17. Mũi tên - Phần 1
Mũi tên
cho những ai đã từng là học sinh, và đang là
*
1.
Từ sáng thứ Hai, người ta không ngừng nói về cô ấy. Ý tôi là, trên ti-vi, trên báo giấy, trên báo mạng hay chỉ đơn giản là truyền miệng từ người này qua người khác. Họ nói rất nhiều. Họ hầu hết bình phẩm. Đúng là người đàn bà xấu số.
Tôi biết cô ấy hồi cấp một. Cô lúc nào cũng ủ rũ, chẳng bao giờ tham gia vào các hoạt động tập thể như cảnh sắt bắt kẻ trộm hay cá sấu lên bờ. Cô có một nhóm bạn nhỏ, vài đứa con gái, thi thoảng có một thằng con trai. Đứa con trai này cũng chẳng chơi với ai trong lớp. Hồi ấy tôi không có mấy ấn tượng về đứa trẻ này. Tôi muốn nói, cô ấy đáng lẽ cũng chỉ là một bạn học từng ngồi trên tôi vào năm lớp bốn mà thôi.
Hết cấp một chúng tôi vào học tại một trường cấp hai liên thông. Vậy là chúng tôi học với nhau bốn năm nữa. Không rõ vì lí do gì, tôi bắt đầu tìm cách nói chuyện với cô. Lên lớp tám, chúng tôi được xếp ngồi gần nhau. Tôi phát hiện ra rằng cô ấy thích vẽ điên cuồng và có một niềm đam mê khác là đọc. Không phải đọc sách hay đọc truyện tranh hay một cái gì cụ thể, cô ấy chỉ đơn giản là có niềm khoái cảm lạ thường với việc đọc mà thôi. Khi không còn gì để đọc, cô đọc sách Ngữ văn và Lịch sử. Đọc hết sách giáo khoa rồi, cô quay sang hỏi tôi cô có thể mượn quyển từ điển của tôi trong giờ ra chơi được không. Khi tôi nói được thôi, cô ấy mỉm cười và thở dài một tiếng. Bây giờ thi thoảng tôi vẫn thử làm thế, tức là mỉm cười với ai đó rồi thở dài. Chẳng mấy khi tôi làm được. Muốn thực hành thuần thục động tác này có lẽ ta phải có thứ gì đó như một mã code được lập trình sẵn. Giống như một cơ chế, một cỗ máy được vận hành. Có lẽ tôi hỏng hóc cái gì đó, cũng có thể là không.
Suốt những năm cấp hai, tôi có một vài bạn gái. Hầu hết là học sinh trong trường. Họ lớn hơn hoặc nhỏ hơn tôi một vài tuổi, họ cao hơn tôi hoặc thấp hơn tôi. Họ giàu có hơn tôi và họ đi học bằng xe máy. Tôi cặp kè với họ một thời gian, rồi sau đợt nghỉ hè ai đi đường nấy.
Tôi lên cấp ba cũng tuần tự y như vậy. Đi học, tốt nghiệp, thi đại học, ra trường, kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, có bạn gái, ngủ với nhau ba lần một tuần, thi thoảng ra ngoại ô chơi hoặc vào công viên hóng gió. Tôi không gặp lại cô ấy nữa.
Mãi đến hôm thứ Sáu vừa rồi, trong khi công ty liên hoan mừng tất niên, tôi chui vào một góc và lên mạng kiểm tra kết quả trận đấu ngày hôm trước. Việc xem tỉ số chỉ mất độ mười lăm giây cộng trừ năm giây chờ mạng load, nhưng thực lòng tôi thấy mệt và hơi bia rượu khiến tôi buồn nôn. Tôi nán lại trong văn phòng một lát và lướt mạng. Trong lúc xem các tin tức về kinh tế chính trị chuyện hài các kiểu, tôi để ý thấy một mục nhỏ, ghi cáo phó. Chẳng vì lí do gì, tôi ấn vào xem vui vậy thôi. Sáng hôm ấy tôi thấy tên cô ở dòng thân nhân người chết. Con gái cô tự tử ba ngày trước, hình như là treo cổ trong phòng riêng. Tôi ghi lại địa chỉ của cô và lên lịch tới nhà cô vào một ngày gần đó.
Chúng tôi được nghỉ một đợt dài hơi. Ban đầu tôi tính đi du lịch đâu đó, làm một chuyến sang châu Phi hoặc Mexico buôn thuốc phiện, hay hơn thì tới Mĩ và nhân tiện thì đến Las Vegas luôn. Thậm chí tôi còn mua một lô sáu bàn chải đánh răng và dao cạo râu mới để đề phòng trường hợp tôi làm mất những cái cũ trong lúc đi, một cái túi du lịch chuyên dụng và một tá quần áo mùa hè. Hôm đó tôi về nhà, tống tất cả vào tủ rồi khóa lại. Tôi đọc mục cáo phó một lần nữa, khẳng định chắc chắn rằng đó chính là cô ấy rồi đi ngủ.
Có rất nhiều lần, trong những giấc mơ, tôi thấy mình trở về những tháng ngày của tuổi mười lăm trong quá khứ. Thực ra mà nói tôi không nhớ được nhiều lắm những ấn tượng về khoảng thời gian ấy. Tôi biết rằng tôi phải mặc đồng phục, áo sơ mi trắng và quần tây tím than, đeo khăn quàng đỏ. Tuy nhiên có một thứ gì khác luôn gợi tôi nhớ về hình ảnh tôi khi ấy, đứng bên ban công của tầng hai, trước cửa lớp và có lẽ đó là giờ chào cờ vào buổi sáng thứ Hai, sân trường nhung nhúc người nhưng các hành lang và lớp học thì trống rỗng. Mỗi khi nhắm mắt lại tôi thường trở về căn phòng ấy. Tôi đứng đút tay vào túi quần, nhìn ra bên ngoài một lúc thật lâu, tôi nhìn về phía những tòa nhà cao và bầu trời sạch sẽ. Dưới sân trường, thi thoảng lại vọng lên tiếng thầy hiệu trưởng đang chỉ đạo các học sinh khối lớp sáu dàn hàng sao cho đều đặn, nhắc nhở một vài học sinh lớp chín bỏ mũ ra và đừng nói chuyện tào lao nữa. Tôi khá chắc về những chuyện ấy. Ý tôi là, chuyện nó phải xảy ra như thế mà.
Khi tôi trở vào lớp để chuẩn bị chép bài tập về nhà, tôi thấy cô ấy ngay. Bàn của chúng tôi là bàn đầu tiên dãy ngoài cùng bên tay phải, sát cửa sổ. Tôi ngồi trong góc, cô ngồi cạnh bên. Vậy là, cô ấy ngồi ở đó. Cô cúi thấp xuống bàn như cô vẫn làm khi vẽ, mái tóc ngắn rủ xuống che đôi tai xinh xắn của cô. Cô có một cái cổ thanh mảnh và trắng như những đụn tuyết bám lấy cành cây, đôi khi chúng còn tỏa ra mùi hương của hoa mộc. Đó là một ngày dịu dàng không có nắng. Ngày hôm đó chẳng có gì. Tiếng loa vẫn dội đều đều và lan tới khắp mọi nơi trong trường học. Tôi thì ở đó và cô cũng ở đó, rồi chúng tôi như bị đông cứng lại giữa lưng chừng thời gian.
Sáng hôm sau tôi dậy sớm hơn mọi ngày nửa tiếng, làm vệ sinh cá nhân kĩ tới mức tôi làm đủ mọi thứ cho răng miệng mà tôi chưa từng làm suốt ba mấy năm qua. Bữa sáng tôi có thói quen ăn ngũ cốc với sữa không đường và một bát bột ngô nhỏ. Sau đó tôi đọc báo và ăn táo, uống cà phê. Sáng nay tôi chỉ uống trà, màn ăn táo có thể để sau. Tôi mặc vest nhưng thấy trịnh trọng quá, tôi thay áo sơ mi và quần bò, thế rồi lại thấy đơn giản quá, tôi quyết định chọn một cái áo phông trắng và quần âu, khi kết hợp chúng vào với nhau tôi mới thấy tủ quần áo của tôi là một cuộc khủng hoảng. Tôi suy nghĩ một lát rồi quyết định tôi cần phải hỏi ý kiến của chuyên gia.
“em này, em thích anh mặc thế nào?” – thông thường bạn gái tôi sẽ rất ghét nếu tôi gọi cô ấy trước chín giờ sáng hàng ngày trừ Chủ nhật. Cô ấy sẽ rú lên và bảo với tôi rằng đừng hòng có chuyện sờ vào cô ít nhất một tuần tới. Tuy nhiên lúc này đành phải chịu thôi.
“không mặc gì” – cô ấy nói.
“vest thì sao? Hay là mặc đơn giản? Anh nghĩ là anh nên mặc vest, nhỉ? Như thế nhìn sẽ nghiêm túc hơn” – tôi nói.
“vest nhìn già lắm, buồn nữa. Tùy anh. Với em thì anh mặc gì cũng được. Đằng nào anh cũng đâu có đẹp trai” – cô đáp.
“được rồi, anh sẽ mặc vest vậy” – tôi bảo cô rồi chào tạm biệt.
Đường phố những ngày Tết tôi còn lạ gì. Vắng vẻ và giống như là bối cảnh trong một bộ phim viễn tưởng của Mĩ khi con người ta đã chết sạch và khỉ nắm quyền cai quản trái đất. Trên xe, tôi mở nhạc của Wham rồi nghĩ thế nào đó, tôi tắt đi, chẳng nghe gì cả. Có một sự yên lặng quái đản nào đó trong không khí và bởi vì tôi nghĩ mình có thể nghe thấy nó, nếu tôi chịu khó lắng nghe. Tôi lái xe xuyên qua ánh sáng và bầu không khí như vô hình của thành phố.
Cô sống trong một khu tập thể. Nhà cô ở tầng năm, số phòng 504. Tôi chỉnh lại cà vạt trước khi bấm chuông. Tôi ấn cái nút nhỏ màu đỏ hai lần. Sau đó tôi yên lặng và quan sát nó. Đã có bao nhiêu người nhấn chuông? Trong số đó có bao nhiêu người được vào và bao nhiêu người bị từ chối? Tôi nằm ở đâu? Loại hai hay loại một? Cô ấy sẽ mở cửa chứ?
Cô ấy sẽ mở cửa chứ?
Cô ấy sẽ không bao giờ mở cửa.
2.
Họ hỏi tôi rất nhiều về việc làm thế nào tôi lại có mặt ở nhà cô vào đúng ngày hôm ấy. Họ cứ hỏi đi hỏi lại mãi, tới nỗi đột nhiên tôi cũng đâm tự hỏi chính mình. Vì sao tôi lại đến nhà cô vào ngày hôm ấy nhỉ?
“tôi biết tin con gái cô ấy vừa mất, vậy là tôi quyết định tới thăm” – tôi trả lời, lần thứ một ngàn không trăm lẻ một. Viên cảnh sát ngồi trước mặt tôi ghi gì đó vào tờ báo cáo của anh ta, nhìn tôi rồi đóng nắp bút lại.
“anh là bạn của người chết à?” – viên cảnh sát hỏi. Cậu ta có cái dáng vẻ yếu ớt và trẻ con thế nào đó, nhưng mà không phải loại bọn to hơn bắt nạt được. Có cái gì sâu thẳm trong đôi mắt cậu ta khi hỏi tôi tất cả những câu hỏi mà người khác đã hỏi đến vài chục lần suốt những ngày hôm ấy. Kiểu như là cậu ta đặt ra câu hỏi mà chẳng thèm bận tâm đến việc ai sẽ tiếp nhận câu hỏi này.
“vâng, đúng rồi. Bạn học cùng cấp một và cấp hai” – tôi đáp.
“cấp ba thì sao? Anh không có thông tin gì hay giữ liên lạc với cô ấy à?” – viên cảnh sát hỏi, hai tay anh ta nắm thành nắm đấm và đặt ngay ngắn hai bên. Anh ta sẽ không đánh tôi, tôi biết thế, anh ta không có cái vẻ gì là sẽ làm như thế cả.
“vâng. Tôi không hề gặp lại cô ấy suốt những năm cấp ba cho đến giờ” – tôi trả lời.
“được rồi” – viên cảnh sát nói – “anh là bạn học với cô ấy gần mười năm, sau đó hai người mất liên lạc mười năm tiếp theo, và đột nhiên anh quan tâm cô ấy tới mức ngoài anh ra không một bạn học nào biết địa chỉ nhà của cô ấy. Anh có vẻ là một người bạn tốt, theo tôi thì là vậy” – viên cảnh sát nói. Nếu anh ta đang mỉa mai tôi, tôi cũng sẽ không cách nào nhận ra được. Anh ta nói mọi điều bằng cái giọng bình thản không lên không xuống, không ngữ điệu không trọng âm, không biểu lộ bất cứ một dạng tình cảm gì. Tôi không biết phải trả lời thế nào cả, tôi im lặng.
“anh có thể về. Về đi thôi. Sau này nếu có chuyện gì chúng tôi sẽ gọi anh sau” – viên cảnh sát trẻ nói, anh ta đứng lên, đóng tập báo cáo lại rồi bỏ ra khỏi phòng.
Nhưng tôi đã ngồi ở đó một lúc lâu.
Tôi đợi ai đó ra mở cửa. Rồi tôi nhớ ra con gái cô ấy đã mất. Mục cáo phó không nhắc tới người chồng hoặc bất kì người thân nào khác. Tôi thử nhòm vào bên trong qua cánh cửa sắt mắt cáo rồi thử đẩy một chút. Và thì nó cứ vậy trượt ra thôi. Tôi bước vào. Bóng tối của căn nhà như cảnh giác một người lạ, nó lùi dần ra xa tôi như ánh sáng tạo thành một vòng tròn quanh ngọn nến. Tôi cứ thế, đâm thẳng vào bóng tối. Tôi không rõ nó sâu ra sao nhưng cuối cùng ngón chân tôi cũng chạm đến đáy. Ở dưới đó tôi bắt gặp cô ấy. Đôi tai nhỏ nhắn mà tôi từng rất thích hiện ra lồ lộ trước mắt tôi. Mái tóc ngắn của cô giờ đã dài quá nửa và được buộc gọn gàng lên bằng một sợi dây chun nhỏ. Cô ngả người về phía sau, hai tay đặt trên đùi. Đôi mắt cô nhắm lại. Tôi chậm rãi tiến về phía cô và chạm vào tai cô. Đôi tai mát như một miếng thạch rau câu để lâu ngày trong tủ đá. Căn phòng nhỏ, có cửa sổ nhìn ra bên ngoài và tấm rèm in họa tiết hoa đỗ quyên phấp phới bay. Giường được trải ga và hai cái gối xếp ngay ngắn. Cô ngồi trước bàn trang điểm, như thể cô đang tô lông mày thì buồn ngủ và thế là cô nghĩ, ồ chỉ một chút thôi, rồi điều chỉnh tư thế cho thoải mái, hơi ngả người ra sau và khép mắt lại. Giấc ngủ đến nhanh, bởi vậy nó sâu hơn cô tưởng. Nó sâu đến tận cùng.
Cô yêu giấc ngủ này đến nỗi không một ai có thể lấy nó đi khỏi cô được nữa.
“anh không sao chứ?” – bạn gái tôi hỏi. Cô ngồi ghế lái và tôi nhớ ra ban nãy cô đã đến đón tôi từ sở cảnh sát. Có lẽ tôi đã ngủ ngay khi bước vào xe.
“không sao, chỉ chợp mắt một tí” – tôi dụi mắt rồi nói. Nắng tỏa rực rỡ tới phát chói, tới phát đau. Đồng tử tôi nheo lại và tôi che mắt theo phản xạ. Tôi ghét cái sự rõ ràng đến gay gắt như vậy. Nó nói rằng đây là hiện thực chứ không phải một giấc mơ. Và điều đó thì mang ý nghĩa gì được chứ? Nó nghĩa là cô ấy đã thực sự chết rồi. Cô không còn ở đây nữa. Cô không còn ở đâu nữa. Tôi biết cô đang nằm ở bệnh viện nào và người ta sẽ thiêu cô. Tôi biết rõ nhưng đằng nào thì cô cũng sắp biến mất rồi. Sự nhận thức này giờ chẳng còn nghĩa lí gì cả.
“anh nên ngủ đi. Mọi thứ sẽ khá hơn sau khi anh ngủ dậy” – cô nói. Cô đang cố gắng trấn an tôi. Nhưng tôi không tài nào ngủ được nữa. Ồ thôi nào, chẳng phải đây vẫn là thế giới sau khi tôi thức dậy hay sao?
Tôi vào phòng ngủ và khóa cửa lại. Bạn gái tôi hỏi liệu tôi có đủ ổn để cô có thể về nhà hay không. Cô sẵn sàng ở đây với tôi, suốt đêm, cả ngày mai hay cả ngày hôm sau nữa. Nhưng tôi nói cô có thể yên tâm và về nhà. Lúc này tôi tốt nhất nên được bỏ lại một mình.
Những ngón tay tôi vẫn còn mát. Cảm giác đó thoang thoảng như một mùi hương lúc được lúc mất lướt qua. Tôi chạm những ngón tay lên mặt mình. Chúng lạnh và hầu như mất cảm giác. Tôi muốn nghĩ ngợi về một điều gì đó nhưng nghĩ mãi mà không rõ nên nghĩ tới điều gì. Vậy là cô ấy tới.
Cô mặc bộ đồng phục và có lẽ đó là phiên trực nhật của chúng tôi. Cô nói cô sẽ nhận phần lau bảng và thay vào đó tôi có thể đi kê lại bàn ghế hoặc quét nhà. Lau bảng xong cô sẽ giúp tôi một tay. Thường là vào buổi sáng, khi đó cô nói nhiều hơn những lúc khác trong ngày. Khi có mọi người trong lớp và chúng ồn ào náo nhiệt như đại nhạc hội của loài ong, cô sẽ ngồi yên trên ghế của mình và cặm cụi vẽ. Hoặc đọc. Cô đọc đủ thứ và hôm nào đó tôi có thể sẽ cho cô mượn thẻ thư viện của tôi. Học sinh ai cũng phải làm một cái thẻ thư viện nhưng hình như cô làm mất nó rồi. Vào giờ ra chơi, tôi cùng lũ bạn chạy khắp nơi và làm đủ trò trong lớp. Có những ngày khác, tôi gục mặt xuống bàn và vờ ngủ, nhưng thực chất tôi ngắm nghía cô từ góc độ nhìn lên như người ta nhỏ bé quá phải ngước mắt mà xem một bức tượng á thần. Tôi thử tưởng tượng cảm giác được chạm vào đôi tai cô và miết nhẹ ngón tay lần theo những đường rãnh của nó, trượt xuống chiếc cổ thon thả mong manh và lùa sâu vào mái tóc. Tôi chạm vào cô chậm rãi và bí mật bằng mắt bằng không khí bằng những ánh nhìn như xuyên thấu như đâm ngang. Thi thoảng tôi tin rằng cô biết. Hẳn là cô biết. Một cái sự gì đó nếu được lặp đi lặp lại một thời gian quá dài như vậy thì thật khó không bị nhận ra. Cô ấy đã nhận ra, phải rồi, là tôi luôn muốn cô, mãi mãi.
Vào mùa hè, khi tôi đến trường để chơi bóng cùng bọn bạn, đôi khi tôi nhìn thấy cô đứng trên ban công. Cô khoanh tay đứng đó, lúc nào cũng dõi lên bầu trời như đang tìm kiếm một cánh chim hoặc một vì sao. Cô chẳng bao giờ nhìn thấy tôi ở gần ngay bên dưới. Cô lúc nào cũng như đang tìm một thứ gì đó ở rất xa. Tôi cũng bắt gặp cả bố mẹ của cô. Mẹ cô tóc dài, mặc đồ công sở. Bố cô đậm người, tóc cắt ngắn gọn gàng và mặc áo sơ mi xanh, quần âu, áo vest vắt trên tay. Họ đi cùng nhau nhưng không trò chuyện. Cũng chẳng thấy ai cười. Tôi đã mong cô không bị khiển trách vì chuyện học tập. Ở trên lớp, điểm số của cô chưa cao bao giờ.
Tôi ngủ thiếp. Tôi ngủ chập chờn, một lát sau tôi lại mở mắt ra như chưa bao giờ nhắm. Tôi ra khỏi giường và lôi cái ví từ trong áo vest. Có một thứ mà tôi không nói với viên cảnh sát trẻ kia hay những viên cảnh sát già cỗi khác. Trong ví của tôi có một lá thư viết tay, giấy kẻ li và những hằn gấp của thời gian nổi lên đặc quánh. Những con chữ nhỏ li ti tuy mờ nhưng tròn trịa và dễ đọc. Tôi đã đọc một lần khi tôi ở nhà cô, bây giờ tôi nghĩ mình sẽ đọc lại một lần nữa.
Tôi đã dành cả đêm để đọc nó, đọc đi rồi đọc lại.