08. Khi núi đổ - Phần 1

Khi núi đổ

*

Tôi cởi quần áo và nhảy múa. Trong bóng đêm, chỉ thi thoảng mới có một vệt ánh sáng lướt dọc qua, một ánh đèn pha, một vì sao rơi, tôi mới thoáng thấy khuôn mặt anh. Đôi mắt anh lấp lánh, không phản chiếu bất cứ một điều gì. Tôi tiếp tục chuyển động hai cánh tay, tới eo, hông rồi dọc xuống đôi chân. Bờ vai tôi lắc lư như người say, tóc tôi đu đưa như những lưỡi dao lam chảy dài trên sống lưng bị ngấm lạnh. Đến đây, và đột nhiên anh nói. Tôi chui lên giường. Trong bóng đêm tôi biết mình đang tìm kiếm con người này. Toàn bộ thân thể anh giống như luồng ánh sáng yếu ớt phía cuối đường hầm đang kéo cánh tay tôi.

Giấc ngủ chẳng bao giờ đến với tôi nhẹ nhàng. Càng cố nắm bắt nó lại càng dễ dàng tuột đi. Lớp da trơn truội của nó mát lạnh như một miếng thạch rau câu trong suốt. Trong những giấc mơ quen thuộc hàng đêm, tôi đang đứng trong căn phòng của mình, một chỗ nào đó, bên cạnh tủ quần áo, bên bàn làm việc, cạnh giá để sách, trên đầu giường. Tôi nhìn thấy mình ngủ say, bị vùi chìm nghỉm giữa ngổn ngang nào những thú bông, gối ôm và chăn len to nặng. Tôi thỏa mãn khi chiêm ngưỡng khuôn mặt đang ngủ của chính mình.

Anh từng nói với tôi, anh thích một cô gái có mái tóc đen dài, một đôi mắt màu nâu và lúc nào cũng nhìn anh chăm chú. Anh sẽ dẫn cô ấy tới những quán cà phê yêu thích của anh, chỉ cho cô ấy thứ thức uống ngon nhất và chờ đợi phản ứng của cô ấy. Anh bảo dù ở quán nào thì cũng nhất định ngồi gần cửa sổ bởi anh thích được nhìn thấy ánh sáng tràn trề ùa về trên mái tóc của cô, một mái tóc đen tuyền sáng rực rỡ và lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Không có màu tóc nào lại đặc biệt như màu đen, anh yêu màu đen, tối và lạnh như đêm trên mặt biển. Anh và cô ấy sẽ biến thành những vì sao, anh đã nói với tôi bằng một giọng nói mông muội và cực kì sung sướng. Lắng nghe tất thảy những điều đó làm tôi thiểu não vô cùng. Anh chưa bao giờ dẫn tôi đi bất kì đâu. Đừng nói là tới những chỗ anh yêu thích nhất, chúng tôi còn chưa bao giờ nghĩ đến việc ra ngoài cùng nhau.

Từ tháng Mười năm ngoái, chúng tôi bắt đầu quen nhau. Bạn của cả hai chúng tôi là một cậu chàng thủ thư đang làm việc trong thư viện thành phố. Chúng tôi gặp nhau trong tiệc sinh nhật hai mươi của cậu ta. Tôi đến từ rất sớm và giúp mẹ cậu ta chuẩn bị vài thứ lặt vặt. Anh là người đến cuối cùng, người muộn nhất, đồng thời cũng là người được cậu thủ thư chờ đợi nhất. Cậu giới thiệu anh là, người đàn ông đặc biệt thứ nhì trong đời tôi. Sau đó, anh chui vào một góc. Tôi đã quen nhìn thấy màu đen trong suốt cuộc đời mình, nhưng người đàn ông trong chiếc áo khoác da màu đen này, như một miếng bìa các tông hình người in hằn lên một vệt thấu nặng trong đôi mắt tôi. Giữa bộn bề những người và vô vàn màu sắc, tôi ngạc nhiên nhận ra ánh mắt tôi chỉ chú mục vào anh. Rất lâu về sau, anh ngẩng lên và ở một điểm nào đấy giao thoa mà tôi không rõ lắm, chúng tôi đã thực sự nhìn thấy nhau. Anh như một cây kim xăm thấu thẳng vào tôi, xuyên qua lớp áo quần và từng hạt mực đen tỏa ra thấm dần các mao mạch. Một thứ cảm giác đau nhói như đường dao trượt qua dội vào trái tim tôi. Ngực tôi tan ra thành vô số hình tròn và trôi nổi trong không khí như bong bóng. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhìn thấy anh thì tôi biết rõ, cảm giác đó vẫn còn.

Tên tôi là Mỹ Hà. Tôi làm người mẫu ảnh từ năm mười sáu tuổi. Hồi đó làm mẫu ảnh là một nghề còn mới mẻ, các cô gái được mặc những bộ trang phục kín đáo hơn bây giờ, trang điểm nhẹ, một chút phấn má, một tí son hồng, tóc đen dài hoặc cột cao, hoặc thả xuống. Mái tóc của tôi đã từng đẹp như một trảng trời đêm, mênh mông và sâu thẳm. Năm mười tám tuổi, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi nghĩ mình đã thực sự dũng cảm khi bước vào tiệm cắt tóc một mình. Không phải là tôi muốn thay đổi một điều gì đó, làm một điều gì đó thực sự mang tính chất nổi loạn như người ta vẫn thường nói khi bước đến ngưỡng tuổi mười tám, đôi mươi. Cũng không phải là tôi thấy mái tóc ấy có vướng víu, bất tiện gì. Tôi không biết nữa. Cảm xúc khi đó của tôi, nếu phải diễn tả thì thực là giống như một bầu trời tháng Tám âm u kéo dài từ mờ sáng đến ban trưa vậy. Ra trường, tôi không thi lên đại học mà tiếp tục làm người mẫu ảnh. Bố mẹ tôi từng hỏi tôi rằng, sau này khi bố mẹ chết đi thì tôi, không nghề ngỗng tử tế và không bằng cấp, sống bằng thứ của cải sớm hao mòn và tàn lụi nhất trên thế gian, thì xem xem tôi sẽ định làm gì? Tôi bảo là, con không biết. Tôi chẳng biết gì hết. Suốt cuộc đời mình, tôi không biết bất cứ một điều gì cả. Tôi là loại người như thế. Anh từng nói với tôi, trên đời này có hai loại người, em biết rồi, tôi đáp, biết và không biết chứ gì, anh định nói em là loại thứ hai chứ gì, đâu, anh bảo, có hai loại người, không biết thật và không biết giả. Em là ở giữa đấy. Tôi chẳng bao giờ hỏi ý anh là gì, bởi vì biết và không biết thì cũng thế mà thôi. Đấy, tôi là kiểu người như thế đấy.

“này, Mỹ Hà, vẫn sống cùng thằng đó hả?” – một hôm, tôi nói chuyện điện thoại với chị họ. Chị ấy sống ở đầu bên kia thành phố. Một tháng chị vẫn cố về đây một lần để thăm tôi. Đôi khi tôi bảo chị không cần phải làm thế qua điện thoại, nhưng thể nào chị cũng sẽ ồ lên và nhiếc móc. Mày không nhớ chị phải không, thế là tôi đành phải nói, đâu nào, em cũng nhớ nhiều lắm chứ.

“vâng” – tôi trả lời. Tôi đang định sơn móng tay thì chị gọi điện đến, thế là tôi kẹp điện thoại giữa cằm và vai, tẩy móng cũ và bắt đầu lên màu cho móng mới. Móng tay của tôi rất xấu, hồi bé tôi có cái tật hay cắn móng tay. Móng của tôi sinh ra đã ngắn hơn của người khác, ngón tay cũng nhỏ và mập hơn. Bàn tay của tôi lúc nào cũng bé tí, xấu xí và trắng bệch. Vì thế, tôi trung thành với màu đen để che đậy lớp móng tay hèn mọn của mình.

“nó tên gì nhỉ?” – chị hỏi, tôi đoán chị đang ăn bữa nhẹ buổi chiều. Chị rất gầy, gầy hơn bất kì ai tôi từng biết, thế mà chị vẫn ăn kiêng. Một ngày chị chia ba bữa chính thành sáu bữa nhỏ, mỗi bữa nhỏ chị ăn một bát ngũ cốc mật ong và nửa quả táo, ba bữa chiều y như vậy nhưng thay vì uống cà phê, chị uống trà. Tôi nhìn đồng hồ. Vừa vặn đang là giờ của bữa ăn thứ sáu.

“chị đã quên rồi” – tôi càu nhàu. Hồi tháng Năm, chị đến thăm tôi đúng lúc anh chuẩn bị ra ngoài. Hai người gặp nhau ngoài cửa, mỗi người chào một câu, giới thiệu qua loa rồi đi thẳng. Lúc vào nhà, chị bảo tôi, tao nhìn mặt là biết, mày lại khổ nữa rồi. Tôi không rõ khổ theo ý chị là thế nào. Nếu khổ ở đây chỉ đơn giản là tôi yêu anh còn anh yêu người khác, thì thế cũng được.

“tao mà, già rồi, nói lần nữa đi” – thế là tôi nhắc lại tên của anh cho chị nghe. Xong chị bảo, đấy, tao nghe tên thôi là biết, mày thế nào cũng lại khổ cho mà xem.

Theo như tôi được biết, và những gì tôi được nghe kể từ đám bạn của anh, một nhóm bạn ba trai và hai gái, anh là nhiếp ảnh gia. Anh đã đi qua nhiều nước, Trung Đông, châu Âu và châu Á. Hi bảo, nó còn đến cả Bắc Cực nữa rồi cơ. Nhưng mà tôi không tin, vì khi tôi hỏi anh, anh bảo anh thậm chí còn chưa đi hết được nước mình. Anh là nhiếp ảnh gia phong cảnh, chuyên chụp cho một tờ báo địa lí nước ngoài. Họ làm về mảng các nước châu Á và cần những tấm ảnh tốt để định hình. Anh làm ở đó đã được sáu năm. Sau khi tốt nghiệp đại học (anh học ngành sân khấu điện ảnh), anh đổi hướng và chuyển sang làm nhiếp ảnh tự do. Ban đầu anh gặp đâu chụp đấy, thấy cái gì đẹp là chụp liên hồi. Thấy dàn hoa giấy nhà người ta đẹp là xin lên chụp cho bằng được, dù cũng chỉ được dăm ba kiểu ưng ý thôi. Anh đặc biệt thích chụp mặt hồ và bầu trời. Tôi nói, anh mơ mộng quá. Anh đáp, thì có bao giờ chân anh chạm đất đâu. Anh phiêu diêu và tự tại giống như một cơn gió kì lạ, một cơn gió chưa bao giờ tới bỗng một ngày nọ ùa vào qua cửa sổ. Anh làm người ta phải thốt lên, phải bật dậy, phải nhảy ra khỏi giường để đến gần và ngẩng mặt nhìn lên, và hít hà và khao khát. Anh làm tôi khao khát. Dù anh đang ở đây, ngay cạnh bên tôi, rất gần đến nỗi dang tay ra là chạm được. Nhưng như anh đã nói đó, trên khắp cõi mặt đất này, chẳng có nơi nào là in dấu chân anh. Còn tôi, tôi vẫn mãi chôn chân ở đó vậy thôi, không nhấc lên mà cũng chẳng buồn nhấc. Tôi sẽ đi đâu đây, và tôi sẽ đi được bao xa bằng đôi chân ngắn ngủn này. Tôi sợ sự đổi thay. Tôi sợ cả cái tên của chính mình. Hàng đêm, tôi lặp lại nó trong đầu như một cách ru ngủ. Tôi nhắm mắt lại và đọc to như một câu thần chú. Mỹ Hà. Mỹ Hà. Mỹ Hà. Một cái tên đẹp đấy chứ, ai đó nói, dù tiếc là nó chẳng có ý nghĩa gì cả, anh chán nản nhìn tôi và bật cười.

Mọi thứ vẫn đậm nhạt trôi qua như vậy. Sáng sáng tôi ở nhà. Nếu ngày hôm đó có lịch chụp ảnh thì tôi phải dậy từ rất sớm, không ăn sáng để tránh béo bụng, rửa mặt kĩ càng và đắp mặt nạ trong vòng mười lăm phút, phủ phấn lót, phấn nền, một lớp phấn trang điểm, kẻ mắt, uốn mi, kẻ lông mày, thoa son dưỡng và chỉ trước khi ra khỏi nhà, tôi mới dám dùng son đỏ. Tôi bắt ta-xi để đi, vì nếu đi xe máy thì hỏng hết. Ở studio, tôi được người ta làm tóc, trang điểm lại một lần nữa và bắt đầu chụp ảnh. Một bộ ảnh cho các tạp chí thời trang thường tiêu tốn của tôi cả nửa ngày trời. Công việc kết thúc vào lúc bốn, năm giờ chiều, khi đó tôi đã bã ra như một con cá chết, người trương phềnh lên vì đói và tóc tai thì rối tung vì bị gió bạt quá nhiều. Người tôi nóng ran và sau khi về đến nhà, tôi chỉ có nằm đó. Anh thì khác. Anh làm việc vô cùng quy củ. Bảy ngày một tuần, bốn tuần một tháng, trừ các ngày lễ và Chủ nhật, anh sẽ rời khỏi nhà vào lúc bảy giờ ba mươi sáng và trở về vào lúc sáu giờ chiều. Không bao giờ sớm hơn và dĩ nhiên là không bao giờ muộn. Cuối tuần anh thường đi đâu đó cùng nhóm bạn của anh, đi từ sáng đến chiều tối hay thậm chí đi luôn cả hai ngày. Sau khi trở về từ một điểm nào đó mà tôi chẳng bao giờ được biết, anh đi ngủ, và một sáng thứ Hai quen- thuộc- khác lại được bắt đầu.

Xuân Chi bảo, nó đã bao giờ quên được đâu. Ấy là một buổi tối hiếm hoi khi anh mời các bạn về nhà. Chúng tôi làm một nồi lẩu hải sản với ê hề nào sò ngao ốc hến mực cua tôm và thế nào đó lại có cả thịt gà. Nước dùng rất cay vì anh thích ăn nhiều mù tạt, rau bị ngâm nóng đến nát bét vứt đầy trên đĩa mà chẳng ai thèm ăn, mì gói được bóc ra chất thành đống và cái nào cũng bị bẻ làm hai nửa. Họ chủ yếu chỉ uống bia. Tất cả họ đều uống rất nhiều. Tất cả, trừ tôi và trừ Xuân Chi. Cô ấy uống một lon và chỉ thế mà thôi. Cô rất tập trung trong việc ăn uống, cô bỏ những thứ cô thích vào nồi và chăm chú ngồi đợi nó sôi. Sau đó cô vớt ra và để vào cái đĩa. Cô ăn một ít và bỏ đấy, tiếp tục cho thêm một tá những thứ vô thiên lủng khác vào. Cứ như vậy đống thức ăn ngày một đầy lên, bốc khói rồi nguội ngắt. Không ai muốn ăn. Họ chỉ đang tìm một cái cớ để uống say cho thỏa. Tôi không thích lẩu hải sản, cơ bản vì tôi ghét hải sản và tôi không ăn được mực. Tôi thấy ghê tởm những cái tua tí hon của nó, thứ mực đen nhầy nhụa trong thân mình nó và lớp thịt trắng hồng. Tôi chỉ ăn được thịt gà, rau, một ít ngao và rồi hơi cay, mùi bia, đất trời như điên đảo.

“nó đã bao giờ quên được đâu” – đột nhiên Xuân Chi nói. Cô lơ đễnh nhìn vào góc phòng, chỗ để một chồng những tạp chí có in ảnh của tôi. Tôi thích chúng. Hầu như ai cũng thích ngắm những khuôn mặt bị biến dạng của chính mình.

“thế à?” – tôi thực sự quan tâm. Mọi người ngủ lăn lóc xung quanh tôi. Tôi thấy anh ngay, đen ngòm và bị vo tròn thành một cục.

“nó suốt ngày bảo, một mái tóc là phải đen” – Xuân Chi xem xét những lọn tóc của mình. Tóc cô ấy dài, mỏng dính như tơ, được phủ một lớp màu vàng hoe công phu và cẩn thận. Tôi quá rõ cô ấy đang nói đến ai.

“tớ bị người ta bắt nhuộm tóc mấy lần, để chụp ảnh ấy mà, nhưng tớ bảo thôi” – tôi nói.

“thế à?” – Xuân Chi đáp. Nhưng tôi biết kiểu nói đó. Người ta chỉ thế à khi bị đụng đến một điều gì sâu kín trong lòng mình, và người ta cũng sẽ thế à khi mà những thứ xung quanh hoàn toàn chẳng đáng để người ta phải bận tâm vào nữa. Cô ta thế à với tôi, rồi mi mắt cô ta sụp xuống. Như vừa có một người khổng lồ đi ngang qua và nôn ra một bãi tướng đủ mọi sắc màu xuống chúng tôi. Một cơn mưa rào rào với rất nhiều mùi vị. Mình phải làm thế nào đây, tôi nghĩ, mặc kệ tất thảy và bỏ đi thì sao nhỉ? Rời khỏi đây, rời khỏi căn phòng này, ra bến xe và mua vé một chiều đi sang đầu bên kia thành phố. Tôi có thể sống cùng chị ấy, có thể lắm chứ. Tôi không rõ từ bao giờ, nhưng tôi vẫn nhớ mang máng rằng, có một lần nào đó chị đã bảo hãy về sống cùng nhau. Chúng ta là phụ nữ, không sống cạnh bên nhau thì còn sống cùng ai. Đàn ông ư, một người phụ nữ không thể sống cạnh một người đàn ông được. Tại sao à, vì nếu thế thì đàn ông đã biến mất cả rồi.

Ngày đầu tiên chính thức gặp nhau của chúng tôi là một ngày Chủ nhật tháng Mười. Tôi gọi điện thoại cho cậu thủ thư kia và tìm cách xin được số liên lạc hoặc địa chỉ của anh. Nếu nói rằng tôi bị anh ám ảnh thì đúng là hơi quá, chỉ là từ hôm đó tới giờ tôi thường xuyên nghĩ về anh. Trong lúc tắm chẳng hạn, tôi tự hỏi người như anh ta thì sẽ dùng loại sữa tắm nào, dầu gội đầu gì và hãng dao cạo râu, màu của bàn chải đánh răng, màu của chiếc khăn mặt. Hoặc lúc đi mua sách. Liệu anh ta có đọc Kafka không, hay anh ta chỉ đọc Amy, không biết anh ta có thích Exupéry không, hay anh ta đã đọc Don Kihote mấy lần. Hay là đi ăn. Món ưa thích của anh ta là thịt gia cầm, hay anh ta ăn chay, anh ta có bị dị ứng bắp cải không, liệu anh ta có thích đồ ngọt. Cứ thế, suốt một tuần liền, không ngày nào tôi không thoáng nghĩ đến anh. Thậm chí tôi còn gọi điện cho bố để hỏi xem một người đàn ông thích được nhìn cái gì ở người con gái nhất. Cậu thủ thư, sau một hồi dài giới thiệu về anh liền cho tôi số điện thoại. Đó là một dãy số dài, gồm chín con số mà giờ đây tôi đã thuộc nằm lòng. Cái cảm giác đó, khi tôi loay hoay tìm cho được một cây bút để ghi lại số điện thoại của anh vẫn còn đầy ắp trong ngực tôi. Giống như là chỉ cần nhớ lại cái khung cảnh bình thường đó thôi cũng làm tôi rung động. Một bộ phim buồn thì sẽ chẳng bao giờ hết buồn. Cái cảnh đó với tôi cũng là một cảnh phim rất buồn bã. Thứ xúc cảm như có những cái xúc tu luôn ngo ngoe trong lòng tôi, đôi lúc lại dấy lên một cơn đau tức ngực. Những khi ấy tôi sẽ ngồi thần ra, cả cơ thể đờ đẫn như bị ai tắt mất công tắc, chân tay tôi đột nhiên uể oải và tâm trí tôi sẽ chẳng còn gì khác ngoài một cái bóng trắng lờ mờ, như bị ánh nắng đốt cháy đi. Tôi hẹn gặp anh ở một quán cà phê gần nhà, tôi chỉ dám nói rằng có một chuyện hết sức hệ trọng muốn nhờ anh. Đó là lần đầu tiên chúng tôi đến một quán cà phê nào đó cùng nhau. Từ bấy đến giờ thì không có thêm một lần nào nữa. Tôi biết, đối với anh, những quán cà phê thiêng liêng đến mức nào.

Ở đâu cũng thế, anh chỉ gọi cà phê đen. Mà phải là cà phê phin. Mùi cà phê hăng nồng quyện lẫn vào không khí. Không như mọi khi, tôi không có cảm giác bị ngạt thở. Nếu được phép nói thật, tôi sẽ nói tôi thích trà hơn. Anh ngồi trước mặt tôi. Màu áo trắng bị nhòe đi dưới ánh mặt trời hắt vào từ cửa sổ. Anh yên lặng, anh chẳng nói gì. Anh nhìn tôi chăm chăm, như muốn đục xuyên qua mắt tôi một lỗ đen sâu hoắm. Trong quán cà phê, người ta mở nhạc. Đó là một bản nhạc giao hưởng, du dương và rất êm đềm. Tôi liên tưởng tới một dòng sông, những con cá hồi đang bơi chảy ngược. Người ta bảo bọn cá hồi biết rằng chúng sẽ chết nếu chúng cứ bơi như thế, bơi ngược dòng. Thế mà chúng vẫn làm, để trở về quê hương. Tôi nghe được điều đó trên một chương trình ti-vi rất lâu rồi về động vật. Con cá thân bạc cứ quẫy đạp lấp lánh trong lòng sông. Nước trong vắt, nhìn rõ được cả những tảng đá to. Tôi cứ nhìn lung tung rồi cứ nghĩ mãi về những điều như thế.

“Mỹ Hà, nghĩa là gì thế?” – anh vươn người về phía trước và đón lấy cốc cà phê. Anh nâng trên tay nhưng không uống. Anh chỉ đơn giản là nhìn tôi, đặt câu hỏi và đợi tôi trả lời.

“em không biết” – tôi đáp. Những chú cá hồi cũng đâu có biết vì sao chúng lại làm thế đâu. Bởi vậy chuyện tôi không biết tên tôi nghĩa là gì thì cũng chỉ là những thứ linh tinh vụn vặt.

“em vướng mắc chuyện gì à?” – anh dựa người trở lại, hơi chỉnh tư thế chân một chút. Tôi quan sát và quan sát và quan sát, và khắc ghi tất thảy mọi thứ tôi thấy được vào đầu. Tôi muốn nhớ. Tôi muốn tự trao cho bản thân cái quyền được nhớ lại, được kể một câu chuyện hoàn chỉnh và đầy đủ mọi chi tiết về màu sắc, âm thanh. Tôi cũng nhớ những gì mà anh nói, tôi nói. Tôi nhớ, mọi điều.

“chuyện thích anh, anh ạ” – và tôi chẳng biết nói gì nữa. Bản nhạc đã hết. Tôi nghe thấy người ta đang trao đổi với nhau xem tiếp theo nên mở bản nào. Cuối cùng họ chọn một bản nhạc trữ tình. Tôi quả thật không thích lắm, những bài hát mà chúng lại có lời. Chúng không nói được nhiều, tôi nghĩ thế. Hầu hết chúng chỉ kể câu chuyện của riêng mình.

“anh cũng thế” – anh nói – “anh cũng đang vướng chuyện giống em đấy, Mỹ Hà” – chúng tôi thực sự đã im lặng một lúc lâu. Lâu cỡ độ ba bản trữ tình và một bản không lời và lại một bản trữ tình khác. Rồi anh vẫy vẫy tay, gọi thêm một tách cà phê nữa. Một đen nhé, nóng, phin.

Hay là mình sống với nhau xem sao. Khi chúng tôi ra ngoài, anh đề nghị với tôi như thế. Tháng Mười là tháng tôi yêu nhất. Nó không bao giờ phản bội tôi. Cả đêm và cả ngày. Chỗ anh thuê bây giờ nâng giá rồi, chia đôi thì ổn đấy. Em đang làm gì. Người mẫu ảnh à, thu nhập thế nào, à thế thì được rồi. Em bảo em thích anh, nhỉ. Thế có thích sống cạnh anh không.

Tôi đã trả lời là có. Đầu tháng Mười một, tôi hoàn tất thủ tục trả lại căn phòng đang thuê và chuyển đến sống cùng anh. Thế thôi mà ngồi nhớ lại mới nhận ra, cũng đã được một năm rưỡi rồi. Thi thoảng, sau bữa tối, chúng tôi ngồi trên sàn và ăn lạc. Tôi không biết uống bia nên anh đành phải uống một mình. Cơ thể tôi yếu như sâu, không chịu được chất cồn. Trong tủ lạnh, ngăn dưới là bia lon đủ các loại, ngăn trên thì chỉ có nước lọc và sữa không đường. Anh hay cằn nhằn nhà đang chăm con mọn à, tôi đành cười trừ cho qua. Thế là chúng tôi nằm trên sàn. Tôi thích việc được ngủ với anh, ngủ cùng anh và thức dậy bên anh. Nên khi anh hỏi tôi có muốn nghe chuyện về cô ấy không, tôi quàng tay anh và bảo ừ, cũng được. Chuyện của anh thì chắc là hay.

Cô ấy hơn anh một tuổi. Cô ấy nói tên cô ấy có nghĩa là bầu trời đang sắp đổ cơn mưa. Anh bảo, làm gì có cái tên nào như thế. Nhưng mà đúng là cô ấy tên thế thật, em ạ. Anh gặp cô ấy ở một buổi triển lãm tự do của các nhiếp ảnh gia không tên tuổi. Có một tấm của anh ở đấy đấy. Anh thấy cô ấy đứng ngắm nó cả buổi, thế là anh đến gần và nói mấy thứ, để làm quen ấy mà, em biết thừa là thế nào rồi đấy. Anh ấn tượng nhất là mái tóc của cô ấy. Đen nhánh, à không, nó là một thứ sắc đen mà anh không thể nào diễn tả được. Nó giống như là, khi em buồn nôn ấy, đại khái thế. Mái tóc cô ấy rất dài, quá lưng một tí. Cô ấy mặc một cái váy màu xanh thiên thanh, giống cái váy mà em mặc trên số báo vừa ra tuần trước ấy, nhưng cái của em là màu hồng. Bọn anh toàn nói chuyện về nhiếp ảnh là chính. Bố cô ấy có một hiệu ảnh trên phố, thừa kế từ đời ông nội. Anh trai cô ấy là một tay máy nghề làm việc trong một studio chuyên chụp ảnh cưới. Cô ấy cũng thích máy ảnh nhưng chỉ toàn làm mẫu ảnh thôi. Mặc dù nắm vững lí thuyết về máy ảnh và các kiểu lens nhưng mà cô ấy chọn góc chụp kém lắm, lại không biết sáng tối thế nào, cũng chẳng biết chỉnh sửa sao trên máy tính luôn. Bù lại cô ấy thích thơ ca, thích nghệ thuật. Cô ấy thích viết thư tay nữa, cũng rất thích nhắn tin, nhắn tin rất nhiều. Mỗi tuần anh phải nhận được hai đến ba cái thư tay ba, bốn trang. Cô ấy chỉ đơn giản là viết một dạng nhật kí mở, kể lại chuyện hàng ngày của cô ấy, chuyện trên lớp, chuyện ngoài đường, những gì cô ấy thấy, những bài hát cô ấy nghe. Trí tưởng tượng của cô ấy thuộc dạng quái dị, thế mà chẳng hiểu sao lại không biết chọn góc chụp mới buồn cười chứ. Ừ, buồn cười hết sảy luôn. Anh kể em nghe, có lần cô ấy đang ngồi tự nhiên đứng bật dậy, đi thẳng ra hành lang xong ngồi yên ở đấy. Anh phải ra lôi mãi mới vào. Sao tự dưng làm gì đấy, anh hỏi, làm giật cả mình. Thế là cô ấy bảo, đúng rồi, em muốn anh bị giật mình đấy, cảm giác thế nào, có giống bị điện giật không. Ừ, cô ấy là kiểu như thế đấy. Ừ, thế là anh yêu cô ấy lúc nào cũng chẳng biết nữa. Em bị giật điện bao giờ chưa, vào mùa đông ấy, chạm vào người đứa nào mà lúc chúng nó cởi áo len ra thì bị tích điện đấy. Ờ, cũng kiểu kiểu thế đấy. Ý anh là tình yêu ấy mà.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3