Phần 5

     Sau ngày ấy, hai thằng Quang, Đạo không còn trêu chúng tôi. Từ gương bọn đấy, trong lớp cũng chẳng đứa nào còn dám gán ghép hai đứa tôi. Học hết tiểu học, tôi và Hoài đạp xe lên thị trấn học trường cấp hai của huyện. Tôi và Hoài lại học cùng lớp, ngồi cùng bàn, lại cùng nhau đi đi về về dọc con đê dài đầy nắng, gió. Và tất nhiên, hai đứa tôi, giống hồi cấp một, một lần nữa bị lũ bạn cùng lớp đồn đại, gán ghép này nọ. Bấy giờ chúng nó không làm mấy trò hò hét như cánh thằng Quang, thằng Đạo ngày trước, dù sao cũng đâu còn là bọn nhãi ranh. Chúng nó chỉ nhìn hai đứa tôi bằng ánh mắt mờ ám, cười mỉm ra chiều khó hiểu khi hai đứa tôi đi cùng nhau hoặc nói bóng nói gió này nọ. Quá quắt nhất là mấy đứa lắm mồm khăng khăng khẳng định hai đứa tôi thích nhau trong những cuộc trò chuyện đông người vào giờ ra chơi hay đi học về, để rồi cả bọn cùng cười phớ lớ. Tất nhiên tôi và Hoài phải kỳ công giải thích chẳng có chuyện yêu đương mờ ám gì ở đây cả, chỉ là gia đình hai đứa thân nhau, hai đứa bằng tuổi, nên chơi cùng từ nhỏ thôi. Nhưng đến đây, có đứa ở gần nhà, biết chuyện hẹn ước của hai bà mẹ ngày xưa, đem ra nói với cả lớp; giải thích của bọn tôi vì thế đâm ra vô hiệu, thậm chí càng giải thích càng bị bọn nó trêu tợn hơn. Hai đứa tôi nản, chẳng thèm giải thích thêm, cứ để bọn nó nói chán thì thôi. Dù sao tôi cũng đã hết cái tuổi muốn đánh nhau vì bị ghán ghép với Hoài. Thời gian qua đi, đám bạn cũng chán thật, hoặc chúng nó thấy sự việc hiển nhiên như thế còn có gì mà trêu, nên cuối cùng không đem việc gán ghép bọn tôi ra làm thú vui. Mặc kệ bọn nó, hai đứa tôi vẫn chơi thân với nhau, vẫn cùng nhau đội những cơn mưa tầm tã của mùa hè đến trường, hay co ro về nhà trong những cơn gió buốt ngắt của mùa đông. Cứ thế, chúng tôi hoàn thành bốn năm cấp hai không dài, không ngắn.

Lên đến cấp ba, tôi và Hoài không học cùng lớp nữa, tôi học khối A vào lớp toán, Hoài học khối C nên vào lớp văn. Hoài lại làm cán bộ lớp, từ lớp bảy đến hết lớp mười hai, năm học nào nó cũng làm cán bộ. Mấy năm cấp hai làm lớp trưởng, còn những năm cấp ba nó làm bí thư chi đoàn, rồi làm cả cán bộ đoàn trường. Con bạn tôi đúng là có tư chất thủ lĩnh. Còn tôi suốt những năm tháng học trò, năm nào cũng giữ chức vụ phó thường dân, miệt mài cống hiến cho sự nghiệp thi đua dạy tốt, học tốt của nhà trường. Không học cùng lớp nhưng chúng tôi vẫn như hình với bóng những lúc ngoài giờ học. Đi học cùng, về cùng, hôm nào trùng lịch học thêm thì cùng ra quán ăn cơm bụi xong mới chia ra thích đi đâu thì đi. Nói như mấy đứa bạn của chúng tôi là muốn tìm Hoài thì phải tìm được Việt, còn nếu muốn biết Việt ở đâu phải biết Hoài ở chỗ nào trước đã. Tất nhiên những lời xì xầm, bàn tán, gán ghép, đoán già đoán non lại nổi lên trong lớp tôi, lớp Hoài và thậm chí là trong cả khối. Đến những năm cấp ba, việc đứa này đứa kia để ý đến nhau, cặp với nhau không còn là chuyện gì quá to tát, quá đáng chú ý, nhưng cũng không phải là việc cứ ra đường là gặp. Bọn bạn cũ của hai đứa tôi dù học cùng lớp hay cùng khối lại thường đem thiên tình sử dày dặn của hai đứa ra rêu rao, tuyên truyền. Thế là những cái nhìn ám muội, những nụ cười đầy ẩn ý, những lời bàn tán đoán già đoán non, thêm không ít lần, xuất hiện mỗi khi hai đứa tôi đi cùng nhau. Dù giờ chẳng có đứa nào thừa hơi đến mức réo to những bài vè gán ghép vớ vẩn như bọn thằng Quang ngày xưa, nhưng những cái nhìn, những nụ cười ấy cũng đủ làm chúng tôi khốn đốn. Thậm chí có lần Hoài kể, có đứa con gái lớp nó trong một buổi học thêm còn xán tới hỏi thẳng rằng: “Mày với thằng Việt thích nhau à?” Đương nhiên tôi và Hoài tiếp tục phải tốn không ít công sức giải thích cho lũ bạn cả hai lớp biết bản chất mối quan hệ của hai đứa, cho chúng nó biết rằng hai đứa tôi chỉ là bạn, bạn rất thân mà thôi. Và đương nhiên chúng nó lại... không tin. Nên cuối cùng chúng tôi phải chơi lại bài cũ là mặc kệ; kệ bọn nó, bọn nó có mồm bọn nó nói, dù sao hai đứa tôi cũng không mất miếng thịt nào. Trải qua ba năm, có vẻ đa phần những đứa bạn của chúng tôi đều rút ra kết luận rằng hai đứa chẳng yêu đương gì sất, nhất là những đứa bạn thân thiết và cùng lớp, nên mấy lời đồn đại ít đi thấy rõ. Một ngày trước hôm thi tốt nghiệp, Hoài nói với tôi:

-      Mày nhớ con Lan không, con bé tóc ngắn, hồi lớp mười hỏi tao với mày có thích nhau không ấy? Hôm qua nó điện cho tao bảo nó tin tao với mày chẳng phải là đang yêu đương gì cả.

Nói xong Hoài cười tít mắt, tôi cũng cười mặc dù chẳng hiểu sao lòng tôi khi ấy lại có cảm giác bứt rứt, khó chịu rất lạ.

Nhưng dù bạn bè của hai đứa nói gì, nghĩ gì; chúng nó có tin lời của hai đứa tôi hay không, tôi và Hoài vẫn cứ sánh vai cùng đạp xe qua những ngày tháng đẹp nhất của tuổi học trò; đạp xe qua những mùa hè ngập tràn sắc tím bằng lăng, qua những ngày phượng nở đỏ rực sân trường, ve kêu râm ran khắp phố huyện. Tôi còn nhớ một ngày giữa năm học lớp mười một, Hoài hỏi tôi:

-      Sau này mày thích làm gì?

Câu hỏi của Hoài làm tôi bất ngờ? Sau này tôi thích làm gì à? Hồi nhỏ tôi thích làm phi công lái máy bay, làm công an hay làm một chiến sỹ bộ đội; lớn lên một chút tôi thích làm kiến trúc sư, rồi làm bác sĩ. Nhưng giờ với khối thi của mình tôi không thể thi vào những ngành này, vả lại tôi cũng không còn thích những nghề ấy như trước. Giờ tôi lại muốn trở thành một kỹ sư, một nhân viên ngân hàng, hoặc cũng có thể là một giáo viên, lựa chọn nào cũng hấp dẫn. Tôi nhận ra hình như chưa bao giờ mình thực sự suy nghĩ nghiêm túc về công việc của mình, dù khi ấy nghĩ về chuyện này đã không thể gọi là sớm. Nhưng dù sao vẫn còn cả lớp mười hai phía trước, chờ đến năm sau xem điểm thi năm nay thế nào, sức học của tôi ra sao rồi quyết định thi vào đâu có lẽ vẫn chưa muộn. Tôi nói với Hoài:

-      Thích thì thích nhiều lắm, nghề nào cũng có cái hay. Còn nếu mày hỏi tao thích thi trường nào thì tao vẫn chưa chọn được, chờ đến lớp mười hai tao sẽ nói với mày.

Hoài cười:

-      Thế thì nghĩ xem sau này mình sẽ làm gì đi, giờ nghĩ cũng không phải là sớm đâu. Còn tao, sau này tao sẽ làm giáo viên.

-      Làm giáo viên, vậy là mày sẽ thi sư phạm?

Tôi ngạc nhiên, lần đầu tôi nghe Hoài nói về dự định của mình. Hoài gật đầu, nháy mắt với tôi:

-      Ừ, tao sẽ thi vào khoa văn của trường sư phạm, rồi về trường mình làm cô giáo dạy văn.

Tôi nhớ, khi nói ra những lời này cả gương mặt của Hoài như sáng bừng lên. Giáo viên dạy văn, đây có lẽ là ước mơ không phải bất chợt xuất hiện của nó. Tôi nhìn lại con bạn, xem nào, dáng người cao cao này của nó mà đứng trên bục giảng, mặc áo dài trắng thì quá hợp. Trong một khoảnh khắc, tôi chợt nhận ra mình rất muốn nhìn thấy hình ảnh Hoài mặc áo dài, đứng trên bục giảng, giảng bài cho học trò phía dưới. Trông nó khi ấy sẽ như thế nào nhỉ?

Tôi cũng biết, ngay từ khi đó, Hoài đã hết sức tập trung, hết sức phấn đấu cho mục tiêu kia của mình, nhưng cuối cùng kết quả lại... Tôi thở dài, ông trời có phải đã bất công với bạn tôi? Nhìn vầng trăng tròn vành vạnh trên cao, tôi chợt muốn biết bây giờ Hoài đang làm gì, có đang ngồi ngắm trăng như tôi? Cố lên Hoài nhé, buồn thì cứ buồn đi nhưng đừng buông xuôi. Mấy tuần nữa tao về, hi vọng lại được nhìn thấy mày cười, lại thấy mày ngồi vào bàn học, thấy mày quyết tâm như ngày xưa ấy.

Dòng suy tưởng của tôi bị cắt ngang bởi tiếng xe đạp phanh kít ngoài cổng. Ngẩng đầu lên, trong ánh trăng trong vắt, tôi nhìn thấy một đứa con gái tóc dài buông xõa trên vai, mặc áo phông trắng, quần bò lửng đến đầu gối, một chân chống bàn đạp, một chân chống đất, đang cúi đầu nhìn vào trong sân, bắt gặp ánh mắt của tôi liền nhoẻn miệng cười. Là Hoài. Vào khoảnh khắc đó, tôi nhận ra rằng, ừ nhỉ, nếu trước ngày lên đường mà không gặp được Hoài để nói câu tạm biệt, chắc hẳn tôi sẽ buồn lắm, hụt hẫng lắm. May mà nó lên tìm tôi. Tôi chẳng để ý miệng mình đã toét đến tận mang tai, vội vàng đứng dậy, chạy ra cổng. Đến gần nó chẳng hiểu sao tôi bỗng thấy hơi tức giận, vừa đi vừa nói:

-      Tao còn tưởng trước khi đi không gặp được mày chứ.

Tôi nhớ vào năm lớp mười, có một lần tôi xuống nhà Hoài, đang chém gió tưng bừng, chợt mẹ Hoài nói chen vào:

-      Hai đứa lớn rồi, sao cứ xưng “mày, tao” mãi thế?

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

-      Không xưng “mày, tao” thì xưng là gì ạ?

-      Thì là “bạn - tớ”, “đằng ấy - đằng này”, thế chẳng hay hơn à? Lớn rồi chứ có phải vắt mũi chưa sạch nữa đâu.

Câu trả lời của mẹ Hoài làm tôi muốn phì cười, nghĩ đến cảnh mình gọi Hoài là “đằng ấy”, tự xưng là “đằng này”, tự nhiên da gà tôi nổi hết cả lên. Nhìn sang, thấy Hoài đang làm bộ nôn ọe, tôi nói:

-Thôi bọn cháu cứ “mày – tao” cho dễ gọi, bao nhiêu năm nay đã như vậy, giờ thay đổi như bá bảo cứ thấy sao sao ấy.

- Thấy buồn nôn chứ còn sao.

Hoài chen ngay vào. Mẹ Hoài lừ mắt nhìn nó xong ngán ngẩm lắc đầu bỏ đi, từ đó không bao giờ nhắc đến chuyện này. Có lẽ bà cũng nhận ra đề nghị của mình quá thiếu tính khả thi. Còn hai đứa chúng tôi, kể từ ngày ấy đến giờ vẫn mày tao chí tớ bình thường, không có gì thay đổi. Chính cách gọi đó hình như cũng là một lý do quan trọng để bạn bè của cả hai đứa kết luận chúng tôi chẳng yêu thích gì nhau. Đơn giản bởi chẳng có đôi nào để ý đến nhau lại cứ “mày, tao” mà gọi bao giờ.

Giọng tôi cố kéo dài, làm ra vẻ đang giận. Hoài trề môi:

-      Sợ không gặp sao không xuống tìm tao?

Tôi cứng người, không ngờ Hoài lại trả lời như thế. Cơn tức giận vừa nhen nhóm bắt đầu lớn lên, tôi nhăn mặt đáp:

-      Tao xuống mày có chịu gặp không, hay lại trốn trong phòng khóc tợn hơn.

Tại vì ai mà tôi không dám xuống, giờ lại bị trách, bực mình quá. Hoài có vẻ biết mình nói sai, liền mỉm cười lắc lắc đầu, để mái tóc hơi dài, đen bóng như đang phản chiếu cả ánh trăng, bay lòa xòa ra trước mặt:

-      Đùa tí thôi. Không gặp sao được, tao định lên từ nãy nhưng phải tắm gội sạch sẽ xong mới lên đây này.

Tức giận của tôi bị mấy lời của Hoài xua sạch. Tôi nhìn nó, có vẻ nó nói thật, trong ánh trăng êm đềm, những cơn gió đêm đưa tới mũi tôi mùi dầu gội đầu con gái dìu dịu, quyện với hương hoa sữa nồng nàn, tạo nên mùi hương thật lạ, thật đặc biệt, thấm sâu vào lòng tôi.

-      Hơn tám giờ mới đi tắm hả mày?

Tôi trợn mắt hỏi. Hoài vẫn cười:

-      Bình thường tao chẳng tắm muộn thế này, hôm nay muốn sạch sẽ, thơm tho lên chào mày, nên sắp xếp trước khi đi mới tắm đấy.

Câu trả lời của nó chẳng hiểu sao khiến tôi cảm thấy rất thoải mái. Hoài nhìn vào trong nhà, hỏi:

-      Ai đến chơi đấy?

-      Các chú thím nhà tao.

Tôi giải thích thêm:

-      Các chú thím đều đến chơi cả rồi, nhưng biết mai tao đi nên hẹn hôm nay cùng đến chơi một lượt, gọi là chào tạm biệt thằng cháu ấy mà. Vừa rồi còn dặn dò một đống lằng nhằng làm tao nhức hết cả đầu.

Tôi chép miệng. Hoài nhún vai:

-      Thích thế còn gì.

Tôi nhìn kỹ Hoài, trăng rất sáng soi rõ từng đường nét trên khuôn mặt hơi bầu bầu của nó. Nghe tôi nói những lời vừa nãy, khuôn mặt ấy chẳng tỏ ra buồn bã, đôi mắt đang nhìn vào trong nhà rất bình thản, con ngươi đen láy, như bầu trời đêm trong vắt, lấp lánh ánh điện; không có vẻ gì là đang tủi thân. Tôi vội nói:

-      Mày đừng buồn nhé, thi cử biết thế nào được. Bạn bè ai cũng biết không phải mày không đủ khả năng mà là mày không gặp may. Đâu phải tự nhiên mà bao năm nay người ta vẫn bảo “học tài thi phận”. Mày chỉ thiếu nửa điểm, bây giờ mày ôn thi lại, năm sau kiểu gì chẳng thừa mấy điểm. Khối C của mày chắc mày hiểu hơn tao. Quan trọng nhất là mày không được buông xuôi. Ngã ở đâu đứng dậy ở đó, càng đau càng phải cố đứng dậy. Bây giờ ai hơn ai là phải xem có đứng dậy được không. Chỉ cần mày vượt qua được, tao tin năm sau mày sẽ xuống Hà Nội cùng tao.

Tôi vốn không muốn nhắc đến chuyện này, nhưng thấy Hoài lại không nhịn được, hơn nữa tôi nhận ra còn lúc nào thích hợp để nói những lời trên hơn lúc này. Tôi vận dụng hết khả năng ăn nói, nói rất dài, những mong con bạn mình hiểu. Hoài nghe hết, không tỏ vẻ buồn bã như tôi nghĩ, mắt nhìn tôi chăm chú, trong mắt lại thấp thoáng ý cười, một lúc sau mới nói:

-      Kinh, hôm nay văn vẻ thế.

Câu nói móc không làm tôi tức giận hay xấu hổ mà khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm, tỉnh bơ đáp:

-      Văn vẻ gì, nghĩ gì nói thế thôi.

Giờ Hoài mới thở dài, người rũ hẳn xuống, cất giọng rầu rĩ:

-      Buồn chứ mày, làm sao không buồn được, học hành bao năm mà cuối cùng lại xôi hỏng bỏng không. Cả tháng qua không nghĩ đến thì thôi, cứ nghĩ đến là tao lại chán, đến ăn cũng chả thiết.

Hoài lại thở dài, trong màn đêm rỉ rích tiếng dế kêu, tiếng thở dài của Hoài như tảng đá nghìn cân bỗng đâu đặt xuống, làm lòng tôi trở nên nặng trĩu. Hoài nói tiếp:

-      Tao là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn trường, đi thi học sinh giỏi suốt, thế mà trượt đại học, không chỉ buồn mà còn xấu hổ nữa. Không biết người khác đang nói về tao thế nào? Chắc có bao nhiêu người đang cười tao đấy.

Rồi Hoài nhìn thẳng vào tôi:

-      Thực lòng mấy hôm đầu sau khi biết kết quả, tao chỉ trốn ở trong phòng, không muốn gặp ai. Nhưng mấy hôm sau tao lại rất muốn gặp mày nhưng không dám đi ra ngoài, sợ gặp người khác, sợ người ta cười cho, muốn gọi cho mày nhưng lại sợ bố mẹ mày nghe máy. Tao ngại lắm, gặp ai tao cũng ngại. Tao muốn nói chuyện với mày cho khuây khỏa, lại chẳng biết làm sao để liên lạc với mày. Tao rất vui vì mày đỗ, thật đấy, tao vui lắm. Nếu không phải tao... thì tao đã chúc mừng mày lâu rồi, đừng giận tao nhé.

Hoài nói thế, tôi mới nhận ra, lời lúc nãy của nó không phải để đối phó với sự trách móc của tôi, mà là lời thật lòng. Hầy, hóa ra bấy lâu nay tôi tránh không liên lạc với nó là một sai lầm. Nhưng nếu gọi cho nó ngay lúc biết điểm, chắc chắn nó đã chẳng chịu nghe máy. Bọn con gái thật phức tạp, chẳng biết thế nào mà lần. Tôi cứ nghĩ mình rất hiểu bạn mình, hóa ra chưa chắc đã như thế. Dù vậy, điều làm tôi chú ý nhất lúc này không phải việc ấy. Tôi tất nhiên cũng chẳng giận vì nó không chúc mừng tôi, dù nói thật, mấy hôm nay không có lời chúc mừng của nó tôi cứ thấy thiếu thiếu cái gì. Giờ tôi chỉ thấy bực vì sự ngại ngùng của Hoài, giọng nói hơi cao lên:

-      Hóa ra mày suốt ngày ở trong nhà, không thèm gặp ai, ngay cả gọi cho tao một lần cũng không vì sợ người khác cười à. Tao đã bảo rồi, “học tài thi phận”, ai cười mày chứ. Ôn cho thật tốt, năm sau thi lại điểm cao vào, lúc ấy ai dám cười. Làm mấy tuần nay tao không dám xuống nhà mày, tưởng mày đang buồn, hóa ra là ngại ngùng vớ vẩn.

Tôi nói rất hùng hồn, còn thực tế, nếu rơi vào hoàn cảnh của Hoài, chẳng biết tôi có làm được thế không? Nhưng tôi không kìm được. Trong khi tôi nghĩ cả tháng nay nó buồn bã, suốt ngày trong phòng khóc lóc nhưng hóa ra nó buồn thì ít mà xấu hổ thì nhiều. Xấu hổ cái gì, có phải nó đi ăn trộm bị bắt quả tang đâu? Mấy tuần rồi tôi nhịn không xuống nhà nó đúng là chẳng có tác dụng gì, thậm chí còn không nên làm như vậy. Mà nó cũng chẳng thèm gọi báo một câu cho tôi yên tâm, bố mẹ tôi chứ có phải ai mà nó ngại. Bộ dạng của tôi lúc ấy chắc buồn cười lắm, nên Hoài dù đang bày ra khuôn mặt rầu rĩ cũng chẳng nhịn được, phì cười, nói:

-      Ơ hay, đã xin lỗi rồi sao lại cáu. Vì biết tao sai nên bây giờ mới phải xin lỗi đây còn gì.

Vừa tươi tỉnh lên được chút, nói đến đây Hoài xụ mặt xuống:

-      Nói gì thì nói, sao lại không buồn với không ngại. Bạn bè đỗ hết cả, còn mình thì trượt. Mày không hiểu cảm giác ấy đâu.

Dừng một chút, Hoài thở dài, từ nãy đến giờ đứng có mấy phút mà không biết nó thở dài bao nhiêu lần rồi, làm tôi nẫu hết cả ruột. Nhìn lên vầng trăng tỏa sáng trên cao, Hoài nói tiếp:

-      Lúc mới biết điểm tao buồn lắm, buồn đến mức tưởng chết đi được, nhưng mấy hôm sau buồn cũng đỡ dần vì nói thật tao đã sớm đoán ra kết quả nên đã buồn từ sớm. Buồn mãi cũng phải đỡ chứ. Sau đấy chỉ còn thấy ngại thôi. Ngại nên chẳng dám ra ngoài, suốt ngày đóng cửa ở trong nhà. Mang tiếng là học giỏi mà...

Mấy lời này làm bao nhiêu tức giận của tôi thêm một lần bay sạch, giọng chùng xuống:

-      Buồn thì cứ buồn, ngại thì cứ ngại đi. Đừng nói tao không hiểu, ai là học sinh chẳng hiểu mấy cảm giác ấy. Nhưng đừng có buồn với ngại này ngại kia mãi, dù là buồn hay ngại  thì ủ dột như thế là đủ rồi, bây giờ phải lấy lại tinh thần để làm lại.

Tôi cố lên giọng:

-      Thay vì ngại, mày phải chuẩn bị ôn tập để thi lại. Thời gian cho mày còn rất nhiều, kết quả năm nay thế này, chỉ cần tập trung sang năm mày sẽ đỗ. Năm sau mà còn thi trượt thì hãy buồn luôn một thể, mà mày cứ thế này thì năm sau trượt nữa đấy.

Nói thật tôi hơi bất ngờ về khả năng diễn thuyết của mình, khó tin rằng cũng có  lúc tôi nói được những câu như vừa rồi. Song đây không phải tôi đang nói nhăng nói cuội để làm bạn mình nguôi ngoai, đó thực sự là những điều tôi nghĩ, tôi mong nó cũng suy nghĩ được như thế. Hoài cười, tôi nhận ra mỗi lần thấy nó cười, lòng tôi lại nhẹ nhõm hơn một chút:

-      Mày yên tâm, tao cũng nguôi ngoai nhiều rồi. Tao cũng thấy mình chẳng có gì phải xấu hổ. Tao cúng chăm chỉ, cũng đã cố hết sức chứ có phải tao lười biếng đâu.

Hoài đưa tay gạt lọn tóc bị gió làm bay bay trước mặt, mắt nhìn thẳng vào tôi:

-      Tao tin những ai thực sự coi tao là bạn sẽ không cười tao. Còn những ai cười tao, năm sau tao sẽ khiến họ không thể cười tao nữa.

Tôi cũng nhìn vào đôi mắt đen láy như bầu trời đêm kia, im lặng nghe nó nói. Trong khoảnh khắc ấy, ánh mắt Hoài làm tôi nhớ đến ánh mắt của chính con bạn mình cách đây rất nhiều năm, khi chúng tôi học lớp ba, vào thời điểm mà Hoài xô ngã thằng Quang ở cổng trường, lúc mà nó sắp đọc bài vè trêu chúng tôi. Cũng là vẻ bướng bỉnh, không nhượng bộ đó. Một cảm giác kỳ lạ, rất khó diễn tả, bỗng từ đâu xuất hiện, như màn sương đêm ngoài kia - từ từ đậm dần trong lòng tôi. Tôi không lên tiếng, vẫn đứng im nhìn Hoài, còn trong lòng, tôi tin rằng nó sẽ làm được. Hoài bình thản nói tiếp:

-      Trong lớp tao không phải chỉ có mình tao bất ngờ trượt đâu mày ạ. Mày có nhớ con Loan không? Con bé được giải nhì tỉnh Sử ấy. Hồi thi thử điểm nó cao thứ nhì khối C trường mình, nó cũng trượt nguyện vọng một trường báo chí. Nó làm nguyện vọng hai trường nhân văn, hình như được rồi.

Cơn gió đêm làm lời Hoài như biến thành những tiếng thì thầm, vọng đến từ một nơi nào đó xa xôi lắm:

-      Mấy hôm nay nó gọi cho tao suốt, chẳng hiểu vì cùng cảnh ngộ hay sao mà nói chuyện với nó tao thấy thoải mái đi nhiều. Nó bảo năm nay nó cứ học nhân văn đã, năm sau nó sẽ thi lại trường báo chí, nó quyết thi đỗ để những ai cười nó bây giờ phải trắng mắt ra. Nó bảo tao cố lên, đừng chán nản, nếu không muốn ở nhà thì cứ học tạm một trường nào đã, rồi vừa học vừa ôn, năm sau thi lại. Tao không hiểu vì sao thi trượt mà nó vẫn có thể bình tĩnh như vậy nhưng tao rất phục nó, tao không bằng nó được. Hai đứa nói nhiều lắm, giờ tao vẫn nhớ như in. Nó nói đúng, buồn không phải là cách, phải tiếp tục cố gắng để không ai có thể cười nhạo mình.

Hoài lại thở dài, nhưng lần này tiếng thở dài ấy không làm lòng tôi trĩu xuống như lần trước:

Nghĩ thì nghĩ vậy, buồn thì vẫn cứ buồn. Nhưng mày yên tâm, mấy hôm nữa thôi, tao sẽ hết buồn.