Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất: Hỏa Lò, Côn Lôn, Guy An - Phần 01: Lời nó đầu

V. Trên đường tiến đến Guy-an (Guyane Française)

Bị bạc-đãi hành-hạ và khổ-cực vô cùng dưới chế-độ lao-tù Thực-dân, nhưng được ở trong một hòn đảo của đất nước ; nơi đây lại đã ghi bao kỷ-niệm đau thương ! đã đầy-đọa bao chí-sĩ cách-mạng Việt-Nam như Phan Tây-Hồ, Huỳnh-Thúc-Kháng, Ngô-Đức Kế, v.v… Nơi đây cũng đã chôn vùi hàng ngàn chiến-sĩ cách-mạng từ ngày người Pháp đặt nền đô-hộ nước ta, như Hồ-Văn-Mịch, Nguyễn-Thành, Nguyễn-An-Ninh, v.v…

Nhưng một buổi sớm đầu tháng 5-1931, Thực-dân đã bắt chúng tôi 335 người phải rời bỏ hòn đảo này, áp-giải xuống tầu « Martinière » vượt sóng tiến ra khơi.

Đưa chúng tôi đi đâu thật là bí-mật. Có bạn cho là chúng đưa đi đầy ải ở một nơi xa-xăm khác, có bạn cho rằng chúng đưa về Lao-Bảo hay Lai-châu để giết dần cho bõ ghét, lại có bạn mơ-tưởng hão-huyền cho là được ân-xá !

Giấc mộng quê-hương lại bùng phát khởi trong đầu óc mọi người. Người nào mà lại không nhớ đến song-thân, người hiền-thê và lũ con thơ dại hằng ngày mắt nhòa lệ đứng tựa cửa ngóng tin từ nơi góc biển chân trời đưa lại, cầu trời khấn phật dun-dủi đưa đến một sự may-mắn phi-thường, đưa những đứa con thân-yêu của Tổ-Quốc ấy trả về với gia-đình.

Mộng tàn, thực-trạng chua-chát đã đến, khi con tầu « Martinière » cập bến Vũng-Tầu, lính Pháp đã áp-giải xuống tầu thêm hai trăm phạm-nhân từ Bắc, Trung đến, cộng với số phạm-nhân từ Côn-Nôn về là 535 người, trong số có hai trăm chiến-sĩ Yên-Bái, còn 335 là thường phạm, được lính áp-giải cho biết, là đem đi đầy ở Guy-an (Guyane Française) thuộc nam Mỹ-Châu (Amérique du Sud).

Tầu bắt đầu rời Cáp-sanh-dắc là ngày 15-5-1931, chúng tôi bị nhốt chặt trong một khám-đường bọc sắt bồng-bềnh trên đại-dương, cảnh-tượng không khác một bầy heo đem xuất cảng.

Súc-vật xuất cảng, chúng còn được nằm yên, và còn được hãng xuất-cảng săn-sóc đến sức-khỏe đến ăn-uống, để họ khỏi bị thiệt hại một khi có đôi ba con bị chết ; trái lại chúng tôi chân bị cùm tay bị xích, bị sóng đánh vật xuống dựng lên như trái ban-lông, quằn-quại dưới gót giầy đinh, dưới làn roi vọt của bọn lính đánh giặc thuê da-đen. Bởi vậy nhiều anh em bị mệt lả ốm nặng, nhưng phải cố gượng-gạo, anh em thuốc men săn-sóc lẫn nhau, để tránh tầm con mắt cú vọ của bọn lính sát nhân. Tuy vậy chuyến đi này cũng mất hai đồng-bào (thường-phạm) bị liệng xác xuống Thái-Bình-Dương.

Con tầu đã chuyển sang Đại-Tây-Dương, để chuẩn-bị sẵn-sàng đối phó khi đặt chân lên đất Guy-An, chúng tôi liền cử một ủy-ban đại-diện gồm các anh :

- Nguyễn-Đắc-Bằng, nguyên Chỉ-Huy phó Mặt-trận Hưng-hóa – Lâm-Thao.

- Giáo Duyên, Giáo Phú, nguyên cảm-tử-đội Thái Bình.

- Nguyễn Văn-Liêm, Trần Tử-Yến, Mai Duy-Xứng, nguyên đội quyết-tử ném bom Hà-Nội.

- Vũ-Mô, nguyên Hộ-vệ-quân-đoàn Lâm-Thao.

- Lê-Sửu, nguyên chiến-đấu-viên Yên-Bái.

- Nguyễn-Tường, Trần Ngọc-Uẩn, nguyên quân-đoàn Vĩnh-Bảo.

Để đảm-nhiệm mọi việc có liên-quan đến tinh-thần cũng như vật-chất của anh em. Tầu « Martinière » đã sắp đến Guy-An, bấm đốt tay đã trên bốn-mươi ngày bị nhốt trong khám sắt bồng-bềnh trên hai Đại-dương, mà chỉ có một lần, một lần thôi, chúng cho anh em được lên bong tầu hóng gió, khi tầu cập bến Hạ-Uy-Di, xứ mà người ta ca ngợi là nơi mơ-mộng thần tiên. Mỉa mai thay ! bốn tiếng « mơ mộng thần tiên » đối với những kẻ bị áp-bức, bị chân xiềng tay xích như chúng tôi, những người dân vong quốc !