16. Lúc nửa đêm - Phần 2
“chị đến nhà anh ta, chị gặp mẹ anh ta và chị quỳ trước mặt bà, như khi người ta hành lễ thờ chúa, thờ thần, chị đã quỳ như vậy, chị gọi bà ta là mẹ, chị cầu khẩn bà cho phép chị lấy con trai của bà. Và rồi bà ta nói, bà ta nói gì đó mà chị không tài nào nhớ được, nhưng những điều kinh khủng thì sẽ vẫn vô cùng kinh khủng, dù nó có thế nào và dù nó có bị nỗi sợ hãi lấn át làm quên đi” – Sam ngừng một lát, chị khóc như một trận mưa, âm ỉ và kéo dài – “sau đó chị nhận ra mọi thứ xung quanh chị bị bao phủ bởi những mảng màu trắng đục. Chị thấy mình điên dại và chị có thể nhìn thật rõ, chị biết mình đang làm gì, đang ở đâu nhưng đôi chân vẫn tiến về phía trước. Chị hành hạ chính mình, và khi chị lên giường đi ngủ, chị cầu nguyện rất lâu rằng chị sẽ không phải thức dậy vào ngày mai, dù đôi lần chị khóc trong giấc mơ và chị cầu xin đấng toàn năng hãy buông tha cho chị, chị muốn được quay lại cuộc sống bình thường, được bỏ quên và chạy trốn khỏi đây, khỏi tất cả những ai chị từng quen biết. Và Người, chắc là đã nghe thấy chị” – Sam thì thầm, nhưng chị không nhìn vào tôi, chị đang nói với chính mình – “và chị ở đây. Tuổi mười lăm của chị, rồi mười sáu, mười bảy. Nhưng mà, em này, nó cũng ở đây. Chính giữa nơi này, chị có thể cảm nhận được” – Sam nhìn vào mắt tôi và không nói gì thêm nữa, chị đứng dậy, bỏ đi trước cả khi tôi kịp ngoái đầu lại dõi theo hình bóng chị bị ánh sáng xô nghiêng.
Tôi không gặp lại Sam cho đến khi chị ra trường. Lễ tốt nghiệp của khối Lớn diễn ra vào mùa hè, giữa độ tháng Năm. Tôi nghe nói, Sam sẽ được chuyển tới một ngôi trường lớn hơn, nằm ở phía đông và gần bờ biển. Chị chào tôi khi khối Lớn diễu hành khắp sân trường, tôi đứng đầu hàng của lớp nên chúng tôi có thể thấy nhau ngay. Khuôn mặt Sam vẫn chẳng thay đổi gì so với buổi chiều hôm đó, đôi mắt chị vẫn có cái vẻ của một vết rạn vừa mới khóc xong, làn da tái nhợt nhạt hẳn đi dưới ánh nắng chói chang của một ngày chính hạ, và tôi tự hỏi có khi nào ở đó có cả một sức nặng, một lực đè đang nghiến lên đôi vai đang giương ngang của chị hay không. Tôi mỉm cười đáp lại. Chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau. Sau hôm đó, tôi bắt đầu nói chuyện lại với Tang. Ban đầu tôi kể cho cô chuyện đã xảy ra với Sam, tôi nói có lẽ, biết đâu, nếu Tang cũng có một chuyện gì để kể cho tôi nghe, một chuyện gì mà chỉ mình cô biết. Tang không nhìn thẳng vào tôi, đôi mắt cô lảng tránh bám lấy những đụn mây di cư nhàn tản trên bầu trời. Cô dựa người bên bậu cửa sổ phòng học, trên tay cô cầm lon nước quả mà cô yêu thích nhất, một lon Tree Top vị táo rừng. Kim phút như bị bẻ làm đôi, khoảng thời gian lưng chừng giữa sự đợi chờ dai dẳng đầy khấp khởi và tiếng chuông báo hiệu hết giờ, Tang hoàn toàn im lặng. Khi tiếng chuông vang lên, Tang ngồi xuống ghế của cô, thu dọn sách vở và đặt lon nước lên mặt bàn đã trống. Cô bắt đầu nói, bằng cái giọng dịu dàng và hồi hộp mà tôi đã quen nghe mỗi khi cô kể một chuyện cười, nhưng lần này và chỉ lần này, tiết tấu trong câu chuyện của cô vô cùng chậm rãi.
Tang lớn lên trong một gia đình gốc Trung Hoa gia giáo. Bố cô làm ở bộ ngoại giao, mẹ cô là giáo viên tiểu học. Tang đã được định sẵn khi lớn lên, tức là khi cô đã đủ trưởng thành, cô sẽ được gả đi lấy chồng, một người đàn ông già trong dòng họ. Cô được nuôi dưỡng như một con búp bê mắt đen, nhưng đồng thời chính cô cũng đã từ lâu nuôi trong lòng một con thú khác. Cô lớn lên như một bông hoa dại giữa chốn rừng xanh, nơi âm u hiểm trở đầy gai góc, nơi hổ và những con rắn bẹt đầu xấu xí luồn lách náu mình giữa các rặng tre. Cô cắt tóc ngắn, xỏ khuyên trên tai và trên mũi, mặc những bộ quần áo lạ lùng và đi theo những người bạn nổi loạn của mình đến tận hang cùng ngõ hẻm. Cô nói với bố mẹ rằng cô muốn trở thành một đứa con rơi, một đứa trẻ dù yếu đuối nhưng vì lòng tự tôn vẫn muốn giữ lấy thanh danh cho riêng mình, mặc dù cô hãy còn quá bé để hiểu được thế nào là thanh danh và ngày nay người ta phải đánh đổi thanh danh để giữ được mạng sống. Cô nói, nếu ngay cả cái chết cũng không thể trở thành một lời nguyền thì điều gì trên cõi đời này có thể ngăn cản được cô đây. Tang ra đi trong tư thế ngẩng cao đầu. Hãy còn là một đứa trẻ, cô sống bằng tiền tiết kiệm và tiền làm thêm trong một nhà hàng bình dân, cô bảo tôi suốt quãng thời gian đó cô chấp nhận việc bị bạo hành về tinh thần và thể xác để đổi lấy đồng tiền. Tang mở lon nước quả, cô uống một ngụm rồi nói tiếp, bạn của tớ à, cậu có biết là chỉ cần cậu còn sống thôi là cậu đã thắng rồi hay không. Sau khi dành dụm được một số tiền kha khá, Tang trở về nhà và cho bố mẹ xem cô đã làm được những gì. Người phương Đông luôn ít nói, họ thích hành động hơn. Bố mẹ cô đã ngay tức khắc tống cô vào trường trung học nội trú Đại Dương. Họ đến thăm cô đều đặn vào những kì thăm nom, mua cho cô những món đồ cần thiết và nói với cô những lời yêu thương nhất mà một bậc làm cha làm mẹ mẫu mực có thể nghĩ ra. Tang bảo, khoảng thời gian cô ra ngoài đời và cố tự lập đó, thực chất đều chẳng là gì cả.
“đó đâu phải một cuộc chiến, tớ đã chiến thắng mà không hề có đối thủ” – Tang mỉm cười – “còn đây, ở đây này, với bố mẹ mình, đó mới là một cuộc chiến thật sự. Tớ khi còn bé đã từng muốn được lớn lên thật nhanh, bây giờ tớ cũng vậy. Tớ chỉ muốn lớn lên, ra khỏi đây, hoàn toàn tự do, không bị ràng buộc bởi bất kể điều gì. Này, cậu cũng thế phải không?” – tôi nhún vai, tỏ ý nói rằng tôi không biết.
“cậu lúc nào cũng thế” – Tang nhíu mày – “hồi trước cũng thế, cậu chỉ nghe tớ nói và nhìn tớ chăm chăm như là chuyện của tớ cái nào cũng buồn cười lắm ấy, hầu như chẳng bao giờ chịu nói gì về mình, cậu hành xử như cuộc đời cậu chẳng có một cái gì trọng đại hết. Nhưng chuyện cũ rồi và đằng nào thì chúng mình cũng đã trò chuyện lại với nhau” – Tang đẩy bàn ra, cô xỏ lại hai chân vào đôi giầy bệt – “khi nào gặp thì nói chuyện tiếp nhé” – cô vẫy chào tôi và bỏ lại tôi trong lớp học. Bỏ lại ai đó ở một không gian rộng lớn nhường này, liệu điều đó có khiến cô thấy buồn không?
Có một thời gian rất dài tôi không gặp Chal. Hàng ngày sau các tiết học, khi tôi nhìn sang bên tay phải cậu đều không còn ở đó. Khi tiếng chuông báo hiệu vang lên, cậu đã mau chóng biến khỏi chỗ ngồi, biến ra khỏi lớp như một con ong, đến một nơi nào đó mà giờ đây tôi hoàn toàn không biết được. Vào giờ Mĩ thuật, Chal luôn là người đầu tiên nộp bài và ra về sớm nhất, ai cũng đinh ninh rằng hẳn là những bức tranh của cậu đều là tuyệt tác và khi được đem ra chiêm ngưỡng nó sẽ khiến tất cả thích mê. Trong ngày hội kỉ niệm mười năm thành lập trường, có một buổi triển lãm tranh của tất cả các học sinh khối Vừa. Mỗi khi đi qua một bức tranh khiến tôi ưng ý, tôi đều nhìn xuống biển tên để kiểm tra xem đó có phải là cậu không. Với mỗi bức tranh không phải, tôi lại tự nhủ thầm hẳn là bức của Chal sẽ đặc sắc và vượt trội hơn. Tôi đi một vòng quanh triển lãm, xem đi xem lại những bức đẹp nhất hàng chục lần và cúi hẳn người xuống để xem xem người ta có đánh nhầm tên cậu không. Nhưng rồi tôi lại nghĩ Chalcedony là một cái tên đặc biệt, đọc nhầm còn khó huống hồ là viết lại nó ra trên giấy trắng mực đen. Thế là tôi đi thêm vòng nữa, trên đoạn đường ngoặt từ nhà vệ sinh ra phòng triển lãm, tôi vô tình trông thấy một giá tranh nhỏ, cỡ một tấm gạch vuông loại trung bình, trên tấm toan tranh chẳng có gì ngoài một lớp sơn dày màu xanh thẫm, ở góc trái bức tranh có một đốm vàng nhỏ. Ngay phía dưới bức tranh, biển đề tên màu xanh lam in rõ mồn một từng chữ cái trong tên cậu. Chalcedony đã vẽ bức tranh này, và nếu hỏi tôi, và nếu chính cậu hỏi tôi, tôi sẽ nói đó là một mặt biển dậy sóng. Suốt khoảng thời gian đó, hay đúng hơn, cho đến hết mùa hè, Chal đã biến thành cái đốm sáng nhỏ màu vàng và tự vùi lấp mình dưới đáy đại dương.
Tháng Tám qua đi, những ngày đầu tiên của mùa thu vừa chớm tới. Chúng tôi đã lên lớp Lớn.
Mùa thu đến, ngày cũng trôi qua mau hơn. Càng gần đến sinh nhật, tôi lại càng bồn chồn. Vậy là tôi sắp mười tám tuổi rồi, tôi sẽ ra khỏi đây và có thể tự quyết định cuộc đời mình. Từ lâu tôi đã sớm lên một kế hoạch cụ thể cho tương lai sau này của tôi. Ngay khi vừa ra trường, tôi sẽ đi tìm một cây cầu thật cao nào đó và gieo mình từ trên xuống. Đó là những gì tôi định làm và sẽ làm sau khi tốt nghiệp và rời khỏi trường trung học nội trú Đại Dương.
Chal đến tìm tôi vào một buổi tối muộn thứ Hai. Hôm đó chúng tôi có bài tập về nhà môn tiếng Phạn, tôi đã dành cả buổi tối, thậm chí bỏ cả ăn để đánh lộn với quyển từ điển và lúc này tôi nằm nhoài trên giường, tờ giấy bài tập rơi lả tả trên sàn và than chì làm đen sì hết cả. Đúng lúc đó, Chal đẩy cửa bước vào. Cậu không thèm để ý tới tôi đang nhỏm người lên để chào đón cậu, cậu đi chân trần, mặc một cái áo sơ mi màu trắng không cài cúc, mặc quần lót và đi lang trong đêm. Cậu bò lên giường tôi, rúc vào chăn và cậu ôm tôi, rồi cậu ngủ thiếp. Hai đêm tiếp theo ngày nào cũng diễn ra như thế. Vào buổi sáng khi tỉnh dậy, tôi chăm chú nhìn cậu, đôi mắt nhắm nghiền và mái tóc vàng xòa trên trán, tôi tự hỏi liệu có phải Chal mắc chứng mộng du không. Nhưng tôi không để mình nghĩ nhiều vì tôi nhớ cậu và vì cậu đã tìm đến tôi chứ không phải một người nào khác. Những thắc mắc hệt như triệu chứng của một cơn buồn nôn khổng lồ không báo trước mà bằng một cách nào đó, tôi đã nuốt trôi được nó vào lòng. Đêm thứ tư, tôi ngồi trên giường, nhìn đồng hồ và chờ Chal đến. Như mọi khi, cậu chậm rãi đẩy cửa bước vào, sơ mi không cài cúc, quần lót và lần này có thêm một đôi giầy thể thao. Mũi giầy bám đầy bùn đất, có khi nào cậu vừa chạy đâu đó về không.
“nào, nhanh lên, tớ tắt đèn còn đi ngủ” – tôi vẫy Chal từ trên giường, đoạn lật chăn ra rồi vỗ vào chỗ trống. Còn cậu, cậu đứng ngây ra trên ngưỡng cửa, đôi mắt xanh lơ đôi lúc lại chớp xuống liên hồi. Tôi không rõ cậu đang bối rối hay đang cố định thần, đang cố gắng dùng trí lực yếu ớt của mình để suy xét hay để nhớ lại xem những gì đã xảy ra trong suốt những ngày qua. Dường như mọi nỗ lực sau một hồi vận động đều vô dụng, đôi tròng mắt của cậu lại mau mắn trở về trạng thái mơ màng trước đó, cậu tiến về phía tôi, leo lên giường, để tôi kéo chăn lên ngang ngực cậu, đợi tôi với tay ra tắt cây đèn ngủ và trong bóng đêm, cậu nín thở nghe tiếng thở đều đều của tôi, rồi tôi cũng nín thở lại, và chúng tôi ngủ lúc nào không biết.
Mọi chuyện sẽ vẫn diễn ra như thế, cho đến một hôm tôi đã đợi rất lâu. Tôi nhìn đồng hồ rồi nhìn ra bên ngoài, những vì sao dường như cũng tắt ngấm. Có lẽ tối nay Chal ngủ say rồi, tôi nghĩ thế rồi tắt đèn đi ngủ. Nếu lúc đó tôi mở cửa ra và hỏi thăm ai đó, để biết được rằng Chal đã rời đi ngay trong đêm, đống hành lí đã được người nhà thu dọn từ mấy ngày qua, quần áo được nhét vào một chiếc va-li kéo tay ngắn gọn, và Chal chắc hẳn là đang dõi mắt về phía cửa sổ phòng tôi từ trong chiếc ô tô của bố mẹ cậu ấy. Sáng hôm sau khi đến lớp, thầy hiệu trưởng đột ngột đẩy cửa bước vào giữa giờ Lịch sử, và thầy Pan, thầy lại đứng nép sang một phía. Thầy hiệu trưởng tiến về phía trước, hai tay thầy chụm lại vào nhau, và bằng cái giọng trầm khàn thỏ thẻ của mình, thầy mỉm cười với chúng tôi và với thầy Pan, rồi thầy nói, thầy thông báo, rằng học sinh Chal, hay Chalcedony sẽ chính thức không còn là học sinh trường trung học nội trú Đại Dương kể từ ngày hôm nay, cậu ấy sẽ được gia đình chuyển sang một ngôi trường mới và tất cả chúng ta đều hi vọng những điều tốt đẹp nhất dành cho cậu. Khi thầy hiệu trưởng bước ra khỏi lớp, và như mọi khi, tiết học không bao giờ nối lại như xưa được nữa. Đã có một vệt nứt gãy ở giữa khoảng thời gian có Chal và khoảng thời gian mới được tạo nên lúc này, khoảng thời gian mà ở đó không có cậu. Tôi ngồi yên trên ghế, lắng nghe những lời bàn tán xì xào của đám bạn học kế bên. Có người nói bệnh của Chal tự nhiên trở nặng nên người nhà mới phải cuống cuồng chuyển đi, có người lại thì thào, các cậu có thấy tự nhiên thằng Chal trở nên lầm lì hơn không, nó không chơi đá bóng nữa, cũng chẳng thấy đi bơi, cũng chẳng kể chuyện cười, nó ăn rất nhanh và làm gì cũng rất nhanh, nó luôn biến đi trước cả khi người ta kịp nghĩ đến việc gọi tên nó. Tôi dỏng tai nghe không sót lấy một từ. Và tôi nhớ đến Chal đi đâu đó trong đêm, cậu mặc chiếc áo sơ mi màu trắng và đôi chân trần như thể cậu tự đánh dấu chính mình bởi nỗi sợ hãi bị bóng đêm nuốt lấy. Cậu tìm đến tôi bởi cậu quá sợ việc phải ngủ một mình. Rốt cuộc, tôi không thể biết được chuyện gì đã xảy đến với Chal trong suốt quãng thời gian qua, và việc gì đã xảy ra cho cậu ấy từ trước đó nữa.
Tôi lân la thăm dò khắp xung quanh, từ đám học sinh trong đội bóng đá của Chal, đội bơi và đội chạy bền, tất cả đều có một câu trả lời như nhau. Chúng tôi không biết, từ lâu rồi Chalcedony không còn tham gia một thứ gì. Các tiết học buổi chiều tôi đi loanh quanh trong trường, hi vọng sẽ có cái gì rơi xuống nói cho tôi biết chút gì đó về Chal. Nhưng chỉ là vô vọng. Tôi đến trước bể bơi và nhìn qua tấm kính, tôi đã mong đợi điều gì khi tới đây? Tôi mong lại được nhìn thấy Chal nằm dài thảnh thơi bên thành bể, sau khi đã bơi một chục vòng hay ba chục vòng, tôi có mong lại được nhìn thấy cậu ngửa mặt lên trần nhà và những ngón tay mảnh khảnh thế lại có thể bóp nát một lon bia. Đôi mắt xanh lơ rơi xuống và ra đi cùng mùa thu. Đối với tôi, Chal cũng giống mùa hè. Nóng bức và oi nồng, và làm người ta khó chịu chỉ muốn tránh xa, nhưng khi nó đã qua đi, người ta sẽ dành tất cả những mùa còn lại để làm thơ và viết văn chương và ca tụng về nó và thương tiếc nó. Chal là mùa hè của tôi, và cậu đã ra đi không cách nào lấy lại được.
Chẳng mấy chốc khi không có bất kì ai cạnh bên và con người ta bắt đầu thấy cô đơn, thì thời gian bỗng trôi đi nhanh không tưởng. Mùa thu qua đi, tôi đã mười tám tuổi. Tôi dành cả mùa đông để đi đến thư viện trò chuyện với những người bạn cùng khối Lớn. Tôi biết được thêm rất nhiều nỗi thương lòng khác và để giữ kín chúng, tôi viết về chúng trong nhật kí như một thói quen.
Ngày 25 tháng 9 – 1 giờ 30 phút sáng.
Hôm nay mình đã nói chuyện với cái bạn tóc cam. Tên bạn ấy là Org, mình đã hỏi bạn ấy có phải tên thế là vì màu tóc không, bạn ấy mỉm cười bảo đúng là vậy. Mình nói mình là người lưu giữ nỗi buồn, mình bảo Org, nếu bạn ấy có chuyện phiền lòng mà nói ra với mình, tâm trạng sẽ nhẹ nhõm hơn. Ban đầu Org nói không nhiều, chủ yếu toàn đặt câu hỏi cho mình. Nhưng rồi khi mình kể cho Org nghe chuyện của Sam, bạn ấy liền ngồi thẳng dậy và khép mắt lại rồi mở mắt ra, và bạn ấy bắt đầu kể. Org yêu anh trai của bạn ấy và khi gia đình biết chuyện, anh trai bạn ấy tự sát, Org nắm hai bàn tay bạn ấy lại vào nhau, bạn ấy chỉ chực bật khóc, và mình cũng đợi bạn ấy bật khóc, mình thậm chí đã nghĩ sẵn trong đầu những lời an ủi, nhưng Org đã không khóc, hai hàng lông mày bạn ấy níu chặt lại, những đường rãnh sâu hằn trên trán bạn ấy, mũi Org chun lại như ngửi phải một mùi khó chịu, răng trên cắn chặt môi dưới tới mức mình đã lo có khi bạn ấy sẽ cắn môi chảy máu mất không chừng. Nhưng nó đã không xảy ra. Chẳng có cái gì xảy ra hết cả. Org im lặng một lát, bạn ấy hỏi mình có muốn đi uống gì không, mình lắc đầu, rồi mình hỏi, anh trai cậu thực sự đã mất rồi sao. Org gật đầu, rồi nói, sau đó, tớ đã xin bố mẹ cho vào đây. Bố mẹ tớ đồng ý ngay. Và thế là tớ vào đây học. Mà thực ra, Org ngần ngừ một lúc, nói tiếp, đây đâu phải chỗ để học, đúng không. Tớ nghĩ, nó giống một bệnh viện hơn, một nơi để chữa trị về mặt tâm lí, đại loại thế. Tớ nghĩ thế đấy. Và mình liền nói, tớ cũng nghĩ thế đấy, cả hai chúng ta đều đúng rồi. Và Org cười, và mình có người bạn đầu tiên, sau khi Chal đi, và cả sau khi Tang thôi chào mình trên hành lang nữa.
Ngày 30 tháng 9 – 12 giờ trưa.
Không dễ gì để khơi ra được một vết thương lòng của người khác. Họ không dễ dàng như Org và họ mạnh mẽ hơn Sam. Mặc dù khi mình nhắc đến quá khứ của mỗi người, mình đã thấy trong mắt họ một vệt tổn thương. Nhưng nó biến mất cũng nhanh, nhanh tới mức chớp mắt một lần thôi là tan biến hết. Nhưng hôm nay, sau bao nhiêu lâu mình cũng đã kiếm được một người. Tên cậu ấy là Bee. Bee lớn hơn mình một tuổi, cậu ấy nói thực ra trường trung học nội trú Đại Dương có một trường lớn hơn và ở mức cao hơn là trường thực nghiệm Hoa Dẻ. Những ai ở độ tuổi của Bee đáng lẽ sẽ được chuyển thẳng lên trường thực nghiệm Hoa Dẻ nhưng vì lí do nào đó, họ quyết định để Bee ở đây. Đó là trường mà sau này cậu sẽ phải đến, nếu cậu không chịu khỏe lên, Bee nói với tôi, hai đứa lúc đó đang trốn tiết buổi chiều và tôi chỉ cho Bee chỗ bắt mấy con bọ cánh cam. Bee đặt mấy con lên tay, xem chúng bò tới bò lui rồi cậu chụm hai tay vào nhau để chúng bò từ chỗ này qua chỗ khác. Tớ phải chuyển lên đó à, tôi hỏi lại, hơi ngạc nhiên, đến nỗi tôi quên luôn mục đích chính của mình. Nhưng nếu cậu qua được bài kiểm tra cuối năm, thì cậu sẽ được ra trường, sẽ ổn thôi, Bee nói, cậu đồ chừng muốn vỗ vai tôi nhưng rõ là không làm được với đống cánh cam hãy còn đang bò lổm ngổm. Mãi sau, tôi mới hỏi cậu về chuyện vì sao cậu lại phải vào đây. Bee đáp, nếu biết vì sao thì chắc tớ đang ở đâu chứ không phải chỗ này, Bee nghĩ ngợi một lúc, cậu gảy những con cánh cam xuống đất rồi nói tiếp, nếu mà buộc phải trả lời thì, tớ chắc là vì mẹ tớ. Hồi tớ học lớp tám, mẹ đánh tớ gần chết, bố tớ can, thường thì là ngược lại nhỉ, Bee cười nhưng đôi mắt bị mặt trời làm chói quá tôi không thấy được, và cậu biết không, bố tớ bị thương, chẳng làm sao chỉ xước ngoài da nhưng lúc đó thì chảy máu rất nhiều. Và rồi khi tất cả qua đi, mẹ không còn nói chuyện với tớ nữa. Ở nhà tớ luôn cố gắng giữ cho mình thật là im lặng, như một con cá ngừ, cho đến một hôm, tớ quyết định làm liều một phen. Tớ có thuốc ngủ trong nhà, và tớ nuốt một ít, tớ căn đúng giờ mẹ đi làm về, tớ chỉ muốn xem phản ứng của mẹ thôi. Tớ không uống để chết, tớ uống để ngủ một giấc và để gọi mẹ dậy. Tớ nằm bẹp trên ghế sô pha, từ ngoài cửa nhìn vào mẹ có thể dễ dàng thấy tớ ngay. Nhưng lúc đó, khi mẹ về, Bee di di những con bọ cánh cam trên mặt đất rồi cậu ấy dừng lại, mẹ chỉ đứng đó nhìn tớ, rồi mẹ bỏ đi. Và tiếp theo tớ nhét hết chỗ còn lại vào mồm. Tớ tỉnh dậy trong bệnh viện, và ra viện một cái, tớ bị ném vào đây.
Ngày 10 tháng 10 - 8 giờ 45 phút sáng.
Tôi đã nói chuyện với Jen suốt cả tiết Số học. Cô ấy là lớp trưởng, gương mẫu và khá xinh nhưng may thay lại không khoái toán cho lắm. Chúng tôi trao đổi thư cho nhau, tôi kể cho cô chuyện của Sam và bảo rằng tôi đang đi tìm những nỗi buồn rồi tôi nói cho cô những gì tôi biết, thế là Jen hí hoáy viết cái gì đó rất lâu một hồi, xong cô đứng dậy đưa nó cho tôi. Jen xin ra ngoài trong lúc tôi đọc hết tờ giấy đó. Tờ giấy viết thế này.
“Cậu chắc cũng nghe nhiều rồi, chuyện buồn thảm u sầu ấy. Không biết cậu sẽ xếp chuyện của tớ vào loại gì, nhưng thôi cứ kể ra đi vậy. Tớ thích nữ. Vậy đã đủ cho cậu chưa. Bố mẹ tớ thì cứ nghĩ tống tớ vào một cái trường nội trú là xong chuyện, nhưng cái trường này thiếu gì đàn bà, chưa kể đây là trường chữa trị vấn đề tâm lí, trong khi tớ rõ chẳng có bệnh tật gì. Bởi cậu nói tớ nghe xem, yêu người mình yêu thì sai trái chỗ nào? Mẹ từng có ý định nhờ ai đó hiếp tớ một trận cho tỉnh trí ra, nhưng mẹ bảo vì giữ thể diện cho tớ nên đã không làm. Tớ từng muốn giết hết tất cả mọi người, cả đàn ông và cả đàn bà rồi tự vẫn. Nhưng sau rốt tớ đã không làm. Tớ nhìn khuôn mặt mẹ tớ khi đang ngủ và tớ biết rõ tớ không thể giết hết tất cả mọi người trên thế giới này. Và tớ tự hỏi sao tớ lại phải chịu vấy máu vì người đàn bà này? Chỉ bởi vì tớ yêu thương khác người, và bởi vì tớ sinh ra làm con không có quyền chọn mẹ, không có nghĩa cuộc đời tớ dừng lại ở đây. Tớ cả quyết rằng tớ phải tiếp tục tồn tại, tiếp tục bất tuân lời của mẹ, dù có thế nào đi nữa. Sau rốt tớ thấy mình đang đứng ở đây. Thực đáy lòng, tớ muốn được ở đây mãi mãi, làm một kẻ điên, một kẻ tổn thương, nhưng trái tim tớ và tâm hồn tớ thì được nguyên lành. Này, nói cậu hay, địa ngục đang rỗng không, bởi ác quỷ đã ở sẵn đây rồi”.
Tôi ngừng chuyện viết nhật kí một thời gian. Mùa thu trôi qua trong sự thinh lặng có phần u tối hơn mùa hè. Mùa đông đến giữa những cái thở nhịp nhàng của nó. Vào buổi sáng, khi tôi mở mắt ra, từng luồng khí lạnh len qua cửa sổ thổi bùng mí mắt. Tôi đi qua mùa đông trong nỗi mặc khải tràn trề ứa đầy từ lồng ngực. Tôi gặp lại Chal khi cậu đến thăm tôi vào một ngày thăm nom đầu mùa xuân. Cậu mặc một chiếc áo len màu rượu chát, quần jean và đi đôi Adidas màu đen quen thuộc. Cậu mang cho tôi hàng đống sách, một cái máy nghe nhạc mới và một bức tranh.
“tớ đã từng thấy cái này rồi” – tôi chỉ vào điểm sáng nhỏ trên bức tranh của cậu. Ở phía sau đó tôi như nghe thấy tiếng gầm gào của từng đợt sóng bị nén chặt lại trên biển Thái Bình Dương.
“rồi hả? Tớ vẽ tặng cậu đấy mà” – Chal mỉm cười với tôi, cậu đẩy bức tranh khổ vuông về phía tôi, bức tranh chẳng có gì ngoài một lớp sơn màu xanh đen thẫm lại, một đốm sáng lấp lánh như một con đom đóm nhấp nháy giữa hàng cọng cỏ non.
“cảm ơn” – tôi đáp, nhìn thẳng về phía Chal, như tôi đã làm vào những đêm chúng tôi cùng nhau uống bia và hát ca đến sáng. Đôi mắt của tôi như bị rửa trôi đi trong cái nhìn màu xanh lơ của cậu, cái thứ xanh lạ lẫm như loang ra đến tận điểm giao nhau giữa biển cả và bầu trời.
“cậu thực sự không muốn biết vì sao tớ phải vào đây à?” – tự dưng Chal hỏi.
“và cả vì sao cậu được ra khỏi đây nữa” – tôi đáp. Và chúng tôi cười, nụ cười không có lấy một sợi thanh âm.
“vì bố mẹ tớ muốn thế” – Chal nói – “thần kinh tớ như sâu róm ấy, tớ sợ đau hơn sợ chết, rồi lại có lúc tớ căng mình ra, làm đau mọi chỗ tớ có thể với đến trên người. Rồi tớ gặp cậu”.
“và sao nữa?” – tôi tò mò hỏi, trong đầu tôi nhanh chóng nghĩ rằng phải mau ghi lại câu chuyện này vào nhật kí mới được.
“và tớ khỏi” – Chal đáp cụt lủn – “tớ hết sợ khi tớ ở gần cậu, cậu có cái gì đấy rất là kì, rất là sợ, nhưng cũng lại rất nhẹ, rất dịu dàng. Tớ sợ đến gần cậu, nhưng tớ thích ôm cậu”.
“cứ tự nhiên” – tôi cười với Chal. Tôi đang cười với cậu ấy, một nụ cười mà lâu lắm rồi tôi không biết phải dành nó cho ai.
Hai chúng tôi ôm nhau, cảm nhận hơi ấm của nhau, đoán biết và tìm kiếm lẫn nhau. Và tất cả dừng lại ở đó. Cho đến tận lúc nào, tôi cũng không còn rõ nữa. Mọi thứ cứ trôi đi, lửng lơ như bốn mùa.
2013-05-20
1:56 am