Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất: Hỏa Lò, Côn Lôn, Guy An - Phần 08: Ngục Thất Đặc Biệt I-ni-ni

VIII. Ngục-thất đặc-biệt I-ni-ni (Ets Pénitentiaires spéciaux du Territoire de l’Inini)

Sau thời gian dưỡng sức tại khám-đường Thuộc-địa thủ-đô Cay-En đúng một tháng, đầu tháng 8-1931, chúng tôi 533 phạm-nhân từ Côn-Nôn đến được lệnh Chánh-quyền Pháp cho lính áp giải đến I-ni-ni (Territoire de l’Inini).

Đồng bằng ở Guy-An chiếm độ 1/5 diện-tích toàn xứ ; còn lại 4/5 gồm rừng già và cao-nguyên, phần đất hoang-vu này gọi là I-ni-ni.

I-ni-ni được bao bọc bởi các xứ Guy-An thuộc Hà-Lan và Ba-Tây, ranh giới cách nhau bằng những con sông bề rộng độ chừng hai ba trăm thước.

Sự sinh-hoạt hàng ngày cũng như tiếng nói của hai vùng Guy-An và I-ni-ni khác hẳn nhau, bởi vậy nhà cầm quyền Pháp đã tách rời I-ni-ni ra khỏi Guy-An lập thành một bộ-phận riêng biệt.

I-ni-ni là một vùng rừng rậm bao-la, nên rất nhiều thú dữ, đặc-biệt là rắn-độc thời nhiều vô kể, có những con to lớn đến đỗi mỗi khi lướt qua nơi nào là cây to đều bị gãy răm-rắp, làm thành một vệt đi rất lớn ; bởi vậy mà ít người dám liều mạng bén mảng đến gần rừng I-ni-ni.

Nhưng I-ni-ni lại rất nhiều tài-nguyên, đặc-biệt là vàng và gỗ quý.

Giữa một khu rừng rậm bao-la hoang-phế ấy, không một túp lều tranh, thực-dân đã vất chúng tôi xuống đó, trao cho đủ dụng cụ phá rừng, cuốc đất, đổ nền, để kiến-thiết nên một dẫy 15 cái trại, vách ván mái lợp gỗ, xung quanh căng dây thép Gai rất khít cao 3 thước 50.

Nơi đây đã kiến tạo nên một ngục-thất mới, quy-mô rất vĩ-đại để giam cầm chúng tôi, 533 tên nô-lệ da vàng từ thuộc-địa Đông-Dương đến.

Khám-Đường mới này được Chính-quyền Pháp tại Guy-An đặt tên là : « Etablissements Pénitentiaires Spéciaux du Territoire de l’Inini ».

Khám-Đường cửa mở suốt ngày, duy tối đến phải đóng kín khóa kỹ, xung quanh do lính da đen rạch-mặt (Sénégalais) vác súng canh gác cẩn mật.

Mỗi trại giam chúng nhốt 50 phạm-nhân, ngoài trại giam phạm-nhân còn có nhà riêng của Chúa-ngục, nhà Giám-thị, nhà lính gác ở, nhà bếp, nhà thuốc.

Sau khi khám-đường kiến tạo xong, chúa-ngục chia chúng tôi làm hai tốp : 100 phạm-nhân gồm những người ốm yếu được phát đủ dụng cụ và hạt giống đi phá rẫy dọc theo con sông Ma-rê-ni lấy đất trồng tỉa ; còn lại bao nhiêu thời bắt đi vào rừng đốn cây làm củi. 1) TRỒNG TỈA

Dọc theo sông Ma-rê-ni, đất pha đất sét, bùn lầy và lá cây rụng lâu ngày thành phân mục, nên đất trở nên rất tốt. Chúng tôi những đứa con lạc-lõng vong-quốc Việt-Nam bị đầy-đọa đến đây, nơi rừng thiêng nước độc, bao-la hoang-phế nầy để trồng rau cung-ứng cho cả nhân-dân xứ Guy-An, vì thổ-dân rất lười, hơn nữa họ cũng không thích ăn rau. Chúng tôi không ai bảo ai, đều cố gắng trồng trọt, trước hết là để cung-ứng chất-tươi cho hơn năm trăm anh em xấu số, đồng-bào của chúng tôi, hiện đương bị đầy-đọa ở nơi thâm-sơn cùng-cốc này.

Thời-gian qua, thấm thoắt đã sáu tháng, ruộng rẫy trồng rau của chúng tôi đã thu được kết quả khả quan.

Khoai-lang, một thứ khoai đặc-biệt không đâu có, to lớn dị thường, một củ khoai mà cân nặng từ trăm gam đến hai ký. Khoai mỡ có củ nặng đến sáu kí, củ cải đỏ cũng to lớn dị kỳ, có củ cân nặng từ ba đến năm trăm gam, cải-bắp thì lớn bằng ôm tay, dưa-leo lớn trông không khác gì những trái bí-đao bên ta, cà-chua, sà-lách và các thứ rau khác cũng to lớn không kém.

Tất cả số hoa-lợi này đều do lính gác kiểm-soát hàng ngày, số thu lượm được chúng đều cân rồi ghi vào sổ, đem phân phát cho phạm-nhân mỗi khẩu-phần mỗi ngày ba-trăm gam, lính mỗi tên hai kí, còn Chúa-ngục và Sĩ-quan thời vô hạn định. Chúng tha hồ dùng, dùng không hết, chúng đem bán lại cho lái-buôn chở về bán ở Sanh-lô-răng hay đổi lấy rượu ở Cay-En.

Không những anh em chúng tôi được ăn rau tươi hàng bữa, lại còn được ăn mướp-hương ở Việt-Nam, chuyện thật ly-kỳ và thú-vị đặc-biệt. Vậy tôi xin ghi lại đây để cống-hiến đồng-bào một chút kỷ-niệm đời tù đầy của chúng tôi tại I-ni-ni.

Nguyên có một đồng-chí của chúng tôi, anh Trương-Văn (người Tầu lai Việt) vốn tính cẩn-thận, khi ở Côn-Nôn anh thường dùng « SƠ-MƯỚP » để mỗi khi ở công-xưởng ra, anh lấy sơ-mướp để kỳ-cọ trong việc tắm-rửa. Đến khi từ giã Côn-Nôn, anh không quên nhét một ít Sơ-Mướp vào « Ruột-Tượng » mang theo sang Guy-An. Một bữa, anh đem sơ-mướp ra suối tắm, tình cờ Trương-Văn tìm thấy trong sơ-mướp còn sót lại hai hột, anh vui mừng quá nhảy lên trao lại cho chúng tôi, mỗi người nâng-niu hoan-hỷ, ai nấy đều nhẩy lên reo-mừng vì cả xứ Guy-An này không đâu có giống mướp : Hơn nữa, nó còn là một vật kỷ-niệm, một thứ rau duy-nhất chỉ có ở nước Việt-Nam thân-yêu của chúng ta.

Hai hạt mướp ấy chúng tôi đem trồng ngay sau sân trại giam, không ai bảo ai, ai cũng như ai, đều săn-sóc vun-sới tưới-bón, nâng-niu quả-báu hơn vàng ; thấm-thoắt 45 ngày qua, đúng vào ngày mồng 1 tháng 5 năm 1932, bẩy trái mướp lứa đầu được ngắt xuống, anh em toàn trại chuyền tay nhau nâng-niu coi như một vật quý nhất trong đời mình, rồi đem phân phát mỗi trại đều nhau. Muốn được cùng hưởng hương-vị quê-hương một cách đồng đều. Trại chúng tôi đem xắt thiệt nhỏ bỏ vào một soong lớn nấu với thịt heo, hương thơm ngào-ngạt tỏa ra khắp trại, một bữa cơm thật đặc-biệt ngon-lành. Và cùng từ đấy cả xứ Guy-An đều được thưởng thức một món rau mới « MƯỚP HƯƠNG VIỆT-NAM » do đoàn chiến-sĩ cách-mạng Yên-Bái đem đến. 2) ĐỐN CỦI VÀ TÌM GỖ QUÝ

Mỗi ngày chúng tôi một đoàn gồm 50 người bị bọn lính rạch mặt lùa vào rừng sâu đốn cây làm củi, và phải bó lại đội lên đầu, chứ không được gánh ; mà phải đốn và gánh làm sao cho đủ số 50 thước củi mỗi ngày. Nếu số củi bị thiếu thì thế nào năm bẩy anh em trong số sẽ phải chịu sự hành hạ, đánh đập tàn nhẫn, hoặc bị chúng trói lại treo ngược lên sà nhà và cho uống nước muối.

Đoàn khác hàng trăm phạm-nhân chúng tôi phải len-lỏi vào rừng sâu tìm « CÂY HƯỜNG » cho thực-dân, do bọn lính rạch mặt da đen kìm giữ và thúc đẩy. Mỗi chuyến đi kéo dài hàng tuần-lễ. Hàng chín mười ngày cũng nên, nên phải đem theo cơm khô và muối ớt, còn khát thời đã có nước suối thiếu gì.

Vậy cây hường là thứ cây gi mà Thực-dân lại bắt tìm tòi như vậy ? Cây hường là thứ cây khó tìm nhất trong các loại cây ở các khu rừng xanh hiểm-trở ở Nam Mỹ-châu. Trong thớ gỗ cây hường phảng-phất có một mùi thơm như hoa hường (hoa hồng), thớ gỗ đã mịn-màng mà sắc gỗ thời mầu hồng, có chất dầu « linalol ». Chất này rất cần thiết trong công-nghệ chế tạo dầu thơm ; bởi vậy cây hường bán được giá rất đắt trên thị-trường Âu-Châu.

Muốn cho xuất cảng được nhiều và thu được nhiều lợi, thực-dân bắt chúng tôi phải lặn-lội vào các rừng sâu tìm cây hường, hạ cây hường rồi bào ra, để cho việc vận-tải dễ dàng, xuất-cảng thuận-lợi. Nhất là từ ngày hãng nước-hoa COTY ở Pháp phát triển kỹ-nghệ làm nước-hoa to tát, thời cây hường lại được tiêu thụ rất nhiều và giá bán lại rất cao ; cây hường ở Guy-An trở thành món hàng độc-quyền cho hãng COTY.

Cây hường càng lâu năm bao nhiêu thời dầu thơm càng nhiều, mà giá bán lại càng đắt ; nhưng càng bán được nhiều, chúng thu được nhiều lời bao nhiêu, thời thực-dân lại càng xua chúng tôi vào sâu những rừng già hoang-vu đầy gai góc dây leo chằng-chịt, đầy rắn-độc và thú-dữ bấy nhiêu, để tìm cho bằng được những cây hường đã sống lâu năm. Theo lời khuyên-nhủ của thổ-dân, chúng tôi ai nấy đều phải chuẩn-bị mang theo bên mình một ít « ngải-tím » để ngậm, trừ bịnh chói nước vật-vã và « ngải-vàng » để hút nọc rắn độc, nhờ thế nên cũng đỡ được nguy-hiểm đến tính-mạng phần nào !

Một lần, trong một chuyến đi tìm cây hường, đoàn chúng tôi bị lạc vào rừng hoang khi tới ngả rẽ của con sông Ma-rê-ni, mà đoàn lại bị cạn hết lương-thực sáu bẩy ngày ngược theo giòng sông I-ta-ni. Bọn lính da đen và lính rạch mặt phải săn nai hay bất cứ con thú nào vô phước để chúng giết thịt nướng ăn.

Bọn lính độc-ác ấy liền lựa trong đoàn chúng tôi lấy hai người coi bộ ốm yếu nhất, rồi chúng bắt gắp thăm để lấy một người ; kẻ bất hạnh ấy là anh T. ; Anh phải ra ngồi gốc cây kêu giọng the-thé bắt-chước giọng nai con kêu mẹ để dụ nai cha hay nai mẹ đến, hoặc có khi cọp hay gấu đến không biết chừng, để cho bọn lính bắn xơi thịt.

Anh T. bắt buộc phải ra ngồi gốc cây từ sớm, the-thé kêu vang như tiếng nai con lạc mẹ, kêu mãi đến khoảng tám giờ, thì một con nai rất lớn chạy đến, nhưng lại có cả một con cọp đen to lớn như con bò mộng cũng đến, ngồi sừng-sững nhìn anh T. cách chừng ba-mươi thước trở lại.

Thấy nai và cả cọp, anh T. lạnh buốt gáy, thần hồn mê loạn, ngồi thu hình cứng đờ như gỗ, đá, nhưng giây phút anh tỉnh trí, vì đã có một lần những người thổ-dân đã căn dặn anh : « Nếu khi gặp cọp mà sơ ý quờ tay hay đứng dậy thời tất bị cọp chồm lên vồ tức-khắc ; nhưng nếu bình-tĩnh ngồi yên không cử-động, thời đời sống còn được kéo dài thêm ít phút, mà may ra còn có cơ-hội cứu-nguy ».

May mắn sao cho anh T., nai và cọp đến, bọn lính thấy kịp, mười hai phát súng nổ, nai và cọp cùng bị hạ, T. thoát chết, thoát vì cọp vồ hay thoát vì viên đạn vô-tình của lính cũng thế !

Ngoài cây hường, phạm-nhân còn phải đi tìm những loại cây gỗ quý, như cây « VOA-BA », dùng để thay ngói lợp nhà, cây « TIM » dùng để đóng đồ đạc trong nhà, cây « CO-CO-LA » dùng làm cột nhà rất thẳng và rất tốt, cây « BA-LA-TA » làm giây cột. Ở Guy-An không có ngói, nên nhà phải lợp bằng tôn hay ván cây, nhà nào lợp bằng cây « VOA-BA » là nhà ấy coi bộ giầu có.

Rừng ở I-ni-ni lại còn một thứ cây rất lạ, thổ-dân kêu là « BẪY-CHIM », thớ gỗ có vằn hoa như da rắn, ngoài vỏ cây thời tiết ra một thứ nhựa tựa như keo đặc, vô phúc cho những con chim nào bay qua vướng vào thân cây ấy, thời con chim ấy chỉ còn một nước là chờ chết khô, hoặc làm mồi cho rắn cho trăn mà thôi.

Tìm cây hường, đoàn chúng tôi vừa anh em cách-mạng, vừa thường-phạm đã bị bỏ xác trong rừng già hơn 70 người. tính trung-bình thì cứ hai ba ngày là có một người phải ngã gục vì rắn vì cọp, hoặc vì hộc máu mồm sau một cơn sốt-rét mười lăm phút ; mà cho mãi đến ngày nay người ta cũng vẫn chưa tìm ra căn-nguyên chứng-bệnh sốt-rét kỳ-quái ấy.

Có người bảo đó là do ở con ruồi bông (một loài ruồi lớn ở Nam-Mỹ giống như con nhặng thường cắn trâu ở bên ta).

Theo lời thổ-dân ở vùng Ma-Na, thì tại nạn-nhân chân dẵm phải loài nấm « CỎ HUYẾT ». Tục truyền :

« Cách đây vào khoảng 12.000 năm, khi Nam Mỹ-châu còn dính liền với Phi-Châu bởi đất Át-lăng-tít (Atlantide) có một giống ngựa rừng lông đỏ như huyết trên đầu có u, loài ngựa này tinh-khôn và lại có linh-tính dị thường. Một ngày nọ, trời bỗng nổi giông tố, mưa to gió lớn ròng-rã suốt bẩy ngày đêm, cùng lúc ấy hàng chục núi-lửa đã từ lâu âm-ỷ bỗng nhiên phun lửa một cách dữ dội, khói tỏa mù trời.

« Từ các đồi, rừng hoang, từng đoàn ngựa, voi, cọp, sư-tử, gấu thi nhau cuốn đuôi chạy nhắm hướng Nam Mỹ-Châu tẩu thoát tránh nạn ; nhưng loài ngựa đã nhanh chân hơn, nên dẫn đầu. Hàng triệu con chạy, chạy thâu đêm suốt sáng bỏ cả ăn uống, qua ngày thứ tám, đoàn ngựa đó đã tiến đến vùng cao-nguyên thuộc phần đất Guy-An này, thì phần đất Át-lăng-tít bị nổ tung, và chìm xuống đáy bể Đại-tây-dương, Phi-châu và Nam Mỹ-Châu tách làm đôi, chỉ còn lại quần đảo Ô-Ro (Aurores) hiện giờ.

« Đoàn ngựa đó vì chạy mệt quá, nên sau khi ghé xuống bờ sông Ma-Na uống nước, thời đều bị ngã gục chết hết. Chỗ xác ngựa chết lâu ngày mọc lên một thứ cỏ mầu đỏ như huyết, loài cỏ huyết khi nước ngập chết, sinh ra thứ « nấm huyết độc ». Loài nấm này là một vị thuốc độc mạnh nhất không thuốc nào bằng, ai nhầm phải thì chỉ nội trong mười năm phút là thân-thể sưng vù và bầm tím, rồi hộc máu ra chết liền ». 3) ĐÃI CÁT SẠN TÌM VÀNG

Vàng, vàng trong nước suối, vàng lẫn vào cát ở hai bên bãi con sông, vàng chìm trong đất sỏi ở các đồi cao, ở khe đá. Vàng ở khắp nơi I-ni-ni, Guy-An thuộc Pháp.

Từng đoàn người dân xứ Guy-An ngược những giòng sông Ma-rô-ni, Ma-Na, Approvagne, Oyapek để đãi cát sỏi tìm « VÀNG ».

Tìm được vàng sau bao ngày lặn-lội lăn-lóc bên bờ suối, trong kẹt đá, trên khắp đồi cao, trong rừng già ; người ta đã xách từng túi vàng về Cay-En bán cho các lái buôn Trung-Hoa. Theo giá vàng thời ấy (1931-1932) chỉ có 17 quan tiền Pháp một gờ-ram. Theo số thống kê, thời năm 1931 tổng số vàng tìm được đem bán tại Cay-En là 4.500 kí-lô.

Bán được vàng, họ mua lương-thực, sắm thêm dụng cụ cần-thiết ăn chơi phè-phỡn, nghỉ ngơi ít ngày, rồi lại cất bước ra đi tìm vàng ; cũng có một số ở lại Cay-En đánh bạc, uống rượu, ăn chơi tiêu xài cho bằng hết tiền, rồi mới chịu ra đi.

Lặn-lội lăn-lóc, chịu bao cảnh gian-khổ để tìm vàng, mong được làm nhà triệu-phú, nhưng nào đã ai thực hiện được giấc mộng ! Rốt cuộc, vàng và người đều chôn vùi ở đất Guy-An !

Giá vàng đương ở mức 17 quan một gờ-ram bỗng vụt cao lên 170 quan. Viên Toàn-quyền Guy-An liền hạ lệnh cho Chúa-ngục bắt phạm-nhân chúng tôi phải đi « đãi cát sạn tìm vàng ».

Đoàn chúng tôi cùng bọn lính mọi đen rạch mặt áp giải tiến về phía đông nam ngã ba sông Ma-rê-ni và I-ta-ni đến vùng cao-nguyên cao trên năm trăm thước, chúng tôi gọi là « Trường-xà », vì hình-thế cao-nguyên này trông giống như một con rắn lớn nằm ngó ra bể. Tại đây rừng thưa dần, ít gai góc nhưng bị nhiều dây leo chằng-chịt như ở rừng « Thập-Tuyệt », nơi nguy-hiểm đã vào khó ra.

Từ Trường-xà hàng trăm ngọn suối quanh năm đổ xuống rừng Thập-Tuyệt. Có những ngọn suối chảy róc-rách chen từng kẹt đá, chảy quanh vực sâu lượn giữa các cổ-thụ, có những ngọn suối nước xô nhau tuôn xuống bắn tung-tóe lên như muôn ngàn hạt kim-cương lấp-lánh dưới ánh mặt trời ; lại có những ngọn suối mà tiếng nước chẩy ngân lên vang dội, nghe gầm-gừ như đàn cọp, báo đang ngáy ngủ.

Chúng tôi lựa một ngọn suối tương đối lớn, nước chảy từ-từ, mầu nước xanh lơ, hai bên bờ có bãi cát rộng ; chúng tôi liền đặt tên thơ mộng cho cái suối đó là « Thanh-tuyền ».

« Thanh-tuyền » là nơi được coi có nhiều vàng nhất chảy dọc theo Ma-rê-ni. Dưới ánh sáng mặt trời gay gắt, hai bên bờ suối những mảnh vàng vụn phản chiếu lên long lanh, giữa giòng suối những mảnh vàng vụn lắng xuống trông như một giải « lụa vàng », bề ngang rộng độ nửa phân tây.

Chúng tôi chia nhau thành từng tốp, tốp đãi cát dựa theo bờ, tốp đắp bờ ngăn nước ở mấy chỗ có eo, dùng thủy-ngân để quấn mạt vàng cho dễ, tốp thì lần theo kẹt đá, dùng búa tay đập từng viên đá nhỏ có óng-ánh mạt vàng.

Vàng nặng nên lắng xuống rất mau, nếu thùng cát nào có vàng. Phải năm bẩy thùng cát vo đi lọc lại, chúng tôi mới có được một hai ly vàng.

Nước suối lạnh giá như băng, chúng tôi phải đứng ngâm nửa thân mình dưới nước, ngày nào cũng từ sáng đến tối, chỉ được nghỉ mười lăm phút vào hồi 12 giờ trưa để ăn cơm. Trên đầu thì mòng-đỏ, mòng-xanh, mòng-vàng hàng đàn bay lượn như đàn ong vỡ tổ, chỉ chờ cơ-hội mà cái đầu chúng tôi quên lắc-lư như kiểu các bà bên nước ta lên đồng hầu thánh, là chúng đáp ngay xuống bâu vào cổ, xiên ngay vòi vàng vào những lỗ chân lông hút máu một cách say-sưa, và chờ cho chúng tôi phải nghỉ tay đập chết mới thôi, chứ chúng nhất quyết không chịu buông tha.

Ngoài mòng, lại còn giống muỗi vàng đánh hơi rất tài tình, mỗi khi ngửi thấy hơi người là chúng bay đến hàng đàn tủa như cơn giông tố sắp đến. Hai cánh tay dơ lên để đãi cát, mà chỉ chừng hai mươi giây đồng-hồ thôi, là chúng tôi đã có ngay một khúc tay bằng muỗi vàng như nghệ. Đến nước đó, thì chỉ còn một cách là dìm mình xuống lòng suối mới mong cứu vãn được tình-thế nguy-nan mà thôi.

Bởi thế, hai cánh tay chúng tôi cứ phải lắc đi lắc lại để đãi vàng, mà đầu cũng cứ phải dao động luôn luôn.

Cứ làm việc ròng-rã như thế suốt trong một tuần lễ, mới được đoàn khác đến thay. Chúng tôi được đem vàng về cân nộp cho Chúa ngục, và được phép nghỉ xả hơi hai tuần.

Chính-quyền Pháp bỏ vào túi riêng bao nhiêu không biết, nhưng căn-cứ trên giấy tờ, thời mỗi tuần-lễ chúng gửi về chính-quốc từ 50 đến 60 ki-lô vàng do phạm-nhân chúng tôi kiếm được.

Được một gờ-ram vàng đem về nộp, phạm-nhân sẽ thoát được mười hèo mây quật túi-bụi lên đầu lên cổ, và đôi khi còn bị Chúa-ngục huýt chó bẹc-giê ra ngoạm cổ vật ngã xuống, cắn đến tử thương. Rất tiếc là các anh em thường-phạm không chịu nghe lời khuyên can của chúng tôi, biết giữ-gìn nhân cách, chỉ quen tính ngông-cuồng ương-bướng, làm ít chơi nhiều, số vàng thường kiếm được rất ít, nên một số bị bỏ mạng. Xác chết được chúng đem ra làm mồi nhử cọp, để bắn cọp lột lấy da đem bán một giá rất đắt, bù vào số tiền bị thiếu hụt của chúng : không được vàng được da cọp cũng thế !

Đứng trước cảnh tàn-bạo dã-man, khủng-khiếp rùng-rợn, chúng tôi đã nhiều lần bàn tính với nhau tìm một biện-pháp để thoát khỏi tai-nạn « đãi cát sạn tìm vàng ». Thì bỗng một hôm, anh T. nẩy ra một sáng-kiến tìm vàng ngay ở những đống phân của chim bồ câu, may ra bớt đau-khổ một khi có lệnh bắt đi bòn vàng.

Nguyên một hôm, chúng tôi đương ngồi đập nhỏ những viên đá từ trên núi đem về trong sân nhà một Giám-thị người Pháp, anh T. để ý thấy đôi chim bồ-câu đứng mổ gạo cạnh chúng tôi, nhưng cặp mắt của chúng vẫn hướng về đống đá vụn bên cạnh chúng tôi. Anh T. liền lấy gạo nhử chúng đến gần đống đá vụn, và chú ý theo dõi, thời lạ thay ! chúng không mổ gạo, mà lại mổ những tấm vàng lóng-lánh, bồ-câu ăn vàng.

Chúng tôi bèn cùng nhau phác định một kế-hoạch làm sao có được một đàn chim bồ-câu để huấn-luyện cho chúng biết cách đi tìm vàng thay thế cho chúng tôi. Nhưng việc cốt-yếu là làm thế nào cho có được một đội quân chim bồ-câu hùng-hậu ở trong trường-hợp tù-tội giữa nơi rừng hoang cô-tịch bao-la bát-ngát này ?

« Tham vàng » chúng tôi liền áp dụng tâm-lý của loài người vào tên Giám-thị Pháp là chủ-nhân trên năm-mươi con chim bồ-câu. Đem vàng nhử hắn, chúng tôi thuyết phục được. Hắn bằng lòng bán đứt cho chúng tôi một đôi chim câu với giá một trăm năm chục gam vàng, với điều-kiện là phải trả trước 50 gờ-ram, còn thiếu lại một trăm gờ-ram được trả góp dần, và hắn lại còn bằng lòng cho phép chúng tôi được toàn quyền xử-dụng cả bầy chim câu của hắn nữa.

Chúng tôi liền bắt tay vào việc, trước hết lấy sái thuốc phiện do một anh bồi tiệm thuốc của một tên giám-thị Pháp trao cho, đem sái ấy nấu lên thành nước, lấy một phần nước ấy trộn lẫn với gạo và bụi vàng và một phần pha vào nước, rồi cứ đúng năm giờ chiều chúng tôi đem cho bầy chim ăn uống no say để tập cho chúng quen dần. Nhưng trước hết đem thí-nghiệm cho đôi chim câu của chúng tôi mua được, thời thấy rất có kết-quả, vì cứ đúng năm giờ là cặp chim bay đến quanh-quẩn bên cạnh chúng tôi. Thấy có kiến hiệu, chúng tôi liền đem kế-hoạch ra thi-hành cho cả đàn chim, trong ít ngày sau, cũng thấy có kết quả ; nghĩa là chiều nào cũng vậy, sau khi tiếng kiểng nhà tù báo hiệu năm giờ, thời cả bầy chim không thiếu mất một con nào cả, đều xúm lại bên cạnh chậu nước của chúng tôi.

Chúng tôi phân công : một tốp chuyên lo việc quét dọn chuồng cho sạch sẽ để lấy phân, một tốp lo chuẩn bị đồ ăn và canh chừng đúng giờ mới cho chúng dùng, một tốp đi tìm vàng đem bầy chim câu đi theo và trông nom chúng. Quả thật, chúng tinh mắt và lanh-lẹ, bay lên đồi hoặc xuống bãi cát tìm vàng vụn để ăn một cách dễ dàng hơn người nhiều.

Hàng ngày trừ năm ba con về chậm, còn cả bầy chim thường bay về rất đúng giờ. Nhưng số vàng đàn chim nhặt về, kết quả vẫn kém người nhiều, nên chúng tôi vẫn phải tiếp tục đi tìm vàng ; nhưng đàn chim chim cũng đã giúp đỡ cho chúng tôi đỡ vất-vả cùng mệt-nhọc một phần nào !

Trong thời-gian bị giam cầm ở đây đã có hai-mươi anh em trốn thoát, trong số có bẩy chiến-sĩ cách-mạng đồng-chí của chúng tôi là các anh : Giao Bằng, Quế, Cai Rủ, Thống, Giám (Bắc-Việt), Chứ (Nghệ-An), Hoạt (Quảng-Nam). Và đến nay chúng tôi cũng vẫn không được tin-tức gì về số phận của các bạn ấy cả.