Khang Hy Đại Đế - TẬP 1 - Chương 01

1

Giang sơn rách nát phủi tay xuôi

Biển trời nghiệt ngã không bờ bến

Hoàng đế Thuận Trị không “băng hà”, nhà vua vẫn sống. Giờ này, Thái hậu và Hoàng hậu đã khóc và đi rồi, tấm lòng nhà vua dần dần yên tĩnh lại. Ngồi một mình ở điện Dưỡng Tâm, một mối sầu không tên xâm chiếm cõi lòng. Trong chiếc đỉnh pháp lang bằng vàng ròng, mùi hương bách hợp tỏa ra ngào ngạt. Thuận Trị không chịu được, gọi người lấy ra hết số hương trong chiếc đỉnh, nhưng vẫn cứ ngồi đó, rồi vung tay đi ra khỏi điện Dưỡng Tâm, đứng dưới bậc thềm son, hít một hơi thật dài, hình như muốn dùng không khí mát lạnh trong lành xua đi nỗi niềm sầu muộn trong lòng.

Trời màu xám chì, tầng mây nặng nề, chậm chạp kéo về phương nam, nhà vua ngước đầu nhìn khung trời xanh biến hóa vô thường, lặng yên. Một cơn gió lạnh ào đến, nhà vua tự nhiên đưa tay che hai vai, ông nội thị già Thường Hạo vội vàng bước tới, lấy chiếc áo bào lông chồn thêu rồng nhẹ nhàng khoác lên mình vua. Nhà vua chau mày: “Sao lại thế này?” Thường Hạo chậm rãi quỳ xuống tâu: “Bẩm trình Vạn tuế, Hoàng thái hậu dạy rằng, khi chủ trong lòng không vui thì không được lấy chiếc áo lông chồn bạch...” Nghe nói là ý chỉ của Hoàng thái hậu, Thuận Trị không nói gì nữa, chỉ lạnh lùng ngước nhìn trời suy nghĩ: “Tuyết đã rơi, thế giới này, hoàng cung này đều sẽ biến thành màu trắng. Ngói lưu ly vàng này, nền gạch xanh này, hạc đồng này, nhật quỹ này... đều sẽ khoác lên một màu trắng. Những chuyện này Hoàng thái hậu quản được sao?”

Năm Thuận Trị thứ mười bảy, với nhà vua là một năm không cát lợi. Bắt đầu từ tháng Giêng, Doanh Thành, Ninh Dương đã báo nạn đói, cho đến tháng sáu, nhiều nơi ở Trực Lệ, Sơn Đông, Thiểm Tây, Túc Châu hạn hán, một ngọn cỏ cũng không sống nổi. Bản thân là người đứng đầu lê dân, nhưng trời xanh không chịu giúp, ắt là có điều thất đức chi đây! Tháng năm, nhà vua xuống chiếu tự hạch tội mình, Tể phụ La Ba Cáp Nạp cũng làm đơn tự kể tội mình, cầu Hoàng thượng cách chức cho thuận lẽ trời. Tháng Sáu, lại đi bộ đến Nam Giao ăn chay nằm đất, lòng thành khẩn quả đã cảm kích được Trời Phật, cho mấy ngày mưa to liên tiếp. Nhà vua giảm được một phần gánh nặng, cảm thấy năm nay dễ thở đôi chút, cho dù năm tai tháng nạn, cũng không đến nỗi chịu tai nạn đến cùng.

Không ngờ đến tháng tám, Hoàng Quý phi Đổng Ngạc ngã bệnh từ trần!

Như sét đánh ngang tai, Thuận Trị kinh hoàng tối tăm mày mặt, chỉ biết khóc khan, mà không có giọt nước mắt nào. Bảy tuổi lên ngôi vua, diệt trừ bè đảng Đa Nhĩ Cổn, quét sạch Nam Minh, đánh tan Trịnh Thành Công. Sau đó lại mở khoa thi chọn hiền sĩ, quyết chí tìm chọn nhân tài người Hán. Bốn phương bắt đầu ổn định, nhà vua còn chưa đến hai mươi, mọi việc êm xuôi, chỉ có hôn nhân là không đẹp ý. Thời Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn ỷ thế làm càn, quyết tình chỉ định con gái của Trác Lễ Khoa Nhĩ Tẩm, thân vương Khắc Đồ Ngô Khắc Thiện là nàng Bác Nhĩ Tề Cẩm làm Hoàng hậu, Thái hậu lại lấy Đa Nhĩ Cổn, cùng nhau đè ép nhà vua, hệt như kiểu đè đầu xuống chậu bắt ngựa uống nước! Chẳng qua chỉ là ừ ào cho qua chuyện, hai năm sau truất làm “Tịnh phi”, đổi sang ở cung bên. Trong sáu cung, ba nghìn mỹ nữ tô lục chuốc hồng, nhà vua chỉ yêu có mỗi nàng Đổng Ngạc lớn hơn mình năm tuổi.

Có lẽ vì nhớ nhung chồng cũ, nàng Đổng Ngạc từ khi nhập cung lúc nào cũng mày chau mặt rủ. Có trời mới biết được là kiểu tình cảm quỷ quái gì. Nàng Đổng Ngạc càng như vậy, vua Thuận Trị càng không bỏ được nàng, đã tìm đủ phương cách để làm cho nàng vui.

Còn giờ đây, mọi việc đã qua rồi. Hương hồn nàng Đổng Ngạc đã thăng ra ngoài tam giới, có còn gì nữa mà mong? Nhà vua cảm thấy mọi thứ trở thành thô lậu, nhơ bẩn, duy chỉ có mỗi nàng mày chau mặt rủ kia mới là đẹp, nhưng nàng lại bị gió mưa vô tình cuốn phăng đi rồi. Thật chẳng hiểu nổi cuộc sống này, trần thế này làm sao hóa giải nỗi khổ đau kia!

Vua Thuận Trị đứng một hồi trước thềm điện, một cơn gió thổi lại, mấy hạt tuyết bay qua đập lên mặt đau buốt, vua bất giác khẽ rùng mình, lại trở vào trong điện. Từng chồng tấu chương, thông điệp chất cao trên long sàng, vua chẳng thèm nhìn, chỉ bước ngang qua đi vào phòng ấm phía tây. Người đứng đầu số cung nữ hầu cửa tên Tô Ma Lạt Cô hiện là người được việc nhất đối với Thái hậu. Thấy vua bước vào, nàng đưa mắt ra hiệu, các thị vệ hầu trong điện: Oa Hách, Tây Trú, Thiết Khắc Đồ, Giác La Trại Nhĩ Bật liền lặng lẽ cúi đầu thi lễ, và hiểu ý lui ra ngoài.

Nàng Tô đứng dưới hiên lòng cũng ngổn ngang trăm nỗi. Nàng vào cung năm Thuận Trị thứ tám. Là con gái Tá Lãnh cờ xanh Chính, Cách Lăng Thái. Lên sáu mẹ mất, cha nàng định lấy vợ kế, cầu hôn với cháu gái của chủ cờ Trại Lạc. Cô nàng này dứt khoát nói với bà mối: “Bà nói lại cho ông Cách Lăng Thái nhé, người cũng được thôi, chỉ phải cái của thừa bên mình, cô nàng này lại không chịu khó đi làm mẹ kế người ta đâu, bảo ông ta sớm từ bỏ ý tưởng ngông cuồng đó đi!” Trại Lạc là cấp trên cao nhất của Cách Lăng Thái. Lời nói này từ phía Trại Lạc bay sang đã làm ông khó xử, đang lúng túng thì gặp dịp năm ấy chọn gái đẹp trong cờ để tiến cung, thế là cha liền đưa nàng vào cung. Cũng là duyên phận số trời, bỗng nhiên Hoàng thái hậu Hiếu Trang đến cung Đô Tú, thấy một lũ con gái đẹp đang quỳ trong sân chờ tuyển chọn bèn đến xem, thấy một cô gái nhỏ nhắn mắt sáng tròn xoe ngước nhìn mình, bà kéo cô bé lên nhìn kỹ lại. Từ ngày mẹ mất, nàng cảm thấy chưa có ai tỏ ra yêu thương nàng như vậy, thấy vị phu nhân này vẻ mặt hiền từ, bèn kêu lên tiếng “bà”, nước mắt cũng tuôn tràn bờ mi.

Một giọng trẻ thơ trong trẻo kêu lên làm cho Thái hậu nóng ran cả người, bà cúi người ôm Tô Ma Lạt Cô vào lòng, quay mặt nói với ông Thái giám chủ sự: “Ta cần cô gái này. Chọn thêm một cô gái thực thà một chút theo hầu cô ấy. – Này con, chỗ bà có rất nhiều thức ăn, hãy đi với bà!”

Từ đó, nàng Tô đi theo Thái hậu Hiếu Trang, Thái hậu cả ngày dài rảnh rỗi bèn đùa giỡn với nàng Tô, dạy nàng học chữ, đọc sách, kể chuyện Tam quốc cho nàng nghe. Lớn lên một chút, còn kể không ít điển chương chế độ của triều trước và bản triều. Nàng Tô tư chất rất thông minh, mới mười tuổi đã thuộc không ít thơ ca từ phú, văn chương Bách gia chư tử, mười bốn tuổi học vấn đã đầy bụng. Thái hậu rất vui, bèn sai phái cô đi theo hầu Hoàng đế Thuận Trị.

Mải mê đứng trước hiên một hồi, một cơn gió lạnh lướt qua, nàng khẽ rùng mình, bèn bước vào cửa Nguyệt Động.

Thuận Trị bước vào gác ấm phía tây, nhìn khắp bốn bên càng thấy thương cảm. Kể từ bốn tháng nay, Thuận Trị lui tới nơi này nhiều nhất. Mọi thứ đều y nguyên như hồi sinh thời Đổng phi, trong cái đĩa ngọc đặt trên giá gỗ tử đàn ở góc phòng còn bày mấy quả văn quán màu vàng kim, vẫn còn phảng phất tỏa ra mùi thơm tươi mát; trên bàn, cong queo một sợi dây đứt ra từ chiếc đàn tranh; trên chiếc bàn trang điểm, phấn son, các thứ cài đầu... đều bày ra không suy chuyển. Duy chỉ trên chiếc giường ngà khảm ngọc, mới treo lên một bức chân dung nhỏ của nàng Đổng Ngạc trong trang phục cung phi.

Đây là bức tranh thủy mặc do một họa sĩ được Tuần vũ Giang Ninh Chu Quốc Trị tiến cử vẽ ra. Nàng Đổng Ngạc chết, nhà vua năm ngày liền không nghĩ gì đến ăn uống, chỉ yên lặng nằm trên giường, ngự y hết sức điều trị vẫn không công hiệu. Thái hậu Hiếu Trang Bác Nhĩ Tế Cát Đặc vô cùng lo lắng cũng vô phương. May có ông lão Hồng Thừa Trù thấy nhiều biết rộng nói là: “Bệnh tâm phải dùng tâm mà trị”. Thái hậu bèn truyền ngay ý chỉ, truy phong Đổng Ngạc làm Hoàng hậu, triệu tập mấy mươi vị tài nghệ vẽ vời từ các nơi Trực Lệ, Sơn Đông, Giang Tô... về kinh vẽ chân dung nàng Đổng Ngạc nhằm an ủi nhà vua. Mọi người đều cố sức gắng công, không hiểu sao ai vẽ cũng không giống. Cho đến khi bức tranh của Trần La Vân trình lên, làm kinh động cả hoàng cung, bất kể là người hàng ngày hầu hạ nương nương, hay chỉ một đôi lần gặp mặt, đều cho là rất giống, không chỉ giống cái vẻ ngoài mà giống cả cái thần! Khi Thường Hạo đưa bức tranh trình ngự lãm, nhà vua đang mê man hoa mắt bỗng nhảy xuống giường, ôm bức tranh vào lòng nói. “Ái khanh! Trẫm tưởng khanh đi rồi, té ra khanh vẫn còn sống!” Thái hậu quá mừng, lấy quỹ nội cung một vạn lượng thưởng ngay cho Trần La Vân, kinh sư lan truyền thành giai thoại. Chu Quốc Trị vượt qua ba cấp đạo, niết, phiên, nhảy phóc một cái thành Tuần vũ Giang Ninh.

Sau đó vua Thuận Trị tuy ăn uống khá hơn nhưng tinh thần mãi không bình phục. Tuy mỗi ngày có tới điện Cần Chánh, nhưng không biết đến tấu nghị của đại thần, cũng không phê duyệt tấu chương, tâm thần bất định, như trong cơn mơ, mỗi ngày vấn an Thái hậu xong, liền rúc đầu vào gian phòng ấm này, nhìn bức họa đến ngây người. Một hôm, một người hầu già của Thái hậu xông vào phòng không qua bẩm báo, nhà vua tức điên người, cũng không nể mặt Thái hậu lệnh cho ông ta quỳ xuống trước thềm tự vả vào mồm bốn mươi cái. Từ đó người trong cung không ai dám quấy rầy nhà vua nơi đây.

Giờ đây, vua Thuận Trị đứng trước bức hình nhỏ, Đổng Ngạc hơi chau đôi mày, dường như vẫn ấp ủ mối tình sâu, lại như có chút oán hờn kín đáo; ống tay áo phất phất giống hệt như vẫn sống thực, đang bước ra từ trong bức tranh sơn thủy lá vàng gió thu. Thuận Trị buột mồm kêu lên: “Trẫm đã có tình với khanh, sao khanh vô tình với Trẫm làm vậy?”

Cũng chính lúc này, cách điện Dưỡng Tâm không xa, trong phòng đợi vào chầu phía đông cung Càn Thanh, cũng có sáu con người đang rầu rĩ trước ánh đèn. Chính bọn họ vừa rồi, khi Thái hậu giá lâm trước điện Dưỡng Tâm, đã bị vua Thuận Trị đuổi ra, giờ này lại không dám trở về phủ với nỗi niềm bực bội, bèn rủ nhau tụ tập ở nơi này.

Người cầm đầu, Khang Thân vương Kiệt Thư, là anh họ của đương kim Hoàng đế Thuận Trị, ông ngồi trên chiếc giường lò nhìn Sách Ni, Át Tất Long, Tô Khắc Tát Cáp, Ngao Bái. Bọn họ người nào cũng giống như ông Phật trên chùa, hoặc ngồi im không nói, hoặc vùi đầu chăm chú hút thuốc, ngay cả Hồng Thừa Trù, một kẻ túc trí đa mưu cũng trầm tư không nói. Kiệt Thư trong lòng nôn nóng: “Các ông hãy nói xem nào! Rốt cục không thành, chắc Hoàng đế phải cắt tóc làm hòa thượng chứ gì?” Tọa trung Nghị chính đại thần Sách Ni với tư cách già nhất, địa vị cũng cao nhất, tuổi gần bảy mươi, liên tiếp mấy ngày liền bị hành hạ, tinh thần mệt mỏi hết chịu nổi, đang nằm co ro trên giường, tỏ ra cực kỳ khốn khổ. Thấy mọi người không ai lên tiếng. Ông bèn thở dài rồi nói: “Xem ra không xong rồi. Còn cách nào chưa giở ra, mấy người chúng ta trói mình chịu tội không nói làm gì, cả đến Thái hậu cũng phải quỳ xin, tất cả đều vô dụng, còn phải thế nào nữa đây?” Ngao Bái ngồi trong góc vẻ mặt giận dữ, nhổ một bãi nước bọt nói: “Còn ra thể thống gì? Một bà vợ chết đi, mà đã như thế, chết không ra chết, sống không ra sống...”

Lời chưa dứt, Sách Ni bèn gạt phăng đi: “Nói cái gì vậy? Toàn ca cẩm oán trách thì được việc gì? Lòng vua đã không thể quay về, hãy nghĩ xem, sau đây nên làm gì đã!”

Át Tất Long ngồi sát bên Ngao Bái thấy vẻ mặt Ngao Bái không nén nổi cơn tức giận bèn rướn người lên nói: “Theo tôi, Hoàng thượng đi chuyến này kể như là “một đi không trở về” rồi, tất phải có di chiếu, thừa tự nhất định là Tam A Ca không còn gì hồ nghi.”

Quả thật là lời nói làm mọi người kinh ngạc! Nhưng trước nay ông là người thông thạo tin tức, việc không chắc đến ba bốn thì không mở miệng, đương nhiên không thể là nói mò. Tô Khắc Tát Cáp nhỏm người về trước hỏi: “Có chắc vậy không?”

Át Tất Long hạ thấp giọng trả lời: “Đây là Thang Nhược Vọng nói, Tam A Ca đã lên đậu mùa rồi, bảo đảm được một đời khỏi phải lo lắng.” Nghe nói đến Thang Nhược Vọng, mọi người đều không nói gì. Người này là người Nhật Nhĩ Man, đến Trung Quốc truyền giáo đã hơn bốn mươi năm. Từ Quang Khải nhà Minh trước kia đã tiến cử ông công tác ở viện hàn lâm. Người này tinh thông lịch Tây, tính toán nhật nguyệt thực vô cùng chuẩn xác, nên từ khi vào với triều Thanh, bèn làm Khâm thiên lãm chính, nắm chuyên môn thiên văn lịch pháp. Vua Thuận Trị kính trọng ông như thần tiên, Hoàng hậu quyết tình bỏ Phật để quy y Thiên chúa giáo, quả thật nói một là một, nói hai là hai! Quả đúng như lời Thang Nhược Vọng, chắc chắn tự quân ắt phải là Tam A Ca Huyền Hoa không còn hồ nghi gì.

Kiệt Thư suy nghĩ một lát rồi nói: “Bọn ta sao không đưa thẻ cầu kiến Hoàng thượng lần nữa để hỏi cho ra nhẽ!” Lời chưa xong, Ngao Bái bèn trả lại một câu: “Bốn cái chốt cửa sắt đóng chặt ở đó, ông vào làm sao?” Bốn cái chốt cửa sắt là chỉ bốn người bọn Oa Hách. Với bốn người này, ngoài vua Thuận Trị ra, giấy tờ của ai đều không linh nghiệm. Sau câu này, mọi người không ai còn nói lời nào nữa.

Mãi một hồi lâu. Ngao Bái nói: “Thế cũng hay, ai làm Hoàng đế để cho người Di nói là xong thôi!” Tô Khắc Tát Cáp nói: “Người Di hay không phải người Di, chỉ cần nói đúng, cũng không làm gì được hắn!” Ngao Bái rất khinh thường Tô Khắc Tát Cáp, liền đệm một câu: “Ông nói gì nhảm nhí vậy!”

Sách Ni thấy hai người lại muốn kình nhau, bèn ngán ngẩm nói: “Đừng có làm vậy, đều là trọng thần quốc gia, cũng phải giữ chút thể thống chứ.” Hai người nghe thế, cúi đầu không nói nữa. Hồng Thừa Trù cả buổi không nói ngước lên với khuôn mặt thanh mảnh, vươn người lên nói: “Đã biết ý vua là không cãi được, chúng ta hãy đợi xem. Tôi nghĩ Thánh thượng chắc đã an bài.”

Đứng nhìn ngắm rất lâu trước bức hình nhỏ trong căn gác ấm phía tây, vua Thuận Trị bước ra ngoài sân, hoa tuyết vỡ vụn đã rơi dày đến cả tấc, bốn bề tĩnh lặng như một ngôi miếu hoang, nhà vua cảm thấy trong lòng trở lại bình tĩnh hơn nhiều. Đúng như Hồng Thừa Trù ước đoán, nhà vua có rất nhiều việc quan trọng phải an bài trước khi ra đi.

“Bẩm Vạn tuế, Phạm Thừa Mô phụng chỉ đến kiến giá.” Thị vệ Oa Hách đã quỳ phía sau nhỏ nhẹ khởi tấu. “Trời lạnh thế này, Vạn tuế cũng phải...” Không đợi ông ta nói hết, vua Thuận Trị khoát tay, rồi bước vào điện, mới chú ý đến Phạm Thừa Mô đã quỳ ở đó từ lúc nào.

Thuận Trị ngồi xuống chiếc ghế gần giường sưởi, trong phòng khí ấm phừng phừng, một chặp đã thấy cả người nóng ran lên, bất giác mở cúc chiếc áo khoác da. Nàng Tô vội vàng bước lên giúp cởi chiếc áo, rồi lui ra ngoài điện. Nhà vua liếc nhìn Phạm Thừa Mô. Ông ta tuy tuổi mới dưới bốn mươi nhưng mái tóc đã bạc phơ, chiếc đuôi sam trắng từ phía sau như lông công kéo dài tới đất, đầu cúi gập hầu như chạm đất. Nhà vua khẽ ho lên một tiếng, Phạm Thừa Mô biết là Thánh thượng đã tới, đầu dập mạnh ba cái xuống viên gạch vuông, sang sảng khải tấu: “Nô tài Phạm Thừa Mô cung thỉnh Thánh an!”

Vua Thuận Trị hờ hững nói: “Phạm tiên sinh, hãy đứng lên, ngồi trên chiếc đôn kia.”

Phạm Thừa Mô chầm chậm quỳ chân trái đứng lên, tay phải gập chào, khom mình lui xuống bên chiếc ghế thấp hàng đầu bên phải, ghé mông ngồi lên chiếc đôn tròn sứ xanh khắc hoa: “Hoàng thượng triệu thần đêm khuya, không biết có chỉ dụ gì?”

Thuận Trị hít vào một hơi dài, liếc nhìn Phạm Thừa Mô một cái, rồi nói chậm rãi: “Trẫm bữa nay triệu ngươi lại, là cần ngươi thay Trẫm thảo chiếu.” Phạm Thừa Mô thở phào, nghĩ bụng: “Hà tất đang đêm phải tuyên chiếu, chẳng lẽ tình hình đông nam có biến?” Nàng Tô bưng lên một cái nghiên vuông, trong đã có mực mài sẵn, Phạm Thừa Mô lấy hơi chuẩn bị, tay cầm bút đã chấm mực yên lặng đợi nhà vua đọc lên.

Thuận Trị hớp một ngụm trà, sắc mặt càng trở nên trắng bệch, miệng nói: “Trẫm đức mỏng nhưng được vinh dự kế nghiệp đại thống, đến nay đã được mười tám năm, từ khi đứng ra tự quản việc nước đến nay, bất kể dùng người điều việc, kỷ cương phép tắc, so với tiền bối Thái Tổ, Thái Tông, đều sút kém hơn nhiều. Sau khi nhất thống thiên hạ, mỗi ngày bị người Hán dắt mũi, đến nỗi vận nước không tốt, dân tình gian khó nhiều, đó là tội thứ nhất của Trẫm.”

Nghe đến đây, Phạm Thừa Mô kinh hoảng đứng dậy, trong lúc bối rối, mực đầu hút chảy xuống ướt đẫm cả ống tay áo. Ông bỗng cảm thấy mình thất lễ, bèn vội vàng quỳ xuống khải tấu: “Hoàng thượng tuổi nhỏ lên ngôi, ngoài dập tắt khói lửa ngoại xâm, trong dẹp yên gian đảng, vào Quan Trung ổn định cơ đồ, che chở Hoa Hạ, lập nên cơ nghiệp muôn đời không ai hơn. Thảng hoặc có lúc không như ý, cũng là do trong nước mới ổn định chưa kịp sửa sang, Thánh thượng nói như vậy, thần không dám viết!”

“Đứng dậy!” Thuận Trị lạnh nhạt nói: “Ngươi viết đi!” Nhà vua quá bình tĩnh làm cho Phạm Thừa Mô cảm thấy một cơn ớn sợ, bèn kinh hoàng đứng dậy trở về chỗ ngồi, lấy lại tinh thần, viết rằng: “Trẫm lấy đức mỏng, thừa tự nghiệp lớn, cho đến nay mười tám năm ròng. Từ khi đứng quản việc nước, kỷ cương phép tắc, dùng người điều việc, không thể phát huy cơ ngơi đồ sộ của Thái Tổ, Thái Tông, lại nhởn nhơ theo thói cũ, tạm bợ đến giờ, ngày càng noi theo tục Hán, còn kiểu xưa thuần phác, ngày một đổi thay nhiều, dẫn đến việc trị nước không tốt, dân tình chưa mãn nguyện, là tội thứ nhất của Trẫm vậy.”

Thuận Trị nói tiếp: “Lúc Tiên đế đi xa, Trẫm chỉ mới là chú bé sáu tuổi ngỗ nghịch, chưa làm được cho Người một ngày hiếu đạo. Ta vốn muốn hết lòng hầu hạ Hoàng thái hậu nhằm nguôi ngoai mối ân hận này...” Nhà vua nghẹn ngào, rút từ trên giường chiếc khăn lụa vuông lau mắt, “Giờ đây, Trẫm phải lìa xa dưới gối, lại làm cho Hoàng thái hậu càng đau buồn vì Trẫm...” Nói đến đây hai hàng nước mắt chảy ròng ròng.

Phạm Thừa Mô càng nghe càng hoảng, thần sắc nhợt nhạt, vội vàng quỳ xuống đất, liên tiếp dập đầu, tấu rằng: “Hoàng Thượng xuân thu đang độ, sao lại thốt lên những lời này? Nếu không cho biết nguyên do, thần thà chết không dám phụng mệnh.” Nói xong dập đầu thành tiếng ba cái liền.

Vua Thuận Trị rất hiểu tâm trạng của Phạm Thừa Mô, vua mới hai mươi bốn tuổi nói ra những lời này, đừng nói Phạm Thừa Mô không dám viết, chỉ mấy tháng trước thôi, ngay bản thân nhà vua cũng chưa hề nghĩ tới. Nhưng bây giờ đã muốn thoát tục lìa trần, thì phải cắt đứt mọi thứ tình duyên, lời nói cũng phải chừa lối thoát, nếu không hậu quả sẽ khôn lường. Nhà vua định thần lại nói: “Phạm tiên sinh, nếu đêm nay, cứ câu nệ phép tắc vua tôi thường tình, thì chiếu thư này viết đến mai cũng chưa xong. Đứng dậy! Trẫm nói thực với khanh, đây là “di chiếu” của Trẫm, Trẫm đã quyết ý bỏ trần tục xuất gia đầu Phật!”

Điều này làm Phạm Thừa Mô xúc động: “Từ Tam Hoàng Ngũ Đế, làm gì có chuyện như thế này! Người Mãn quả là ai ai cũng là giống đa tình! Ông chú Đa Nhĩ Cổn lấy danh nghĩa Nhiếp chính Vương nắm vững triều cương, chỉ vì với Thái hậu có quan hệ mơ chua ngựa gỗ nô đùa với nhau từ nhỏ, không chịu thoán ngôi đoạt cơ đồ. Việc đó mới cách đây có mấy năm, nay lại thêm một vị muốn đi làm hòa thượng!” Bụng nghĩ vậy, nhưng lại nói rằng: “Bỏ cửu tôn, như bỏ giày rách, vốn là việc làm bất đắc dĩ của thánh hiền xưa, là lời nói mua vui. Nay bốn biển quy về trung tâm, muôn dân hài hòa, Thánh thượng có việc gì không làm được, muốn nhẹ bỏ cái tôn nghiêm muôn đời, để bước chân vào nơi bất trắc hay sao?”

Thuận Trị thấy ông ta một mực khuyên can, nói ra toàn bài bản cũ rích, cảm thấy phiền lòng, quát lên một tiếng: “Ý Trẫm đã quyết, Ngươi chớ nhiều lời!”

Phạm Thừa Mô suy nghĩ một lát rồi nói: “Thánh thượng đối với Đổng Hoàng hậu ơn nặng như núi, sống phong Quý phi, chết tặng Hoàng hậu, đối với nương nương quá tốt rồi, hà tất phải ...

“Câm mồm!”, Thuận Trị cười nhạt: “Mỗi người ai cũng có chí riêng, đây đâu phải là chuyện của nhà ngươi?”

“Không phải thần nhiều chuyện, thần thảo chiếu này, Hoàng Thái hậu ắt sẽ biết, thần tuy muôn lần chết đâu có thể chối cãi tội này? Nên mới dám phạm thượng nói thẳng...”

Lời chưa dứt, chỉ nghe “ầm” một tiếng, Thuận Trị đập bàn giận dữ: “Ngươi sợ Hoàng thái hậu giết ngươi, đã có Trẫm chịu! Ngươi không phụng chiếu, lẽ nào Trẫm không giết được ngươi sao? Viết đi!”

Cái Phạm Thừa Mô cần, chính là câu nói này. Ông run lập cập bò dậy, ngồi lại trên mép ghế, lòng gồng lên, viết tiếp: “Ngày vua cha mất, Trẫm mới sáu tuổi, không thể làm lễ phục tang ba năm, suốt đời hối tiếc. Duy chỉ hết lòng hầu hạ Hoàng Thái hậu, hy vọng đời sau thấu hiểu đã làm tròn chức trách người con, không nói nhiều lòng hối tiếc việc xưa. Nay mãi mãi xa rời dưới gối, lại còn làm đau lòng Thánh mẫu, đó là tội thứ hai của Trẫm.”

Tiếp theo sau tương đối thuận lợi, vua Thuận Trị đã sắp sẵn trong lòng, nói ra đĩnh đạc, nhà vua nói mình không còn tín nhiệm nữa đối với Thân vương quý tộc người Mãn, đối với một số Hán quan động đến là ân thưởng; nói mình có tật ước mơ viển vông mà không dốc lòng tận dụng hiền tài, đối với hiền thần biết họ tốt nhưng không gần gũi, đối với tiểu nhân biết rõ họ sai nhưng không truất bãi; nói việc lập nha môn mười ba, ủy nhiệm hoạn quan, quả thật không khác mấy với sự hắc ám dung tục của các hoàng đế cuối Minh. Nhà vua kể ra mười ba điều thất chính từ khi tự mình thân chính nắm quyền, nói lên một cách bình tĩnh, giống như nói lên sai lầm của ai khác. Phạm Thừa Mô tai nghe tay viết, còn tùy lúc sửa lại, không dám lơ đễnh chút nào, chỉ cảm thấy trong lòng căng thẳng cực độ.

Nói đến đây, Thuận Trị như trút được gánh nặng, thở phào một tiếng: “Trẫm biết sai lầm của Trẫm rất nhiều, sau khi làm xong cũng thường cảm thấy hối tiếc, nhưng chỉ vì thói quen lười biếng, qua rồi không chịu sửa chữa, đến nỗi sai lầm càng tích càng nhiều, đó là tội thứ mười bốn của Trẫm vậy.” Nhà vua uể oải nằm dựa trên sập ngự, cây đèn sáp nhỏ từng giọt lệ rơi xuống nền gạch xanh láng bóng. Bỗng đồng hồ tang tang gõ lên mười một tiếng – đã là khắc đầu của giờ tí.

Phạm Thừa Mô biết rằng quyết định quan trọng nhất của Hoàng đế Thuận Trị sắp phải truyền xuống, ông chăm chú nín lặng, cầm bút ngồi đợi lệnh. Thuận Trị nghỉ xả hơi một lát, khả gọi: “Nàng Tô Ma Lạt Cô!”

Nàng Tô đứng canh trước cửa điện, đang ghé tai nghe động tĩnh, bỗng nghe tiếng gọi, giật thót mình, vội cúi mình đáp lại: “Dạ, có nô tài đây!”

“Gọi Oa Hách và mấy ông cùng đến nghe.” Nàng Tô vội đáp “Vâng ạ!” rồi đi truyền lệnh. Một chốc, bốn vị thị vệ bên vua có Oa Hách nối nhau lần lượt bước vào, theo thứ tự quỳ xuống lắng nghe. Nàng Tô định lui ra, Thuận Trị lại gọi nàng: “Khanh cũng ở lại đây, Khanh hầu hạ Hoàng Thái hậu mấy năm rồi, Trẫm vẫn coi khanh như em gái, hãy nghe xem để có chuẩn bị cũng tốt.” Nàng Tô chỉ gập đầu, không dám nói lời nào. Nói xong Thuận Trị khẽ ho một tiếng, nói rất rõ ràng từng tiếng một: “Tân Hoàng đế – Trẫm định lập Tam Hoàng tử Huyền Hoa.” Nhà vua ngưng một lát, “các Hoàng tử tuổi sàn sàn nhau, chú bé này tuy nhỏ, nhưng thông minh đĩnh ngộ hơn người, mà cũng đã mọc đậu mùa, Trẫm cũng đã mời nhà sư Tây Tạng, Lạt ma Ngạch Nhi Đắc Cát đoán số mệnh cho rồi, cũng thuộc mạng cực quý – chỗ này không cần viết vào – Mẹ là Đồng thị, phẩm người đoan trang, đôn hậu ôn hòa, đáng là quốc mẫu. Hãy quyết định như vậy nhé.” Thuận Trị vừa suy nghĩ vừa nói, “Hoàng đế nhỏ quá, đương nhiên phải lập mấy vị đại thần phụ chính, Trẫm thấy Sách Ni, Tô Khắc Tát Cáp, Át Tất Long, Ngao Bái, bốn vị này là được.”

Phạm Thừa Mô từng chữ từng câu như khắc vào tâm khảm, lập tức như được uống thang thuốc bổ, người thấy nhẹ nhàng thoải mái: “Cho dù Thái hậu hạch tội thì đã có bốn người đứng trước rồi.” Trong lòng thư thái, hạ bút cũng trôi chảy hơn nhiều. “Đặc mệnh nội đại thần Sách Ni, Tô Khắc Tát Cáp, Át Tất Long, Ngao Bái làm phụ chính đại thần. Những người này đều là trọng thần công cao, Trẫm gửi gắm cả tim gan, mong các khanh ráng sức trung thành, bảo ban vua mới, giúp lo chính sự. Bố cáo trong ngoài, tất cả được biết.”

Thuận Trị vốn yếu đuối, đêm nay trong lòng đặc biệt xúc động, đọc xong bài chiếu thư, mặt đỏ như gấc, nằm trên giường, ho không dứt. Nàng Tô thấy vậy vội vàng đi bưng ống nhổ, Oa Hách vội đứng lên bước tới đấm nhè nhẹ vào lưng vua. Nhà vua lại nắm tay Oa Hách nói: “Ái khanh, khanh cùng ta có tuổi rồi, Hoàng đế nhỏ quả, khanh nên quan tâm tí nhé!” Oa Hách lúc này không sao cầm lòng được “òa” lên khóc ròng, dập đầu xuống đất nói trong tiếng khóc: “Nô tài sao dám không đem tấm lòng son bảo vệ ấu chúa!”

“Đừng khóc,” Thuận Trị khuyên, rồi quay mặt lại hỏi: “Phạm tiên sinh, bốn người này khanh thấy thế nào?”

Phạm Thừa Mô vội đặt bút lên giá bút, lập tức khom mình đáp: “Xin thưa Vạn tuế, bốn vị này đều là trung thần xã tắc, nhận định của Vạn tuế rất sáng suốt.” Dè đâu, Thuận Trị lại lắc đầu nói: “Cũng chưa chắc như vậy đâu, nhưng theo lệ tổ tiên, quan Hán không được làm Phụ chính, Phạm tiên sinh và quan Hán đều nên thể nghiệm quan sát ý sâu của Trẫm. Trong bốn vị này, Sách Ni uy tín, danh vọng, đức tài đều tốt, tiếc thay già rồi; Tô Khắc Tát Cáp có tài, một mực trung thành đảm nhận trách nhiệm, nhưng uy tín danh vọng còn quá cạn; Át Tất Long gặp việc không chịu ra mặt, nhu nhiều hơn cương, nhưng quyết không đến nỗi sinh sự; Ngao Bái sáng suốt quyết đoán, kiêm tài văn võ, đáng tiếc yếu ở nóng nảy. Bốn người này nếu đồng lòng hiệp đức phò tá ấu chúa, Trẫm có thể yên tâm mà đi.”

Đêm đã khuya, Phạm Thừa Mô đã lui ra, trong Tử Cấm thành, tuyết lớn bay dày đặc, vạn vật đông cứng, kết khối lại trong màn đêm lạnh lẽo. Giọt nước đồng hồ đông cứng, lửa đèn cũng tối đi. Trên giá cắm, giọt nến đỏ như máu rơi thành đống cao, chỉ có tiếng mõ cầm canh não ruột vọng lại từ xa. Vua Thuận Trị ngước khuôn mặt đẫm nước mắt dặn dò Thường Hạo: “Truyền chỉ phòng kính sự, lấy chìa khóa mở cung, Trẫm đã khâm định những người tùng giá lập tức xuất cung!”