06. Chính hạ - Phần 2
Khi tôi ngẩng đầu lên để uống nốt chỗ cà phê còn lại, ngoài kia đã là năm giờ ba mươi. Tôi đã ngồi biên tập đến tê mông trong hai tiếng đồng hồ. Hôm nay là đủ rồi và tôi thấy muốn về nhà. Ngôi nhà ấm áp và căn phòng có cái giường thân quen êm ái của tôi. Tôi mới xa nó sáng nay thôi mà giờ đã nhớ nhung không tài nào chịu nổi. Về nhà một cái tôi sẽ thay ngay quần thể thao và mặc thêm hai cái áo len nữa, thay tất, uống một cốc sữa nóng, leo lên giường, chui vào chăn và nghe một kênh phát Reggae nào đó. Nếu phải nói, tôi sẽ bảo rằng cái tuyệt nhất của mùa đông là kiếm được một chỗ nào thật ấm để rúc vào. Tôi đang trên đường dứng dậy để trở về với cái ổ của tôi thì Bean bước vào. Từ cánh cửa. Từ bên ngoài. Quán Pop vào lúc chạng vạng không đông lắm, nhạc nhỏ, ngay lập tức chúng tôi nhìn thấy nhau. Bean y hệt như tấm ảnh mà tôi đã nhìn vào rất lâu trong kỉ yếu, hoặc đôi khi đang chạy bộ tôi lại nhớ về. Chỉ là thoáng qua thôi nhưng đã rõ nét hơn rất nhiều.
Bean tiến về phía tôi. Cô đã nhận ra tôi. Đôi mắt cô mở to hơn và lông mày cô nhướn lên cao một bậc. Cô đi về phía tôi và dang hai tay ra, cô nhún vai rồi hạ tay xuống. Tôi nghĩ đó là cách cô thể hiện rằng ồ, thật ngạc nhiên và cảnh báo, bạn cũ đang tiến về với tốc độ thần tốc của hạm đội hoàng gia Anh.
“thế nào mà lại trùng hợp thế” – Bean nói – “tớ đang đi qua đây rồi tự nhiên tớ nghĩ, lạnh quá, chịu hết nổi rồi, và tớ thấy cần phải tiếp caffeine ngay lập tức. Tớ nhìn trái nhìn phải rồi Pop! Tớ tấp ngay vào rồi tớ cứ vậy mà đi vào đây. Rồi thì sao, ngay trước mắt tớ kia là cậu đang đi về phía tớ nữa chứ. Đúng là kì cục nhỉ?” – Bean cứ cười mãi không thôi. Mái tóc ngắn của cô đung đưa nhè nhẹ. Tôi đút hai tay vào túi quần vì chẳng biết nên làm gì hay nói gì. Mãi đến hôm kia thôi tôi còn chẳng có tí khái niệm gì về cô ngoài một bức ảnh có- vẻ- quen và một cái tên mà tôi tự đặt lại.
“tớ đang định về nhà. Tớ ngồi đây suốt từ chiều đến giờ mà. Để làm cho xong mấy thứ” – tôi nhấc cái túi đựng laptop lên cho cô xem – “nhà tớ ngay kia thôi” – rồi tôi nói thêm, vẫn cố gắng tìm hiểu xem vì sao tôi lại nói thế. Thôi nào, rốt cuộc tôi đâu có muốn mời cô tới nhà tôi chơi.
Và giờ thì Bean đang ngồi đây, ngay đây, trong phòng khách nhà tôi. Vào năm giờ bốn mươi lăm phút. Trên ti-vi đang chiếu bản tin bóng đá mà em trai tôi sẽ xem phát lại vào tối nay, sau bữa tối. Tôi pha cà phê cho cô và trà cho tôi. Lượng caffeine này đủ để giữ tôi tỉnh táo đến sáng mai và giờ thì tôi cần cái gì đó nhẹ hơn, cái gì đó có thể sẽ giúp tôi níu kéo lại giấc ngủ mà ban nãy tôi đã đẩy nó đi đến tận đầu bên kia thế giới. Bean đặt hai tay trên đùi, cô mặc một bộ đầm công sở màu kem và nó vừa vặn với cô như hai miếng ghép hình. Cô quan sát phòng khách nhà tôi một cách chăm chú nhưng không soi mói, cái nhìn vừa đủ như đang thưởng thức và đánh giá sơ qua một bức tranh vẽ phong cảnh đồng quê. Tôi hỏi cô có muốn xem ti-vi không thì cô bảo không. Tôi lại hỏi cô có muốn nghe một chút nhạc không thì cô bảo có, nếu là piano thì càng tốt. Tôi mang đồ uống ra và đặt lên bàn, rồi tôi mở tủ đĩa và cố nhớ xem bộ sưu tập dài ba tiếng của Clayderman nằm ở chỗ quái nào.
Tôi để nhạc nhỏ vừa đủ, để không ai trong hai chúng tôi thấy lạc lõng và kì quái và cô đơn, để chúng tôi có thể nói những chuyện không đầu không đuôi và không ai phải cố để lấp đầy khoảng trống. Đầu tiên chúng tôi nói về chuyện ngày xưa, thường thì gặp lại bạn cũ đấy là điều đầu tiên người ta phải nói, nó giống như một loại hình chào hỏi giữa bạn và những người quen trong quá khứ vậy. Rồi dần dần chúng tôi nói về cuộc sống hiện tại. Khác với tôi, Bean vừa đi học vừa đi làm. Lịch học của cô khá chồng chéo, vì thế cô chọn làm một công việc bán thời gian nhẹ nhàng. Buổi tối sau khi đã giải quyết mớ bài tập, Bean sẽ dịch ba bài báo, mỗi bài năm trang từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Cô bảo với mỗi lần như vậy, cô được trả từ năm đến tám trăm. Nhìn chung, mọi thứ cũng đơn giản và chẳng có gì vất vả. Đến lượt tôi, tôi nói cho cô đúng những gì tôi đã nói với bố mẹ. Tôi kể cho cô chuyện hàng ngày ở công ty, công việc của tôi, sự khốn khổ vào mùa đông và những đợt nghỉ dài hơi vào mùa hè và cả chuyện kế hoạch tương lai của tôi nữa. Vừa nói tôi vừa nghĩ xem vì lí do gì tôi lại nói hết cho cô, thao thao bất tuyệt như thể tương lai của tôi là thứ cầm nắm được và viết rõ ràng ra trên giấy, rằng tại sao chỉ mới gặp lại cô và thậm chí cũng chẳng hề thân thiết mà tôi lại có thể nói hăng say về những điều mà ngoài gia đình và Tom ra, tôi chỉ luôn giữ kín cho riêng mình. Có thể là bởi đôi mắt cô, sau đó tôi nhận ra, có thể là thế, cái cách cô ấy nhìn xuyên qua tôi, như thể cô tin những điều cô nghe bằng tất cả những giác quan tỉnh táo nhất của mình.
“giấc mơ đỉnh thật đấy” – Bean nói, cô nhấp một ngụm cà phê rồi giữ cái tách trên lòng – “tớ thì còn chả biết tớ muốn làm gì sau khi tốt nghiệp nữa đây. Có thể tớ sẽ trở thành dịch giả, cũng có thể không. Ít ra thì bây giờ tớ biết được một điều, ấy là tớ chẳng muốn trở thành gì hết” – Bean mỉm cười với tôi. Đó đâu phải một nụ cười buồn lắm, cũng khá được đấy chứ. Trông cô rất xinh khi cô cười như vậy. Có nét gì đó ở cô giống mẹ tôi, khi bà nhìn tôi tranh nhau thức ăn với em trai hay khi bố tôi kể mấy chuyện tiếu lâm của ông ấy.
“cậu vẫn còn trẻ mà, tớ cũng thế” – tôi nói, thử trấn an cô theo cách tôi hay dùng – “bây giờ thì tớ muốn có một nhà xuất bản, nhưng ai mà biết được vài năm nữa tớ lại muốn làm gì. Cậu có thể gặp lại tớ khi tớ đã là một tỉ phú buôn sắt vụn chưa biết chừng” – tôi ha ha với cô và cô cũng ha ha lại với tôi. Có vẻ ổn đấy chứ, tôi nghĩ.
Đúng lúc tôi đang chuẩn bị nói thêm vài dự định tương lai nhảm nhí nữa thì mẹ và em trai tôi về. Bean đứng dậy ngay và cô chào mẹ tôi theo cái cách mà cô sẽ chào một người hàng xóm lâu năm của mình. Mẹ cũng vậy. Và tôi ngạc nhiên vì kiểu làm thân của phụ nữ. Họ nhanh nhạy và họ luôn biết phải xử lí mọi tình huống ra sao. Họ đúng là những chuyên gia trong nghệ thuật kết bạn.
“con bé được đấy” – mẹ nói với tôi trong bữa tối, sau khi Bean đã về rất lâu. Tôi hơi cảnh giác khi nghĩ rằng có thể suốt thời gian vừa rồi mẹ đã đánh giá cô ấy bằng những tiêu chuẩn riêng của mẹ.
“bạn cấp ba thôi mẹ” – tôi nói. Bố tôi đang kích động ngay bên cạnh tôi. Tôi chả cần nhìn cũng biết được ông đang nhấp nhổm trên cái ghế của mình.
“ai thế?” – bố tôi hắng giọng rồi hỏi. Nghe thì có vẻ điềm tĩnh lắm đấy nhưng trong đầu ông thì mọi thứ đang tự chắp nối với nhau theo cái kiểu thế- là- con- giai- tôi- đã- có- nghẽo- rồi- đây.
Và rồi thì câu chuyện diễn biến ra sao tôi cũng chẳng buồn nghe nữa. Tôi đã tẩu thoát vào phòng mình trước khi bị bố tôi tóm được và thuyết giảng cho tôi nghe về cái gọi là tình dục an toàn ngay cả khi tôi đã nghe rồi, hồi tôi mười tuổi, mười lăm tuổi và cứ mỗi năm một lần ông lại tìm cách nói lại cho tôi nghe. Tôi vẫn nghe thôi, mặc dù tôi đã học được khá đầy đủ từ hồi chín tuổi gì đấy cùng với Tom, ở nhà nó, bằng máy tính bàn của bố mẹ nó.
Tôi định gọi điện cho Tom để kể cho nó mọi chuyện. Nghĩ thế nào tôi lại thôi. Tôi có thể quên chuyện này đi và nếu một vài năm sau đó, tôi có kể cho nó nghe cũng chưa muộn. Bean và tôi không trao đổi bất kì cách liên lạc nào với nhau. Nhưng cô ấy đã biết nơi tôi sống. Có thể, tôi nghĩ, chỉ là có thể thôi, chúng tôi sẽ gặp lại nhau, không cách này thì cách khác. Nếu gặp lại cô một lần nữa, tôi sẽ hỏi số điện thoại của cô. Tôi đã nghĩ như vậy trước khi chuyển từ Wyrk sang Record Chill-out và đặt chuông báo thức.
Tôi mười tám tuổi. Tháng Chín năm sau tôi sẽ bước sang tuổi mười chín, và nếu tính cả tuổi mụ thì một tháng nữa tôi sẽ hai mươi. Có những buổi tối thứ Sáu khác tôi cùng bố mẹ và em trai tôi ngồi ở Ladieladie và chúng tôi cùng nhau thảo luận nghiêm túc về tương lai của tôi, rồi kế hoạch nghỉ hưu của bố và mẹ, chuyện nên đi du học hay học ở một trường quốc tế trong nước của em trai tôi. Một hôm nó bảo, nó muốn làm họa sĩ. Và từ đấy chúng tôi lại có thêm vài hoạch định thú vị khác để thêm vào. Những lúc như vậy tôi nhìn ra bên ngoài cửa sổ và thử ước đoán xem số lượng trung bình muối mà một người tiêu thụ trong một năm là bao nhiêu. Đôi khi tôi thường làm thế, thử một vài phép tính ngớ ngẩn và phức tạp cùng độ khó mà tôi biết là tôi chẳng thể nào giải được. Nhưng tôi vẫn làm thế, khi tôi không muốn nghĩ đến những điều phức tạp và có tính chiến lược hơn. Ví dụ như, chuyện tôi sẽ làm gì nếu như kế hoạch của tôi thất bại. Hay như tôi sẽ trở thành gì nếu tôi cứ mãi mãi là một biên tập viên quèn, chẳng bao giờ ngóc đầu lên nổi khỏi đống bản thảo bất tận như trứng cá hồi. Thay vì vậy, tôi không cố giải mã chuyện phía trước của tôi nữa, tôi đếm số tóc rụng ra một ngày của đàn ông và của đàn bà rồi tôi chuyển sang trẻ em và người già rồi lại làm một vòng ngược lại.
Tom hay nói rằng, nó sẽ không sống đến quá tuổi mười lăm. Đến tận bây giờ đôi khi nó vẫn nói với tôi, theo cách lơ đãng nhất mà người ta có thể nói về thời điểm chết của mình. Tao chả nghĩ là tao lại sống quá mười lăm được Jim ạ, thế mà thế quái nào tao vẫn đang ở đây, ngay chỗ này, với mày, và tự hỏi vì sao tao không đi đời nhà ma từ ba năm về trước. Tao thực sự khó hiểu đấy, tao chả làm sao giải thích nổi cả và nó cứ vướng trong đầu tao như một cái chặn giấy ấy. Nó làm phẳng hết đống nếp gấp trong não tao và thế là xong, tao không thể nghĩ được gì nữa. Thật chứ, dễ lắm mà. Một cái xe tải lúc tao đi ngang đường chẳng hạn, hay như lúc tao đi cầu thang, trượt chân một cái, hoặc là bị sét đánh, bị ngã xuống hố ga. Nhưng mà tại sao nhỉ, tao không hiểu nổi nữa. Tom sẽ nói mãi như vậy đấy. Tôi thì thấy cũng bình thường thôi. Cái mà không sao hiểu nổi là việc nó cứ lải nhải về chuyện sao nó chưa chết quách đi mà còn ngồi đây làm gì. Đấy, cái đấy mới đáng để người ta vắt óc suy nghĩ kìa.
Tôi cũng từng nghĩ về cái chết của mình. Khi đó có lẽ tôi mới mười sáu tuổi. Tôi đã xem một bộ phim tài liệu thống kê số người bị tai nạn giao thông trên một kênh truyền hình tiếng Ý. Chưa bao giờ tôi bị cái chết ảm ảnh nặng nề như Tom, nhưng cũng có một đôi lần, khi Tom đã ngủ say, tôi sẽ thử lí giải rằng tại vì sao mà người ta lại có thể chết nhanh đến vậy. Người ta đang đi trên đường và người ta nghĩ về bữa tối và rồi đùng một cái, như pháo hoa, ta chưa kịp trở tay thì nó đã xảy đến. Ta không biết gì nữa. Ta đã lên đường đi tới một thế giới khác rồi. Vào những buổi trưa khi tôi sang nhà Tom chơi và sau khi chúng tôi đã cày game đến mệt lử, đó là lúc Tom sẽ nói về việc nó thấy mình có trách nhiệm phải toi đời ở tuổi mười lăm, rồi chúng tôi thử các tình huống hồi đó xem đáng lẽ nó nên chết như thế nào. Chúng tôi đã từng nghịch dại kinh khủng, đến nỗi bây giờ nhớ lại tôi thấy chắc tôi phải dùng hết vận may từ mười kiếp trước rồi. Và, cũng có một hoặc hai lần gì đó, tôi vươn tay ra và rụt rè chạm vào cổ nó. Nó có một cái cổ thanh mảnh như thiên nga, da mềm và mát, mịn màng như vùng da khuỷu tay của tôi. Tom trắng hơn tôi vì nước da nó bẩm sinh là vậy. Trong khi tôi đen nhẻm lại còn bị cháy nắng vì cứ suốt ngày lang bang ngoài đường. Vậy là tôi sờ vào cổ nó, tôi nhớ lại cách người ta siết cổ ai đó trên ti-vi, trong một bộ phim đen trắng, vợ họ hoặc tình nhân, một cô nàng tóc vàng hay tóc đỏ nào đó ngoại tình và cô ta khóc lóc và cô ta kêu la. Và rồi cô ta chết. Thế rồi những ngón tay tôi run và tôi co tay lại. Những tháng ngày mười sáu đó, tôi vẫn còn quá nhỏ để hiểu đầy đủ về sự chết. Bây giờ, khi tôi đã lớn hơn, khi tôi mười tám tuổi và biết được rằng rồi đây tôi sẽ còn lớn nữa, tôi nhận ra tôi có một mong muốn mãnh liệt hơn cả việc đạt được giấc mơ của mình. Tôi muốn được sống. Lâu hết mức có thể. Lâu đến mức tôi thậm chí còn không thể hình dung ra.
Giữa tháng Mười hai, đột nhiên một ngày nọ khi tôi tỉnh dậy, tôi thấy ánh nắng đang thiêm thiếp ngủ, cạnh bên tôi, trên giường. Nàng hãy còn ngái ngủ và nằm bải hoải như một cọng cỏ non. Tôi rón rén thay quần áo, ra phòng ăn và ăn sáng thật nhanh. Tôi cần phải ra ngoài trời. Trước khi đi làm, tôi ngó vào phòng một lần nữa để chắc nàng hãy còn nằm đó. Rồi tôi đi. Đó là những ngày nắng hiếm hoi giữa một đợt mùa đông lạnh giá. Có thể khi cái lạnh đã đạt đến một mức nhất định nào đó sẽ bắt đầu đi xuống. Tôi yêu thích sự đi xuống có tiến độ như thế này. Tôi bỏ bớt áo khoác ở nhà và chỉ mặc một áo len đi làm. Ở văn phòng, tôi trở lại nhanh nhẹn và hoạt bát và chạy nhảy lung tung như một con cá mòi. Năng suất làm việc của tôi vượt mức và tôi ngốn hết tất cả những gì có thể đọc được. Những ngày này tôi thường dành thời gian để ra Pop, gọi một cốc Latte ấm và mang theo một, hai cuốn sách bất kì. Vonnegut chiếm vị trí đầu bảng một thời gian, rồi sau đó nhường cho Cory Doctorow và bẵng đi một đợt, tôi chỉ còn đọc Kerouac. Những ngày đó, tôi nhớ mình cuồng chân như một con hoẵng nhỏ. Tôi thèm đi và thèm đi thật xa, phải thật xa mới bõ. Tôi muốn cưỡi trên lưng lạc đà và hút xì gà như một hoàng tử Arab Saudi, kẻ biết rằng gã có toàn bộ thời gian và rượu vang trên khắp thế gian này. Đôi mắt tôi nhìn xa hơn và trông thấy những điều trước nay tôi chưa bao giờ thấy. Những nếp nhăn nhỏ trên khóe mắt mẹ và cặp kính lão của bố tôi. Trong ngân hàng, tôi bắt đầu mở tài khoản tiết kiệm. Những thứ đang trên đường đến đó, tôi muốn sắp xếp sao cho chu toàn để khi chúng đến, tôi sẽ không bị ngạc nhiên. Tôi nhận ra không còn nhiều thứ làm tôi ngạc nhiên nữa.
Tuy vậy tôi đã bỏ sót một thứ. Bean xuất hiện ở Pop vào buổi sáng thứ Năm, ngày rảnh rỗi duy nhất trong tuần mà tôi không phải trình diện ở văn phòng công ty. Tôi định dành cả ngày hôm đó để lang thang trên phố, mua vài thứ cho mẹ và tìm một cái cặp da mới cho bố tôi. Em trai và tôi, chúng tôi đang lên một kế hoạch nho nhỏ để tặng quà cho bố mẹ. Chẳng nhân dịp gì cả, em tôi nói, nhưng mà làm bố mẹ bất ngờ cũng vui đấy chứ nhỉ. Và nó đồng ý rút một ít tiền từ con heo tiết kiệm đưa cho tôi.
Bean nói cô đến Pop với ý nghĩ mặc định là tôi đang ở đó. Như thể tôi và Pop là hai thực thể gắn liền. Và đúng là thế thật. Thời tiết đẹp quá, Bean ngồi trước mặt tôi, cô chống cằm, nhìn ra ngoài cửa sổ và nói. Nắng rất thấu và bầu trời sạch sẽ đến vô cùng không có lấy một gợn mây. Trong quán đang mở một bản của Ludovico, có lẽ là Primavera. Bean, Ludovico, nắng. Chúng hợp nhau đến nao lòng.
“cậu định làm gì? Ở đây cả ngày hả?” – Bean hỏi tôi. Trước mặt cô là một tách Espresso ít kem. Cô đặt hai tay ngay ngắn trên bàn. Những móng tay nhỏ nhắn và được phủ một lớp sơn bóng, nhìn như tay búp bê. Cô đeo một chiếc nhẫn ở ngón giữa và chỉ thế. Bean không cố gắng che giấu bất cứ một điều gì.
“một chút thôi. Tớ định đi mua quà cho bố mẹ. Tớ định đi lên phố” – tôi nói, cầm cốc cà phê của tôi lên một lần nữa. Qua thành cốc, tôi nhìn thẳng vào đôi mắt cô. Chúng cong như trăng lưỡi liềm và lấp lánh như chòm sao Gấu Lớn. Tom có thể vẽ ra cả một địa đồ chỉ cần nhìn vào đôi mắt cô.
“tớ đi cùng cậu được không?” – Bean ôm cốc cà phê trong tay. Những lóng tay nhỏ và mảnh dẻ của cô bao quanh lấy nó như một phần họa tiết được chạm khắc công phu và tỉ mẩn. Tôi cứ nhìn chúng mãi không thôi.
“mình đi cùng nhau được không? Có phiền cậu không?” – Bean hỏi tôi một lần nữa trước khi cô uống tách cà phê của mình. Khi cô đặt xuống, cà phê đã vơi đi quá nửa. Vành môi trên của cô đọng lại một đường bọt mỏng, mờ, như dải ngân hà mà chúng ta tưởng rằng mình thấy nhưng thực ra đã lịm tắt từ rất lâu.
“trên môi cậu, có, ừm” – tôi làm động tác đưa ngón cái lên môi.
Bean đẩy người về phía trước, cô khoanh hai tay lên bàn rồi cô lại mỉm cười, cái nụ cười cứ giống mẹ tôi đến thế nào đó và dịu dàng thế nào đó và làm tôi bối rối không thể kiềm lại được. Thật đấy, ai đó cười giống mẹ của bạn và nó là nụ cười đã theo bạn suốt từ thời ấu thơ. Sao bạn có thể nào không run rẩy?
“lau cho mình đi” – Bean nói. Cô giữ nguyên nụ cười trên môi. Môi cô cong lên, kiêu kì và khiêu khích như một con thỏ nhỏ vừa tỉnh dậy vào mùa xuân. Và tôi vươn những ngón tay của tôi ra thật xa, và tôi chạm ngón tay cái của mình lên môi cô, và tôi kéo một đường đi ngang sang bên phải. Nó ẩm ướt, và nó thơm nồng. Ngay cả khi tôi đã đưa tay về và để bên dưới bàn, ngay bên cạnh chân mình, vẫn có một luồng sóng điện nào đó đâm thẳng vào não tôi.
Hơn mười giờ, tôi và Bean đi lên phố. Thực ra đi lên phố vào bất cứ thời khắc nào trong ngày đều phù hợp. Phố ở thành phố của chúng tôi không giống những con đường khác. Những nơi chốn khác luôn có giờ đặc biệt để đến và để đi và không phải lúc nào ta cũng lê la trên đó được. Nhưng phố này, nó là phố của mọi ngày. Của mọi người. Và của bất- kì- trận. Hàng cây to lớn hai bên đường đổ bóng râm thành những mảng hình bị xuyên thủng lên mặt đường nhựa, và cũng như tôi, Bean thích đi vào những mảng tối sáng bị rách thành từng hình ô van đó. Chúng tôi nhìn mặt nhau bị bóng cây đổ lên như những tấm mạng. Đôi mắt Bean nằm lọt thỏm giữa hai vũng màu bạc của lá cây và trong mắt cô tôi có thể thấy rõ cả một ngàn bầu trời tháng Mười hai tinh sạch. Chúng tôi đã cười rất nhiều, nói chuyện rất nhiều, chủ yếu là về việc ngày xưa hai chúng mình đã mờ nhạt với đối phương ra sao, chuyện các giáo viên chủ nhiệm giờ đã cũ kĩ và già nua thế nào, và những bài kiểm tra đã từng đè nặng lên vai chúng tôi như những khối đá khổng lồ giờ đây hoàn toàn vô hại.
“chúng mình đã thoát rồi, ngoạn mục” – Bean hào hứng nói. Cô vung hai cánh tay lên trời làm mái tóc ngắn của cô được thể xoắn xuýt lung tung. Chúng lảo đảo như những hạt bụi và đôi lúc như những dải mưa xiên với đường đi hơi chếch. Tôi nhìn chúng mãi, trong dư ảnh của nắng đọng lại sâu bên dưới võng mạc tôi.
“đúng là một cuộc đào tẩu đỉnh cao” – tôi đáp, làm những động tác vui nhộn và tôi kể cho cô nghe những mẩu chuyện hài của bố tôi. Chuyện về những con ngỗng bị ăn nhầm thức ăn tăng trọng và chuyện về những củ khoai tây béo ú biết đi. Bean thích truyện này cực kì. Cô bảo cô nhất định sẽ đến gặp bố tôi một lần và nói với ông rằng tài kể chuyện tiếu lâm của ông quả là tuyệt phẩm. Chúng tôi cứ cười mãi, dù chẳng vì lí do cụ thể gì. Chỉ đơn giản là đang đi cạnh bên nhau, im lặng và hít hà không khí hơi se lạnh cùng mùi nắng ấm đang sưởi quanh chúng tôi, rồi đột ngột quay sang nhìn nhau và phá ra cười như một loại biểu cảm tự nhiên và vô hại.