Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất: Hỏa Lò, Côn Lôn, Guy An - Phần 07: Chút ít lịch sử về Guy An

VII. Chút ít lịch-sử về Guy-An (Guyane Française)

Vào cuối thế kỷ thứ 15, ông Kha-Luân-Bố (Christophe Colomb) người Tây-Ban-Nha đã tìm ra quần-đảo Antilles (1492-1493), tầu buồm của ông Kha-Luân-Bố bỏ neo ngoài khơi đảo Cuba, lên Haiti đảo Dominique ; Kha-Luân-Bố cũng đã ghi vào bản-đồ trong khi thám-hiểm Mỹ-Châu lần thứ hai.

Qua năm 1499, một người Tây-Ban-Nha khác tên là Vénézuela để chân lên Nam-Mỹ và cũng đã lấy tên mình đặt cho xứ Vénézuela hiện nay.

Kế tiếp người Tây-Ban-Nha đua nhau đến ở rải rác Trung-Mỹ và Nam-Mỹ-Châu, họ đem cả gia-quyến và bạn bè đến đây sinh cơ lập nghiệp.

Riêng về người Anh, Hà-Lan và Pháp thì chiếm lãnh Guy-An (Nam Mỹ-Châu) vào khoảng bán thế-kỷ thứ 17, xen vào phần đất của Vénézuela và Cabral.

Theo lịch-sử truyền khẩu của thổ-dân Guy-An thời chủ phần đất Guy-An hồi ấy là một khách phiêu-lưu người Tây-Ban-Nha, sau một tháng đánh bạc với một tay buôn lậu Quốc-tế người Pháp tại Cay-En, người Tây-Ban-Nha ấy bị thua bạc gần nửa tỷ quan, nên bằng lòng nhường lại đất Guy-An cho người Pháp đổi lấy chiếc tầu buồm và mười kiện hàng hóa. Người Tây-Ban-Nha này rời qua bên kia sông Ma-rê-ni để rồi vài năm sau lại bán phần đất đai này cho người Hà-Lan.

Guy-An thuộc Pháp thuộc nam Mỹ-châu là một cao-nguyên trên xích-đạo giáp với xứ Guy-An thuộc Hà-Lan và Ba-Tây (Brésil), một mặt giáp Đại-Tây-Dương. Thời bấy giờ Guy-An quá độ hoang-vu, vì bộ-lạc thổ-dân khi thấy người da-trắng đến, họ liền kéo nhau lánh vào miền rừng núi âm-u.

Diện-tích Guy-An thuộc Pháp là 91.000 cây số vuông, người Pháp bắt-buộc phải nhờ đến bọn chuyên-môn buôn người qua Phi-châu mua mọi da đen đem về làm nô-lệ ở Guy-An ; đồng thời lại đề-nghị với Chính-Phủ Pháp cho thiết lập Ngục-thất ở Cay-En (Cayenne) là Sanh-lô-răng (Saint-Laurent) để đem phạm nhân từ Chính-quốc và các thuộc-địa tới giam để lấy nhân-công kiến-thiết xứ Guy-An, thêm với một số lớn người Trung-Quốc đến sinh cơ lập nghiệp, với một số dân các đảo lân cận đến. Phạm-nhân bị lưu đầy đến đây, khi mãn hạn tù cũng không được trả về xứ sở. Nhân-số hiện nay đã tăng lên tới 37.000 người.

Thủ-đô xứ Guy-an là Cay-En (Cayenne) dân-số có 11.700 người, đương tiến trên con đường kiến-thiết mạnh-mẽ, nhà cửa xây cất theo kiểu Âu, đường xá mở mang rộng lớn, nhất là về phương-diện văn-hóa Pháp tiến-triển rất mạnh.

Thuộc miền xích-đới và nhiệt-đới, nên khí-hậu nóng và mưa nhiều, nhiều khi mưa to luôn hai ba ngày mới dứt. Tại Cay-En (Thủ-đô) hàn-thử-biểu chỉ 25 độ tháng giêng, và qua tháng chín thời 27 độ. Khí-hậu giống như tháng tư tháng năm ở Sài-gòn và Nam-Vang.

Tiếng nói của thổ-dân vẫn giữ tiếng bản-xứ, gọi là « Créole », tiếng Anh có một số ít nói được, còn tiếng Pháp đa số nói thông mỗi khi phải giao-thiệp với người da trắng.

Thổ-dân chuyên về nghề nông, cấy lúa, trồng bắp, sắn (củ mì), khoai lang, khoai môn, mía để cất rượu gọi là Tafia hay là Rhum, chuối dùng còn thừa, thường xuất cảng sang Pháp. Sắn (củ mì) là món ăn chính của dân bản-xứ.

Ngoài thổ-sản trên, còn có nhiều mỏ vàng và nhiều thứ gỗ rất quý giá.

Các nhu cầu như vải, thuốc-men, da thuộc và các đồ cần-thiết khác đều từ ngoại-quốc tải vào ; dân địa-phương chẳng có một thứ công-nghệ gì đáng kể !

Từ 1947, Guy-An đã trở thành một Hành-tỉnh của Pháp, dân bản-xứ trở nên công-dân Pháp, đã có Nghị-sĩ tại Quốc-hội Pháp, có đôi người ra làm quan Tòa, Bác-sĩ, Y-sĩ, v.v… lại thành lập cả chính-đảng, trụ-sở tại Ba-lê.

Dân chúng được hưởng tự-do bình-đẳng hoàn-toàn, đôi khi thấy họ thường dùng máy phóng-thanh đứng trước dân chúng diễn-thuyết chỉ-trích những điều nhầm lẫn của Chính-Phủ.