Những Âm Mưu Từ Đảo Jekyll - Chương 13

Chương 13 VŨ HỘI HÓA TRANG Ở MATXCƠVA Một tổ chức bí mật được Cecil Rhodes sáng lập cho mục đích thống trị thế giới; việc thành lập một chi nhánh của tổ chức này ở Mỹ với tên gọi Hội đồng Quan hệ quốc tế; vai trò của các nhà tài phiệt trong phạm vi tổ chức này đối với việc “tài trợ” cho cuộc cách mạng tại Nga; mục tiêu sứ mệnh của Tổ chức Chữ thập đỏ tại Matxcơva như một tấm bình phong cho âm mưu đó. Một trong những câu chuyện thú vị nhất của lịch sử hiện đại là cuộc cách mạng Bôn-sê-vích tại Nga chính là cuộc nổi dậy của tầng lớp bị áp bức chống lại giai cấp thống trị hà khắc của Nga hoàng. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy, trong quá trình cách mạng, nước Nga đã phải “nhận” nguồn tài chính từ các nước Đức, Anh và Mỹ… Hơn thế nữa, chúng ta sẽ thấy rằng kế hoạch của Rothschild đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình những sự kiện này. Câu chuyện này bắt đầu với cuộc chiến tranh giữa Nga và Nhật vào năm 1904. Jacob Schiff, người phụ trách công ty đầu tư của Kuhn, Loeb tại New York, đã tăng vốn cho khoản vay kha khá của Nhật nhằm phục vụ chiến tranh. Nhật Bản xứng đáng được hưởng khoản vay này vì có khả năng phát động một cuộc tấn công gây choáng váng chống lại Nga tại cảng Arthur và trong năm kế tiếp, hủy diệt các tàu hải quân Nga. Năm 1905, Mikado trao tặng Huân chương hạng hai của Cục Ngân khố Nhật Bản cho Jacob Schiff nhằm công nhận vai trò quan trọng của ông ta cho chiến dịch tài chính. Trong suốt hai năm diễn ra chiến sự, hàng nghìn binh lính và thủy thủ Nga đã bị bắt làm tù binh. Các nguồn lực bên ngoài lãnh thổ nước Nga vốn đối địch với chế độ Sa Hoàng đã được chi trả cho việc in ấn tài liệu tuyên truyền tư tưởng cách mạng và chuyển cho các trại giam. Những người làm cách mạng nói tiếng Nga đã được huấn luyện và được cử đi rải truyền đơn trong cộng đồng các tù nhân nhằm truyền bá tư tưởng cách mạng. Khi chiến tranh kết thúc, những người này trở về nhà và trở thành những hạt giống chống lại Sa Hoàng. Họ đóng vai trò chủ chốt nhiều năm sau đó trong việc tạo dựng một cuộc cách mạng nhằm tiếp quản nước Nga. TROTSKY ĐÓNG VAI TRO NHƯ MỘT ĐẠI DIỆN “NHIỀU MANG” Một trong những nhà cách mạng nổi tiếng nhất của Nga vào lúc này chính là Leon Trotsky. Tháng Giêng năm 1916, Trotsky bị trục xuất khỏi Pháp và đến Mỹ. Có nhiều thông tin cho rằng, chi phí cho việc di chuyển từ Pháp đến Mỹ của Trotsky được Jacob Schiff chi trả. Không có tài liệu nào chứng minh được điều này ngoại trừ một chứng cứ chi tiết có thể chỉ đích danh người tài trợ giàu có ở Mỹ. Ông ta duy trì mối quan hệ với Nga trong nhiều tháng khi viết cho một trong những tờ báo nổi tiếng của Nga lúc này là tờ Novy Mir (Thế giới mới) với những bài phát biểu đầy tính cách mạng tại các cuộc mít tinh ở New York. Theo Trotsky, trong nhiều dịp, chiếc xe limousine có tài xế luôn túc trực để phục vụ, đưa đón ông ta và người đứng ra cung cấp chiếc xe này không ai khác ngoài ông bạn giàu có với tên gọi bí ẩn là Bác sĩ M. Trong cuốn sách Cuộc đời tôi (My Life), Trotsky viết: Phu nhân bác sĩ rủ vợ tôi cùng con trai lái xe ra ngoài và tỏ ra rất thân thiện với họ. Nhưng bà ta là một người ghê gớm, trong khi tay tài xế lại giống như một pháp sư hay một người khổng lồ! Với một cử chỉ vẫy tay, ông ta khiến chiếc xe phải ngoan ngoãn phục tùng mọi yêu cầu mệnh lệnh của ông ta. Được ngồi cạnh ông ta quả là một niềm hãnh diện tột độ. Khi họ bước vào phòng trà, các bé trai thường ngạc nhiên hỏi mẹ: “Vì sao chú tài xế lại không ngồi cùng với chúng ta hả mẹ?”[1] Ngày 23/3/1917, một cuộc mít tinh quần chúng đã được tổ chức tại đại sảnh Carnegie nhằm kỷ niệm sự kiện từ ngôi của vua Nicolai Đệ Nhị - có nghĩa đó là sự thoái vị của chế độ Sa hoàng tại Nga. Hàng nghìn người theo chủ nghĩa xã hội đã tụ tập đông đủ để chào mừng ngày lễ. Hôm sau, trên tờ New York Times xuất hiện trang đôi với bức điện chúc mừng từ Jacob Schiff - bức điện đã được đọc trước công chúng. Ông ta biểu lộ sự tiếc nuối rằng đã không tham dự được buổi lễ này và sau đó đã mô tả cuộc cách mạng thành công ở Nga như những gì mà chúng tôi hy vọng và cố gắng phấn đấu trong nhiều năm trời.”[2] Khi trở về Petrograd vào tháng 5 năm 1917 nhằm tổ chức thời kỳ Bôn-sê-vich cho cuộc cách mạng Nga, Trotsky mang theo 10.000 đô-la Mỹ làm chi phí đi lại, nghĩa là một khoản tiền rất lớn nếu tính đến giá trị của đồng đô-la thời bấy giờ. Số tiền này được biết đến vì Trotsky đã bị các sĩ quan hải quan Anh và Canada bắt giữ khi con tàu mà ông ta ngồi trên đó - S.S. Kristianiafjord - cập cảng Halifax. Và khoản tiền mang theo người của Trotsky đã lập tức bị đưa vào hồ sơ chính thức. Nguồn gốc của khoản tiền này đã trở thành tâm điểm của nhiều suy đoán, nhưng chứng cứ đã thuyết phục một cách chắc chắn rằng nguồn gốc của số tiền này là từ chính phủ Đức. Và đó là một khoản đầu tư lớn. Trotsky không bị bắt một cách bất chợt, ông ta bị coi là mối đe dọa đối với quyền lợi béo bở nhất của Anh, đất mẹ Canada ở Khối thịnh vượng chung (gồm Vương quốc Anh, một số quốc gia độc lập và phụ thuộc khác - ND). Nga là một đồng minh của Anh trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất vốn đang diễn ra ác liệt ở châu Âu. Bất cứ điều gì có khả năng làm suy yếu Nga - đương nhiên kể cả cuộc cách mạng nội địa - đều có tác dụng làm cho Đức mạnh lên và làm suy yếu Anh. Tại New York, vào đêm trước khi khởi hành, Trotsky đã có một bài phát biểu với những lời lẽ như sau: “Tôi sẽ quay trở lại nước Nga để đánh bại chính phủ lâm thời và chấm dứt chiến tranh với Đức.”[3] Như vậy, Trotsky đã cho thấy mối đe dọa thực tế đối với nỗ lực chiến tranh của Anh. Ông ta đã bị bắt như một đặc vụ của Đức và bị đối xử như một tù binh chiến tranh. Với những điều này trong ý nghĩ, chúng ta có thể đánh giá sức mạnh vĩ đại của các nguồn lực bí hiểm này của cả Anh lẫn Hoa Kỳ. Ngay lập tức, các bức điện bắt đầu bay tới tấp đến Halifax từ các nguồn khác nhau, ví dụ từ một luật sư không mấy tiếng tăm ở New York, từ Phó Tổng cục trưởng cục bưu điện Canada, và thậm chí là từ một viên sĩ quan cao cấp của quân đội Anh, tất cả đều muốn biết về tình hình của Trotsky và đề nghị phóng thích ông ta ra khỏi ngục tù. Giám đốc cơ quan mật vụ Anh ở Mỹ lúc này là William Wiseman, người “vô tình” ngự trong căn hộ ngay bên trên căn hộ của Edward Mandell House và đồng thời trở thành bạn thân thiết của ông ta. House đã khuyên Wiseman rằng Tổng thống Wilson muốn Trotsky được phóng thích. Wiseman hội ý với chính phủ mình và ngày 21/4, Bộ Hải quân Anh đã ra chỉ thị cho phép Trotsky được hồi hương.[4] Đây là một quyết định mang tính định mệnh có thể có tác động không chỉ đến cục diện chiến tranh mà còn có tác động đến tương lai của cả thế giới. Có thể sẽ là sai lầm để kết luận rằng Jacob Schiff và Đức là những kẻ đạo diễn duy nhất trong tấn bi kịch này. Trotsky không thể đi đâu xa khỏi thành phố Halifax nếu không có hộ chiếu Mỹ, và điều này đã được can thiệp bởi chính Tổng thống Wilson. Giáo sư Antony Sutton cho rằng: Tổng thống Woodrow Wilson như cha đỡ đầu - người đã cấp hộ chiếu cho Trotsky để giúp ông này trở về Nga nhằm “đảm nhận trách nhiệm tiến hành cuộc cách mạng”… Cũng lúc này, các quan chức quan liêu của Bộ ngoại giao - những người quan tâm đến các cuộc cách mạng diễn ra ở Nga - đã nỗ lực xúc tiến các thủ tục cấp hộ chiếu.[5] Những gì nổi bật lên từ ví dụ tiêu biểu này chính là mô hình rõ ràng của việc “ủng hộ mạnh mẽ” phong trào Bôn-sê-vích - điều có được từ các trung tâm tài chính và chính trị quyền lực của Hoa Kỳ hoặc từ những nhân vật tai to mặt lớn. Đó là một điều cho người Mỹ nhằm hủy hoại nước Nga Sa Hoàng, và như vậy, đã gián tiếp giúp Đức trong cuộc chiến, vì người Mỹ lúc đó chưa tham gia vào, nhưng đối với các công dân Anh thì việc làm như vậy được coi như một hành động bội tín. Để hiểu được điều gì cao hơn cả lòng trung thành đã thúc ép họ phản bội lại đồng minh chiến đấu của mình để hy sinh máu xương của đồng bào mình, chúng ta phải xem xét lại tổ chức độc nhất vô nhị mà họ là thành viên. HỘI KÍN Alfred Milner chính là nhân vật chủ chốt trong việc tổ chức một hội kín - tổ chức mà vào thời điểm này đã có lịch sử 16 năm tồn tại. Mục đích của việc thành lập tổ chức này cũng không nằm ngoài việc cúng tế của thế giới. Sự chinh phục nước Nga được coi như bước đầu tiên của kế hoạch. Kể từ khi xuất hiện cho đến nay, tổ chức này vẫn không ngừng phát triển để hướng đến mục tiêu của mình, và điều quan trọng là chúng ta không quên gắn kết lịch sử phát triển của tổ chức đó trong cuốn sách này. Một trong những công trình tham khảo xác thực về lịch sử của tổ chức này có thể kể đến cuốn Bi kịch và hi vọng (Tragedy and Hope) của Tiến sĩ Carroll Quigley. Tiến sĩ Quigley là giáo sư giảng dạy môn lịch sử tại Đại học Georgetown University - nơi Tổng thống Bill Clinton từng là sinh viên. Ông là tác giả của cuốn sách nổi tiếng - Sự tiến hóa của văn minh nhân loại (Evolution of Civilization). Ông cũng là thành viên của ban biên tập tờ Current History đồng thời là giáo sư giảng dạy, chuyên gia tư vấn của các nhóm như Trường Công nghiệp trực thuộc Lực lượng Vũ trang, Viện Brooking (The Brookings Institution), Phòng thí nghiệm vũ khí Bộ Hải quân, Trường Cao đẳng Hải quân, Viện Smithsonian và Bộ Ngoại giao. Nhưng Tiến sĩ Quigley không chỉ đơn thuần là một học giả mà còn cộng tác với nhiều gia tộc giàu có. Ông khoe rằng mình là người trong cuộc có cái nhìn sâu sát nhất về cơ chế và quyền lực tiền bạc của thế giới. Cuốn sách của tiến sĩ Quikley dày 1.300 trang đầy tính học thuật về lịch sử đương nhiên không thể dành cho số đông độc giả mà chỉ để dành cho những thành phần tinh hoa nhất của xã hội. Tuy nhiên, ông cũng đã cho thấy rằng mình là người biện hộ thân thiện cho nhóm người tinh tú này và ủng hộ mục tiêu của tổ chức đó. Tiến sĩ Quigley viết rằng: Tôi biết về hoạt động của mạng lưới này bởi vì tôi đã nghiên cứu tổ chức đó trong hai mươi năm và vào năm 1960 thì được phép thẩm tra giấy tờ hay các tài liệu mật. Tôi không hề ác cảm với tổ chức này, và trong phần lớn cuộc đời mình, tôi đã có mối quan hệ thân thiết với tổ chức đó hoặc với các văn kiện của nó… Nói chung, sự khác biệt lớn của tôi trong quan điểm chính là những gì mà tổ chức đó mong muốn giữ bí mật.[6] Như đã nói, cuốn sách của Quigley dự kiến sẽ chỉ dành cho các độc giả thuộc tầng lớp tinh tú của xã hội bao gồm các học giả và những người thuộc mạng lưới này. Nhưng, thật ngạc nhiên là cuốn sách này lại bắt đầu được trích dẫn trong các tạp chí của tổ chức John Birch - tổ chức nhận thức một cách đúng đắn rằng tác phẩm của Quigley cung cấp một cách nhìn có giá trị đối với các công trình nội bộ của cơ cấu quyền lực ngầm. Hành động bị phơi bày này làm nảy ra một nhu cầu của mọi người đối với cuốn sách - những người chống đối mạng lưới đó và muốn biết người trong cuộc sẽ nói gì về nó. Điều này không tuân thủ kế hoạch ban đầu. Những gì xảy ra tiếp theo sau đọ đã được Quigley mô tả một cách xuất sắc. Trong một bức thư đề ngày 9/12/1975, ông viết: Cám ơn ngài đã có lời khen ngợi cuốn Bi kịch và hi vọng, một cuốn sách đã khiến tôi đau đầu vì nó đã hé lộ những thông tin mà những kẻ tai to mặt lớn không muốn cho ai biết đến. Nhà xuất bản đã ngừng bán cuốn sách này vào năm 1968 và nói với tôi rằng họ muốn tái bản (nhưng năm 1971 họ nói với luật sư của tôi rằng họ đã hủy các bản kẽm của cuốn sách vào năm 1968). Giá của cuốn sách quý này tăng lên 135 đô-la và một phần đã được tái bản mà không có bản quyền, nhưng tôi chẳng thể làm gì vì tin vào nhà xuất bản, trong khi họ lại không hành động gì thậm chí khi sách lậu bày bán công khai. Chỉ khi thuê luật sư vào năm 1974 thì tôi mới nhận được câu trả lời cho câu hỏi… Trong một bức thư cá nhân khác, Quigley bình luận về trò gian trá của nhà xuất bản: Họ nói dối tôi trong vòng sáu năm khi cho rằng họ có thể tái bản nếu có được 2000 đơn đặt hàng - điều không bao giờ xảy ra vì họ đã nói với bất cứ ai có mong muốn mua sách rằng họ đã ngừng xuất bản cuốn sách này và khả năng tái bản là không xảy ra. Họ phủ nhận điều đó với tôi cho đến khi tôi gửi họ bản copy những câu trả lời trong các thư viện, và họ đã trả lời tôi rằng đó chỉ là lỗi của nhân viên. Nói cách khác, họ đã nói dối tôi nhưng lại ngăn trở tôi đòi lại bản quyền… Giờ đây tôi tin chắc rằng Bi kịch và hi vọng thực sự bị thu hồi…[7] Để hiểu được vì sao “những kẻ quyền lực” muốn thu hồi cuốn sách này, hãy lưu ý đến những dòng dưới đây. Tiến sĩ Quigley đã mô tả mục tiêu của mạng lưới tài phiệt tài chính này như sau: … không có gì đáng làm hơn bằng việc tạo ra một hệ thống kiểm soát tài chính thế giới trong tay nhằm thống soái hệ thống chính trị của mỗi một quốc gia và nền kinh tế của cả thế giới. Hệ thống này phải được kiểm soát theo mô hình phong kiến bởi các ngân hàng trung tâm của thế giới, bằng những thỏa thuận bí mật hiện diện trong các cuộc họp riêng được tổ chức thường xuyên… Mỗi một ngân hàng trung ương - những ngân hàng nằm duới sự kiểm soát của các ông trùm như Montagu Norman của Ngân hàng Anh, Benjamin Strong của Ngân hàng Cục Dự trữ Liên bang New York, Charles Rist của Ngân hàng Pháp và Hjalmar Schacht của Reichsbank - tìm cách nhằm thống lĩnh chính phủ của quốc gia mình bằng khả năng kiểm soát các khoản cho vay của Kho bạc, thao túng việc thu đổi ngoại tệ, tạo ra ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế trong nước, và tạo ra ảnh hưởng đối với các chính trị gia bằng các giải thưởng kinh tế đi kèm trong thế giới kinh doanh.[8] Và đây chính là thông tin mà “những kẻ quyền lực” không muốn bất cứ một người bình thường nào biết đến. Nên nhớ là Quigley cho rằng nhóm này chính là “mạng lưới”. Đó là cách chọn từ ngữ chính xác và đây là điều quan trọng để hiểu nguồn lực tài chính quốc tế. Mạng lưới mà Quigley đề cập đến không phải là hội kín. Đó là những thành viên nắm giữ những vị trí chủ chốt trong mạng lưới, tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng ở đây có nhiều người trong mạng lưới biết chút ít hoặc thậm chí là không hề biết gì về hệ thống kiểm soát ngầm. Để giải thích vì sao điều này lại trở nên có thể xảy ra, chúng ta hãy cùng nhau quay trở về nguồn gốc hình thành và phát triển của hội kín. RUSKIN, RHODES VÀ MILNER Năm 1870, một người theo chủ nghĩa xã hội gốc Anh có tên là John Ruskin được bổ nhiệm làm giáo sư giảng dạy môn hội họa tại Trường Đại học Tổng hợp Oxford (London). Ông dạy cho các sinh viên hiểu rằng, chính phủ cần phải giành quyền kiểm soát mọi phương tiện sản xuất và tổ chức chúng thành hàng hóa cho cộng đồng. Ông chủ trương việc đặt sự kiểm soát của nhà nước vào tay một nhóm nhỏ những người thuộc giai cấp thống trị. Ông nói: “Mục tiêu liên tục của tôi đạt được là nhằm tỏ rõ quyền lực của một số hay thậm chí là một nhân vật đối với kẻ khác.”[9] Tuy nhiên, khi quay trở lại với chủ đề nguồn gốc của nhóm tinh anh này, Tiến sĩ Quigley cho biết: Ruskin phát biểu trước các sinh viên trường Đại học Oxford - những người được coi như thành viên của tầng lớp thống trị. Ông ta nói với họ rằng họ là những người sở hữu truyền thống cao đẹp trong học tập, cái đẹp, quyền lực pháp luật, tự do, lễ nghi và kỷ luật, nhưng truyền thống này có thể được mở rộng tới các giai cấp thấp hơn ở Anh và đối với quần chúng không phải là người Anh trên toàn thế giới. Thông điệp của Ruskin đã có một tác động kỳ lạ. Bài giảng nhân lễ nhậm chức của ông ta được một sinh viên sắp tốt nghiệp tên là Cecil Rhodes chép tay - người đã giữ bài giảng này của ông thầy bên mình suốt ba mươi năm liền.[10] Cecil Rhodes đã tạo ra được một trong những nguồn tài sản lớn nhất thế giới. Với sự hợp tác với Ngân hàng Anh và các nhà tài phiệt ngân hàng khác như Rothschild, ông ta có khả năng thiết lập một đế chế độc quyền khai thác kim cương và vàng ở Nam Phi. Phần cơ bản trong nguồn thu nhập khổng lồ này được chi cho việc thanh toán trước cho các ý tưởng về giai cấp thống trị của John Ruskin. Tiến sĩ Quigley giải thích rằng: Các suất học bổng của Rhodes - được xác lập bởi các điều khoản trong di chúc thứ bảy của Cecil Rhodes - được mọi người biết đến rộng rãi. Những gì không được biết đến rộng rãi là trong năm di chúc trước đó của mình, Rhodes đã để lại nguồn tài sản nhằm lập ra một hội kín - một tổ chức được lập ra nhằm cống hiến cho việc bảo tồn và mở rộng vương quốc Anh. Và những gì dường như không được mọi người biết đến là hội kín này được Rhodes và Milner - người được ủy thác - thành lập và tồn tại cho đến ngày hôm nay… Trong cuốn sách của mình về di chúc của Rhodes, ông ta (Stead, thành viên của nhóm này) viết rằng: “Rhodes là một nhân vật hơn cả sáng lập viên của đế chế này. Ông ta khao khát được trở thành người sáng tạo nên một trong những tổ chức gần giống tôn giáo hoặc chính trị - những tổ chức giống như Hiệp hội Giê Su, đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới. Nói chính xác hơn, ông ta mong muốn tìm ra một sắc lệnh như một văn kiện thể hiện mong muốn của Triều đại.”[11] Trong hội kín này, Rhodes đóng vai trò như một thủ lĩnh; Stead, Brett (Huân tước Esher) và Milner đảm trách việc thành lập một ủy ban điều hành; Huân tước Arthur Balfour, Hầu tước Harry Johnston, Huân tước Rothschild, Huân tước Albert Grey và các nhân vật tiềm năng khác của “nhóm những người đã qua vòng thụ giáo”, trong khi ở đây lẽ ra phải là là một nhóm được biết đến với cái tên “Hiệp hội những người hỗ trợ” (sau này được Milner cơ cấu như một Tổ chức Bàn Tròn)[12] MÔ HÌNH CỦA ÂM MƯU Như vậy, ở đây đã hình thành mô hình của một âm mưu chính trị. Đây là cấu trúc đã khiến cho Quigley có khả năng phân biệt giữa “mạng lưới” quốc tế và hội kín trong phạm vi mạng lưới này. Ở giữa trung tâm luôn là một nhóm nhỏ nắm quyền kiểm soát hoàn toàn với một nhân vật thủ lĩnh. Tiếp theo là mối quan hệ thứ cấp không dính dáng gì đến hạt nhân bên trong. Những âm mưu này được tạo ra đúng lúc từ trung tâm và tạo ra những vòng tròn bổ sung trong tổ chức. Những người nằm ở vòng ngoài cùng về cấp bậc chính là những người theo chủ nghĩa duy tâm với khát khao chân thật nhằm hoàn thiện thế giới. Họ không bao giờ ngờ vực sự kiểm soát các mục tiêu khác bên trong, và chỉ có một số người - những kẻ biểu lộ sự nhẫn tâm nhằm giành được mối quan hệ ở mức cao hơn - bao giờ cũng được phép đảm đương việc đó. Sau khi Cecil Rhodes chết, hạt nhân bên trong của hội kín này rơi vào tay Huân tước Alfred Milner, Thống đốc Cao ủy Nam Phi. Với tư cách là giám đốc của nhiều ngân hàng công và sáng lập viên của Midland Bank (Anh), ông ta trở thành một trong những thế lực chính trị và tài chính lỗi lạc nhất trên thế giới. Milner đã tuyển vào hội kín nhiều thanh niên trẻ trung, phần lớn là những chàng trai đến từ Oxford hoặc Toynbee Hall và theo Tiến sĩ Quigley thì: Thông qua tầm ảnh hưởng của ông ta, những nhân vật này có khả năng giành được những vị trí chủ chốt trong chính phủ cũng như trong giới tài chính và trở thành thế lực chi phối trong các sự vụ ở tầm quốc gia và tầm quốc tế cho tới năm 1939… Từ năm 1909-1913, họ đã tổ chức các nhóm gần giống như hội kín - chẳng hạn như Nhóm Bàn Tròn… Tiền bạc cho các hoạt động mở rộng của tổ chức này chủ yếu do Rhodes Trust hoặc do các hiệp hội giàu có khác cung cấp, ví dụ như Beit Brothers, Hầu tước Abe Bailey, và sau năm 1915, do gia đình Astor… hoặc do các quỹ hoặc các công ty phối hợp với các những đoàn thể ngân hàng, đặc biệt là Carnegie United Kingdom Trust, và các tổ chức khác phối hợp với J.P. Morgan, gia tộc Rockefeller hay gia tộc Whitney, hiệp hội Lazard Brothers & Morgan, Grenfell and Company… cung cấp. Cuối năm 1914, rõ ràng là tổ chức của hệ thống này đã phải được mở rộng. Một lần nữa, nhiệm vụ được giao phó cho Lionel Curtis - người thành lập một tổ chức ở Anh cho Nhóm Bàn tròn. Tổ chức này được gọi là Viện Hoàng gia về các vấn đề ngoại giao với hạt nhân trong từng lĩnh vực của Nhóm bàn Tròn. Ở New York, tổ chức này được biết đến như là Hội đồng Quan hệ Quốc tế và là mặt trận của Công ty J.P. Morgan với sự phối hợp cùng Nhóm Bàn Tròn Mỹ.[13] Hội đồng Quan hệ Quốc tế là một chi nhánh tách ra do sự thất bại của các cường quốc thế giới khi chiến tranh Thế giới Thứ nhất kết thúc nhằm gây áp lực với Hội quốc liên vốn được coi như là một chính phủ thế giới thực thụ. Đối với các chuyên gia lập kế hoạch thì rõ ràng là họ là những kẻ thiếu thực tế khi mong đợi được chấp thuận nhanh chóng. Nếu được thực thi thì kế hoạch của họ sẽ được triển khai dựa trên cơ sở của phương pháp tiệm tiến luận với biểu tượng của con rùa của nhóm Pha-Biên (nhóm những người chủ trương cải cách từng phần ở Anh - ND). Rose Martin nói rằng: Đại tá House chỉ là một nhân vật, trong khi chúng ta cần nhiều người như vậy. Ông ta đã lập ra mô hình và mục tiêu cho tương lai, và ông ta có một vài sơ đồ trong đầu. Trên thực tế, ông ta nhìn thấy trước rằng, điều đó sẽ là cần thiết cho nhóm Pha-Biên nhằm phát triển nhóm hoạch định cao cấp Anh-Mỹ trong lĩnh vực quan hệ quốc tế - điều có thể tạo ra một chính sách có tầm ảnh hưởng ngầm và dần dần “rèn luyện” quan điểm công chúng… Đối với các thành viên Pha-Biên trẻ tuổi và đầy tham vọng, cả người Anh lẫn người Mỹ - những người tụ tập tham dự các cuộc hội thảo về hòa bình, chẳng hạn như các chuyên gia kinh tế hoặc các quan chức nhỏ - điều này sẽ nhanh chóng trở thành chứng cứ rằng sắc lệnh New York (New York Order) không phải được soạn thảo ở Paris… Đối với họ, Đại tá House đã dàn xếp một buổi ăn tối tại Khách sạn Majestic vào ngày 19/5/1919 cùng với một nhóm thành viên được lựa chọn từ hội Pha-Biên - những chàng trai người Anh - đặc biệt là Arnord Toynbee, R.H. Tawney và John Maynard Keneys. Vì nhiều nguyên nhân, tất cả đều vỡ mộng bởi tầm quan trọng của hòa bình. Họ đã đưa ra một lời hứa quân tử trong việc thành lập một tổ chức với các chi nhánh ở Anh và Mỹ “nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học về các vấn đề quốc tế.” Và kết quả là, hai tổ chức có uy lực và có liên quan đến nhau trong việc đưa ra quan điểm đã được thành lập… Chi nhánh tại Anh được gọi là Viên Hoàng gia về các vấn đề quan hệ Quốc tế. Chi nhánh tại Mỹ vốn được biết đến như Viện Quan hệ Quốc tế, được tái cơ cấu lại vào năm 1921 với tên gọi Hội đồng Quan hệ Quốc tế.[14] Điều này được thực hiện thông qua nhóm tiền tiêu có tên gọi là Hội đồng Quan hệ Quốc tế và tầm ảnh hưởng của nó đối với truyền thông, các quỹ được miễn trừ thuế, các trường đại học, học viện và các tổ chức chính phủ - những tổ chức mà các nhà tài phiệt quốc tế đã chi phối được các chính sách đối nội và đối ngoại của Hoa Kỳ từ đó cho đến nay. Chúng ta có thể nói nhiều về Hội đồng Quan hệ Quốc tế, ngoại trừ điểm trọng tâm của chúng ta cho Vương quốc Anh và cụ thể hơn là về sự giúp đỡ những người làm cách mạng tại Nga của Hầu tước Alfred Milner cùng mạng lưới các hội kín của ông ta. ĐẠI DIỆN BÀN TRÒN TẠI NGA Trước và trong khi diễn ra cuộc cách mạng, tại Nga đã có nhiều nhà quan sát trong nước, khách du lịch và đại diện giới truyền thông - những người đưa ra báo cáo rằng các hãng thông tấn Anh và Mỹ đã có mặt khắp nơi. Các thành viên Bàn Tròn lại tiếp tục bắt tay với cả hai bên tham chiến nhằm làm suy yếu và lật đổ chính phủ mục tiêu. Sa Hoàng Nicolai có đủ lý lẽ để tin rằng, kể từ khi Anh trở thành đồng minh của Nga trong cuộc chiến chống lại Đức, các quan chức Anh sẽ là những nhân vật cuối cùng trên trái đất hiệp lực chống lại ông ta. Bản thân đại sứ Anh đã đại diện cho một thế lực ngầm trong việc tài trợ nguồn tài chính cho việc lật đổ chế độ. Các đại diện của Bàn Tròn từ Mỹ không có lợi thế trong việc sử dụng hoạt động ngoại giao để làm bình phong và vì thế mà phải vận dụng đến nhiều mưu trí khéo léo. Họ xuất hiện không giống như những nhà ngoại giao hay các thương gia có quan tâm đến hoạt động kinh doanh mà ngụy trang thành những quan chức của Hội chữ thập đỏ với sứ mệnh nhân đạo. Nhóm này bao gồm các nhà tài phiệt, luật sư, các kế toán viên từ các ngân hàng hoặc các tổ chức đầu tư New York. Họ thâu tóm hết quyền lực của tổ chức Chữ thập đỏ Mỹ với các khoản đóng góp kếch sù, và trên thực tế là họ đã thực hiện việc nhượng quyền nhằm kinh doanh dưới tên tuổi của Hội này. Giáo sư Sutton nói rằng: Chiến dịch tăng ngân quỹ của Hội chữ thập đỏ vào năm 1910 cho khoản tiền 62 triệu đô-la Mỹ đã thu được thắng lợi chỉ bởi vì điều đó được các ông trùm tài phiệt của New York hỗ trợ. Bản thân J.P. Morgan đóng 100.000 đô-la Mỹ, Henry P. Davison [một đối tác của Morgan] là chủ tịch HĐQT của ủy ban kêu gọi tăng vốn New York năm 1910 và sau này trở thành chủ tịch HĐQT của Hội đồng chiến tranh trực thuộc Tổ chức chữ thập đỏ Mỹ… Tổ chức Chữ thập đỏ này không có khả năng đương đầu với các nhu cầu của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và trên thực tế đã được tiếp quản bởi các nhà tài phiệt ngân hàng New York.[15] Đối với thời hạn chiến tranh, Tổ chức chữ thập đỏ đã được lập ra trên danh nghĩa là một bộ phận của lực lượng vũ trang và cơ quan giám sát, quản chế các đơn hàng từ các tổ chức quân sự có thẩm quyền. Không rõ là các tổ chức quân sự này là những cơ quan nào và thực tế thì chẳng hề có một đơn hàng nào, nhưng việc dàn xếp đã khiến cho thủ tục này trở nên dễ dàng và khả thi hơn đối với các thành viên tham gia nhằm nhận được những khoản hoa hồng quân sự và khoác lên mình quân phục của các sĩ quan quân đội Hoa Kỳ. Chi phí của Phái đoàn chữ thập đỏ tại Nga, kể cả việc mua bán quân phục được thanh toán bởi “Đại tá” William Boyce Thompson - một nhân vật được Tổng thống Wilson bổ nhiệm vào chức vụ Trưởng phái đoàn. Thompson là một típ người cổ điển của mạng lưới Bàn Tròn. Bắt đầu sự nghiệp như là một nhà đầu cơ mỏ quặng, Thompson nhanh chóng bước chân sang thế giới tài chính. Ông ta tái đầu tư vào Công ty Len Hoa Kỳ (American Woolen Company) và Công ty Thuốc lá (Tobacco Products Company); giành được Công ty mía Đường Cuba (Cuban Cane Suger Company); mua bán quyền kiểm soát trong Công ty Ô tô Pierce (Pierce Arrow Motor Car Company); tổ chức ra Công ty cổ phần Tàu ngầm (the Submarine Boat Corporation) và Công ty chế tạo máy bay Wright-Martin (Wright-Martin Aeroplane Company); trở thành giám đốc của Công ty đường sát Chicago Rock Island & Pacific (The Chicago Rock Island & Pacific Railway), Công ty đường sắt Magma Arisona (The Magma Arisona Railway) và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Metropolitan (The Metropolitan Life Insurance Company); là một trong những cổ đông nặng ký nhất của Chase National Bank; là đại diện của Morgan trong các hoạt động kinh doanh chứng khoán ở Anh; trở thành giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Cục Dự trữ Liên bang New York và đương nhiên là đã đóng góp 250.000 đô-la cho Tổ chức chữ thập đỏ. Khi đến Nga, Thompson thanh minh thanh nga rằng ông ta không phải là đại diện của Tổ chức chữ thập đỏ. Theo Hermann Hagedorn, chuyên gia viết tiểu sử của Thompson thì: Ông ta chủ tâm tạo ra một kiểu ngụy trang - hình thức được các ông trùm tài phiệt Hoa Kỳ mong đợi: thuê một căn phòng trong Khách sạn de l’Europe, mua một chiếc limousine Pháp, nghiêm trang đến quầy tiếp tân và phòng trà, tỏ vẻ quan tâm đến hội họa. Thấy vị khách này có vẻ là một người đàn ông quyền lực, các chính khách hoặc quan khách trú ngụ tại khách sạn đều tìm cách kéo đến làm quen. Ông ta thích giải trí tiêu khiển ở các đại sứ quán, tại nhà của các vị bộ trưởng dưới chế độ Karensky. Mọi người nhận ra ông ta là một tay sưu tập nghệ thuật, và những kẻ đầu cơ đồ cổ lặt vặt liền vây quanh ông ta với các đề nghị cung cấp các bức tiểu họa, gốm sứ Dresden, thảm thêu, thậm chí là cả một vài lâu đài.[16] Khi đến xem opera, Thompson được ngồi vào hàng ghế chỉ dành riêng cho vua chúa. Dân chúng gọi ông ta là Sa Hoàng Mỹ. Và theo George Kennan thì không có gì là ngạc nhiên rằng “ông ta được các nhân vật quyền lực dưới thời Karensky xem như là một vị đại sứ ‘thực thụ’ của Hoa Kỳ.”[17] Cũng có nhiều tài liệu cho rằng Thompson tổ chức việc mua bán trái phiếu Nga ở Phố Wall với trị giá mười triệu rúp.[18] Ngoài ra, ông ta còn cung cấp trên 2 triệu rúp cho Alexandr Kerensky cho việc truyền bá mục đích của mình ra ngoài lãnh thổ Nga, đặc biệt là ở Đức và Áo.[19] VÍ DỤ THỰC TẾ CỦA LÝ THUYẾT Ở NAM PHI Thoạt nhìn thì có vẻ như phi lý rằng nhóm Morgan sẽ cung cấp tài chính cho Kerensky. Những nhân vật này có thể là những nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng họ tách rời ra trong kế hoạch của mình cho tương lai và trên thực tế là đối thủ trong việc kiểm soát chính phủ mới. Nhưng chiến thuật của việc cung cấp tài chính cho cả hai bên trong ngữ cảnh chính trị đã được các thành viên của Bàn Tròn suy tính kỹ và nâng lên thành một nghệ thuật. Một ví dụ điển hình của thủ đoạn này đã diễn ra tại Nam Phi trong cuộc chiến Bua (Boer War - cuộc chiến tranh của người Phi gốc Hà Lan trong việc tranh giành quyền khai thác quặng kim cương, vàng) vào năm 1899. Anh và Hà Lan đã rất tích cực trong việc chiếm Nam Phi làm thuộc địa trong hàng thập kỷ. Người Hà Lan đã phát triển các tỉnh Transvaal và Bang Orange Free, trong khi Anh chiếm giữ các vùng Rhodesia, Cape Hope, Basutoland, Swaziland và Bechuanaland. Mâu thuẫn giữa hai nhóm thực dân là không tránh khỏi bất cứ khi nào cạnh tranh nguồn tài nguyên trong cùng một khu vực, và sự mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi một mỏ vàng ở khu vực Whitewater thuộc Transvaal được phát hiện và điều này chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến cuộc chiến tranh tương tàn giữa hai bên. Xét về khía cạnh chính trị, Transvaal là khu vực thuộc quyền kiểm soát của người Bua, hậu duệ của thực dân Hà Lan. Nhưng, sau khi mỏ vàng này được phát hiện, các bãi vàng đã được mở mang liên tục chủ yếu bởi thực dân Anh. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi một trong những người tham gia chủ chốt nhất trong cuộc chơi này lại là Cecil Rhodes - người gần như giành được độc quyền trong việc khai thác các mỏ kim cương dưới sự kiểm soát của Anh. Nhà sử học Henry Pike cho rằng: Với việc phát hiện ra mỏ vàng tại Transvaal, Rhodes đã bộc lộ mình là kẻ vô cùng hám lợi. Mối căm thù của ông ta đối với Paul Kruger, Thống đốc vùng tự trị Transvaal của Nam Phi gốc Âu (chủ yếu là người gốc Hà Lan) rất sâu sắc. Ông ta phân đối sự độc lập của khu vực này và coi điều này như là một rào cản chính trong nỗ lực thôn tính cả Nam Phi dưới luật lệ của thực dân Anh.[20] Năm 1895, Rhodes lên kế hoạch nhằm thôn tính chính phủ của Kruger bằng việc tổ chức một cuộc khởi nghĩa giữa các cư dân Anh tại Johannesburg. Cuộc khởi nghĩa được tài trợ bởi Rhodes với thủ lĩnh là Frank - anh trai ông ta và những người ủng hộ trung thành khác. Sự việc này được diễn ra sau cuộc xâm chiếm quân sự vùng đất Transvaal của các đội pháo binh Anh đóng tại Bechuanaland và Rhodesia do Hầu tước Leander Jameson. Cuộc khởi nghĩa đã thất bại và kết thúc bằng việc Jameson bị bắt và thất sủng. Nhưng Rhodes cương quyết giành bằng được Transvaal và ngay lập tức chuẩn bị âm mưu thứ hai. Với ảnh hưởng của Rhodes, Hầu tước Alfred Milner được bổ nhiệm vào vị trí ủy viên hội đồng Cao ủy Anh ở Nam Phi. Tại London, Hầu tước Esher - một thành viên khác của hội kín - trở thành cố vấn chính trị của Vua Edward và thường xuyên liên hệ với Đức vua trong giai đoạn này. Và đây chính là sự tham gia từ phía Anh. Liên quan đến phía người Bua, giáo sư Quigley đã kể lại một câu chuyện thú vị như sau: Trong một qui trình mà đến nay các chi tiết của nó vẫn chưa được làm sáng tỏ thì một sinh viên trẻ tuổi thông minh của trường Đại học Cambridge tên là Jan Smuts - người ủng hộ Rhodes mạnh mẽ và đóng vai trò như là đại diện của ông ta tại Kimberly (mỏ kim cương lớn nhất ở Nam Phi) vào cuối năm 1895 và là một trong những thành viên quan trọng của nhóm Rhodes-Milner trong giai đoạn 1908-1950 - đã đến Transvaal và bằng cuộc vận động mạnh mẽ chống lại Anh, đã trở thành Bộ trưởng Ngoại giao của nước này (mặc dù là thần dân của Anh) đồng thời giữ chức cố vấn chính trị cho Tổng thống Kruger; Milner đã tạo ra phong trào khiêu khích binh lính dọc biên giới của người Bua thay vì yểm trợ hay bảo vệ cho vị tướng chỉ huy của mình tại Nam Phi - người lúc này đang cần được chuyển đi; và cuối cùng, cuộc chiến tranh đã bị dồn vào tình trạng khó khăn không lối thoát khi Smuts đưa ra tối hậu thư với yêu cầu rằng các chiến dịch quân sự của binh lính Anh phải được ngừng và điều này đã bị Milner phản đối.[21] Như là kết quả của việc sắp đặt kế hoạch một cách cẩn thận kỹ càng bởi các thành viên bàn tròn cho cả hai phía - một phía tạo ra các nhu cầu lớn và bên kia đáp ứng các nhu cầu đó bằng cách giả bộ làm ra vẻ căm phẫn - cuộc chiến tranh cuối cùng đã bắt đầu với việc xâm lược của quân Anh vào tháng 10/1899. Sau hai năm rưỡi chiến đấu ác liệt, người Bua đã buộc phải đầu hàng và Milner đã cai quân nước cộng hòa này như một lãnh thổ chiếm đóng quân sự. Các thành viên Bàn Tròn vốn được biết đến như một “vườn trẻ của Milner”, đã được bố trí tất cả các vị trí chủ chốt trong chính phủ, còn các bãi khai thác vàng cuối cùng cũng được bảo vệ an toàn. ĐÁNH CƯỢC CHO TẤT CẢ NGỰA Ở một khía cạnh khác, tại thành phố New York, chiến thuật tương tự trong việc bắt tay với cả hai bên tham chiến đã được áp dụng với độ chính xác tuyệt vời bởi các thành viên Bàn Tròn dưới trướng J.P. Morgan. Giáo sư Quigley đã viết rằng: Đối với Morgan thì tất cả các đảng phái đơn thuần chỉ là các tổ chức mà ông ta có thể sử dụng và công ty của ông ta luôn tỏ ra thận trọng để tham gia vào công việc nội bộ của tất cả các bên. Bản thân Morgan, Dwight Morrow và các đối tác khác chính là đồng minh của phe Cộng hòa; Russell C. Leffingwell đứng về phe Dân chủ; Grayson Murphy đứng về phe Cực Hữu, còn Thomas W. Lamont đứng về phe phái Tả.[22] Cũng lúc này, Morgan “tài trợ” cho các nhóm Bôn-sê-vích và thành lập United Americans nhằm làm cho mọi người tin rằng những người Bôn-sê-vích đang chuẩn bị sẵn sàng để giành được Thành phố New York. Tổ chức này đã đưa ra những bản báo cáo gây sốc cảnh báo về nguy cơ sụp đổ tài chính đang treo lơ lửng, nạn đói hoành hành khắp nơi. Trớ trêu thay, các nhân viên của tổ chức này là Allen Walker của Guarantee Trust Company - công ty đóng vai trò như một đại diện tài chính của Liên bang Xô Viết tại Mỹ; Daniel Willard, chủ tịch của Baltimore & Ohio Railway - công ty mà sau này rất tích cực trong việc phát triển hệ thống đường ray của Liên bang Xô Viết; gia tộc H.H. Westing của Westinghouse Air Brake Company - công ty sau này mở nhà máy tại Nga; và Otto H.Kahn của Kuhn, Loeb & Company - một trong những đơn vị hỗ trợ tài chính chủ chốt của chế độ Xô Viết.[23] Thậm chí ngay trong lòng nước Nga, tổ chức Bàn Tròn cũng đã đưa ra nhiều sự cá cược. Ngoài việc tài trợ như đã đề cập trước đó cho những người Bôn-sê-vích và các đối thủ của họ - những người theo chủ nghĩa Men-sê-vích, Morgan còn tài trợ cho các lực lượng vũ trang của đô đốc Kolchak - người chiến đấu chống lại Bôn-sê-vích ở Siberi. Không hề ngạc nhiên khi Kolchak cũng nhận được tiền tài trợ từ các ông trùm tài phiệt Anh, kể cả Alfred Milner.[24] Người ta cho rằng ý định ban đầu của Tổ chức chữ thập đỏ ở Matxcơva là nhằm ngăn cản chính phủ Nga thiết lập hòa bình riêng với Đức - điều có thể khiến binh lính Đức chiến đấu chống lại Anh và Pháp. Theo giả thuyết câu chuyện - câu chuyện mô tả chân dung các diễn viên giống như những người yêu nước đang cố gắng hết sức mình vì cuộc chiến - thì mục tiêu đầu tiên là nhằm hỗ trợ Sa Hoàng. Khi Sa Hoàng thất bại, họ quay sang ủng hộ những người theo chủ nghĩa Men-sê-vích vì đã cam kết sẽ tiếp tục tham chiến. Khi những người Men-sê-vích bị hất cẳng, họ tiếp tục ủng hộ Bôn-sê-vích nhằm giành được tầm ảnh hưởng nhất định trong việc thuyết phục tổ chức này không tham gia tài trợ cho Đức. ĐẠI DIỆN BÀN TRÒN CỦA ANH Sau khi những người Bôn-sê-vích giành được quyền lực ở Nga, George Nuchanan được phong làm Đại sứ Anh và được thay thế bởi một thành viên của “Vườn trẻ Milner” - một nhân vật trẻ tuổi có tên là Bruce Lockhart. Trong cuốn sách của mình, Điệp vụ Anh (British Agent), Lockhart đã mô tả tình huống của mình. Phát biểu tại cuộc gặp với thủ tướng Lloyd George, ông ta viết: Tôi thấy rằng, quyết định của ông ta đã được đưa ra. Ông ta thật sự cảm kích - như Huân tước Milner nói với tôi sau đó - bởi bài phỏng vấn với Đại tá Thompson của Tổ chức Chữ thập đỏ Hoa Kỳ - người vừa trở về từ Nga và thẳng thắn tuyên bố về sự điên rồ của quân Đồng minh trong việc triển khai các chương trình thương thảo với Bôn-sê-vích… Ba ngày sau, tất cả mọi sự hoài nghi của tôi đã được giải tỏa. Tôi phải tới Nga với tư cách như một người chịu trách nhiệm cho sứ mệnh đặc biệt nhằm thiết lập mối quan hệ phi chính thức với những người theo chủ nghĩa Bôn-sê-vích… Tôi đã được chọn cho sứ mệnh Nga này không phải bởi Bộ trưởng Bộ ngoại giao mà cả Bộ Chiến tranh - chính xác là bởi Huân tước Milner và Lloyd George… Tôi vẫn thường nhìn thấy Huân tước Milner hàng ngày. Năm ngày trước khi sang Nga, tôi đã ngồi ăn tôi cùng ông tại nhà Brook. Ông đang trong tâm trạng hưng phấn. Ông nói với tôi bằng một giọng chân thành thật dễ chịu về chiến tranh, tương lai của nước Anh, về con đường sự nghiệp của mình và về các cơ hội của tuổi trẻ… Ông cũng không tỏ ra là phần tử hiếu chiến hay phản động. Ngược lại, nhiều quan điểm của ông về xã hội lại được coi là hiện đại. Ông tin vào chính quyền của mình - một chính quyền được tổ chức chặt chẽ và khoa học - nơi mà sự phục vụ, tính hiệu quả và sự cần cù làm việc chính là những yếu tố quan trọng hơn cả tiền bạc.[25] ĐẠI DIỆN HOA KỲ CỦA TỔ CHỨC BÀN TRÒN Khi Thompson trở về Mỹ, nhân vật mà ông ta chọn để thay thế bản thân mình với tư cách là người chịu trách nhiệm chính cho tổ chức Chữ thập đỏ Mỹ chính là vị phó của ông ta - Raymond Robins. Không có thông tin gì về Robins ngoại trừ một chi tiết rằng ông ta là người được Đại tá Edward Mandell House bảo trợ, và ông ta có thể vẫn là một kẻ vô danh tiểu tốt trong tấn bi kịch này đồng thời là một trong những nhân vật chính trong cuốn sách của Bruce Lockhart. Hãy thử xem một số thông tin về ông ta: Một người quen khác trong những ngày này ở Saint Petersburg là Raymond Robins, nhân vật chủ chốt của Tổ chức chữ thập đỏ Hoa Kỳ… Ông ta là nhân vật trọng yếu của chiến dịch “Bull Moose” (Nai đầu bị) trong đợt bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1912. Mặc dù rất giàu có song ông ta vẫn là một nhân vật chống chủ nghĩa tư bản… Cho đến nay, hai người hùng của ông ta là Roosevelt và Cecil Rhodes. Ở một khía cạnh khác, Robins có một sứ mệnh tương tự với sứ mệnh của tôi. Ông đóng vai trò trung gian giữa những người Bôn-sê-vích và Chính phủ Mỹ và ông ta đã đặt ra một nhiệm vụ cho mình trong việc thuyết phục Tổng thống Wilson nhằm thừa nhận chế độ Xô Viết.[26] Những gì được coi là khám phá thú vị đã ẩn chứa trong những ngôn từ này. Trước hết, chúng ta hiểu được rằng Robins là một nhà lãnh đạo nhóm phụ trách chiến dịch bầu cử năm 1912 cho Tổng thống Woodrow Wilson. Và chúng ta cũng hiểu được rằng, ông là một người chống lại chủ nghĩa tư bản. Thứ ba, chúng ta khám phá ra rằng một người chống chủ nghĩa tư bản có thể sùng bái Cecil Rhodes. Và cuối cùng, chúng ta biết được rằng, dù là một thành viên trong nhóm được tài trợ bởi các nhà tài phiệt ngân hàng Phố Wall, song trên thực tế, ông ta vẫn đóng vai trò như một đại diện môi giới giữa những người theo chủ nghĩa Bôn-sê-vích và chính phủ Mỹ. Cecil Rhodes là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của Robins và có một tầm quan trọng đặc biệt trong câu chuyện này. Trong đêm trước khi rời đi Nga, Robins đã ăn tối với Lockhart. Khi mô tả tình huống này, Lockhart đã nói: “Ông ta đã nghiên cứu về cuộc đời của Rhodes và sau bữa ăn trưa đã đưa ra một mô tả tuyệt vời về tính cách của Rhodes.”[27] Như vậy, cả Lockhart và Robins được coi là những môn đệ của Cecil Rhodes và cả hai đã trở thành thành phần không thể thiếu được của mạng lưới quốc tế - mạng lưới mà giáo sư Quigley đã đề cập đến - có thể là những thành viên của Tổ chức Bàn Tròn. Lockhart báo cáo cho nhóm Anh trong khi Robins báo cáo cho nhóm Mỹ, nhưng cả hai đều phối hợp chặt chẽ vì những mục tiêu xác định và thực hiện những mục tiêu đó bằng bàn tay vô hình. Những người theo chủ nghĩa Bôn-sê-vích cũng nhận thức được quyền lực của những nhân vật này và không có cánh cửa nào đóng lại đối với họ. Họ được phép tham gia các cuộc họp của ủy ban Điều hành Trung ương (Central Executive Committee),[28] và được cố vấn về các quyết định quan trọng.[29] Nhưng có lẽ cách thức tốt nhất để đánh giá quy mô ảnh hưởng của các “nhà tư bản” so với những người “chống chủ nghĩa tư bản” là để Lockhart kể về câu chuyện của bản thân mình. Đó là quyền lực non nớt mong manh được che đậy sau vẻ ngoài ngây thơ của Tổ chức chữ thập đỏ Mỹ. Thế giới - thậm chí giờ đây - không có ý niệm mơ hồ về thực tế của mình. Đó là một bí mật được che đậy cẩn thận và thậm chí là nhiều người đã từng biết rõ điều này cũng không được nhìn thấy. Trợ lý của William Thompson ở Nga là Cornelius Kelleher. Trong những năm sau đó, khi phản ánh sự ngây thơ khờ khạo của Tiến sĩ Franklin Billings, người phụ trách nhóm y tế của Phái đoàn chữ thập đỏ, Kelleher viết: Billings tội nghiệp tin tưởng mình sẽ được phụ trách Phái đoàn khoa học của tổ chức chữ thập đỏ tại Nga… Trên thực tế, ông ta chẳng có vai trò gì cả ngoại trừ một chiếc mặt nạ của Phái đoàn Chữ thập đỏ Hoa Kỳ.[30] Mục đích của chiếc mặt nạ đương nhiên là để che đậy một điều gì đó. Và như vậy, chúng ta có một câu hỏi khác, điều được che đậy phía sau chiếc mặt nạ là gì? Đâu là động cơ và mục tiêu thực sự của vũ hội hóa trang này? Chúng ta sẽ trở lại với chủ đề này ở phần sau. TỔNG KẾT Cuộc cách mạng của những người Bôn-sê-vích tại Nga đã được các thế lực bên ngoài “ủng hộ”, đặc biệt là các nước Đức, Mỹ và Anh. Đó cũng chính là một ví dụ điển hình của công thức Rothschild được thể hiện dưới dạng hành động. Nhóm này tụ tập xung quanh các hội kín do Cecil Rhodes - một trong những nhân vật giàu có nhất thế giới - tạo dựng nên. Mục tiêu của nhóm này không có gì hơn là thống trị thế giới và lập ra xã hội phong kiến hiện đại được kiểm soát bởi các ngân hàng trung ương thế giới. Có trụ sở chính tại Anh, ban điều hành của Rhodes được gọi là tổ chức Bàn Tròn. Tại các nước khác, các cơ cấu thành viên của tổ chức này được gọi là Nhóm Bàn Tròn. Nhóm Bàn Tròn tại Mỹ được biết đến với tên gọi Hội đồng Quan hệ Quốc tế - một tổ chức ban đầu nằm dưới quyền chi phối của J.P. Morgan và sau đó là Rockefeller - chính là nhóm có thế lực nhất tại Mỹ hiện nay. Thậm chí thế lực này còn mạnh hơn cả chính phủ liên bang vì hầu như tất cả các vị trí chủ chốt trong chính phủ đều được các thành viên của nhóm này nắm giữ. Nói cách khác, đó chính là chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Các đại diện của hai nhóm này hợp lực khăng khít với nhau trước cuộc cách mạng Nga và cụ thể là sau khi Sa hoàng Nga bị lật đổ. Lực lượng quân sự Mỹ tại Nga cải trang dưới hình thức Phái đoàn Chữ thập đỏ - tổ chức được coi là đang thực thi sứ mệnh nhân đạo tại đây. Và cuối cùng, họ đã đạt được mục tiêu của mình.