Mẫu Thượng Ngàn - Phần 14 - Chương 04 - Part 01

 

Chương 4

Ông René de Fromentin vừa cho in một loạt những bài viết về Đông Dương được người đọc chú ý. Ví dụ: việc xây dựng ngôi nhà thờ lớn tại Hà Nội hay “người Chiêm Thành và chế độ mẫu hệ". Rồi “nghiên cứu về tang lễ của người Việt ở xứ Bắc Kỳ”. Tuy vậy, ông René vẫn bị những người như Julien coi là kẻ vô tích sự đáng yêu. Sở dĩ Julien cho thêm tính từ dáng yêu vào vì mới đây cuốn sách “tản mạn Bắc Kỳ" của ông được báo chí Paris rất khen ngợi. Thực ra những người như ông vẫn được các ngài toàn quyền, công sứ coi trọng vì họ được coi là đại điện cho nền văn hóa Pháp. Họ được coi là những bình hoa đẹp trang trí cho công trình thuộc địa của nước Pháp ở xứ sở này.
Khi nhận được thư của họa sĩ Pierre Messmer báo cáo cho biết làng Cổ Đình sắp mở hội, ông René lập tức thu xếp đến đồn điền ngay. Về đến nơi, Pierre rủ René đi đến đình làng. Hai người Pháp đã đi từ ngạc nhiên này đến sửng sốt khác. René bảo:
- Lạ thật! Chúng ta ở cái làng này đã lâu. Sao lại không biết cái công trình đáng yêu này nhỉ. Thế mới biết chúng ta đầy chất quan liêu.
- Vì quan liêu hay vì chúng ta là ông chủ. - Pierre nói.
- Cũng có thể. Vì ông chủ thì bao giờ chả thấy ngôi nhà của mình là đẹp nhất thế gian. Còn ngôi nhà của đày tớ…
Pierre chú ý đến mặt mỹ thuật. Ông rất ngạc nhiên sao con người lại công phu và tinh vi chạm khắc đến từng mẩu gỗ nhỏ trong một công trình kiến trúc lớn thế này. Mà lại chỉ là công trình của một làng quê. Pierre rất thích thú đặt tên cho cái đình này là "Cái nhà hoa”. Còn René lại để ý đến mặt sinh hoạt của những bức khắc. Ông ta cứ ngần ngơ đứng trước bức cửa võng hoành tráng thếp vàng với bốn con rồng chầu mặt trời, với những nghệ sĩ đánh đàn với những cô tố nữ đang múa. Và óc ông đã lóe ra một đề tài nghỉên cứu mới.
Hôm mười ba, René và Pierre lên đền Mẫu đúng lúc bà đồng Mùi đang bắt ghế hầu thánh. Hai người dự cho đến hết ba giá đồng. Khi bà Mùi hầu xong lập tức một bà đồng khác thay chân hầu tiếp. René càng ngạc nhiên hơn khi ra ngoài điện thờ - Lúc này ở núi Mẫu không phải chỉ có một mà có nhiều đám hầu bóng. Đám ở dưới gốc cây ngọc lan có cây hương đã đành. Lại còn một đám ở dưới gốc cây si khổng lồ. Tại đây, người ta lấy năm tàu lá cọ chồng lên nhau xòe ra làm một bán mái. Từ đỉnh bán mái treo một chuỗi ba cái nón nối đuôi nhau từ trên cao rủ xuống, cái trên cùng tua đỏ, cái thứ hai tua xanh, cái thứ ba tua trắng. Dưới chùm nón là một hòn đá phía trên bằng phẳng đặt một bát hương. Và thế là đủ một điện thờ. Cung văn, chỉ một ông đánh đàn và một bà gõ trống phách. Cô đồng là một cô gái rất trẻ mặc áo xanh. Trước mặt cô có một đoạn thân cây chuối dài chừng gang tay trên cắm một thanh tre dán giấy mà người ta gọi cái cốt. Pierre nhìn những con người mê đắm và những màu sắc rực rỡ giữa một thiên nhiên êm đềm màu xanh, chợt thấy bản thân mình cũng như bị mê hoặc, bị ám ảnh. Ông vội lấy bút giấy ra vẽ nhanh ít nét. Ông còn lẫn vào đám con nhang đệ tử ngồi ở đó khá lâu. René phải kéo mãi Pierre mới chịu rời chỗ đó. Ông bảo sở dĩ phải ngồi lâu thế vì muốn thu vào tâm khảm những màu sắc, cái không khí hồn nhiên bí ẩn mà trong đời ông khó có dịp gặp lại. Buổi chiều hôm ấy, Pierre tự nhất mình trong buồng để tưởng tượng lại, ghi lại cái quang cảnh mà ông đã dự, lần này giữ lại bằng màu sắc thuốc nước.
Buổi tối rỗi rãi, René và Pierre rủ cả Julien xuống nhà ông đầu bếp Lềnh ở khu trồng bưởi cuối vườn. Ông già người Tầu thấy ba ông chủ Tây đến, định thu dọn cái bàn đến cất đi, song Julien hiền từ nói:
- Ông cứ để đấy, đừng dọn dẹp. Có cái bàn đèn của ông nói chuyện mới thú.
Ông Lềnh mời mọi người hút:
- Các ông chủ chớ ngại. Thỉnh thoảng hút chơi một điếu không có hại. Chỉ có lợi vì tinh thần sảng khoái.
Julien cười:
- Châu Phi có lên đồng. Đông Nam Á có lên đồng. Tôi nghĩ lên đồng của người An Nam là một thứ dị đoan, phù thủy, một thứ khoa học rừng rú.
René điềm đạm nói:
- Tôi nghĩ bất cứ tôn giáo nào cũng đều có trạng thái lên đồng. Cơ đốc giáo có sự thiên khai. Phật giáo có trạng thái Ngộ đạo. Khi đã lý thuyết hóa, ta mới coi đó là tôn giáo. Còn những sự thiên khai vô ngôn thì sao? còn những người bình thường bằng trực giác bỗng nhiên thấy được những điều đẹp đẽ bí ẩn thì sao?
- Như vậy là những người An Nam cũng có tình cảm tôn giáo sao? Tôi đã gặp những cha đạo rất thánh của chúng ta. Tôi nghĩ chỉ đến khi các vị ấy trải qua bao gian khổ tới đây, lúc đó người bản xứ mới có một đức tin chân chính. Hãy đến ngôi chùa cổ mà xem. Người giữ đạo ở đấy là ông già điên khùng. Còn ngôi điện thờ trên núi ư? Tôi không tin những người đàn bà mê muội ấy lại có thể mang giữ được những điều thiêng liêng cao đẹp mà chúng ta gọi tên là tôn giáo. Nếu chúng ta kiêu ngạo như vậy, làm sao chúng ta có thể hiểu được họ. Làm sao chúng ta có thể làm được một sự tăng hợp sáng tạo. Nghĩa là sự hòa trộn nhuần nhị giữa hai nền văn hóa đề tạo ra một đất nước đẹp đẽ theo mô hình văn minh của người Pháp để tạo ra một bó hoa rực rỡ kiểu Pháp giữa vùng châu Á.
Julien cười khẩy bảo René:
- Ông là người bênh vực và am hiểu người bản xứ. Vậy ông có nhận thấy họ là những người thích làm quan và háo danh không? Hầu hết người An Nam đều muốn làm quan. Và khi đã leo lên được một địa vị, lập tức họ trở thành một ông quan tham tàn. Thậm chí làm quan không có quyền, họ cũng mua quan. Họ như những đứa trẻ ngây ngô. Khi có tiền trong tay, ho phung phí nào khao nào cỗ bàn linh đình. Họ cứ tưởng như tiền ở trên trời rơi xuống. Họ đâu biết người Tây phương chúng ta được như hôm nay đã phải mất bao nhiêu trí não, máu và mồ hôi, và cả sự cần kiệm. Có giao quyền cho họ, họ cũng không biết sử dụng. Trên thế gian này, chỉ có kẻ mạnh văn minh và kẻ yếu tối tăm. Quy luật đào thải vô tư và tàn nhẫn. Nó không bao giờ nương tay với kẻ yếu. Người Pháp chúng ta đang làm đúng quy luật. Không bao giờ có sự tổng hợp, hòa trộn.
René còn đang lúng túng tìm câu trả lời thì có tiếng nói:
- Có chứ! Có sự hòa trộn chứ!
Cả hai người đang tranh cãi hăng hái chợt ngừng lại và quay mặt ra khi nghe thấy câu nói của Pierre. Người anh trai vô tích sự của Julien không biết đã lên nhà trên từ lúc nào và đã quay trở lại, đem theo một bức tranh. Bức tranh tên là "Đội lửa!'. Một người đàn bà miền sơn cước váy đen áo xanh lam có hàng khuy bạc là lũ bướm đậu trước ngực. Cô ta đang múa. Trên đầu cô đội cái mâm cắm đầy nến cháy rừng rực. Cô gái mua mâm lửa trong giá đồng cô Bé sơn trang. Những cây nến lung linh đang cuộn theo vòng xoáy của điệu múa. Bức vẽ khá sinh động. Pierre giải thích:
Chất liệu vẽ là sơn dầu, do một họa sĩ An Nam vẽ, lại vẽ cảnh lên đồng. Như vậy chẳng là sự hòa trộn cả Tây lẫn Đông đó sao? Tiếc thay người họa sĩ đó đã vào Sài Gòn rồi.
Nhờ có bức họa của Pierre đem tới, cuộc tranh luận dịu hẳn đi. Julien cũng phải cười và công nhận bức vẽ đẹp. Còn René suy nghĩ rồi nói muốn mượn bức tranh này làm minh họa cho một bài nghiên cứu dài mà ông sẽ viết. Không khí căn nhà lá của ông Lệnh chợt lắng xuống chốc lát. Pierre phá không khí ấy:
- Cuộc tranh luận của hai ông bỗng làm tôi nhớ lại cuộc tranh luận của hai người bạn bản xứ của tôi. Họ là những người có học mà tôi tạm giấu tên. Để cho tiện, xin gọi họ là anh A và anh B. Hai người rất thân nhau. Chợt một hôm, giữa họ nổ ra cuộc tranh cãi kịch liệt. Chủ đề là tương lai của xứ sở An Nam.
Nghe đến chủ đề chính trị ấy mọi người đều chú ý, nhất là Julien. Julien chăm chăm nhìn người anh.
Cả hai người đều thống nhất một điểm là phải nhanh chóng Tây phương hóa xứ sở này. Điểm khác nhau là chỗ anh A chú trọng đến khía cạnh văn hóa. Anh A cho rằng khoa học là của chung của toàn thế gới, còn văn hóa mang đậm tính chất địa phương. Một dân tộc mất văn hóa sẽ không còn diện mạo dân tộc. Anh B cho rằng chuyện đó là phụ, điều quan trọng số một lúc này là phải Tây phương hóa để đuổi người Pháp chúng ta ra khỏi xứ này. Họ tranh luận với nhau càng lúc càng hăng. A bảo: gia đình là nơi quan trọng. B bảo: Không cần gia đình. A bảo: dân tộc là quan trọng. B bảo: Thế giới là quan trọng. Cứ tưởng cuộc cãi vã ấy hai người không nhìn mặt nhau nữa. A chia tay với B rồi bỏ đi.
Ông Lềnh là người thông minh. Ở với người Tây, ông đã học tiếng Pháp. Nhưng dù sao ông vẫn chưa thạo nên nghe nói ông chỉ nhớ đến A và B. Riêng Julien nghe xong ông gật gù:
- Tôi đã nhận ra A là ai và B là ai rồi.
- Sao?
- Sao ư? Có một điểm chắc chắn A đã vào Sài Gòn rồi, còn B chính là kẻ tôi đang truy tìm. Gặp hắn tôi sẽ bắn một phát súng vào giữa sọ hắn.
Ông Lềnh nghe chiều hướng câu chuyện lại muốn ngả sang phần tranh luận gay cấn, liền làm dịu ngay tình hình bằng những chuyện vui. Ông ta nói về chuyện đàn ông đàn bà. Nói về những chuyện rất tinh vi và rất lạ về quan hệ giữa hai giới của người phương Đông.
Thực ra, Julien không thích người da vàng. Trước kia, khi thấy ông anh Pierre và René hay đến uống trà và tán dóc với ông Lềnh, Julien tỏ vẻ không hài lòng.
Pỉerre cười và bảo em:
- Cậu tưởng người đầu bếp già ấy quá tầm thường sao. Ông ta là một nho sĩ, một vị tú tài, đã đọc hàng ngàn cuốn sách. Chỉ riêng việc ông ta tóm tắt cho chúng ta biết những cuốn sách của ông ta đã là quý lắm rồi.
- Chúng ta là những nhà chinh phục.
- Em là người đi chinh phục... Thiết tưởng càng cần hiểu về những thần dân của mình chứ.
Nghe lời Pierre, Julien đối xử với ông già Lềnh trân trọng hơn song không khỏi có phần hạ cố. Dần đần Julien cũng thích ông ta. René và Pierre thích ông Lềnh ở chỗ muốn qua cái tinh thần phương Đông của ông để gián tiếp rồi sau đó trực tiếp hiểu cái xứ sở này. Còn Julien dần dà thích ông Lềnh ở chỗ những mưu mô thâm sâu của những câu chuyện cổ Trung Hoa. Còn thích ông ở những lời khuyên, những câu chuyện tình dục kỳ lạ, cũng có thể nói có lúc tinh tế và kỳ cục, chúng kích thích trí tưởng tượng và sự tò mò của một người đàn ông cường tráng Tây phương như ông rất mạnh.Ông già Lềnh thực khéo. Tranh cãi đến mức gay cấn để làm gì. Ở cái chốn heo hút, khỉ ho cò gáy này, lại ở bên cạnh cái bàn đèn thuốc phiện, nơi con người chỉ biết vui vẻ, giải phiền, thì trách nhiệm của ông, người chủ bàn đèn, là phải làm sao cho khách khi ra khỏi đây người nào cũng thấy thư thái. Ông biết tâm lý của những người đàn ông. Nói chuyện về đàn bà, người nào cũng thích và có phần sành sỏi riêng của họ. Người nào cũng có những nhận xét chí lý. Julien là người đầu tiên lên tiếng:
- Theo tôi nghĩ có lẽ điều hấp dẫn nhất ở xứ Đông Dương này là người đàn bà. Tôi đã đi khắp. Đã sang cả Cao Miên, Lào. Tôi ở Lào hơn một năm. Tôi thấy đàn bà Lào dịu dàng, dễ bảo, chịu vâng lời. Những người đàn ông nào muốn tìm sự êm đềm hiền hòa, xin hãy đến với đàn bà Lào.
- còn đàn bà Việt? - René cười hỏi lại.
- Tôi không thích hai hàm răng đen của họ. Nhưng may thay, tiếp xúc với đàn bà lại là trong đêm tối. Đêm tối mò, tôi không nhìn thấy cái điều mà tôi không thích. Khi đã vượt qua được cản trở đó, và khi đã có nhiều kinh nghiệm, tôi mới biết được cái mỹ miều của người đàn bà bản xứ. Một thân hình nhỏ nhắn và hoàn mỹ, làn da mượt mà săn chắc chứ không bệu nhẽo. Dáng đi đứng mềm mại, uyển chuyển của loài báo gấm. Cái dáng vương giả thần tiên. Một khuôn mặt trái xoan nhiều hơn là tròn. Đôi mắt hơi xếch, hơi man dại. Con mắt ấy, dáng vẻ ấy tạo ra một sự hài hòa và gợi báo cho ta biết một sức sống mãnh hệt. Thú thật, khi phát hiện ra được những đặc điểm đó tôi thấy mê những thân hình nhỏ nhắn, mềm mại, trơn nhẵn trong những giấc ngủ miền nhiệt đới. Tuy nhiên, vẫn có một cái gì đó kỳ lạ, bí hiểm mà tôi vẫn chẳng nghe ra khi ở trên giường với người đàn bà bản xứ. Cái đó kích thích tôi, thu hút tôi. Phải chăng vì da thịt họ thơm tho? Một mùi thơm thiên nhiên. Nó man mác như mùi hoa phong lan rừng ban đêm. Phải chăng còn vì cái thân hình be bé, xinh xinh như con búp bê của họ? Đó là thứ búp bê đai đẳng. Cảm giác lúc ấy là thứ cảm giác chặt chẽ, nó xiết lấy ta làm cho ta ngộp thở. Ta bỗng trở nên nhỏ bé lại, đúng, ta bỗng trở nên chú bé tí hon. Ta thăm thẳm chuồi vào ấu thơ. Có phải thế không nhỉ? Và tôi chợt thấy thán phục họ, người đàn bà bản xứ. Cái sinh vật nhỏ thó xinh xinh ấy lấy ở đâu ra mà tràn trề sinh lực thế nhỉ. Điều này tôi không thấy ở những người