Những Âm Mưu Từ Đảo Jekyll - Chương 18

Chương 18 BỔNG LỘC VÀ CUỘC NỘI CHIẾN Những nỗ lực nhằm bình ổn hệ thống ngân hàng bằng các biện pháp chính trị, bao gồm việc điều chỉnh tỉ suất dự trữ cục bộ và thiết lập các quỹ bảo hiểm ngân hàng phá sản; sự thất bại của tất cả hệ thống; các điều kiện kinh tế gây nên cuộc nội chiến tại Mỹ. Như đã trình bày chi tiết trong chương trước, vào năm 1836, con quái vật khổng lồ có nhiều chi đã bị giết chết một cách hung bạo và, thật phù hợp với lời cam kết trong chiến dịch bầu cử Tổng thống, dân tộc đã có Jackson mà không cần có ngân hàng. Vào tháng Tư năm đó, Nội các chính phủ đã hành động nhằm củng cố chiến thắng của mình và ban bố nhiều chính sách cải tổ tiền tệ thông qua Quốc hội. Một trong những chính sách đó đòi hỏi tất cả các ngân hàng ngừng phát hành tiền giấy dưới dạng tờ 5 đô-la, sau đó là tờ 20 đô-la và mục đích của việc này là nhằm thúc ép dân tộc quay trở lại sử dụng đồng tiền vàng và bạc trong sinh hoạt hàng ngày và chỉ sử dụng đồng tiền giấy của ngân hàng khi cần thanh toán các giao dịch thương mại lớn. Nhà Trắng cũng thông báo rằng, trong tương lai, các giao dịch buôn bán đất đai của liên bang sẽ đòi hỏi mọi người phải thanh toán đầy đủ bằng “tiền pháp định” - điều hiển nhiên ám chỉ đến đồng tiền kim loại quý giá.[1] Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng, dù Ngân hàng thứ hai Hoa Kỳ có tắc tử thì hệ thống ngân hàng vẫn tồn tại, và các đối thủ của Jackson cũng vậy. Những người ủng hộ đồng tiền kim loại tỏ rõ sự thất vọng, các phương pháp này được coi là không đủ cho việc đánh dấu sự khởi đầu trong thiên niên kỷ mới. Không chỉ bởi chúng không phù hợp mà còn bị phá hỏng bởi sự phát triển của các kỹ thuật ngân hàng tân tiến và rốt cuộc bị phá hủy hoàn toàn bởi sự thiếu kiên định của Quốc hội. Việc ngăn cấm chống lại đồng tiền giấy do ngân hàng phát hành với mệnh giá thấp xứng đáng được đặc biệt lưu ý. Đó là một khái niệm xuất sắc, nhưng những gì mà các thành viên cơ quan lập pháp không có khả năng hiểu được hoặc tỏ ra vẻ không hiểu - là các ngân hàng lúc này đang làm quen với tiền séc - loại tiền tệ mà theo thuật ngữ chuyên môn được gọi là tài khoản ký quỹ vô thời hạn. Vì mọi người dần dần trở nên quen thuộc với phương pháp chuyển nguồn vốn này nên tầm quan trọng của những đồng tiền giấy do ngân hàng phát hàng đã bị giảm xuống. Việc đặt ra giới hạn trong việc bảo hiểm tiền giấy mà không có bất cứ giới hạn nào đối với việc tạo ra các tài khoản ký quỹ vô thời hạn này chính là một sự tập dượt không hiệu quả. Năm 1837, Ngân hàng Hoa Kỳ đã đặt dấu ấn của mình vào lịch sử, dân tộc lúc này nằm ở đoạn cuối của sự bùng nổ về kinh tế. Giáo sư Rothbard cho biết rằng sự mở rộng này và nạn lạm phát kèm theo đã “cung cấp nhiên liệu cho ngân hàng trung ương”.[2] Tổng lượng tiền lưu hành đã tăng lên 84% chỉ trong vòng 4 năm. Như vậy, lượng cung tiền này - lượng tiền được tạo ra bởi hệ thống dự trữ cục bộ hay nói cách khác là phần được bảo trợ bởi không khí - bắt đầu thu hẹp lại. 16% lượng tiền quốc gia đã hoàn toàn biến mất khỏi thị trường chỉ trong năm đầu tiên. Một lần nữa, nạn thất nghiệp lại bắt đầu hoành hành, các doanh nghiệp lần lượt rơi vào cảnh phá sản, các khoản tiết kiệm của dân chúng nhanh chóng bốc hơi. Nhiều ngân hàng cũng rơi vào cảnh khốn khó. Chỉ có các chủ nợ là đành phải ra về trắng tay vì khó có khả năng rút tiền về. Có khá nhiều đề xuất liên quan đến cách thức tạo lập sự ổn định cho hệ thống ngân hàng. Như Groseclose quan sát, các đề xuất này chỉ là những kế hoạch mà theo đó, “mỗi một ngân hàng chiểu theo lý thuyết cụ thể để tăng nguồn bổng lộc.”[3] Vì các vấn đề xuất được ra vào thời điểm đó giống hệt các đề xuất ngày nay, và vì mỗi đề xuất đều đã từng được thử nghiệm nên tìm hiểu kết quả thực sự của các đề xuất này quả là một việc làm phù hợp. ĐỀ XUẤT ĐỐI VỚI TIỀN PHA TRONG TÀI SẢN NGÂN HÀNG Có bốn môn phái liên quan đến việc làm gia tăng các nguồn bổng lộc. Môn phái đầu tiên - việc tạo ra tiền bạc nên được hạn chế với tỉ suất của tài sản ngân hàng. Đây là công thức đã được thử nghiệm tại các bang Tân Anh Cát lợi. Ví dụ, tại Massachusetts, việc phát hành tiền giấy ngân hàng bị giới hạn gấp đôi số vốn ngân hàng dự trữ thực tế. Hơn thế nữa, điều này không thể được thể hiện dưới dạng tiền giấy, trái phiếu, chứng khoán hoặc các công cụ nợ khác mà phải được thể hiện dưới dạng tiền kim loại (vàng hoặc bạc). Các ngân hàng bị giới hạn về số lượng tiền tệ mệnh giá thấp mà họ có thể phát hành và trong vấn đề này, Massachusetts được coi như mô hình của cuộc cải tổ mà Tổng thống Jackson đã thực hiện ở quy mô liên bang. Theo các chuẩn mực trước đó cũng như các chuẩn mực vẫn còn hiệu lực ngày nay, điều này chính là một chính sách thận trọng khác thường. Trên thực tế, thậm chí trong giai đoạn căng thẳng của cuộc chiến tranh 1812, khi hàng trăm ngân hàng trên cả nước lâm vào cảnh vỡ nợ thì các ngân hàng ở Massachusetts cũng như nhiều ngân hàng khác ở Tân Anh Cát Lợi vẫn có khả năng duy trì việc thanh toán bằng tiền kim loại. Tuy nhiên, cùng với thời gian, giới hạn của đồng tiền giấy ngân hàng trở nên kém quan trọng vì các ngân hàng này giờ đây đang sử dụng tiền séc thay vì tiền giấy. Những đồng tiền giấy của họ có thể bị hạn chế tới mức 200% so với nguồn vốn của mình, nhưng không có sự giới hạn hiệu quả đối với các con số mà họ có thể đánh dấu vào sổ ghi nợ của người dân. Như vậy, phần “dự trữ” trong hệ thống dự trữ cục bộ bắt đầu co lại lần nữa. Hậu quả là, việc thu hẹp tiền tệ vào năm 1837 “giống như việc cắt cỏ đối với vụ mùa thu hoạch” (Groseclose) và 32 ngân hàng tại Massachusetts đã sụp đổ trong giai đoạn từ 1837 đến 1844.[4] Chính quyền bang đã nỗ lực dàn xếp hệ thống này bằng việc xây dựng một hệ thống các đơn vị thanh tra ngân hàng và bằng việc tăng trách nhiệm pháp lý của các cổ đông ngân hàng đối với các nguồn tài chính thua lỗ của các chủ nợ, nhưng vấn đề ở đây vẫn bị bỏ qua. Một vụ mùa mới của các ngân hàng như vậy đã hiện hữu và làn sóng mới của nạn đầu cơ tích trữ đã dâng tràn khắp cả nước. Vào năm 1862, cho dù luật pháp cũng giới hạn tiền giấy ngân hàng tới mức hai lần so với vốn, các ngân hàng vẫn tạo ra $73.685.000 trong tổng nguồn tiền, bao gồm cả tiền séc. Điều này được hỗ trợ bởi việc pha tiền kim loại trị giá $9.595.000, một nguồn dự trữ chỉ 13%. Massachusetts đã không giải quyết được vấn đề. ĐỀ XUẤT NHẰM BẢO VỆ CÁC KHOẢN TIỀN GỬI VỚI NGUỒN VỐN AN TOÀN Lý thuyết thứ hai liên quan đến cách thức có được hệ thống ngân hàng ổn định đồng thời cho phép các ngân hàng tạo ra tiền từ không khí chính là việc tạo ra “nguồn tiền tệ an toàn”. Nguồn tiền này - vốn được hỗ trợ bởi tất cả các ngân hàng - sẽ trở thành nguồn hỗ trợ của bất cứ thành viên nào cần đến khoản vay khẩn cấp nhằm trang trải các chi phí trong trường hợp bị thiếu hụt nguồn dự trữ. Đó chính là nguyên mẫu đầu tiên của Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang và các tổ chức đại diện có liên quan. Nguồn tiền tệ an toàn đầu tiên được thiết lập tại New York vào năm 1829. Luật pháp yêu cầu mỗi ngân hàng phải đóng góp một nửa trong 1% nguồn vốn cho tới khi tổng đạt mức 3%. Nguồn tiền trước hết được thử nghiệm trong cuộc khủng hoảng 1837, và gần như không có tác dụng, chỉ có một thứ có thể cứu được điều này: chính quyền bang đồng ý chấp nhận những đồng tiền giấy không có giá trị của tất cả các ngân hàng phá sản như các khoản thanh toán cho sự thiệt hại. Nói cách khác, những người trả thuế buộc phải tạo ra sự khác biệt. Khi nguồn tiền đã được sử dụng hết, các ngân hàng có khả năng thanh toán thường bị trừng phạt bằng cách bị ép chi trả cho sự thiếu hụt tài chính của các ngân hàng không có khả năng thanh toán. Một cách tự nhiên, điều này bắt buộc tất cả ngân hàng hành động một cách liều lĩnh. Tại sao không? Bởi phần bề mặt là lợi nhuận cao hơn và phần dưới là, nếu sự liều lĩnh khiến họ gặp rắc rối thì nguồn tiền an toàn sẽ cứu trợ họ. Kết quả là hệ thống tạo ra hình phạt đối với tính cẩn trọng và sự khích lệ đối với tính liều lĩnh; một tình huống được so sánh hoàn hảo với thực tế trong hệ thống ngân hàng ngày nay. Groseclose nói: Các thể chế được quản lý một cách dè dặt trong việc cho vay đối với các rủi ro an toàn hơn - theo đó, lợi nhuận biên thường thấp hơn - được xác minh là đang lâm vào cảnh khó khăn và buộc phải dấn thân vào các mảng kinh doanh đầu cơ nhằm trang trải được các khoản chi phí.[5] Dần dần, tất cả các ngân hàng đều rơi vào tình trạng sa lầy và, vào năm 1857, nguồn tiền tệ an toàn của ngân hàng Massachusetts đã bị cấm. Kinh nghiệm của ngân hàng Michigan với nguồn tiền an toàn có lẽ còn điển hình hơn trong giai đoạn này. Ngân hàng này được thành lập năm 1836 và đã bị bốc hơi một năm sau đó, nghĩa là trong giai đoạn khủng hoảng 1837. ĐỀ XUẤT ĐỐI VỚI TIỀN PHA CHO CHỨNG KHOÁN Đề xuất thứ ba nhằm duy trì hệ thống tiền tệ ổn định cho phép các ngân hàng kinh doanh theo kiểu gian lận là pha nguồn cung tiền cho chứng khoán chính phủ; nói cách khác, cho các chứng chỉ tiền giấy đối với các khoản nợ của chính phủ. Đây là sơ đồ được các bang Illinois, Indiana và Wisconsin cũng như các bang khác của vùng Trung Tây Hoa Kỳ chấp thuận vào năm 1850. Sơ đồ này cũng tạo ra tiền lệ cho Hệ thống cục Dự trữ Liên bang 60 năm sau đó. Groseclose tiếp tục: Sự điên cuồng trong việc phát hành tiền giấy đã lan tràn khắp nơi khiến cho đồng tiền giấy này được gọi bằng một cái tên phù hợp là tiền “chó đỏ” (chỉ đồng tiền do các ngân hàng làm ăn thận trọng phát hành) hoặc tiền “mèo hoang” (chỉ đồng tiền do các ngân hàng làm ăn liều lĩnh phát hành)… Vụ mùa của các ngân hàng đã tạo ra nhu cầu ảo và làm xuất hiện thị trường chứng khoán và tác nhân kích thích hợp lý nhằm tạo ra nợ trong dân chúng bằng việc phát hành chứng khoán. Tiếp theo, nhiều đồng tiền giấy ngân hàng được phát hành dựa trên chứng khoán, sự tăng lên về nhu cầu và thị trường - thêm chứng khoán được phát hành, thêm tiền giấy ngân hàng và cứ thế, vòng quay không dứt tạo ra nợ và lạm phát. Quá trình này cuối cùng cũng bị ngừng lại bởi cuộc khủng hoảng năm 1857.[6] ĐỀ XUẤT ỦNG HỘ TIỀN TỆ VỚI NGUỒN TÍN DỤNG CỦA BANG Đề xuất thứ tư cho việc tạo ra một thứ gì đó từ không khí chính là ủng hộ các bang phát hành tiền tệ bằng đầy đủ cả lòng trung thành lẫn nguồn tín dụng của bang. Đây là phương pháp được các bang miền Nam thử nghiệm và trở thành viên đá tảng của hệ thống tiền tệ hiện đại của chúng ta. Ví dụ, vào năm 1835, tiểu bang Alabama đã thành lập ngân hàng bang được hỗ trợ bởi việc phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá $13.800.000. Đồng tiền khẩn cấp đã tràn ngập nền kinh tế và người dân hân hoan hớn hở với sự thịnh vượng giả tạo. Các nhà lập pháp say sưa với sơ đồ mà họ đã xóa bỏ việc đánh thuế trực tiếp và quyết định điều hành chính phủ đối với tiền do ngân hàng phát hành. Nói cách khác, thay vì tăng lợi nhuận của bang thông qua thuế, họ lại tăng lợi nhuận thông qua lạm phát. Cũng như những thứ khác, bong bóng đã nổ trong cuộc khủng hoảng năm 1837. Một cuộc kiểm tra Ngân hàng sau đó đã cho thấy rằng nguồn tài sản trị giá $6.000.000 không còn giá trị. Người dân - những ai đã mạo hiểm mang đồng tiền hiện hữu của mình cho vay và được hỗ trợ bởi nguồn tín dụng của bang - đã mất gần hết tất cả nguồn đầu tư của mình - và điều đáng nói là sự thiệt hại này lại là kết quả của lạm phát. Mississipi đã hỗ trợ ngân hàng bang bằng nguồn tín dụng vào năm 1838 và phát hành $15.000.000 đô-la trái phiếu như là nguồn bảo đảm cho đồng tiền giấy do ngân hàng phát hành. Ngân hàng đã bị phá sản trong vòng bốn năm và chính quyền bang đã thoái thác nghĩa vụ của mình đối với trái phiếu. Điều này đã khiến những người nắm giữ trái phiếu điên tiết, cụ thể là các nhà tài phiệt Anh - những người đã mua một lượng lớn trái phiếu phát hành. Tác động tàn phá đối với chính quyền bang và người dân đã được Henry Poor mô tả như sau: Khoản cho vay của ngân hàng trị giá $48.000.000 chẳng bao giờ được hoàn trả; khoản $23.000.000 tiền giấy và tiền ký quỹ chẳng bao giờ được đền bù. Cả hệ thống đã sụp đổ - sự sụp đổ khủng khiếp và kỳ quái đã khiến người dân Hoa Kỳ lâm vào tình cảnh khốn đốn vì nợ nần mà không có khả năng và phương tiện trả nợ. Đất đai thì chẳng còn giá trị, và cũng không ai còn tiền để thanh toán nợ nần… Con số người dân Mỹ rời bỏ quê hương bản quán để trốn nợ đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong giai đoạn này, và xu hướng này được viết tắt là G.T.T (gone to Texas: một xu hướng di dân từ khu vực miền Nam và Trung Tây Hoa Kỳ đến Texas để trốn nợ - ND).[7] Đồng tiền được dựa trên nguồn tín dụng của chính quyền bang cũng có một số phận tương tự tại các bang Illinois, Kentucky, Florida, Tennessee và Louisiana. Khi ngân hàng bang bị sụp đổ vào năm 1825 tại Illinois, tất cả đồng tiền giấy “trung thực” do ngân hàng phát hành đã bị đem ra đốt trước bàn dân thiên hạ. Một ngân hàng khác được thành lập năm 1835 đã chấm dứt hoạt động vào năm 1842. Sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng đã khiến Hiến pháp bang Illinois phải được sửa đổi vào năm 1848 với điều khoản rằng, kể từ đây, chính quyền bang không bao giờ được phép thành lập ngân hàng hoặc sở hữu cổ phần trong ngân hàng. Tại Ankansas, ngay cả bất động sản cũng lâm vào tình trạng bế tắc trên quy mô lớn. Thay vì đóng tiền mặt, những người góp tiền vào ngân hàng bang được phép thế chấp bất động sản như một hình thức ký quỹ. Tiền giấy do ngân hàng phát hành đã nhanh chóng mất giá tới 25% mệnh giá, và trong vòng bốn năm, ngân hàng đã hoàn toàn phá sản. ẢO TƯỞNG VỀ NGÂN HÀNG TỰ DO Lúc bấy giờ có một trào lưu song hành với tên gọi “ngân hàng tự do”. Tên gọi này chính là sự sỉ nhục đối với sự thật. Những gì được gọi là ngân hàng tự do đơn thuần chỉ là sự hoán đổi của các ngân hàng từ tập đoàn thành liên hiệp tư nhân. Ngoại trừ việc không còn được chính quyền bang thông qua hiến chương, mỗi một khía cạnh khác của hệ thống vẫn được duy trì như cũ, bao gồm các quy định giám sát cũng như sự hỗ trợ của chính phủ và các nhóm khác chống đối quan điểm về một thị trường tự do. George Selgin nhắc nhở chúng ta rằng “các cam kết nhằm thành lập ngân hàng thường song hành với nhiều hạn chế, kể cả các khoản cho chính quyền bang vay theo yêu cầu.”[8] Các ngân hàng tự do cũng ma mãnh chẳng kém các ngân hàng do chính quyền bang quản lý. Một thói quen cũ đã được hồi sinh trở lại là lưu hành đồng tiền vàng trong các ngân hàng trước khi có thanh tra đến. Khi một trong các ngân hàng tự do này sụp đổ ở Massachusets, người ta mới vỡ lẽ rằng, việc lưu hành khoản tiền giấy trị giá $500.000 của ngân hàng này đã được bảo đảm một cách chính xác bằng $86.48.[9] Giáo sư Hans Sennholz viết: Mặc dù các nhà kinh tế không nhất trí trong nhiều vấn đề, song phần lớn họ đồng ý về sự chấp thuận của mình đối với việc kiểm soát về chính trị… Các nhà kinh tế này chỉ ra một cách kiên định về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng Hoa Kỳ trước cuộc Nội chiến - cuộc chiến mà theo họ phán xét đã xác định niềm tin của họ. Cụ thể, họ đã viện dẫn “Kỷ nguyên ngân hàng tự do” (Free Banking Era) từ 1838-1860 như một ví dụ kinh khủng về hệ thống ngân hàng thời tao loạn và như vậy, họ tán thành pháp chế đối với việc củng cố vai trò của chính phủ. Trên thực tế, tính bất ổn định diễn ra trong Kỷ nguyên Ngân hàng Tự do không phải là do bất cứ thứ gì tồn tại trong hệ thống ngân hàng gây nên mà lại là kết quả của sự can thiệp với quy mô rộng về chính trị… Đạo luật “Ngân hàng tự do” đã không loại bỏ được các điều khoản pháp luật phiền toái và các chỉ thị mang tính pháp lý. Trên thực tế, đạo luật này còn bổ sung thêm nhiều điều khoản khác.[10] Để hệ thống ngân hàng thực sự được trở nên tự do, các bang buộc phải thực hiện những việc sau đây: 1. Buộc các khế ước ngân hàng phải được thể hiện như các giao kèo khế ước khác, 2. Thoát ra khỏi tình trạng hiện tại. Bằng việc ép buộc các khế ước ngân hàng, các nhà quản lý điều hành của bất cứ ngân hàng nào - những ngân hàng thất bại trong việc đền bù tiền kim loại của mình - sẽ bị tống giam, điều có thể khiến cho nạn lạm phát tạm dừng lại. Bằng việc thoát ra khỏi tình trạng hiện tại và đòi hỏi việc bảo vệ dân chúng với hàng rào các luật lệ, quy định, quỹ an toàn…, người dân có thể nhận thấy rằng đó là nghĩa vụ của họ và nghĩa vụ đó cần phải thận trọng và rõ ràng. Nhưng, thay vì vậy, các ngân hàng tiếp tục hưởng quyền ưu tiên đặc biệt trong việc đình chỉ các khoản thanh toán mà không bị phạt, và các chính trị gia hò hét để thuyết phục cử tri rằng họ đang kiểm soát mọi việc. Nói ngắn gọn, suốt cả giai đoạn phá sản của các ngân hàng cũng như sự hỗn loạn về kinh tế, nước Mỹ đã cố gắng thực hiện mọi thứ ngoại trừ việc trả được hết bằng vàng và bạc. Cái tên của Andrew Jackson đã trở nên lu mờ trong lịch sử và giấc mơ về một hệ thống ngân hàng trung thực cũng chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Không phải tất cả các ngân hàng đều tham nhũng, và chắc chắn không phải tất cả các nhà tài phiệt ngân hàng đều là những kẻ âm mưu chống lại nhân dân. Có nhiều ví dụ về những nhân vật trung thực cố gắng cư xử theo cách phù hợp với luân thường đạo lý. Nhưng họ bị cản trở bởi cả hệ thống mà họ đang nỗ lực trong đó, một hệ thống trừng phạt những hành động khôn ngoan, cẩn trọng và khuyến khích những hành động liều lĩnh. VIỆC MỞ RỘNG KỸ NGHỆ BẤT CHẤP HỆ THỐNG NGÂN HÀNG MÁNH LỚI Một khía cạnh tích cực khác đối với bức tranh này là vào đúng lúc này, nhiều doanh nghiệp đã phất lên, mặc dù chẳng có lợi cho những kẻ không có mong muốn đóng góp. Các kênh lớn được đào đường ray xe lửa chạy tới tận biên giới, phát triển đô thị, biến thảo nguyên thành đất nông nghiệp hay các lĩnh vực khác. Phần lớn việc mở rộng này được tạo ra bởi dòng tiền lừa lọc do ngân hàng tạo ra. Những kẻ biện hộ cho hệ thống dự trữ ngân hàng cục bộ nghiêng về quan điểm của sự phát triển này và kết luận rằng, rốt cuộc thì đó là một điều rất tốt. Nước Mỹ sẽ không trở nên phát triển và thịnh vượng mà không có những đồng tiền khôi hài. Galbraith đã nói: Nền văn minh nhân loại đã du nhập vào các bang Indiana và Michigan vào khoảng những năm 1830-1840 và lĩnh vực ngân hàng cũng vậy. Khi đồng tiền giấy do ngân hàng phát hành được sử dụng và cho nông dân vay để mua đất đai, gia cầm, thực phẩm hay công cụ thiết bị đơn giản thì cũng là lúc mà người nông dân đã bị kéo vào cuộc. Nếu anh ta và những người khác ăn nên làm ra và trả được các khoản vay thì ngân hàng sẽ tồn tại. Nhưng nếu họ làm ăn thua lỗ và không có khả năng thanh toán thì ngân hàng sẽ có khả năng phá sản, và bất kỳ một ai đó - có thể là một người cho vay tín dụng địa phương hay nhà cung ứng miền Đông - sẽ là những người sở hữu đồng tiền mất giá.” William Greider tiếp tục phân tích: Nói chung, tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng đã tạo ra một sự tiến triển cơ bản. Đó không phải là một hệ thống ổn định mà nó bị thiệt hại bởi sự phá sản của ngân hàng và sự đổ bể của các dự án kinh doanh mạo hiểm, vấn đề đầu cơ tích trữ thái quá và các khoản cho vay không có khả năng thu hồi được.[12] Đương nhiên, đây là một ví dụ kinh điển về sự thất bại của nền kinh tế tự do. Khi đánh giá chính sách, nó chỉ tập trung vào một kết quả có lợi cho một nhóm người nạo đó và phớt lờ vô số tác động bất lợi mà chúng xảy ra đối với tất cả các nhóm khác. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào người dân vùng biên giới - những người yêu cầu có các trại chăn nuôi mới và gây dựng dự án kinh doanh mới, hệ thống dự trữ cục bộ sẽ được coi là có vẻ tốt đẹp. Nhưng, nếu chúng ta bổ sung tất cả các thất bại tài chính vào sự đánh đồng này đối với tất cả mọi người - những ai bị trù dập bởi hệ thống này - những gì mà Galbraith gọi là “sự đóng góp không chủ tâm” và những gì mà Greider bàn luận qua như “một điều vô ích” - thì sau đó sản phẩm chỉ là con số 0 to tướng và xét về khía cạnh đạo đức, nó hoàn toàn tiêu cực. LIÊN MINH TRONG CƠN HIỂM NGHÈO Như đã đề cập đến trong phần trước, xung đột kinh tế luôn đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo ra những bất hòa, hiềm khích. Không có giai đoạn nào mà xảy ra nhiều xung đột kinh tế giữa các tầng lớp dân chúng hơn giai đoạn trước khi cuộc nội chiến xảy ra. Như vậy, chẳng có gì ngạc nhiên rằng giai đoạn này đã trực tiếp gây ra cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử dân tộc, một cuộc chiến khiến tất cả lâm vào cảnh đau khổ, bi kịch vì cảnh nồi da nấu thịt. Có nhiều giai thoại nói về nguyên nhân của cuộc nội chiến này. Vì cuộc Cách mạng Bôn-sê-vích nổ ra là do sự nổi dậy của quần chúng cách mạng chống lại tầng lớp quý tộc hung tàn nên cũng dễ hiểu rằng Cuộc Nội chiến diễn ra là nhằm chống lại chế độ nô lệ. Nhưng đó chỉ là một nửa sự thật, chế độ chiếm hữu nô lệ là một vấn đề, nhưng nguồn lực chủ yếu cho cuộc chiến lại là sự bất đồng về quyền lợi kinh tế giữa miền Nam và miền Bắc. Thậm chí vấn đề chiếm hữu nô lệ lại được dựa vào kinh tế học. Đó là một vấn đề mang tính đạo đức ở miền Bắc - nơi sự thịnh vượng được tạo ra bởi các cỗ máy của ngành công nghiệp nặng, nhưng ở khu vực nông nghiệp miền Nam - nơi những cánh đồng được chăm sóc bởi nhiều nguồn lực lao động - vấn đề đó chỉ là câu chuyện của kinh tế học. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Lincoln đã phát biểu về tính chất không quan trọng của chế độ chiếm hữu lao động như là một nguyên nhân dẫn đến cuộc nội chiến Nam-Bắc: Sự e sợ dường như hiện diện giữa cộng đồng dân chúng của các bang miền Nam mà với sự nhậm chức của các thành viên nội các của Đảng Cộng hòa, sự thịnh vượng và hòa bình, an toàn cá nhân đều có thể bị nguy hiểm… Tôi không có mục đích nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, nhằm can thiệp vào việc thiết lập chế độ chiếm hữu nô lệ tại các bang - nơi mà chế độ chiếm hữu nô lệ đang hiện hữu. Tôi tin rằng mình không có quyền hạn về khía cạnh luật pháp để làm như vậy, và tôi cũng chẳng có khuynh hướng làm như vậy.[13] Ngay cả sau khi chiến tranh bùng nổ vào năm 1861, Lincoln đã xác nhận quan điểm trước đó của mình. Ông tuyên bố: Mục đích tối cao của tôi trong cuộc đấu tranh này là nhằm cứu lấy Liên bang. Nếu có thể cứu được Liên bang mà không giải phóng nô lệ, tôi sẽ làm như vậy; và nếu có thể cứu được Liên bang bằng việc giải phóng tất cả nô lệ, tôi sẽ không làm; và nếu có thể làm như vây bằng việc giải phóng người này nhưng lại bỏ mặc kẻ khác, tôi cũng sẽ thực hiện như vậy.[14] Có thể ngạc nhiên khi biết rằng, nói một cách chính xác thì Abraham Lincoln chính là một người da trắng phân biệt chủng tộc. Trong cuộc tranh luận thứ tư của mình với Nghị sĩ Stephen Douglas, ông ta đã nói huỵch toẹt: Tôi chưa và không bao giờ có thiện cảm với quan điểm bình đẳng xã hội hay bình đẳng chính trị giữa các chủng tộc da đen và da trắng. Tôi cũng chưa và không bao giờ có thiện cảm với việc lựa chọn cử tri hay thành viên hội thẩm là những người da đen; và tôi xin bổ sung rằng, ở đây có sự khác biệt tự nhiên giữa các chủng tộc da trắng và da đen - theo đó, tôi tin rằng, sự khác biệt đó sẽ không cho phép hai chủng tộc sống cùng nhau nếu xét ở khía cạnh bình đẳng chính trị và bình đẳng xã hội. Vì các chủng tộc không thể tồn tại cùng nhau trong khi họ vẫn cùng nhau giữ nguyên vị trí nên cần phải có các địa vị xã hội cao và địa vị xã hội thấp, và cũng như nhiều người khác, tôi ủng hộ việc xuất hiện lớp người có địa vị xã hội cao và đó không ai khác chính là người da trắng. Điều này không phải để nói rằng Lincoln là người bàng quan với việc thiết lập chế độ chiếm hữu nô lệ vì ông ta cảm giác rằng điều này vi phạm đạo đức cá nhân và quốc gia, nhưng ông ta cũng biết rằng chế độ chiếm hữu nô lệ dần dần sẽ bị xóa bỏ trên toàn thế giới - ngoại trừ châu Phi - và ông ta tin rằng điều đó sẽ nhanh chóng bị xóa bỏ tại Mỹ đơn thuần bằng việc cho phép các lực lượng khai sáng làm theo cách của mình thông qua hệ thống chính trị. Ông ta lo ngại - và sự lo ngại đó cũng đúng thôi - rằng, cải cách toàn diện, không những phải loại bỏ liên minh mà điều này còn dẫn đến sự đổ máu ở quy mô lớn. Ông ta nói: Tôi không cho phép mình quên được rằng, việc Vương quốc Anh hủy bỏ chế độ mua bán nô lệ đã được cổ động hàng trăm năm trước khi việc mua bán này được hoàn toàn chấm dứt, rằng cách hành xử này đã tạo ra những kẻ thù hiếu chiến công khai hay những kẻ thù giấu mặt. Tất cả những đối thủ này đều có chức vụ, trong khi đối thủ của họ thì không. Nhưng tôi cũng nhớ rằng mặc dù cháy sáng như những ngọn đèn cầy trong cả thế kỷ song cuối cùng họ cũng chỉ lập lòe trong đui đèn rồi tắt ngấm mà chẳng ma nào nhớ đến, cho dù là mùi vị. Các cậu bé học sinh biết rằng Wilbeforce và Granville Sharpe đã giúp cho sự nghiệp này phát triển; nhưng ai có thể gọi tên nhân vật được thuê mướn để làm chậm lại sự nghiệp này?[15] Nếu mục tiêu chủ yếu của Lincoln trong cuộc nội chiến Bắc - Nam này không phải nhằm loại bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ mà đơn giản chỉ là bảo toàn Liên minh thì một câu hỏi được đặt ra là: Vì sao Liên minh lại cần được bảo toàn? Hay chính xác hơn, vì sao các bang miền Nam lại muốn ly khai? NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN CUỘC NỘI CHIẾN BẮC - NAM LÀ DO ĐÁM CƯỚP NGÀY CHỨ KHÔNG PHẢI CHẾ ĐỘ CHIẾM HỮU NÔ LỆ Là một vùng chủ yếu chuyên về nghề nông nghiệp, miền Nam buộc phải nhập khẩu gần như tất cả các hàng hóa sản xuất từ các bang miền Bắc hoặc từ châu Âu. Đổi lại, miền Nam cung cấp vải bông cho các bang miền Bắc. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm hàng dệt và các mặt hàng sản xuất khác lại có giá rẻ hơn so với sản phẩm nhập từ châu Âu. Như vậy, các bang miền Nam vẫn thích mua bán các mặt hàng từ châu Âu hơn là từ các bang miền Bắc. Điều này đã tạo ra một áp lực cạnh tranh đáng kể đối với các nhà sản xuất Hoa Kỳ trong việc làm giảm giá thành và kinh doanh hiệu quả hơn. Những người theo Đảng Cộng hòa không hài lòng với việc này. Họ quyết định sử dụng quyền lực của chính phủ liên bang nhằm lật ngược cán cân cạnh tranh với ưu thế nghiêng sang phía mình. Tuyên bố rằng đó là “quyền lợi quốc gia”, họ đánh thuế nhập khẩu đối với hầu hết các mặt hàng từ châu Âu. Chẳng có gì ngạc nhiên khi đó chẳng phải là thuế áp dụng cho bông - thứ chẳng phải là hàng hóa trong lợi ích quốc gia. Kết quả là các quốc gia châu Âu đã phản đối lại việc này bằng cách chấm dứt mua bán bông của Mỹ - điều gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế của các bang miền Nam. Hậu quả khác là các nhà sản xuất của các bang miền Bắc đã buộc phải tính giá cao mà không ngại cạnh tranh, trong khi các bang miền Nam buộc phải chi trả nhiều hơn cho các mặt hàng thiết yếu. Đây là tình huống kinh điển của nạn cướp ngày, trong đó luật pháp được sử dụng nhằm làm giàu cho một nhóm người bằng chi phí của những kẻ khác. Áp lực từ miền Bắc đối với chế độ chiếm hữu nô lệ ở miền Nam đã khiến mọi việc trở nên bất ổn định hơn. Chi phí mua một nô lệ rất cao, khoảng $1.500/người. Như vậy, một khu đồn điền vừa phải với chỉ 40-50 nô lệ phải cần một khoản đầu tư lớn mà nếu xét ở điều kiện mua bán ngày nay, nó có thể tốn nhiều triệu đô-la. Đối với miền Nam, việc bãi bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ không chỉ đồng nghĩa với việc mất khả năng sản xuất cây trồng để thu hoa lợi mà còn phá hủy cả nguồn vốn khổng lồ. Nhiều chủ trang trại miền Nam làm việc để đón chờ thời điểm khi mà họ có thể biến đổi nguồn đầu tư của mình thành ngành sản xuất công nghiệp có lợi nhuận như dân chúng miền Bắc. Đối với họ, việc một công dân tự do được trả lương vẫn hiệu quả hơn so với một nô lệ chẳng được khuyến khích làm việc. Tuy nhiên, họ bị ám ảnh bởi hệ thống mà họ được thừa hưởng. Họ có cảm giác rằng việc bãi bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ một cách triệt để và đột ngột mà không có giai đoạn chuyển đổi sẽ phá hủy nền kinh tế và khiến nhiều nô lệ lâm vào cảnh đói khát.[16] Đó là tình huống đã xảy ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Lincoln với lời giải thích vì sao trong bài phát biểu của mình, ông ta lại cố giảm bớt nỗi e sợ của các bang miền Nam về những mục đích của bản thân. Nhưng những lời phát biểu của ông ta lại mang âm hưởng chính trị rõ rệt. Lincoln là một đảng viên Đảng Cộng hòa và ông ta hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà tư bản công nghiệp miền Bắc - những nhân vật kiểm soát Đảng này. MEXICO VÀ HỌC THUYẾT MONROE Ngoài xung đột quyền lợi giữa miền Bắc và miền Nam còn có các nguồn lực khác hoạt động nhằm chia tách đất nước thành hai. Những nguồn lực này được gây dựng ở châu Âu và tập trung xung quanh đề nghị của Pháp, Tây Ban Nha và Anh nhằm kiểm soát các thị trường Mỹ La tinh, trong đó Mê-hi-cô là mục tiêu chính. Đó là lí do mà Học thuyết Monroe được lập ra 38 năm trước. Tổng thống James Monroe đã thông báo cho quốc gia châu Âu rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào công việc của họ và rằng bất cứ sự can thiệp nào của họ vào các công việc của Hoa Kỳ cũng sẽ không được tha thứ. Trong trường hợp này, lời tuyên bố rằng châu Mỹ sẽ không còn có giá trị đối với quá trình thực dân hóa. Không một thể chế châu Âu nào muốn thử nghiệm vấn đề này, nhưng họ biết rằng nếu bị lôi kéo vào cuộc nội chiến thì Hoa Kỳ không thể nhảy vào Mỹ Latin. Như vậy, để kích động chiến tranh giữa các bang, cần phải mở đường cho sự bành trướng thuộc địa tại Mê-hi-cô. Mỹ đã trở thành bàn cờ khổng lồ cho cuộc chơi của các hoạt động chính trị toàn cầu. Trong cuốn American Heritage Picture History of the Civil War (tạm dịch: Lịch sử cuộc nội chiến bằng tranh), chúng ta thấy: Cuộc chiến tranh đã không tiến triển nhanh trước khi vấn đề được làm rõ rằng các giai cấp thống trị trong từng quốc gia [Anh và Pháp] thông cảm sâu sắc với Liên minh - sâu sắc với một chút kích động mà họ có thể chuyển sang can thiệp và tạo ra sự độc lập cho miền Nam bằng lực lượng vũ trang… Tầng lớp quý tộc châu Âu không bao giờ tỏ ra vui mừng về thành công tột độ của nền dân chủ Yankee. Nếu đất nước bị chia cắt làm đôi để chứng minh rằng nền dân chủ không bao gồm chất liệu dành cho sự tồn tại, những kẻ cai trị châu Âu sẽ có thể thấy mãn nguyện. Bàn cờ khổng lồ giữa một bên là Lincoln và một bên là Anh và Pháp đã được các nhà lãnh đạo khác của châu Âu mục sở thị. Một trong những nhà quan sát bộc trực lúc bây giờ là Otto von Bismarck - Thủ tướng Đức. Vì Bismarck gắn chặt với thế lực tài chính quốc tế, sự quan sát của ông ta thể hiện tính hai mặt. Ông ta nói: Việc chia cắt Hoa Kỳ thành các liên bang với các nguồn lực như nhau đã được các nhà tài phiệt châu Âu quyết định từ lâu trước cuộc Nội chiến Bắc-Nam. Các ông chủ ngân hàng sợ rằng Hoa Kỳ sẽ giành được sự độc lập về kinh tế và tài chính nếu nước này được duy trì như một thực thể thống nhất. Điều này có thể đe dọa sự thống trị của họ khắp châu Âu và trên toàn thế giới. Đương nhiên, trong “vòng tròn nội bộ” của giới tài chính, tiếng nói của Rothschilds có trọng lượng hơn cả. Họ nhìn thấy cơ hội giành được món chiến lợi phẩm khổng lồ nếu có thể thay thế hai nền dân chủ yếu kém mà các nhà tài phiệt đang phải è cổ gánh nợ, … Như vậy, họ phái sứ thần của mình đến nhằm khai thác vấn đề nô lệ và nhằm chèn một cái nêm giữa hai miền đất nước… Sự chia cắt giữa hai miền Nam-Bắc là không thể tránh khỏi; các bậc thầy tài chính của châu Âu đã sử dụng tất cả nguồn lực của mình nhằm gây ra sự chia cắt này và biến chúng thành lợi thế cho bản thân.[17] Chiến lược này thật đơn giản mà hiệu quả. Trong vòng mấy tháng sau khi cuộc xung đột vũ trang đầu tiên nổ ra giữa hai miền Nam-Bắc, Pháp đã đưa quân đến Mê-hi-cô. Vào năm 1864, người dân Mê-hi-cô đã bị đánh bại, và Ferdinand Maximilian đã được quốc vương Pháp đặt vào vị trí hoàng đế bù nhìn. Phe miền Nam đã nhận ra Maximilian là một đồng minh bẩm sinh và điều đó đã được cả hai nhóm lường trước rằng, sau khi tiến hành cuộc nội chiến Bắc-Nam một cách xuất sắc, họ có thể kết nối thành một dân tộc mới - và đương nhiên là được thống trị bởi thế lực tài chính của gia tộc Rothschild. Cũng lúc này, Anh đã đưa mười một nghìn quân sang Canada, bố trí họ dọc sườn núi phía Bắc của Liên minh và đặt hải quân Anh vào tình thế báo động chiến tranh.[18] TỔNG KẾT Ngân hàng thứ hai Hoa Kỳ đã bị khai tử, nhưng hệ thống ngân hàng thì vẫn tồn tại dai dẳng. Nhiều vấn đề cũ vẫn tiếp tục diễn ra trong khi các vấn đề mới đang tiếp diễn. Việc phát hành tiền giấy ngân hàng đã bị giới hạn một cách khắt khe, nhưng điều này đã được bù đắp bằng việc tăng khả năng sử dụng của tiền séc vì không có giới hạn nào trong việc phát hành tiền séc. Khi Ngân hàng thứ hai Hoa Kỳ xuất hiện, cả dân tộc đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ bùng nổ-phá sản. Khi việc thu hẹp nguồn cung tiền tệ là điều chắc chắn phải xảy ra, các chính trị gia bắt đầu đưa ra đề xuất về cách thức tạo ra sự ổn định trong hệ thống ngân hàng. Không có một đề xuất nào dính dáng đến vấn đề thực tế mà chỉ là hệ thống dự trữ ngân hàng cục bộ. Họ quan tâm tới các đề xuất liên quan đến cách thức làm thế nào để hệ thống dự trữ ngân hàng cục bộ hoạt động. Tất cả các đề xuất này đã được thử nghiệm nhưng rốt cuộc đã thất bại. Những năm này được mô tả như một giai đoạn phát triển ngân hàng tự do. Tất cả những gì diễn ra là các ngân hàng đã được chuyển đổi từ hình thức tập đoàn thành các hiệp hội tư nhân, một sự thay đổi về hình thức chứ không phải nội dung. Các ngân hàng này tiếp tục bị sức ép từ việc giám sát của chính phủ, các luật lệ, quy định, hỗ trợ cùng các thế lực phản đối thị trường tự do. Sự hỗn loạn và xung đột kinh tế trong giai đoạn này chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc Nội chiến Bắc-Nam. Trong các bài phát biểu trước công chúng, Lincoln đã huỵch toẹt rằng chế độ chiếm hữu nô lệ không phải là vấn đề lúc này. Vấn đề cơ bản chính là hai miền Nam-Bắc phụ thuộc vào nhau trong thương mại. Miền Bắc phát triển với ngành công nghiệp và bán các sản phẩm của mình cho miền Nam trong khi miền Nam bán vải bông cho miền Bắc. Do hàng hóa châu Âu có giá thấp hơn nên miền Nam đã chuyển sang mua sản phẩm của khu vực này thay vì mua từ miền Bắc. Điều này đã khiến miền Bắc mất đi thị phần lớn trong kinh doanh. Các chính trị gia miền Bắc đã thông qua pháp chế phản đối bằng việc ban hành cơ chế đánh thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp. Pháp chế này đã chấm dứt việc nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu và buộc miền Nam phải mua hàng từ miền Bắc với giá cao hơn. Châu Âu trả đũa bằng bằng việc cắt giảm các giao dịch mua bán vải bông với Hoa Kỳ khiến cho miền Nam bị thiệt hại vô kể. Và đó chính là tình huống kinh điển minh họa cho cảnh cướp ngày mà miền Nam không muốn dính líu sâu hơn nữa. Đồng thời, lúc này ở châu Âu xuất hiện các thế lực hùng mạnh muốn kéo Mỹ vào cuộc nội chiến. Nếu Hoa Kỳ bị chia cắt thành hai miền thù địch thì châu Âu chẳng còn rào cản nào để bành trướng sang phần lục địa Bắc Mỹ. Pháp háo hức muốn chiếm Mê-hi-cô và ghép quốc gia này vào đế chế mới - đế chế bao gồm nhiều bang của miền Nam. Mặt khác, với lực lượng quân sự trải dài khắp biên giới Canada, Anh sẵn sàng hành động. Những kẻ kích động phiến loạn chính trị được châu Âu hà hơi tiếp sức đang rất tích cực trên cả hai phần lãnh thổ của đường chia đôi biên giới giữa miền Nam và miền Bắc (Mason-Dixon line), vấn đề chiếm hữu nô lệ chỉ là một thủ đoạn. Mỹ đã trở thành mục tiêu trong một trò chơi tàn nhẫn của thế giới kinh tế và chính trị.