Những Âm Mưu Từ Đảo Jekyll - Chương 05

Chương 5 GẦN HƠN VỚI MONG ƯỚC Cuộc họp năm 1944 tại Bretton Woods, New Hampshire, nơi những con người theo chủ nghĩa xã hội lỗi lạc nhất của thế giới đã lập ra Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund - IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) như những cơ chế nhằm loại bỏ vàng ra khỏi lĩnh vực tài chính thế giới; chương trình nghị sự ngầm ẩn sau IMF/Ngân hàng Thế giới chính là việc xây dựng chủ nghĩa xã hội thế giới; vai trò của Cục Dự trữ Liên bang trong việc thực hiện điều này. Như chúng ta đã thấy, trò chơi có tên gọi Sự cứu trợ kinh tế từng được diễn đi diễn lại trong hành động giải cứu các tập đoàn lớn, ngân hàng nội địa và các tổ chức tiết kiệm-và-cho vay dưới cái mác là những biện pháp cần thiết để bảo vệ dân chúng. Tuy nhiên, kết quả hoàn toàn ngược lại. Dân chúng đã bị bóc lột hàng tỷ đô-la để sung công thông qua các khoản thuế và lạm phát. Khoản tiền này được dùng để bù đắp cho các khoản thua lỗ - những thứ đáng ra phải được thanh toán bởi các công ty và ngân hàng vỡ nợ như một khoản tiền phạt cho cách thức quản lý yếu kém và gian lận. Trong khi điều này diễn xảy ra trên “sân nhà” của chúng ta thì một trò chơi tương tự cũng đang được chơi trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, có hai sự khác biệt cơ bản. Một là khoản tiền đặt cược trong trò chơi quốc tế phải lớn hơn nhiều. Thông qua một mớ hỗn tạp gồm các khoản cho vay, trợ cấp và tài trợ, Cục Dự trữ Liên bang đang trở thành “người cho vay cứu cánh cuối cùng” cho hầu như cả hành tinh này. Sự khác biệt thứ hai là, thay vì tuyên bố là những nhà bảo vệ dân chúng, những người chơi đã tô điểm thêm cho bộ cánh của mình thành Những vị cứu tinh của Thế giới. BRETTON WOODS: CUỘC TẤN CÔNG VÀO VÀNG Cuộc chơi bắt đầu tại một cuộc họp quốc tế của các chuyên gia tài chính, chính trị gia và các nhà lý luận diễn ra vào tháng Bảy năm 1944 tại Khách sạn Mount Washington ở Bretton Woods, New Hampshire. Cuộc họp này chính thức được gọi là Hội nghị Tài chính và Tiền tệ Liên Hợp quốc nhưng ngày nay thường được nhắc đến một cách đơn giản là Hội nghị Bretton Woods. Hai tổ chức quốc tế đã được tạo ra tại cuộc họp này: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund - IMF) và tổ chức anh em với nó - Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (International Bank for Reconstruction and Development), thường được gọi là Ngân hàng Thế giới (World Bank). Mục đích của những tổ chức này thực sự đáng khâm phục. Ngân hàng Thế giới có nhiệm vụ tạo ra các khoản vay cho các quốc gia kém phát triển và bị chiến tranh tàn phá nhằm giúp họ xây dựng nền kinh tế vững mạnh hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là tổ chức thúc đẩy sự hợp tác tiền tệ giữa các quốc gia bằng việc duy trì mức tỷ giá hối đoái cố định giữa các loại tiền tệ. Song cách thức đạt được những mục tiêu này lại chẳng đáng khâm phục chút nào vì đã chấm dứt việc sử dụng vàng làm cơ sở để trao đổi tiền tệ quốc tế và thay vào đó là chế độ bản vị tiền giấy do chính trị thao túng. Hay nói cách khác, nó cho phép chính phủ các nước thoát khỏi sự cương tỏa của vàng để có thể tạo ra tiền từ không khí mà không phải trả những khoản tiền phạt về việc để cho đồng tiền của mình mất giá trên thị trường thế giới. Trước hội nghị này, tiền tệ được trao đổi theo giá trị vàng và hình thức trao đổi đó được gọi là “chế độ bản vị hối đoái vàng”. Tuy nhiên, không giống như “chế độ bản vị vàng”, nơi tiền tệ được bảo đảm bằng vàng, ở “chế độ bản vị hối đoái vàng”, tỷ lệ hối đoái giữa các loại tiền tệ khác nhau - hầu hết trong số đó đều không được bảo đảm bằng vàng - thường được xác định bằng số lượng vàng mà chúng có thể mua được trên thị trường tự do. Do đó, các giá trị của chúng được thiết lập theo nguyên tắc cung-cầu. Các chính trị gia và các ông chủ ngân hàng rất ghét chế độ bản vị hối đoái vàng vì nó nằm ngoài khả năng tính toán của họ. Trong quá khứ, “chế độ bản vị vàng” từng có vai trò như một cơ chế đặc biệt hiệu quả nhưng đòi hỏi một sự chấp hành kỷ luật nghiêm khắc. Theo quan sát của John Kenneth Galbraith: Những thỏa thuận tại Bretton Woods đã tìm cách giữ lại lợi thế của bản vị vàng - những loại tiền tệ nào được trao đổi thành vàng theo tỷ lệ ổn định và có thể dự đoán được cũng có thể trao đổi được với nhau theo tỷ lệ ổn định và có thể - dự đoán được. Và cũng chính vì điều này nên hội nghị đã tìm cách giảm thiểu hình phạt do bản vị vàng gây ra cho những quốc gia nhập khẩu quá nhiều, xuất khẩu quá ít và do đó đang đánh mất vàng.[1] Phương thức được áp dụng để thực hiện điều này cũng chính là phương thức được vạch ra tại đảo Jekyll nhằm cho phép các ngân hàng Mỹ tạo ra tiền từ không khí mà không phải trả khoản tiền phạt về việc để cho các ngân hàng khác làm mất giá đồng tiền của mình. Đó là sự thành lập của một ngân hàng trung ương thế giới nhằm tạo ra tiền pháp định chung cho tất cả các quốc gia và sau đó yêu cầu họ cùng gây lạm phát với tỷ lệ ngang nhau. Như thế, sẽ phải có một quỹ bảo hiểm quốc tế đẩy lượng tiền pháp định đó tới bất kỳ quốc gia nào đang tạm thời cần đến nó để dùng vào việc đối phó với “sự rút tiền ồ ạt” của mình. Tuy nhiên, quỹ này không được sinh ra với tất cả các tính năng được phát triển đầy đủ, cũng giống như Cục Dự trữ Liên bang đã không được phát triển hoàn chỉnh khi xuất hiện lần đầu. Tuy nhiên, đó là kế hoạch và đã được giới thiệu với tất cả các cơ cấu thích hợp. Những nhà lý luận đã phác thảo ra kế hoạch này chính là John Maynard Keynes[2], nhà kinh tế học nổi tiếng theo chủ nghĩa Pha-Biên đến từ Anh quốc và Harry Dexter White, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ. HỘI PHA-BIÊN Những người theo chủ nghĩa Pha-Biên lúc đầu là một nhóm trí thức tinh anh - những người cùng sáng lập ra một tổ chức bán công khai nhằm giới thiệu chủ nghĩa xã hội với thế giới thông qua hình thức tuyên truyền và hợp pháp hóa từ từ. Để nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa tiệm tiến, những người theo chủ nghĩa Pha-Biên đã thống nhất chọn con rùa làm biểu tượng cho hoạt động của mình. Ba nhà lãnh đạo lỗi lạc nhất trong những ngày đầu của hội này là Sidney, Beatrice Webb và George Bernard Shaw. Ngày nay, trên cánh cửa sổ bằng kính tại tòa nhà của Beatrice Webb ở Surrey, Anh là những dòng chữ đặc biệt mang tính khai sáng, phía trên là câu thơ cuối cùng trong khổ thơ của Omar Khayyam: Dear love, couldst thou and I with fate conspire To grasp this sorry scheme of things entire, Would ive not shatter it to bits, and then Remould it nearer to the heart’s desire! Tạm dịch: Ái tình ơi, dẫu hai ta có tạo ra số phận Thì vẫn phải nhịn cho thấu sự buồn đi Cho dù sẽ không vỡ tan ra trăm mảnh Để gần hơn với giấc mơ! Ngay dưới câu thơ Để gần hơn với giấc mơ! là bức họa vẽ Shaw cùng Webb đang cầm búa gõ vào Trái đất. Phía dưới cùng là đám đông đang quỳ gối thờ phụng một chồng sách. Quay hướng về đám dân chúng dễ bảo này là H.G. Wells - người về sau đã rời khỏi hội Pha-Biên và lên án họ như “những kẻ xảo quyệt mới”. Tuy nhiên, thành phần dễ nhận thấy nhất chính là chiếc mũ sắt Pha-Biên xuất hiện giữa Shaw và Webb - biểu hiện của con sói đội lốt cừu![3] HAPPY DEXTER WHITE Harry Dexter White là giám đốc kỹ thuật của Mỹ và là người có ảnh hưởng lớn tại hội nghị này. Cuối cùng, ông đã trở thành Giám đốc Điều hành đầu tiên của Mỹ tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Một chi tiết thú vị về câu chuyện này là, trong khi đang làm việc với cương vị Trợ lý Bộ trưởng Tài chính thì White cũng là thành viên của Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Council on Foreign Relations - CFR). Và điều thú vị hơn nữa là Nhà trắng được thông báo về sự thật này khi Tổng thống Truman đã bổ nhiệm chức vụ kia cho ông ta. Ít nhất hai lần FBI đã chính thức chuyển cho Nhà trắng những bằng chứng cụ thể về các hoạt động của White.[4] Song bất chấp tất cả, ông ta vẫn được giữ cương vị đó cũng như Virginius Frank Coe, người từng nắm giữ chức vụ thư ký kỹ thuật tại Bretton Woods, sau này đã trở thành Thư ký đầu tiên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Như vậy, có một vở kịch phức tạp đang diễn ra mà dân chúng không hề nhìn thấy, trong đó, những người theo chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Pha-Biên chính là giới trí thức đang dẫn dắt tại hội nghị Bretton Woods, cho dù bất đồng về cách thức tiến hành song họ lại hoàn toàn thống nhất về mục đích: chủ nghĩa xã hội quốc tế. Mục đích của các tổ chức tham gia thành lập Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới là để tạo ra một thứ tiền tệ thế giới, một ngân hàng trung ương thế giới và một cơ chế kiểm soát được nền kinh tế của tất cả các quốc gia. CƠ CẤU VÀ NGUỒN VỐN CỦA IMF Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF có vẻ như là một bộ phận quan trọng của Liên Hợp quốc, cũng giống như Cục Dự trữ Liên bang đối với chính phủ Mỹ, cho dù hoàn toàn độc lập. Nó được cấp vốn chủ yếu dựa trên cơ sở hạn ngạch của gần hai trăm quốc gia thành viên. Tuy nhiên, phần vốn góp lớn nhất là từ các quốc gia công nghiệp hóa như Anh, Nhật Bản, Pháp và Đức. Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất, tới hai mươi phần trăm trong tổng số. Trên thực tế, con số hai mươi phần trăm đó phải cao gấp đôi so với những gì nó thể hiện vì hầu hết các quốc gia khác toàn đóng góp những loại tiền tệ vô giá trị mà không ai mong muốn. Thế giới ưa chuộng những đồng đô-la hơn. Một trong những hoạt động thường nhật tại IMF chính là đổi những loại tiền tệ vô giá trị thành những đồng đô-la, vì vậy, các nước yếu kém hơn mới có thể thanh toán được các hóa đơn quốc tế của mình. Điều này được cho là giải quyết được các vấn đề “dòng tiền” tạm thời. Đây là một kiểu FDIC quốc tế cốt để bơm tiền vào một quốc gia vừa mới phá sản để quốc gia đó có thể tránh được việc giảm giá đồng tiền của mình. Các giao dịch này hiếm khi được hoàn trả. Mặc dù việc thoát khỏi chế độ bản vị hối đoái vàng là mục tiêu có quy mô lâu dài của IMF, song cách duy nhất để thuyết phục các quốc gia tham gia ngay từ đầu là vẫn cho phép họ sử dụng vàng như một hình thức bảo đảm cho nguồn cung ứng tiền của riêng mình - ít nhất như một kế sách tạm thời. Như Keynes đã giải thích: Tôi cảm thấy rằng những ngân hàng trung ương đầu não sẽ không bao giờ tự nguyện từ bỏ những dạng thức tồn tại trước đó của chế độ bản vị vàng, và tôi không muốn nhìn thấy chúng bị rũ bỏ bởi một tai họa khốc liệt vô tình nào đó. Vì thế, hy vọng thực tiễn nhất là mong chờ vào sự tiến triển dần dần dưới dạng một thứ tiền tệ thế giới được quản lý, bắt đầu với chế độ bản vị vàng đang có.[5] Vào thời điểm đó, việc sở hữu vàng đối với các công dân Mỹ là phạm pháp, nhưng người dân ở những nơi khác trên thế giới vẫn có thể đổi đô-la giấy của họ ra vàng với tỷ giá cố định là 35 đô-la một ounce. Điều này đã khiến vàng trở thành thứ tiền tệ quốc tế thực sự dù không chính thức bởi, không giống như các đơn vị tiền tệ khác lúc đó, giá trị của nó đã được đảm bảo. Vì vậy, ngay từ đầu, IMF đã chấp nhận đồng đô-la như đơn vị tiền tệ quốc tế của riêng mình. VÀNG GIẤY Nhưng chú rùa Pha-Biên vẫn đang bình thản lê bước hướng đến đích của mình. Năm 1970, IMF đã tạo ra một đơn vị tiền tệ mới có tên gọi Quyền Rút tiền Đặc biệt (Special Drawing Right - SDR) được các phương tiện truyền thông đại chúng lạc quan mô tả như “vàng giấy”. Nhưng thực tế, đó hoàn toàn là phép thuật kế toán mà không hề liên quan đến vàng hay bất cứ thứ gì có giá trị hữu hình. Các SDR được dựa trên “những khoản tín dụng” do các quốc gia thành viên cung cấp. Những tín dụng này không phải tiền mà chỉ là những lời hứa rằng chính phủ các nước sẽ có được tiền nhờ việc đánh thuế công dân nước mình khi cần. IMF xem những lời hứa đó như “tài sản” - thứ sau đó trở thành “các khoản dự trữ” để tạo ra các khoản vay dành cho chính phủ các nước khác. Như chúng ta sẽ thấy ở Chương Mười, điều này hầu như giống hệt trò ảo thuật kế toán được dùng để tạo ra tiền từ không khí của Cục Dự trữ Liên bang. Dennis Turner đã cắt nghĩa mớ bòng bong này như sau: SDR được chuyển thành các khoản vay cho các quốc gia thuộc Thế giới Thứ Ba nhờ tạo ra các tài khoản dùng séc trong các ngân hàng thương mại hoặc trung ương thuộc các quốc gia thành viên đại diện cho chính phủ các nước mắc nợ. Những tài khoản ngân hàng này đều được tạo ra từ không khí. Quỹ IMF tạo ra đô-la, đồng phờ-răng, đồng bảng hoặc các loại tiền tệ mạnh khác và trao chúng cho một quốc gia thuộc Thế giới Thứ Ba, gây ra lạm phát ở quốc gia xuất xứ của đơn vị tiền tệ đó… Lạm phát được gây ra bởi những quốc gia công nghiệp hóa trong khi của cải lại được chuyển từ đại bộ phận dân chúng sang cho nước mắc nợ và con nợ này không hoàn trả.[6] Khi IMF ra đời, quan điểm của John Maynard Keynes - một nhà kinh tế học theo chủ nghĩa Pha-Biên thể hiện rằng có một ngân hàng trung ương thế giới đang phát hành một thứ tiền tệ dự trữ được gọi là “tiền tệ quốc tế” (bancor) nhằm giải phóng tất cả chính phủ thoát khỏi sự cương tỏa của vàng. Với sự xuất hiện của các SDR mà cuối cùng, IMF đã bắt đầu hoàn thành được ước mơ đó. VÀNG CUỐI CÙNG CŨNG BỊ RUỒNG BỎ Nhưng vẫn còn một trở ngại, chừng nào đồng đô-la vẫn còn là đơn vị tiền tệ cơ bản được IMF sử dụng và vẫn được quy đổi ra vàng với mức giá 35 đô-la một ounce thì số lượng tiền quốc tế có thể được tạo ra vẫn bị hạn chế. Nếu IMF hoạt động như một ngân hàng trung ương thế giới thực sự với quyền phát hành vô hạn thì đồng đô-la phải được tách khỏi sự bảo đảm bằng vàng như một bước đi đầu tiên hướng đến việc thay thế hoàn toàn bằng một đơn vị tiền tệ quốc tế, SDR hoặc một hình thức nào khác tương tự mà không phải chịu sự kiềm chế. Ngày 15 tháng 8 năm 1971, Tổng thống Nixon đã ký một sắc lệnh công bố rằng nước Mỹ sẽ không còn đổi tiền giấy của mình để lấy vàng nữa - và đây cũng là thời điểm kết thúc giai đoạn thứ nhất về sự biến đổi hình thái của IMF. Tuy nhiên, nó vẫn chưa trở thành một ngân hàng trung ương thực sự bởi không thể tạo ra đồng tiền thế giới của riêng mình, vì thế vẫn phải phụ thuộc vào các ngân hàng trung ương của các quốc gia thành viên để cung cấp tiền hay còn gọi là tín dụng. Nhưng chính bản thân những ngân hàng này lại có thể tạo ra tiền nhiều như mong muốn nên từ giờ trở đi sẽ chẳng còn giới hạn nào hết. Mục đích ban đầu là duy trì mức tỷ giá hối đoái cố định giữa các loại tiền tệ, nhưng IMF đã điều khiển sự phá giá tiền tệ của hơn hai trăm quốc gia. Trong lĩnh vực tư nhân, sự thất bại nghiêm trọng như vậy có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá sản trong kinh doanh, nhưng trong lĩnh vực chính trị thì không. Sự thất bại càng lớn thì áp lực để mở rộng chương trình càng cao. Vì vậy, khi đồng đô-la thoát khỏi sợi dây thòng lọng của vàng và không còn chế độ bản vị thực sự nào để đánh giá các giá trị tiền tệ thì IMF chỉ việc thay đổi mục đích và tiếp tục mở rộng hoạt động của mình. Mục đích mới đó là “khắc phục tình trạng thâm hụt mậu dịch”. THÂM HỤT MẬU DỊCH Thâm hụt mậu dịch là chủ đề được ưa thích giữa các chính trị gia, các nhà kinh tế học và người dẫn chương trình truyền hình. Mọi người đều đồng ý rằng thâm hụt mậu dịch là xấu nhưng vẫn chưa thống nhất về nguyên nhân gây ra nó. Chúng ta hãy thử tìm hiểu vấn đề này. Trên thực tế, thâm hụt mậu dịch là điều kiện tồn tại khi giá trị hàng hóa nhập khẩu của một quốc gia lớn hơn giá trị xuất khẩu. Hay nói cách khác, quốc gia đó chi nhiều hơn thu trong thương mại quốc tế. Điều này tương tự như hoàn cảnh của một cá nhân chi tiêu nhiều hơn mức anh ta kiếm được. Trong cả hai trường hợp, quá trình này không thể được duy trì liên tục trừ phi (1) thu nhập tăng lên; (2) tiền rút ra từ các khoản tiết kiệm; (3) tài sản được bán; (4) làm tiền giả và (5) vay mượn tiền. Trừ phi một trong những điều kiện trên xuất hiện, nếu không, cá nhân hoặc quốc gia đó không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm chi tiêu. Việc tăng thu nhập của một cá nhân là giải pháp tốt nhất. Trên thực tế, nó chính là giải pháp duy nhất về lâu dài. Tất cả những giải pháp khác chỉ mang tính tạm thời. Một cá nhân có thể tăng thu nhập của mình bằng cách làm việc chăm chỉ hơn, khôn ngoan hơn hoặc bền bỉ hơn. Một quốc gia cũng có thể làm theo cách này. Nhưng điều đó không thể xảy ra trừ phi lĩnh vực tư nhân được phép phát triển một hệ thống mậu dịch tự do. Vấn đề với sự chọn lựa này là ít chính trị gia nào đánh giá cao tính năng động của hệ thống mậu dịch tự do. Thế giới của họ được xây dựng trên các chương trình chính trị, nơi các quy luật về thị trường tự do được thao túng nhằm đạt được các mục tiêu chung mang tính chính trị. Vì thế, họ có thể muốn lựa chọn giải pháp tăng thu nhập cho quốc gia bằng cách tăng sản lượng, nhưng các vấn đề chính trị lại ngăn cản điều đó xảy ra.[7] Lựa chọn thứ hai là kiếm thêm tiền từ các khoản tiết kiệm. Nhưng trong thế giới ngày nay, hầu như không có chính phủ nào nắm giữ được bất kỳ khoản tiết kiệm nào. Nợ nần và các khoản phải trả của họ vượt quá giá trị tài sản. Tương tự, hầu hết các ngành kinh doanh và công dân của họ cũng ở trong tình trạng như vậy. Các khoản tiết kiệm của họ đã bị chính phủ tiêu xài hết cả. Lựa chọn thứ ba là bán tài sản, nhưng tài sản cũng không có sẵn đối với hầu hết các quốc gia. Khi nói đến tài sản là chúng tôi muốn nói đến các khoản hữu hình khác chứ không phải những thứ hàng hóa vẫn được bày bán thông thường. Mặc dù là tài sản theo nghĩa rộng, nhưng trong thuật ngữ kế toán, chúng được phân loại như hàng tồn kho. Tài sản duy nhất mà chính phủ có thể tiêu thụ được chính là vàng, thứ ngày nay ít quốc gia nào còn dự trữ để dùng. Thậm chí trong những trường hợp đó, số vàng ít ỏi mà họ có được cũng thuộc sở hữu của một chính phủ hoặc ngân hàng khác. Ngay cả đối với tài sản riêng, các quốc gia có thể phải bán cho các đối tác nước ngoài và bù đắp cho sự thâm hụt cán cân thương mại của mình. Đó chính là những gì đã và đang diễn ra ở nước Mỹ trong nhiều năm khi các cao ốc văn phòng, chứng khoán, nhà máy và toàn bộ các công ty đều được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng thực tế cho thấy là quốc gia này vẫn đang chi nhiều hơn thu và quá trình đó không thể tiếp tục một cách vô định. Quyền sở hữu và kiểm soát của nước ngoài đối với nền công nghiệp và thương mại cũng tạo ra nhiều vấn đề về chính trị và xã hội. Tuy nhiên, các quốc gia kém phát triển chẳng phải lo lắng về điều này bởi họ có ít tài sản riêng để bán. GIẢI PHÁP LÀM TIỀN GIẢ Giải pháp làm tiền giả chỉ có giá trị nếu một quốc gia có được vị trí độc tôn để đồng tiền của mình được chấp nhận như một phương tiện trao đổi trong thương mại quốc tế giống như trường hợp của nước Mỹ. Trong trường hợp này, đồng đô-la có thể được tạo ra từ không khí và những quốc gia còn lại không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận nó. Do đó, trong nhiều năm, nước Mỹ có khả năng chi nhiều hơn thu trong thương mại nhờ Cục Dự trữ Liên bang luôn tạo ra được bất kỳ khoản tiền nào theo yêu cầu. Năm 1971, khi hoàn toàn bị tách khỏi vàng, đồng đô-la Mỹ không còn là đơn vị tiền tệ quốc tế chính thức của IMF và cuối cùng phải cạnh tranh với các loại tiền tệ khác - chủ yếu là đồng mác và đồng yên - dựa trên giá trị tương ứng của nó. Từ quan điểm đó, giá trị của đồng đô-la đột ngột giảm mạnh cho dù vẫn là phương tiện trao đổi được ưa thích. Hơn nữa, nước Mỹ là một trong những nơi an toàn nhất trên thế giới để mọi người đầu tư tiền bạc. Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước hết mọi người phải đổi tiền tệ địa phương của mình sang đồng đô-la. Chính những điều này đã khiến cho đồng đô-la Mỹ có giá trị lớn hơn trên các thị trường quốc tế so với những gì nó xứng đáng. Vì vậy, bất chấp thực tế rằng Cục Dự trữ Liên bang đang tạo ra những khoản tiền khổng lồ trong suốt thời gian này nhưng nhu cầu của người nước ngoài đối với nó dường như vô hạn. Kết quả là nước Mỹ tiếp tục cấp vốn cho khoản thâm thủng mậu dịch của mình bằng tiền pháp định - tiền giả, nếu bạn muốn - một “ngón nghề” mà không một quốc gia nào khác trên thế giới có thể hy vọng thực hiện được. Chúng ta được biết rằng tình trạng thâm hụt mậu dịch của quốc gia mình là một điều kinh khủng, rằng nó có thể sẽ “làm suy yếu đồng đô-la” và dẫn đến chỗ khai tử. Cụm từ “làm suy yếu đồng đô-la” chẳng qua chỉ là uyển ngữ cho việc gia tăng lạm phát. Thật ra nước Mỹ không hề bị thiệt hại gì bởi thâm hụt mậu dịch. Trên thực tế, chúng ta chính là các nhà hảo tâm trong khi các đối tác thương mại của mình là những nạn nhân, chúng ta có xe hơi và ti-vi trong khi họ lại nhận được những đồng tiền thật khôi hài. Chúng ta có tài sản trong khi họ chỉ sở hữu những tờ giấy lộn. Tuy nhiên, vẫn có mặt trái đối với sự trao đổi tiền tệ này. Chừng nào đồng đô-la còn duy trì được vị thế yêu thích của nó như một đơn vị tiền tệ thương mại thì nước Mỹ vẫn có thể tiếp tục chi nhiều hơn thu. Nhưng khi ngày đó xảy ra - dĩ nhiên là nó phải xảy ra - ngày mà đồng đô-la bị sụt giảm giá trị và người nước ngoài không còn muốn sở hữu nó nữa thì chắc chắn “cuộc dạo chơi” tự do này sẽ chấm dứt. Khi điều đó xảy ra, hàng trăm tỷ đô-la lúc này vẫn còn đang trú ngụ ở các quốc gia khác trên thế giới sẽ nhanh chóng quay trở về với bến đỗ của chúng ta khi mọi người tìm cách chuyển chúng thành bất động sản, nhà máy hay các tài sản hữu hình hơn và nhanh chóng làm điều đó trước khi đồng đô-la trở nên vô giá trị. Khi lượng đô-la này khiến giá cả tăng lên, chúng ta sẽ phải nếm trải tình trạng lạm phát - thứ đáng lẽ đã xảy ra từ nhiều năm trước nhưng bị trì hoãn do những người nước ngoài đủ tử tế để tiếp nhận những đồng đô-la của chúng ta trong việc trao đổi sản phẩm của họ. Những gì đến sẽ đến. Tuy nhiên, khi hậu quả xảy ra, nó không phải bởi tình trạng thâm hụt mậu dịch mà là bởi chúng ta có đủ khả năng cấp vốn cho tình trạng thâm hụt mậu dịch bằng tiền pháp định do Cục Dự trữ Liên bang tạo ra. Nếu không vì điều đó, tình trạng thâm hụt mậu dịch có thể đã không xảy ra. Hãy quay trở lại chủ đề chính - năm phương thức có thể được áp dụng để chi trả cho thâm hụt mậu dịch. Và thông qua quá trình loại bỏ, lựa chọn thứ tư về việc vay mượn là hành động phổ biến đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới và đó chính là nơi IMF đã định vị chính mình vào năm 1970. Sứ mệnh mới của nó là cung cấp các khoản vay để các quốc gia có thể tiếp tục chi nhiều hơn thu nhưng dưới cái mác “khắc phục tình trạng thâm hụt mậu dịch”. NHỮNG KHOẢN VAY CỦA IMF: SỐ PHẬN BI ĐÁT NHƯNG NGỌT NGÀO Những khoản vay này không được đưa vào các doanh nghiệp tư nhân - nơi chúng có cơ hội tạo ra lợi nhuận - mà được chuyển sang các ngành nghề được điều hành và quản lý bởi nhà nước, nơi bị tê liệt và mục rữa bởi thói quan liêu, nhũng nhiễu. Do đã bị đổ lỗi cho sự thất bại về kinh tế ngay từ đầu nên những ngành nghề này chi tiêu hết các khoản vay mà không có khả năng hoàn trả, thậm chí cả khi lãi suất tăng cao đến mức không thể xử lý được. Điều này có nghĩa là IMF sẽ phải quay trở lại “các nguồn dự trữ”, “các tài sản”, “các khoản tín dụng” và cuối cùng là những người nộp thuế để tìm kiếm sự cứu trợ kinh tế. Trong khi Quỹ IMF đang phát triển thành một ngân hàng trung ương thế giới - nơi sẽ phát hành tiền tệ thế giới từ không khí - thì Ngân hàng Thế giới, tổ chức song hành với nó, sẽ trở thành đơn vị cho vay của quỹ này. Hành động như Vị cứu tinh của Thế giới, IMF tìm cách hỗ trợ các quốc gia kém phát triển, cung cấp lương thực và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho toàn thể nhân loại. Trong quá trình theo đuổi những mục đích nhân đạo này, IMF đã cung cấp cho chính phủ các nước những khoản vay với các điều khoản ưu đãi như luôn ở mức lãi suất thấp hơn mức thị trường, thời hạn kéo dài đến năm mươi năm và thường không phải thanh toán bất kỳ khoản tiền nào cho đến sau mười năm. Vốn cấp cho những khoản vay này được lấy từ các quốc gia thành viên dưới dạng một khoản tiền mặt nhỏ kèm theo lời hứa sẽ hoàn lại gấp mười lần trong trường hợp Ngân hàng gặp rắc rối. Được mô tả như “nguồn vốn có thể trả ngay được”, những lời hứa tạo thành một chương trình bảo hiểm FDIC mà không cần phải duy trì một nguồn quỹ dự trữ. (Điều này có vẻ trung thực hơn so với việc FDIC giả vờ duy trì một nguồn quỹ như thế nhưng trên thực tế lại chẳng có gì ngoài một lời hứa). Dựa vào khoản tiền vốn nhỏ nhoi kèm theo các khoản “tín dụng” và “những lời hứa” lớn hơn nhiều từ chính phủ các quốc gia công nghiệp hóa, Ngân hàng Thế giới có đủ khả năng thâm nhập vào các thị trường cho vay thương mại và vay được những khoản tiền lớn hơn với mức lãi suất cực thấp. Rốt cuộc, những khoản vay đó được bảo đảm bởi chính phủ của những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới - những nước đã hứa sẽ buộc người nộp thuế của họ chi trả nếu Ngân hàng gặp rắc rối. Còn Quỹ này cầm những khoản tiền đó đem cho các quốc gia kém phát triển vay lại với mức lãi suất cao hơn một chút nhằm tạo ra lợi nhuận từ việc buôn chứng khoán. Khía cạnh vô hình của hoạt động này là khoản tiền mà Quỹ này xử lý chính là khoản tiền sẵn có dành cho đầu tư vào lĩnh vực tư nhân hoặc các khoản vay dành cho người tiêu dùng. Nó đã rút hết nguồn vốn phát triển cần thiết dành cho lĩnh vực kinh doanh tư nhân, cản trở việc tạo ra việc làm mới, khiến cho mức lãi suất tăng cao và trì hoãn tiến độ phát triển của nền kinh tế nói chung. VẤN ĐỀ BỊ CHE GIẤU: CHỦ NGHĨA XÃ HỘI THẾ GIỚI Mặc dù hầu hết các báo cáo chính sách của Ngân hàng Thế giới đều đề cập đến các vấn đề kinh tế, song một cuộc kiểm tra tỉ mỉ các hoạt động của nó đã bộc lộ được sự lo lắng về các vấn đề chính trị và xã hội. Điều này không có gì ngạc nhiên nếu xét theo thực tế rằng Ngân hàng được các nhà sáng lập xem như một công cụ cho những thay đổi về chính trị và xã hội. Sự thay đổi mà nó muốn tạo ra là xây dựng chủ nghĩa xã hội thế giới và đó chính là những gì đang diễn ra hiện nay. Vấn đề bị che giấu bỗng trở nên hết sức rõ ràng trong bản chất của những gì mà Ngân hàng này gọi là Khoản vay Hạn ngạch và Khoản vay Điều chỉnh Cơ cấu. Ở nhóm thứ nhất, chỉ có một phần tiền được sử dụng cho các dự án cụ thể, trong khi phần còn lại dành cho mục đích hỗ trợ các thay đổi chính sách trong lĩnh vực kinh tế. Ở nhóm thứ hai, toàn bộ số tiền đều dành cho những thay đổi về chính sách và không có khoản nào dành cho các dự án. Trong những năm gần đây, gần một nửa các khoản vay dành cho các quốc gia kém phát triển đều thuộc nhóm thứ hai này. Vậy đâu là những thay đổi về chính sách thuộc mục tiêu của những khoản vay trên? Tất cả chỉ dành cho một mục đích: xây dựng chủ nghĩa xã hội thế giới. Khi những người theo chủ nghĩa Pha-Biên lên kế hoạch cho điều này, cụm từ chủ nghĩa xã hội chưa được sử dụng. Thay vào đó, các khoản vay được dành cho các công trình của chính phủ như các dự án thủy điện, nhà máy lọc dầu, nhà máy gỗ, công ty khai thác mỏ và nhà máy thép. Đây là một ví dụ. Một trong những thay đổi chính sách thường được Ngân hàng Thế giới yêu cầu như một điều kiện cho vay là quốc gia nhận tiền phải kiểm soát được mức lương của nó. Điều này có nghĩa là chính phủ đó có quyền - và có quyền lực hợp pháp -để quy định các mức tiền công/tiền lương! Nói cách khác, một trong những điều kiện của khoản nợ đó là chính phủ phải có quyền hạn tuyệt đối. Paul Roberts - người giữ chức chủ tịch Kinh tế chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế William E. Simon ở Washington - đã phát biểu trên tờ Business Weeks như sau: Toàn bộ “quá trình phát triển” đã được dẫn dắt bằng niềm tin rằng việc tin tưởng vào doanh nghiệp tư nhân và đầu tư cổ phần là không phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế và xã hội. Nhờ việc cung cấp tiền thường xuyên cho chính phủ các nước kém phát triển để mở rộng quyền kiểm soát đối với nền kinh tế của họ, Hoa Kỳ đã đưa ra những điều kiện hoàn toàn trái ngược với những gì cần có để tăng trưởng kinh tế.[8] Còn Ken Ewert lại giải thích kỹ hơn rằng những điều kiện được Quỹ này áp đặt hiếm khi được định hướng theo thị trường tự do. Ông nói: Quỹ này tập trung vào “các chính sách vĩ mô”, chẳng hạn như các chính sách về tài chính và tiền tệ hoặc tỷ giá hối đoái và ít quan tâm đến các vấn đề cơ bản như các quyền sở hữu cá nhân và tự do doanh nghiệp. Rõ ràng… niềm tin rằng với “cách quản lý vĩ mô” phù hợp thì bất kỳ hệ thống kinh tế nào cũng có thể đứng vững được. Quan trọng hơn là nó cho phép chính phủ các nước trên thế giới sung công tài sản của công dân nước mình một cách hiệu quả hơn (thông qua khoản thuế ngầm của lạm phát) trong khi đồng thời tăng cường quyền lực của riêng mình.[9] Một đặc tính quan trọng của Khoản vay Điều chỉnh Cơ cấu là nhu cầu về tiền này không được áp dụng đối với bất kỳ dự án phát triển cụ thể nào. Nó có thể được chi tiêu vào bất kỳ việc gì theo mong muốn của nước nhận viện trợ, bao gồm việc thanh toán lãi cho những khoản vay ngân hàng quá hạn. Do đó, Ngân hàng Thế giới trở thành một ống hút tiền từ túi của người đóng thuế cho vào tài sản của các ngân hàng thương mại - nơi tạo ra những khoản vay rủi ro cao để chuyển sang cho các quốc gia thuộc Thế giới Thứ Ba. NHỮNG KẺ BUNG XUNG VÀ CÁC BIỆN PHÁP THẮT LƯNG BUỘC BỤNG Không phải mọi biện pháp mà IMF và Ngân hàng Thế giới chủ trương đều nhằm mục đích ủng hộ những điều tốt đẹp. Thậm chí một số biện pháp dường như được tạo ra nhằm hỗ trợ cho lĩnh vực tư nhân, chẳng hạn như giảm bớt các khoản trợ cấp chính phủ và phúc lợi xã hội. Chúng có thể bao gồm việc tăng thuế để giảm các khoản thâm hụt ngân sách. Những thay đổi chính sách này thường được mô tả trên báo chí như “các biện pháp thắt lưng buộc bụng” và được xem như các quyết định kinh doanh dứt khoát nhằm cứu lấy những nền kinh tế đang suy sụp của các nước kém phát triển. Tuy nhiên, cũng giống như con sói (đội lốt cừu) đã nói với Cô bé quàng khăn đỏ, “Tất cả đều to hơn để ăn thịt cháu ngon hơn, cháu yêu.” Những biện pháp thắt lưng buộc bụng này hầu hết là cách nói khoa trương. Những quốc gia đang mượn tiền thường lờ đi các điều kiện mà không bị trừng phạt và dù thế nào đi nữa thì Ngân hàng Thế giới vẫn duy trì được nguồn tiền vào. Đó đều là một phần của trò chơi. Tuy nhiên, các điều kiện “điều chỉnh cơ cấu” đã tạo ra một người đứng mũi chịu sào cho các chính trị gia địa phương - người có thể đổ lỗi về cảnh khổ cực của quốc gia cho “các nhà tư bản” xấu xa, lớn mạnh đến từ Mỹ và IMF. Người dân được dạy rằng vai trò của chính phủ là phải chu cấp phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe, lương thực và nhà ở, công việc và hưu trí cho nhân dân - những người sẽ không vui khi nghe thấy rằng “những quyền lợi đó” đang bị đe dọa, Vì vậy, họ liền biểu tình trên các đường phố để phản đối, gây bạo loạn tại các khu thương mại của thành phố để lấy cắp hàng hóa ra khỏi các cửa hiệu cũng như tập trung quanh biểu ngữ của những chính trị gia nào đã từng hứa khôi phục hoặc gia tăng các ích lợi cho họ. Điều này được mô tả trong tạp chí Insight như sau: Những cuộc bãi công, bạo loạn, chính biến và bất ổn xã hội xảy ra vào các thời điểm khác nhau tại Ác-hen-ti-na, Bô-li-vi-a, Bra-xin, Ê-cu-a-đo, Ai Cập, Ha-i-ti, Li-bê-ri-a, Pê-ru, Su-đăng và nhiều nơi khác đều là do các chương trình thắt lưng buộc bụng của IMF…[10] TÀI TRỢ CHO NẠN THAM NHŨNG VÀ CHẾ ĐỘ CHUYÊN QUYỀN Tham nhũng là vấn nạn ở châu Phi. Julius Nyerere - nhà độc tài ở Tan-zan-ni-a - là nhân vật khét tiếng với chương trình “ấp chiến lược” của mình. Với chương trình này, quân đội đuổi người dân ra khỏi đất đai của họ, đốt lều và lùa họ lên tàu chở hàng như gia súc để chuyển đến những khu làng do chính phủ cai quản. Mục đích là để loại bỏ sự chống đối của người dân bằng cách đưa họ đến những khu vực cách ly bởi hàng rào vây quanh cốt để theo dõi và kiểm soát. Trong khi đó, nền kinh tế trở nên rối loạn, các trang trại bị bỏ hoang và nạn đói hoành hành mặc dù Tan-zan-ni-a từng được nhận nhiều khoản viện trợ từ Ngân hàng Thế giới hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Còn ở U-gan-đa, lực lượng an ninh chính phủ đã tiến hành giam giữ, tra tấn dân chúng và giết hại tù nhân. Đó cũng là sự thật xảy ra dưới chính quyền khủng bố ở Zimbabwe. Song, cả hai chế độ này vẫn tiếp tục nhận hàng triệu đô-la từ Ngân hàng Thế giới. Riêng Zimbabwe (Rhodesia trước đây) là trường hợp điển hình. Sau khi giành được độc lập, chính phủ phe cánh Tả đã quốc hữu hóa (sung công) nhiều trang trại thuộc sở hữu của những người tái định cư da trắng trước đó. Những phần đất màu mỡ nhất trong số ruộng đất bị tịch thu này đều rơi vào tay các quan chức cấp cao của đảng cầm quyền, phần đất còn lại bị biến thành các cơ sở do nhà nước quản lý. Thất bại đau đớn nhất là những công nhân đang làm việc tại các điền trang đó bỗng lâm vào cảnh túng thiếu tới mức phải đi cầu xin lương thực. Nhưng không hề nao núng trước những sai lầm đó, vào năm 1991, các chính trị gia đã thông báo rằng họ sẽ tiếp tục quốc hữu hóa một nửa số trang trại còn lại và đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của tòa án vào việc điều tra mức đền bù cho các chủ sở hữu của những ruộng đất đó. Lúc này, đại diện của IMF tại Zimbabwe là Michel Camdessus - Thống đốc Ngân hàng Pháp và nguyên Bộ trưởng Tài chính dưới chính quyền chủ nghĩa xã hội của Francois Mitterrand. Sau khi được thông báo đầy đủ về kế hoạch của Zimbabwe trong việc sung công thêm đất đai cũng như tái định cư cho những người làm việc trên những mảnh đất đó, Camdessus đã đồng ý cấp một khoản vay trị giá 42 tỷ rand nhằm mục đích sử dụng cho dự án tái định cư. Nhưng có lẽ hành vi vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất là những gì đã xảy ra ở Ê-thi-ô-pi-a. Nạn đói năm 1984 - 1985 đe dọa cuộc sống của hàng triệu người chính là kết quả của việc quốc hữu hóa chính phủ và phá vỡ nền nông nghiệp. Các chương trình tái định cư đã đẩy hàng trăm nghìn người ra khỏi mảnh đất quê hương của họ ở miền bắc và đày ải họ đến các “ấp chiến lược” tập trung ở phía nam - nơi luôn có các tháp canh phòng cẩn mật. Một báo cáo do một nhóm cứu trợ y tế tình nguyện của Pháp - Các Bác sĩ không Biên giới - tiết lộ rằng chương trình tái định cư cưỡng ép này có thể đã giết chết nhiều người như chính nạn đói đã từng gây ra.[11] Bác sĩ Rony Brauman, giám đốc của tổ chức này, đã mô tả trải nghiệm của mình: Các binh sĩ xông thẳng vào khu vực lều trại của chúng tôi, tịch thu hết thiết bị và đe dọa các tình nguyện viên. Một số nhân viên của chúng tôi đã bị đánh trong khi hàng hóa, thuốc men và lương thực dự trữ thì bị tịch thu. Chúng tôi đã phải rời khỏi Ê-thi-ô-pi-a.[12] TÀI TRỢ CHO NẠN ĐÓI VÀ TỘI DIỆT CHỦNG Suốt những năm 80, thế giới bị ám ảnh bởi những bức ảnh về trẻ em đang chết đói ở Ê-thi-ô-pi-a, nhưng các nước phương Tây không nhận ra rằng đây chính là nạn đói đã được lên kế hoạch. Mục đích của việc tạo ra tình trạng chết đói là cốt để bắt dân chúng phải hoàn toàn phục tùng chính phủ, nơi nắm trong tay toàn bộ quyền sinh quyền sát. Song, khi chế độ Mengistu bị lật đổ, Ngân hàng Thế giới tiếp tục dâng cho ông ta hàng trăm tỷ đô-la cùng với một lượng tiền không nhỏ được chuyển cho Bộ Nông nghiệp - cơ quan chịu trách nhiệm về chương trình tái định cư.[13] Syria từng tàn sát 20.000 thành viên của đảng đối lập; In-đô-nê-xi-a từng đẩy hàng triệu người ra khỏi quê cha đất tổ của họ ở Java; đảng Sandinistas ở Ni-ca-ra-goa đã tàn sát phe đối lập của mình và đe dọa quốc gia này phải phục tùng. Song, chính những chế độ này lại trở thành nơi nhận khoản viện trợ chính thức hàng tỷ đô-la từ Ngân hàng Thế giới. Vậy làm thế nào các nhà quản lý của Ngân hàng này lại có thể tiếp tục hết lòng cung phụng tiền bạc cho những chế độ như vậy? Một phần của câu trả lời này là họ không được phép có lương tâm. David Dunn, chủ tịch đặc trách Ê-thi-ô-pi-a về vấn đề ngân hàng đã giải thích: “Những nét độc đáo về chính trị không phải là những điều mà hiến pháp của chúng ta cho phép được cân nhắc.”[14] Lê-nin từng nói rằng bạn phải xẻ ván mới đóng được thuyền. Geogre Bernard Shaw, một trong những nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của chủ nghĩa Pha-Biên đã nhấn mạnh điều này: Bạn sẽ không phải chịu cảnh nghèo khó dưới chế độ chủ nghĩa xã hội. Lúc đó, bạn sẽ có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, giáo dục và việc làm theo cách ép buộc cho dù có thích điều đó hay không. Nếu bị phát hiện không có cá tính và không đủ chăm chỉ để nhận được tất cả những rắc rối này, bạn có thể sẽ bị “hành quyết” theo cách tử tế; nhưng nếu được phép sống thì bạn phải sống cho tốt.[15] LÝ DO ĐỂ BÃI BỎ CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG Ban lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Thế giới là một tổ chức tham gia tiến hành hoạt động kinh doanh hàng ngày cùng với các nhà lãnh đạo của chủ nghĩa xã hội. Trong những hoàn cảnh thích hợp, họ có thể dễ dàng chuyển đổi vai trò cho nhau. Vì vậy, điều chúng ta vừa nhìn thấy mới chỉ là hình ảnh duyệt trước của những gì được mong đợi cho cả thế giới nếu Trật tự Thế giới Mới theo hình dung này đi vào hoạt động. IMF/Ngân hàng Thế giới chính là tổ chức được Cục Dự trữ Liên bang bảo trợ. Nó sẽ không tồn tại nếu không có dòng tiền đô-la Mỹ cũng như sự ưu ái của giới cầm quyền Hoa Kỳ. Như đã được khẳng định ngay từ đầu nghiên cứu này, đó chính là một trong những nguyên nhân khiến Cục Dự trữ Liên bang nên bị bãi bỏ. TRỞ NÊN GIÀU CÓ BẰNG VIỆC ĐẤU TRANH CHỐNG NẠN NGHÈO ĐÓI Trong khi các nhà lãnh đạo cấp cao và các nhà lý luận tại IMF và Ngân hàng Thế giới đều mơ về chủ nghĩa xã hội thế giới thì các nhà quản lý cấp trung và kẻ nắm quyền chính trị lại suy nghĩ về những mục đích trước mắt. Chế độ quan liêu đang chi phối quá trình này cũng như của cải và quyền lực, thế nên ý thức hệ tư tưởng không phải là mối bận tâm của họ. Graham Hancock từng là giám sát viên sắc sảo của “ngành” cứu trợ quốc tế và thường tham dự các buổi hội nghị nên biết rất nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu. Trong cuốn sách Lords of Poverty (Tạm dịch: Những chúa tể của Nghèo đói), ông ta đã nói về các khoản nợ Điều chỉnh Cơ cấu của IMF như sau: Các Bộ trưởng Tài chính tham nhũng và các tổng thống độc tài châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh đang sải bước trên những đôi giày đắt tiền của mình với sự hấp tấp không phù hợp để “được điều chỉnh”. Đối với những con người như vậy, hầu như chưa bao giờ họ có được tiền bạc dễ dàng như lúc này; không có dự án phức tạp nào cần quản lý cũng như không có tài khoản mờ ám nào cần duy trì, những kẻ vụ lợi, độc ác và xấu xa đang cười hỉ hả trên con đường hướng tới ngân hàng. Đối với họ, việc điều chỉnh cơ cấu giống như chuyện biến ước mơ thành sự thật vì họ không thực hiện bất kỳ sự hy sinh cá nhân nào. Tất cả những gì họ cần làm - nực cười nhưng là sự thật - là lừa đảo người nghèo và họ đã có rất nhiều kinh nghiệm về việc đó.[16] Tại Ấn Độ, Ngân hàng Thế giới cấp vốn để xây dựng một con đập và việc này đã khiến hai triệu người phải chuyển chỗ ở, làm ngập 922 km² và nhấn chìm 32.400 héc-ta rừng bao phủ. Tại Bra-xin, Ngân hàng này cũng đã tiêu hàng tỷ đô-la để “phát triển” một phần của lưu vực sông Amazon và cấp vốn cho một loạt dự án thủy điện. Kết quả là nó đã tàn phá một khu vực rừng tương đương nửa diện tích của nước Anh và khiến cho rất nhiều người phải chịu đựng tình trạng khổ sở do chính sách tái định cư. Tại Kenya, mưu đồ thủy lợi Bura đã gây ra sự tàn phá khiến một phần năm dân bản địa phải rời bỏ mảnh đất quê hương mình với chi phí đền bù là 50.000 đô-la mỗi gia đình. Còn tại In-đô-nê-xi-a, chương trình di cư như đã nói trên đã phá hủy những cánh rừng nhiệt đới, trong khi đó, Ngân hàng Thế giới lại đang rót tiền cho các dự án tái trồng rừng. Và chi phí cho việc tái định cư mỗi gia đình lúc này là 7.000 đô-la - gấp mười lần thu nhập bình quân đầu người ở In-đô-nê-xi-a. Các dự án chăn nuôi gia súc ở Bostwana đã dẫn đến sự tàn phá những cánh đồng cỏ và gây ra chết chóc cho hàng ngàn động vật di trú. Điều này khiến người dân bản địa không thể săn bắn, buộc họ phải phụ thuộc vào chính phủ để tồn tại. Trong khi Ni-gê-ri-a và Ác-hen-ti-na lại đang ngập trong nợ nần, hàng tỷ đô-la từ Ngân hàng Thế giới được rót vào việc xây dựng các thành phố mới tráng lệ để phục vụ cho các cơ quan chính phủ và nhóm người ăn trên ngồi trốc. Tại Zaire, Mê-hi-cô và Phi-líp-pin, các nhà lãnh đạo chính trị trở thành tỷ phú khi thay mặt nhân dân tiếp nhận các khoản vay của Ngân hàng Thế giới. Còn ở Cộng hòa Trung Phi, các khoản vay của IMF và Ngân hàng Thế giới được sử dụng vào việc tổ chức lễ tấn phong của hoàng đế nước này. Bản báo cáo về tình trạng tham nhũng và lãng phí vẫn còn tiếp diễn. Nhưng điều thực sự khiến người ta bừng tỉnh là sự thất bại của các dự án vĩ đại đó - những thứ đã mang lại sự thịnh vượng cho những quốc gia kém phát triển, và trên đây mới chỉ là một vài ví dụ mà thôi. BIẾN TIỀN THÀNH THẤT BẠI Trước khi nhận các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới, Tan-zan-ni-a không hề giàu có nhưng vẫn đủ chu cấp lương thực cho dân chúng và đạt được tăng trưởng về kinh tế. Sau khi tiếp nhận hơn ba tỷ đô-la tiền vay, Tan-zan-ni-a đã quốc hữu hóa các ngành nghề và trang trại của đất nước cũng như chuyển mọi doanh nghiệp thành cơ quan chính phủ. Tan-zan-ni-a đã xây dựng một nhà máy lắp ráp xe tải, một nhà máy sản xuất lốp, các nhà máy điện tử, đường cao tốc, cầu cảng, đường sắt và đập nước, sản xuất công nghiệp và sản lượng nông nghiệp của Tan-zan-ni-a giảm xuống gần một phần ba trong khi lương thực là mặt hàng xuất khẩu chính vào năm 1966. Đã có thời, lương thực phải được nhập khẩu, được thanh toán bằng viện trợ nước ngoài và các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới. Đất nước này đã rơi vào cảnh nợ nần tuyệt vọng mà không có cách nào để hoàn trả. Ác-hen-ti-na từng là một trong những quốc gia có mức sống cao nhất ở khu vực Mỹ La-tinh. Nhưng về sau, nước này đã trở thành một quốc gia nhận viện trợ với những khoản vay khổng lồ từ Ngân hàng Thế giới cũng như các ngân hàng thương mại Mỹ. Năm 1982, Tổng sản phẩm Quốc dân (Gross National Product - GNP) đột nhiên giảm xuống, năng suất sản xuất giảm gần một nửa, hàng nghìn công ty tư nhân bị ép đến chỗ phá sản, nạn thất nghiệp tăng cao. Đến năm 1989, lạm phát tăng trung bình 5.000% và mùa hè năm đó đã đạt đỉnh 1.000.000%! Các ngân hàng đưa ra mức lãi suất tới 600% một tháng với hy vọng giữ cho những khoản tiền gửi không bị chuyển ra nước ngoài. Người dân bạo loạn trên các đường phố chỉ vì thiếu lương thực trong khi chính phủ lại đổ lỗi cho sự tham lam của các chủ cửa hàng trong việc tăng giá. Quốc gia này đã rơi vào cảnh nợ nần không lối thoát. Bra-xin hoạt động dưới sự điều khiển của quân đội, còn nhà nước kiểm soát nền kinh tế. Các công ty thuộc sở hữu của chính phủ tiêu tốn 65% tổng vốn đầu tư công nghiệp, tức là lĩnh vực tư nhân chỉ giới hạn trong 35% và đang bị thu hẹp lại. Chính phủ đã sử dụng các khoản vay từ các ngân hàng Mỹ để xây dựng Petroleo Brasileiro S.A. - một công ty dầu lửa đã trở thành tập đoàn lớn nhất khu vực Mỹ La-tinh. Bất chấp các khoản tiền gửi khổng lồ cũng như giá dầu lửa tăng cao, công ty này vẫn kinh doanh thua lỗ và thậm chí không đủ khả năng sản xuất xăng dầu cho chính công dân nước mình. Đến năm 1990, lạm phát đạt mức 5.000%. Kể từ năm 1960, giá cả đã tăng cao tới 164.000 lần so với mức ban đầu. Một tội ác mới có tên gọi “hàng rào chống lạm phát” đã được phát minh và nhiều người đã bị bắt vì mua bán hàng hóa của họ theo giá cả thị trường tự do cũng như sử dụng vàng hoặc đồng đô-la thay tiền. Dân chúng lang thang trên các đường phố đã hét lên rằng: “Chúng tôi đói. Hãy lấy cắp những gì bạn có thể!” Quốc gia này cũng rơi vào cảnh nợ nần không lối thoát. Những gì xảy ra ở Mê-hi-cô chính là bản sao của Bra-xin, ngoại trừ số tiền ở đây lớn hơn. Khi nguồn trữ lượng dầu lửa lớn thứ tư thế giới này được phát hiện thì cũng là lúc các chính trị gia Mê-hi-cô có được cơ hội kiếm chác. Với hàng tỷ đô-la vay mượn từ các ngân hàng Mỹ, họ đã tạo ra được Petroleos Mexicanos (PEMEX) và sớm trở thành nhà sản xuất dầu lửa lớn thứ năm thế giới. Họ cũng xây dựng các nhà máy hóa chất, đường sắt và nhiều dự án công nghiệp khác. Tuy nhiên, những tổ chức này lại được vận hành bởi các cơ quan phúc lợi xã hội chứ không phải các doanh nghiệp: quá nhiều nhân viên, nhà quản lý với mức lương quá cao, quá nhiều ngày nghỉ cùng với các khoản phúc lợi phi thực tế. Các dự án trở nên bấp bênh vì thiếu ngân sách. Hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân lâm vào cảnh phá sản và nạn thất nghiệp tăng cao. Chính phủ ra sức tăng lương tối thiểu khiến cho nhiều doanh nghiệp nữa phải phá sản và nạn thất nghiệp lại càng gia tăng. Điều này dẫn tới việc chính phủ phải chi trả nhiều khoản phúc lợi xã hội và trợ cấp thất nghiệp hơn. Để thực hiện điều đó, chính phủ đã phải vay mượn nhiều hơn và bắt đầu tạo ra tiền pháp định của riêng mình. Kết quả là lạm phát đã phá hủy những gì còn sót lại của nền kinh tế nước này. Bước tiếp theo là kiểm soát giá cả cùng với các khoản trợ cấp tiền thuê đất đai, lương thực và việc tăng gấp đôi mức lương tối thiểu. Năm 1982, người dân Mê-hi-cô đã đổi đồng pê-sô của mình sang đồng đô-la và gửi tiết kiệm ở nước ngoài do đồng pê-sô thực sự không còn giá trị trong thương mại.[17] Năm 1981, mức lương bình quân của các công nhân Mê-hi-cô bằng 31% so với mức lương trung bình của người Mỹ. Nhưng tới năm 1989, con số đó đã giảm xuống còn 10%. Từng là một trong những nước xuất khẩu lương thực quan trọng trên thế giới, Mê-hi-cô lại đang phải yêu cầu được nhập khẩu hàng tấn lương thực trị giá hàng tỷ đô-la. Điều này đòi hỏi phải vay mượn thêm nhiều hơn nữa. Tất cả những điều này diễn ra trong khi giá dầu lửa vẫn cao và sản lượng tăng vọt. Một vài năm sau, khi giá dầu lửa xuống thấp, những thất bại và thâm hụt thậm chí còn kịch tính hơn. Năm 1995, các khoản vay ngân hàng của Mê-hi-cô lại một lần nữa bên bờ vực vỡ nợ và những người nộp thuế Mỹ lại bị Quốc hội kéo vào để chi trả cho hơn 30 tỷ đô-la tiền đang gặp rủi ro. Cuối cùng, mặc dù khoản vay này đã được hoàn trả nhưng số tiền để thực hiện điều đó đã được rút từ người dân Mê-hi-cô thông qua một vòng lạm phát quy mô lớn khác, thứ đã đẩy mức sống của họ xuống thấp hơn nữa. Giờ đây, quốc gia này đã bị sa lầy trong tuyệt vọng. Sau khi rót hàng tỷ đô-la vào các quốc gia kém phát triển khắp toàn cầu, không có sự phát triển nào diễn ra nữa. Trên thực tế, chúng ta chỉ toàn nhìn thấy những điều trái ngược vì hầu hết các nước đều trở nên tồi tệ hơn cả trước khi Những vị cứu tinh của Thế giới tìm đến họ. TỔNG KẾT IMF và Ngân hàng Thế giới được thành lập tại cuộc họp của các nhà tài phiệt và chính trị gia trên toàn thế giới được tổ chức tại Bretton Woods, New Hampshire vào năm 1944. Mục đích được thông báo của những tổ chức này là tạo điều kiện thuận tiện cho thương mại quốc tế cũng như ổn định tỷ giá hối đoái của các loại tiền tệ quốc gia. Còn những mục đích không được thông báo lại hoàn toàn khác. Đó là loại bỏ chế độ bản vị hối đoái vàng và thiết lập chủ nghĩa xã hội thế giới. Phương pháp được sử dụng để loại bỏ vàng trong thương mại quốc tế là thay thế nó bằng một đơn vị tiền tệ thế giới do IMF - một tổ chức hoạt động như ngân hàng trung ương thế giới - tạo ra từ không khí. Còn phương pháp thiết lập chủ nghĩa xã hội thế giới là sử dụng Ngân hàng Thế giới để chuyển tiền - được ngụy trang thành những khoản vay - cho chính phủ của những quốc gia kém phát triển nhằm đảm bảo việc loại bỏ tự do mậu dịch. Các nhà lý luận điều khiển Hội nghị tại Bretton Woods chính là John Maynard Keynes, nhà kinh tế học nổi tiếng theo chủ nghĩa Pha-Biên ở Anh và Harry Dexter White, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ, người sau này trở thành Giám đốc Điều hành đầu tiên của Mỹ tại IMF. Những người theo chủ nghĩa Pha-Biên là một nhóm trí thức tinh anh thống nhất với những người theo chủ nghĩa xã hội về mục đích của chủ nghĩa xã hội nhưng lại bất đồng về các sách lược hành động. Thế nên, trong khi những người theo chủ nghĩa xã hội chủ trương xây dựng chế độ bằng cách mạng thì những người theo chủ nghĩa Pha-Biên lại ủng hộ phương thức cải cách từ từ và dịch chuyển xã hội thông qua pháp chế. Nhiều năm sau, người ta phát hiện ra rằng Harry Dexter White chính là thành viên của nhóm hoạt động tình báo theo chủ nghĩa xã hội. Do đó, ẩn đằng sau những gì nhìn thấy là một vở kịch phức tạp với hai nhà sáng lập trí thức của Bretton Woods gồm một người theo học thuyết Pha-Biên và người kia theo chủ nghĩa xã hội, cùng phối hợp với nhau để tạo ra mục đích chung: chủ nghĩa xã hội thế giới. Nguồn vốn dành cho IMF và Ngân hàng Thế giới đều được lấy từ các quốc gia công nghiệp hóa, trong đó Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất. Các loại tiền tệ như đô-la, yên, mác hay phờ-răng đều được gia tăng khối lượng lên nhiều lần dưới dạng “các khoản tín dụng”. Nhưng đây chỉ là lời hứa của chính phủ các quốc gia thành viên để lấy được tiền từ người nộp thuế nước mình nếu Ngân hàng gặp rắc rối với các khoản vay. IMF dần biến thành ngân hàng trung ương của thế giới với Ngân hàng Thế giới là cánh tay phải của nó. IMF đã trở thành cỗ máy chuyển của cải đến những quốc gia kém phát triển. Điều này đã làm giảm mức phát triển kinh tế của những nước viện trợ nhưng lại không làm gia tăng mức phát triển kinh tế của những nước nhận viện trợ.