chỉ siết chặt con hơn một chút rồi đặt một nụ hôn lên trán trẻ. Nó đi học nghe bạn bè kể về thầy mẹ mà không nhớ con người bội bạc ấy, hẳn là may…!
Những lúc rỗi việc, Đản còn thích trò đẽo đá. Tay nó còn nhỏ và yếu nên chẳng ra hình thù gì rõ rệt nhưng tôi vẫn khen lấy khen để. Có một hôm con khoe với tôi một bức tượng nhỏ tạc một đôi nam nữ đứng cạnh nhau, sau lưng còn viết hai câu thơ nhỏ.
- Mẹ có biết hai câu này có ý gì không? – Con trai tôi hào hứng.
- Đây là tên mẹ, phải không? – Tôi trỏ vào một chữ học được lúc ở phủ ông lý.
- Đúng ạ! Còn đây là tên của cậu ba! – Cu Đản chỉ vào chữ đầu tiên dòng bên cạnh.
Tôi biết. Tôi cũng đã thấy bức tượng thế này, hai câu thơ giông giống như vậy ở nhà kho mà không dám hỏi. Ngồi bên cạnh, con trai nhỏ của tôi hăm hở đọc to:
“Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu.”
IV.
“Những người mang mệnh biệt ly
Nhân duyên nào hẹn đúng kỳ mà mong?”
Một hôm, người nhà ông lý đến báo với tôi rằng cậu ba Quân ở kinh đô gặp nạn. Nghe nói việc buôn bán của cậu ở Thăng Long rất thuận lợi, sắp mở được một cửa hiệu to. Không ngờ, ông huyện trước theo đuổi tôi giờ đã thành quan lớn, vô tình thấy tượng cậu khắc rồi điều tra ra đến hình người hóa đá trên mỏm núi năm xưa, biết cậu đặt điều dối trá nên vu cho tội khác rồi giam vào ngục. Tôi vội chạy đến phủ lý, chỉ có bà lý trưởng mẹ cậu ở nhà, thầy cậu sớm đã lên kinh tìm cách cứu con. Tôi cũng là một người mẹ, nhìn bà lý hốc hác, mắt thâm quầng vì thương con, tôi chỉ biết sụp xuống lạy:
- Thục à! – Bà nâng tôi dậy. – Ông bà thương mày như con gái nên mới lo việc cưới gả đàng hoàng. Ông bà cũng biết cậu thương mày nên bấy lâu nhắm mắt làm ngơ. Nhưng ông bà chỉ có một mụn con trai… - Bà bật khóc. – Nó có việc gì, chắc bà không sống nổi…
- Tất cả cũng chỉ vì cậu muốn giúp con. Con xin được chịu tội với quan trên để đón cậu về! – Tôi gục đầu sát đất.
- Ông mày đã đi gặp quan lớn, chắc sẽ không sao… - Bà liên tục lau nước mắt. – Nhưng khi cậu mày về, mày làm phước khuyên cậu lấy vợ, để ông bà còn có cháu ẵm bồng.
Lời bà nói như tiếng sấm nổ ngang tai.
Thời gian qua tôi chỉ nghĩ đến nỗi khổ của mình, cảnh ngộ của mẹ con mình mà nhận sự quan tâm của cậu như một lẽ dĩ nhiên. Tôi tự nhủ rằng cậu chỉ lấy tôi làm cái cớ để có nơi tập trung mà luyện nghề cho tinh xảo. Thậm chí, đã có lúc tôi nghĩ nếu cậu bắt tôi đền ơn bằng cách làm tì thiếp cho cậu cũng không sao, lòng tôi sớm đã chết rồi! Tôi đã quên mình cũng là người, tim cũng là máu thịt, cũng từng vì sợ phải chịu cảnh chồng chung mà kiên quyết xem cậu như người anh lớn. Cậu thông minh như thế, trông chừng tôi nhiều năm như thế, cớ gì không hiểu được tâm sự của tôi? Đã hiểu rồi, cậu làm sao nỡ để tôi cam phận lẽ? Bấy lâu nay tôi yên tâm để cậu ở cạnh mình chẳng phải vì cậu ấm phong lưu ngày nào đã luôn rất đường hoàng giữ lễ với tôi sao?
Càng nghĩ tôi càng thấy lòng bức bối. Trong những nguyên nhân khiến cậu kiên quyết tạo dựng xưởng nghề cho riêng mình, không chấp nhận làm đứa con ngoan suốt đời vâng lời thầy mẹ, có lý do nào mang tên con ở khốn nạn tôi không?
Tôi ở lại phủ lý vài ngày đợi tin và thay cậu chăm sóc mẹ. Cũng ngôi nhà này, cũng mái ngói nọ, cũng khoảng sân kia, ngày nào vô tư nói nói cười cười, giờ mỗi phận đời đã trôi sang hướng khác. Hai người đã bên nhau từ lúc ấu thơ rồi có người kia trong mỗi thăng trầm ngày khôn lớn, nhưng khoảng cách giữa chúng tôi càng lúc càng xa. Tôi từ con ở thấp hèn thành kẻ bị chồng chê đèo bòng con mọn, cậu từ công tử trác táng thành trang râu mày đĩnh đạc vững chãi như bách như tùng. Thục, mày đã nghĩ gì mà tự cho mình cái quyền quấn chân làm mất thì giờ của cậu bấy lâu nay?
Bà lý đi chùa lễ Phật xin cho con trai được tai qua nạn khỏi, tôi cũng theo hầu, không quên đội khăn che kín mặt để người làng khỏi nhận ra. Nhìn lên đấng Thế tôn, tôi thầm khấn xin đổi mười năm tuổi thọ mình lấy sự bình an cho cậu. Tai vạ này cũng vì tôi, chỉ cần cậu trở về, tôi nguyện đưa con đi thật xa, không làm lụy đến những người quan tâm tôi.
Về đến đầu thôn, bà lý muốn mua ít ô mai nên dừng ở hàng chợ ven sông. Tôi biết cậu ba Quân rất thích món này, hẳn là bà mua sẵn đợi con về. Trước tôi có tự tay làm cho cậu và cu Đản nhưng đến non nước này, tôi chỉ dám im lặng đứng đợi bà. Gánh hàng cạnh bên, có cô gái đang mặc cả. Lúc cô quay lại, tôi thoáng sững sờ vì gương mặt ấy rất quen. Bà lý vừa mua hàng xong, bước ra đã thấy cô gái nọ, bà lên tiếng gọi:
- Mận!
- Ơ… thưa bà! – Cô kia thoáng ngạc nhiên. – Bà đi đâu mới về ạ?
- Bà đi chùa xin Phật Trời phù hộ cho cậu mày. – Bà lý thở dài.
- Chết chửa? Cậu con bị làm sao?
Tôi đứng một bên, mắt nhìn bâng quơ mây trời nhưng câu chuyện của bà lý và cô Mận cứ trôi cả vào tai. Hóa ra cô ta trước cũng là kẻ ăn người ở trong phủ lý, sau được cậu ba làm mối cho một anh học trò ở làng bên. Mẹ cậu gặp được người quen cũ, bao nhiêu âu lo muộn phiền mang ra trút hết nhưng tuyệt nhiên không nhắc gì đến ngôi sao xấu tôi đây. Mãi đến khi chúng tôi và cô gái kia đã đi về hai hướng, tôi mới xin phép bà quay lại mua ít đồ khi nãy đãng trí nên quên. Bóng người chủ cũ vừa khuất sau mái đình, tôi ba chân bốn cẳng chạy như ma đuổi về hướng cô ả tên Mận đã đi.
Đời này tôi chẳng bao giờ quên được gương mặt đó!
Cô ta không nhận ra tôi, phần vì chưa gặp bao giờ, phần khác vì tôi đang che kín mặt. Ngược lại, tôi vừa nhìn đã biết đó chính là nụ cười tôi từng thấy khi nép mình sau bụi tre nhìn về căn nhà cũ, nụ cười rực rỡ như ánh nắng khi đón nhận ánh mắt long lanh tình ý của chồng tôi. Tôi cứ chạy mãi một hồi thì thấy dáng người mảnh mai đang bước nhanh trên con đê dài trước mặt. Bất giác tôi chẳng biết phải làm gì nữa, cứ đứng chôn chân nhìn theo cô ả. Cuối con đê bên kia là hàng rào tre nhỏ, từ trong nhà, một người đàn ông sải bước ra đỡ lấy chiếc rổ nặng đầy những rau củ, thịt cá. Đầu tôi như có ai đó giáng mạnh một cú, mơ mơ hồ hồ chẳng hiểu gì, cô gái này không phải là tình nhân của Trương Nghĩa hay sao?
Cứ ngỡ tim đã sắt đá khi nghĩ đến chuyện xưa, chẳng ngờ chỉ chút hoài nghi thế này đã khiến bụng tôi ngứa ngáy như có nghìn con kiến đang bò rồi cắn phá lung tung. Nếu như cô gái nọ không như tôi nghĩ, biết đâu gia đình tôi vẫn còn cơ may sum họp? Tôi vừa đi vừa cố nghĩ, thoắt cái đã trở về nhà cũ, cái mừng vụn trộm, cái lo chính đáng cứ đánh nhau đến rối tung beng. Đã đến đây rồi chả nhẽ không vào, mà vào thì biết ăn làm sao, nói làm sao cho xuôi? Tôi tiến rồi lùi, lùi rồi tiến ngoài đầu ngõ hết cả một ngày. Cuối cùng tôi chợt nhận ra Trương Nghĩa vắng nhà, vì trước sau không thấy bóng người, cửa lại đóng kín im ỉm. Nghĩ thế, gan tôi bỗng to ra, tôi bèn tự lẻn vào nhà mình thuở trước, biết đâu sẽ tìm thấy câu trả lời cho nỗi thắc mắc đang cào xé trong lòng.
Đồ đạc trong nhà vẫn nguyên vị trí cũ. Tôi đưa mắt tìm xem chồng mình có thờ cúng mình chu đáo không nhưng chẳng thấy gì. Cái sự vui mừng len lén bị ai tạt cho một gáo nước lạnh, tắt ngúm.
Đến bây giờ mày vẫn còn ngu lắm, Thục à, dù không phải cô gái kia thì cũng sẽ là người đàn bà khác, người ta sớm đã quên rồi.
Rồi tôi chợt nhớ đến thầy tôi. Không có tôi ở nhà, biết thầy có được hương khói đủ đầy hay chịu cảnh bụi bám nhện giăng? Tôi đưa mắt nhìn lên bàn thờ, há hốc mồm vì thấy nén hương vừa lụi, cạnh bên còn có một ít hoa. Tôi kiễng gót nhìn kỹ bài vị thầy, đập vào mắt tôi là một vật vừa lạ vừa quen. Trái tim bỗng đập thình thịch trong lồng ngực, tôi nín thở, run run cầm lên xem thử. Vật ấy màu đen bóng, phía trên đầu có chạm nổi một gốc cây tùng uốn lượn, lá sum sê, bên cạnh là một mái cổ đình thấp thoáng dưới mây trời. Mấy ngón tay của tôi như không còn sức, mãi mới xoay được phần đáy lên xem. Vết nứt năm xưa do tôi bất cẩn đánh rơi làm thầy và anh trai tôi giận dữ vẫn còn nguyên vẹn.
“Tùng à, đây là nghiên mực thầy đổi bằng chục đấu gạo đấy, cố mà học cho hay chữ nhé!”
“Thục, lại mài mực giúp anh nào!”
“Khi nào thấy nó về thầy mới yên tâm nhắm mắt...”
Góc nghiên bị mẻ như mũi dao cắm vào tim, càng lúc càng sâu, tôi tưởng như ai đang siết chặt cổ mình, không thở nổi. Đây là món quà mà anh trai tôi quý nhất, lúc trốn khỏi nhà anh đã mang theo, sao giờ lại...
Có tiếng nói cười văng vẳng, tôi hoảng hốt đặt nghiên mực vào chỗ cũ, vội vội vàng vàng trốn khỏi nhà. Tuy không rõ tại sao nhưng tôi không dám đối mặt với chồng ngay lúc này, tôi cứ bịt chặt hai tai, lắc mạnh đầu, đi mãi. Trời bắt đầu nổi cơn giông, gió và mưa quất vào mặt tôi đau điếng.
Có lẽ vì thói quen thấy bóng quan là chạy bay biến của năm xưa, tôi vô thức đi đến chỗ mỏm đá có bức tượng cậu ba Quân đã tạc. Trước mặt không còn đường để đi nữa, tôi ngồi thụp xuống, mặc bao ý nghĩ trong đầu thi nhau làm loạn.
Năm ấy, Trương Nghĩa sắm vàng mã cho cô bé mất cùng ngày anh tôi bỏ trốn.
Sau lần thấy vết sẹo ở gáy tôi, chồng tôi đã một mực tòng quân, lên đường rồi đi mãi chẳng chịu về nếu như không bị người làm của cậu ba bắt gặp, thậm chí còn nhờ người đến báo tử khiến mẹ tôi không chịu nổi mà qua đời.
Từ lúc trở về, chàng nhất quyết không gần vợ, cư xử khi này khi khác, nhìn thấy con trai của chúng tôi cứ như thấy vật gì ghê tởm đáng khinh.
Chỉ vì một mối nghi ngờ nhỏ, chàng lớn tiếng xua đuổi vợ, tìm đủ mọi cách để tôi không chịu được mà bỏ đi.
…
Những điều xưa kia tôi cho là vô lý giờ bỗng nhiên trở nên rõ ràng, từng việc từng việc một nối tiếp nhau, phơi bày một sự thật trời đất khó dung tha. Tôi cắn chặt răng, tay đấm mạnh xuống nền sỏi đá, nhớ lại dáng vẻ bất lực ngày nào của chồng tôi. Cái đau quặn từng cơn ở bụng, lan lên ngực rồi nghẹn lại thành cục nơi cuống họng. Tôi ngước mặt nhìn lên ông Trời, hét lớn.
Sấm đùng đoàng. Chớp sáng choang từng tia như rạch bầu trời thành ngàn mảnh.
Trời không dung, đất không tha!
Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh cu Đản ngã từ cây xuống, máu me bê bết; Trương Nghĩa ôm đầu rên rỉ như van xin Trời đừng trách tội con tôi.
Tôi không biết mình đã gào thét bao lần, chỉ thấy càng lúc nỗi uất hận càng dâng cao. Ông có giỏi thì đánh xuống đầu tôi một nhát đây này, đừng hù dọa nữa, đừng trêu cợt nữa!
Đúng lúc tôi thấy hẫng hụt dưới chân, cả người tôi bị ai đó ôm siết, kéo mạnh vào trong. Người ấy không buông ra, tôi cũng không giãy giụa, giữa cái lạnh giá thấu xương, hơi ấm kia bỗng trở nên quý giá. Nhưng rồi, tôi cố hết sức đẩy mạnh cậu ra:
- Đừng đụng vào tôi, bẩn lắm!
Tôi ngồi bó gối thu lu vào một góc, cảm nhận từng giọt nước mưa quất vào người. Nỗi nhục trái luân thường đạo lý này tôi biết rửa mấy cho sạch được.
Cậu ba Quân loay hoay một đỗi cũng tìm được cách kéo tôi lại gần, tay cậu ngập ngừng vuốt nước mưa trên mặt tôi, khẽ nói:
- Yên nào, cậu biết lâu rồi. – Dừng một chút, cậu nói tiếp. - Cậu về nhà nghe bà nói mày đã gặp con Mận nên chạy đi tìm.
Câu nói của cậu là lời xác nhận, cũng là lời định tội nặng nề nhất. Chút hy vọng cuối cùng tan biến, tôi cười gằn từng tiếng, rồi cười dài một tràng, thanh âm vang vào đá vọng giữa gió mưa.
- Tôi là trò cười cho cậu phỏng? Các người thấy thế là vui lắm phỏng?
Cậu mặc tôi dùng hết sức đấm vào ngực cậu, im lặng nhận hết mọi lời nhiếc mắng của tôi. Từ trên trán tôi rơi xuống một giọt nước mưa âm ấm.
Khóc mệt, trách mệt, tôi thều thào hỏi:
- Cậu biết từ lúc nào, sao không nói ra để con ngu ngốc mãi?
Người kia không đáp, tôi bèn hỏi tiếp:
- Ông Nghĩa trở về là do bị cậu ép phải không?
Ánh mắt đang nhìn tôi liền lảng đi nơi khác. Cậu cúi mặt, quai hàm siết chặt mấy lần mới thốt được nên câu:
- Cậu tự cho mình thông suốt, bảo Trương Nghĩa là thằng đàn ông phải có trách nhiệm với việc mình làm, nó có bỏ mẹ con mày chạy đến phương trời nào thì cũng không thay đổi được sự thật. Chi bằng cứ vờ như không biết gì cả, tiếp tục sống bên nhau, ít nhất thằng Đản còn có đủ cha mẹ. Lúc đó, nó quyết tâm lắm, còn vừa khóc vừa thề với cậu sẽ mang hạnh phúc đến cho mày, cậu cứ nghĩ mọi việc thế là ổn thỏa.
Tôi nghe từng lời cậu nói, nước mắt cứ chảy dài.
- Cậu và nó đều không ngờ rằng quyết tâm trong lúc xúc động dâng cao là một lẽ, ngày qua ngày đối diện và chịu đựng hậu quả của quyết tâm ấy lại là lẽ khác…
Tôi đưa tay ngăn cậu đừng nói nữa, đầu lắc không ngừng.
Kẻ đến giờ mới rõ mọi sự như tôi còn đau đến nát lòng thì người tỏ tường mọi việc từ lâu nay đã sống thế nào?
Đối mặt với tôi và con trai một năm ròng.
Người đã sống thế nào…?
***
Tôi từ biệt gia đình ông lý, dẫn con trai đến một nơi thật xa thấm thoát đã bốn năm. Cậu ba Quân hiểu ý nên không giữ cũng không đi tìm tôi nữa. Bây giờ tôi chỉ có một ao ước là con tôi cứ hồn nhiên mà khôn lớn, mãi mãi không biết gì đến nỗi đau của thầy mẹ. Do vậy, tôi buộc mình không được ủ ê, phải bắt đầu cuộc sống mới ở một nơi chẳng ai quen biết. Ngày ngày tôi mang hàng lên chợ bán, chiều về lại tất bật làm nem, ủ rượu cho đến tối nên cũng chẳng có nhiều thời gian nghĩ ngợi vẩn vơ.
Những năm đầu tiên, đêm dài là quãng thời gian khó khăn nhất, cứ nhắm mắt lại, gương mặt đau đáu nhớ con của thầy tôi lại hiện ra, thầy trách tôi sao lại để anh tôi đi mất rồi vô tình gây cảnh trái ngang, để thầy trông cháu mà ngập ngừng không biết nên gọi cháu nội hay cháu ngoại. Tôi có mọp lạy đến sưng vêu cả trán, thầy cũng chẳng thứ tha, quyết không nhìn cháu vì tủi hổ. Có hôm tôi mơ thấy đi giữa chợ làng bị người vây quanh phỉ nhổ thân mình nhơ bẩn, giữa đêm vùng chạy ra giếng dội nước lên người, báo hại sáng hôm sau đổ bệnh khiến con tôi lo sốt vó. Nhìn bàn tay thơ trẻ run run bưng siêu thuốc cho mẹ mà suýt bỏng, tôi giận mình yếu bóng vía, lo những chuyện không đâu mà làm khổ con thơ. Giữa nơi tứ cố vô thân, tôi là chỗ dựa duy nhất của con, tôi không thể ngã xuống được. Từ ấy, con Thục vốn nhu nhược yếu hèn dần mặt dạn mày dày ngay cả trong giấc mộng, bỏ ngoài tai mọi lời sỉ vả, sống lưng mỗi ngày một thẳng. Đến khi nhìn lại, ở nơi này chẳng ai biết về tôi để mà lời ra tiếng vào, tôi cười mình đã lo chuyện không đâu. Cuối cùng những giấc mơ chỉ còn lại cơn giận của thầy tôi, nhưng tôi sớm đã quen rồi nên không còn giật mình thức giấc.
Ngày ra đi, tôi xin cậu ba giữ kín chuyện tôi đã biết sự thật, nhờ cậu báo với Trương Nghĩa rằng tôi giận chồng bạc bẽo nên đồng ý theo cậu về làm lẽ. Ban đầu cậu không đồng ý:
- Cậu nghĩ nếu không thể quên thì bọn mày cứ đối mặt với nhau nói thẳng hết mọi việc một lần. Việc gì cứ phải quanh co rồi dằn vặt nhau mãi?
- Anh em ruột thịt mà lấy nhau, có cả con, phải nói gì mới xuôi được hở cậu? Giá không có thằng Đản, con đã chết đi cho đỡ nhục rồi!
Thấy cậu ba không nói lại, tôi tiếp tục:
- Nếu biết con đã hay chuyện mà đau khổ cả đời, chắc ông Nghĩa sống chẳng bằng chết. Giờ việc duy nhất con làm được là để ông ấy tin con đã có hạnh phúc mới, để ông ấy ít nhiều thanh thản, rồi năm qua tháng lại ông ấy sẽ nguôi. Con tin ông ấy đã vui, con cũng sẽ nhẹ nhõm phần con. Đó mới là cái kết có hậu nhất cậu à…
Cậu ba nhìn mông lung, gật gật đầu tỏ vẻ đã hiểu ý tôi. Tôi gọi con đến, hai mẹ con cúi chào cậu đến đầu sắp chạm đất mới quay đi.
Sau này, thảng hoặc trong những cơn mộng mị, tôi nghe văng vẳng lời cậu hỏi nhẹ như gió ngày hôm ấy:
- Có hậu, cho ai…?
***
Thời gian quả là liều thuốc thần tiên, dẫu không thể chữa lành mọi vết thương nhưng cơn đau ngày một giảm dần, dù không đáng kể gì nhưng hôm sau chắc chắn đã ít đau hơn hôm trước.
Một hôm nọ, đương bán nem ở chợ, có người nhà của ông lý tìm đến báo tôi tin Trương Nghĩa qua đời. Tôi vội vàng dọn hàng rồi bảo cu Đản mau xếp đồ về chịu tang thầy. Nó trầm ngâm một lúc rồi ngoan ngoãn làm theo, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Những năm qua tôi không ngừng to nhỏ rằng thầy rất yêu con, nhưng thầy có những tâm sự riêng không thể giãi bày được nên mới cộc cằn như thế, thật ra thầy rất đáng thương, mẹ con mình không thể ở cạnh để chia sẻ thì cũng không nên oán trách làm gì. Ban đầu nó không đồng ý, nhưng nghe tôi nói mãi, nó dần chấp nhận, có khi còn khoe với bạn bè rằng nó có một người thầy từng ra trận giết giặc rất anh hùng, rất yêu thương nó.
Đứng trước mộ người mình từng gọi là chồng, nước mắt tôi chảy dài thấm vào tấm khăn che mặt. Lần này là thật rồi…!
- Này. – Trước mặt tôi có ai chìa đến một chiếc khăn tay.
Tôi nhìn cậu, khẽ gật đầu rồi lấy khăn chùi nước mắt.
- Ông ấy còn trẻ như thế làm sao mà mất, cậu có biết không?
- Ốm. Nghe nói do khi đi lính từng trúng độc ở rừng, khi về lại không chăm sóc cẩn thận nên phát bệnh.
Khóe mắt vừa khô lại ướt đẫm, tôi đến xoa xoa đầu con trai rồi kiếm cớ vào nhà dọn dẹp. Gian nhà xưa mỗi lúc một đơn sơ, bàn thờ của thầy tôi tro tàn giá lạnh. Tôi mở tủ quần áo toan lấy y phục của ông Nghĩa mang đốt, không ngờ thấy những chiếc áo cũ năm nào của tôi vẫn nằm ở một góc, trên đó còn có chiếc rương nhỏ, tôi chợt nghe nghèn nghẹn.
Ngón tay tôi chạm vào rương mấy lần rồi rụt lại vì hơi gỗ lạnh. Mãi một lúc, tôi mới mở được chốt, nắp rương bật ra, bên trong có mấy thỏi vàng và món đồ chơi cũ của con tôi. Phía dưới cùng là một mảnh giấy nhỏ và một phong thư.
Thời gian qua, tối tối tôi thức đợi con đọc sách, được nó bày cho nên cũng biết được nhiều chữ hơn xưa. Mảnh giấy kia viết cho con trai của chúng tôi, bảo rằng đây là bổng lộc khi tòng quân thầy dành lại cho con. Tôi cầm phong thư lên xem, tay run lẩy bẩy. Nghe tiếng bước chân ở sau lưng, tôi chậm chạp xoay lại, đưa nó cho cậu ba Quân, cố kiềm nén để không òa lên khóc:
- Cậu hay chữ, cậu xem giúp con, đây có phải là thư từ hôn không hả cậu…?
Cậu ba cũng sững sờ, đón lấy bức thư, khẽ khàng mở ra đọc. Hồi lâu, cậu thả mình ngồi phịch xuống giường:
- Hóa ra bấy lâu nay nó lừa cả cậu.
Hóa ra, ông Nghĩa chẳng hề tin câu chuyện của tôi với cậu ba. Hóa ra, những năm qua ông chưa một ngày yên ổn, nhưng đã giả vờ, cũng giống như tôi, với hy vọng rằng người kia có thể nhẹ lòng hơn.
Cu Đản vào nhà tự bao giờ. Nó thấy mẹ khóc nên bước đến ôm chân tôi như an ủi. Tôi sụp xuống ôm con vào lòng thật chặt, không ngừng nói với nó:
- Đản ơi, thầy yêu Đản lắm, Đản không được quên thầy nhé!
***
Ba năm cư tang, tôi và con ở lại ngôi nhà cũ. Ông bà lý cũng lần lượt qua đời mà chưa kịp nhìn con trai thành gia lập thất. Thuở bà lý lâm trọng bệnh, tôi từng tìm lời khuyên nhủ cậu ba:
- Cậu chóng lấy vợ sinh con, biết đâu bà sẽ vui mà khỏe lại.
Cậu chỉ ậm ừ, bảo rằng mình đã lo liệu xong rồi, mẹ cậu cũng đã đồng tình.
Trong thoáng chốc, tôi nghe tim mình hẫng đi một nhịp.
Không ngờ bà chẳng gắng gượng được đến ngày vui. Trong đám tang bà, tôi thấy cậu ba Quân bơ vơ chẳng khác gì đứa trẻ, đôi mắt luôn lấp lánh vẻ cợt đùa mọi ngày giờ đỏ vằn lạc lõng. Cô gái mà cậu bảo rằng đã hẹn ước chẳng thấy đâu. Tôi mủi lòng bèn ở cạnh trông nom để cậu không quá đau lòng mà sinh bệnh.
Con trai tôi mọi ngày vẫn xin mẹ lên phố tìm cậu, những ngày này lại càng quấn quít không rời. Nó thừa lúc xung quanh chẳng có ai, khe khẽ an ủi cậu:
- Cậu đừng buồn, mẹ cậu mất rồi, Đản cho cậu mượn mẹ của Đản, cậu đừng khóc nữa!
Cậu ba gập người ho đến đỏ mặt. Tôi đứng sau lưng hai người, mặt méo xệch.
Rồi cu Đản cũng tìm cớ ở lại cho cậu ba đỡ buồn, kế hoạch ra đi của tôi cứ thế dài ra mãi. Sau ngày mãn tang bà, cậu ba đến nhà lúc tôi đang dở tay thu xếp hành lý.
- Cậu ba nói giúp Đản đi, mẹ không chịu ở lại, Đản phải đi theo mẹ, Đản buồn lắm! – Nó kéo tay cậu, người chưa đến đầu ngõ giọng nói đã vọng khắp nơi.
- Sao mày không làm loạn lên, kiên quyết không đi? – Cậu vẫn hay dạy con trai tôi những thứ vớ vẩn như thế, dẫu cả hai đều đã lớn cả rồi.
- Đản mà quấy thì mẹ sẽ buồn, Đản không muốn mẹ buồn. – Nó nói bằng thứ giọng nhão nhoét, giương đôi mắt ươn ướt nhìn về phía tôi.
Đẩy được cậu ba Quân vào trong nhà, nó chạy bay biến ra sân.
- Cậu ngồi chơi đợi con một chút. – Tôi bảo cậu.
- Đừng đi! – Cậu nói, như vô thức, lại như đã chuẩn bị rất lâu.
Tôi sững người một chốc rồi tiếp tục thu xếp quần áo, cười cười trêu:
- Cái cô tiểu thư kia hẹn ước với cậu rồi đi đâu mãi chẳng về, báo hại con không kịp uống rượu mừng của cậu rồi!
- Cô nào? – Cậu tròn mắt hỏi.
- Cô mà bà lý cho phép cậu cưới về làm vợ ấy. – Tôi ngẩng lên nhìn, thoáng ngạc nhiên.
Khóe môi của cậu bỗng cong lên thành một nụ cười:
- Vậy ra… - Nụ cười mỉm của cậu giờ toe toét. – Cậu quên chưa giới thiệu cho mày nhỉ? Cô đó tên Thục, nhà bán rượu…
Chiếc áo trên tay rơi xuống, tôi vẫn chẳng hiểu gì. Cậu thở dài rồi nói tiếp:
- Cậu nói với bà là ngoài con Thục nấu ăn rất ngon ra, chẳng có đứa con gái nào chịu cho cậu suốt ngày đẽo đá thay vì làm cậu ấm con quan ăn sung mặc sướng, thế mà mẹ cậu vô tâm gả cho người khác, khiến nó lận đận một đời. Vậy nên cậu đã âm thầm trông nom mẹ con nó, mỗi ngày nhờ một đứa ở khác nhau đến mua hàng giúp nó, đợi đến khi nó mãn tang chồng cũ, đợi đến ngày nó chịu tin cậu không phải là kẻ trăng hoa…
Cái giọng của cậu vẫn đanh đá như xưa, nhưng gan ruột tôi theo từng lời cậu nói cứ mềm rũ rượi. Tôi ngước mắt lên trần nhà ngăn nước mắt rơi, cố giữ vẻ bình thản mà bảo cậu:
- Nhưng cái thân con nhơ nhuốc lắm, chính con còn chán ghét mình, thầy mẹ con ở suối vàng còn thấy nhục, cậu cố chấp làm gì?
Cậu ngoái nhìn ra cửa, chắc mẩm cu Đản đã bỏ đi chơi mới ngông nghênh nói:
- Mày lấy cậu thì khi chết đi chẳng còn là vợ của anh trai mày nữa, có gì đáng xấu hổ đâu?
Tôi không giữ được nước mắt không rơi nữa.
Đầu óc trống rỗng, tôi cố tìm mãi chẳng ra cớ để từ chối cậu:
- Nhưng mà… nhưng mà…
Cậu bước đến ngồi xuống cạnh tôi, nói rất chân thành:
- Thục, xem như mày giúp cậu lần này. Mày mà không lấy cậu, cậu tìm mãi chẳng được đứa dễ tính giống mày, ở giá đến già. “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, chừng xuống suối vàng ông mày lại vác gậy đuổi đánh cậu khắp diêm phủ thì mất mặt lắm!
Tôi nghe cậu nói mà tức đến vừa cười vừa khóc.
Cậu cười tít mắt, đưa tay véo má tôi đau điếng rồi hớn hở chạy ra ngoài.
- Đản! Đản ơi! Vào dọn đồ đến phủ cậu ở nào!
Tiếng con trai tôi lanh lảnh vọng lại từ xa:
- Mẹ con không đi nữa hở cậu!
- Ừ! Từ nay sẽ ở với cậu luôn.
Tôi cười khổ, thở dài bước ra sân. Nắng lấp lánh trên giậu tre giờ đã leo đầy những nhánh mồng tơi. Cậu ấm ngày nào đang công kênh con trai tôi trên con đường đê, vừa đi vừa hò hét inh ỏi. Gió thổi làm những nhánh lúa non đuổi nhau rờn rợn về phía chân trời, lăn tăn như sóng. Tôi mỉm cười nhìn vào nhà nơi bàn thờ thầy tôi đang nghi ngút khói hương. Đoạn, tôi bước ra khoảnh đất sau nhà, mẹ chồng tôi giờ đã có con trai nuôi của bà nằm cạnh bên bầu bạn.
Tôi đưa tay vuốt lên tấm bia đề cái tên tôi từng ngày đêm mong nhớ, những chuyện đã qua lướt nhanh trong đầu, tôi lại thấy mắt cay cay. Trở vào nhà thắp một nén hương mang ra cắm trước mộ người rồi hít một hơi thật sâu, tôi quỳ xuống mọp đầu sát đất, trăm nghìn lời muốn nói suốt bao năm giờ chạm đến môi bỗng dưng nghẹn lại, sau cùng bật ra như tiếng khóc:
- Lạy anh, em đi lấy chồng!
HẾT.
[1] Ca dao.
[2] Cải biên từ bài ca dao của miền Tây Nam Bộ:
“Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra.”