Những Âm Mưu Từ Đảo Jekyll - Chương 04

Chương 4 NHÀ Ở, KHOẢN VAY NGỌT NGÀO Lịch sử của việc chính phủ ngày càng can thiệp vào ngành kinh doanh địa ốc; sự kiềm hãm đối với các nguồn lực thị trường tự do trong lĩnh vực bất động sản nhà ở; cuộc khủng hoảng tất yếu trong lĩnh vực tiết kiệm và cho vay (S&L); cứu cứu trợ kinh tế dành cho ngành này bằng nguồn tiền thu từ người nộp thuế. Như chúng ta đã thấy trong các chương trước, sự thiệt hại mà liên minh ngân hàng này gây ra gắn liền với thực tế rằng, tiền bạc có thể được tạo ra từ không khí. Nó cũng phá hủy sức mua của chúng ta thông qua khoản thuế ngầm được gọi là lạm phát với cơ chế hoạt động lén lút và hết sức tinh vi. Giờ đây, chúng ta hãy chuyển từ thế giới đầy bí ẩn của ngân hàng trung ương sang thế giới phù phiếm của các tổ chức tiết kiệm-và-cho vay. So với lĩnh vực ngân hàng thì vấn đề trong lĩnh vực tiết kiệm-và-cho vay (S&L) dễ hiểu hơn nhiều. Đơn giản là những khoản tiền khổng lồ đang biến mất vào cái hố đen của sự quản lý yếu kém của chính phủ và những khoản lỗ đó cuối cùng đều do chúng ta thanh toán. Trong cả hai trường hợp, kết quả cuối cùng đều như nhau. CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ NƯỚC MỸ Tất cả mọi thứ đều bắt đầu bằng một khái niệm. Khái niệm này bắt nguồn từ Mỹ, chủ yếu do kết quả của Cuộc đại suy thoái trong thập niên 30. Những người theo chủ nghĩa Mácxít cấp tiến đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho các chính trị gia Hoa Kỳ về cách thức thu hút sự ủng hộ của quần chúng. Các chính trị gia người Mỹ đã rất khâm phục và kính sợ những người có quan điểm cấp tiến này; ngưỡng mộ khả năng hiểu biết về tâm lý đám đông của họ; lo sợ vì những người này quá nổi tiếng và có thể chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử. Điều này diễn ra không lâu trước khi nhiều nhân vật chính trị bắt đầu làm theo các diễn giả trên phố, còn các cử tri thì hăng hái bỏ phiếu để giúp họ giành chiến thắng. Phần lý thuyết trau chuốt hơn về chủ nghĩa xã hội đã trở nên nổi tiếng trong giới trí thức - những người đương nhiên sẽ trở thành nhà lãnh đạo trong hệ thống chủ nghĩa xã hội kiểu Mỹ. Phải có ai đó quan tâm đến dân chúng và nói cho họ biết điều gì cần làm vì lợi ích của bản thân họ, và nhiều người có bằng cấp cũng như những người giàu có đều muốn được nắm giữ vai trò đó. Và như vậy, khái niệm này được chấp nhận rộng rãi trong mọi tầng lớp dân chúng Mỹ - từ “dân đen” cho đến những người ưu tú có học thức - rằng chính phủ cần phải quan tâm đến công dân của mình và bảo vệ họ trong các vấn đề kinh tế. Và vì thế, khi hơn 1.900 tổ chức S&L bị phá sản trong Cuộc Đại suy thoái, Herbert Hoover - và cả Quốc hội - đã thành lập Cơ quan Giám sát Liên bang về Tài trợ Địa ốc để bảo vệ những người gửi tiền trong tương lai. Cơ quan này bắt đầu ban hành các hiến chương đối với những tổ chức sẽ đệ trình các điều lệ của mình và dân chúng lại được thuyết phục rằng các nhà điều hành của chính phủ sẽ khôn ngoan, thận trọng và trung thực hơn so với các nhà quản lý tư nhân. Bản hiến chương liên bang đã trở thành một loại dấu phê duyệt của chính phủ. Cuối cùng, dân chúng đã được bảo vệ. Franklin Delano Roosevelt, người trở thành hình mẫu của nền học thức mới, đã kế nhiệm Hoover trong Nhà Trắng. Ngay lúc mới bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình, Franklin Delano Roosevelt đã được biết đến như một hình mẫu về tự do mậu dịch và chủ nghĩa cá nhân. Từng lớn tiếng phản đối chính phủ và ủng hộ thị trường tự do, nhưng vào giai đoạn giữa cuộc đời, ông đã thay đổi chính kiến của mình để bắt kịp với sự chuyển biến của làn sóng chính trị. Ông đã đi vào lịch sử như một người tiên phong về chủ nghĩa xã hội ở Mỹ. Chính Franklin Delano Roosevelt là người đã thực hiện bước kế tiếp hướng đến chính sách gia trưởng của chính phủ trong lĩnh vực S&L - cũng như ngành ngân hàng - bằng việc thành lập Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (Federal Deposit Insurance Corporation - FDIC) và Cơ quan Bảo hiểm Tiết kiệm và cho vay Liên bang (Federal Saving and Loan Insurance Corporation - FSLIC). Trên quan điểm đó, cả dân chúng lẫn các nhà quản lý tiết kiệm không cần phải lo lắng về các khoản lỗ. Mọi thứ đã được chính phủ bồi hoàn. AI CŨNG CÓ NHÀ Ở Vào cùng thời gian này, các khoản vay mua nhà tư nhân được trợ cấp thông qua sở Nhà đất Liên bang (Federal Housing Authority - FHA), điều này cho phép các tổ chức S&L tạo ra những khoản cho vay với mức lãi suất thấp hơn mức có thể mà không cần trợ cấp. Đây là cách để giúp mọi người dễ dàng thực hiện được ước mơ sở hữu một ngôi nhà của riêng mình. Trong khi những người theo chủ nghĩa Mác hứa hẹn về sự no đủ thì những người theo nhóm chính sách kinh tế xã hội mới (New Dealer) đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử bằng việc tung ra chiêu bài rằng ai cũng có nhà ở. Lúc đầu, nhiều người có thể mua ngay cho mình một ngôi nhà, nếu ở trong hoàn cảnh khác thì hẳn họ không đủ khả năng làm vậy hoặc sẽ phải chờ đợi lâu hơn mới tích cóp được một khoản tiền đặt cọc. Mặt khác, mức tín dụng dễ dãi của Sở Nhà đất Liên bang (FHA) bắt đầu đẩy giá nhà lên cho phù hợp với tầng lớp trung lưu và điều đó nhanh chóng bù lại cho bất kỳ lợi thế thực nào của chính sách trợ cấp. Tuy nhiên, các cử tri lại không đủ sáng suốt để hiểu được ảnh hưởng của việc thanh toán này nên vẫn tiếp tục bỏ phiếu cho những chính trị gia nào hứa hẹn sẽ mở rộng hệ thống. Bước tiếp theo là Hội đồng Dự trữ Liên bang sẽ yêu cầu các ngân hàng đưa ra mức lãi suất thấp hơn so với mức của các tổ chức S&L. Kết quả là các nguồn vốn được chuyển từ ngân hàng sang các tổ chức S&L và được cung cấp sẵn cho những khoản vay về nhà ở. Đây là chính sách quốc gia được cân nhắc kỹ nhằm ưu tiên các lĩnh vực kinh doanh nhà ở bằng chi phí của các ngành khác - những ngành đang cạnh tranh để có được những đồng đô-la đầu tư đó. Điều này có thể không tốt cho nền kinh tế nói chung nhưng lại giúp ích cho hoạt động chính trị. THỊ TRƯỜNG TỰ DO BỊ RUỒNG BỎ Những biện pháp này đã chuyển các khoản vay bất động sản ra khỏi thị trường tự do một cách hiệu quả và đặt chúng vào vũ đài chính trị - nơi chúng đã tồn tại suốt từ bấy đến giờ. Hậu quả mà dân chúng phải gánh chịu từ sự can thiệp này sẽ được trì hoãn trong một thời gian dài, nhưng khi xảy ra thì nó sẽ là một trận “đại hồng thủy”. Thực tế về sự can thiệp của chính phủ đối với thị trường tự do không được cường điệu hóa quá mức, vì nó ở trọng tâm của cuộc khủng hoảng hiện tại và tương lai của chúng ta. Chúng ta có các tổ chức tiết kiệm do chính phủ kiểm soát hết sức chặt chẽ. Các cơ quan liên bang đưa ra các biện pháp bảo vệ nhằm hạn chế các khoản thua lỗ và thiết lập các hướng dẫn cứng nhắc cho từng mức vốn, số lượng chi nhánh, phạm vi được bảo hiểm, các chính sách quản lý, các dịch vụ hoàn trả và cả các mức lãi suất được áp dụng. Chi phí bổ sung cho các tổ chức S&L tuân thủ theo điều luật này được Hiệp hội Ngân hàng Mỹ ước tính khoảng 11 tỷ đô-la một năm, tức là khoảng 60% trong tổng lợi nhuận của những tổ chức này. Quan trọng hơn, thành phần hoạt động hiệu quả của ngành này phải tiêu tốn hơn một tỷ đô-la mỗi năm cho những khoản phí phụ trội dành cho cái gọi là quỹ bảo hiểm nhằm đền bù cho những thất bại của thành phần hoạt động yếu kém - một dạng tiền phạt cho sự thành công. Thế nên, các nhà điều chỉnh luật đã không chấp thuận khi một số tổ chức hoạt động hiệu quả cố chuyển thành ngân hàng nhằm tránh khoản tiền phạt này. Dòng tiền của họ cần được sử dụng để hỗ trợ cho quỹ cứu trợ kinh tế. BẢO HIỂM CHO DÂN THƯỜNG? Mức tiền gửi tiết kiệm cá nhân trung bình là khoảng 6.000 đô-la. Song, dưới thời Tổng thống Carter, mức bảo hiểm của FDIC được tăng từ 40.000 đến 100.000 đô-la cho mỗi tài khoản. Những ai có nhiều hơn mức này chỉ việc mở nhiều tài khoản, nên thực tế là chẳng có giới hạn bảo hiểm nào cả. Rõ ràng, điều này chẳng liên quan gì đến việc bảo vệ người dân. Mục đích là để dọn đường cho những tay môi giới địa ốc tái đầu tư các khoản tiền lớn với mức lãi suất cao gần như không có bất kỳ rủi ro nào. Cuối cùng, nó được chính phủ liên bang bảo hiểm. Năm 1979, chính sách Dự trữ Liên bang đã đẩy mức lãi suất lên cao và các tổ chức S&L đã phải bắt kịp đà tăng này để thu hút tiền gửi. Đến tháng chạp năm 1980, các tổ chức này bắt đầu thanh toán lãi suất 15,8% cho các chứng chỉ tiền gửi của mình. Song, mức lãi suất trung bình mà những tổ chức này áp dụng cho các khoản thế chấp mới chỉ có 12,9%. Nhiều khoản cho vay trước đây của họ vẫn chỉ xoay quanh mức 7% - 8% và để làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, một số khoản cho vay này đã vỡ nợ, nghĩa là chúng thực sự hưởng mức lãi suất 0%. Các quỹ tiết kiệm đang hoạt động sát mức báo động đỏ và phải bù đắp cho các khoản chênh lệch ở nơi khác. Các tổ chức S&L yếu kém nhất đã đưa ra các mức lãi suất cao nhất để hấp dẫn người gửi tiền và là nơi giành được các khoản tiền lớn từ nguồn tiền của bên môi giới - những người chỉ quan tâm đến mức lãi suất chứ không muốn tìm hiểu về mức độ yếu kém của hoạt động đó bởi họ biết chắc rằng các nguồn tiền đều được bảo hiểm đầy đủ. Mặt khác, các nhà quản lý S&L đã lập luận rằng họ phải khiến cho các nguồn quỹ này tạo ra điều kỳ diệu trong khoảng thời gian ngắn mà họ có được chúng. Đó là cơ hội duy nhất để họ “thu hoạch”, và họ sẵn sàng chấp nhận các rủi ro lớn. Chính vì thế nên chương trình bảo hiểm của chính phủ đã loại bỏ mọi khả năng thua lỗ xảy ra đối với những người gửi tiền của những tổ chức này, và kết quả là nhiều người trong số họ đã lao vào những khoản phát triển bất động sản đầy rủi ro với mức lợi nhuận cao. Các giao dịch bắt đầu xấu đi, và năm 1979 trở thành năm đầu tiên kể từ Cuộc Đại suy thoái trong thập niên 30, tổng giá trị ròng của các tổ chức S&L được liên bang bảo hiểm đã biến thành dòng tiền âm. Và đó là thực tế bất kể sự mở rộng hầu như khắp nơi trong nền kinh tế. Dân chúng bắt đầu thấy lo lắng. TOÀN BỘ LÒNG TIN VÀ SỰ TÍN NHỆM Năm 1982, các nhà bảo vệ ở Washington đã đối phó với tình hình này bằng một giải pháp chung của Quốc hội là tuyên bố rằng chính phủ Mỹ hoàn toàn tin tưởng và tín nhiệm FSLIC. Đấy là cách nói làm yên lòng, nhưng nhiều người vẫn có cảm giác lo lắng rằng chính họ sẽ phải tự bỏ tiền túi của mình ra để trả cho điều đó. Và họ đã đúng. Tờ Consumer Reports giải thích: Đằng sau những ngân hàng và cơ quan bảo hiểm có vấn đề là “toàn bộ lòng tin và sự tín nhiệm” của chính phủ - trên thực tế, đó là lời hứa được Quốc hội ca tụng rằng, thông qua các khoản thuế hoặc lạm phát, tất cả các công dân đều góp phần đảm bảo sự an toàn cho tất cả những người gửi tiền.[1] Năm 1985, tình trạng tuyệt vọng của các tổ chức S&L đột nhiên bị lôi ra ánh sáng ở Ohio khi Ngân hàng Tiết kiệm Home State thuộc Cincinnati sụp đổ do hậu quả của khoản lỗ tiềm ẩn 150 triệu đô-la tại một hãng chứng khoán ở Florida. Điều này đã làm bùng phát một đợt rút tiền ồ ạt, không chỉ ở ba mươi ba chi nhánh của Home State mà còn ở nhiều tổ chức S&L khác. Tin tức này đã ảnh hưởng đến các thị trường quốc tế khiến những kẻ đầu cơ ngoại quốc đã nhanh chóng chuyển đổi những đồng đô-la giấy sang các loại tiền tệ khác, còn số khác thì đổ xô đi mua vàng. Chỉ trong vòng vài ngày, người gửi tiền tìm cách đòi lại tiền của mình, khiến cho 60/130 triệu đô-la “bốc hơi” khỏi quỹ “bảo hiểm” quốc gia - điều được xem là vô cùng bất hợp lý so với những gì được kỳ vọng trong các kế hoạch bảo vệ của chính phủ. Nếu tình trạng rút tiền ồ ạt vẫn được phép tiếp tục thì chẳng mấy chốc quỹ này sẽ bị rút cạn hoàn toàn. Đã đến lúc cần phải có sự sửa đổi về mặt chính trị. Ngày 15 tháng Ba, Richard Celeste - Thống đốc bang Ohio - tuyên bố một trong những “ngày lễ ngân hàng” hiếm hoi kể từ Cuộc Đại suy thoái và đóng cửa tất cả bảy mươi mốt quỹ tiết kiệm được nhà nước bảo hiểm. Ông ta đã trấn an dân chúng rằng không có gì phải lo lắng bởi đó chỉ là “thời điểm xoa dịu… cho tới khi chúng tôi có thể chứng minh một cách thuyết phục được sự vững chãi trong hệ thống của mình.” Sau đó, ông ta bay tới Washington gặp Paul Volcker - Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang và Edwin Gray - chủ tịch Cơ quan Giám sát Liên bang về Tài trợ Địa ốc - để yêu cầu sự hỗ trợ của liên bang và yêu cầu đó đã được chấp thuận. Vài ngày sau, người gửi tiền được phép rút tối đa 750 đô-la từ tài khoản của mình. Ngày 21 tháng Ba, Tổng thống Reagan đã xoa dịu thị trường tiền tệ thế giới bằng những lời đảm bảo rằng cuộc khủng hoảng đã chấm dứt. Hơn nữa, ông ta nói vấn đề chỉ bị “giới hạn ở Ohio.”[2] Đây không phải là lần đầu tiên các quỹ bảo hiểm do nhà nước bảo trợ bị vỡ nợ. Năm 1983, một vụ tương tự đã xảy ra ở Nebraska khi Công ty Tiết kiệm Khối thịnh vượng chung của Lincoin bị vỡ nợ. Vào thời điểm đó, quỹ này có hơn 60 triệu đô-la tiền gửi, nhưng quỹ bảo hiểm chỉ có chưa đầy 2 triệu đô-la để chi trả, không chỉ cho riêng Khối thịnh vượng chung mà cho cả hệ thống. Những người gửi tiền may mắn mới được hưởng 65 cent cho mỗi đô-la gửi vào, và thậm chí phải mất 10 năm mới có được số tiền đó.[3] LỜI MỜI DÀNH CHO KẺ GIAN LẬN Vào những ngày đầu của chính quyền Reagan, các quy định của chính phủ đã được thay đổi đến mức các tổ chức S&L không còn bị hạn chế về việc cung cấp các khoản vay thế chấp nhà ở - lý do duy nhất cho sự ra đời của chúng ngay từ đầu. Trên thực tế, các tổ chức này thậm chí còn không cần phải nhận tiền đặt cọc cho các khoản vay. Lúc này, họ có thể cấp vốn đủ 100% hoặc thậm chí nhiều hơn cho mỗi hợp đồng vay. Các cao ốc văn phòng và trung tâm mua sắm mọc lên khắp nơi mà chẳng cần quan tâm tới nhu cầu. Các chuyên gia phát triển, xây dựng, quản lý và cả chuyên viên định giá đều kiếm được tiền triệu. Các công trình xây dựng mọc lên quá nhiều và gian lận bắt đầu xuất hiện. Hàng tỷ đô-la dần biến thành các dự án chết. Ít nhất hai mươi hai tổ chức S&L bị vỡ nợ, có bằng chứng cho thấy cả Mafia lẫn CIA đều nhúng tay vào. Gian lận không nhất thiết phải là hành động chống lại luật pháp. Trên thực tế, hầu hết các hành động gian lận trong lĩnh vực S&L không chỉ hợp pháp mà còn nhận được sự cổ vũ từ phía chính phủ. Đạo luật Garn-St. Germain cho phép các quỹ tiết kiệm cho vay một khoản tiền bằng với giá trị đã được giám định của bất động sản thay vì bằng với giá trị thị trường. Trước đó không lâu, các chuyên gia thẩm định đã được trả những khoản phí đáng kể cho dịch vụ giám định của mình - mức phí có thể nói là phi thực tế. Nhưng đó không phải là sự gian lận bởi nó chính là mục đích của các nhà điều chỉnh luật, số tiền trả cho việc giám định vượt quá giá trị thị trường được định nghĩa như “vốn sở hữu được giám định” và vẫn được tính như nguồn vốn. Vì các tổ chức S&L được yêu cầu phải giữ lại 1 đô-la tiền vốn cho mỗi 33 đô-la tiền gửi nên mức giám định vượt quá giá trị thị trường 1 triệu đô-la có thể được sử dụng để làm tăng 33 triệu đô-la tiền gửi từ các hãng môi giới địa ốc ở Phố Wall. Còn các khoản lợi nhuận dự kiến đạt được từ những quỹ đó là một trong những cách thức được sử dụng bởi các tổ chức S&L để bù đắp cho những khoản lỗ của mình mà không cần chính phủ phải “nôn” tiền ra - hay thực sự không có. Trên thực tế, chính phủ từng nói rằng: “Chúng tôi không thể thực hiện thành công các kế hoạch bảo vệ của mình nên bạn hãy tự mình đi kiếm tiền bằng cách đẩy rủi ro sang vai các nhà đầu tư. Như thế, chúng tôi không chỉ hỗ trợ bạn nếu bạn phá sản mà còn chỉ cho bạn cách thức để làm điều đó.” BẮT ĐẦU VỠ NỢ Đến năm 1984, tình trạng vỡ nợ bắt đầu xuất hiện bất chấp những mánh lới kế toán được áp dụng nhằm tạo ra vẻ bề ngoài bình thường cho những tổ chức S&L đang dần bị khai tử. Cũng trong năm đó, FSLIC đã đóng cửa một tổ chức và tiến hành sáp nhập hai mươi sáu tổ chức khác cũng đang bị vỡ nợ lại với nhau. Để thuyết phục các công ty đang hoạt động tốt tiếp nhận những tổ chức bị vỡ nợ đó, chính phủ đã đưa ra các khoản trợ cấp tiền mặt để bù cho phần nợ phải trả. Vào năm 1984, những vụ sáp nhập được trợ cấp này đã tiêu tốn của FDIC hơn 1 tỷ đô-la. Song, đó chỉ là bước khởi đầu khiêm tốn. Từ năm 1980 đến 1986, tổng số 664 tổ chức S&L được bảo hiểm đã bị vỡ nợ. Các nhà điều chỉnh luật pháp của chính phủ đã hứa hẹn sẽ bảo vệ dân chúng trong trường hợp xảy ra thua lỗ nhưng những khoản lỗ này đã vượt quá khả năng kiểm soát của họ. Họ không thể đóng cửa tất cả các quỹ tiết kiệm bị vỡ nợ vì đơn giản là không có đủ tiền để chi trả cho các khoản thanh toán. Tháng Ba năm 1986, FSLIC chỉ có ba xu cho mỗi đô-la tiền gửi. Đến cuối năm đó, con số này đã giảm xuống còn hai phần mười xu cho mỗi đô-la “được bảo hiểm”. Rõ ràng, họ đã phải duy trì kinh doanh cho các quỹ tiết kiệm này, có nghĩa là phải sáng tạo thêm nhiều mánh lới kế toán nữa để che đậy sự thật đó. Sự trì hoãn của những điều không thể tránh khỏi này đã làm cho vấn đề thậm chí trở nên tồi tệ hơn. Việc duy trì hoạt động kinh doanh của các tổ chức S&L đã tiêu tốn của FSLIC sáu triệu đô-la mỗi ngày.[4] Thế nên, chỉ hai năm sau - năm 1988 - toàn ngành kinh doanh tiết kiệm đã thua lỗ tới 9,8 triệu đô-la mỗi ngày, còn những khoản lỗ không mang lại lợi nhuận - những “xác chết” được FSLIC yểm trợ - cũng đang tiêu tốn 35,6 triệu đô-la mỗi ngày. Và trò chơi vẫn tiếp tục. Đến năm 1989, FSLIC thậm chí không còn đủ khả năng chi trả cho hai phần mười xu của mỗi đô-la được bảo hiểm do các nguồn dự trữ của nó đều bị rút sạch. Giống như các quỹ tiết kiệm mà nó bảo vệ, bản thân tổ chức này cũng rơi vào tình trạng vỡ nợ và đang phải tìm kiếm các khoản vay bằng nỗ lực phát hành trái phiếu, nhưng điều này cũng không thể đáp ứng nổi các nhu cầu. Quốc hội đã thảo luận về vấn đề này nhưng vẫn không thể cung cấp nguồn vốn mới. Sự sụp đổ của Lincoln Savings đã báo trước một cuộc khủng hoảng. Nói một cách chính xác là không có tiền, chấm hết. CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG TIẾM QUYỀN QUỐC HỘI Vào tháng Hai, Alan Greenspan - chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang - và M. Danny Wall - chủ tịch Cơ quan Giám sát Liên bang về Tài trợ Địa ốc - đã đạt được một thỏa thuận để có được 70 triệu đô-la trực tiếp từ Cục Dự trữ Liên bang nhằm cấp vốn cứu trợ kinh tế cho Lincoln Savings. Đây chính một bước đột phá lớn chưa có trong tiền tệ. Về phương diện lịch sử, Cục Dự trữ Liên bang có vai trò tạo ra tiền chỉ dành cho chính phủ hoặc các ngân hàng. Nếu đó là nguyện vọng của người dân trong việc cứu trợ kinh tế cho một tổ chức tiết kiệm thì việc phê duyệt khoản tiền đó sẽ do Quốc hội quyết định. Trong trường hợp Quốc hội không có tiền hoặc không thể vay mượn được từ dân chúng thì Cục Dự trữ Liên bang có thể tạo ra tiền (dĩ nhiên là từ không khí) và trao nó cho chính phủ. Nhưng trong trường hợp này, Cục Dự trữ Liên bang đang tiếm quyền của Quốc hội và hoàn toàn tự ý đưa ra các quyết định về chính trị. Không có cơ sở nào trong Đạo luật Dự trữ Liên bang cho phép hành động này xảy ra. Thế nhưng, Quốc hội vẫn cứ im lặng, rõ ràng là để cùng tránh tội do sự tê liệt của chính mình. Cuối cùng, tháng Tám năm đó, Quốc hội đã bị bóng ma của FDR ghé thăm và điều khiển mọi hành động. Quốc hội đã thông qua Đạo luật cải cách và Khôi phục Các tổ chức Tài chính (Financial Institutions Reform and Recovery Act - FIRREA) đồng thời phân bổ một khoản tiền tối thiểu trị giá 66 tỷ đô-la cho mười năm tiếp theo, 300 tỷ đô-la cho ba mươi năm sau đó. 225 tỷ đô-la trong số tiền này được lấy từ thuế hoặc lạm phát, còn 75 tỷ đô-la được thu về từ các tổ chức S&L hoạt động hiệu quả. Và đây là đợt cứu trợ kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, thậm chí còn lớn hơn cả tổng chi phí dành cho Lockheed, Chrysler, Penn Central và thành phố New York. Trong quá trình này, FSLIC đã bị loại do thực sự bị vỡ nợ và được thay thế bằng Quỹ Bảo hiểm Hiệp hội Tiết kiệm (Savings Association Insurance Fund). Đồng thời, Quỹ Bảo hiểm Ngân hàng (Banking Insurance Fund) được tạo ra nhằm mục đích bảo vệ các ngân hàng thương mại, và cả hai quỹ này đều do FDIC quản lý. Theo lẽ thường, khi sự kiểm soát lúc trước của chính phủ không thể tạo ra kết quả như mong đợi thì phản ứng của Quốc hội là tăng cường sự kiểm soát đó. Chính vì thế, bốn tầng lớp quan liêu mới đã được bổ sung vào mớ hỗn độn sẵn có: Resolution Trust Oversight Board nhằm thiết lập các chiến lược cho Resolution Trust Corporation - RTC; Resolution Funding Corporation nhằm cấp vốn cho RTC hoạt động; Văn phòng Giám sát Tiết kiệm nhằm giám sát các tổ chức tiết kiệm thậm chí còn nhiều hơn trước đây; và Hội đồng Giám sát dành cho các Ngân hàng cho vay Địa ốc với mục đích dù không rõ ràng nhưng có thể là nhằm đảm bảo rằng các tổ chức S&L tiếp tục hoạt động theo định hướng chính trị về việc trợ cấp cho ngành kinh doanh nhà ở. Khi ký vào dự luật này, Tổng thống Bush đã nói: Quá trình lập pháp này sẽ đảm bảo an toàn và duy trì sự ổn định cho hệ thống tài chính của nước Mỹ cũng như đưa ra những cải cách thường trực để các vấn đề này sẽ không bao giờ xảy ra. Hơn nữa, đối với hàng chục triệu người gửi tiết kiệm và cho vay, điều này cho thấy: “Bạn sẽ không trở thành nạn nhân của những sai lầm nào khác nữa. Chúng ta sẽ thấy đảm bảo rằng các khoản tiền gửi có bảo hiểm của bạn sẽ được an toàn.”[5] CÁC BẢN ĐÁNH GIÁ CHỈ HƠI SAI SÓT MỘT CHÚT Đến giữa năm sau, rõ ràng là khoản tiền 66 tỷ đô-la thực sự không đủ. Lúc này, người phát ngôn của Bộ Tài chính kêu gọi thêm một khoản 130 tỷ đô-la, gần gấp đôi mức dự tính ban đầu. Vậy 130 tỷ đô-la trị giá bao nhiêu? Trong năm 1990, con số này chiếm hơn 30% mức lương của tất cả các giáo viên đang dạy học ở Mỹ, nhiều hơn tổng lợi nhuận của tất cả các công ty thuộc danh sách Fortune-500, đủ khả năng chi trả học phí cho 1,6 triệu sinh viên tại những trường đại học tốt nhất trong bốn năm bao gồm cả chi phí ăn ở. Thậm chí, con số này còn chưa bao gồm chi phí thanh lý vô số tổ chức tiết kiệm thực sự đã bị phá sản hoặc tiền lãi vẫn chỉ được thanh toán bằng những nguồn vốn vay. Chỉ trong vài ngày sau khi thông báo về mức tăng này, Bộ Tài chính đã duyệt lại lần nữa để tăng từ 130 lên 150 tỷ đô-la. Nicholas Brady, Bộ trưởng Tài chính, đã nói với báo giới rằng: “Mọi người đừng nên cho rằng những đánh giá này sẽ không thay đổi. Bản chất của chúng luôn là như thế.” Quả thực, những đánh giá đó tiếp tục thay đổi mỗi tuần. Chính phủ đã phải bán hoặc sáp nhập 223 tổ chức tiết kiệm vỡ nợ trong suốt năm 1988 và đưa ra những đánh giá không đầy đủ về chi phí. Các chuyên gia tài chính như Ronald Perelman và công ty đầu tư Texas có tên là Temple-Inland, Inc. đã chọn được nhiều trong số những tổ chức đó với mức thỏa thuận béo bở, đặc biệt xét trong điều kiện chúng được hưởng các khoản ưu đãi thuế và trợ cấp tiền mặt. Trong khi đó, Danny Wall, người lúc này là chủ tịch Cơ quan Giám sát Liên bang về Tài trợ Địa ốc, đã thông báo rằng những bản thỏa thuận này cốt để “chăm sóc” cho những vấn đề tiết kiệm tồi tệ nhất. Ông cho biết chi phí của đợt cứu trợ kinh tế này là 39 tỷ đô-la. Tờ Wall Street Journal đã đáp lời như sau: Lại sai lầm nữa. Bản nghiên cứu mới - bao gồm các số liệu kiểm toán được FDIC chuẩn bị sẵn, cho thấy rằng, tổng chi phí của cái gọi là “Class of ’88” sẽ dao động từ 90 đến 95 tỷ đô-la, bao gồm các lợi ích về thuế dành cho người mua và số tiền lãi lớn từ khoản nợ của chính phủ để cấp vốn cho sự hỗ trợ này… Tuy nhiên, sai lầm đắt giá nhất của những cuộc cứu trợ tiết kiệm năm 1988 có vẻ như không làm cho các ông trùm trở nên giàu có hơn. Thay vào đó, không có bản thỏa thuận nào đạt được hoặc thậm chí hạn chế chính phủ khỏi sự quản lý sai lầm của những người chủ sở hữu mới, các khoản lỗ ngầm về bất động sản trước đây hoặc những thăng trầm của thị trường bất động sản trong tương lai… Còn một số thỏa thuận có vẻ như là các giao dịch không thật, trong đó, các tổ chức vỡ nợ được bán sang cho các tổ chức vỡ nợ khác, cứ quay vòng như vậy… Mặc dù các tổ chức tiết kiệm được chứng minh là tồi tệ hơn nhiều so với đánh giá của Hội đồng Ngân hàng nhưng Ngài Wall vẫn bảo vệ chiến lược của mình trong việc giải cứu những tổ chức này bằng sự trợ giúp không giới hạn. Ông ta nói: “Chúng ta không có đủ tiền để thanh lý.”[6] Năm trước đó, khi Quốc hội thông qua FIRREA để “bảo vệ và bình ổn hệ thống tài chính của nước Mỹ”, số tiền đáng kinh ngạc lên đến 300 tỷ đô-la đã được phép rút ra từ các khoản thuế và lạm phát trong suốt ba mươi năm “kéo cày” của dân chúng. Lúc này, Alan Greenspan - chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang - nói rằng chi phí thực sự về lâu dài sẽ đạt đến 500 tỷ đô-la, một số tiền thậm chí còn lớn hơn so với các khoản cho vay dành cho tất cả các nước thuộc Thế giới Thứ ba. Nhưng con số này vẫn còn quá thấp. Theo nghiên cứu riêng của Veribank, Inc., khi tính gộp tất cả các chi phí ngầm, tờ hóa đơn được trình diện trước người dân Mỹ sẽ vào khoảng 532 tỷ đô-la.[7] Vấn đề mà Tổng thống Bush đã hứa sẽ “không bao giờ xảy ra” lúc này đang xảy ra. TRÒ ẢO THUẬT KẾ TOÁN Trước thời điểm này rất lâu, thị trường bất động sản bắt đầu co lại, nhiều khoản thế chấp đã vượt quá giá trị thực của tài sản được cầm cố. Hơn nữa, mức lãi suất thị trường tăng cao hơn so với mức lãi suất được ấn định trong hầu hết các khoản vay S&L khiến cho giá trị của những khoản thế chấp đó bị giảm. Giá trị thực của khoản thế chấp trị giá 50.000 đô-la đang trả lãi 7% chỉ bằng nửa khoản thế chấp 50.000 đô-la đang được hưởng lãi 14%. Vì vậy, những người bảo vệ dân chúng đã bày ra một mưu đồ để cho phép các tổ chức S&L định giá tài sản của mình theo giá trị khoản vay gốc thay vì theo giá trị thị trường thực sự. Điều này đã hỗ trợ được phần nào nhưng nhu cầu tiền bạc vẫn còn nhiều. Bước tiếp theo là tạo ra tài sản từ không khí bằng nghiệp vụ kế toán. Điều này được thực hiện bằng cách cho phép các tổ chức S&L đưa ra giá trị tiền tệ dựa trên “lợi thế thương mại” của cộng đồng! Và chỉ bằng một nét bút, các trọng tài kinh tế đã tạo ra 2,5 tỷ đô-la tài sản như vậy, còn những người chơi vẫn tiếp tục cuộc chơi. Sau đó, FSLIC bắt đầu phát hành “các chứng chỉ giá trị tài sản ròng” - những thứ về cơ bản được dựa trên lời hứa cứu trợ kinh tế cho các tổ chức S&L đang làm ăn thua lỗ nếu có yêu cầu. Chính phủ đã hứa sẽ thực hiện điều đó, nhưng bằng cách in ra các mẩu giấy và gọi chúng là “chứng chỉ giá trị tài sản ròng”, đồng thời cho phép các tổ chức S&L xem chúng như tài sản trong sổ sách kế toán. Những lời hứa như vậy cũng là tài sản, nhưng vì các quỹ tiết kiệm này sẽ bị buộc phải trả lại bất kỳ khoản tiền nào nhận được từ sự cứu trợ kinh tế nên những khoản tiền hoàn trả này cũng được đưa vào sổ sách kế toán như những khoản nợ phải trả. Vị thế ròng sẽ không hề thay đổi. Cách duy nhất để có thể xem những chứng chỉ này như tài sản mà không cần bổ sung thêm các khoản nợ phải trả là để các lời hứa cứu trợ kinh tế trở thành những món quà công khai không bao giờ có nghĩa vụ phải hoàn trả. Đó có thể là kết quả cuối cùng nhưng lại không theo cách như kế hoạch đã đề ra. Trong bất kỳ trường hợp nào, các quỹ tiết kiệm đều biết rằng, những mẩu giấy này có thể tính thành vốn, cũng giống như việc các chủ sở hữu bỏ tiền mặt của mình ra. Và trò chơi vẫn tiếp tục. Khoảnh khắc của sự thật xuất hiện khi các tổ chức S&L phải thanh lý một số cổ phần của mình như bán các khoản thế chấp hoặc những ngôi nhà bị tịch thu thế nợ cho các tổ chức S&L khác, ngân hàng thương mại hoặc đối tác tư nhân. Đó là khi giá trị sổ sách kế toán bị thổi phồng sẽ được chuyển thành giá trị thị trường thực tế và khoản chênh lệch phải được nhập vào sổ cái như khoản lỗ. Dennis Turner đã giải thích như sau: FSLIC cho phép tổ chức S&L nào bán khoản thế chấp đó được nhận khoản lỗ trong thời hạn 40 năm. Hầu hết các công ty bán tài sản theo mức lỗ phải chịu lỗ ngay lập tức: chỉ có các tổ chức S&L mới có thể tham gia vào sự gian lận độc quyền này. Hai tổ chức S&L sắp vỡ nợ có thể bán các khoản thế chấp lợi tức thấp nhất cho nhau và cả hai sẽ gia tăng giá trị tài sản ròng của mình! Phương pháp tính toán sổ sách không trung thực này trong hệ thống ngân hàng được phê duyệt bởi các cơ quan điều hành cao nhất.[8] Và tờ U.S. News & World Report tiếp tục bình luận: Ngày nay, kết quả hoạt động của các hiệp hội tiết kiệm-và-cho vay - những con số tồn tại chủ yếu nhờ những mánh lới kế toán - liên tục xuất hiện những khoản lỗ lớn… chỉ một phần nhỏ trong tổng giá trị tài sản ròng của ngành là tài sản hữu hình, chẳng hạn như các văn tự thế chấp. Những tài sản hữu hình, kể cả các bút toán như lợi thế thương mại, sẽ bù lại cho gần như toàn bộ giá trị tài sản ròng ước tính 37,6 tỷ đô-la của ngành.[9] CÁC MÁNH LỚI KẾ TOÁN KHÔNG PHẢI LÀ SỰ GIAN LẬN Chúng ta phải luôn nhớ rằng một tổ chức được quản lý tốt sẽ không bao giờ thừa nhận những kiểu rủi ro hoặc phương kế này là sự gian lận trong sổ sách kế toán nếu còn muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh lâu dài. Nhưng với đường lối chỉ dẫn và sự bảo trợ của Washington trong việc bù đắp cho các khoản lỗ, nhà quản lý sẽ bị sa thải nếu anh ta không biết nắm bắt cơ hội. Cuối cùng, Quốc hội dõng dạc tuyên bố ỔN RỒI khi điều đó đã được thông qua thành luật. Đây là những kẽ hở được tạo ra để áp dụng. Giáo sư Edward Kane giải thích: Bản thân sự dối trá không cấu thành hành động gian lận bất hợp pháp khi nó được phép thực hiện bởi một hệ thống kế toán, chẳng hạn như Các nguyên tắc kế toán chung (Generally Accepted Accounting Principles - GAAP) - hệ thống cho phép các tổ chức bỏ qua việc ghi chép các tài sản theo giá trị thực mà thay vào đó là giá trị bị thổi phồng của chúng. Hệ thống các nguyên tắc kế toán điều chỉnh năm 1980 thậm chí còn bổ sung thêm nhiều lựa chọn mới đối với nguồn vốn nước ngoài… Như chúng ta đã thấy ở những hãng này, sự đầu cơ lớn không nhất thiết là do sự quản lý tồi. Trong hầu hết những trường hợp này, đó là cách quản lý hết sức thông minh. Có những canh bạc hết sức thông minh được khai thác, không phải của những người gửi tiền hoặc những người gửi tiết kiệm mà là những người nộp thuế.[10] Báo chí từng đồn thổi nhiều về vai trò của sự gian lận bất hợp pháp trong những vấn đề này bằng cách dành nhiều thời gian chỉ trích những trường hợp như vụ Donald Dixon ở Vernon S&L và Charles Keating của Lincoln Savings. Và thực tế là những thất bại này đã tiêu tốn của người nộp thuế hơn 3 tỷ đô-la, song cho tới giờ, tất cả sự gian lận này đã chuyển những khoản tiền đó thành 0,5% trên tổng các khoản lỗ.[11] Việc tập trung vào tỷ lệ phần trăm nhỏ nhoi đó nhằm gây xao lãng và khiến mọi người nghĩ rằng vấn đề thực sự nằm ở quy định của chính phủ. TRÁI PHIẾU TẠP NHƯNG KHÔNG TẠP Phần khác nữa của việc gây xao lãng là khiến cho mọi người nghĩ rằng những quỹ tiết kiệm này gặp vấn đề là bởi chúng đã đầu tư rất nhiều vào “trái phiếu tạp”. Nhưng gượm đã! Vậy trái phiếu tạp là gì? Câu trả lời có thể khiến chúng ta ngạc nhiên nhưng những thứ mà các tổ chức S&L đang nắm giữ chỉ là những tờ giấy vô giá trị. Trên thực tế, xét về tỷ suất rủi ro/lợi nhuận thì hầu hết chúng đều là những khoản đầu tư lớn quan trọng của các công ty thuộc danh sách Fortune-500. Trái phiếu tạp chỉ là những loại giấy được phát hành bởi các công ty nhỏ hơn - những đơn vị thực sự không đủ lớn để được xếp cùng với những gã khổng lồ của quốc gia. Trong khi đó, các nhà tái đầu tư lớn như các nhà quản lý của các quỹ tương hỗ hoặc quỹ hưu trí, lại rất thích đầu tư vào những tên tuổi nổi tiếng như General Motors hay IBM. Họ cần phải đầu tư những khoản tiền vô cùng lớn mỗi ngày trong khi các công ty nhỏ hơn thì không có đủ khả năng để thỏa mãn những yêu cầu đó. Kết quả là, nhiều cổ phiếu và trái phiếu của những công ty nhỏ hơn không được giao dịch trên Sàn Giao dịch chứng khoán New York, mà chỉ ở những sàn giao dịch nhỏ hơn hoặc trực tiếp giữa các nhà môi giới theo kiểu gọi là “chứng khoán phi tập trung” (Over The Counter - OTC). Do không có lợi thế được giao dịch trên các sàn lớn hơn nên loại chứng khoán này phải trả mức lãi suất cao hơn nhằm thu hút các nhà đầu tư và vì thế nên thường được gọi là trái phiếu lợi tức cao. Trái phiếu do những công ty này phát hành bị một số nhà môi giới cho là “không đáng tin cậy để đầu tư” cho dù nhiều công ty trong số đó thực sự làm ăn rất tốt. Trên thực tế, những công ty này trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế Mỹ bởi chúng là xương sống của ngành kinh doanh mới. Những công ty thành công nhất trong tương lai sẽ được tìm thấy trong số này. Trong suốt mười năm qua, trong khi các công ty thuộc danh sách Fortune-500 đang ngày càng ít đi và làm mất khoảng 3,6 triệu việc làm thì phân khúc này của ngành kinh doanh mới lại tăng trưởng và tạo ra 18 triệu việc làm mới. Tất nhiên, không phải tất cả các công ty mới đều là nơi đầu tư tốt - cũng như các công ty cũ - song lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ thường tạo ra nhiều việc làm hơn, thu được lợi nhuận biên lớn hơn và trả được nhiều cổ tức hơn so với những công ty được gọi là “đáng tin cậy để đầu tư”. Từ năm 1981 đến năm 1991, lợi nhuận trung bình trên các tín phiếu có thời hạn mười năm là 10,4%, mức trung bình theo chỉ số công nghiệp Dow Jones là 12,9% và lợi nhuận trung bình của cái gọi là trái phiếu tạp là 14,1% . Nhờ mức lợi tức cao hơn nên các công ty này đã thu hút được hơn 180 tỷ đô-la từ những nhà đầu tư có hiểu biết, một vài trong số đó là các tổ chức S&L. Về cơ bản, đây là một thị trường mới mẻ được hình thành bởi Michael Milken - một kẻ mới phất thuộc hãng môi giới Drexel Burnham Lambert có trụ sở tại California. NGUỒN VỐN TĂNG MẠNH MÀ KHÔNG CẦN TỚI CÁC KHOẢN VAY NGÂN HÀNG HOẶC LẠM PHÁT Một trong những mối bận tâm chính tại đảo Jekyll vào năm 1910 chính là xu hướng tìm kiếm nguồn vốn phát triển kinh doanh từ các nguồn khác ngoài các khoản vay lãi ngân hàng. Bảy mươi năm sau, xu hướng này đang phát triển trở lại dưới một hình thức hơi khác. Lúc này, nguồn vốn, đặc biệt dành cho các công ty nhỏ, được trích từ các trái phiếu mà Drexel tìm cách đưa ra thị trường đại chúng. Trên thực tế, ngay cả Drexel cũng đủ khả năng sử dụng những trái phiếu đó để tiến hành những cuộc tiếp quản công ty - hành động chỉ dành cho những hãng đầu tư địa ốc lớn. Vào năm 1986, Drexel đã trở thành ngân hàng đầu tư có lãi nhất nước Mỹ. Lúc này, khoản tiền 180 tỷ đô-la không còn phải thông qua kênh cung cấp là Phố Wall mà được lấy ra từ những khoản tiết kiệm của người dân thay vì những khoản tiền được các ngân hàng tạo ra từ không khí. Hay nói cách khác, đây là mức tăng trưởng dựa trên khoản tiền đầu tư thực sự chứ không phải do lạm phát và điều đó khiến một số người không thấy vui vẻ cho lắm. Glenn Yago, Giám đốc Cục Nghiên cứu Kinh tế và Giảng viên về Quản lý của trường Đại học Quốc gia New York tại Stony Brook, giải thích vấn đề như sau: Điều này đã không xảy ra cho tới khi các chứng khoán lợi tức cao được áp dụng đối với việc tái cơ cấu thông qua các hoạt động giải thể và tiếp quản làm bùng nổ những hành động chống lại thị trường trái phiếu rác… Thị trường lợi tức cao vẫn tăng trưởng nhờ các khoản nợ ngân hàng và các công ty lợi tức cao vẫn phát triển nhờ sự lãnh đạo của nhiều hãng có uy tín lâu năm. Như Peter Passell đã giải thích trên tờ The New York Times, ảnh hưởng này đã được cảm nhận lần đầu ở Phố Wall, “nơi khả năng xoay chuyển tình thế nhanh nhạy và kiến thức về các bảng biểu máy tính đột nhiên trở nên quan trọng hơn so với một khứu giác nhạy bén trong lĩnh vực sản xuất rượu hoặc một tấm thẻ thành viên thuộc hội Skull và Bones(*).”[12] Đợt tấn công đầu tiên vào thị trường mới của những trái phiếu lợi tức cao này diễn ra bằng cách gọi chúng là trái phiếu “rác”. Chính bản thân từ này đã gây ra tác động mạnh mẽ. Các phương tiện truyền thông tài chính đã sử dụng nó còn các nhà đầu tư thì sợ hãi tránh xa nó. Bước tiếp theo là yêu cầu các chính trị gia dễ dãi thông qua một điều luật buộc các tổ chức S&L phải tống khứ ngay thứ “rác” này để bảo vệ dân chúng. Việc cho rằng đây là một trò lừa bịp được chứng minh bởi thực tế rằng chỉ có 5% trong tổng số các tổ chức S&L từng nắm giữ những trái phiếu này và con số đó chỉ chiếm 1,2% tổng số tài sản của toàn bộ các tổ chức S&L. Hơn nữa, những trái phiếu này đang hoạt động khá hiệu quả và trở thành một nguồn thu nhập quan trọng. Tuy nhiên, theo Đạo luật cải cách và Khôi phục Các tổ chức Tài chính được thông qua năm 1989 - nội dung từng được thảo luận trước đó, các tổ chức S&L bị buộc phải thanh lý ngay lập tức những tờ trái phiếu “rác” mà họ đang nắm giữ. Điều này khiến cho giá của các trái phiếu này giảm mạnh còn các quỹ tiết kiệm thậm chí trở nên yếu kém hơn khi phải chấp nhận một khoản lỗ từ vụ mua bán đó. Jane Ingraham bình luận: Chỉ qua một đêm, các tổ chức S&L làm ăn có lãi bỗng trở thành những chiếc thùng chứa rác nằm trong tay Công ty Tín thác (Resolution Trust Corporation - RTC). Để làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, chính bản thân RTC, nơi sở hữu số lượng trái phiếu rác lớn nhất quốc gia… đã làm tràn ngập thị trường lần nữa với 1,6 tỷ đô-la trái phiếu của mình theo mức giá thấp nhất thị trường vào năm 1990… Như thế, bản thân chính phủ đã phá vỡ thị trường trái phiếu rác chứ không phải Michael Milken, cho dù Milken - người đã bị bỏ tù - cùng với các cựu viên chức khác của Drexel Burnham Lambert chỉ đồng ý thanh toán 1,3 tỷ đô-la cho hàng trăm vụ kiện cáo chống lại họ từ các nhà điều hành chính phủ, các nhà đầu tư bị thiệt hại và những người đang đòi lại “sự công bằng”.[13] Thật tình cờ là những trái phiếu đã phục hồi kể từ thời điểm đó, và nếu vẫn được phép lưu giữ chúng thì hẳn các tổ chức S&L hiện đã ở vào điều kiện tài chính tốt hơn và chính RTC cũng được như vậy. Với những kẻ mới phất theo cách khác thường ở California thì việc đơn giản là mua sạch các trái phiếu bị từ bỏ này với mức giá hời và sau đó khôi phục sự kiểm soát của Phố Wall đối với thị trường mới. Ví dụ như hãng Salomon Brothers ở New York, một trong những đơn vị chỉ trích Drexel nhiều nhất trong thập niên 1980, hiện đang là hãng giao dịch hàng đầu trên chính thị trường mà Drexel đã tạo ra. VẤN ĐỀ THỰC SỰ NẰM Ở QUY ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ Vì vậy, vấn đề thực sự trong ngành kinh doanh tiết kiệm-và-cho vay chính là quy định của chính phủ - điều đã cách ly nó ra khỏi thị trường tự do và khuyến khích tham gia vào các hoạt động kinh doanh không thích đáng. Như tờ The Wall Street Journal số ra ngày 10 tháng Ba năm 1992 đã khẳng định: Nếu định hủy hoại một doanh nghiệp có quy mô như ngành Tiết kiệm của Mỹ thì bạn phải có nhiều quyền lực hơn những gì Michael Milken từng có. Bạn cần phải có quyền lực chính trị quốc gia, kiểu quyền lực mà chỉ có các nhà điều hành chính phủ và Quốc hội nắm giữ. Những gì “kiềm hãm” Milken hoặc các trái phiếu tạp đều có thể xảy ra đối với các tổ chức S&L, điều đó chẳng là gì so với những sự can thiệp của Quốc hội.[14] Tại thời điểm cuốn sách này chuẩn bị phát hành, số lượng các tổ chức S&L hoạt động trong suốt những năm 80 đã giảm xuống còn non nửa. Khi số lượng các vụ phá sản, sáp nhập và chuyển đổi thành ngân hàng vẫn còn tiếp diễn thì con số đó sẽ càng giảm hơn nữa. Những đơn vị còn sót lại được chia thành hai nhóm: nhóm độc lập và nhóm được RTC tiếp quản. Tuy nhiên, hầu hết những tổ chức thuộc sự kiểm soát tư nhân đó - và đây là điều khoản liên quan trong phạm vi những quy định mà họ phải tuân thủ - đang dần chuyển sang trạng thái hoạt động mạnh mẽ nhờ sự cải thiện về lợi nhuận, chất lượng tài sản và nguồn vốn. Ngược lại, các tổ chức hoạt động được RTC tiếp quản vẫn tiếp tục “chảy máu” vì Quốc hội không thể cấp vốn để đóng cửa và giúp họ trả nợ. Các khoản lỗ của nhóm này vẫn đang bổ sung thêm 6 tỷ đô-la mỗi năm vào chi phí cứu trợ kinh tế. Tổng thống Clinton đã yêu cầu Quốc hội hỗ trợ thêm một khoản tiền trị giá 45 tỷ đô-la và hàm ý rằng đây là đợt cứu trợ cuối cùng - nhưng chẳng hề hứa chắc. Trò chơi vẫn tiếp diễn. QUỐC HỘI BỊ TÊ LIỆT VỚI LÝ DO HỢP LÝ Quốc hội dường như không vụ lợi và bị tê liệt do thiếu hoạt động. Theo lẽ thường, mọi người sẽ trông đợi các chính trị gia lên tiếng yêu cầu một cuộc điều tra trên quy mô lớn về thảm họa đang xảy ra, vậy mà chẳng có chút động tĩnh nào. Nguyên nhân trở nên rõ ràng khi mọi người nhận ra rằng các hiệp hội tiết kiệm-và-cho vay, ngân hàng và các tổ chức hoạt động theo quy định của liên bang là những đơn vị đóng góp tích cực vào các chiến dịch tranh cử cho những người “sáng tác” ra các đạo luật, và như vậy, một cuộc điều tra tỉ mỉ chắc chắn sẽ làm sáng tỏ một số mối quan hệ tốt đẹp mà các nhà lập pháp chỉ muốn giữ kín. Lý do thứ hai là bất kỳ cuộc điều tra trung thực nào cũng ngay lập tức bóc trần sự thật gây sốc rằng chính Quốc hội là nguyên nhân cốt lõi của vấn đề. Bởi đi theo con đường chủ nghĩa xã hội và nhất mực cho rằng phải bảo vệ hoặc làm lợi cho khu vực bầu cử của mình, Quốc hội đã trì hoãn và vi phạm các quy luật tự nhiên định hướng nền kinh tế thị trường tự do. Trong quá trình thực hiện điều đó, Quốc hội đã tạo ra một con quái vật Frankenstein mà chính mình cũng không thể kiểm soát nổi. Họ càng tìm cách thuần phục nó thì nó lại càng trở nên hung hãn hơn. Như nhà kinh tế học Hans Sennholz đã quan sát: Nguyên nhân thực sự của tai họa này là do cơ cấu tài chính được hình thành theo khuôn mẫu của các nhà lập pháp và được thực hiện theo sự chỉ dẫn của các nhà điều chỉnh; họ cùng tạo ra một liên minh, thứ giống như tất cả các tổ chức độc quyền khác, đang gieo rắc tai họa lên những nạn nhân của nó.[15] MỘT LIÊN MINH BÊN TRONG MỘT LIÊN MINH Sennholz đã rất chính xác khi chọn cụm từ: liên minh ngân hàng. Ngành kinh doanh tiết kiệm-và-cho vay thực sự là một liên minh bên trong một liên minh lớn hơn. Liên minh này không thể hoạt động nếu không có sự bảo trợ của Quốc hội với những nguồn tiền vô tận. Và Quốc hội cũng không thể làm được điều đó nếu không có liên minh ngân hàng với tên gọi Hệ thống Cục Dự trữ Liên bang như “người cho vay cứu cánh cuối cùng” nhằm tạo ra tiền từ không khí cho Quốc hội vay mượn. Sự thỏa thuận tiện lợi này giữa các nhà nghiên cứu chính trị và các nhà nghiên cứu tiền tệ cho phép Quốc hội ủng hộ cho bất kỳ phương sách nào theo ý muốn mà không phải bận tâm đến chi phí. Bởi các chính trị gia sẽ bị mất việc nếu tìm cách tăng khoản tiền đó thông qua các khoản thuế. Nhưng nếu họ có đủ khả năng “mượn” tiền từ Cục Dự trữ Liên bang dựa trên nhu cầu thì lại hoàn toàn hợp lệ nhờ thông qua cơ chế ngầm của lạm phát mà không một cử tri nào có thể than phiền về điều đó. Những quỹ tiết kiệm trên dần trở thành những đứa con lai bất hợp pháp của Âm mưu này và đó chính là lý do vì sao câu chuyện tiết kiệm-và-cho vay lại được bàn đến trong nghiên cứu này. Nếu nước Mỹ vẫn tiếp tục tồn tại như một quốc gia tự do thì các công dân của nó phải được học về chính trị nhiều hơn so với hiện nay. Với tư cách một công dân, chúng ta phải học cách tránh được củ cà-rốt chính trị đung đưa trước mắt mình. Giống như khao khát của mọi người về việc có được một ngôi nhà của riêng mình, chúng ta phải hiểu rằng các chương trình của chính phủ đang làm ra vẻ thực hiện điều đó nhưng thực chất là đang tàn phá hệ thống của chúng ta và chỉ mang lại điều trái ngược với những gì đã hứa. Sau 60 năm trợ cấp và điều chỉnh ngành kinh doanh nhà ở, hiện có bao nhiêu người trẻ tuổi thực sự có thể sở hữu được một ngôi nhà? Việc thích ứng theo các quy luật cung cầu, cộng thêm khoản thuế ngầm được gọi là lạm phát để trả cho quá trình thích ứng đó đã đẩy giá cả lên cao vượt khỏi tầm với của nhiều người và quét sạch các khoản tiền đặt cọc của những người khác. Nếu không có những chi phí như thế, người dân hẳn đã có nhiều tiền hơn đồng thời có nhiều sức mua hơn so với hiện nay, và chắc chắn nhà ở sẽ nằm trong tầm tay của họ. TỔNG KẾT Những vấn đề hiện nay của chúng ta trong ngành kinh doanh tiết kiệm-và-cho vay có thể xuất phát từ Cuộc Đại suy thoái trong thập niên 30. Người dân Mỹ cho rằng hoàn toàn hợp lý khi chính phủ mang lại lợi ích và bảo vệ cho các công dân của mình trước những khó khăn về kinh tế. Dưới thời của Hoover và Roosevelt, các cơ quan mới của chính phủ được thành lập để bảo vệ các khoản tiền gửi trong các tổ chức S&L và trợ cấp các khoản thế chấp nhà ở dành cho tầng lớp thượng lưu. Chính những biện pháp này đã bóp méo luật cung cầu và khiến cho ngành kinh doanh địa ốc chuyển từ thị trường tự do sang vũ đài chính trị. Một khi mô hình can thiệp của chính phủ đã được thiết lập thì hàng loạt quy định và điều lệ bất di bất dịch của liên bang sẽ bắt đầu, đây là nguồn lợi nhuận “từ trên trời rơi xuống” dành cho các nhà quản lý, các nhà định giá, môi giới, phát triển và xây dựng. Chúng cũng làm suy yếu ngành kinh doanh này bằng việc cổ vũ cho những biện pháp kinh doanh không chính đáng cùng với những khoản đầu tư rủi ro cao. Khi những dự án đó thất bại và giá trị của bất động sản bắt đầu tụt giảm, nhiều tổ chức S&L bị phá sản. Quỹ bảo hiểm liên bang cũng ngay lập tức bị rút cạn và chính phủ buộc phải đối mặt với lời hứa cứu trợ kinh tế cho những công ty này nhưng lại không có nổi một cắc để làm điều đó. Câu trả lời của các nhà điều chỉnh luật là tạo ra những mánh lới kế toán để các quỹ tiết kiệm bị vỡ nợ có thể tiếp tục hoạt động như bình thường. Điều này đã trì hoãn tình trạng không thể tránh khỏi và làm cho vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn. Các tổ chức S&L vỡ nợ tiếp tục lỗ hàng tỷ đô-la mỗi tháng và làm tăng rõ rệt chi phí cứu trợ kinh tế, những thứ cuối cùng sẽ do người dân chi trả thông qua các khoản thuế và lạm phát. Khoản chi phí cuối cùng đó được ước lượng hơn một nghìn tỷ đô-la. Trong bối cảnh đó, Quốc hội dường như không có khả năng hành động và giữ thái độ im lặng một cách kỳ lạ. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Nhiều đại biểu và thượng nghị sĩ là những người hưởng lợi từ các khoản ủng hộ đầy hào phóng của các tổ chức S&L. Nhưng có lẽ lý do quan trọng hơn cả là vì bản thân Quốc hội là thủ phạm chính trong tội ác này. Trong cả hai trường hợp, các chính trị gia chỉ thích nói về những điều khác mà thôi. Xét theo quan điểm rộng lớn hơn thì ngành kinh doanh S&L chính là một liên minh bên trong một liên minh. Sự thất bại này hẳn đã không xảy ra nếu không có sự hậu thuẫn của một tổ chức lũng đoạn mang tên Hệ thống Cục Dự trữ Liên bang để tạo ra những khoản tiền cứu trợ kinh tế vô cùng lớn từ sự cam kết của Quốc hội. (*) “Skull and Bones” là một tổ chức bí mật được thành lập tại trường Đại học Yale ở New Haven, Connecticut, Hoa Kỳ vào năm 1832 với sự tham gia của các nhân vật có thế lực vô cùng mạnh mẽ.