Những Âm Mưu Từ Đảo Jekyll - Chương 02

Chương 2 TÊN CỦA TRÒ CHƠI LÀ SỰ CỨU TRỢ KINH TẾ Giống như một sự kiện thể thao đông người xem, luật chơi ở đây là những người nộp thuế được yêu cầu gánh vác chi phí bảo lãnh cho các ngân hàng khi các khoản cho vay của họ trở nên khó đòi. Như đã được giải thích trong chương trước rằng nhóm người tới đảo Jekyll để “thai nghén” Cục Dự trữ Liên bang thực sự đã tạo ra một liên minh cấp quốc gia do các ngân hàng lớn thống trị. Và phần trước cũng đã giải thích rằng, mục tiêu cốt lõi của tổ chức này là nhằm lôi kéo chính phủ liên bang trở thành người đại diện để chuyển những khoản lỗ không thể tránh khỏi từ đám chủ ngân hàng sang cho người đóng thuế. Dĩ nhiên, đó là một trong những khẳng định gây nhiều tranh cãi hơn trong cuốn sách này. Song, sẽ không còn nhiều chỗ cho bất kỳ sự giải thích nào khác khi mọi người phải đối mặt với một lượng bằng chứng lịch sử khổng lồ kể từ thời điểm Cục Dự trữ Liên bang được tạo ra. Do đó, hãy cùng tạo một bước nhảy vọt khác theo thời gian. Vì đã quay trở lại năm 1910 để bắt đầu câu chuyện, còn bây giờ, chúng ta hãy trở về thời hiện tại. Để hiểu được cách thức mà các khoản lỗ ngân hàng được “bắn” sang cho người nộp thuế, trước tiên, chúng ta cần phải biết một chút về cách thức phát thảo kế hoạch đó để áp dụng vào thực tế. Có những công thức và quy trình nhất định cần phải được hiểu rõ hoặc nắm vững, nếu không, toàn bộ quá trình sẽ trông như một mớ hỗn loạn. Hãy giả định rằng, chúng ta sống cô lập trên đảo Jekyll và không hề biết gì về thế giới bên ngoài. Rồi sau đó, hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra khi lần đầu tiên ta đặt chân tới đất liền và đi xem một trận đấu bóng nhà nghề. Chúng ta sẽ nhìn chằm chằm một cách không thể tin được vào những người đàn ông mặc những bộ quần áo trông như người ngoài hành tinh, lao vào nhau cốt chỉ để đẩy qua đẩy lại một vật thể có hình thù là lạ, tranh giành nó như một vật có giá trị rất lớn rồi thỉnh thoảng lại ném nó đi như thể nó chẳng có chút giá trị nào. Trong khi đó, cùng với tất cả những điều này là hàng vạn khán giả trên khán đài đang cùng nhau la ó điên cuồng mà chẳng vì lý do nào cả. Lúc này, nếu không hiểu được rằng đây là một trận đấu bóng và không biết về luật chơi của nó thì chắc chắn chúng ta sẽ cho rằng một sự kiện hoàn toàn hỗn loạn và điên rồ đang diễn ra. Hoạt động của hệ thống tiền tệ thông qua Cục Dự trữ Liên bang cũng có nhiều điểm tương đồng với trận đấu bóng nhà nghề. Thứ nhất, có những lối chơi cụ thể được lặp đi lặp lại theo thời gian chỉ với những thay đổi nhỏ để thích ứng với những tình huống cụ thể. Thứ hai, có những luật chơi rõ ràng buộc những người tham gia phải tuân thủ với độ chính xác cao. Thứ ba, có một mục tiêu rõ ràng cho trận đấu - yếu tố quan trọng nhất trong suy nghĩ của những người chơi. Và thứ tư, nếu không biết rõ mục tiêu đó cũng như không nắm được luật chơi thì khán giả sẽ chẳng bao giờ hiểu được điều gì đang diễn ra. Như thế, chừng nào còn liên quan đến vấn đề tiền bạc thì đó vẫn là mối quan tâm chung của đại đa số người Mỹ hiện nay. Vì vậy, chúng ta hãy cùng giải thích rõ ràng bằng ngôn ngữ dễ hiểu xem mục tiêu đó là gì và mức độ trông chờ của những người chơi vào kết quả đạt được. Để làm sáng tỏ quá trình này, trước tiên, chúng ta phải có một cái nhìn khái quát. Sau đó, khi các khái niệm đã được cắt nghĩa cụ thể, chúng ta sẽ củng cố bằng các ví dụ thực tế trong những năm gần đây. Trò chơi này có tên là sự cứu trợ kinh tế. Như đã được giải thích ở chương trước, mục tiêu của trò chơi này là để chuyển những khoản lỗ không thể tránh khỏi từ các chủ ngân hàng lớn sang cho người nộp thuế. Thủ tục đó được thực hiện như sau: LUẬT CHƠI Trò chơi này bắt đầu khi Cục Dự trữ Liên bang cho phép các ngân hàng thương mại được tạo ra những tấm séc từ không khí. (Chi tiết về cách thức thực hiện tuyệt chiêu không thể tin nổi này sẽ được đề cập trong chương Mười với tựa đề Cơ chế Mandrake). Các ngân hàng sẽ có được lợi nhuận từ những khoản tiền dễ kiếm này, không phải bằng cách sử dụng nó mà bằng cách cho người khác vay và thu lãi. Khi được đưa vào sổ sách kế toán của ngân hàng thì một khoản vay như vậy được xem như một tài sản bởi nó đang tạo ra lãi và có thể biết trước ngày nào sẽ được thanh toán, đồng thời toàn bộ khoản tiền được ghi vào sổ đó sẽ tạo thành khoản phải trả trong sổ cái. Sở dĩ như vậy là do lúc này, khoản tiền séc mới được tạo ra hiện đang được lưu hành và hầu hết số séc này sẽ kết thúc ở các ngân hàng khác - những đơn vị sẽ gửi chúng trở lại cho ngân hàng phát hành để được thanh toán. Vì thế, các cá nhân có thể phải mang vài cuốn séc quay lại ngân hàng cũ và yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt. Do đó, ngân hàng phát hành séc có một khoản nợ phải trả tiềm năng tương đương với lượng tài sản cho vay. Và khi người vay không có khả năng hoàn trả hoặc không có tài sản nào để cấn trừ thì ngân hàng đành phải chuyển khoản vay đó thành khoản lỗ. Tuy nhiên, vì hầu hết số tiền này ngay từ đầu đã được tạo ra từ không khí và ngân hàng không mất khoản chi phí nào ngoại trừ phí quản lý sổ sách nên chỉ có một chút giá trị hữu hình thực sự bị mất đi. Về cơ bản, ngân hàng chỉ là đơn vị quản lý sổ sách. Song, một khoản lỗ hạch toán có thể vẫn là điều không mong muốn đối với một ngân hàng bởi nó là nguyên nhân khiến khoản vay đó bị loại ra khỏi sổ cái như một tài sản mà không được giảm trừ các khoản nợ phải trả. Sự khác biệt này xuất phát từ chính số vốn góp cổ phần của những người sở hữu ngân hàng. Hay nói cách khác, khoản nợ phải trả đó vẫn tồn tại cho dù tài sản cho vay đã bị loại bỏ. Tiền séc ban đầu vẫn lưu thông thậm chí ngay cả khi người vay không thể trả lại tiền cũng như ngân hàng phát hành séc vẫn có nghĩa vụ trang trải cho những tờ séc đó. Cách duy nhất để thực hiện được điều này và cân đối sổ sách kế toán một lần nữa là sử dụng tiền từ nguồn vốn được đầu tư bởi các cổ đông của ngân hàng hoặc khấu trừ khoản lỗ đó từ lợi nhuận hiện hành của ngân hàng. Trong cả hai trường hợp, các chủ ngân hàng đều phải mất một khoản ngang bằng giá trị của khoản vay bị vỡ nợ. Do đó, đối với họ, khoản lỗ này là có thật. Nếu ngân hàng bị buộc phải xóa sổ một lượng lớn khoản nợ xấu thì giá trị của những khoản nợ đó có thể vượt quá tổng giá trị vốn góp của các chủ sở hữu ngân hàng. Khi điều đó xảy ra, trò chơi sẽ kết thúc, còn ngân hàng thì lâm vào cảnh vỡ nợ. Mối quan tâm này có thể đủ để khiến hầu hết các chủ ngân hàng trở nên rất thận trọng trong chính sách cho vay của mình, và trên thực tế, đa số họ đều vô cùng thận trọng khi giao dịch với các cá nhân cũng như các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng lúc này, Cục Dự trữ Liên bang, Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (Federal Deposit Insurance Corporation) và Cơ quan cho vay Tiền gửi Liên bang (Federal Deposit Loan Corporation) đều cam đoan rằng các chủ sở hữu ngân hàng sẽ không phải gánh vác toàn bộ khoản tiền mà các tập đoàn lớn hay chính phủ các nước khác đã vay nếu những khoản vay này không được hoàn trả. Điều này được thực hiện theo một thỏa thuận rằng, nếu những tập đoàn hoặc ngân hàng đó được phép tuyên bố phá sản thì đất nước sẽ phải hứng chịu tình trạng đình trệ kinh tế và nạn thất nghiệp triền miền. Thông tin cụ thể hơn về vấn đề này sẽ được trình bày ngay sau đây. TRÒ CHƠI NỢ ĐỊNH KỲ Kết quả cuối cùng của chính sách này là các ngân hàng sẽ chẳng cần phải thận trọng và luôn được bảo vệ khỏi tác động của những hành động dại dột do chính mình gây ra. Như vậy, khoản vay càng lớn thì ngân hàng càng được lợi bởi nó sẽ tạo ra khoản lợi nhuận lớn nhất mà chẳng tốn mấy công sức. Chỉ một khoản vay cho một nước thứ ba cũng có thể thu về lãi suất hàng trăm triệu đô-la mỗi năm, đúng là một quy trình dễ dàng - nếu không muốn nói là đơn giản hơn - so với việc cho một thương gia địa phương vay để buôn bán với mức lãi 50.000 đô-la. Và nếu lãi được thanh toán thì đó chính là lúc thu lợi. Nếu khoản vay đó vỡ nợ, chính phủ liên bang sẽ “bảo vệ dân chúng”, và thông qua những cơ chế đã được mô tả trước đó, đảm bảo rằng các ngân hàng luôn nhận được khoản lãi của mình. Các cá nhân và các nhà kinh doanh nhỏ lẻ nhận thấy ngày càng khó vay tiền với mức lãi suất hợp lý bởi vì các ngân hàng có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ việc rót tiền cho các tập đoàn lớn và chính phủ nước ngoài. Các khoản vay càng lớn thì các ngân hàng càng an toàn bởi họ sẽ được chính phủ trả lãi nếu các khoản vay này không được hoàn trả. Trong khi đó, chẳng có sự đảm bảo nào cho những khoản vay nhỏ. Dân chúng sẽ không chấp nhận “phương châm” cứu trợ kinh tế cho những “gã ít tiền” để cứu vãn cả hệ thống bởi số tiền đó quá nhỏ. Chỉ khi các con số lớn một cách khác thường thì mánh khóe này mới trở nên đáng tin cậy. Điều quan trọng cần ghi nhớ là các ngân hàng không thực sự muốn những khoản vay của mình được hoàn trả, ngoại trừ đó là bằng chứng về sự phụ thuộc của người vay. Họ chỉ thu được lợi nhuận từ lãi suất tính trên khoản vay chứ không phải từ việc hoàn trả khoản vay đó. Nếu khoản vay được thanh toán hết thì rõ ràng ngân hàng phải tìm người khác để cho vay, và đó có thể là mối phiền toái đắt giá. Thế nên, tốt hơn hết là người đang vay chỉ thanh toán lãi suất mà không bao giờ thanh toán hết khoản vay đó. Quá trình này được gọi là quay vòng nợ. Một trong những lý do khiến các ngân hàng thích cho chính phủ vay là vì họ không trông đợi những khoản vay đó được hoàn trả. Năm 1982, khi còn giữ chức chủ tịch của Citicorp Bank, Walter Wriston đã tán dương hành động này như sau: Nếu chúng ta có đạo luật tin-tưởng-vào-Chính-phủ so sánh với luật tin-tưởng-vào-quảng-cáo thì mọi tín phiếu mà Bộ Tài chính ban hành sẽ buộc phải chèn thêm một câu giải thích rằng: “Tín phiếu này sẽ được đền bù bằng số tiền thu được từ một tín phiếu giống hệt - thứ sẽ được bán ra cho dân chúng khi tín phiếu trên đến hạn thanh toán.” Khi được thực hiện ở Mỹ, vì nó diễn ra hàng tuần, hành động này được xem như một cuộc đấu giá tín phiếu kho bạc. Nhưng khi quá trình tương tự xảy ra ở một quốc gia khác thì các phương tiện truyền thông đại chúng của chúng ta thường đề cập đến vấn đề này như việc “quay vòng các khoản nợ”. Định nghĩa đó được xem như một dạng thảm họa không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy. Để lý giải được điều này, ta chỉ cần nắm rõ các yếu tố cơ bản từ việc vay tiền của chính phủ. Thứ nhất, có ít trường hợp được ghi lại trong sử sách quốc gia - bất kể quốc gia nào - cho thấy rằng chính phủ đã thực sự trả hết nợ. Dĩ nhiên, trong trường hợp thâm hụt tới 100 tỷ đô-la thì chẳng ai cho Chính phủ mượn tiền bằng cách mua tín phiếu lại mong đợi rằng khoản tiền đó sẽ được thanh toán đúng kỳ hạn theo bất kỳ cách nào, ngoại trừ việc chính phủ bán ra một loại tín phiếu mới có giá trị tương đương.[1] LỐI CHƠI QUAY VÒNG NỢ Vì Cục Dự trữ Liên bang tạo điều kiện để các ngân hàng kiếm lợi khi thực hiện các khoản cho vay lớn không có cơ sở đảm bảo nên đây chính là kiểu cho vay mà các ngân hàng sẽ áp dụng. Hơn nữa, ai cũng có thể đoán trước được rằng hầu hết các khoản nợ không có cơ sở đảm bảo cuối cùng sẽ không có khả năng hoàn trả. Khi người vay cuối cùng tuyên bố rằng anh ta mất khả năng thanh toán, ngân hàng sẽ phản ứng bằng cách quay vòng khoản vay đó. Đây thường là giai đoạn được thể hiện như một sự nhượng bộ của ngân hàng, nhưng trên thực tế, đó là bước tiến đầy ý nghĩa để hướng đến mục tiêu thu lãi suốt đời. Cuối cùng, người vay sẽ đến thời điểm không thể trả thêm được nữa, thậm chí là trả lãi. Lúc này, trò chơi trở nên phức tạp hơn. Hiển nhiên là ngân hàng không muốn mất đi khoản lãi đó bởi nó là nguồn thu nhập chính của họ. Nhưng ngân hàng lại không đủ khả năng cho phép người vay rơi vào tình trạng vỡ nợ bởi điều đó có nghĩa là khoản vay sẽ bị xóa sổ, và kéo theo là quét sạch phần vốn góp của các chủ sở hữu đồng thời đẩy ngân hàng đến chỗ phá sản. Vì vậy, bước tiếp theo của ngân hàng là tạo ra khoản tiền bổ sung từ không khí và trao số tiền đó cho người vay để anh ta có đủ điều kiện tiếp tục trả lãi - mức lãi suất lúc này được tính trên tổng khoản vay gốc cộng với khoản vay bổ sung đó. Những gì được xem như thảm họa bỗng nhiên được chuyển thành một khoản nợ lớn nhờ lối chơi Cực kỳ thông minh. Cách này không chỉ giúp giữ nguyên được khoản nợ cũ trong sổ sách kế toán như một tài sản mà thực sự còn làm tăng rõ rệt lượng tài sản đó cũng như tạo ra những khoản thanh toán lãi cao hơn, vì thế lợi nhuận của ngân hàng càng lớn hơn. LỐI CHƠI LIÊN TỤC ĐẶT CƯỢC Sớm muộn gì thì người vay cũng trở nên liều lĩnh. Anh ta không còn quan tâm đến việc trả lãi mà chẳng mang lại điều gì cho bản thân. Người vay bắt đầu nhận ra rằng mình chỉ là đang làm thuê cho ngân hàng, và một lần nữa, các khoản thanh toán lãi bị dừng lại. Thế nhưng, các đối thủ của anh ta đâu chịu thua và bí mật lên kế hoạch chờ hành động kế tiếp, sau đó tiếp tục lao vào trận chiến để tung ra những lời bóng gió đe dọa lẫn nhau. Rõ ràng, người vay không có khả năng trả tiền và sẽ không trả được. Ngân hàng sẽ đe dọa người vay để chỉ cho anh ta thấy rằng anh ta sẽ không bao giờ có thể vay được một khoản nào nữa. Cuối cùng, một “cuộc dàn xếp” được thực hiện. Giống như trước đó, ngân hàng đồng ý tạo ra thêm nhiều tiền nữa từ không khí và trao số tiền đó cho người vay để chi trả cho khoản lãi của hai lần vay trước đó, song lần này, các ngân hàng sẽ đặt cược để vẫn cấp thêm tiền cho người vay để chi trả vào việc khác ngoài lãi suất. Đó quả là một lý do hoàn hảo. Người vay bỗng nhiên lại có một nguồn cung tiền mới mẻ cho các mục đích khác của anh ta, đồng thời vẫn đủ để duy trì việc chi trả lãi dai dẳng cho những khoản vay trước đó. Còn ngân hàng lúc này vẫn có được những tài sản lớn hơn, thu nhập từ lãi suất cao hơn và lợi nhuận nhiều hơn. Quả là một trò chơi thú vị! LỐI CHƠI THAY ĐỔI THỜI HẠN Những lối chơi trước có thể được lặp lại vài lần cho đến khi người vay thực sự nhận ra rằng anh ta đang ngày càng lún sâu vào cái hố nợ nần mà không có cách nào thoát ra được. Và sự nhận thức này thường chỉ xuất hiện khi các khoản thanh toán lãi trở nên quá lớn, chiếm gần hết toàn bộ lợi nhuận của công ty hoặc tổng số thuế của quốc gia. Đến lúc này thì sự quay vòng các khoản vay lớn đều trở nên vô tác dụng và vỡ nợ là điều dường như không thể tránh khỏi. Nhưng xin đừng vội. Có điều gì diễn ra ở đây? Những người chơi lại bắt đầu lao vào cuộc chiến. Có một sự đối đầu lớn và thế là các trọng tài cũng được gọi vào. Hai hồi còi đinh tai nhức óc nhắc chúng ta rằng tỷ số vừa được chia đều cho cả hai bên. Một giọng nói vang lên qua hệ thống loa công cộng: “Khoản vay này vừa được thay đổi lại thời hạn.” Việc thay đổi lại thời hạn luôn có nghĩa như sự kết hợp giữa một mức lãi suất thấp hơn với thời hạn hoàn trả dài hơn. Điều này nghe có vẻ hợp lý nhưng thật ra là một sự xảo trá. Nó giảm khoản thanh toán hàng tháng nhưng lại kéo dài thời hạn thanh toán trong tương lai. Điều này giúp giảm nhẹ gánh nặng hiện tại đối với người vay, nhưng đồng thời khiến cho việc hoàn trả tiền vốn vay đó càng trở nên khó khăn hơn. Nó hoãn lại ngày chốt sổ, nhưng bạn hẳn đã đoán được: Khoản vay đó vẫn là tài sản và các khoản thanh toán lãi vẫn tiếp tục diễn ra. LỐI CHƠI BẢO VỆ DÂN CHÚNG Cuối cùng, ngày chốt sổ cũng tới. Người vay nhận thấy mình chẳng bao giờ có thể hoàn lại được khoản vốn vay đó nên thẳng thừng từ chối trả lãi cho nó. Lúc này ngân hàng buộc phải dùng đến Thủ đoạn Cuối cùng. Theo cuốn Banking Safety Digest (Tạm dịch: Luật vựng An toàn Ngành ngân hàng) - cuốn sách chuyên xếp hạng mức an toàn của các ngân hàng và các tổ chức Tiết kiệm và cho vay (Savings and Loans - S&L) của Mỹ, hầu hết những ngân hàng liên quan đến “các khoản vay có vấn đề” đều là những doanh nghiệp rất có lãi: Hãy lưu ý rằng, ngoại trừ những khoản vay cho các nước thuộc thế giới thứ ba, hầu hết các ngân hàng lớn trong nước đều đang hoạt động rất có lãi. Trái ngược với tình trạng khủng hoảng Tiết kiệm và cho vay (S&L) đang ngày càng trở nên tồi tệ, lợi nhuận của ngân hàng trở thành động lực giúp các ngân hàng thanh toán được hết các khoản nợ nước ngoài (mặc dù hơi chậm)… Theo lý thuyết, với mức lợi nhuận của năm ngoái, ngành ngân hàng có thể “trả hết” toàn bộ các khoản vay khu vực Mỹ La-tinh của chính mình trong vòng hai năm.[2] Các ngân hàng có thể chịu lỗ từ những khoản cho vay khó đòi với các công ty đa quốc gia và chính phủ nước ngoài, song điều đó lại không đúng luật. Nó sẽ trở thành một khoản lỗ lớn đối với các cổ đông, những người sẽ nhận được ít hoặc không nhận được cổ tức trong suốt thời gian điều chỉnh, và vị giám đốc điều hành nào áp dụng quy trình như thế sẽ sớm phải tìm kiếm một công việc khác. Việc cho rằng đây không phải là một phần của trò chơi được dựa trên bằng chứng rằng, trong khi một phần nhỏ các khoản nợ trong khu vực Mỹ La-tinh đã được tiếp nhận, các ngân hàng vẫn tiếp tục thực hiện nhiều khoản cho vay lớn đối với chính phủ các nước ở những khu vực khác như châu Phi, Trung Quốc, Nga và các nước Đông Âu. Với những lý do sẽ được phân tích trong chương bốn, có ít hy vọng rằng việc thực hiện những khoản vay này sẽ khác so với các khoản vay ở khu vực Mỹ La-tinh. Song, lý do quan trọng nhất của việc không chấp nhận những khoản lỗ đó là vì vẫn còn một lối chơi chuẩn có thể giúp hồi sinh các khoản vay chết và kích hoạt lại nguồn thu nhập dồi dào từ những khoản vay này. Đây là cách thức hoạt động của nó. Đội trưởng của cả hai đội cùng tìm đến trọng tài và ủy viên hội đồng Trò chơi để yêu cầu kéo dài cuộc chơi. Lý do được đưa ra rằng đây là quyền lợi của dân chúng, những khán giả đang có thời gian tuyệt vời như vậy và sẽ buồn khi thấy trò chơi kết thúc. Họ còn yêu cầu rằng, trong khi các khán giả trên khán đài đang thưởng thức trận đấu thì những nhân viên phục vụ tại bãi đậu xe được lệnh lặng lẽ tháo những chiếc chụp trục bánh xe ra khỏi từng chiếc xe để bán đi nhằm bổ sung vào tiền lương của tất cả những người chơi, dĩ nhiên bao gồm cả trọng tài lẫn ủy viên hội đồng Trò chơi. Điều đó là công bằng nhất bởi lúc này họ đang làm thêm giờ vì lợi ích của khán giả. Đến khi bản thỏa thuận cuối cùng được đưa ra, ba hồi còi sẽ vang lên và tiếng reo hò vui sướng mãn nguyện sẽ vang dậy cả khán đài. Dưới một hình thức có phần khó nhận biết hơn, lối chơi này có thể diễn ra như sau: chủ tịch của ngân hàng cho vay và chuyên viên tài chính của công ty hoặc chính phủ đang nợ tiền sẽ cùng tham gia hội ý với Quốc hội. Họ sẽ giải thích rằng người vay đang mất dần khả năng chi trả cho khoản vay và nếu không có sự trợ giúp từ chính phủ liên bang thì sẽ dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng cho người dân Mỹ. Điều đó không chỉ dẫn đến tình trạng thất nghiệp và sự khủng hoảng cho đất nước này mà còn gây ra sự sụp đổ lớn trên các thị trường thế giới. Bên cạnh đó, vì hiện quá phụ thuộc vào những thị trường này nên xuất khẩu của chúng ta sẽ giảm sút, nguồn vốn nước ngoài sẽ cạn kiệt và chúng ta sẽ phải chịu tổn thất rất lớn. Vì thế, họ sẽ nói rằng, điều cần thiết đối với Quốc hội lúc này là cung cấp tiền cho người vay, theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp, nhằm giúp anh ta tiếp tục trả lãi cho số tiền đã vay cũng như khởi xướng các chương trình mới với nhiều khả năng lợi nhuận hơn để sớm có thể hoàn trả lại tiền cho mọi người. Như một phần không thể thiếu của bản đề xuất, người vay sẽ đồng ý tuân theo định hướng của bên thứ ba - trọng tài - trong việc thông qua một chương trình tiết kiệm nhằm đảm bảo rằng không có bất kỳ khoản tiền mới nào bị lãng phí. Ngân hàng cũng sẽ đồng ý xóa bỏ một phần nhỏ của khoản vay như một hành động bày tỏ sự thiện chí sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với người vay. Dĩ nhiên, “nước cờ” này đã được nhìn thấy từ khi mới bắt đầu trò chơi và là động thái “lùi một bước để tiến ba bước”. Rốt cuộc, khoản tiền bị mất thông qua việc xóa nợ chính là khoản tiền được tạo ra từ không khí và, không cần tới Thủ đoạn Cuối cùng này, toàn bộ số tiền đó sẽ bị quét sạch. Hơn nữa, khoản tiền giảm nợ khiêm tốn này sẽ chẳng thấm tháp gì so với số tiền nhận được thông qua việc phục hồi nguồn thu nhập. LỐI CHƠI THANH TOÁN ĐẢM BẢO Một trong những phiên bản chuẩn của Thủ đoạn Cuối cùng là dành cho chính phủ, không phải trực tiếp cung cấp các quỹ tiền tệ mà cung cấp tín dụng cho các quỹ đó. Điều này là nhằm đảm bảo cho những khoản thanh toán tương lai nếu người vay lại vỡ nợ một lần nữa. Và một khi Quốc hội chấp nhận điều này thì chính phủ sẽ trở thành tổ chức cùng ký tên vào khoản vay đó, và những khoản lỗ không thể tránh khỏi cuối cùng sẽ được chuyển từ sổ cái của ngân hàng sang cho những người nộp thuế tại Mỹ. Lúc này, tiền bắt đầu được chuyển vào các ngân hàng thông qua một hệ thống phức tạp của các tổ chức liên bang, các cơ quan quốc tế, viện trợ nước ngoài và các đơn vị cứu trợ trực tiếp. Tất cả những cơ chế hoạt động này đều lấy tiền từ người dân Mỹ và chuyển chúng tới người vay - những người sẽ lại gửi chúng vào ngân hàng để chi trả cho các khoản vay của mình, chỉ một phần rất nhỏ của số tiền này được rút từ các khoản thuế, phần còn lại chủ yếu được tạo ra bởi Cục Dự trữ Liên bang. Khi được chuyển trở về ngân hàng, số tiền mới được tạo ra này sẽ nhanh chóng tuồn ra thị trường, nơi chúng hòa lẫn và làm giảm giá trị của tiền tệ sẵn có ở đó. Kết quả là giá cả tăng cao nhưng thực tế lại hạ thấp giá trị của đồng đô-la. Người dân Mỹ lại chẳng hề nhận ra rằng chính họ đang phải còng lưng trả khoản tiền đó. Họ biết rằng ai đó đang đánh cắp những chiếc chụp trục bánh xe của mình, nhưng lại nghĩ đó là gã thương gia tham lam đang tìm cách nâng giá, hoặc tay công nhân ích kỷ muốn đòi hỏi mức lương cao hơn, hay một bác nông dân xấu tính yêu cầu quá nhiều cho vụ mùa của mình hoặc một người nước ngoài giàu có đấu thầu làm tăng giá. Họ không nhận ra rằng, những nhóm người đó cũng là nạn nhân của một hệ thống tiền tệ với giá trị đang bị ăn mòn triền miên bởi Cục Dự trữ Liên bang. Sự thiếu hiểu biết của dân chúng về cách thức hoạt động thật sự của trò chơi này đã được thể hiện một cách đầy kịch tính trong suốt chương trình truyền hình mới đây của Phil Donahue, chủ đề chính là khủng hoảng tiết kiệm và vay lãi cùng hàng tỷ đô-la mà người nộp thuế phải chi trả. Một người đàn ông từ hàng ghế khán giả đã đứng lên và giận dữ hỏi rằng: “Tại sao chính phủ không thể thanh toán được những khoản nợ này thay cho người nộp thuế?” Và vị khán giả đó thực sự đã được hàng trăm khán giả khác nhiệt liệt tán thành! SỰ THỊNH VƯỢNG THÔNG QUA TÌNH TRẠNG PHÁ SẢN Vì các khoản vay lớn của doanh nghiệp thường được chính phủ liên bang đảm bảo nên mọi người nghĩ rằng những ngân hàng tạo ra những khoản vay đó sẽ không bao giờ gặp rắc rối. Song, nhiều ngân hàng trong số đó vẫn tìm cách đẩy chính mình vào tình trạng phá sản. Như chúng ta sẽ thấy trong phần về nghiên cứu này, tình trạng mất khả năng chi trả thực chất là một đặc tính cố hữu của chính hệ thống này, và nó được gọi là hệ thống ngân hàng dự trữ một phần (fractional-reserve banking). Tuy nhiên, một ngân hàng có thể hoạt động một cách tương đối tinh vi ở trạng thái phá sản lâu tới mức các khách hàng của nó không thể biết được. Tiền được chuyển vào và bắt đầu được biến đổi từ dạng thức này sang dạng thức khác chỉ bằng các bút toán ghi trong sổ cái, và nghiệp vụ kế toán sáng tạo có thể khiến cho kết quả cuối cùng trông như ở trạng thái cân bằng, vấn đề phát sinh khi các chủ nợ quyết định đến ngân hàng rút tiền với bất kỳ lý do nào. Nhưng “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”, bởi lúc này ngân hàng không đủ tiền để trả cho họ. Vì vậy, ngân hàng phải đóng cửa, còn các chủ nợ thì vẫn chầu chực bên ngoài và thực sự họ cũng chỉ biết chờ đợi mà thôi. Giải pháp phù hợp cho tình thế lúc này là yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện đúng các hợp đồng của họ giống như tất cả các doanh nghiệp khác. Nếu nói với khách hàng rằng những khoản tiền gửi của họ sẽ “được thanh toán theo nhu cầu” thì các ngân hàng nên duy trì đủ lượng tiền mặt để hoàn thành lời hứa đó bất kể thời gian và số lượng tiền mà khách hàng muốn rút. Hay nói cách khác, các ngân hàng phải duy trì một lượng tiền mặt dự trữ tương ứng với 100% tài khoản của người gửi. Khi đưa mũ cho cô gái giữ mũ và nhận lại biên lai, chúng ta không nghĩ rằng cô ta sẽ đem chiếc mũ đó cho thuê trong khi chúng ta đang ngồi ăn tối với hy vọng rằng sẽ lấy lại mũ - hoặc một chiếc tương tự như thế - vào thời điểm chúng ta rời khỏi nhà hàng. Vì cho rằng tất cả những chiếc mũ này luôn ở nguyên trên giá nên sẽ không có vấn đề gì khi chúng ta muốn lấy lại mũ của mình vào đúng thời điểm cần lấy. Mặt khác, nếu đem khoản tiền gửi của chúng ta cho người khác vay để chúng ta có thể kiếm được một khoản lãi nhỏ thì ngân hàng cũng nên nói thẳng rằng chúng ta không thể rút tiền theo yêu cầu được. Tại sao không? Bởi vì số tiền đó đã được đem cho vay và hiện không có trong ngân hàng. Những khách hàng thu được lãi từ tài khoản tiền gửi của mình cũng nên được thông báo rằng họ sở hữu các khoản tiền gửi có kỳ hạn chứ không phải các khoản tiền gửi theo yêu cầu vì ngân hàng sẽ cần một khoảng thời gian nhất định trước khi có thể thu hồi lại số tiền đã cho vay. Không có gì khó hiểu ở đây, song khách hàng của ngân hàng rất hiếm khi được thông báo về điều này. Họ chỉ biết rằng mình có thể rút lại tiền bất cứ lúc nào có nhu cầu và được trả lãi tương ứng. Thậm chí, nếu họ không nhận được lãi suất thì ngân hàng vẫn nhận được và đây là cách mà quá nhiều dịch vụ khách hàng có thể được cung cấp với rất ít hoặc không mất một khoản chi phí trực tiếp nào. Đôi khi, sự chậm trễ từ ba mươi đến sáu mươi ngày sẽ được đề cập đến như một khả năng có thể xảy ra, nhưng điều đó vô cùng bất hợp lý đối với những khoản tiền gửi đã được chuyển thành những khoản vay có thời hạn mười, hai mươi hoặc ba mươi năm. Và trong hầu hết các trường hợp, các ngân hàng chỉ đơn thuần đang áp dụng chiến thuật rằng mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp. Chúng ta sẽ kiểm tra vấn đề này một cách chi tiết hơn trong phần sau, còn lúc này, đủ để biết rằng việc hoàn toàn công khai mọi thứ không phải là cách chơi của các ngân hàng. Cục Dự trữ Liên bang đã hợp pháp hóa cũng như thể chế hóa sự ma mãnh trong việc phát hành nhiều phiếu nhận mũ hơn so với số mũ thực có, và đồng thời vạch ra những phương thức phức tạp để biến nó thành một tính năng chính thức và hoàn toàn hợp lý của ngành ngân hàng. Các sinh viên tài chính được dạy rằng không còn cách nào khác để hệ thống này có thể hoạt động được. Một khi giả thuyết này được chấp nhận thì mọi sự chú ý có thể được tập trung vào không chỉ sự gian lận vốn có mà cả những cách thức lẫn phương tiện để tồn tại cùng với nó cũng như khiến nó trở nên càng ít nghiêm trọng càng tốt. Dựa trên giả định rằng, chỉ một tỷ lệ nhỏ người gửi tiền muốn rút tiền cùng lúc, Cục Dự trữ Liên bang cho phép các ngân hàng thương mại quốc gia hoạt động với lượng tiền mặt thấp đến mức không thể tin được để bảo đảm cho những lời hứa thanh toán “theo yêu cầu”. Khi ngân hàng bị rút hết tiền mặt và không còn đủ khả năng thực hiện được lời hứa đó, hệ thống Dự trữ Liên bang sẽ hoạt động với tư cách của người cho vay cứu cánh cuối cùng. Theo ngôn ngữ của ngành ngân hàng, điều này có nghĩa là Cục Dự trữ Liên bang sẵn sàng tạo ra tiền từ không khí và ngay lập tức trao nó cho bất kỳ ngân hàng nào đang gặp rắc rối. (Chi tiết về cách thức thực hiện điều đó sẽ được đề cập trong Chương tám.) Nhưng có những giới hạn cụ thể về mức độ hiệu quả và tuổi thọ của quá trình này. Thậm chí Cục Dự trữ Liên bang sẽ không hỗ trợ nếu ngân hàng bị ngập quá sâu vào cảnh nợ nần tới mức không có cơ hội thực sự để thoát ra. Khi các tài sản theo nghiệp vụ kế toán của một ngân hàng trở nên ít hơn các khoản nợ phải trả thì nguyên tắc của trò chơi là chuyển các khoản lỗ sang cho chính những người gửi tiền. Điều này có nghĩa là họ thanh toán hai lần: một lần như những người nộp thuế và lần khác như những người gửi tiền. Cơ chế được dùng để thực hiện điều này có tên gọi là Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (Federal Deposit Insurance Corporation - FDIC). LỐI CHƠI CỦA CƠ QUAN BẢO HIỂM TIỀN GỬI LIÊN BANG (FDIC) FDIC đảm bảo rằng mọi khoản tiền gửi có bảo hiểm đều được hoàn trả bất chấp điều kiện tài chính của ngân hàng đó. Khoản tiền để thực hiện điều này được rút ra từ một quỹ đặc biệt bắt nguồn từ các khoản tiền ấn định đối với các ngân hàng tham gia. Dĩ nhiên là ngân hàng không phải trả những khoản tiền ấn định này. Giống như tất cả các chi phí khác, khoản chi phí lớn này cuối cùng sẽ được chuyển sang cho khách hàng dưới hình thức phí dịch vụ cao hơn và mức lãi suất tiền gửi thấp hơn. FDIC luôn được mô tả như một quỹ bảo hiểm, nhưng đó là một kiểu quảng cáo dối trá trong hoàn cảnh xấu nhất. Một trong những điều kiện cơ bản của bảo hiểm là phải tránh được những trường hợp mà các công ty bảo hiểm gọi là “nguy hại đạo đức”. Đó là tình huống nơi người có hợp đồng bảo hiểm ít được khuyến khích phòng tránh hoặc ngăn chặn điều đang được bảo hiểm. Khi nguy hại đạo đức này xuất hiện, mọi người thường trở nên bất cẩn và sẽ làm tăng khả năng xảy ra của những điều đang được bảo hiểm. Ví dụ điển hình là một chương trình của chính phủ buộc mọi người phải trả một khoản tiền để thành lập quỹ bảo vệ chính họ khỏi sự tốn kém của các khoản tiền phạt đỗ xe. Thậm chí mọi người không muốn nhắc đến đề xuất ngớ ngẩn này vì lo sợ rằng một số chính trị gia liều lĩnh sẽ quyết định đưa vấn đề ra biểu quyết bằng phiếu kín. Do đó, chúng tôi nhanh chóng kết luận rằng, nếu một kế hoạch ngu ngốc như vậy được thông qua thì có hai trường hợp xảy ra: (1) ngay lập tức mọi người đều có vé phạt đỗ xe và (2), vì lúc này có quá nhiều vé phạt nên các khoản thuế phải trả cho những tấm vé trên sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí phải trả trước đó mà không cần đến cái gọi là quỹ bảo vệ kia. FDIC hoạt động đúng theo khuôn mẫu này. Những người gửi tiền được thông báo rằng tài khoản bảo hiểm của họ sẽ được bảo vệ trong trường hợp ngân hàng vỡ nợ. Để thanh toán cho dịch vụ bảo vệ này, mỗi ngân hàng sẽ được ấn định một tỷ lệ phần trăm cụ thể trong tổng lượng tiền gửi vào ngân hàng đó. Tỷ lệ phần trăm này được áp dụng chung cho tất cả các ngân hàng bất kể thành tích trước đây hoặc mức độ rủi ro của các khoản tiền cho vay. Trong những điều kiện như vậy, sự thận trọng cũng chẳng ích gì. Những ngân hàng nào cung cấp các khoản vay liều lĩnh sẽ thu được mức lãi cao hơn so với các ngân hàng thận trọng. Những ngân hàng liều lĩnh này còn có nhiều cơ hội kiếm lợi từ quỹ bảo vệ trên mà không phải bỏ ra một cắc nào. Trong khi đó, các ngân hàng thận trọng lại bị phạt và dần dần được thúc đẩy tạo ra những khoản vay liều lĩnh hơn nhằm bắt kịp các đối thủ cạnh tranh của mình cũng như để có được “thị phần công bằng” trong quỹ bảo vệ đó. Vì thế, nguy hại đạo đức được hình thành trong chính hệ thống này. Giống như việc bảo vệ được áp cho những tấm vé phạt đỗ xe, FDIC sẽ làm tăng khả năng xảy ra của những điều đang được bảo hiểm. Nó không phải là giải pháp mà là một phần của vấn đề. BẢO HIỂM THỰC SỰ SẼ LÀ ĐIỀU HẠNH PHÚC Một chương trình bảo hiểm - tiền gửi thực sự với đặc điểm hoàn toàn tự nguyện và hướng các tỷ lệ theo rủi ro thực tế sẽ là một điều hạnh phúc. Những ngân hàng nào có các khoản cho vay cố định trên sổ sách kế toán sẽ có đủ khả năng giành được sự bảo vệ cho những người gửi tiền với tỷ lệ hợp lý bởi vì cơ hội nhận được thanh toán của các công ty bảo hiểm thường rất thấp. Tuy nhiên, những ngân hàng có các khoản cho vay không chính đáng sẽ phải trả theo mức tỷ lệ cao hơn nhiều hoặc có thể sẽ không đủ khả năng bảo vệ được người gửi tiền trong bất kỳ tình huống nào. Do đó, không cần tìm hiểu thêm, người gửi tiền sẽ biết ngay rằng một ngân hàng không có bảo hiểm sẽ là nơi không đáng tin cậy. Để thu hút được các khoản tiền gửi, các ngân hàng cần phải có bảo hiểm. Để được bảo hiểm ở mức tỷ lệ có thể chi trả được, các ngân hàng phải chứng minh với công ty bảo hiểm rằng những vấn đề tài chính của mình đều đạt yêu cầu. Thế nên, những ngân hàng nào không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu về quy tắc kinh doanh minh bạch sẽ sớm mất hết khách hàng và bị buộc phải đóng cửa. Một chương trình bảo hiểm tư nhân tự nguyện sẽ hoạt động như một bộ máy điều chỉnh đầy quyền năng đối với toàn ngành ngân hàng theo cách hiệu quả và trung thực hơn nhiều so với bất kỳ âm mưu chính trị nào. Tiếc thay, đó không phải là thế giới ngân hàng ngày nay. “Sự bảo vệ” của FDIC không phải là bảo hiểm theo bất kỳ nghĩa nào của từ này. Nó chỉ là một phần không thể thiếu của một âm mưu chính trị nhằm cứu trợ kinh tế cho những thành viên có thế lực nhất của tổ chức lũng đoạn khi họ gặp khó khăn về tài chính. Như chúng ta vừa thấy, tuyến phòng thủ đầu tiên trong âm mưu này là phải có những khoản vay lớn bị vỡ nợ được hồi sinh nhờ cam kết của Quốc hội về những đồng đô-la tiền thuế. Nếu điều đó thất bại và ngân hàng không thể giấu giếm hơn nữa khả năng phá sản của mình dù đã áp dụng nghiệp vụ kế toán sáng tạo thì gần như chắc chắn rằng những người đi gửi tiền lo lắng sẽ nhanh chóng xếp hàng để rút tiền của mình về - thứ mà chính ngân hàng cũng không có. Vì thế, tuyến phòng thủ thứ hai là phải có bước đệm FDIC và tạo ra những khoản thanh toán đó cho dân chúng. Dĩ nhiên, các chủ ngân hàng đều không muốn điều này xảy ra. Nó là phương sách cuối cùng. Nếu ngân hàng được giải cứu theo cách này thì ban quản lý của ngân hàng đó sẽ bị sa thải, còn hoạt động kinh doanh của nó sẽ được ngân hàng khác tiếp quản. Hơn nữa, giá trị cổ phiếu sẽ giảm, song điều này sẽ chỉ ảnh hưởng đến những cổ đông nhỏ. Những cổ đông có quyền kiểm soát hay ban quản lý đều biết trước thảm họa sắp xảy ra nên đã nhanh chóng bán ngay cổ phiếu của họ khi giá vẫn còn ở mức cao. Những người gây ra vấn đề này hiếm khi phải gánh chịu những hậu quả kinh tế từ hành động của mình. FDIC SẼ KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC CẤP ĐỦ VỐN FDIC sẽ không bao giờ có đủ tiền để thanh toán khoản nợ tiềm năng của toàn hệ thống ngành ngân hàng. Nếu có sẵn thì khoản tiền đó có thể được chính các ngân hàng nắm giữ và thậm chí một quỹ bảo hiểm là không cần thiết. Thay vào đó, FDIC hoạt động theo giả định giống như các ngân hàng: chỉ có một tỷ lệ phần trăm nhỏ người gửi sẽ cần tiền cùng một lúc. Vì vậy, khoản tiền dự trữ không bao giờ lớn hơn vài phần trăm tổng số nợ phải trả. Thông thường, FDIC giữ lại khoảng 1,2 đô-la trên mỗi 100 đô-la tiền gửi có bảo hiểm. Tuy nhiên, vào thời điểm viết cuốn sách này, con số đó đã giảm xuống chỉ còn 70 cent và vẫn đang tiếp tục giảm. Điều đó có nghĩa là mức rủi ro tài chính sẽ lớn hơn 99 lần so với mức bảo vệ của mạng lưới an toàn. Vậy nên, chỉ cần một hoặc hai ngân hàng lớn trong hệ thống này bị phá sản thì sẽ quét sạch toàn bộ quỹ đó. Và thậm chí nó còn trở nên tồi tệ hơn. Mặc dù sổ cái có thể chỉ ra rằng quỹ này đang nắm giữ rất nhiều triệu hoặc tỷ đô-la nhưng đó cũng chỉ là số liệu được tạo ra bằng nghiệp vụ kế toán sáng tạo. Theo luật định, số tiền thu được từ các khoản tiền ấn định của ngân hàng phải được đầu tư vào trái phiếu Kho bạc với ý nghĩa rằng số tiền đó được chính phủ vay và được Quốc hội sử dụng ngay lập tức. Do đó, trong giai đoạn cuối của quá trình này, chính FDIC sẽ bị rút hết tiền để rồi phải quay sang tìm kiếm sự giúp đỡ của Kho bạc và sau đó là Quốc hội. Dĩ nhiên, đây là hành động của bước đường cùng, nhưng luôn được các phương tiện truyền thông đại chúng quảng bá như dấu hiệu về sức mạnh phi thường của Cục Dự trữ Liên bang. Tờ U.S. New & World Report đã mô tả nó một cách nhẹ nhàng thế này: “Nếu các cơ quan vẫn cần nhiều tiền thì Quốc hội đã thế chấp toàn bộ lòng trung thành và uy tín của chính phủ liên bang.”[3] Đó chẳng phải là điều tuyệt vời hay sao? Bởi nó phần nào khiến cho mọi người cảm thấy rất lạc quan khi biết rằng quỹ được bảo vệ rất tốt. Hãy cùng xem “toàn bộ lòng trung thành và uy tín của chính phủ liên bang” này thực sự có nghĩa là gì. Vốn đã ngập sâu vào nợ nần nên Quốc hội cũng không còn tiền để trả. Vì không dám công khai tăng các khoản thuế để bù cho sự thâm hụt này nên Quốc hội tạo ra một khoản vay khác bằng cách phát hành thêm nhiều trái phiếu Kho bạc. Dân chúng mua một phần chứng chỉ nợ (IOU) này và Cục Dự trữ Liên bang mua hết số còn lại. Nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ hay lượng tiền vay quá lớn, Cục Dự trữ Liên bang sẽ thu hồi lại toàn bộ lượng phát hành. Nhưng Cục Dự trữ Liên bang cũng không có tiền. Vì vậy, nó đối phó bằng cách tạo ra một lượng tiền mới từ không khí đúng bằng số lượng chứng chỉ nợ trên, và nhờ phép thuật của ngân hàng trung ương, FDIC cuối cùng đã được cấp vốn. Số tiền mới này được chuyển vào các ngân hàng nhằm thanh toán cho những người gửi tiền. Từ đây, số tiền này sẽ tràn ngập nền kinh tế, làm giảm giá trị của tất cả tiền bạc và khiến cho giá cả tăng cao. Mức thu nhập cũ sẽ không còn có thể mua được nhiều thứ như trước, vì vậy, chúng ta học cách chi tiêu tiết kiệm hơn. Nhưng xem nào? Các ngân hàng lại mở cửa lần nữa và tất cả những người gửi tiền đều vui mừng - cho đến khi họ trở lại với chiếc xe của mình và phát hiện ra rằng chúng đã mất những cái chụp trục bánh xe! Đó chính là ý nghĩa thật sự của cụm từ “toàn bộ lòng trung thành và uy tín của chính phủ liên bang”. TỔNG KẾT Mặc dù có thể mang vẻ bí ẩn và hỗn loạn nhưng các sự kiện tiền tệ quốc gia đều bị chi phối bởi những luật định lâu đời được các chủ ngân hàng và chính trị gia tuân thủ một cách cứng nhắc. Yếu tố chính để hiểu được những sự kiện này là tất cả tiền bạc trong hệ thống ngân hàng đều được tạo ra từ không khí thông qua quy trình hình thành các khoản vay. Vì thế, một khoản vay bị vỡ nợ sẽ khiến ngân hàng tiêu tốn chút ít giá trị hữu hình, nhưng lại được thể hiện trong sổ cái như sự giảm bớt tài sản mà không hề có sự sụt giảm tương ứng nào về các khoản nợ phải trả. Về mặt lý thuyết, nếu những khoản vay xấu vượt quá lượng tài sản thì ngân hàng sẽ mất khả năng thanh toán và bị buộc phải đóng cửa. Do đó, nguyên tắc tồn tại đầu tiên là phải tránh xóa bỏ các khoản vay lớn, khó đòi, và nếu có thể thì ít nhất phải tiếp tục thu được lãi từ chúng. Để làm được điều đó, các khoản vay rủi ro lớn phải được quay vòng và tăng lượng tiền lên. Điều này có nghĩa là đưa tiền cho người vay để họ tiếp tục trả lãi cộng thêm các quỹ mới dành cho việc chi tiêu mới. Vấn đề cơ bản không được giải quyết mà được trì hoãn thêm một thời gian nữa và ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Giải pháp cuối cùng thay mặt cho hiệp hội ngân hàng này là nhờ chính phủ liên bang đảm bảo thanh toán khoản vay đó nếu người vay không thể trả được nợ trong tương lai. Điều này được thực hiện bằng việc thuyết phục Quốc hội rằng, nếu không làm thế thì hậu quả sẽ rất lớn đối với nền kinh tế cũng như gây ra nhiều khó khăn cho dân chúng. Từ quan điểm đó, gánh nặng của khoản vay được nhấc ra khỏi sổ cái ngân hàng và chuyển sang cho người nộp thuế. Và nếu cố gắng này thất bại cũng như ngân hàng buộc phải tuyên bố phá sản thì phương sách cuối cùng là dùng tới FDIC để thanh toán cho các chủ nợ. FDIC không phải là công ty bảo hiểm bởi vì sự xuất hiện của “nguy hại đạo đức” sẽ khiến cho điều mà nó có trách nhiệm bảo vệ sẽ nhanh chóng xảy ra. Một phần vốn cấp cho FDIC được rút ra từ chính các khoản tiền được chỉ định cho các ngân hàng. Tuy nhiên, cuối cùng thì các khoản nợ đó vẫn được chính những người gửi tiền thanh toán. Khi những nguồn vốn này hết sạch, Cục Dự trữ Liên bang sẽ tạo ra số dư mới dưới hình thức số tiền được tạo mới hoàn toàn, số tiền này tràn ngập ra thị trường, khiến giá cả tăng cao trong khi thực tế lại hạ thấp giá trị của đồng đô-la. Vì thế, chi phí cuối cùng của sự cứu trợ kinh tế này được chuyển sang cho người dân dưới dạng một khoản thuế ngầm được gọi là lạm phát. Vậy là quá nhiều thông tin về luật chơi đã được cung cấp. Ở chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét bảng tỷ số của chính trò chơi thực sự này.