Lưỡng triều hoàng hậu - Chương 20

Chương 20

Vân Nga chỉnh Đỗ Thích. Bộ Lĩnh thỉnh kiều du Trường Châu

**************************

Tôi vừa về đến cổng lớn Đinh Phủ thì gặp xe ngựa của Lưu Cơ đi xử lý công vụ trở về. Lưu Cơ xuống xe ngựa, vừa trông thấy tôi thì liền gọi:

-       Dương cô nương.

Tôi cũng hành lễ với Lưu Cơ. Lưu Cơ lại nói:

-       Cùng vào đi.

-       Được.

Tôi cười nói với Lưu Cơ rồi đợi ông cùng vào phủ. Bọn tôi vừa đi vừa trò chuyện, trước khi chia tay ở lối rẽ tình cờ tôi nghe được một tiếng chát, sau đó liền nghe một tiếng khóc thút thít rất nhỏ. Không kịp từ biệt Lưu Cơ, tôi một mạch tìm về nơi phát ra tiếng động. Xuyên qua một tán cây lớn phủ đầy rêu xanh sà xuống gần chạm đỉnh đầu, tôi thấy cuối đường, ngay góc viện một em gái tuổi chừng mười lăm mười sáu đang tranh cãi gì đó với một gã đàn ông chừng hai mươi mấy tuổi. Cả gương mặt em gái đỏ bừng, đôi mắt bồ câu to tròn giờ ngân ngấn nước, một bên gương mặt trái xoan xinh xắn giờ đây in hằn một dấu bạt tai đỏ chót. Gã đàn ông đang giơ tay toan tát em ấy thêm cái nữa. Chứng kiến cảnh tượng chướng mắt này, tôi không khỏi tức giận, lập tức la lên:

-       Ngừng tay.

Gã đàn ông sửng sốt nhìn tôi. Bình thường tôi hiếm khi ác cảm với người khác, vậy mà vừa nhìn thấy gương mặt gã này tôi lập tức nảy sinh một cảm giác vô cùng chán ghét. Gã có một gương mặt thon dài linh lợi, nhưng trên gương mặt cũng có thể tính là thanh tú ấy, lại có một đôi mắt hồ ly hơi xếch lên khiến gã trông càng có vẻ giảo hoạt, gian trá. Mắt hồ ly lên tiếng quát:

-       Mày là kẻ nào? Dám can thiệp vào chuyện của ông?

-       To gan.

Người vừa lên tiếng là Lưu Cơ, lúc này cũng vừa đến bên cạnh tôi. Mắt hồ ly và em gái nhỏ đồng loạt xá chào Lưu Cơ.

-       Lưu Quân sư.

-       Lưu Quân sư.

Lưu Cơ lại chỉ vào tôi mà nói:

-       Dương cô nương đây là môn khách của Chúa công, ngươi không được vô lễ.

Lúc này mắt hồ ly mới cúi người hành lễ với tôi, lại nói.

-       Dương cô nương thứ tội.

Tôi bèn tiến tới, vỗ vai em gái nhỏ hỏi:

-       Em gái, mau kể cho ta nghe đã xảy ra chuyện gì?

Em gái nhỏ mạnh mẽ lấy tay gạt hết nước mắt, cất tiếng:

-       Dương cô nương, cuối tháng này Chúa công có hỷ sự. Em nghe thư đồng của Chúa công nói Chúa công ban thưởng toàn phủ. Người hầu hạ thân cận bên cạnh Chúa Công, các vị phu nhân và các vị mưu sĩ trong phủ được thưởng năm mươi tiền, người hầu ở nhà trước thì được thưởng ba mươi tiền, còn những người chạy việc ở nhà sau như bọn em thì được thưởng hai mươi tiền. Nhưng hôm nay, Đỗ Tổng quản đi phát tiền thưởng cho bọn em, bọn em lại chỉ nhận được có năm tiền. Các chị em khác không ai dám nói gì, nhưng em không chịu, em đã làm việc rất chăm chỉ, tiền này em xứng đáng được thưởng. Em đi tìm Đỗ Tổng quản để nói cho ra lẽ nhưng Đỗ Tổng quản lại đánh em.

Cái người được gọi là Đỗ Tổng quản kia mặt tím lại, gã rít qua kẽ răng:

-       Con hầu chết tiệt, mày ăn nói lung tung gì đó hả? Bọn mày chỉ được thưởng có năm tiền thôi nghe rõ chưa hả? Dám nói bậy hả? Tao đánh chết mày.

Đoạn gã lại giơ tay lên toan tát em ấy, tôi nhanh tay chộp lấy cánh tay gã, đẩy em gái nhỏ ra phía sau lưng tôi, lại nói với tên Đỗ Tổng quản kia:

-       Đỗ Tổng quản phải không? Nếu ngươi nói Đinh Sứ Quân chỉ ban thưởng cho những người hầu ở nhà sau năm tiền, vậy ngươi có dám cùng ta đến gặp Đinh Sứ Quân nói cho rõ ràng không?

Khóe mắt hồ ly của gã khẽ giựt giựt, gã đáp:

-       Chút việc nhỏ này cần gì làm phiền Chúa công.

Tôi lại nói:

-       Nếu vậy, chúng ta đến gặp thư đồng của Sứ Quân cũng được. Thế nào?

Mặt của Đỗ Tổng quản từ tím chuyển sang xanh lét. Gã nhìn Lưu Cơ rồi lại quay sang nhìn tôi. Tôi trừng mắt nhìn lại gã, cuối cùng gã lí nhí nói:

-       Là tiểu nhân nhớ nhầm, tiền thưởng của nó đúng là hai mươi tiền. Tiểu nhân nhiều việc nên lẩm cẩm. Xin Dương cô nương và Lưu Quân sư giơ cao đánh khẽ.

Tôi bình sinh ghét nhất là loại người ỷ mạnh hiếp yếu, tham quan hối lộ, đàn ông đánh phụ nữ. Mà cái tên đang đứng trước mặt tôi thì điểm xấu nào cũng hội đủ cả. Thật đáng ghét!

Tôi nở nụ cười lạnh nhạt nói:

-       Nếu đã là nhớ nhầm thì mau trả số tiền còn lại cho em gái đây.

Đỗ Tổng quản đành bất đắc dĩ rút túi tiền trong người ra đếm từng đồng đưa lại cho em gái nhỏ. Vẻ mặt em rạng rỡ hẳn lên khi nhận đủ thêm mười lăm tiền từ gã. Em ấy quay đầu sang cảm ơn tôi rối rít.

Đỗ Tổng quản cúi đầu chắp tay hành lễ với tôi và Lưu Cơ, lại hậm hực nói:

-       Lưu Quân sư, Dương cô nương, trong phủ còn nhiều việc, nếu hai vị không còn việc gì nữa, tiểu nhân xin cáo lui.

Nói đoạn, gã xoay lưng toan rời đi. Tôi không nhanh không chậm lại nói:

-       Đỗ Tổng quản dừng bước.

Gã ngạc nhiên quay đầu lại nhìn tôi. Tôi cười cười quay sang hỏi em gái nhỏ:

-       Đinh Phủ có tất cả bao nhiêu người hầu ở nhà sau như em?

Em ấy giơ hai bàn tay ra tính tính một hồi cuối cùng nói:

-       Có tất cả sáu mươi người.

Tôi nheo mắt nhìn sang Đỗ Tổng quản, lại giơ ngón tay bấm bấm ra vẻ tính toán nói:

-       Sáu mươi người trừ em gái đây ra là còn năm mươi chín người. Ngươi thiếu mỗi người mười lăm tiền, năm mươi chín người vị chi là tám trăm tám mươi lăm tiền. Tương đương tám mươi tám quan[1] lẻ năm tiền. Mau giao ra đây để em ấy chia lại cho các người hầu khác trong phủ.

Đỗ Tổng quản lại rít lên:

-       Cô!

Sắc mặt Đỗ Tổng quản lúc này lại từ xanh chuyển sang trắng bệch. Mồ hồi ròng ròng hai bên thái dương. Tay gã lại run run móc túi tiền từ trong người ra. Khóe mắt cũng giật kịch liệt. Tôi vô cùng vô cùng kiên nhẫn đợi gã lấy cho đủ số tiền đưa cho em gái nhỏ. Em gái nhỏ nhận được số tiền này sắc mặt liền tươi như hoa nở.

Đỗ Tổng quản đưa tiền xong mím môi nén giận nói:

-       Dương cô nương, bây giờ tiểu nhân đi được chưa?

Không đợi tôi trả lời, gã phất tay áo bỏ đi. Tôi lại cất giọng không cao không thấp:

-       Khoan đã.

Đỗ Tổng quản phẫn nộ quay sang nhìn tôi, nói:

-       Dương cô nương lại muốn sao nữa?

Tôi nhìn thẳng vào mắt gã, chậm rãi nói:

-       Vừa rồi ngươi đánh em gái này một bạt tai.

Gã khẩn trương nói:

-       Đánh cũng đã đánh rồi, giờ cô muốn sao?

Tôi lạnh nhạt đáp:

-       Ngươi tự tát mình lại gấp đôi, hoặc không phục thì đến gặp Sứ Quân cáo trạng đích danh ta.

Đôi mắt hồ ly trừng trừng nhìn tôi đến mức muốn nứt ra. Tôi khẽ chép miệng:

-       Sao hả? Ta không còn nhiều thời gian dây dưa với ngươi.

Gã lại quay sang nhìn Lưu Cơ cầu cứu, Lưu Cơ không nói gì. Cuối cùng, gã đành giơ tay tát lên mặt một cái, tát không nặng không nhẹ, nghe được một tiếng chát nho nhỏ. Tôi nói:

-       Cái này nhẹ. Không tính.

Gã đành nghiến răng, dùng hết sức tát một bạt tai thật mạnh, cả khuôn mặt trắng bệch hằn rõ năm vết dấu tay, tôi mới gật đầu hài lòng:

-       Cái này tính.

Đợi gã tát xong cái còn lại. Tôi dắt tay em gái nhỏ quay sang nói với Lưu Cơ lúc này đang đứng một bên quan sát cả màn kịch:

-       Lưu Quân sư, tôi rất thích em gái này. Ngài giúp tôi nói với Đinh Sứ Quân một tiếng, cho tôi giữ em ấy ở lại Thái Huyên Các làm việc được không?

Lưu Quân sư cười khổ, gật đầu nói:

-       Chỉ cần cô nương thích, Chúa công nhất định sẽ đồng ý.

Đoạn cả ba người bọn tôi đều rời đi bỏ lại sau lưng mắt hồ ly bừng bừng lửa giận.

Đi được một đoạn, Lưu Cơ không nhịn được mà nói với tôi:

-       Dương cô nương, ông bà ta thường nói thà đắc tội với quân tử cũng đừng nên đắc tội với kẻ tiểu nhân. Sao hôm nay cô nhất định phải làm khó hắn?

Tôi quay sang cười nói với Lưu Cơ:

-       Lưu Quân sư, bình sinh tôi ghét nhất là nam nhân đánh nữ nhân. Trừng phạt như vậy là còn nhẹ. Huống hồ…

-       Huống hồ gì?

Lưu Cơ hỏi lại. Tôi cười toe toét đáp:

-       Cả Đinh Sứ Quân tôi cũng đã đắc tội nhiều lần rồi, còn sợ một kẻ tiểu nhân nữa sao?

Lưu Cơ lắc đầu nhìn tôi rồi cũng bật cười. Bọn tôi chia tay ở ngã rẽ gần Thái Huyên Các. Trên đường vào tiểu viện Thái Huyên Các của tôi, tôi hỏi em gái nhỏ:

-       Em gái, em tên gì? Năm nay bao nhiêu tuổi?

Em gái nhỏ ngoan ngoãn đáp:

-       Bẩm Dương cô nương, em tên Nguyễn Thị Thanh, năm nay mười lăm tuổi.

Tôi nhìn em gái nhỏ trước mặt, em gái này tuy tuổi còn nhỏ nhưng cũng rất dũng cảm, quật cường, dám chống đối một đại tổng quản trong phủ để đòi lẽ công bằng. Tính cách này thật giống cô em gái ở thời hiện đại của tôi, con bé cũng chỉ lớn hơn em gái này một chút, tên nó cũng có chữ Thanh. Lòng tôi bất giác càng thêm quý mến em gái nhỏ này. Tôi liền nói:

-       Tên em có một chữ Thanh, cũng giống tên em gái ruột của ta, sau này ta gọi em là Thanh Thanh nhé. Em cũng cứ gọi ta là chị được rồi.

Thanh Thanh rụt rè đáp:

-       Em không dám, gọi Dương cô nương vẫn tốt hơn ạ.

Tôi cũng không muốn miễn cưỡng em ấy, lại nói:

-       Tùy em vậy, em muốn gọi ta sao cũng được.

Sau đó tôi dắt em ấy vào viện giới thiệu với hai cô hầu gái trước đó đã hầu hạ tôi ở Thái Huyên Các, lại phân phó một số công việc cho em ấy làm. Trước khi em ấy rời đi, tôi thuận miệng hỏi em một câu:

-       Thanh Thanh, cái tên Đỗ tổng quản ban nãy tên gì vậy?

Thanh Thanh ngây thơ trả lời một cái tên khiến tôi thiếu điều muốn phun cả ngụm trà đang nuốt dở trong miệng ra.

-       Đỗ Thích![2]

************************************************

-       Thanh Thanh! Ta đói sắp chết rồi, em mau đem đồ ăn sáng ra cho ta đi!

Tôi vừa mè nheo vừa lay lắt từ phòng ngủ bước ra tiền điện. Tối qua luyện thư pháp đến tận khuya mới đi ngủ, sáng nay cả người đều mệt mỏi. Vừa đặt chân vào tiền điện Thái Huyên Các, tôi giật bắn mình khi thấy Đinh Bộ Lĩnh đang ngồi ở bàn ăn trong góc điện. Hai cô hầu gái đang thoăn thoắt dọn các món ăn sáng lên bàn, Thanh Thanh cũng đứng hầu hạ bên cạnh. Tôi còn đang há hốc mồm thì Đinh Bộ Lĩnh đã lên tiếng:

-       Dương cô nương đến rồi. Mau lại đây cùng ăn sáng.

Ông trời ơi, chuyện gì đang xảy ra vậy? Tôi còn đang ngủ chưa tỉnh sao? Đinh Bộ Lĩnh đến Thái Huyên Các thăm tôi, còn muốn cùng tôi ăn sáng! Nghĩ vậy nhưng cuối cùng tôi vẫn cười cười, tiến đến chắp tay hành lễ với anh ta.

-       Tham kiến Đinh Sứ Quân.

Đoạn, tôi ngồi vào bàn, lại nói:

-       Hôm nay Đinh Sứ Quân đúng là rồng đến nhà tôm. Chẳng hay Sứ Quân đến tìm tôi có việc gì chỉ giáo?

Đinh Bộ Lĩnh nhẹ giọng đáp:

-       Chỉ muốn mời cô dùng bữa thôi!

Sau đó anh ta lại vô cùng tự nhiên, nhấc chén đũa lên bắt đầu dùng bữa. Tôi cũng không biết nói gì nên cũng bắt đầu ăn sáng. Không khí quả thật có chút kỳ quái!

Đinh Bộ Lĩnh lại cất lời:

-       Dương cô nương đến Trường Châu được bao lâu rồi?

Tôi thuận miệng đáp ngay:

-       Gần hai tháng rồi.

Đinh Bộ Lĩnh mỉm cười:

-       Nhớ kỹ đến vậy à?

Tôi vừa nhai thức ăn vừa gật đầu. Nói thừa, bổn cô nương đây đếm từng ngày đấy!

Đinh Bộ Lĩnh lại nói:

-       Lúc cô nương vừa đến Hoa Lư, ta đã hứa sẽ dẫn cô nương đi du sơn ngoạn thủy. Chọn ngày chi bằng gặp ngày, hôm nay vừa khéo ta không có công vụ, ta đưa cô đi xem một vòng Trường Châu, cô thấy thế nào?

Tôi suýt mắc nghẹn. Lắc lắc đầu, rồi lại gật gật đầu.

Khóe môi Đinh Bộ Lĩnh cong lên, nở một nụ cười thật nhẹ, anh ta nói:

-       Quyết định vậy đi!

Đoạn anh ta quay sang phân phó cho một cô hầu gái chuẩn bị xe ngựa đến sông Ngô Đồng.

Từ căn cứ Động Hoa Lư đến sông Ngô Đồng cách khoảng hai mươi dặm, ngồi xe ngựa chừng hơn nửa canh giờ là tới. Đến nơi, tôi cùng Đinh Bộ Lĩnh xuống thuyền độc mộc của một cô thôn nữ xinh đẹp. Cô ấy chèo thuyền đưa bọn tôi đi dọc theo sông Ngô Đồng ngắm cảnh.

Lúc này Trường Châu đang vào mùa thu hoạch lúa chính vụ Chiêm tháng sáu. Dòng sông Ngô Đồng uốn lượn mềm mại xuyên qua những ngọn núi đá vôi xanh rì cây cối. Lòng sông nhỏ hẹp, hai bên sông là những biển lúa chín vàng ươm dập dờn trong gió đợi gặt. Lúa ở đây nằm giữa sông và núi tạo thành một khung cảnh thật nên thơ và trữ tình. Trời trong xanh, mây trắng lững lờ trôi, nước sông xanh thẳm, đồng lúa vàng ươm hòa cùng sắc xanh rì của đồi núi hai bên sông tạo nên một bức tranh thiên nhiên rực rỡ và sống động. Chiếc thuyền độc mộc chầm chậm trôi trên mặt sông, tôi gần như nín thở trước khung cảnh sơn thủy hữu tình ấy. Không gian chung quanh vừa thanh tĩnh vừa bình yên đến lạ, chốc chốc chỉ nghe những tiếng mái chèo khỏa nước nhè nhẹ vang lên, lòng tôi lâng lâng một cảm giác giác phiêu bồng và lãng đãng, cứ như con thuyền ấy đang đưa tôi vào cõi mộng mơ, rời xa thế tục. Không biết đã qua bao lâu, thuyền độc mộc lại đưa bọn tôi xuyên qua một hang đá mát lạnh và tối om, vòm đá gần như sát trên đỉnh đầu, thạch nhũ muôn hình vạn trạng, thi thoảng một vài giọt nước từ trên vách đá nhỏ xuống vạt áo tôi khiến tôi vô cùng thích thú. Ánh sáng đến và đi ở mỗi hai đầu vòm hang cho tôi biết tôi đã đi qua tất cả ba hang đá như thế để rồi lại trở về với dòng sông hiền hòa, ngát nồng hương lúa chín thơm hai bên bờ.

Suốt cả chuyến đi trên sông, Đinh Bộ Lĩnh và tôi đều không ai cất tiếng, dường như cả anh và tôi đều thả hồn vào những phút giây thư thái hiếm có để hòa mình cùng thiên nhiên tươi đẹp. Lên đến bờ, Đinh Bộ Lĩnh mới nói với tôi:

-       Thế nào Dương cô nương, ta nói không sai đúng không? Trường Châu cũng không tệ chứ hả?

-       Trường Châu thật đẹp!

Tôi không khỏi cảm thán mà thốt ra. Đinh Bộ Lĩnh mỉm cười hài lòng, anh ta lại nói:

-       Ta đưa cô đến nơi này!

Tôi không nén được tò mò hỏi:

-       Chúng ta lại đi đâu?

Đinh Bộ Lĩnh đáp:

-       Thôn Kim Lự[3].

Cái tên này thật sự rất quen tai. Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

-       Thôn Kim Lự?

Đinh Bộ Lĩnh khóe mắt mang ý cười nói:

-       Không sai, chính là nơi ta được sinh ra.

Thôn Kim Lự ở làng Đại Hữu, cách căn cứ Động Hoa Lư không xa. Vén rèm xe ngựa, tôi thấy đường dẫn vào thôn phải đi xuyên qua một vùng đất rộng mênh mông, um tùm cỏ xanh lau sậy và những ngọn bông lau trắng muốt căng tràn nhựa sống. Hai bên đường từng đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ, những đứa trẻ chăn trâu để đầu ba vá đứa ngồi trên lưng trâu, đứa nằm dài trên bãi cỏ, đứa rượt đuổi nhau giữa đồng cỏ. Tôi lắng nghe tiếng bọn chúng ngêu ngao hát, lòng bất giác cũng mỉm cười:

 À ơi à ơi à ơi… Ai bảo chăn trâu là khổ.

Ngồi trên mình trâu, phất ngọn cờ lau.

Miệng hát nghêu ngao. Mây trôi trên cao.

Nằm đồi non gió mát. Theo tiếng lúa reo tôi hát.

Mong lớn lên mau. Vươn sức cần lao.[4]

 Đinh Bộ Lĩnh nói:

-       Ta và Trịnh Tú, Lưu Cơ, Nguyễn Bặc, Đinh Điền thuở nhỏ cũng đã từng chăn trâu, đùa nghịch như vậy.

Tôi hỏi anh ta:

-       Sứ Quân, đường vào thôn còn xa không? Chúng ta xuống đi bộ ngắm cảnh được không?

Đinh Bộ Lĩnh gật đầu:

-       Không xa lắm, chúng ta đi bộ vào thôn cũng được.

Vậy là Đinh Bộ Lĩnh và tôi cùng xuống xe ngựa. Vừa đi được vài bước, lũ trẻ chăn trâu trông thấy bọn tôi liền chạy ào ào đến vây lấy. Chúng nó nháo nhào reo lên:

-       A, Đinh thúc thúc…

-       Đinh thúc thúc…

-       Đinh thúc thúc đã về rồi…

Hóa ra bọn nhỏ đều biết Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh nở nụ cười dịu dàng với bọn chúng, anh ta bế một đứa nhỏ nhất lên tay, hỏi:

-       A Sửu dạo này có ngoan không? Có còn bỏ trâu trốn đi chơi nữa không?

Đứa nhỏ tên A Sửu ngọng nghịu đáp:

-       Không có, không có! A Sửu dạo này rất ngoan.

Đinh Bộ Lĩnh lại hỏi những đứa trẻ khác những chữ lần trước anh ta dạy đã thuộc chưa, những phép tính anh ta dạy còn nhớ hay không. Lũ trẻ lao xao thay nhau trả lời anh:

-       Đinh Thúc thúc, con nhớ hết rồi.

-       Đinh Thúc thúc, sau này con lớn lên thúc cho con đi theo thúc đánh giặc bảo vệ nước nhà nhé nhé.

-       Đinh Thúc thúc, con cũng muốn đi.

-       Đinh Thúc thúc, con đi nữa, con đi đánh giặc nữa.

Nhìn Đinh Bộ Lĩnh bị một đám nhóc vây quanh, đứa níu tay áo, đứa kéo vạt áo, bộ dáng khá chật vật khiến tôi cũng phì cười. Hôm nay, lần đầu tiên, tôi đã thấy một Đinh Bộ Lĩnh thật khác. Lũ trẻ thấy tôi cười lại quay sang hỏi Đinh Bộ Lĩnh.

-       Đinh Thúc thúc, tỷ tỷ xinh đẹp này là ai vậy?

-       Đinh Thúc thúc, có phải là thê tử của thúc không?

Tôi và Đinh Bộ Lĩnh đồng loạt lên tiếng:

-       Nói bậy!

-       Nói bậy!

Tôi cúi xuống, cười cười nói với bọn nhỏ:

-       Tỷ là bằng hữu của Đinh thúc thúc các đệ.

Một đứa mặt mũi đen nhẻm lại quay sang hỏi Đinh Bộ Lĩnh:

-       Sao Đinh thúc thúc không cưới tỷ ấy đi?

Đinh Bộ Lĩnh nâng tay đỡ trán. Tôi nhéo nhéo tai đứa nhỏ, lại nói:

-       Tỷ lần đầu đến đây, đệ đi hái tặng cho tỷ mấy ngọn cỏ lau được không? Tỷ rất thích!

Đứa nhỏ nghe vậy, lập tức hăng hái chạy đi hái cả bó bông cỏ lau dúi vào tay tôi. Tôi thật vui, lấy bánh ngọt đem theo trong túi ra chia hết cho bọn nhỏ, rồi ôm cả bó cỏ lau cùng Đinh Bộ Lĩnh dạo bước vào thôn.

Bọn tôi đi thăm những thảm lúa vàng óng đang vào mùa gặt. Tất cả thanh niên trai tráng trong thôn đều để người trần lội dưới ruộng, dùng lưỡi hái thuần thục lưu loát gặt lúa, mồ hôi túa ra trên những thân hình chắc khỏe, từng giọt từng giọt sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Những cô thôn nữ, người già, trẻ nhỏ thì phụ giúp gom lúa, gánh lúa, tuốt lúa. Tiếng cười nói nhộn nhịp vang lên không dứt khắp cả cảnh đồng bất tận.

Tôi thấy Đinh Bộ Lĩnh xuống ngồi bên bờ ruộng, tay nâng niu từng bông lúa, chăm chú quan sát, kiểm tra độ lớn của hạt, số hạt trên từng bông lúa, độ chắc của lúa. Một vài vị bô lão trong thôn nhận ra Đinh Bộ Lĩnh liền lập tức đến xá chào Đinh Bộ Lĩnh, một vị cất tiếng:

-       Năm nay nhờ hồng phúc của Sứ Quân mà lại được mùa.

Đinh Bộ Lĩnh cũng gật đầu:

-       Chư vị vất vả rồi!

Giữa trưa, gặt lúa xong, ai ai cũng thấm mệt, mồ hôi đầy người, mọi người lại cùng đến dưới bóng tre bên bờ đê cùng ăn trưa. Tôi và Đinh Bộ Lĩnh cũng được thôn dân mời ăn trưa cùng. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy anh ta thật sự cũng ngồi xếp bằng, quây quần cùng thôn dân ăn trưa. Nông dân nấu cơm bằng nồi đất to, hai ba nồi cơm nóng sốt hôi hổi, một nồi dê núi kho đậu hũ thơm lừng, còn có thêm một nồi rau củ kho quẹt tươi ngon. Không phải sơn hào hải vị gì nhưng Đinh Bộ Lĩnh ăn rất ngon lành, anh ta cư xử với thôn dân rất quen thuộc tự nhiên, cứ như không hề có khoảng cách giữa Sứ Quân và thường dân. Đi cả ngày nên tôi vừa mệt vừa đói, cũng ăn rất ngon miệng. Bọn tôi vừa ăn vừa cùng thôn dân nói đủ chuyện trên trời dưới đất.

Cơn gió nhè nhẹ thổi qua mang theo hương lúa thơm nồng, Đinh Bộ Lĩnh lại cùng tôi thong thả đi dạo trên bờ đê ven ruộng. Khung cảnh làng quê yên ả thả con người đến chốn yên tĩnh thật sâu trong tâm hồn. Tôi thoáng thấy đầu mày anh ta khẽ nhíu lại, bèn cất tiếng hỏi:

-       Đinh Sứ Quân, năm nay rõ ràng là được mùa, nhưng sao tôi thấy ngài dường như vẫn còn phiền não?

Đinh Bộ Lĩnh trầm ngâm đáp:

-       Bách tích làm lụng vất vả quanh năm nhưng đến khi thu hoạch tính ra vẫn không dư dả gì nhiều!

Tôi tròn mắt hỏi:

-       Vì sao?

Đinh Bộ Lĩnh khẽ thở dài:

-       Trong suốt gần một nghìn năm bị bọn giặc phương Bắc đô hộ, nước ta phải chịu chế độ cai trị hà khắc, bóc lột tàn bạo của bọn chúng, thuế khóa phải nộp đến sáu, bảy phần sản lượng thu hoạch, dân chúng đói khổ cơ cực vô cùng. Trong sáu mươi năm gần đây, từ sau khi nhà Đường suy vong, Khúc Thừa Dụ giành lấy quyền tự chủ cho người Việt, trở thành Tiết độ sứ đầu tiên của Tĩnh Hải quân. Hậu duệ của ngài là Khúc Hạo sau đó đã không ngừng cải cách chế độ điền tô, thuế má, lực dịch nặng nề của thời Đường, nhất là chính sách bình quân thuế ruộng của ngài đã cải thiện được đời sống của bách tính trăm họ. Sau khi Tiền Ngô Vương lên ngôi, ngài vẫn luôn giữ nguyên những cải cách đó. Mặc dù bách tính không phải nộp sưu cao thuế nặng nữa, nhưng năng suất lúa vẫn còn rất thấp. Tính ra từ suốt thời kỳ Bắc thuộc đến nay, năng suất cũng chỉ được khoảng ba mươi sáu hộc lúa[5] một mẫu ruộng[6], không hề tăng thêm.

Tôi không nén được kinh ngạc mà hỏi:

-       Ít đến thế sao?

Một hộc lúa tương đương với mười kg, một mẫu ruộng chỉ được có ba mươi sáu hộc lúa tương đương với ba trăm sáu mươi kg. Ở thời hiện đại của tôi, một mẫu ruộng có thể đạt được năng suất gần hai nghìn kg lúa[7], tương đương hai trăm hộc lúa. Tức là năng suất thu hoạch lúa hiện nay ở Tĩnh Hải Quân chỉ gần bằng một phần năm so với thời kỳ hiện đại.

Đinh Bộ Lĩnh khẽ gật đầu, anh ta nói:

-       Kỹ thuật canh tác lúa nước của chúng ta qúa lạc hậu. Ở Trường Châu, Giao Châu, Bố Hải Khẩu còn tương đối, chứ vùng núi non phía bắc như Phong Châu và Lục Châu vẫn còn duy trì phương pháp du canh nên năng suất thậm chí còn thấp hơn rất nhiều.

Tuy tôi không rành về nông nghiệp, nhưng đại khái cũng có thể hiểu được nguyên nhân là do thời kỳ này không có giống lúa tốt, không có phân bón hóa học, điều kiện thủy lợi và kỹ thuật canh tác chăm sóc lại càng không thể so với thời kỳ hiện đại.

Đinh Bộ Lĩnh lại kể:

-       Mấy năm gần đây, ta đã cho tuyển chọn kỹ các giống lúa tốt nên năng suất cũng có tăng chút đỉnh. Ta dự định năm nay sẽ dành toàn lực phát triển công tác dẫn thủy nhập điền. Sang năm, chiến loạn giảm bớt, có thể cho dân chúng đi khai khẩn đất trồng bỏ hoang do loạn lạc, vừa có thể tăng sản lượng vừa khéo có thể giải quyết vấn đề cư dân chạy loạn. Sau đó có thể dùng ngân sách thu được từ sản lượng tăng thêm này mà sửa chữa, đắp thêm đê đập chống lũ. Ta còn muốn thực thi chính sách khẩn hoang lập ấp ở Quảng Nguyên và Lục Châu, như vậy có thể giúp bách tính…

Đinh Bộ Lĩnh thao thao bất tuyệt kể về những kế hoạch phát triển ngành nông toàn Tĩnh Hải Quân của anh ta. Tôi chăm chú lắng nghe anh ta nói. Trước nay tôi chưa bao giờ nhìn thấy khía cạnh này trong con người Đinh Bộ Lĩnh. Từ sau khi gặp Đinh Bộ Lĩnh, tôi vẫn luôn cảm thấy con người anh ta quá mức cơ trí, mưu lược cao thâm, tâm tư lại cẩn mật, nên vô hình chung tôi luôn có cảm giác đề phòng anh ta. Nhưng hôm nay, nghe được những lời bộc bạch đầy hùng tâm tráng chí, cùng tấm lòng ôm muôn dân thiên hạ của anh ta, bất chợt tôi cảm thấy có phải tôi đã quá định kiến với anh ta rồi không? Đế vị này… anh ta cũng xứng đáng!

Ráng chiều đã buông xuống, những tia nắng vàng cuối ngày chiếu rọi lên làn mi dài đẹp cùng đôi mắt phượng sáng ngời đầy tự tin của Đinh Bộ Lĩnh. Lúc này tôi mới để tâm thấy anh ta một thân bạch y đoan chính, viền áo kết tơ vàng càng lấp lánh dưới ánh nắng mờ ảo, một cây trâm bạch ngọc thanh tao gài trên mái tóc đen nhánh, bộ dáng tuấn mỹ phi phàm, thần thái cao quý nhàn nhã. Tôi thoáng kinh diễm, vội quay đi, không dám nhìn thẳng vào người trước mặt, sợ rằng cả đời này sẽ bị trầm luân bởi đôi mắt phượng mày ngài ấy.

 -Hết chương 20-

Chú thích:
[1]Theo tỷ số xưa thì 1 quan là 10 tiền (mạch); 1 tiền là 60 đồng (văn)

[2]Đỗ Thích: theo một số tài liệu lịch sử chính thống và dã sử, Đỗ Thích là người đã ám sát vua Đinh Tiên Hoàng năm 979
[3]Thôn Kim Lự ở làng Đại Hữu: nay là thôn Văn Bồng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

[4]Lời bài hát trong truyện mượn cảm hứng từ bài hát Em Bé Quê của nhạc sĩ Phạm Duy
[5]1 hộc lúa = 10 đấu, 1 đấu gần bằng 1kg

[6]1 mẫu ruộng= 3,600 m2 (1 hecta= 10,000 m2)

[7]Năng suất lúa bình quân ở Đồng Bằng Sông Hồng hiện tại là 55 tạ một hecta