Những Âm Mưu Từ Đảo Jekyll - Chương 17

Chương 17 HANG Ổ CỦA LOÀI RẮN ĐỘC CHÂU PHI VIPER Câu chuyện về Ngân hàng thứ Hai của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - ngân hàng trung ương thứ ba của quốc gia này; sự đắc cử tổng thống của Andrew Jackson với bản tuyên ngôn phản đối ngân hàng; trận chiến giữa Tổng thống Jackson và Nicholas Biddle - người đứng đầu ngân hàng; việc tạo ra cuộc suy thoái có chủ tâm buộc dân chúng lên tiếng bảo vệ ngân hàng; chiến thắng độc nhất vô nhị của Jackson. Sự hỗn loạn về tiền tệ xảy ra vào cuối cuộc chiến tranh 1812, được nêu ra trong chương trước, là do những âm mưu gian trá trong lĩnh vực ngân hàng gây ra. Các chủ nợ đã cam kết gửi vàng bạc của mình vào ngân hàng với hi vọng đó là nơi trú ẩn an toàn cho nguồn tài sản của mình đồng thời là nơi tiện lợi cho việc sử dụng tiền giấy trong các giao dịch hàng ngày. Đến lượt mình, các ngân hàng hứa với những chủ nợ này rằng họ có thể đổi tiền giấy lấy tiền kim loại bất cứ khi nào mình muốn. Tuy nhiên, vào chính lúc này, qua cơ chế ngân hàng dự trữ cục bộ, tiền giấy được tạo ra với số lượng nhiều hơn so với giá trị của tiền kim loại hiện diện trong nguồn dự trữ. Các nhà tài phiệt ngân hàng biết rằng, nếu một tỉ lệ đáng kể các khách hàng của họ yêu cầu rút tiền kim loại ra khỏi ngân hàng, lời cam kết chính thức của họ đơn giản sẽ không còn hiệu nghiệm. Như vậy, trên thực tế, điều này chính xác là những gì đã liên tiếp xảy ra trong giai đoạn đó. Năm 1814, Thomas Jefferson đã về hưu và nghỉ ngơi ở Monticello đồng thời từ bỏ ý định thủ tiêu việc phát hành tiền tệ. Trong một bức thư gửi John Adams, ông nói: Tôi đã từng là kẻ thù của các ngân hàng; kẻ thù không chỉ của những ai coi thường tiền mặt mà còn là kẻ thù của những ai gian lận đưa tiền giấy vào lưu thông và loại bỏ tiền mặt. Nhiệt huyết của chúng ta trong việc chống lại các thể chế này thật nồng hậu và cởi mở ngay cả khi Ngân hàng Hoa Kỳ được thành lập, đến nỗi đám lái buôn ngân hàng - những kẻ đầu trộm đuôi cướp đã chôm chỉa được nguồn lợi từ dân chúng bằng những mánh khóe gian lận của mình - đã cười nhạo tôi như một thằng điên, chúng ta có nên dựng một bệ thờ cho đồng tiền giấy cũ của cuộc cách mạng - thứ đã hủy hoại từng cá nhân nhưng lại cứu được nước cộng hòa, và nhắc nhở về tất cả những gì mà các ngân hàng ban đặc ân cho hiện tại và tương lai cũng như những đồng tiền giấy với họ? Để làm được như vậy, cần phải phá hủy cả nước cộng hòa lẫn các cá thể. Nhưng điều này không thể thực hiện được. Sự kỳ quặc đó thật là khủng khiếp. Nó đã bị chiếm giữ bởi sự bịp bợm hoang đường và sự mục nát thối rữa của tất cả các thành viên của chính phủ chúng ta.[1] Jefferson đã đúng. Quốc hội không có đủ sự uyên thâm lẫn dũng khí để khiến thị trường tự do xóa sạch tình trạng hỗn độn - tàn dư của ngân hàng thứ nhất Hoa Kỳ để lại. Nếu có đủ uyên thâm và dũng khí, trò gian trá sẽ nhanh chóng trở nên dễ hiểu đối với dân chúng, và các ngân hàng bất lương có thể phải đóng cửa, còn các khoản thua lỗ có thể bị loại bỏ, đồng thời nỗi đau khổ vì chịu đựng có thể được kết thúc vĩnh viễn. Thay vì thế, Quốc hội lại đứng ra bảo vệ các ngân hàng và tổ chức trò gian trá đồng thời duy trì các nguồn thua lỗ đó. Tất cả những điều này được thực hiện vào năm 1816 khi hiến chương với thời hạn 20 năm được trao cho Ngân hàng Thứ Hai của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. NGÂN HÀNG THỨ HAI CỦA HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ Trong từng khía cạnh, ngân hàng mới chính là bản sao của ngân hàng cũ với một ngoại lệ nhỏ. Quốc hội đã bòn rút một cách vô liêm sỉ khoản tiền 1,5 tỷ đô-la từ các nhà đầu tư tư nhân dưới hình thức tiền hối lộ “nhằm đáp lại các đặc quyền và lợi ích mà Đạo luật này mang lại.”[2] Các nhà tài phiệt ngân hàng vui mừng trả phí, không phải vì đó là giá phải chăng cho một công việc kinh doanh béo bở như vậy mà còn bởi họ nhận được khoản tiền ký quỹ tức thì của chính phủ trị giá 1/5 tổng nguồn vốn hóa được sử dụng như nền tảng cho việc tạo ra nhiều nguồn vốn cho việc khởi sự. Hiến chương yêu cầu Ngân hàng tăng ít nhất 7 triệu đô-la tiền kim loại, nhưng ngay cả trong năm hoạt động thứ hai, tiền kim loại của ngân hàng này cũng không bao giờ tăng lên 25 triệu đô-la.[3] Một lần nữa, các nhà nghiên cứu tiền tệ và chính trị đã khoét được một lỗ lợi nhuận thích hợp và người đóng thuế cả tin khờ khạo với cách nhìn ngọt ngào về cuộc “cải tổ ngân hàng”, cuối cùng cũng đã buộc phải móc hầu bao. Tính liên tục quan trọng giữa ngân hàng mới và ngân hàng cũ chính là sự tập trung vào nguồn vốn nước ngoài. Trên thực tế, một lượng lớn cổ phần trong ngân hàng mới trị giá khoảng 1/3 tổng số cổ phần đã bị nhóm này nắm giữ.[4] Không hề cường điệu để nói rằng Ngân hàng thứ hai của Hoa Kỳ có gốc rễ từ Anh dù nó hiện diện ở Mỹ. Ngân hàng thứ ba của Hoa Kỳ đã lâm vào tình trạng nợ nần ngay từ lúc mới thành lập. Ngân hàng này đã cam kết tiếp tục truyền thống tiết chế các ngân hàng khác bằng cách từ chối tiếp nhận bất cứ loại tiền nào của các ngân hàng đó trừ khi chúng được đền bù bằng tiền kim loại theo nhu cầu. Nhưng khi đáp lại với yêu cầu rằng Ngân hàng mới cũng phải trả tiền kim loại theo yêu cầu của họ thì các ngân hàng khác đã mất đi quyết tâm của mình. Đây chỉ là một vấn đề nhỏ của sự mục nát. Như các nhà sử học của Ngân hàng này đã viết: “Nhiều nhân vật có ảnh hưởng đã tỏ rõ sự quan tâm [trong các ngân hàng của chính phủ] như các cổ đông rằng không nên tấn công bằng nhu cầu thanh toán bằng tiền kim loại, và người vay thì nóng lòng bảo vệ các ngân hàng cho vay.”[5] Trong kinh tế học, mỗi chính sách đưa ra sẽ tạo ra một hậu quả nào đó, và hậu quả của việc buông lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng thứ hai của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là nước này đã được khai tâm với cái mà giờ đây chúng ta gọi là chu kỳ hưng vong (boom-bust cycle). Galbraith đã chỉ rõ: “Năm 1816, sự bùng nổ thời hậu chiến đã diễn ra sôi nổi; người ta đổ xô vào đầu cơ tích trữ đất đai khu vực miền Tây. Ngân hàng mới hăm hở tham gia vào những phi vụ như thế này.”[6] Ngân hàng thứ hai của Hoa Kỳ có được lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh của mình nhờ hiến chương cộng với thỏa thuận của chính phủ nhằm chấp thuận tiền giấy của họ trong việc thanh toán các khoản thuế. Nhưng các ngân hàng của chính phủ không hiểu vì lý do gì lại bị đẩy ra khỏi cuộc chơi. Có vẻ như việc tạo ra tiền thông qua hệ thống ngân hàng dự trữ cục bộ vẫn còn nằm trong tầm tay của họ nhằm bơm phồng khoản tiền tệ đang lưu hành của quốc gia. Nóng lòng muốn biến điều này thành hiện thực, chính quyền bang Pennsylvania đã phê duyệt hiến chương cho 37 ngân hàng mới vào năm 1817. Cũng trong năm đó, Kentucky đã chấp nhận phê duyệt hiến chương cho 40 ngân hàng mới. Mức tăng trưởng về số lượng các ngân hàng là 46% chỉ trong hai năm đầu sau khi ngân hàng trung ương được thành lập. Bất cứ một điểm nào trên phố[7] mà có “nhà thờ, quán rượu hay cửa hiệu thợ rèn đều được cho là địa điểm thích hợp cho việc mở nhà băng.” Trong phạm vi thời gian này, nguồn cung tiền tệ đã được mở rộng thêm 27,4 triệu đô-la; việc “xén lông cừu” đối với người trả thuế khác lên đến mức 40%. CHU KỲ BÙNG NỔ - PHÁ SẢN ĐẦU TIÊN Trong quá khứ, hiệu ứng của quy trình do lạm phát gây nên này thường được coi là quá trình bay hơi từ từ của quyền lực mua bán và sự chuyển nhượng tài sản từ những người tạo ra nó sang những người nắm quyền kiểm soát chính phủ và điều hành các ngân hàng. Tuy nhiên, lúc này, quy trình đã mang một bản tính mới khác. Tiệm tiến được thay thế bằng thuyết tai biến. Việc mở rộng và sau đó là việc co hẹp lại nguồn cung tiền đã đẩy quốc gia lâm vào cảnh rối loạn về kinh tế. Việc gì phải nằm chờ sung rụng khi mùa trái chín đang đến và chỉ bằng một động thái rung cây, ta đã có thể có được thứ trái chín ngon lành? Năm 1818, Ngân hàng bất thình lình bắt đầu siết chặt các yêu cầu của mình đối với các khoản cho vay mới và thu về càng nhiều khoản cho vay cũ càng tốt. Việc co hẹp nguồn cung tiền tệ này đã được điều chỉnh đối với người dân đúng như những gì mà chúng ta điều chỉnh ngày nay. Họ cho rằng đó là điều cần thiết để kiềm chế lạm phát. Chắc chắn rằng nhiều nhà tài phiệt ngân hàng cũng như các chính trị gia đã cố gắng tỏ ra tử tế khi kiềm chế lạm phát - thứ mà chính họ là những kẻ tạo ra. Không phải ai cũng thu được lợi ích từ việc nắm bắt rõ cơ chế ngân hàng trung ương. Giống như ma cà rồng Frankenstein, họ tạo ra một yêu quái mà không nhận thức được rằng mình không kiểm soát được nó. Tội ác của họ là một trong những điều ngớ ngẩn chứ không phải ác ý. Nhưng sự ngớ ngẩn không phải là đặc điểm của một nhà tài phiệt ngân hàng trung bình, đặc biệt là nhà tài phiệt ngân hàng trung ương và chúng ta cần phải kết luận rằng nhiều nhà nghiên cứu tiền tệ đã nhận thức rõ về quyền uy phá hủy của quái vật này. Họ không quan tâm đến sự an toàn của mình kéo dài bao lâu mà chỉ nhận thức được rằng họ đang hớn hở với mùa thu hoạch đang đến. Họ khiêu khích một cách chủ ý và kích động quái vật nhằm lường trước được cơn thịnh nộ của nó qua vườn cây ăn quả. Đương nhiên, trong một phân tích cuối cùng, hành động rung cây cho trái rụng là vô hại hoặc ác ý không quan trọng lắm. Kết quả cuối cùng cũng tương tự. Chao ôi, làm thế nào để sung rụng đây! Kinh nghiệm đầu tiên của quốc gia với việc co hẹp tiền tệ đã được tạo ra đã bắt đầu hiện diện vào năm 1818 khi Ngân hàng thứ hai của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tỏ ý quan tâm đến khả năng tồn tại của mình. Giáo sư Rothbard nói: Vào đầu tháng 7 năm 1818, chính phủ và Ngân hàng Hoa Kỳ (BUS) bắt đầu nhìn nhận tình cảnh khó khăn của mình; nạn lạm phát tiền bạc và tín dụng lan tràn do trò gian trá gây nên đã khiến Ngân hàng Hoa Kỳ lâm vào tình cảnh nguy hiểm khi thất bại trong việc duy trì chế độ thanh toán bằng tiền kim loại. Trong năm tiếp theo, Ngân hàng Hoa Kỳ bắt đầu một chiến dịch thu hẹp các khoản cho vay, thu hẹp cho vay tín dụng ở khu vực phía nam và phía tây… Việc thu hẹp tiền tệ và tín dụng ngay lập tức tạo ra sự trì trệ về kinh tế và tài chính cho Hoa Kỳ. Chu kỳ bùng nổ-phá sản đầu tiên đã hiện diện trên đất Mỹ. Việc thu hẹp này đã dẫn đến tình trạng vỡ nợ và phá sản của nhiều doanh nghiệp, nhà máy cũng như sự đầu tư không lương thiện trong giai đoạn bùng phát này.[8] CHU KỲ BÙNG NỔ - PHÁ SẢN TRỞ NÊN TỒI TỆ HƠN DO CÓ SỰ CAN THIỆP CỦA CHÍNH PHỦ Khắp nơi tin rằng tình trạng hỗn loạn, các chu kỳ bùng nổ-phá sản và suy thoái là kết quả của sự cạnh tranh thả lỏng giữa các ngân hàng; vì thế chính phủ cần phải điều chỉnh. Trên thực tế, sự thật chỉ là điều trái ngược. Sự đổ vỡ trên thị trường tự do chính là kết quả của sự ngăn cản từ chính phủ đối với việc cạnh tranh trong vấn đề cho phép ngân hàng trung ương kinh doanh độc quyền. Khi không có sự độc quyền, các ngân hàng cá nhân có thể hoạt động một cách thiếu trung thực trong khuôn khổ nhất định với một khoảng thời gian nào đó. Chắc chắn, họ sẽ dễ bị đặt vào tình thế nguy hiểm bởi các đối thủ cạnh tranh trung thực hơn và sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Đúng, các chủ nợ của họ sẽ bị thiệt hại vì phá sản, nhưng sự thiệt hại sẽ bị hạn chế và thỉnh thoảng mới xảy ra. Thậm chí các khu vực địa lý có thể khó mà bị ảnh hưởng nặng nề nhưng điều này sẽ không phải là bi kịch quốc gia mà theo đó, mọi người dân buộc phải quỳ gối. Nền kinh tế nói chung sẽ hấp thu các khoản thua lỗ, và thương mại sẽ tiếp tục trở nên thịnh vượng. Trong môi trường thịnh vượng, ngay cả những ai đã từng bị thiệt hại bởi trò gian trá của ngân hàng cũng sẽ có cơ hội để mau chóng phục hồi. Nhưng, khi ngân hàng trung ương được phép bảo vệ các đơn vị kinh doanh gian trá và buộc tất cả các ngân hàng thực hiện đúng như vậy, các nguồn lực cạnh tranh sẽ không làm hỏng hiệu lực của việc này. Việc mở rộng nguồn cung tiền tệ và tín dụng sẽ quy mô hơn. Và đương nhiên, việc thu hẹp nguồn cung tiền tệ và tín dụng cũng vậy. Trừ các nhà tài phiệt ngân hàng và các chính trị gia, cùng lúc, tất cả đều bị thiệt hại; sự suy thoái hiện diện khắp nơi, và sự hồi phục bị trì hoãn trong dài hạn. Điều này chính xác là những gì xảy ra trong cuộc khủng hoảng năm 1819. Trong cuốn Documentary History of Banking and Currency (Tạm dịch: Lịch sử hệ thống ngân hàng và tiền tệ), Herman Kross viết: Với tư cách là một đơn vị cho vay tín dụng lớn nhất Hoa Kỳ, Ngân hàng thứ hai Hoa Kỳ có hai giải pháp: nó có thể viết phiếu nợ - thứ có thể thanh toán tài sản của cổ đông và dẫn đến phá sản hoặc có thể buộc các ngân hàng nhà nước đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán - điều này có nghĩa là sự phá sản với quy mô lớn giữa hệ thống các ngân hàng nhà nước. Chúng ta chẳng còn hoài nghi về sự lựa chọn… Áp lực đè nặng lên các ngân hàng nhà nước đã làm giảm phát nền kinh tế một cách quyết liệt, và do nguồn cung tiền tệ suy yếu nên đất nước đã chìm đắm trong một cuộc suy thoái trầm trọng.[9] Như nhà sử học William Gouge đã quan sát: “Ngân hàng thứ hai Hoa Kỳ đã được cứu, trong khi người dân thì lâm vào cảnh phá sản.”[10] Cuộc cạnh tranh giữa Ngân hàng quốc gia và các ngân hàng nhà nước trong giai đoạn này đã được chuyển từ lĩnh vực mở cửa thị trường tự do sang vũ đài chính trị khép kín. Cuộc cạnh tranh của thị trường tự do đã được thay thế bằng sự thiên vị của chính phủ dưới hình thức hiến chương, theo đó, chính phủ cho phép các ngân hàng này độc quyền trong lĩnh vực của mình. Hiến chương liên bang rõ ràng là tốt hơn hiến chương của bang, nhưng các bang đã hung hãn chống trả bằng những vũ khí mà họ sở hữu, và một trong những vũ khí đó là quyền đánh thuế. Nhiều bang bắt đầu đánh thuế vào tiền giấy do bất cứ ngân hàng nào hoạt động trong khuôn khổ của mình phát hành - những ngân hàng chưa được địa phương phê duyệt hiến chương. Mục đích của việc đánh thuế này, mặc dù dưới vỏ bọc là tăng thêm nguồn thu cho bang, cũng nhằm loại bỏ Ngân hàng liên bang ra khỏi cuộc chơi. TÒA ÁN TỐI CAO ỦNG HỘ NGÂN HÀNG Khi Ngân hàng thứ hai Hoa Kỳ từ chối trả thuế cho bang Maryland, vấn đề này đã được đưa ra Tòa án Tối cao vào năm 1819 - vụ kiện nổi tiếng McCulloch chống lại Maryland. Thẩm phán Tòa án tối cao lúc này là John Marshall, một thủ lĩnh theo chủ trương chế độ liên bang đồng thời là người ủng hộ một chính phủ liên bang hùng mạnh với quyền lực tập trung. Đúng như mong đợi, Tòa án tối cao của Marshall đã thay đổi quyết định của mình cho phù hợp nhằm ủng hộ ngân hàng trung ương của chính phủ liên bang. Vấn đề nhỏ nằm trong khuôn khổ của việc này mà theo đó, tính hợp hiến của Ngân hàng thứ hai Hoa Kỳ được quyết định không phải là Quốc hội có quyền lực hay không trong việc phát hành tiền tệ hoặc tín dụng một cách trực tiếp hay gián tiếp hoặc ngược lại, có thể biến đổi nợ thành tiền. Nếu đúng là như vậy thì Tòa án tối cao đã bị thúc ép phải ủng hộ Ngân hàng, bởi vì điều đó không chỉ bị ngăn cấm bởi Hiến pháp mà còn là những gì mà Ngân hàng đã và đang làm - những điều mà ai ai cũng biết. Thay vào đó, Tòa án Tối cao tập trung vào vấn đề hẹp liệu Ngân hàng có phải là phương tiện “cần thiết và thích hợp” cho Quốc hội nhằm thực thi bất cứ quyền lực hợp hiến nào khác mà nó có hay không. Từ quan điểm này, chúng ta có thể nhất trí rằng Ngân hàng chính là một tổ chức hợp hiến. Vậy có phải tiền giấy của Ngân hàng cũng tương tự như Tín phiếu? Không, bởi chúng đều được bảo đảm bằng tín dụng của ngân hàng chứ không phải của chính phủ liên bang. Sự thực là chính Ngân hàng đã tạo ra tiền, còn chính phủ sử dụng hầu hết số tiền đó. Do đó chẳng phải bận tâm gì về việc Bộ Tài chính đã không in tiền cũng như tiền đó cũng không phải là tiền của chính phủ. Vậy Ngân hàng có giống như một cơ quan của chính phủ không? Không, đơn giản vì việc trao sự độc quyền cho Ngân hàng này và việc ép sự độc quyền đó bằng quyền lực của bang sẽ chẳng khiến cho điều này trở thành “vụ tố tụng của bang”. Hơn nữa, các bang không thể đánh thuế chính phủ hoặc bất cứ các công cụ nào trong cơ cấu của nó, kể cả Ngân hàng Hoa Kỳ, vì như Marshall đã chỉ ra: “Quyền đánh thuế chính là quyền hủy diệt.” Đây cũng chính là một mưu đồ khác xung quanh Hiến pháp và được thực thi bởi bất cứ nhân vật nào - những kẻ được giả định là một trong những kẻ bảo vệ Hiến pháp trung thành nhất. Tòa án tối cao đã lên tiếng, nhưng Tòa công luận đã không bố trí vụ kiện này. Vào năm 1820, quan điểm phổ biến lúc này là tự do kinh doanh và các nguyên tắc của đồng tiền mạnh được tán thành bởi những người theo đảng Cộng hòa ủng hộ Jefferson. Nhưng kể từ khi Đảng Cộng hòa từ bỏ các nguyên tắc này thì một liên minh mới đã được thành lập với sự lãnh đạo của Martin Van Buren và Andrew Jackson nhằm khôi phục lại những nguyên tắc này. Liên minh đó có tên là Đảng Dân chủ, và một trong những vấn đề trọng tâm của đảng này là xóa bỏ Ngân hàng thứ hai của Hoa Kỳ. Sau khi trúng cử Tổng thống Mỹ vào năm 1828, Jackson đã không phí thì giờ cho nỗ lực thiết lập sự ủng hộ của Quốc hội cho mục đích này. NICHOLAS BIDDLE Lúc này, Ngân hàng Hoa Kỳ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Nicholas Biddle - một đối thủ đáng gờm của Jackson không chỉ bởi quyền lực vô song của ông ta mà còn bởi khao khát mạnh mẽ và quan điểm về số phận cá nhân của bản thân. Ông ta là nguyên mẫu của Eastern Establishment (các trường đại học và thể chế tài chính tinh tú nhất tại các thành phố lớn thuộc Bắc Mỹ có ảnh hưởng lớn đến xã hội - ND): giàu có, kiêu ngạo, tàn nhẫn và thông minh. Biddle tốt nghiệp Đại học Pennsylvania khi chỉ mười ba tuổi, và, giống như một doanh nhân trẻ mới khởi nghiệp, chàng trai này đã nắm bắt được khoa học huyền bí của đồng tiền. Với khả năng kiểm soát dòng tín dụng quốc gia, Biddle đã nhanh chóng trở thành một trong những người đàn ông giàu có nhất nước Mỹ lúc bấy giờ. Điều này lộ rõ ra khi ủy ban quốc hội chất vấn Biddle rằng liệu ngân hàng của ông ta có lợi dụng vị trí vượt trội so với các ngân hàng khác hay không. Ông ta trả lời: “Không bao giờ. Chỉ có vài ngân hàng có thể không bị tiêu diệt bởi sự nỗ lực của các thế lực Ngân hàng. Không có ngân hàng nào bị thiệt hại cả.”[11] Như Jackson đã bộc lộ mấy tháng sau đó, điều này là sự thừa nhận rằng phần lớn các ngân hàng quốc doanh tồn tại được là do có sự chấp thuận và ưu ái của Ngân hàng Hoa Kỳ, và đương nhiên là sự chấp thuận của Biddle. Lúc này là năm 1832. Hiến chương ngân hàng được coi là ổn cho bốn năm kế tiếp. Nhưng Biddle quyết định không chờ Jackson xây dựng được nguồn lực của mình. Ông ta biết rằng Tổng thống sẽ tham gia tái tranh cử, và suy luận rằng, với tư cách là một ứng viên, Tổng thống sẽ do dự nếu trở thành đối tượng cho các cuộc tranh cãi. Biddle đã yêu cầu Quốc hội thông qua việc sửa đổi hiến chương như là một phương tiện làm suy yếu chiến dịch tranh cử của Jackson. Dự luật đã được hỗ trợ bởi những thành viên của Đảng cộng hòa dưới sự chủ trì của Nghị sĩ Henry Clay và được thông qua vào ngày 3/7, nghĩa là trước khi các chiến dịch bầu cử bắt đầu chạy nước rút. JACKSON TIẾM QUYỀN QUỐC HỘI Đây là một chiến lược xuất sắc từ phía Biddle nhưng chiến lược này lại không hiệu quả. Jackson quyết định hướng con đường sự nghiệp của mình vào vấn đề này, và với thông điệp thống thiết gửi tới Quốc hội cũng như Tổng thống, ông ta đã cương quyết bác bỏ cách thức đó. Robert Remini - chuyên gia viết sử của Tổng thống - đã nói: “Thông điệp phủ quyết đạo luật đã chạm vào công chúng hệt như một quả ngư lôi vậy. Đối với điều này thì không chỉ có các luận cứ hợp hiến được trích dẫn lại chống lại việc thay đổi hiến chương - giả sử chỉ có một lý do cho việc phải viện đến chuyện bác bỏ đạo luật - mà còn các lý do chính trị, xã hội, kinh tế và quốc gia.”[12] Jackson đã dành phần lớn thông điệp bác bỏ đạo luật của mình cho ba đề tài chung sau: 1. Sự bất công do Chính phủ gây nên bằng việc trao độc quyền cho Ngân hàng Hoa Kỳ. 2. Sự vi phạm hiến pháp của Ngân hàng Hoa Kỳ ngay cả khi Ngân hàng này không bị thiệt hại. 3. Mối nguy hiểm đối với quốc gia nếu để các nhà đầu tư nước ngoài thống trị Ngân hàng Hoa Kỳ. Liên quan đến sự bất công trong vấn đề độc quyền được hậu thuẫn bởi chính phủ, ông ta chỉ ra rằng cổ phần của Ngân hàng Hoa Kỳ được sở hữu chỉ bởi những công dân giàu có của đất nước và kể từ khi việc bán cổ phần bị giới hạn cho một số nhân vật được lựa chọn với tầm ảnh hưởng chính trị, người bình thường, không chỉ bị ngăn cấm một cách bất công nếu muốn tham gia, mà còn buộc phải trả tiền cho các dịch vụ ngân hàng nhiều hơn so với quy định. Những khoản lợi nhuận không dưng mà có cũng chẳng hay ho gì khi chúng được lấy từ tay giai cấp này chuyển sang tay giai cấp khác, nhưng điều này còn tồi tệ hơn khi người dân nhận những lợi ích này lại không phải là công dân của quốc gia mình mà là người nước ngoài. Jackson nói: Đây không phải là công dân của chúng ta - những người phải nhận được tiền thưởng của chính phủ chúng ta. Hơn tám triệu đô-la cổ phần của ngân hàng này được nắm giữ bởi các cổ đông nước ngoài. Bằng hành động này, nước Mỹ gần như đang đặt ra mục đích biến chúng thành quà tặng của nhiều triệu đô-la… Có vẻ như hơn một phần tư cổ phần ngân hàng được nắm giữ bởi các nhà đầu tư ngoại quốc và phần tài sản còn lại được nắm giữ bởi vài trăm công dân Mỹ, chủ yếu là những thành phần giàu có trong xã hội.[13] Liên quan đến vấn đề hợp hiến, ông ta nói rằng mình không ngạc nhiên bởi quyết định trước đó của Tòa án Tối cao, vì Tổng thống và Quốc hội đã có nhiều quyền lực để quyết định cho chính họ dù luật thực tế có hợp hiến hay không. Vào lúc này, quan điểm trên không có gì là mới lạ. Trong những thập kỷ gần đây, mọi người bắt đầu nghĩ về Tòa án Tối cao như một tổ chức được quyền tiếp tục theo đuổi vấn đề này. Trên thực tế, như Jackson đã chỉ ra trong thông điệp phản bác lại quyết định của tòa rằng, đám cha Đẻ đã tạo ra chính phủ với quyền lực được chia đều cho các chi nhánh hành pháp, lập pháp và tòa án, và rằng mục tiêu của bộ phận này không đơn thuần là dọn dẹp chuyện vặt vãnh mà làm cân bằng các chi nhánh. Mục tiêu không chỉ khiến chính phủ hoạt động hiệu quả mà còn biến nó trở thành không hiệu quả một cách có chủ ý. Mỗi một vị Chủ tịch và các thành viên cơ quan lập pháp đều phải làm một điều gì đó, thậm chí là cam kết nhằm ủng hộ Hiến pháp. Nếu mỗi một người trong số họ không có quyền lực để quyết định một cách chắc chắn điều gì là hợp hiến thì việc cam kết, thề bồi cũng chẳng mấy ý nghĩa. NGÂN HÀNG ĐƯỢC KIỂM SOÁT BỞI CÁC NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI Liên quan đến mối đe dọa đối với nền an ninh của dân tộc, Jackson cho rằng đại đa số cổ đông là các nhà đầu tư ngoại. Thậm chí, xét về mặt kỹ thuật, ngay cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng không được phép biểu quyết cho các cổ phần của mình, quyền lực tài chính của họ mạnh đến nỗi các nhà đầu tư Mỹ mang ơn họ và muốn tuân theo các chỉ dẫn của họ. Jackson kết luận: Không có mối đe dọa nào đối với sự tự do và độc lập của chúng ta trong ngân hàng - điều mà về bản chất có ít sự ràng buộc đối với đất nước chúng ta?… Có phải không có lí do để đe dọa cuộc bầu cử của chúng ta diễn ra trong hòa bình và vì sự độc lập của đất nước chúng ta trong chiến tranh?… Ngoài chiều hướng mà ngân hàng theo đuổi - ngân hàng gần như được nắm giữ bởi các thần dân ngoại quốc và được quản lý bởi những kẻ mà quyền lợi của họ cũng đi theo hướng tương tự thì có lẽ chẳng còn hoài nghi gì… Kiểm soát tiền tệ của chúng ta, nhận của cải tài sản của dân chúng và cột chặt hàng nghìn công dân trong sự phụ thuộc, điều này sẽ thật khủng khiếp và nguy hiểm hơn cả thế lực hải quân và quân đội của kẻ thù.[14] Jackson đã giữ được cảm xúc mạnh mẽ trong luận cứ của mình không chỉ với Quốc hội mà với các cử tri. Ông ta nói: Thật đáng tiếc rằng những kẻ giàu có và quyền lực lại thường bẻ cong đạo luật của chính phủ chỉ vì mục tiêu cá nhân ích kỷ. Nét độc đáo đặc biệt trong xã hội sẽ thường tồn tại dưới từng chế độ, chính phủ. Sự bình đẳng về tài năng, học vấn hoặc sức khỏe không thể được tạo ra bởi các thể chế con người. Trong sự thưởng ngoạn món quà tặng của Thượng đế và trái ngọt của ngành công nghiệp, nền kinh tế vượt trội, mỗi một cá nhân đều có quyền được luật pháp bảo vệ như nhau; nhưng khi luật pháp đảm bảo bổ sung vào các lợi thế tự nhiên này những đặc tính giả tạo nhằm tạo ra các đặc quyền đặc lợi để khiến cho những kẻ giàu càng giàu hơn, những kẻ có uy lực càng mạnh mẽ hơn thì những thành viên khiêm nhường của xã hội - nông dân, thợ cơ khí và công nhân - những người không có thời gian và phương tiện cho việc đảm bảo đặc ân cho mình - sẽ có quyền than phiền về sự bất công của chính phủ. Mà trong bộ máy chính phủ không tồn tại sự xấu xa. Sự xấu xa chỉ tồn tại trong những hành động bất lương. Nếu tiếp giáp với sự bảo vệ bình đẳng và vì Thượng đế tạo ra mưa và ban đặc ân cho tất cả kẻ sang trọng người thấp hèn thì sự xấu xa đó có thể là sự giáng phúc không xứng đáng.[15] Quyền phủ quyết đã không đánh bại được Ngân hàng. Đó đơn thuần chỉ là sự tuyên bố chiến tranh. Những trận đánh chủ chốt vẫn sẽ còn tiếp diễn. BIDDLE KIỂM SOÁT QUỐC HỘI Với tư cách là Tướng chỉ huy của lực lượng ủng hộ ngân hàng, Biddle đã có được lợi thế khủng khiếp đối với các đối thủ của mình. Để thực hiện tất cả các mục tiêu thực tế, ông ta đã thao túng cả Quốc hội. Hoặc, nói một cách chính xác hơn, sản phẩm của sự rộng lượng của ông ta đã nằm trong túi của các đại biểu quốc hội. Theo kế hoạch của Rothschild, Biddle đã trở nên thận trọng hơn trong việc dành cho các chính trị gia phục tùng mệnh lệnh sự thành công trong thế giới kinh doanh. Một vài người trong số họ là những kẻ ăn cháo đá bát. Thậm chí Danield Webster - một nghị sĩ thứ thiệt - đã từng quỳ gối trước Biddle. Galbraith nói: Biddle không thiếu nguồn lực. Để giữ được niềm tin rằng ngân hàng là nguồn lực duy nhất thể hiện quyền lực, ông ta đã tổ chức các nguồn quỹ công trái nhà nước thường xuyên cho các thành viên Quốc hội. Trong nhiều giai đoạn, Daniel Webster giữ chức giám đốc Ngân hàng thứ hai Hoa Kỳ. Rất nhiều nhân vật khác đã được giúp đỡ, kể cả các thành viên trong giới báo chí.[16] Webster là một học giả nghiên cứu cách thức mà những nhân vật được gọi là “vĩ đại” có thể thỏa hiệp bằng cơn nghiện tiền bạc, giàu sang. Ông ta luôn luôn ủng hộ đồng tiền mạnh trong Quốc hội, và với tư cách là một luật sư hưởng lương của Biddle, ông ta mô tả vị thế của Ngân hàng trước Tòa án Tối cao trong vụ phán quyết McCulloch kiện bang Maryland. Nhiều lô-gíc gắn kết nhau cho phép Tòa án lại bỏ Hiến pháp và phá hủy đồng tiền mạnh do nó vẽ ra. Sau khi Jackson phủ quyết hiến chương Ngân hàng, Biddle yêu cầu Webster thực hiện bài phát biểu với mục đích để Ngân hàng tái bản hiến chương nhằm phân bổ rộng rãi trong dân chúng. Trong một bài phát biểu, Webster lặp lại điệp khúc cũ rằng ngân hàng hoạt động với việc tạo ra ảnh hưởng ôn hòa đối với các ngân hàng khác của quốc gia và sau đó giả lả tuyên bố: “Quốc hội có thể tự đúc tiền;… Nhà nước và Quốc hội không cần phải đưa ra bất cứ đệ trình nào cho việc thanh toán nợ ngoại trừ vàng và bạc.”[17] Trong một hành động đạo đức giả gây sửng sốt, bài phát biểu này được truyền bá rộng rãi bởi chính tổ chức này - tổ chức được thiết kế cho việc tạo ra đồng tiền pháp định dự trữ cục bộ không có sự bảo đảm của vàng và bạc nhằm thực hiện chức năng đệ trình trong việc thanh toán các khoản nợ. Giờ đây, nhiều người không phân biệt được sự khác nhau giữa từ ngữ và hành động và tin tưởng vào bài phát biểu này - bài phát biểu được truyền đạt bởi một nhân vật “vĩ đại” và là bằng chứng thể hiện sự đáng kính của Ngân hàng. Biddle thậm chí đã chuyển tải 300.000 bản thông điệp phủ quyết của Jackson dường như với niềm tin rằng nhiều người sẽ không đọc nó. Rõ ràng là, nếu Ngân hàng nghĩ rằng điều này là tồi tệ để truyền bá thì điều đó đúng ra phải tồi tệ[18]. Sức mạnh của đồng tiền do Ngân hàng tạo ra hiện diện khắp nơi. Như John Randolph - một đảng viên tâm huyết của Đảng Cộng hòa đã từng nói rằng: “Chỉ trừ một vài ngoại lệ chứng tỏ nguyên tắc của chính phủ, mỗi một người mà bạn gặp trong hay ngoài Ngân hàng này đều hoặc là cổ đông, chủ tịch, thủ quỹ, nhân viên văn phòng hoặc bảo vệ, người đưa tin hay thợ cơ khí.”[19] JACKSON THU HÚT CỬ TRI Quốc hội, các ngân hàng, những kẻ đầu cơ tích trữ, các nhà công nghiệp và mảng báo chí - tất cả những thành phần này là nguồn lực chịu sự chỉ huy của Biddle. Nhưng Jackson lại có một vũ khí bí mật khác - thứ vũ khí chưa từng được sử dụng trước đó trong lĩnh vực chính trị Hoa Kỳ. Thứ vũ khí này chính là khả năng thu hút cử tri một cách trực tiếp. Jackson đã đưa ra thông điệp của mình trong chiến dịch thử nghiệm và truyền bá nó tới công chúng dưới hình thức từ ngữ chọn lọc trau chuốt nhằm tạo ra ấn tượng khó phai trong lòng cử tri. Ông ta nói về sự phản đối của mình đối với chế độ chuyên chế - chế độ được xây dựng bằng tiền và đề cao đồng tiền, chế độ đã độc chiếm Quốc hội, làm băng hoại đạo đức con người, đe dọa sự tự do của họ và phá hoại tiến trình bầu cử. Ông ta nói rằng, Ngân hàng chính là một con bạch tuộc nhiều vòi ăn tươi nuốt sống người thường. Ông ta thề sẽ quyết chiến với con bạch tuộc này để giết chết nó nếu không muốn làm mồi cho nó. Ông ta gầm lên rằng: Có ngân hàng thì không có Jackson, có Jackson thì không có ngân hàng![20] Liên quan đến vấn đề tiền giấy, Tổng thống Jackson tỏ ra dứt khoát. Nhà viết sử của ông ta đã mô tả chiến dịch này như sau: Trong cuộc hành trình trở về Tổ quốc, có tin là ông ta đã chi trả tất cả các khoản phí tổn của mình bằng vàng. Ông ta nhấn mạnh khi môi lần thanh toán bằng vàng: “Các bạn sẽ thấy rằng tiền giấy chẳng còn tồn tại nếu tôi tước được quyền của gã Nicholas Biddle và hạ bệ ngân hàng bạch tuộc của hắn ta.” Vàng chỉ là một phương tiện trao đổi phổ biến và được mọi người cất giữ như một thứ tiền tệ mạnh và an toàn - thứ tiền tệ mà Jackson và nội các của ông ta hy vọng khôi phục lại việc sử dụng thường xuyên. Không giống tiền giấy, vàng thể hiện giá trị thực. Đó là đồng tiền của người dân trung thực. Mặt khác, tiền giẻ rách (rag money - một cách gọi chế nhạo tiền giấy được làm từ sợi lanh và cotton vào thời kỳ diễn ra cuộc cách mạng Mỹ 1775-1783 - ND) chính là công cụ của các ngân hàng và những kẻ bịp bợm nhằm làm băng hoại dân chúng đoan chính.[21] Jackson đã kích hoạt sự phẫn nộ của người dân Mỹ. Trong cuộc bỏ phiếu kín tháng Mười Một, ông ta nhận được một lượng phiếu bầu phổ thông khổng lồ, chiếm 55% tổng số phiếu bầu (Clay chiếm 37%, Wirt - 8%) và 80% số phiếu bầu đại cử tri. Nhưng cuộc chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Jackson thắng cử, nhưng Ngân hàng đã có bốn năm hoạt động và có kế hoạch sử dụng khoảng thời gian này nhằm tác động tới tâm tư tình cảm người dân để tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng. Những cuộc chiến gay go nhất đang sắp phải xảy ra. JACKSON XÓA BỎ HỆ THỐNG TIỀN GỬI LIÊN BANG Jackson không chờ đợi mà hành động ngay. Ông ta biết rằng thời gian sẽ được sử dụng như một vũ khí chống lại bản thân mình. “Con bạch tuộc tham nhũng chỉ bị sát thươngchứ chưa bị giết chết,” - ông ta nhận định.[22] Ngay sau cuộc bầu cử, ông ta ra lệnh cho William Duane - Bộ trưởng Tài chính - đưa tất cả các khoản tiền gửi mới của chính phủ liên bang vào các ngân hàng quốc doanh trên cả nước và trả các khoản chi phí ngoài ngân quỹ mà Ngân hàng Hoa Kỳ giữ cho đến khi tài khoản đó bị rút hết sạch. Khi đồng tiền liên bang không được sử dụng, con bạch tuộc chắc chắn sẽ chết dần chết mòn. Tuy nhiên, Duane đã ngần ngại trước mệnh lệnh của Jackson với sự thuyết phục chân thành rằng việc làm đó sẽ phá vỡ nền kinh tế. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự bất đồng quan điểm giữa Tổng thống và Bộ trưởng Tài chính. Tuy nhiên, trước đó, tình thế bế tắc luôn được giải quyết bằng việc từ chức của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Lần này, mọi việc đã khác. Duane không chấp nhận từ chức và điều đó đã khiến cho vấn đề trở nên xấu hơn. Tổng thống chỉ có thể bổ nhiệm một thành viên của bộ máy hành pháp với sự ưng thuận của Thượng Nghị viện. Tuy nhiên, Hiến pháp không lên tiếng về vấn đề sa thải Bộ trưởng. Không lẽ nó còn cần có sự chấp thuận của Thượng Nghị viện? Có lẽ là như vậy, nhưng vấn đề đã không bao giờ được thử nghiệm. Jackson không thể kiên nhẫn hơn được nữa đối với các vấn đề mang tính lý thuyết như vậy. Một lá thư được gửi tức tốc đến Duane: “Những công việc sắp tới của anh với tư cách là Bộ trưởng tài chính sẽ không còn được tiếp tục nữa.”[23] Ngày 1/10/1833, các khoản tiền gửi liên bang đã bắt đầu được chuyển ra khỏi Ngân hàng. Jackson có cảm giác rằng, cuối cùng thì ông ta cũng đã tóm chặt được con bạch tuộc. “Tôi đã trói buộc được nó,” - ông ta nói.[24] Với sự quả quyết hân hoan, ông ta nói thêm: ‘‘Tôi sẵn sàng nhổ từng chiếc răng và bẻ cẳng nó. Nếu không nhầm, chúng ta sẽ buộc “ngài Biddle và Ngân hàng của ông ta trở nên ngoan ngoãn như một chú cừu non trong sáu tuần.”[25] BIDDLE CHỦ TÂM TẠO RA SỰ HỖN LOẠN VỀ TIỀN TỆ Quan điểm của Tổng thống đối với tình trạng câu thúc ngoan ngoãn của Ngân hàng chỉ là sự hấp tấp, vội vã. Biddle phản pháo lại rằng, ông ta không giống con cừu non mà dữ dằn như một chú sư tử bị thương. Kế hoạch của ông ta là nhanh chóng thu hẹp nguồn cung tiền tệ của quốc gia và tạo ra một đợt suy thoái tương tự như đợt suy thoái mà Ngân hàng Hoa Kỳ đã tạo ra mười ba năm trước. Điều này có thể được đổ lỗi cho việc Jackson rút các khoản tiền gửi liên bang và gây ra phản ứng dữ dội khiến Quốc hội không đồng tình với phủ quyết của Tổng thống. Remini nói rằng: Biddle đã phân công. Ông ta đã đề xướng việc cắt xén các khoản cho vay trong cả hệ thống ngân hàng… Nó đánh dấu sự khởi đầu của một trận chiến đau thương giữa một nhà tài phiệt quyền uy và một chính trị gia quả quyết và quyền lực không kém. Biddle hiểu những gì mà ông ta sắp làm. Ông ta biết rằng nếu tạo ra đủ áp lực và sự bi thảm cho thị trường tiền tệ, ông ta có thể buộc Tổng thống khôi phục lại chế độ tiền gửi liên bang. Ông ta gần như hả hê. “Tổng thống đáng kính nghĩ rằng, vì đã lột được da đầu người da đỏ và tống giam các quan tòa thì ông ta cũng có cách đối phó với Ngân hàng. Ông ta đã nhầm…”[26] “Mối ràng buộc lòng trung thành với đảng có thể bị phá vỡ bởi sự thuyết phục thực tế về tình cảnh khốn cùng hiện hữu trong cộng đồng.” - Ông ta tuyên bố. Và tình cảnh này đương nhiên sẽ đặt mọi thứ vào thực trạng. “Chỉ có sự thống khổ hiện diện khắp nơi mới có thể tạo ra bất cứ tác động nào lên Quốc hội… Sự an toàn duy nhất của chúng ta là theo đuổi một con đường kiên định đối với sự hạn chế kiên định - và tôi không nghi ngờ rằng rốt cuộc thì con đường đó sẽ dẫn tới sự khôi phục tiền tệ và ban đặc quyền lần nữa cho Ngân hàng…[27] Con đường của riêng tôi đã được quyết định. Tất cả các ngân hàng khác và tất cả các thương gia có thể phá sản, nhưng Ngân hàng Hoa Kỳ thì không.”[28] Như vậy, Biddle đã quyết định sử dụng người dân Mỹ như những con tốt thí trong một ván cờ lớn vì sự tồn tại của Ngân hàng Hoa Kỳ. Không khó để hình dung về sự hỗn loạn kinh tế do thực trạng này gây nên. Chính sách thu hẹp nguồn cung tiền tệ của Biddle được thực thi trong thời điểm nhạy cảm. Việc kinh doanh được mở rộng như kết quả của khoản tín dụng ưu tiên dễ dàng của Ngân hàng trước đó và giờ đây đang phụ thuộc vào nó. Biểu giá thuế suất cũng đến hạn đúng lúc tạo ra nhiều nhu cầu đối với tiền mặt và tín dụng. Sự thiệt hại hiện diện khắp nơi, lương bổng và giá cả thấp, người dân thất nghiệp, các công ty lâm vào cảnh phá sản. Khi cuộc họp của Quốc hội - cuộc họp có tên gọi “kỳ họp về khủng hoảng” được tổ chức vào tháng Chạp - cả dân tộc đang trong tình cảnh náo động. Báo chí đưa ra các cảnh báo, còn thư tín thể hiện sự phẫn nộ của dân chúng tới tấp bay đến Washington. Vì áp lực vẫn tiếp tục đè lên Quốc hội nên kế hoạch của Biddle sẽ có hiệu lực. Trong mắt dân chúng, Jackson là người chịu trách nhiệm đối với nỗi thống khổ của dân tộc. Và cũng chính ông ta là người cách chức Bộ trưởng Tài chính Duane; cũng chính ông ta khăng khăng một cách ngu xuẩn trong việc loại bỏ hệ thống tiền gửi liên bang; và cũng chính ông ta là kẻ ngoan cố chống lại Quốc hội. JACKSON BỊ THƯỢNG NGHỊ VIỆN KHIỂN TRÁCH Trong một trăm ngày, “một đoàn các nhà hùng biện” ra rả chỉ trích Tổng thống vì sự thực thi ngạo mạn và gây hại của ông ta. Rốt cuộc, một nghị quyết khiển trách đã được đệ trình cho Thượng Nghị viện và vào ngày 28/3/1834, nghị quyết này đã được thông qua bởi 26 phiếu thuận trên 20 phiếu chống. Đây là lần đầu tiên Tổng thống bị Quốc hội khiển trách, và điều này chính là một tai họa khủng khiếp đối với lòng tự trọng của Jackson. Cuối cùng, Biddle đã chiếm được thế thượng phong. Trong cơn thịnh nộ, Tổng thống đã quát tháo ầm ĩ. “Các người là một lũ rắn độc.” - Ông ta nói với những người ủng hộ Ngân hàng. “Tôi sẽ đánh tan các người và thề có Chúa chứng giám, tôi sẽ tiêu diệt các người.”[29] Sự chỉ trích không biểu lộ tâm tư tình cảm của dân chúng một chút nào. Thậm chí trong Quốc hội - hang ổ của những kẻ ủng hộ Ngân hàng - mức thay đổi từ ý kiến này sang ý kiến khác của ba cử tri đã làm tiêu tan kế sách này. Trong suốt thời gian này, dân chúng đã nhận ra sự thật một cách nhanh chóng dù điều đó là khó nhận ra. Đương nhiên, Jackson đảm đương tất cả mọi việc trong phạm vi quyền lực của mình nhằm thúc đẩy quy trình, nhưng các yếu tố khác cũng đang hiện diện và có hiệu lực. Nhưng vì cái tôi của bản thân quá lớn nên ông ta đã phun ra những lời huênh hoang trước dân chúng về kế hoạch của mình nhằm phá vỡ nền kinh tế. Người dân lại tin vào những lời ba hoa khoác lác này của ông ta. Bước ngoặt đã đến khi George Wolf - Thống đốc Ngân hàng khu vực Pennsylvania, nơi đặt trụ sở của Ngân hàng - xuất hiện trước công chúng và lên án kịch liệt cả Ngân hàng lẫn Biddle. Điều này giống như việc bắt đầu rung chuông trong trận đua ngựa. Với việc chính bang nhà quay lại chống mình, Ngân hàng chẳng còn được ai đứng ra bảo vệ và trong vòng mấy ngày, tâm trạng của đất nước và Quốc hội đã thay đổi. Những thành viên của Đảng Dân chủ đã không tốn thời gian cho việc củng cố những lợi lộc bất ngờ này. Để kiểm tra thế mạnh của họ đối với vấn đề này, ngày 4/4/1834, họ đã kêu gọi bỏ phiếu trong Quốc hội đối với một loạt nghị quyết được đưa ra nhằm vô hiệu hóa sự chỉ trích trong Thượng nghị viện, về bản chất, các nghị quyết chỉ ra rằng Quốc hội đã hoàn toàn nhất trí với chính sách của Tổng thống về ngân hàng. Nghị quyết thứ nhất được thông qua bởi 134 phiếu thuận trên 82 phiếu chống cho thấy rằng Ngân hàng Hoa Kỳ “không được hưởng các chế độ đặc quyền một lần nữa.” Nghị quyết thứ hai được thông qua bởi 118 phiếu thuận trên 103 phiếu chống đã nhất trí rằng các khoản tiền gửi “không được khôi phục lại.” Và nghị quyết thứ ba được thông qua bởi số phiếu thuận áp đảo 175 trên 42 phiếu chống đã kêu gọi việc thành lập một ủy ban đặc biệt trực thuộc Quốc hội nhằm điều tra liệu Ngân hàng Hoa Kỳ có phải là kẻ chủ mưu gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại hay không. Đó là chiến thắng vang dội của Jackson - chiến thắng tột đỉnh diễn ra vài năm sau đó với việc thông qua nghị quyết tại Thượng Nghị viện. Và nghị quyết này đã chính thức rút lại nghị quyết chỉ trích trước đó. BIDDLE COI THƯỜNG QUỐC HỘI Khi ủy ban điều tra có mặt tại Ngân hàng ở Philadelphia với trát hầu tòa nhằm mục đích kiểm tra sổ sách, Biddle đã thẳng thừng từ chối. Và ông ta cũng không cho phép việc kiểm tra thư tín gửi cho các thượng nghị sĩ liên quan đến các khoản vay cá nhân hoặc các khoản ứng trước. Và ông ta kiên quyết từ chối điều trần trước ủy ban ở Washington. Hành động như thế này có thể dẫn đến khả năng bị Quốc hội tống đạt trát hầu tòa với khoản tiền phạt nặng nề hoặc thậm chí là tống giam. Nhưng đối với Biddle thì khả năng này sẽ không diễn ra. Remini giải thích: Các ủy viên hội đồng yêu cầu tống đạt trát hầu tòa, nhưng nhiều thành viên Đảng Dân chủ ở miền Nam lại phản đối hành động quá khích này và từ chối hợp tác. Như Biddle quan sát, điều này có thể mang tính châm biếm nếu ông ta bị tông vào tù “bởi số phiếu bầu của các thành viên Quốc hội vì tôi sẽ không nhượng bộ kẻ thù của mình.” Mặc dù Biddle thoát được việc hầu tòa nhưng hành động bất chấp yêu cầu của Quốc hội của ông ta chỉ làm tình trạng thêm tồi tệ trong mắt dân chúng.[30] Ngân hàng vẫn chưa tắc tử mà trong tình trạng ngắc ngoải vì thương tật. Lúc này, Jackson đã trả hết nợ quốc gia do cuộc chiến tranh 1812 gây nên. Trên thực tế, ông ta ra lệnh cho Bộ Tài chính nhằm hoàn trả lại cho nhà nước hơn 35 triệu đô-la và khoản tiền này được sử dụng cho việc xây dựng nhiều hạng mục công trình của dân chúng. Với các thành tựu gần tiến đến vinh quang của mình trong cuộc chiến với Ngân hàng, Tổng thống đã khiến cho các nhà nghiên cứu tiền tệ ở Mỹ và nước ngoài căm tức. Như vậy, chẳng có gì là ngạc nhiên khi vào ngày 30/1/1835, một cuộc mưu sát đã được thực hiện nhằm loại bỏ Tổng thống ra khỏi cuộc chơi. Tuy nhiên, một điều kỳ diệu đã xảy ra, cả hai khẩu súng lục của kẻ tấn công đều bị tịt ngòi, và Jackson đã thoát chết một cách ngẫu nhiên. Và đó là cuộc mưu sát đầu tiên được thực hiện nhằm loại bỏ Tổng thống Hoa Kỳ. Kẻ ám sát là Richard Lawrence - một gã mất trí hoặc giả đò bị mất trí đã thoát được sự trừng phạt hà khắc. Dù sao đi nữa thì Lawrence cũng đã không bị kết tội vì chứng mất trí.[31] Sau đó, gã này huyênh hoang với bạn bè rằng mình có ô dù là những thế lực máu mặt ở châu Âu - những kẻ đã hứa bảo vệ hắn khỏi sự trừng phạt nếu chẳng may bị bắt.[32] Đoạn kết của thiên tiểu thuyết này chứa đựng nhiều điều bất ngờ. Hiến chương Ngân hàng đã hết hạn vào năm 1836 và được tái tổ chức như một ngân hàng quốc gia do Khối thịnh vượng chung ở Pennsylvania lập nên. Sau vụ tích trữ hàng cotton, những khoản ứng trước hậu hĩ cho các quan chức Ngân hàng và việc đình chỉ thanh toán bằng tiền kim loại, Biddle đã bị bắt với tội gian lận. Mặc dù không bị kết tội nhưng ông ta vẫn bị kiện ra tòa dân sự khi đã chết. Trong vòng năm năm, việc kiến lập ngân hàng đã bị chấm dứt vĩnh viễn, và cuộc trải nghiệm lần thứ ba của Mỹ với hệ thống ngân hàng trung ương đã coi như chấm dứt. VÀNG THAU LẪN LỘN Hãy thử để câu chuyện kết thúc có hậu ở đây và cho phép Jackson mãi mãi đội trên đầu chiếc vương miện của người anh hùng hay một kỵ sĩ giết rồng. Nhưng một cách nhìn nhận công bằng hơn đối với các sự kiện này dẫn đến một kết luận rằng đức hạnh không phải là không bị hoen ố. Jackson đại diện cho vị thế của những kẻ muốn sử dụng vàng và bạc như một loại tiền tệ quốc gia. Nhưng nhóm người này lại không đủ lớn để đối chọi được với thế lực của Ngân hàng. Ông ta bị đẩy vào trận chiến này bởi nhiều nhóm khác - những kẻ căm ghét Ngân hàng vì những nguyên nhân khác không mấy được ca tụng. Các ngân hàng nhà nước và các lợi ích kinh doanh chí ít không quan tâm đến tiền tệ do hiến pháp quy định. Họ cần thứ ngược lại. Họ coi sự kiềm chế ở mức vừa phải của Ngân hàng là quá đáng. Với việc loại bỏ Ngân hàng Hoa Kỳ ra khỏi cuộc chơi, họ lường trước khả năng không diễn ra sự kiềm chế. Như những gì chúng ta chứng kiến trong phần tiếp theo, thật mỉa mai rằng đó chính là nhóm người có thể đạt được bất cứ điều gì mà họ muốn. Người ta không thể đổ lỗi cho Jackson vì đã chấp thuận sự ủng hộ các nhóm người này trong nỗ lực của mình nhằm giết rồng. Xét về khía cạnh chính trị, điều cần thiết là xác lập mối liên minh tạm thời với các đối thủ để đạt được những mục tiêu chung mang tính đặc biệt. Nhưng Jackson đã tiến xa hơn vấn đề này. Hơn bất cứ vị tổng thống nào trước đó, ông ta đã thay đổi tính chất trong quan điểm chính trị Hoa Kỳ. Ông ta đã dẫn dắt dân tộc bước ra khỏi khái niệm mới của các thế lực phổ biến vốn được đám bố già thiết kế cẩn thận nhằm quay trở về với truyền thống tập trung quân chủ của Thế giới Cũ. Bằng việc không chấp nhận quyền ly khai của các bang ra khỏi Liên bang, ông ta đã thiết lập một khái niệm - khái niệm không chỉ dẫn đến một cuộc nội chiến mà còn đặt dấu chấm hết vĩnh viễn cho khả năng chính quyền các bang kiểm soát quyền lực mở rộng của chính phủ liên bang. Liên bang sẽ không còn được dựa trên nguyên tắc đồng thuận của bên chi phối nữa. Giờ đây, nguyên tắc là các lực lượng vũ trang. Và thông qua sự vận động việc chấp thuận của cử tri đối với vấn đề Ngân hàng, ông ta thay đổi nhận thức về vai trò của Tổng thống từ người phụng sự dân chúng sang người lãnh đạo dân tộc. Tại cao trào của cuộc chiến chống lại Ngân hàng, khi trực tiếp kêu gọi các cử tri ủng hộ, Jackson đã tuyên bố: “Tổng thống là người đại diện trực tiếp cho nhân dân mình.” Để lĩnh hội một cách thấu đáo tầm quan trọng của tuyên bố này, cần lưu ý rằng kế hoạch Hiến pháp là Tổng thống phải được bầu chọn một cách gián tiếp bởi các cơ quan lập pháp chính phủ chứ không phải là cử tri. Sau khi tham chiến nhằm lật đổ ngai vàng của vua George III, đám bố già không cần bất cứ việc gì liên quan đến các vị vua nữa và họ đã làm theo cách của mình nhằm đảm bảo rằng Tổng thống Hoa Kỳ sẽ không bao giờ được coi như vậy. Họ nhận ra rằng, quyền lực của tổng thống phải bị hạn chế và khuyếch tán, nếu không, người đứng đầu đất nước có thể trở thành kẻ chuyên quyền. Điều 2, khoản 1 của Hiến pháp đã chính thức thiết lập cử tri đoàn để bầu chọn Tổng thống. Các thành viên của cử tri đoàn được bổ nhiệm bởi chính phủ. Các nghị sỹ, thượng nghị sĩ và các quan chức của chính phủ liên bang cũng góp mặt vào danh sách này. Hội đồng có bổn phận chọn lựa người đứng đầu đất nước một cách nghiêm khắc dựa trên tính chính trực và khả năng điều hành của tổng thống chứ không phải danh nghĩa đảng phái, các mối quan hệ chính trị, diện mạo, uy tín hay những bài diễn văn ồn ào. Người dân có thể bầu chọn nghị sỹ của mình, nhưng hội đồng bầu cử sẽ chọn ra Tổng thống. Như vậy, điều này có nghĩa rằng, Tổng thống sẽ có được các cử tri khác nhau từ Quốc hội, và sự khác biệt này là quan trọng để bảo đảm sự cân bằng về quyền lực mà cơ cấu Hiến pháp đã tốn sức để tạo dựng. Như một phương pháp để kiểm soát chính phủ, nó là một phần xuất sắc trong việc thiết kế các kế hoạch chính trị. Tất cả mọi việc này đã được thay đổi trong cuộc bầu cử vào năm 1832. Một trong những sự kiện buồn bã trong lịch sử là những nguyên nhân tốt thường là cơ hội cho việc tạo ra các tiền lệ xấu. Cuộc chiến của Jackson chống lại Ngân hàng Hoa Kỳ chỉ là một trong những sự kiện này. TỔNG KẾT Chính phủ đã khuyến khích nạn gian lận ngân hàng diễn ra phổ biến trong cuộc chiến tranh 1812 như một thủ đoạn để chi trả các hối phiếu của mình, và điều này đã đẩy cả dân tộc vào tình trạng hỗn loạn tiền tệ. Khi cuộc chiến tranh kết thúc, thay vì cho phép các ngân hàng gian lận phá sản và thị trường tự do hàn gắn thiệt hại, thì Quốc hội quyết định đứng về phía các ngân hàng và tổ chức những trò gian lận đồng thời duy trì các khoản thua lỗ. Quốc hội thực hiện điều này bằng việc tạo ra ngân hàng thứ ba có tên gọi Ngân hàng Thứ hai của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ngân hàng mới thực ra chỉ là một bản sao của ngân hàng trước đó. Nó được phép tạo ra tiền cho chính phủ liên bang và điều chỉnh các ngân hàng nhà nước. Nó tác động tới một lượng lớn nguồn vốn và được tổ chức một cách quy củ hơn so với ngân hàng cũ. Các chính sách của Ngân hàng này đã có một tác động lớn hơn đối với việc tạo ra và hủy bỏ nguồn cung tiền tệ quốc gia. Lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, của cải đã trải đều khắp đất nước thay vì bị hạn chế trong phạm vi các khu vực địa lý. Thời kỳ bùng nổ-phá sản cuối cùng cũng đã diễn ra tại Hoa Kỳ. Năm 1820, ý kiến công chúng bắt đầu chuyển sang hướng ủng hộ các nguyên tắc về đồng tiền mạnh được tán thành bởi các thành viên Đảng Cộng hòa của Jefferson. Nhưng kể từ khi Đảng Cộng hòa cấm các nguyên tắc này, một liên minh mới có tên gọi Đảng Dân chủ đã được thành lập dưới sự điều hành của Martin Van Buren và Andrew Jackson. Một trong những cương lĩnh chính của Đảng này là việc loại bỏ Ngân hàng thứ hai Hoa Kỳ. Sau khi trúng cử Tổng thống vào năm 1828, Jackson bắt đầu nghiêm túc thực thi kế hoạch này. Người đứng đầu Ngân hàng lúc này là Nicholas Biddle - một đối thủ nặng ký của Jackson. Biddle không chỉ có các khả năng cá nhân xuất sắc mà còn là người được nhiều thành viên Quốc hội mang ơn vì sự ủng hộ của ông ta đối với việc kinh doanh. Vì thế, Ngân hàng đã có thêm nhiều bạn hữu là các chính trị gia. Khi Jackson sắp mãn nhiệm, Biddle đề nghị Quốc hội ký lại Hiến chương Ngân hàng với hi vọng rằng Jackson sẽ không muốn mạo hiểm với cuộc chiến lật đổ ngân hàng trong cuộc tái bầu cử. Dự luật đã được thông qua một cách dễ dàng, nhưng Jackson đã chấp nhận thách thức và phủ quyết cách thức này. Như vậy, trận chiến chống lại tương lai của Ngân hàng đã trở thành vấn đề chính của chiến dịch vận động tranh cử tổng thống. Jackson đã tái đắc cử với đa số phiếu thuận, và một trong những hành động đầu tiên của ông ta là loại bỏ chế độ tiền gửi liên bang khỏi Ngân hàng và chuyển nó vào các ngân hàng tư nhân khu vực. Biddle phản pháo bằng việc thu hẹp tín dụng và thu lại các khoản cho vay. Điều này đã được dự tính để làm co hẹp nguồn cung tiền tệ và châm ngòi cho một cuộc suy thoái trên cả nước. Biddle đã đổ lỗi cho chính sách loại bỏ chế độ tiền gửi liên bang của Jackson và cho rằng, đó chính là nguyên nhân gây ra cuộc suy thoái kinh tế trên diện rộng. Kế hoạch đã gần như có hiệu lực. Các đồng minh chính trị của Biddle đã thành công trong việc buộc Jackson chính thức bị Thượng Nghị viện chỉ trích. Tuy nhiên, khi bị hé lộ, sự thật về chiến lược của Biddle đã không mang lại kết quả như mong đợi. Ông ta được yêu cầu ra điều trần trước ủy ban điều tra của Quốc hội để giải thích các hành động của mình, sự chỉ trích đối với Jackson đã được bãi bỏ, và ngân hàng thứ ba của Hoa Kỳ đã đi vào lãng quên.