05. Chính hạ - Phần 1
Chính hạ
*
Một buổi tối thứ Sáu bình thường như mọi khi. Ngoại trừ việc em trai tôi thay vì đi ngủ vào lúc mười một giờ sau khi bản tin bóng đá cuối ngày kết thúc, nó đi ngủ từ sáu giờ tối với lí do sáng mai nó phải dậy sớm đi thăm quan với trường. Thế là bữa- tối- thứ- Sáu chỉ còn tôi và bố mẹ. Thực ra như thế cũng được thôi, với tôi thêm hay bớt một người cũng chẳng phải vấn đề gì. Bố mẹ tôi có vẻ thích thế. Hai người đi lại rón rén trên sàn gỗ, “suỵt” tôi ầm lên khi tôi lỡ nhón gót hơi mạnh làm miếng ván sàn kêu cọt kẹt. Đơn giản là vì tôi sẽ chẳng có ai để nói chuyện cùng hay bông đùa mấy câu vô hại về những bộ phim mà chúng tôi đã xem hay ban nhạc mà chúng tôi cùng yêu thích. Bố tôi ghét thế lắm bởi chúng tôi toàn làm trò hề khiến ông cười dữ dội và điều đó thì đúng là hài thật mà tốt cho cơ bụng của bố nữa. Có điều mấy cái nhảm nhí như là cho hạt dưa vào lỗ mũi không phải chuyện thích hợp lắm để nghe lúc đang phóng lồi hai con mắt sang bên đường, thót tim một cái lúc bỗng đâu có bà già đi Dream 82 phóng vọt qua trước mặt. Vậy là sau khi kiểm tra lại thằng bé một lần nữa, mẹ tôi tắt đèn và chúng tôi lũ lượt ra khỏi nhà. Trong lúc chờ thang máy, chúng tôi cùng nghĩ xem nên ăn gì tối nay.
Những tối thứ Sáu như vậy luôn rất quý giá với chúng tôi. Từ khi tôi tốt nghiệp cấp ba, chúng tôi mới có nhiều thời gian hơn. Phải kể đến việc gia đình tôi đã chuyển từ một khu nhà trong phố để dời tới một căn hộ nhỏ nhắn đáng yêu với ba phòng ngủ. Phòng tôi là phòng khủng nhất trong nhà với cái cửa sổ khủng nhất và từ đấy tôi có thể thấy được một góc của thành phố và bạn phải ở đây khi nó hoàng hôn và nó lên đèn, đấy mới gọi là khủng. Tôi thích cuộc sống của mình khi tôi mười sáu tuổi, nhưng từ sau sinh nhật mười tám được ba tháng, tôi mới nhận ra mặc dù tôi đôi khi cũng tin rằng nổi loạn là một phần phải làm của tuổi trẻ, nhưng sống một cuộc đời quy củ được hoạch định lại là một tương lai đáng để duy trì và phấn đấu. Bởi xét cho cùng, sau hai mươi lăm tuổi, cái người ta cần không phải đứng ngoài đường, hút ba điếu thuốc cùng một lúc và dẹo gái không biết ngượng mồm. Cái người ta cần, cái một thằng con trai đã lớn thực sự cần tôi đã nghiệm ra, rằng nó chẳng gì hơn là có một gia đình.
Em trai tôi không đi cùng. Thành ra tôi im thin thít trên xe. Radio đang phát một bản nhạc chán òm tôi không biết tên, tuy nhiên bố tôi biết. Ông đang huýt sáo một cách hào hứng. Tôi đồ chừng bản nhạc chẳng đủ hay để tác động tới ông nhiều đến thế. Bố tôi huýt sáo để tận hưởng sự im lặng đặc biệt hiếm hoi. Mẹ tôi đang nói chuyện điện thoại với ai đó mà tôi không biết. Mẹ luôn có những người bạn như thế. Những người bà hay chơi cùng và mời tới nhà chơi hoặc tới nhà họ chơi và rất thích mang tôi theo làm phụ tá. Con bé này được lắm, bà hay nói với tôi như thế, khi giới thiệu về một đứa con gái nào đó mà mẹ gặp ở nhà bạn mẹ. Mẹ có cả một núi bạn, vì thế tôi cũng chẳng buồn thắc mắc về các con gái của các bà, thậm chí có bà có con mới sáu tuổi rưỡi và bà bảo tôi, nào, con trai, hãy cùng đợi con bé lớn lên nhé. Tôi bảo, dạ thôi, lúc đấy thì cháu đã mất ba cái răng rồi.
Tôi được quyền chọn bữa tối. Tôi cười không vui lắm khi bố nói bố và mẹ sẽ tuân theo mọi quyết định của tôi. Nếu mà như mọi khi thì chắc tôi đã vồ lấy ngay và nằng nặc đòi đến Alfresco để tọng ba cái pizza hawaii cho sướng miệng. Nhưng mà tối nay thì không. Tôi chả thấy tí hứng thú nào vì bố tôi thì vẫn đang huýt cái bài chán kinh khủng kia mặc dù radio đã chuyển sang mục tâm sự trái tim từ đời nào rồi. Cuối cùng mẹ nói, đi ăn cháo đi. Thế là bố tôi phải vòng xe lại, lên cầu vượt để lái vào trung tâm thành phố.
Sau bữa tối, mặc dù tôi không thích ăn cháo lắm vì nó giống như bột cho bọn trẻ con chưa mọc răng nhưng mà hóa ra lại ngon hơn tôi tưởng, chúng tôi ra Ladieladie Coffee để uống cà phê và ăn kem chuối nướng Rhum. Cái này thì không ai có quyền chọn hết vì tất cả chúng tôi không từ một người nào từ lớn đến bé đều khoái cái quán này chết được. Nó có món chuối nướng kem ngon nhất thành phố và cà phê Latte thì thật thôi rồi. Tôi đã uống tất cả các loại cà phê trong quán, ban đầu tôi thích Macchiato Caramel nhất rồi sau đó là Cappuccino nhưng chốt lại tôi hạ cánh an toàn với Latte trong mỗi lần chọn. Tôi mê cái vị như bông gòn của phần bọt trên bề mặt và tôi yêu cái lá kinh khủng luôn. Chả bao giờ tôi uống hết được cả một cốc Latte vì thường thì tôi sẽ chồm hỗm trên giường đến tận ba giờ sáng và mãi tới năm giờ tôi mới ngủ lại được nhưng thôi nào, một tuần cũng chỉ có một lần thôi. Những ngày khác tôi tới một quán gần nhà, quán Pop và thường tôi hay luân phiên giữa Espresso và bia lạnh. Bố tôi trung thành với cà phê đen pha phin còn mẹ tôi thì mỗi bận lại đổi một loại sinh tố. Tùy vào thời tiết bà sẽ gọi xoài hoặc mãng cầu cho mùa đông và chanh leo hoặc cam cho mùa hè. Nếu em tôi cũng đi, nó sẽ bị buộc phải gọi một cốc sữa tươi thêm tí bột cà phê. Nếu nó đi với tôi đến Pop, thi thoảng tôi sẽ mềm lòng cho nó thử một tí bia. Nhưng chỉ một tí thôi, đằng nào thì nó cũng nhăn chặt mắt lại và đòi một cái thuyền kem ngay lập tức.
Trong lúc đợi món, tôi sẽ kể cho bố mẹ nghe một ngày nhàn rỗi của tôi. Sau khi tốt nghiệp, tôi không học đại học mà đi làm luôn ở một công ty sách tư nhân nhỏ của cậu tôi, tức là em trai của mẹ. Tôi làm biên tập viên thực tập, lương ít nhưng với tôi thì cũng ổn thôi. Công việc hàng ngày của tôi là đọc những bản thảo được phân công, chỉnh lỗi chính tả (thường là cả rổ), sửa lại câu cú cho ngay ngắn và gọn gàng hơn. Tôi thích công việc của mình, vì tôi có thể đọc rất nhiều và đọc bất cứ thứ gì tôi muốn. Những bản thảo được giao tôi thường cố gắng làm nhanh nhất có thể và càng nhiều càng tốt, nếu làm nhanh tôi có thể dành thời gian lân la sang những bộ phận khác, bên truyền thông, thẩm định, hay thậm chí sang kho. Tôi muốn trau dồi thật nhiều các loại kinh nghiệm khác nhau để sau này khi đã trở thành một tay biên tập viên cứng, tôi sẽ đi xin việc ở những nhà xuất bản lớn hơn, làm ở đó thêm vài năm nữa rồi khi nào ổn định và nguồn vốn đã sẵn sàng, tôi sẽ tự mở lấy một nhà xuất bản. Tôi sẽ có một thứ gì đó là của tôi, tôi làm chủ và có quyền định đoạt số phận của nó. Tôi đã tính như vậy khi tôi bắt đầu vào cấp ba. Từ khi biết đọc tôi đã thích đọc, tôi đọc báo và tạp chí, xem tranh ảnh, lớn hơn tôi đọc sách, tôi thích đọc những thứ tôi không hiểu ví dụ như sách khoa học, triết hoặc tiểu thuyết giả tưởng. Tôi thử tìm cách hiểu chúng và vận dụng chúng cho những mục đích của mình. Cấp ba tôi không quen được nhiều bạn lắm nhưng không vấn đề gì, chả sao cả. Tôi có những cuốn sách của mình và vậy thì được rồi, tôi sẽ ổn thôi. Và đấy là lúc đồ uống được mang ra. Chủ đề được xoay vòng rồi đến lượt mẹ tôi, cuối cùng là bố.
Tiếp đến là món chuối nướng Rhum ăn kèm kem va-ni. Như thường lệ, khi ăn món này, chúng tôi không hỏi chuyện nhau nữa, cũng không trò chuyện nhiều. Thi thoảng bố hoặc mẹ sẽ nói, ngon quá, một lát sau tôi sẽ nói, ăn bao nhiêu lần mà vẫn không chán, và sau đó chúng tôi im lặng. Chúng tôi ngắm nhìn người đi bộ qua cửa kính, nhìn dòng sông và ánh sáng của đèn điện, từng dòng xe cộ đến rồi đi, đèn đỏ rồi xanh rồi lại đỏ và rồi lại ba mươi giây khác. Cuộc sống trôi qua dường như chậm chạp hơn khi chúng tôi ngồi yên ở đây, cạnh bên nhau, trong quán cà phê quen thuộc của chúng tôi, ăn một món ăn ngon lành và dễ chịu. Không ai muốn nói gì. Không ai muốn trở thành kẻ phá hoại sự riêng tư rất đặc biệt mà một tuần chúng tôi chỉ có một lần. Và phải là thứ Sáu. Lúc nào cũng là thứ Sáu. Nếu là ngày khác thì cũng được thôi, chỉ là không đúng đắn lắm. Giống như là mưa rơi xuống từ trần nhà vậy. Cũng được đấy nhưng bạn biết là có cái gì đó bị sai ở đây rồi.
Bố luôn là người ăn món kem đến hai lần. Mẹ và tôi sau khi kết thúc đĩa của mình đều gọi thêm mỗi người một món đồ uống nữa và chúng tôi cùng chờ bố hoàn tất nghi lễ của ông. Đó là lúc ông kể cho chúng tôi nghe chuyện của mình. Bố làm ở bộ phận bán hàng của một công ty và bố tôi là một trong các nhân viên luôn có được điểm thưởng bán hàng cao nhất. Chưa bao giờ đứng đầu nhưng cũng chưa một lần rớt tốp, bố lúc nào cũng cố gắng lôi kéo tôi vào hệ thống bán hàng của mình nhằm tăng thêm điểm cộng. Nhưng rất tiếc, tôi đáp, con chỉ là một thằng biên tập viên còm ba cọc ba đồng thôi. Vì là nhân viên bán sản phẩm, bố phải gặp một ngày đến hai chục người. Bố thường về nhà sau bảy giờ ba mươi. Mệt phờ và đôi khi chửi thề một chút, càu nhàu một chút vì một khách hàng khó tính hay một món hàng khó bán nào đó. Tuy vậy sau khi tắm xong và uống hết một li Vodka ngon lành, bố sẽ bình thường ngay và cả nhà sẽ vui vẻ trở lại. Bố tôi luôn biết cách biến những khó khăn của mình thành chuyện cười mà đôi khi rất tếu. Trong những câu chuyện hài của mình, các khách hàng của bố được chúng tôi biết đến qua hình dáng của những con ngỗng lắm điều hay những củ khoai tây có đôi mắt bé hin, và bố tôi là siêu anh hùng đã dũng cảm băng qua đống ngỗng và khoai ấy hòng quăng một tấn bom cay vào đầu tụi nó. Bố cứ kể mãi còn chúng tôi cười mãi, rồi đến giờ đi ngủ. Và thế là hết chuyện. Bố vẫy nhân viên phục vụ, người đã khá quen với chúng tôi, và cô cười ngoác đến tận mang tai thế rồi mau mắn mang hóa đơn và nước lọc đến.
Tầm mười một giờ, là giờ tôi đã yên vị trong chăn, trên giường và đang nghe kênh radio yêu thích của mình, kênh Wyrk 106.5. Thằng cha phát thanh viên có giọng nói như đang bị nghẹt mũi nói cái gì đấy về thời tiết và có độ một chục bài kiểu country cùng quảng cáo nước hoa thơm nách ùn ùn kéo qua đầu tôi cho đến khi tôi chẳng còn nghe thấy gì nữa và chìm vào giấc ngủ.
Có những ngày tôi mơ rất nhiều, phần lớn toàn thứ lăng nhăng. Tôi hay mơ mình đang đi dọc hành lang hoặc là thư viện, lúc nào cũng tha theo một cuốn sách nào đấy có bìa màu xanh và đeo tai nghe. Cứ thế tôi đi mãi cho đến tám giờ sáng, rồi đi vào nhà vệ sinh, hạ cánh xuống bồn cầu và đi tiếp một chặng nữa vào bếp, uống nửa hộp sữa và nếu mà chẳng có việc gì phải làm, tôi sẽ đi về giường và cái thằng tôi đó sẽ đi thẳng xuyên vào tâm trái đất. Hồi trước, hồi tôi mới mơ thấy giấc mơ kiểu vậy lần đầu tiên, tôi đã kể cho bạn tôi nghe. Tôi có một đứa bạn thân, nó chơi với tôi từ hồi đi nhà trẻ. Chúng tôi quần nhau dữ dội và ghét nhau mãi cho đến khi vào lớp một. Tôi nhắc vở nó một câu môn tiếng Việt thế là hôm sau nó cho tôi một túi kẹo me với bánh đùi gà, rồi thì chúng tôi cứ chơi với nhau vậy thôi. Tên nó là Hươu Sừng Tấm, nó bảo tôi hãy gọi nó là Hươu cho tiện nhưng từ đấy tôi cứ gọi nó là Tom. Nó gọi tôi là Jim trong khi tên tôi chả liên quan đến dim hay giò gì cả. Đơn giản là chơi với nhau quá lâu và nếu mà cứ gọi mãi bằng biệt danh như thế thì người ta sẽ chẳng còn nhớ nổi tên thật của nhau được nữa. Thi thoảng khi ai đó gọi nó là Hươu, cả hai chúng tôi cứ thế mà đi thẳng. Không phải là ngó lơ hay gì mà đơn giản là chẳng đứa nào có phản ứng với cái tên đó cả. Như thể đó không phải là nó, không phải là chúng tôi, không phải là cái gì đủ quen để giật mình và chột dạ khi nghe đến.
Đó là hồi tôi và Tom giữa học kì hai lớp mười một. Khi ấy tôi bắt đầu nằm mơ linh tinh và cái giấc mơ kia lần đầu xuất hiện. Tôi kể cho Tom nghe trong căng tin, hai đứa đang ăn xốp phô mai và chẳng thèm để ý gì đến chuông reo báo vào học. Có lẽ đó là tiết sinh học chăng, tôi cũng chẳng nhớ nữa. Hồi đó chúng tôi cúp học miết. Cúp chẳng để đi đâu hay thậm chí ra khỏi trường, chúng tôi cúp vì thích chứ chẳng vì lí do gì. Nghe xong Tom bảo, tao chả hiểu gì cả. Tôi cũng bảo thế, tao chả hiểu nên mới kể cho mày. Tom bảo tôi nó sẽ thử nghiên cứu về vấn đề này xem rồi nói cho tôi. Nhưng mà rốt cuộc nó có làm hay không tôi không biết. Sau đó tôi không mơ thấy nữa, thành ra tôi cũng quên béng đi. Chắc Tom cũng quên rồi.
Khóa của tôi tốt nghiệp vào một ngày nóng nực tháng Năm. Trong cuốn kỉ yếu, ảnh của tôi xếp cạnh ảnh của Tom, không nhớ là ai trong hai thằng đã yêu cầu như thế, bên trái tôi là một cô nàng mà tôi không có nhiều kí ức lắm, cô tóc ngắn và đeo kính gọng đen. Tôi thử đọc tên cô to lên nhưng rốt cuộc vẫn chẳng nhớ nổi được điều gì tử tế. Khuôn mặt cô quen một cách kì lạ nhưng những gì liên quan đến nó ví dụ như kiểu cười hay cách nói chuyện tôi đều thực sự quên. Trí nhớ của mình tệ vậy sao, tôi tự nhủ. Thế là tôi quyết định gọi cho Tom để hỏi về cô gái kia. Không rõ vì điều gì, tôi có một cảm giác thôi thúc về việc phải lấy lại chút gì đó về cô gái này. Tôi không thể quên cô ấy dễ dàng như thế. Hẳn là có phần nào đó trong não tôi bị hỏng rồi.
“này Tom, cái bạn đứng bên trái tao trong kỉ yếu là ai thế? Tao có thấy tên thế mà lại chả nhớ nổi tí gì hết. Như kiểu mặt thì cũng mang máng đấy, còn mấy cái khác thì mờ tịt” – tôi nằm dài trên giường, kẹp điện thoại giữa tai trái và cầu vai, hai tay tôi đưa cuốn kỉ yếu về phía ánh sáng vàng đang tỏa ra ấm áp từ phía đầu giường. Wyrk chuyển đến Remember When và giọng của Alan thật dịu dàng đến mức tôi nhìn ảnh cô một lần nữa, chắc chắn rằng tôi phải nhớ được cô là ai.
“à” – Tom kéo dài giọng nó, nghe thế là tôi biết, nó sắp phải đi kiếm cuốn kỉ yếu rồi đây – “chờ tao tí. Đang đánh răng, khổ quá”.
Thế là tôi bỏ điện thoại sang một bên, lại cố gắng moi móc trong cái não chim của tôi chút thông tin gì đó về cô gái tóc ngắn đeo kính gọng đen này. Alan bảo tôi đừng bỏ cuộc, vậy là tôi nhắm mắt lại và bắt đầu lần ngược về thời cấp ba của tôi, từ những ngày sớm sủa khi tôi mới vào lớp, chưa quen ai ngoài Tom và chỉ ngồi ở dãy bàn cuối cùng suốt ba tháng liền. Tôi nhìn thấy lướt qua rất nhiều khuôn mặt, tất cả tôi đều biết và đều có thể gọi tên ngay lập tức không chút chần chừ. Tôi lần lên phía trước. Có một tấm lưng thẳng, mặc áo sơ mi trắng đồng phục của trường, áo gi-lê màu xanh đen thẫm lại và dưới ánh nắng ùa về có lẽ là một ngày nào đó trời đã trở nên đáng yêu hơn, một ngày tháng Tư chẳng hạn. Tôi cứ nhìn mãi về tấm lưng ấy và đột nhiên, tấm lưng bắt đầu chuyển động và xoay ngược về phía tôi. Đúng lúc ấy tôi nghe tiếng rú của Tom. Thằng trời đánh. Có lẽ nó sẽ nói cho tôi biết cô là ai và chúng tôi đã làm gì nhau để đến mức mới có vài tháng thôi cô với tôi chỉ còn là một tấm ảnh nhìn quen và một cái tên trên kỉ yếu.
“bạn gái thằng Bánh đấy, tao nhớ ra rồi. Nó chơi với hội thằng Bánh đấy mà” – Tom nói, giọng nó phấn khích như vừa chế xong một cái khinh khí cầu từ áo ngực và bao cao su. Mà đúng là nó có ước mong như thế thật. Rồi mày sẽ đi đâu bằng cái khinh khí cầu đó, tôi hỏi, tao chưa biết, Tom nói, giọng hơi mơ màng, mày có nghĩ tao nên làm cả một cái bản đồ không. Dĩ nhiên, tôi bảo là có.
“thật à” – tôi nói, trí óc tôi như một cỗ máy già nua bị buộc phải sản xuất một tỉ miếng xà phòng Lifebuoy trong vòng một tiếng. Nó xì hơi nước dữ dội và nguyên liệu bị đẩy lên tận đỉnh đầu như một cái động mạch đang phình lớn và chuẩn bị nổ tung – “mày có chắc không đấy?”.
“ừ, tao chắc. Mà sao thế?” – Tom hỏi. Nó có vẻ chẳng quan tâm lắm. Cái chuyện về những người bạn cũ từ cấp hai hay cấp ba không phải là cái gì quan trọng đối với Tom. Nó chỉ chơi với tôi và có thói quen cực đoan khi chọn bạn bè. Nó hạn chế bạn ở mức đáng báo động như đang lên danh sách đỏ. Tom khoái kết bạn và người ta cũng khoái nó. Nhưng mà nó chơi để chơi vậy thôi. Nó chẳng thích người ta đến thế.
“chả gì. Tao đang xem lại quyển kỉ yếu, để nhìn cái mặt mày nó bựa thế nào thôi. Thế xong tao nhìn tao, cũng buồn cười kinh lên được. Xong rồi, như một người bình thường tao nhìn sang bên trái theo thứ tự và tao tự hỏi cái bạn này là ai mà sao tao chả có ấn tượng gì hết. Tao nghĩ là đầu tao chắc bị sao đó nên tao gọi mày hỏi chơi. Mà đúng là bạn gái thằng Bánh à?” – tôi hỏi lại một lần nữa. Chỉ để cho chắc.
“không nhầm đâu. Hôm nọ tao gặp thằng Bánh trong siêu thị. Tao quên chưa kể cho mày. Nó đang đi mua đồ cho mẹ hay sao ấy. Thì cũng nói chuyện một tí, toàn ôn lại chuyện ngày xưa, nó hỏi thăm mày thì tao bảo mày ok, đang đi làm chứ không đi học như tụi mình. Lúc ra chỗ tính tiền thì bạn gái nó chạy đến. Đúng là cái bạn này mày ạ. Tao không nhầm được đâu. Vẫn y xì, tóc ngắn, kính đen. Tao mua ít đồ nên thanh toán xong tao về luôn. Còn nó mua như kiểu giảm giá tận thế ấy” – Tom nói, có tiếng nước bọt lách tách phía đầu dây bên kia, có lẽ nó đang chải răng bằng lưỡi, một thói quen của thằng này mà tôi bảo cũng được, chẳng cần phải sửa đâu. Sau này khi nào cắn vào lưỡi rồi thì tự khắc là sẽ hết.
“ờ” – tôi đáp. Tụi tôi nói dăm ba chuyện tầm phào khác nữa, chuyện học hành của nó, chuyện nó tán được một em cũng xinh xinh, sẽ cho tôi gặp vào một ngày nào đó. Tầm mười hai giờ tôi cúp máy, rồi tôi lại tiếp tục xem xét cuốn kỉ yếu. Tôi tìm mặt thằng Bánh. Nó ở dòng thứ năm, gần cuối, ảnh thứ ba từ phải sang. Tôi vẫn nhớ nó. Nhớ kĩ là đằng khác.
Tôi và Bánh từng đánh nhau một lần. Cuối lớp mười hai. Vụ này chỉ có hai đứa biết với nhau, ngay cả Tom tôi cũng không kể. Hai đứa đánh nhau khá dữ, vì thằng Bánh to hơn tôi và khỏe hơn tôi, được cái tôi nhỏ con hơn và nhanh hơn một tí vì tôi chạy hàng ngày. Dù thế sau khi may mắn thoát được vài vòng, tôi bị nó tóm được và dằn xuống đất. Bị nó đè nghiến như vậy thì chẳng còn cựa quậy gì được nữa. Nó kẹp chặt tôi bằng hai chân to như hai cái đình của nó, dộng nắm tay vào hai bên má tôi như đang tát một bịch rau. Tôi bị đẩy qua đẩy lại trên mặt đất, môi tôi nếm được vị bụi và răng tôi chắc là bay một, hai cái rồi. Mắt tôi mờ đi như bị chảy nước liên tục mà không được thấm. Cứ như vậy mãi và chẳng mấy chốc một màn đen kéo đến, tôi sắp được lên nóc tủ rồi đây. Tôi ngủ khoảng mười lăm giây gì đó rồi tôi nghe thấy tiếng ánh sáng đang kéo đến phía trên tôi. Tiếng con gái và tiếng thằng Bánh gào lên cái gì đó mà tai tôi giờ ù hết cả, chẳng còn nghe ra được nổi cái gì. Cô gái đó tiếp tục nói những thứ rất ngắn và mạnh còn thằng Bánh sau khi la hét một hồi lâu thì hoàn toàn im bặt. Tôi nằm dưới đất và chờ đợi bị bật qua bật lại như một con thú nhồi thêm lần nữa. Tôi cứ chờ mãi. Rồi sau đó thân dưới của tôi được thả lỏng, không còn cảm giác như bị kìm chặt bởi hai cái càng cua khổng lồ. Ai đó xốc tôi lên và chân tôi lê đi kêu loẹt xoẹt trên mặt đất. Ngày hôm đó ngoài tôi và thằng Bánh ra, còn một ai nữa đã ở đó.
Là cô gái này đây, cuối cùng tôi cũng nhận ra. Tên cô ấy là Đậu Xanh. Nhưng tôi nghĩ tôi sẽ thử gọi cô là Bean xem sao.
Tháng Mười một rồi nối tiếp là tháng Mười hai. Nếu mẹ tôi không xé lịch thì tôi cũng chẳng có mấy khái niệm rõ ràng gì. Mùa đông thì ngày nào cũng như nhau. Chỉ có là đợt nào lạnh hơn và đợt nào thì đỡ hơn một chút. Vào mùa đông, ta chẳng còn tính tháng nữa. Tôi đi làm hàng ngày, bắt đầu thấy phiền toái khi phải thức dậy vào sáng sớm, khi tôi đang ủ kín mười đầu ngón tay ngón chân trong chăn như một con nhím trong cái vỏ của mình thì mẹ tôi, bằng một thứ sức mạnh được giấu kín đâu đó suốt mùa hè, đạp tung cửa phòng tôi và túm lấy cái chăn như quăng đi một miếng giẻ rách. Từ đó tôi ghét việc làm người lớn. Tôi muốn nổi loạn. Tôi chửi thề trên đường, nếu như cái khẩu trang không bịt mất một phần âm thanh thì có lẽ người ta sẽ quay lại chửi nhau với tôi và nhờ thế chúng tôi sẽ ấm lên một chút, biết đâu. Bản thảo chất đầy như núi Alpes còn tôi bẹp dí và bị hòa tan như một vũng nước muối.
“trái đất đang nóng lên đấy” – tôi nói với anh chủ biên – “em cũng muốn nó ấm lên một tí, làm em tan chảy ngay ở đây cũng được”.
“tôi có thể giúp cậu” – anh nói – “nhưng đấy là sau khi cậu ủn đống bản thảo qua chỗ tôi vào sáng ngày mai”.
Bỏ tay ra khỏi túi áo để lên bàn và cầm lấy cái bút chì rồi bắt đầu kẻ vài đường ngoằn ngoèo lên giấy hay thậm chí vạch luôn vào chữ có vẻ là những gì tôi làm được vào buổi sáng hôm đó, hay những buổi sáng tiếp đó. Tôi thành công tới mức anh chủ biên bảo tôi hãy biến về nhà đi, cùng xấp bản thảo lem luốc kia mà làm lại cho nghiêm chỉnh. Vậy là tôi được cho về sớm, hay đúng hơn bị ném ra đường giữa cái tiết lạnh giá đến mức làm đầu người đóng băng và chân tay người ta phát điên như thế này. Tôi về gần nhà nhưng không vào nhà, đằng nào giờ này cũng chẳng có ai. Tôi vào Pop, ngồi vào góc quen thuộc, gọi hai Espresso nóng liên tiếp và chủ yếu là để ủ những ngón tay giờ đã thành xúc xích đông lạnh vào hai bên thành cốc. Mùi cà phê ấm đến mức nó làm tôi thấy thoải mái và trong một lúc, tôi bỏ qua cái lạnh đang rú rít mà đứng lên, vươn vai, lôi đống bản thảo ra và quyết tâm làm việc.