Đất Trời- Chương 03 part 1

Chinh di tướng quân Tân thành hầu Trương Phụ có tiếng là cọp. Nhưng con cọp đó đã một lần thấy thịt mà không dám ăn. Chuyện xẩy ra năm Quí Tị, khi vận nhà Trần mạt đến độ chẳng ai còn muốn cứu vãn gì. Tháng sáu, Vua Trùng Quang sai Nguyễn Biểu vào Nghệ An mang sắc cầu phong đệ lên Minh Vĩnh Lạc. Ðặng Dung can ngăn, nhưng Vua rớm nước mắt không đáp. Nhìn Biểu, Vua bảo, nếu khanh được việc thì phong cho làm Tướng Quốc. Biểu cười, tay sờ lên cổ, đáp hạ thần chỉ xin làm con ma giữ được cái đầu là đủ.

Lính đi kèm Biểu đưa vào tướng phủ rồi vái chào lui ra. Không thèm mời ngồi, Phụ nhìn sứ giả, hất hàm :
- Cứ nói !
Vái Phụ, Biểu chậm rãi, râu tóc dựng đứng :
- Vua chúng tôi thể theo chiếu chỉ Hoàng Ðế xướng lệnh lập lại hậu duệ nhà Trần, sai đến trình ngài tờ sắc cầu phong, xin chuyển giúp về Yên Kinh dâng lên Thiên Triều xét chuẩn.
Phụ hừ một tiếng, tay quơ ống nhổ, miệng phì phì, mắt ngó lơ. Biểu bậm môi, tay dâng tờ sắc mắt chòng chọc nhìn thẳng vào hai con mắt Phụ.
Hai con mắt đó xếch ngược, lồi ra, lừ lừ vô cảm. Gân máu chằng chịt kéo che gần hết lòng trắng, mỗi khi nó giựt ngược lên như động kinh, chắc chắn Phúc sẽ ra lệnh chém ít nhất là một cái đầu. Ðám quan võ nhà Minh từ đời Vua trước gọi Phụ là con cọp điên hóa tinh, nổi tiếng tàn bạo, đã xuất quân mà không thắng thì không trở về. Và thắng đối với Phụ là tiêu diệt toàn bộ đối phương, quân cũng như dân, người cũng như gà bò chó lợn. Ðưa tay ra giật rồi quẳng tờ sắc xuống thư án, Phụ nhổ nước bọt, ồm ồm :
- Thua thì xin thua, có ai thua mà đòi làm Vua bao giờ ! Dối gạt lọc lừa làm sao được à...
Biểu cắn răng nhẫn nhục :
- Còn trời còn đất, chuyện thua được muốn bàn thì bàn đến bao lâu cho hết.
Phụ cười nhạt ngắt :
- Gớm thay, gan thế cơ à ? Ðến giờ này mà còn dám bàn được thua ư ?
Ðến bữa ăn, trên khay của Biểu chỉ có một đôi đũa và một cái đầu người ninh qua, mắt vẫn trừng trừng mở. Phụ bảo :
- ... Thiên Triều đến đây khai hóa để con dân Giao Chỉ thôi ăn sống nuốt tươi, thôi trò dối gạt. Trùng Quang bây giờ thua nên mới xin cầu phong. Dạ thế, gan thế mà cũng Vương mới Ðế !
Biểu không đáp, đẩy chiếc khay đầu người trước mặt Phụ, mời :
-... Ăn uống thế này là theo phong tục Thiên Triều, tôi có phúc phận nay mới được thử. Tiền chủ hậu khách. Nay xin mời Tướng quân nhúng đũa, tôi xin ăn sau cho đúng lễ...
Phụ tái mặt, râu tóc dựng lên, mắt giựt ngược. Biểu lại mỉa mai :
- ... Gan thế đấy, thì dạ thế nào ?
Thản nhiên lấy đũa khều con mắt, Biểu gắp chấm rồi bỏ vào miệng nhai rau ráu. Phụ quát mang chém Biểu. Biểu quát lại :
- Bên trong thì mưu kế đánh chiếm, bề ngoài thì rêu rao nhân nghĩa. Miệng hứa lập con cháu họ Trần nhưng nước người ta thì băm vằm chia cắt đặt thành quận huyện, rồi cướp bóc của cải, tàn hại sinh dân. Thực bay là lang sói !
Phụ sai mang đầu Biểu trả lại Trùng Quang, thây mang chôn ở Nghệ An, khiến Biểu quả là con ma không đầu. Nhưng tiếng con cọp không dám ăn thịt với Biểu không biết làm sao lan đến tận Yên Kinh khiến Sử quan nhà Minh sau này cũng mang ra chép lại.
Móng vuốt con cọp Trương Phụ thật ra không ghê gớm so với thủ đoạn thâm hiểm của bọn Hoàng Phúc, Mã Kỳ. Dùng bọn thổ quan bản địa, Phúc thăng Nguyễn Huân làm Tham Nghị, Lương Nhữ Hốt và Ðỗ Huy Trung làm Tham Chính. Giả cách chiêu dụ quan lại của triều trước để bổ đi các nha môn, Hoàng Phúc lừa bắt họ đưa về Trung Quốc khiến đất Giao Châu như rắn không đầu, bọn nho gia, học sĩ muốn tránh cảnh đầy ải phải ẩn vào rừng sâu núi cao. Học hiệu Ðông Quan dùng người Minh giảng sách Ðại Học, Luận Ngữ, Trung Dung, Mạnh Tử mang từ Yên Kinh qua. Sách vở của ta, từ Tứ thư thuyết ước của Chu An đến Minh đạo lục của Hồ Quí Ly, cũng như những trước tác bằng chữ Nôm như Quốc Ngữ thi tập của Chu An, Phi sử tập của Hàn Thuyên... đều bị cướp sạch và đốt cho hết dấu vết.
Năm Ðinh Dậu, Trương Phụ chọn lấy một đạo vệ sĩ làm Vi tử thủ, lắm việc cai trị không hỏi ý đến Mã Kỳ, Hoàng Phúc. Phúc xui Kỳ tâu trình khiến vua nhà Minh ngờ Phụ định cát cứ một phương, xuống chiếu gọi về và sai Phong thành hầu Lý Bân sang thay. Những mâu thuẫn nội bộ khiến guồng máy cai trị bị nới lỏng. Ðám quan quân ai nấy lo phòng thân mình, không khí kình chống lẫn nhau trong phủ đường ở Ðông Quan thành câu chuyện đầu môi ở chợ. Nhân vật nắm quyền bính nay thành cọp, thành chồn, thành cáo trong những mẩu chuyện thời sự.
Con cọp liệu có vồ rồi tát cho chết con cáo không ?
Không ? Cáo khôn lắm, nó mượn cớ đi Tây đô nương vào Phương Chính. Ngày nào họ Lý chưa qua, nó đào đất rúc trong hang, vồ thế nào được !
Thế còn con chồn ?
Chồn thì không ưa cọp nhưng sợ. Thà là ở với cáo còn hơn !
Dân ta thì sao ?
Là giun, là dế. Cọp, chồn hay cáo thì cũng thế. Nhưng nghe đâu người Trại có rục rịch ở Mường Nanh, Mường Thôi. Kẻ cầm đầu là Nguyễn Chích, miệt Thanh Hóa...
Chích là ai ? Người thế nào ?
Là một người như mọi người, nộp sưu thuế cao, đi cày nhưng không có cái để ăn. Ðói, nên con giun cắt tóc đuôi sam mà thành rắn thành rết.
Rắn rết thì làm sao chống hổ beo ?
Rắn có nọc !.
Nọc có thật độc không ?
Dân hàng chợ hỏi nhau, rồi mỗi người trả lời một cách. Ðám làm ăn có đồng ra đồng vào lắc đầu. Bọn cùng khổ gật. Những người cẩn thận thường mũ ni che tai, lảng bằng cách không gật nhưng cũng chẳng lắc, chỉ cười.
*
Từ ngày có Học hiệu Ðông Quan dăm ba năm trở lại đây, học trò chẳng còn bao nhiêu nên Trãi phải bốc thuốc Nam độ nhật. Thường khi có kẻ ốm người đau là Trãi đến tận nhà con bệnh. Nghề thuốc, Trãi học với Nguyễn-lão ngụ ở miệt Tây hồ. Người này tóc bạc trắng từ thuở đôi mươi, thi cùng khoa với Trãi nhưng không đỗ, nay sinh nhai bằng nghề trồng hoa và bốc thuốc. Thuốc thường là rễ cây, cỏ, lá và rong rêu. Bị quản thúc trong thành, Trãi không thể tự mình đi tìm, thuốc men tùy vào cung ứng của Nguyễn-lão. Chuyện độ nhật của Trãi ngày một khó khăn, phải nhờ tay Xuyến thu vén cho một phần. Cứ dăm bữa nửa tháng, Xuyến từ Bát Tràng vào. Biết chuyện Trãi từ chối chức Tham Nghị do Hoàng Phúc o ép, nàng cười tủm, nói đùa ‘‘cho ngọt cho bùi không ưng thì cho roi cho vọt nhé ! ’’. Trãi ngậm ngùi ‘‘ Roi vọt chẳng sao ! Nhưng hãm cho đóùi để rồi sẽ mất nhân phẩm thì nhục lắm…’’. Xuyến ôm chầm lấy Trãi tức tưởi. Gục mặt vào mái tóc nàng, Trãi găm tiếng thở dài vào bụng, khẽ cười gượng gạo. Không có Xuyếán, chàng biết là mình không có điểm tựa dựa vào đó chàng giữ được thăng bằng. Nhưng thăng bằng đó chông chênh theo thế cuộc cứ chao nghiêng theo cái đà tuột vào hố sâu vực thẳm. Chẳng những vây hãm sinh nhai, Phúc còn ra lệnh cho bọn quan binh đến tra hỏi nộ nạt những người có chút liên hệ với Trãi. Họ sợ, lảng xa. Góc thành Nam, căn lều một gian trở nên ngày một trơ trọi. Ngoài Xuyến, chỉ còn có gió. Những đêm Xuyến ngủ lại, Trãi dập dờ bám được vào một cái neo. Cố định. Thủy chung. Nghe Trãi bảo thế, Xuyến chỉ lên trời. Trời sao trên cao cũng vậy. Xuyến lại chỉ ra xa. Dưới kia, dòng sông Nhị óng ánh còn đó, cũng thủy chung như sao trời.
Tháng tám năm nay, lê dân xì xào bàn tán, thấp thỏm đợi một sự đổi thay quyền bính. Trưa hôm rằm, Trãi về đến nhà thì đã thấy Viễn ngồi đợi. Viễn đứng dậy, miệng nói :
- Có tin Trần Nguyên Hãn nhắn, bảo bây giờ bác đi là đúng lúc. Hẹn ở Trường Yên, Hãn sẽ đón...
Trãi cũng biết thời điểm này là lúc phải xổ lồng. Chỉ độ nhật hai ba tuần trăng tới là Lý Bân qua nhậm chức. Hiện Trương Phụ không lo toan gì ngoài chuyện chở tài sản về nước. Còn Hoàng Phúc, hắn đã cao bay xa chạy vào Tây đô, sợ Phụ ra tay trả hận trước khi về Yên Kinh. Trầm ngâm, Trãi nhìn Viễn, mắt dọ hỏi. Viễn tiếp :
- Chuyến này, em cũng đi. Gia đình em đã tản hết vào Mường Thôi... Còn mồ mả các cụ, em nhờ người coi sóc, cũng sắp đặt xong xuôi. Hoàng Phúc kỳ trước về cho bứng gốc hết rặng đề trồng thành hàng mặt sau mộ cụ tổ. Mấy ngày nay, nó lại lân la, đêm đêm đến xõa tóc cầu đảo, miệng cứ rú lên kêu ma gọi quỉ...
Trãi chạnh lòng, cười gượng. Từ thuở xa xưa chàng về với cha ở Nhị Khê những tàn lá đề là bóng mát che nắng cho Trãi. Những ngày hè oi ả, Trãi hay lên mộ tổ một mình, lẳng lặng từ lưng đồi nhìn về phía núi Tản tít tắp thấp thoáng trùng trùng mây xa. Mây bắt nắng chói, ánh bạc loé sáng trong trời xanh ngắt. Thỉnh thoảng ruộng lúa vàng non điểm trắng cánh cò thong thả bay ngang. Gió động khua lá xào xạc. Con châu chấu tí tách nhảy, chú bọ ngựa ngo nguẩy ngửng đầu dương cựa, đám chích chòe loạch xoạch đuổi nhau chí chóe. Bây giờ cây đã trốc gốc. Mà nào phải chỉ có cây, Trãi chua xót nghĩ ngợi. Ðến người cũng trốc gốc, thì xá chi một rặng đề.
Hiểu cái nôn nóng của tuổi thanh niên bị thế cuộc câu thúc, Trãi quay nhìn Viễn, nhỏ nhẹ :
- Bao giờ ? Bao giờ chú đi ?
- Em định chỉ nay mai. Lên báo để bác đi trước. Khi Hoàng Phúc về Ðông Quan thì không dễ như thế được nữa. Viễn đặt vào tay Trãi một cái ruột tượng, ngập ngừng - Bác cầm theo...
Mở ra, Trãi thấy một ít bạc vụn và khoảng chục đồng tiền. Ngạc nhiên, Trãi hỏi :
- Chú lấy đâu ra ?
- Em chẳng ăn cướp của ai cả, bác đừng ngại...
- ...
Viễn bạnh hàm, mắt như đổ lửa, giọng nghiêm trọng:
- Hẹn bác hai ngày nữa lên đường. Bác đừng ghé Nhị Khê, cứ đi thẳng vào Hoa Lư trong Trường Yên. Khi đi, bác đừng cho ai biết. Hai ngày nữa, bác nhớ nhé !
Chuyện trò sắp đặt với Trãi xong, Viễn lại hấp tấp xuống dốc. Nhìn cho đến khi Viễn khuất bóng, Trãi lẳng lặng vào nhà ngồi trước thư án. Trãi bâng khuâng đếm quãng thời gian làm tù giam lỏng nơi này. Ðông Quan, căn nhà tù khổng lồ của chàng, là nơi tương đối yên bình cho dẫu rằng tạm bợ. Sắp xổ lồng, chàng bỗng cảm thấy một niềm bất an. Tự do, có cái giá của nó. Con đường trước mặt do chàng chọn lựa là con đường của bất trắc. Vạch cánh liếp chặn cửa, Trãi bước ra, vươn vai hít một hơi dài vào đầy lồng ngực. Hai con chó ùa lại sủa, quấn quít vẫy đuôi, rồi gục đầu kêu hinh hích. Hình như chúng tiên cảm thấy phút chia tay. Trãi thò tay vuốt ve chúng, lòng bỗng buồn buồn như thuở tấm bé phải rời Côn Sơn khi ông ngoại qua đời.
Nhưng việc trước mắt là phải đi báo ngay cho Xuyến. Tất tả đến cửa Ðại Hưng, Trãi bị đám lính gác thành chặn lại. Trãi tiếc không mang theo ít bạc vụn làm của lót đường. Nhìn giải nước sông Nhị óng ánh cách ngăn, Trãi thở nhẹ rồi quay bước. Hai ngày, chỉ đúng hai ngày nữa. Trãi nôn nao tính, khi xổ lồng thì bỏ thêm nửa buổi đến với Xuyến, rồi ngược theo sông dọc vào Trường Yên. Nhìn cánh chim bằng liệng ngang đầu, Trãi thành bầu trời lồng lộng trên cao. Không còn gì có thể vướng víu kéo chàng ngược chốn lao tù. Chàng thầm nhủ, giữa bất trắc và an bình, phải chăng tự do là cái gạch nối tương lai vào hiện tại. Lạy trời, chính thế mà nó mang cái hấp tính của một thứ mê lực không cưỡng lại được.
*
Cộng vào bản chất ác bạo và tham tàn của Trương Phụ, sự mềm mỏng nhưng quyết liệt của Hoàng Phúc khiến chính sách bình định của nhà Minh vừa có roi vọt vừa có ngọt bùi. Phúc tự phụ, trong lòng không coi bọn võ biền ra gì. Một lần lỡ miệng, Phúc ví mình với Sĩ Nhiếp trước mặt Phụ. Lớn tiếng huyênh hoang khai hóa đám man di Giao Chỉ, hắn hể hả ‘‘…lần này là lần cuối, đất nhà Minh chạy cho tới châu Ái. Cứ ra đường thì biết. Ðàn ông tết bím. Ðàn bà răng trắng, mặc quần. Trẻ con đi học thì dồn cả vào Học hiệu Ðông Quan…’’. Thời gian đó, đám tôn thất nhà Trần đã yên phận với những mảnh điền trang xót lại và một bọn gia nhân có đông cũng chẳng quá được trăm mạng. Bọn nhà nho, cả khoa bảng lẫn không đỗ đạt, phần đông đã chạy theo quyền lực làm sai nha. Nghĩa quân vùng Thanh-Nghệ có, nhưng ít và rặt tinh thần địa phương, hoạt động khoanh vùng, chủ yếu chỉ chống thuế và lao dịch nên chẳng có gì đáng lo ngại. Bảo với mọi người nay là thời bình, Phúc mang Lễ – Nhạc từ Yên Kinh sang giáo hóa. Sau đó, phủ Giao Châu quen dần với tiếng đàn lục thập huyền Ðại Cấu, tiếng chập chỏa Tiểu Bạt, tiếng trống Phạn Cổ và tiếng kèn Tất Lật. Lương Nhữ Hốt tiến cử cháu ruột mình là Lương Ðăng, một kẻ mê đàn hát và có chút năng khiếu âm nhạc. Phúc tin dùng, sai lập một đoàn ca múa. Ðăng về Ðào xá, huyện Tiên Lữ tuyển dụng.
Từ đời Lý, làng Ðào xá nổi tiếng, có người con gái tên gọi Ðào thị hát hay đã được Lý Thái Tổ ban thưởng. Lúc nàng mất, dân làng lập đền thờ, gọi thôn nàng ở là thôn Ả Ðào. Sau, con gái trong thôn đều đổi ra họ Ðào, tạo nên một truyền thống với lối hát gọi là hát ả đào, kết hợp nhạc dân gian với kiểu hát nói rất đặc thù. Khi Ðăng đến, đám ca nhi bỏ chạy, chỉ bắt đâu được gần hai chục cô. Một cô chạc mười bốn, tên là Ðào Nhi, về đến Ðông Quan sợ quá hóa câm. Ðăng dùng Nhi vào việc giữ phách và đôi khi cho làm con múa. Ðào Nhi suốt ngày lẳng lặng một mình, mài rồi vuốt ve cây trâm gài tóc dài một gang tay, ai cũng bảo là hóa dại. Sau vài tháng tập tành, những ả họ Ðào trình diễn cho bọn quan nha. Hoàng Phúc tươi cười dắt tay Trương Phụ vào ngồi chính điện, phất tay cho bọn ca nhi bắt đầu. Khi hát bài Cảm Hoài của Lý Bạch theo điệu Ức Tần Nga, Ðào Nhi giữ sai một nhịp phách. Phúc nhăn mặt, bắt đánh lại. Ðào Nhi lại sai, mặt ngẩn ra, dáng sợ hãi. Phúc cau có, đứng dậy bước lại gần. Bất chợt, Ðào Nhi vùng người, rút cây trâm cài tóc lao lại nhằm cổ Phúc đâm thẳng vào. Phúc hoảng hốt té nhoài ra sau. Cây trâm xướt qua da cổ, máu ứa, nhưng Phúc không mệnh hệ gì. Một tên vệ sĩ nhảy lại đấm vào mặt Ðào Nhi. Nó ngã văng xuống đất, mũi dập nát, mặt bê bết máu, nhưng chồm dậy hét ‘‘…kéo cổ cha tao ra chặt, rồi xoạc cẳng mẹ tao để cưỡng dâm, bay thế mà bây giờ còn định giáo hóa làm thày tao à ! ’’. Phụ phá lên cười. Phúc hoàn hồn, nhìn Lương Ðăng chăm chăm, bắt Ðào Nhi bỏ ngục để tra xét. Ðêm hôm đó, Ðào Nhi cắn lưỡi chết. Chuyện Nhi giả câm đồn đãi ầm lên trong nội phủ. Ðăng sợ, sáng sau bỏ trốn. Lương Nhữ Hốt đập đầu xuống đất kêu oan, lạy Phúc rồi đem cha đem mẹ ra thề bồi nên Phúc chỉ giáng Hốt xuống một cấp quan. Gọi Hốt đến, Phúc bảo ‘‘ Mộ tổ nhà ta có xá tinh, chẳng chết thế được ! Nguy nan gì thì cũng qua, chuyện bất đắc kỳ tử ta không sợ ! ’’. Ngay đêm sau, Phúc làm lễ tạ sao, bắt Hốt làm con bù nhìn để quật roi, tiếng nghe chan chát.
Mấy hôm vừa qua, Phúc với bọn sai dịch mang đèn hương để cúng kiếng. Lần đến Nhị Khê này, Hoàng Phúc chọn ngày rồi cho đốn nốt rặng đề nằm phía trái ngôi mộ hướng về Chí Linh. Rìu búa đốn cây đều bôi máu gà, và trước đó bọn vệ sĩ đã yểm những lá bùa dài lòng ngòng trấn bốn phương tám hướng. Bày ra trận hình bát quái, tay giữ quyết, tóc xõa, miệng ngậm bùa, Phúc trấn trung ương trận pháp đã hai đêm liền. Ðêm nay là đêm tế sao lần cuối. Trong số đám phục dịch, tự nhiên có người lăn ra chết bất đắc kỳ tử. Hoàng Phúc có vẻ lo ngại, đi ra đi vào, miệng lẩm bẩm một mình. Phục dịch cho hai đêm tế sao của Thượng thư Hoàng Phúc gồm mười sáu tên vệ sĩ, thêm đám con hầu và cả Hà Trí Viễn, người quản gia của từ đường họ Nguyễn. Dẫu gặp nhiều lần và có thử thách Viễn, Phúc vẫn đề phòng. Lần thử thách cuối, Phúc bảo Viễn vào thư án lấy cho mình tập sách tựa đề Giao Chỉ phong thủy chí. Viễn khệ nệ ôm cả chồng sách ra. Phúc hỏi ‘‘... không biết chữ à ? ’’. Viễn lại rối rít lắc đầu như tạ lỗi, tay đưa ra một quyển khác. ‘‘ Cũng không phải ! ’’, Phúc tai quái nhìn. Viễn lôi một quyển nữa, nói ‘‘ Dạ, nó đây !’’. Ðó lại là tập Liễu Tông Nguyên thi. Chắc mẩm là Viễn thực sự mù chữ như phần đông đám tráng niên nhà quê, Phúc tự tay lục đống sách. Ðằng sau, Viễn nhìn chằm chằm. Ðó là một quyển gáy xanh, chữ viết nhỏ, giấy mỏng nhưng dai. Liếc nhìn Hoàng Phúc ghi chép, Viễn giả tảng như không quan tâm. Ðến đêm Viễn rình biết là khi đi ngủ Phúc giấu nó dưới nệm giường.
Sẩm tối, Viễn lên chùa Thiên Pháp tìm đám bạn tập võ với sư bác. Họ chụm đầu to nhỏ, mặt mũi khẩn trương. Thì thào hai tiếng thoát ly với giọng thành khẩn, Viễn mưu tính việc Viễn gọi là đại sự, không thành công ắt cũng thành nhân. Sư bác không nói gì, chỉ niệm a di đà Phập rồi vào tụng kinh sám hối.
Viễn quay về nhà khi đêm buông nhanh như chùm chăn. Trời cao lồng lộng gió, sao chi chít nhấp nháy nhìn xuống mỏm đồi Nhị Khê mang hình thể một con rùa ngửng đầu hướng về núi Tản. Chặt đi rặng đề, con rùa cụt đuôi, ì ạch trên lưng đèo bọn vệ sĩ cầm cờ ngũ sắc đứng theo bộ vị ngũ hành bao quanh Hoàng Phúc. Choàng một tấm áo trắng, tóc xõa bay ngược chiều gió thổi, Phúc cầm kiếm chỉ trỏ rồi hô hoán điều động đám vệ sĩ khi bước sang trái, khi tiến, khi lui, có lúc lại đứng tại chỗ dẫm chân thình thịch. Ði vòng đám hình nhân làm bằng nan có bồi giấy vẽ đủ mặt mũi râu ria, cân đai mũ mãng, Phúc hả miệng quát tháo hàng tràng dài. Ngọn lửa đốt ở giữa đàn tế bốc cao rồi chao đảo theo chiều gió tạt. Tiếng củi nổ tí tách. Tiếng Phúc phì phì thở. Rồi lại tiếng hô, lại tiếng quát. Ðám vệ sĩ xoay vòng quanh, chốc chốc lại đứng ngây ra như tượng rồi rống lên một thứ thanh âm nhọn sắc chọc vào tai như kiếm đâm dao khoét. Mỗi lần như vậy, một chùm sao phương bắc lả tả rụng từng cái một, kéo những vệt sáng lờ mờ lịm dần đi trong màn đen thăm thẳm.
Viễn không chờ được nữa. Ðâu đây, tiếng chó sủa lên gióng một. Lẩn vào hàng hiên, Viễn đưa tay nắm con dao buộc lưng. Lại tiếng chó sủa. Rồi tiếng cú rúc. Tên vệ sĩ ngồi canh cửa phòng Hoàng Phúc nhận ra Viễn, nhe răng cười, miệng kêu ‘‘ nỉ hảo ’’. Viễn cũng cười đáp. Bất thình lình, Viễn rút dao, lia một nhát vào cổ tên vệ sĩ. Nó ngạc nhiên, tay ôm cổ, mắt trợn trừng, máu vọt ra thành vòi bắn tung tóe. Há miệng, nó định kêu nhưng khí quản đứt chỉ phát ra tiếng ò ò. Viễn nắm lấy tóc nó, tay đâm vào ngực rồi lách sang trái. Tên vệ sĩ nhũn người quị xuống. Ðúng lúc đó, có tiếng hò hét, tiếng đao kiếm, tiếng gậy gộc ngoài sân. Ðồ chừng đồng bọn đã ra tay tấn công bọn vệ sĩ, Viễn đạp cửa vào. Hai đứa con gái theo hầu Hoàng Phúc ngơ ngác, kéo nhau ngồi dúm vào một góc, miệng kêu be be. Viễn tiến lại, kéo tấm nệm trải giường tốc lên. Quyển sách gáy xanh nằm đó. Viễn cầm, máu giây lên trang bìa. Ðúng là nó. Viễn giắt vào lưng, quay lại nhìn. Có tiếng chân chạy rầm rập. Viễn nắm cây đèn dầu ném thẳng vào đống chăn màn. Lửa bốc lên. Hai đứa gái hầu lại ré lên, luýnh quýnh chạy ra cửa. Viễn thẳng tay rút cây côn giắt bên người quật xuống. Những mảng óc vỡ óng ánh sắc lân tinh văng dính trên vách rồi nhão nhoẹt chảy nhễu xuống.