Phần 6

    Nói đến đây, Hoài nhoẻn miệng cười. Nó nói rất nhiều, còn tôi chỉ đứng đó nghe, lúc này mới hỏi:

-      Mấy hôm nữa sẽ hết buồn thật chứ?

-      Ừ.

Hoài gật đầu chắc nịch. Nhưng tôi biết nó sẽ còn buồn, còn ngại một thời gian mới ổn định được tinh thần. Điều quan trọng nhất là Hoài đã tìm lại sự quyết tâm, có sự quyết tâm này tôi tin nó biết mình phải làm gì. Tôi vỗ vai nó “bộp” một tiếng, cái vỗ không hề nhẹ, vì tôi chẳng có ý nương tay, miệng nói:

-      Tốt, đúng là bạn tao.

Đã rất lâu, rất lâu rồi, từ bao giờ nhỉ, tôi chẳng nhớ nữa, tôi đã không chạm vào người nó. Hồi bé, rất bé ấy, khi hai đứa tranh nhau cái này cái kia, hay đơn giản là đùa nhau, giận nhau, tôi với nó sẽ đánh đấm, vật lộn với nhau. Thường thường là tôi thắng còn Hoài sẽ lăn ra ăn vạ. Nhưng khi lớn lên một chút, nhận ra giữa con trai – con gái không thể làm thế được nên dù vẫn chơi thân, hai đứa không còn động vào người nhau, tất nhiên chẳng thể còn chuyện đánh nhau. Mãi đến hôm nay, khi tôi nhận ra chỉ có cái đập vai mới thể hiện hết được sự thoải mái của mình, chuyện tôi đánh nó mới lại xảy ra.

Hoài mặt nhăn như khỉ:

-      Thằng điên, vỗ gì mạnh thế. Làm như là bạn mày là báu lắm ấy.

Vừa nói vừa xoa xoa vai. Tôi cười hì hì, chợt nhớ đến một chuyện, liền hỏi:

-      Mày vẫn không định làm nguyện vọng hai vào đâu à? Cứ làm nguyện vọng hai vào trường nào học một năm cho đỡ buồn, rồi năm sau lại thi tiếp, như cái Loan ấy.

Hoài lắc đầu:

-      Không, tao suy nghĩ chuyện này kỹ rồi. Bây giờ tốt nhất là ở nhà ôn. Điểm của tao dù có khi vẫn vào được mấy khoa khác của các trường sư phạm khác nhưng tao chỉ muốn vào khoa văn thôi, mà khoa văn của các trường sư phạm giờ đã đủ chỉ tiêu cả rồi, họ không tuyển thêm đâu. Nếu may mắn đỗ được thì vừa học vừa ôn sẽ ảnh hưởng đến việc ôn thi; tao thích sư phạm một nên năm sau chắc chắn sẽ thi lại vào đấy. Giờ vừa học vừa ôn năm sau có khi lại hỏng tiếp. Tao không phải là người làm hai việc một lúc như Loan được. Cứ ở nhà ôn, đợi năm sau thi thế nào rồi tính sau.

Hoài ngập ngừng một lúc mới tiếp lời:

-      Với lại những trường sư phạm kia đều ở ngoài Hà Nội, tao muốn học ở Hà Nội để lại được học gần mày. Thật ra... thật ra tao quyết thi sư phạm một một phần cũng vì trường đó ở gần trường mày. Bọn mình học cùng nhau bao nhiêu năm, bây giờ dẫu không học cùng trường nữa thì học gần nhau vẫn tốt hơn chứ, đúng không?

Nói xong Hoài nhìn đi chỗ khác chứ không nhìn tôi. Tôi chợt nhớ đến những lời lấp lửng của nó hôm qua. À, ra thế, ra là nó thi sư phạm một cũng là để hai đứa tôi được học gần nhau. Ừ, nó nói tôi mới để ý, trường sư phạm một và trường tôi đâu có xa cách mấy. Giá nó đỗ, hai chúng tôi có khi lại ở gần nhau rồi, tiếc thật. Mấy lời của Hoài làm những cảm giác hỗn độn, khó hiểu nãy giờ trong lòng tôi càng trở nên rõ rệt, thậm chí chúng đang rối tung hết cả lên. Nhưng tôi cũng cảm nhận được có một dòng nước mát lành chảy qua lòng tôi, làm tim tôi đập nhanh hơn không ít. Tôi hơi ngạc nhiên, cảm giác này thật lạ, tôi chưa gặp bao giờ. Tôi đưa tay lên ngực, thấy rõ trái tim mình đang nảy tưng tưng trong đó.

Lời Hoài vang lên, cắt ngang suy nghĩ của tôi:

-      Dạo trước tao rất hối hận vì không thể đi thi cao đẳng, nhưng giờ nghĩ lại, có khi thế lại hay. Giả sử tao đỗ cao đẳng thì vừa học vừa ôn thi làm sao bằng ở nhà tập trung ôn. Tao vẫn muốn học đại học nên nhất định tao sẽ thi lại. Mà nếu đỗ cao đẳng, xong bỏ, không đi học thì không đành lòng. Thôi, cứ thế này lại tốt, giờ tao có thể tập trung hết mình vào việc ôn thi, khỏi phân vân với do dự gì nữa.

Một cơn gió lại từ ngoài sông thổi vào, mang hương hoa sữa đến chỗ chúng tôi càng nồng đậm. Tôi không hề có ý định ngăn lời Hoài, dù nói thật, suy nghĩ của tôi hơi khác nó một chút. Ngày hôm qua khi nghe nó nói đến chuyện này tôi đã muốn phản đối nhưng tôi không làm, và hiện tại tôi vẫn không làm vậy. Vì tôi nhận ra đây là vấn đề của nó, nó biết làm sao để tốt nhất cho mình. Tôi nói vào, hai lời ba ý có khi làm nó nghĩ ngợi, tôi đâu thể làm nó thêm phân vân. Và rõ ràng nó đã suy nghĩ rất kỹ, giờ nghe nó nói cũng có lý đấy chứ. Điều quan trọng nhất là Hoài đã tìm lại được quyết tâm, có sự quyết tâm này tôi tin vào thành quả của nó. Tôi đợi nó nói hết mới gật đầu, bảo:

-      Được, mày cứ tập trung ôn thi đi, chỉ cần mày lấy lại tinh thần, năm sau mày là sinh viên trường sư phạm một là chắc chắn rồi.

Giọng tôi pha chút đùa giỡn làm Hoài thêm một lần nhoẻn miệng cười. Lạ thật, từ tối đến giờ, cứ mỗi lần thấy nó cười, lòng tôi lại yên ổn một chút, thậm chí tôi còn nhận ra, để thấy nụ cười ấy, tôi có phải chịu chút vất vả cũng được. Chợt Hoài hỏi:

-      Mày xuống là ở cùng dì Châu à?

Dù bây giờ Hoài không gọi mẹ tôi là mẹ, nhưng nó vẫn gọi dì tôi là dì, dì Châu, như hồi bé vậy. Dì tôi nghỉ tết, hay nghỉ lễ về quê chơi, thỉnh thoảng cũng mua quà cho nó. Hồi hai đứa còn nhỏ, mỗi lần gặp Hoài ở nhà tôi, dì tôi đều bế nó, khen nó trắng trẻo, xinh xắn, nhưng khen theo kiểu:

-      Cháu dâu của dì càng lớn càng xinh nhỉ.

Hồi nhỏ nghe dì nói thế, Hoài chỉ cười khì, nhưng khi lớn lên, nó không thích nghe dì gọi mình là “cháu dâu” nữa. Tôi đã từng nghe nó bảo với dì đừng gọi nó như thế không ít lần, nhưng dì chẳng chịu nghe. Nó lớn rồi, dì không thể bế nó như xưa, nhưng mỗi lần về quê chơi, gặp nó, dì chuyển sang vỗ vai, xoa đầu, nói lại y hệt câu nói kia:

-      Cháu dâu dì càng lớn càng xinh quá.

Hoài chẳng làm thế nào được, nên mỗi lần nhác thấy bóng dì nó ba chân bốn cẳng chạy thật xa, chỉ sợ dì nhìn thấy, gọi lại, khen “cháu dâu” xinh.

-      Ừ.

Nghĩ đến chuyện cũ tôi mỉm cười đáp. Hoài cười:

-      Thích thế còn gì.

Tôi thở dài nói luôn:

-      Tao cũng thấy thích nhưng có người không nghĩ vậy.

Tôi kể cho Hoài nghe cuộc trò chuyện của tôi và Duy mấy hôm trước. Lúc kể tôi không chú ý lắm, kể xong mới nhận ra Hoài đang nghiêng đầu, nhíu mày nhìn tôi, nét mặt rất kỳ lạ. Đang định hỏi có chuyện gì, Hoài chợt nói:

-      Thế sao mày không hỏi nó đây là đi học hay đi tán gái mà thích ở một mình?

Tôi tặc lưỡi:

-      Ôi dào, nó nói gì mặc nó. Thằng Duy phét lớp tao mày còn lạ gì, tin nó mới lạ đấy.

Hoài không chịu bỏ qua, vẫn nhìn tôi chăm chú, hỏi:

-      Mày định xuống trường nhập học rồi kiếm người yêu hả?

Tôi phì cười:

-      Yêu đương gì, đã bảo mày đừng nghe thằng Duy nói linh tinh.

Hoài lắc đầu, tỏ vẻ kiên quyết không bỏ qua:

-      Bây giờ không nhắc đến Duy nữa. Tao chỉ hỏi là mày định xuống quen trường lớp rồi kiếm người yêu đúng không?

Tôi nhún vai:

-      Chẳng biết, tao chưa nghĩ đến chuyện này, cứ phải học hành ổn định đã. Tao đi học chứ đâu phải đi yêu đương, cứ học cho tốt, chuyện khác tính sau.

Đây là những lời thật lòng của tôi, quả thật tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện yêu đương thời sinh viên. Ngay cả khi nghe thằng Duy chém gió tôi cũng chỉ có chút phân vân về chuyện bị quản lý chặt, mất tự do sau này; còn mấy lời đe dọa không tìm được người yêu của nó ư? Tôi coi như gió thoảng qua tai, chẳng để trong lòng. Nghĩ đến chuyện tìm người yêu bây giờ đúng là hơi sớm. Hoài vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ:

-      Nói như thế nghĩa là việc ăn ở, học hành ổn định rồi là tìm người yêu chứ gì?

Tôi chợt nhớ đến cuộc nói chuyện vừa nãy của người lớn trong phòng. Hình như trước ngày nhập học mối quan tâm lớn nhất của mọi người, dù là những bậc phụ huynh hay bạn bè của đương sự đều là đương sự có muốn nhân dịp xa nhà, tranh thủ đi tìm tình yêu hay không? Những bậc phụ huynh thì đương nhiên không muốn con cái mình dính vào yêu đương sớm, cuộc nói chuyện vừa nãy với các chú thím quá đủ để tôi hiểu điều đó. Còn với lũ bạn của tôi, tôi nghĩ mỗi người một ý, chẳng ai giống ai. Riêng với Hoài, sự quan tâm của nó khiến tôi hơi bất ngờ. Nó rõ là rất để ý đến chuyện yêu đương của tôi. Ý nó là thế nào, muốn hay không muốn tôi yêu? Nếu là người khác hỏi tôi câu này, tôi sẽ chối phắt, khẳng định trăm phần trăm mình chẳng muốn yêu đương gì; nhưng Hoài lại khác, tôi chẳng có lý do gì không thật lòng với nó:

-      Chẹp, đã bảo là không biết. Ầy, mà khó nói lắm, xuống đấy có em nào yêu tao thì sao, chẳng lẽ lại từ chối à?

Tôi cười đểu:

-      Hoặc xuống đấy tao trúng tiếng sét ái tình của em nào đó cũng nên. Lúc đấy đừng nói là đợi ổn định học hành, hôm trước vừa xuống, hôm sau rơi vào lưới tình ngay không biết chừng.

Hoài nhíu mày, gật gù:

-      Xem ra đúng là mày định đi kiếm người yêu rồi. Kiểu này tao phải bảo với mẹ mày và dì Châu để ý cẩn thận mới được, kẻo xuống đấy hồn vía lại bị em nào bắt mất thì gay.

Tôi chợt nhớ đến những lời của Duy, vội vàng nói:

-      Ấy ấy, đừng đùa ác thế chứ mày, mày làm thế khác gì đeo gông vào cổ tao.

Hoài hếch mặt:

-      Thế thì tao càng phải đeo vào cổ mày cái gông thật to, không bị em nào bắt đi mất thì ở nhà lại chẳng biết tìm ở đâu.

Tôi cố vớt vát:

-      Mày nói y hệt mấy ông bà già, cứ làm như yêu vào là hư hỏng ngay được. Mày không thấy bao nhiêu chuyện tình sinh viên lên phim ảnh đấy à, yêu đâu phải xấu. Mà tao cũng đâu bảo sẽ yêu đương ai đâu, chỉ bảo xem sao thôi. Mày cứ làm như tao muốn là tìm được người yêu ngay đấy.

Hoài thản nhiên:

-      Tao đâu có bảo yêu đương là xấu, tao chỉ bảo sẽ nhắc mẹ mày để ý, đừng để mày mải yêu quá mà quên mất học thôi còn gì. À, phải nhắc cả gì Châu nữa.

-      Mày làm thế khác gì đeo gông vào cổ tao, sau này tao xuống đấy còn đi đâu được.

Tôi lặp lại lời lúc nãy, lòng vô cùng hối hận vì những gì vừa nói. Hoài nhún vai:

-      Thì mày xuống đấy là để học, đi đến trường là đủ rồi, còn định đi đâu.

Giọng Hoài rất thản nhiên, mặt nó chẳng có vẻ gì là đang nói đùa. Tôi biết, nó có khả năng là sẽ làm thế thật chứ chẳng phải dọa suông thôi đâu. Nghĩ giờ càng nói đến chuyện này càng dở, tôi vội lảng sang chuyện khác:  

-      Hai đứa Liễu, My nhập trường chưa?

Liễu, My ở lớp là hai đứa bạn thân nhất của Hoài. Nghe hỏi vậy, Hoài dù có vẻ muốn tiếp tục chủ đề lúc nãy, nhưng vẫn đành trả lời:

-      Cả hai đều nhập trường rồi, khéo chỉ còn mình mày ở nhà thôi. Trường mày sao nhập trường muộn thế?

Nghe Hoài kể tôi mới biết, không chỉ Liễu và My, bạn bè nó đứa nào đỗ đều đã đi cả, chỉ trừ mấy đứa nguyện vọng hai, ba vẫn phải chờ. Hóa ra trường tôi nhập trường thuộc loại muộn nhất cả nước. Bọn bạn Hoài nhập trường có khối chuyện buồn cười, mấy hôm nay, bạn bè điện về an ủi nó, kể cho nó nghe không ít chuyện, giờ kể lại cho tôi làm hai đứa cùng nhau cười khúc khích. Hoài hỏi:

-      Bọn Tùng, Chiến đi chưa?

Duy, Tùng, Chiến là ba đứa bạn tôi thân nhất trong lớp, Hoài đương nhiên chẳng lạ gì bọn này; chuyện thằng Duy tôi kể rồi, giờ Hoài hỏi đến hai thằng Tùng, Chiến. Hai thằng này thì đúng là số đen, Hoài không hỏi đến thì thôi, nhắc đến, tôi lại muốn cười. Tùng cũng trọ nhà anh em giống tôi. Nhà cũng gần trường nó, khốn nỗi nhà này lại nằm ngay gần đường ray tàu hỏa. Ngày qua ngày, cứ tầm bốn giờ sáng, tàu lại chạy qua. Phòng nó nằm sát đường ray nhất, dù không quá gần nhưng càng không thể nói là xa. Hôm đầu ngủ ở phòng mới, chẳng ai nhắc nó, lúc bốn giờ sáng, đang ngủ say, tàu xình xịch chạy ngang qua đầu làm nó sợ gần chết, tim vọt lên tận họng, tưởng có đánh bom khủng bố, ôm gối nhảy vọt khỏi giường. Tùng bảo may lúc ấy không ai nhìn thấy, nếu không chắc nó phải đào một cái lỗ để chui xuống mất. Sáng hôm sau, người nhà mới nhắc cho nó biết, cứ bốn giờ sáng hàng ngày tàu sẽ chạy qua nhà, còn bảo nó mấy hôm nữa sẽ quen thôi. Nhưng một tuần trôi qua, nó vẫn chẳng quen được. Cứ tầm bốn giờ sáng, khi tiếng bánh xe tàu hỏa nghiến trên đường ray xình xịch chạy qua, trong vô thức nó lại cảm giác như mấy cái bánh xe sắt sắp nghiến bẹp đầu mình, liền bật dậy như lò xo, sau đó không thể ngủ lại. Hôm gọi điện cho tôi, Tùng mếu máo bảo khéo phải chuyển ra ngoài ở thôi, cứ thế này nó chết vì mệt mất. Từ ngày xuống Hà Nội nó không ngủ ngon được ngày nào, khả năng sụt đến mấy cân rồi, người lúc nào cũng uể oải, thèm ngủ. Mà quan trọng nhất là cái cảm giác đang ngủ ngon lại cảm thấy sắp bị tàu hỏa chèn qua đầu rất đáng sợ, dẫu thừa hiểu chẳng có chuyện gì xảy ra nhưng mỗi lần như thế nó phải mất đến vài triệu nơ-ron thần kinh. Tôi chỉ biết an ủi cứ chờ mấy hôm nữa xem sao đã, đang yên ổn, chuyển đi cũng kỳ, vài hôm nữa chắc quen thôi, nhà bác nó ở được sao nó không ở được. Đầu dây bên kia, tôi nghe rõ tiếng thở dài của bạn mình.

Thằng Chiến khổ kiểu khác, Tùng khổ vì ngủ còn Chiến khổ vì... ăn. Khác với Tùng và tôi, Chiến không ở cùng người quen, nó được bố mẹ thuê phòng tại một xóm trọ ngay gần trường, sống kiếp sinh viên ngày ngày ăn cơm bụi. Khốn nỗi thằng này hình như lại không phải người dễ ăn uống. Ăn cơm bụi mấy ngày chẳng hiểu do cơm nước không đảm bảo vệ sinh hay bụng dạ nó kém, mà đến ngày thứ ba nó lại bị... tiêu chảy. Cũng may bị không nặng lắm, chưa đến mức phải truyền nước nhưng cũng đủ làm nó mệt phờ người, phải uống thuốc, kiêng khem mấy hôm. Nó bảo may có bác chủ nhà tốt bụng giúp đỡ không chẳng biết làm thế nào. Nó còn không dám nói với bố mẹ, sợ bố mẹ lo, chỉ dám kể lể với anh em tôi. Nghe nó nói tôi mới thấy giá trị của việc ở cùng người nhà, càng quyết tâm bỏ những lời của Duy khỏi đầu. Từ hôm khỏi, Chiến dù lười cũng chẳng dám ra ngoài ăn quán, đành mua nồi xoong về tự nấu ăn, nếu không tự nấu thì là úp mì tôm ăn, nhất quyết không ăn quán nữa. Tội nghiệp, không hiểu nó kiên trì được bao lâu đây? Giọng kể của tôi chẳng thể nói hay, tôi cũng không cố ý bôi vẽ gì thêm hay nói xấu bọn Tùng, Chiến; nhưng chắc vì chuyện của bọn nó quá buồn cười nên vẫn khiến Hoài, dù đang ít nhiều tâm trạng, phải ôm bụng cười rũ rượi.

Càng về khuya sương xuống càng nhiều, tôi và Hoài chỉ đứng một lúc mà tóc hai đứa đã ẩm hơi sương. Trăng như chiếc đĩa vàng, tít trên cao không, nhu hòa tỏa ánh sáng xuống thế gian. Ánh trăng quét lên mặt đất một lớp sơn màu vàng nhạt. Dưới ánh trăng, bóng tôi và Hoài in trên mặt đất dính liền với nhau, yên ắng và tĩnh lặng như từ bao lâu nay vẫn thế. Gió đêm từ sông thổi vào mang hương hoa sữa từ cổng nhà bà Trà tỏa khắp không gian. Xung quanh chỗ tôi và Hoài đứng ngập tràn hương hoa sữa. Hương hoa sữa trộn với hương dầu gội đầu trên tóc Hoài thấm vào tận tâm can tôi. Mấy con đom đóm từ vườn nhà ông Tiến bay về phía ngọn đèn đường tỉnh lộ rồi chẳng thấy đâu. Trong một thoáng chốc, tôi chợt nhận ra, mình muốn thời khắc này cứ kéo dài mãi mãi; thời khắc tôi, Hoài đứng cạnh nhau, chỉ tôi và nó thôi, dưới ánh trăng dịu dàng, ở bên nhau và im lặng, như bây giờ. Ý nghĩ sến sụa này thậm chí còn làm tôi phải nhếch miệng cười. Hoài tinh lắm, hỏi ngay:

-      Cười cái gì đấy?

-      Không, ai cười gì đâu.

Tôi chối phắt, tất nhiên không thể nói những suy nghĩ trong đầu mình ra, nhưng Hoài vẫn không tha:

-      Rõ là tao thấy mày cười, nói mau, cười cái gì?

Tôi đang chưa biết trả lời thế nào thì một suy nghĩ vụt qua đầu, vội nói:

-      Chẳng có gì, tao vừa nhớ ra một bài hát, thấy giống giống hoàn cảnh lúc này. Bài gì nhỉ? Quên mất rồi. Bài hát mà có hai người con trai, con gái học cùng lớp lại ở cạnh nhà nhau, cửa sổ hai nhà không bao giờ khép ấy. Thế nào nhỉ...

Tôi cố nhớ mấy câu hát để đánh lạc hướng chú ý của Hoài nhưng khốn nỗi nhạc thì tôi nhớ, nội dung bài hát tôi cũng nhớ, song từng câu hát cụ thể thế nào, tôi lại chẳng thể nhớ ra, bèn nói:

-      Tóm lại là buổi tối trước ngày chàng trai lên đường nhập ngũ, cô gái mang sang tặng mấy chùm hoa bưởi ấy, rồi cứ đứng đấy chẳng nói gì. Bài gì nhỉ, bài...

Đang nhăn nhó, tôi chợt thấy Hoài cười, lên tiếng:

-      À, bài “hương thầm”. “Khung cửa sổ hai nhà cuối phố, chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ, đôi bạn ngày xưa học chung một lớp, cây bưởi sau nhà ngan ngát hương hoa”, đúng không? Đúng bài ấy không?

Tôi gật đầu như bổ củi:

-      Đúng, đúng bài ấy đấy, là bài “hương thầm” à?

Hoài vẫn cười:

-      Bài hát này được phổ nhạc từ bài thơ “hương thầm” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Mà nhà thơ từng nói bà viết bài thơ này từ một sự việc có thật đấy.

Hoài nhìn thẳng vào tôi:

-      Đêm trước ngày em trai của nhà thơ lên đường nhập ngũ, nhà thơ nhìn thấy cô bé hàng xóm học chung với em trai mình, hẹn em trai mình ra cổng chào tạm biệt. Nhưng không phải cô gái tặng cho em trai nhà thơ hoa bưởi đâu, mày nhớ sai rồi. Cô ấy chỉ mang theo người thôi; cô ấy muốn tặng, song cứ ngần ngừ mãi không dám đưa.

-      Sao lại không dám?

Tôi vọt miệng. Hoài lườm tôi:

-      Vì ngại chứ còn sao, con gái tặng quà cho con trai mà tưởng dễ à? Dù là thích đến mấy đi chăng nữa.

Tôi trộm liếc Hoài, lòng nghĩ, vậy thì cô gái kia không bằng bạn tôi rồi. Hoài bạn tôi mà thích ai, nhất định sẽ nói ra, muốn tặng quà, nhất định sẽ tặng quà, cái này tôi dám chắc. Tên nào “bị” bạn tôi thích thì đừng hòng thoát. Suy nghĩ này khiến tôi thấy buồn cười, nhưng trong lòng cũng lăn tăn những cảm xúc rất lạ. Giọng Hoài vang lên, cắt ngang suy nghĩ của tôi:

-      Chỉ tiếc là...

Lời nói và điệu bộ lấp lửng của Hoài làm tôi thấy khó chịu. Không ngờ bài hát này được bắt đầu từ một câu chuyện có thật, đậm chất tiểu thuyết như vậy. Tôi giục nó:

-      Tiếc là sao?

Hoài thở dài:

-      Chỉ tiếc là em trai của nhà thơ nhập ngũ lại hy sinh trên chiến trường, không trở về được nữa.

Câu trả lời làm tôi có cảm giác như đang ăn món gì ngon mà bị mắc nghẹn. Chẳng lẽ một câu chuyện tình đẹp vừa bắt đầu lại có một cái kết buồn như vậy? Hay nó lừa tôi? Tôi tỏ ra nghi ngờ, nhìn Hoài:

-      Mày nói thật không đấy hay chỉ bịa ra lừa tao?

Hoài vênh mặt:

-      Ai thèm lừa mày, không tin mày lên google mà tra xem có đúng không.

Bộ dạng của Hoài khiến tôi nghĩ nó không nói láo. Tôi cũng chẳng lạ khi Hoài biết mấy thông tin trên, không chỉ bởi nó học giỏi văn, mà còn vì nó rất ham thích sách báo, lại đặc biệt hứng thú với những câu chuyện tình cảm như thế này. Có thể tin vừa rồi nó đọc được ở một tờ báo nào đó. Ầy, chẳng ngờ bài hát thì hay mà những nhân vật trong đó lại không có một cái kết viên mãn. Nhớ đến lời của mình lúc nãy, tôi vội nói:

-      Ây ây, thế thì bọn mình không giống mấy nhân vật trong bài hát ấy đâu nhé. Tao đi nhập học chứ đâu phải nhập ngũ ra chiến trường, mày lên đây cũng đâu có mang theo chùm hoa bưởi nào, đúng không? Nói chung bọn mình chẳng giống gì cả, nên chỉ vài tuần nữa tao lại về thôi.

Hoài nhìn tôi, cười rất lạ:

-      Ai bảo mày tao không mang theo hoa bưởi, giơ tay ra đây.

Nghĩ nó đùa, tôi đương nhiên chẳng giơ ra, còn lườm nó, hất hàm:

-      Làm gì?

-      Để cầm hoa bưởi tao mang theo.

Tôi vẫn đứng im, nhưng khi thấy nó đưa tay vào túi quần, rút ra một thứ gì đó, tôi đã hơi dao động, lẽ nào đúng là nó mang hoa bưởi theo? Giờ có phải mùa hoa bưởi không nhỉ? Tôi nghi ngờ nhìn Hoài:

-      Mày mang hoa bưởi lên thật à?

Hoài nhoẻn cười đáp:

Đưa tay đây là biết chứ gì.