Chuyến hành hương của thời gian - Chương 16 - Hết

Chương 16.

Tiết trời ngày càng lạnh, tôi ngồi trên xe máy một quãng đường dài, bị sương gió háp vào, mặt rất đau.

Dượng ở đối diện, nhìn thấy tôi mắt mũi đỏ gay, ánh mắt lộ ra vẻ lo lắng ít nhiều.

- Con ăn sáng chưa?

Miệng tôi khô khốc, khó khăn lắm mới có thể cất lời:

- Con chưa.

- Con đừng giận dượng, hôm qua dượng nổi giận cũng có lý do. Tâm tình bậc làm cha, làm mẹ, thương con nhiều nên mới nổi giận. Chuyện cũng đến nước này, dượng nói gì cũng không giải quyết được, hai đứa lớn rồi, tự ý thức được chuyện của mình. Trước nay dượng chưa bao giờ phân biệt con riêng con vợ, bây giờ con với thằng Bôn thế nào thì vẫn là con dượng, không có gì thay đổi. Dù dượng nghĩ chưa thông, nhưng hai đứa…

- Bố!

Bôn nói, cắt ngang câu chữ của dượng, rồi liếc nhìn, quan sát biểu hiện của tôi. Đôi tay anh run rẩy đặt ở dưới bàn, lén lút tìm tay tôi cầm chặt.

Dượng lại tiếp lời:

- Dượng biết tình cảm là chuyện tự nhiên, không phải do Bôn hay con, chỉ sợ theo nó thì con khổ.

Dượng lặng người, thở dài mấy lượt, hết nhìn tôi, lại nhìn tấm ảnh của mẹ, sau đó chầm chậm đứng dậy, bỏ lại một câu:

- Hai đứa nói chuyện riêng với nhau đi. Dượng đi làm.

Tôi nhìn dượng đi khuất, tâm tình vẫn chưa hết sững sờ vì chuyển biến tâm lý bất ngờ của dượng. Cuối cùng không nghĩ được nhiều, chỉ có thể tự về phòng nghỉ ngơi.

Mãi rất lâu về sau tôi mới biết, ngày hôm đó, dượng trở về thấy chúng tôi một nam một nữ ở trong phòng không đóng cửa, người nằm ngang, người nằm dọc, tay nắm riết. Mà ngày hôm trước, bác Phúc còn gọi điện cho dượng, bảo rằng có người thấy chúng tôi vào siêu thị hẹn hò. Dượng vì thế mà sốc nặng, nổi giận đùng đùng.

Sau khi dượng bỏ lên nông trại, không lâu sau Bôn cũng ra theo, anh trấn tĩnh dượng rồi nói rõ tình cảm của chúng tôi. Lúc ấy, dượng vẫn bực dọc, không nhìn anh lấy một lần. Chỉ đến khi tối mịt vẫn chưa thấy tôi về, dượng ra vào lo lắng, hối hận không thôi. Đên khi Bôn liên lạc được với tôi, dượng mới nói với anh:

- Chỉ cần đón được cái Như về, rồi muốn thế nào cũng được.

***

Đông về qua phố, gió nhè nhẹ thổi, cắt bầu trời lớn thành vạn đám mây xinh. Những ngọn cây khô, gầy trơ trụi lá, lặng lẽ bắt đầu một giấc ngủ dài.

Tôi và Bôn đứng ở bến xe, dù đã mặc đủ dày nhưng cả người vẫn run lên vì lạnh, chóp mũi ửng hồng.

Trúc Linh vừa đến bến, từ trên xe trông thấy chúng tôi liền cuống quýt vẫy tay chào, rồi rất nhanh xà xuống, miệng toe toét cười.

Bôn ôm Linh rất chặt, còn thơm chụt chụt vào hai bên má phính của nó, dáng vẻ rất hài lòng.

- Ốm đi rồi, má xẹp bớt rồi!

Bôn buông Linh ra, để nó ôm tôi. Rồi tiếp tục nói:

- Đi thôi.

Trúc Linh nhanh nhẩu:

- Đi về nào.

- Không, mình đi nơi khác.

Sau đó, Bôn dùng xe ô tô chở chúng tôi đi.

Trên xe, tôi nói với Linh mà địa điểm mà ba chúng tôi sẽ đến, cũng nói trước với em những điều chúng tôi sẽ nói khi đến đó.

Tôi còn tưởng, Trúc Linh vẫn còn lo sợ khi nói về bố lắm, nhưng cho đến khi trực tiếp gặp mặt, Linh thực sự bình tĩnh rất nhiều. Kể cả lúc trước, khi biết mối quan hệ của chúng tôi, Linh cũng bình tĩnh y như thế, có lúc còn tỏ ra thích thú, tối ngày gọi điện chọc ghẹo tôi.

Linh thấy bố, dù còn bỡ ngỡ nhưng vẫn lễ phép chào. Bố hỏi một câu, Linh trả lời một câu. Lúc ra về, có khoảnh khắc bịn rịn nhìn bố, ánh mắt chẳng rời.

Còn bố, khi gặp chị em tôi, dù không nói nhiều nhưng rõ ràng vui ra mặt, theo sát không rời. Hệt như điệu bộ của những người già neo đơn, mong chờ được gặp con gặp cháu.

Bôn chở dì đi chợ về thì cùng chúng tôi nấu một bữa thịnh soạn vô cùng. Trước bữa ăn, Bôn ngồi ở bàn uống nước, nói với bố:

- Hôm nay con đến thưa với bác, con là con riêng của chồng sau của mẹ Như.

Bố tôi nghe xong, mắt trợn tròn, bày ra một nét mặt bàng hoàng, sự kinh ngạc hiện rõ trên khuôn mặt, câm nín không nói nên lời.

- Con biết đến hôm nay con mới nói là có lỗi với bác, nhưng cũng vì nghĩ cho Như nên giờ con mới nói. Bác đừng giận chúng con. Tụi con thương nhau, con hứa sẽ lo cho chị em Như thật tốt, mong bác yên tâm.

Bố trước sau vẫn không hề nói một lời.

Tôi ngồi cạnh Linh trong bếp, lo lắng đến không tài nào thở được. Chúng tôi đã suy nghĩ rất lâu mới đi đến quyết định này.

Bôn theo nguyện vọng của tôi, chỉ đăng ký kết hôn rồi ở cùng nhau. Nhưng dượng thì chỉ nửa đồng ý, nửa không.

“Ít nhất cũng phải làm mâm cơm mời họ hàng chòm xóm. Dượng không phải muốn linh đình hay sỉ diện gì, nhưng phải làm thế. Bôn thì không sao, con dượng, dượng biết, nó không bị ảnh hưởng. Nhưng con là con gái, người ta cứ xì xầm nói ở ngoài, làm sao con chịu được, tủi thân, thiệt thòi lắm. Người ta ở sau lưng mình, bàn tán cho vui mồm vui miệng chứ chẳng để vào tâm. Học sống cho họ, mình sống cho mình. Họ biết, bàn tán ngày một ngày hai rồi thôi, không phải sợ. Mình phải đường đường chính chính mà sống.

Hai đứa chọn một ngày, cùng bố đi qua bên đó nói chuyện với bố cái Như, thưa gởi rõ ràng.”

Bôn thấy bố tôi vẫn giữ nguyên nét mặt, bèn nói:

- Hôm nay đáng nhẽ bố con phải cùng đến mới là phải phép, nhưng từ tối qua bố con phát bệnh, không đi được, nên thất lễ với bác rồi.

Bôn bình tĩnh nói, sau đó lấy điện thoại gọi về cho dượng, sau đưa cho bố tôi trực tiếp nghe.

Bố cầm điện thoại ra ngoài. Rồi hai người lớn tuổi nói chuyện rất lâu, mãi đến khi cơm canh nguội cả mới thấy bố quay vào.

Lúc này, cơ mặt bố đã dãn ra, bình thường nói:

- Vào ăn đi. Người lớn nói chuyện cả rồi.

Tôi nghe bố nói vọng vào, cả người thả lỏng, nhè nhẹ thở ra.

Khi Bôn xuất hiện ở cửa bếp, mặt anh dù bình lặng, nhưng khóe mắt ngập nét vui mừng, hấp tấp. Khóe miệng muốn kéo lên, toe toét cười.

Trúc Linh như người ngoài cuộc, ở bên cạnh hài hước mà nhận xét:

- Anh Bôn bình thường đụng tí là mắc cỡ, mà có khi lại đàn ông, chững chạc đến bất ngờ.

***

Bữa mời cơm của tôi và Bôn chỉ có mặt gia đình, Yến, Nguyên, vài người trong họ hàng anh, đồng nghiệp, còn mỗi nhà trong xóm đến đại diện một người, xếp lại chỉ vẻn vẹn vài mâm.

Bố và dì không đến. Tôi cũng không buồn. Tôi biết bố ngại, bản thân ông cũng chỉ cần biết tôi sống tốt, bấy nhiêu là đủ an lòng rồi.

Hơn một tiếng trước khi bữa cơm bắt đầu, tôi hồi hộp như thể bản thân thực sự sắp trải qua một lễ cưới như bao cô dâu khác.

Bôn ở cạnh tôi, ra sức vỗ về. Hết vuốt lưng tôi, lại xoa cho bàn tay tôi ấm.

- Hay lát nữa em cũng mặc áo khoác vào?

- Không đâu.

- Lạnh lắm!

Tôi kéo cao cái cổ áo len cổ lọ, lắc đầu nói:

- Mặc nhiều lớp nhìn lùng bùng lắm, không nghiêm túc chút nào.

Hôm nay, Bôn đi cắt tóc, trông ngắn hơn rất nhiều. Anh không còn vuốt keo nữa như thường nữa, chỉ để rũ tự nhiên, so với vẻ chau chuốt mọi ngày, hôm nay trông dịu dàng đến lạ. Trên người anh, mặc quần tây sậm, áo sơ-mi xanh màu, dầu đơn giản nhưng gọn gàng, đĩnh đạc. Chỉ nhìn sơ cũng thấy ưu tú vô cùng.

Mà tôi, vì ven cổ, bên vai và hai tay đầy sẹo, lúc nào cũng phải mặc áo kín cổ dài tay, chẳng thể ăn diện trẻ trung như những cô gái khác.

Mặc dù trước nay chúng tôi ở chung một mái nhà, nhưng là thân phận anh - em, chẳng mấy ai thèm bận tâm. Mà hiện tại, khi đặt cạnh nhau, không thể tránh được những lời dèm pha, so sánh. Quả thực, tôi không phải sợ mình không nghiêm túc, mà là sợ nhìn không xứng với anh.

- Nếu để nhiễm lạnh, mấy vết sẹo trên người em lại đau nhức thì sao?

- Không đâu.

- Không gì, ở trong nhà tay em còn lạnh cả rồi.

Nói rồi, Bôn tiếp tục dùng tay chà xát tay tôi. Sự ấp áp từ anh truyền qua tôi, từ đôi tay đến ánh mắt, khiến tôi thấy hạnh phúc, ngọt ngào không sao tả được.

- Tối đó, sao em không nhảy ra cửa sổ theo mẹ, mà lại chui qua cái lỗ. Miếng gỗ bể ra, vừa nhọn vừa sắc nữa.

- Bố nhảy từ cửa sổ vào, rồi đứng chắn ở đó luôn. Em hoảng quá, không biết tại sao chui qua lỗ. Nhưng cũng may, chui qua đó rồi mới chạy được.

- Đau không?

- Lúc đó không để ý thì không đau,

Bôn dường như không nghe tôi nói, chỉ chăm chú nhìn vào mắt tôi. Mắt anh buồn, hấp háy vài cái liền có một lớp nước mỏng bao quanh. Tay anh khựng lại, rồi cả người đang ở tư thế ngồi chống chân dưới đất bỗng đứng lên, nhẹ ôm tôi vào lòng. Anh thì thầm nói:

- Từ giờ sẽ không đau nữa. Anh hứa với em.

***

Sau đó, dưới dự chứng kiến của mọi người, chúng tôi thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên, bàn thờ mẹ. Rồi cũng dượng chào hỏi, thưa chuyện vài câu đơn giản. Sau ngồi vào bàn, cùng mọi người ăn uống.

Yến ngồi cạnh tôi, cứ hoài tủm tỉm cười. Tôi không kìm được, bèn hỏi:

- Cười cái gì?

- Bà biết chuyện này chưa?

- Chuyện gì?

- Chưa hả?

Tôi bị Yến hỏi vòng vòng, càng mù mờ không hiểu, bực dọc chau mày nói:

- Không nói thì thôi. Không có vui.

- Dãn ra, dãn ra. Nhân vật chính mà cau có, mất xinh.

Yên vừa nói vừa dơ tay day day giữa trán tôi, khiến chân mày của tôi thực sự dãn ra hoàn toàn.

- Bé Linh bảo, hồi xưa nó ước bà với Bôn cưới nhau, ai ngờ cưới thật. Nó bảo tiếc, nếu nó mà biết ngày nay có Vietlot, thì nó đã ước trúng Vietlot rồi.

Yến nói xong, cười nắc nẻ, mặc cho tôi đang mặt nghệt ra.

Ở phía đối diện tôi, hai bé sinh đôi cũng rất phối hợp, mỗi đứa một tay, làm nửa trái tim, sau đó ghép vào, đưa cao cho tôi thấy. Bên cạnh hai đứa nó, Trúc Linh và Nguyên cũng đang cười.

Tôi đỏ bừng mặt, cúi gầm xuống, cặm cụi ăn.

Lúc này, Bôn đã uống không ít rượu, lại không ăn miếng nào.

Bôn biết tôi ghét mùi rượu, bình thường luôn hạn chế uống, nhưng hôm nay là người mời cơm, không thể không nể mặt người ta. Mỗi khi có người mời rượu, anh lại thoải mái dùng tay trái mà nâng ly lên uống. Hết ly này đến ly khác, uống đầy một dạ dày.

Tay phải anh cầm chặt tay tôi, ở dưới bàn chưa khi nào buông ra, như thể bao nhiêu yêu thương bấy lâu nay, phải thông qua cái nắm tay này mà bộc lộ ra ngoài.

Tôi tuy khó chịu, nhưng cũng thực rất may, ít ra tay bị nắm của tôi là tay trái, tay phải còn có thể hoạt động để giúp tôi cứu vãn cơn đói đã kéo đến từ chiều.

***

Một ngày đông, tôi và Bôn đăng ký kết hôn xong, từ ủy ban trở về.

Bôn chạy xe đến đoạn hồ nước lớn ven cung đường núi, đột nhiên, anh dừng lại, dựng xe máy ven đường.

- Cảnh đẹp quá!

Bôn cảm thán. Tôi liền thắc mắc:

- Ngày nào cũng đi qua mà?

- Nhưng chưa bao giờ đứng ngắm thê này.

Tôi theo tầm mắt của Bôn, nhìn về rất xa.

Dòng sông lớn chạy quanh co, bao hết chân núi này đến chân núi khác, rất dài, rất rộng. Sông trên núi, không về biển. Nước từ núi cao chảy xuống, bao nhiêu thơm ngọt từ thiên nhiên chắt chiu ở đấy, sông lại tách ra thành nhánh nhỏ, làm thành suối dẫn về bản về làng.

Dòng sông ấy, bốn mùa luân chuyển, trước nay chưa từng thay đổi, mà đời người, mỗi khắc mỗi giây, đều có những chuyển biến, thăng trầm không sao nhìn trước được.

Bôn đứng cạnh tôi, bỗng nhiên xoay người, cũng đồng thời xoay tôi lại, đứng đối diện anh. Ý cười tràn ngập trên khóe mắt:

- Em thấy thiếu gì không?

- Thiếu gì cơ?

- Không biết?

- Vâng.

- Không nghĩ ra?

- Vâng.

Bôn thở dài, một tay nắm tay tôi, tay kia đưa lên đầu tôi vò rối:

- Khờ thật là khờ. Như gà công nghiệp thế này, vậy mà sao ra ngoài không bị ai ăn hiếp?

Tôi không biết Bôn đang khen hay chê mình, mờ mịt nhìn anh.

Mãi đến khi nhìn thấy tay anh đưa lên một vật rất nhỏ, ánh lên lấp lấp như dòng sông bên cạnh, tôi mới sững sờ.

Chúng tôi yêu đương không như người khác, quá trình ở cạnh nhau cũng không như người khác, cho nên tôi không phải không mong cầu, mà là chưa từng nghĩ đến vấn đề này.

Tôi nhìn Bôn đeo nhẫn vào tay, không kịp phản ứng. Cả cơ thể lại bị một vòng kim loại nhỏ tạo nên luồng hạnh phúc chạy từ ngón tay áp út lan tỏa khắp toàn thân, một chữ cũng không nói được, cứ thế đứng nhìn anh.

Bôn đứng hướng nắng, khuôn mặt rạng rỡ, tươi sáng như hoa. Đôi môi anh không biết tự lúc nào đã từ từ nhếch lên, hai bên khóe miệng dần lún rất sâu vào.

Tôi không biết làm thế nào đáp lại tình cảm của anh, đành vươn tay ôm lấy, vùi đầu vào vai anh dài rộng.

Bôn không nói, chỉ ấp áp ôm chặt tôi vào, từng chút, từng chút một.

Nắng lúc này, mỗi một lúc càng rực rỡ, xuyên qua không gian, xuyên vượt qua vạn vật, tiếp xúc với mặt nước đang lăn tăn sóng nhỏ, ánh lên những tia sáng chữ thập, lấp lánh khắp một vùng.

Mẹ ơi, cảm ơn mẹ. Vì đã cho con cuộc sống này.

Mẹ ơi, cảm ơn mẹ. Vì đã mang đến người này, dành tặng cho con.