Để yên cho bác sĩ "Hiền" - 25.Ở tỉnh

Để yên cho bác sĩ "Hiền"
Ở tỉnh
gacsach.com

Sau gần một năm làm việc hùng hục và đi lại hùng hục, lịch làm việc của mình kín mít đến độ không còn nổi cuộc hẹn nào tử tế với bạn bè và gia đình. Những ngày trời đẹp đến độ nao lòng, mình chỉ muốn có một buổi sáng không phải làm việc, ngồi một chỗ nhìn nắng rơi xuống mặt đường thôi cũng đủ sung sướng mà chả cần đi đâu cả, vậy mà cũng không sắp xếp được. Quả thật hết sức phát rồ! Có vẻ như loài người trong thủ đô chả mấy ai quan tâm đến những thứ vặt vãnh ấy, có lẽ chúng đã quen thuộc đến độ người ta không còn cảm nhận được sự tồn tại của nó bên cạnh mình. Hoặc chính những bon chen cuộc sống làm cho họ quên đi những thứ tốt đẹp. Ra ngoài đường, người ta chỉ lo đứa khác chiếm chỗ chờ đèn đỏ của mình hay tìm chỗ vỉa hè thâm thấp mà phi lên cho nhanh. Sự kiên nhẫn không còn tồn tại trong từ điển của nhiều người.

Rồi những ngày lịch công tác chồng lên nhau, mình đương hí hửng được ngày cuối tuần hiếm hoi không phải đi trực thì nhận được quyết định đi giảng cập nhật kiến thức ngoại tỉnh. Thỉnh thoảng, mình vẫn bị các cú đi giảng rơi bộp xuống đầu đầy bất ngờ như vậy. Thế là cũng vội vã chuẩn bị đồ đoàn nhảy lên xe rồi biến.

Làm quen với không khí ồn ào đến hỗn loạn của thủ đô và công việc lộn bậy tung trời trong các viện trung ương, về đến tỉnh mình thấy hụt hẫng, không khí êm đềm nhẹ nhàng đến độ một chiếc lá rơi ngoài cửa cũng có thể nghe thấy. Lâu lắm rồi mình mới có cảm giác này. Những bài giảng tự nhiên cũng nhẹ nhàng theo, dù những cái bắt tay của người quen cũ, các học viên cũ và mới. Tự nhiên thấy cái đầu của mình chùng xuống. Mình có nhiều thời gian đi thăm các bệnh viện nơi bạn bè mình làm việc, họ giờ đã lên lãnh đạo cả. Tất cả đều hồ hởi rằng sắp tới mà khoán cho các khoa phòng thì chả biết thế nào. Mình cười bảo với khung giá như hiện nay mà khoán cho các bác thì có mà chết đói hết, các bác sĩ lại bỏ ra ngoài làm khối, bệnh viện ngày càng thiếu nhân lực lành nghề. Bạn chặc lưỡi nhưng biết làm thế nào được, cứ phải cố thôi. Loanh quanh 1 hồi rồi lại chuyện báo chí, anh giám đốc bệnh viện nào cùng mình cười bảo: "trong cuộc đời tôi, việc khiến tôi thấy ghê tởm nhất là báo chí. Vừa sáng nay, có vài cuộc gọi gợi ý viết bài cuối năm lấy uy tín gì đó và tôi từ chối. Rồi chuyện đe dọa nhân viên, rồi hoạnh hoẹ đủ kiểu đòi giải quyết chế độ không cần theo cấp nào cả thường xuyên diễn ra, tuyến dưới còn khổ hơn tuyến trên vì những thể loại ấy". Hóa ra,ở đâu cũng vậy chả cứ gì mỗi chỗ mình. Cứ mỗi lần như thế, quy trình bệnh viện lại thắt chặt hơn và theo đúng nguyên tắc, mà đã làm nguyên tắc thì luôn cứng nhắc và kẻ thiệt thòi lại chính là những người dân chân chất.

Mỗi buổi giảng bài xong, mình lại xỏ giày đi lang thang trên đường, ngắm những dãy nhà xám xịt nằm lặng lẽ cuối buổi chiều tà. Những người dân hiền lành chân chất thấy có người lạ đi qua đường ngừng lại, thò ra cửa tò mò nhìn theo. Thời gian trôi như bộ phim quay chậm. Những con đường vắng chẳng có mấy người qua lại, bao nhiêu những nặng nề trong đầu mình rơi sạch ra ngoài, theo gió bay đi hết. Chỉ còn lại sự bâng khuâng không nói được thành lời. Mình bị sốc văn hóa một chút, đang nháo nhào tự nhiên có được khoảng thời gian yên tĩnh đến lạ này. Cũng giống như cô bạn mới quen trong Sài Gòn ra thủ đô chơi, cô kể chuyện ngày đầu tiên hào hứng cái gì cũng đẹp lạ, rồi vài ngày sau đi trên đường, ngẩng đầu lên nhìn ai cũng muốn bóp cổ. Thành phố vắng như nàng công chúa đang trong giấc ngủ dài, chờ đợi chàng hoàng tử đến đánh thức dậy, nhưng e rằng đến ngày đó thì nàng đã trở thành bà già khú đế răng rụng mắt mờ. Còn bây giờ, Nếu mình làm chàng bạch mã giúp nàng thức dậy thì e rằng nàng lại như thủ đô nơi mình đang ở thì khốn.