[Gác chuyển ngữ] Coi chừng chó dữ - Roald Dahl

Roald Dahl (1916 – 1990) là một nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng người Anh, đã trở thành một trong những nhà văn thành công nhất và được yêu thích nhất cho trẻ em mọi thời đại. Ông cũng viết nhiều vở kịch, truyện ngắn và thơ.

Cha mẹ ông là người Na Uy nhưng ông được sinh ra ở Llandaff, Cardiff, miền nam xứ Wales, năm 1916. Cha ông chết năm ông ra đời và mẹ ông ở lại Vương Quốc Anh. Ông học trường trung học ở Anh nhưng không bao giờ học Đại học. Sau khi tốt nghiệp trường trung học, ông làm việc cho một công ty xăng dầu Shell ở châu Phi để tìm những cuộc phiêu lưu. Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, ông gia nhập lực lượng Không Quân Hoàng Gia và trở thành phi công chiến đấu. Bị bắn rơi trong một phi vụ trên nước Hy Lạp, ông bị thương và sống hết thời gian còn lại của cuộc chiến tranh ở Washington D.C.. Khi là một tùy viên cho Không Quân ở Washington D.C, ông trở thành nhà văn (bắt đầu bằng những bài báo cho các tạp chí như tờ The New Yorker) và đó là nghề của ông cho đến hết đời.

Ông được xem như "một trong những nhà kể truyện cho trẻ em vĩ đại nhất của thế kỷ hai mươi" với hai tiểu thuyết, hai tự truyện, mười chín cuốn sách cho trẻ em và nhiều tập truyện ngắn. Một trong số đó phải kể đến James và Quả đào khổng lồ, Charlie và nhà máy Sô cô la, Matilda, Phù thủy phù thủy, Ông cáo tuyệt vời,...

Trong số những giải thưởng vì sự cống hiến cho nền văn học của ông, ông nhận giải World Fantasy Award for Life Achievement năm 1983, và giải Nhà văn thiếu nhi của năm từ British Book Awards năm 1990. Năm 2008, The Times xếp Dahl đứng thứ 16 trong danh sách "50 nhà văn Anh vĩ đại nhất từ 1945 đến nay".

"Coi chừng chó dữ" là câu chuyện ngắn Roald Dahl viết về cuộc chiến tranh thế giới thứ hai năm 1944. Truyện ban đầu được đăng trong Harper's Magazine và sau đó xuất hiện trong tuyển tập Over to You của ông. Nó đã được chuyển thể thành phim 36 Giờ vào năm 1964.

COI CHỪNG CHÓ DỮ

(Xuất bản lần đầu năm 1946 trên tạp chí Harper's Magazine)

Cảnh báo: Không​

Truyện dịch chưa có sự đồng ý của tác giả.

Bên dưới kia chỉ duy nhất một biển mây gợn sóng một màu mênh mông trắng xóa. Mặt trời ở cao tút phía trên kia, và nó cũng trắng hệt như những đám mây vậy, bởi nếu ta nhìn nó từ phía cao trên bầu trời kia, nó chẳng bao giờ có màu vàng được cả.

Anh vẫn lái chiếc Spitfire[1]. Tay phải của anh đặt trên tay cần, còn bàn đạp của bánh lái thì anh chỉ dùng có chân trái để điều khiển. Nó cũng khá là dễ dàng. Chiếc máy bay vẫn bay tốt, và anh biết mình đang làm gì.
1 Spitfire: một kiểu Máy bay tiêm kích Anh Quốc một chỗ ngồi, được Không quân Hoàng gia Anh và nhiều nước Đồng Minh sử dụng trong Thế Chiến II đến tận những năm 1950.

"Mọi việc đều ổn cả," anh nghĩ. "Mình đang làm đúng. Mình đang làm rất tuyệt. Mình biết đường về nhà. Nửa giờ nữa là mình sẽ về đến đó. Khi hạ cánh mình sẽ cho máy bay chạy trên mặt đất rồi tắt máy, và mình sẽ nói, giúp tôi thoát ra khỏi đây được không. Mình sẽ nói bằng cái chất giọng bình thường và tự nhiên nhất và rồi không ai trong số họ sẽ để ý thấy đâu. Rồi mình sẽ nói, ai đó giúp tôi thoát ra khỏi đây với. Tự thân tôi không thể làm được, vì tôi đã mất một chân rồi. Tất cả bọn họ sẽ phá ra cười và nghĩ rằng mình đang đùa, và rồi mình sẽ nói, được rồi, đến và nhìn đây này, lũ khốn hoài nghi các người. Rồi Yorky sẽ trèo lên phần cánh và dòm vô. Có lẽ anh chàng sẽ phát bệnh với cái đống hỗn độn và máu me ở bên trong này. Mình sẽ cười và nói, Vì Chúa, giúp tôi thoát ra khỏi đây coi."
Anh lại cúi xuống nhìn liếc qua chiếc chân phải của mình. Chẳng gì nhiều còn sót lại. Phần bắp chân ngay phía trên đầu gối của anh đã bị dính vỏ của một quả đạn đại bác, và giờ thì chẳng còn gì ngoài một mớ hỗn độn và máu me be bét. Nhưng anh không hề cảm thấy đau đớn gì. Khi nhìn xuống, anh tưởng như mình đang nhìn vào cái thứ gì đó không thuộc về mình vậy. Nó chẳng có liên quan gì tới anh. Nó chỉ là một mớ hỗn độn tình cờ nằm trong buồng lái; là thứ gì đó kì lạ và bất thường và khá là thú vị. Nó giống như việc tìm thấy một con mèo nằm chết trên đi văng vậy.
Anh thật sự cảm thấy ổn, và bởi vì anh vẫn cảm thấy ổn, anh thấy thật kích động và không chút mảy may sợ hãi gì.

"Thậm chí mình còn không buồn gọi xe cứu thương trên radio," anh nghĩ. "Việc đó là không cần thiết. Và khi hạ cánh mình sẽ bình thường ngồi đó và nói, nè mấy ông bạn, có ai tới đây và giúp tôi được không, tại tôi mất một chân rồi. Việc đó sẽ buồn cười đây. Mình sẽ cười một chút khi nói; mình sẽ nói từ từ và bình tĩnh, và họ sẽ nghĩ mình đang đùa. Khi Yorky trèo lên phần cánh và phát bệnh, mình sẽ nói, Yorky, đồ khốn cậu, đã sửa cái xe cho tớ chưa đấy? Rồi khi ra được mình sẽ tường thuật lại sự việc và rồi sau đó tiến tới chỗ London. Mình sẽ xách theo nửa chai whisky và đưa nó cho Bluey. Bọn mình sẽ ngồi trong phòng của nàng và uống nó. Mình sẽ xả vòi nước rửa tay trong nhà vệ sinh. Mình sẽ không nói gì nhiều cho tới giờ đi ngủ, và rồi mình sẽ nói, Bluey, anh có bất ngờ cho em đây. Hôm nay anh bị mất một chân rồi. Nhưng anh không bận tâm miễn là em cũng vậy. Nó thậm chí còn chẳng đau cơ mà."

"Bọn mình sẽ lái xe đi khắp nơi. Mình luôn ghét việc đi bộ, trừ khi là đi dạo phố của mấy người thợ đúc đồ đồng ở Bagdad[2], nhưng mình có thể đi bằng xe kéo. Mình có thể về nhà và chặt củi, nhưng lưỡi rìu sẽ lại luôn bay tuột ra khỏi cán rìu. Những gì nó cần là nước nóng; ngâm nó trong bồn tắm và làm cho cán rìu nở ra. Lần trước về nhà mình đã chặt cả đống củi, và mình đã để chiếc rìu trong bồn tắm... "

2 Bagdad: thủ đô của Iraq và là thủ phủ của tỉnh Bagdad.

Rồi anh thấy ánh mặt trời chiếu rọi lên capô máy. Anh nhìn thấy những chiếc đinh tán trong lớp kim loại, và rồi anh chợt nhớ ra mình đang ở đâu. Anh nhận ra rằng mình không còn thấy ổn nữa; rằng anh đang bệnh và thấy choáng váng mặt mày. Đầu anh cứ gục lên gục xuống, bởi cái cổ anh dường như chẳng còn chút sức lực nào nữa cả. Nhưng anh biết mình đang lái chiếc Spitfire, và anh có thể cảm nhận được chiếc tay cần đang được nắm giữa những ngón bàn tay phải của mình.

"Mình sẽ ngất mất," anh nghĩ. "Hiện tại mình sẽ ngất đi bất cứ lúc nào."

Anh nhìn chiếc máy đo độ cao. Hai mươi mốt nghìn[3]. Anh tự kiểm tra mình bằng cách cố đọc lấy chữ số hàng trăm cũng như hàng nghìn. Hai mươi mốt nghìn và cái gì ấy nhỉ? Mặt đồng hồ trở nên mờ đi, và anh thậm chí còn không nhìn thấy được cây kim chỉ số nữa. Khi ấy anh liền biết rằng mình phải nhảy dù ra khỏi đây; rằng anh không được chần chừ dù chỉ thêm một phút giây nào nữa, hoặc không anh sẽ bất tỉnh mất. Nhanh lẹ, điên rồ, anh cố dùng tay trái đẩy trượt nắp capô ra phía sau, nhưng người anh không còn sức lực nào nữa cả. Trong giây lát, anh nhấc tay phải khỏi tay cần và xoay sở dùng cả hai tay đẩy nắp capô về phía sau. Làn khí lạnh tốc vào mặt anh có vẻ giúp ích. Trong một chốc anh thấy cực kỳ tỉnh táo, và hành động của anh trở nên trật tự và chính xác. Đó chính là những gì xảy ra với một viên phi công giỏi. Anh nhanh chóng hít thở sâu vài lần từ chiếc mặt nạ ôxi, và khi làm vậy, anh đưa mắt nhìn ra bên ngoài buồng lái. Bên dưới chỉ có duy nhất một biển mây mù mênh mông trắng xóa, và anh nhận ra rằng anh hề không biết mình đang ở đâu cả.

3 Hai mươi mốt nghìn ở đây là hai mươi mốt nghìn bộ chứ không phải hai mươi mốt nghìn mét.

Nó sẽ là Channel[4], anh nghĩ. Chắc chắn mình sẽ rơi xuống biển thôi.

4 Channel (hay English Channel): là Eo biển Manche - một đoạn eo biển dài thuộc Đại Tây Dương xen giữa đảo Anh và bờ biển phía bắc của Pháp, liền với Bắc Hải.

Anh giảm tốc, gỡ mũ bảo hiểm ra, tháo đai an toàn, và đẩy mạnh tay cần về bên trái. Chiếc Spitfire lượn về bên cánh trái và lộn nhào một cánh ngọt xớt. Viên phi công rơi ra.

Anh mở mắt khi rơi, bởi anh biết rằng trước khi kéo dây dù, anh không được phép bất tỉnh. Anh trông thấy mặt trời ở phía bên này của mình; và phía bên kia là những đám mây trắng xóa. Khi anh rơi xuống, khi cả người anh nhào lộn trên không trung, những đám mây trắng đuổi theo mặt trời và mặt trời đuổi theo những đám mây. Chúng rượt đuổi nhau theo một vòng tròn nhỏ; càng lúc chúng lại càng chạy nhanh hơn và nhanh hơn, và rồi cứ mặt trời và những đám mây và những đám mây và mặt trời, và những đám mây tiến đến gần hơn cho đến khi đột nhiên không còn bóng dáng mặt trời đâu nữa, mà chỉ còn lại có duy một màu trắng xóa. Cả thế giới trống rỗng và trắng xóa một màu. Nó trắng đến nỗi thi thoảng nó trông có màu đen, và sau một khoảng thời gian có lúc nó đen, có lúc nó trắng, nhưng hầu như là nó có màu trắng. Anh ngắm nhìn không gian chuyển từ trắng sang đen, và rồi lại trắng, và màu trắng kéo dài một lúc lâu, còn màu đen thì lại chỉ có vài giây ngắn ngủi. Anh nhiễm thói quen chìm vào giấc ngủ vào khoảng trắng, và thức giấc ngay đúng lúc để nhìn ngắm thế giới khi nó có màu đen. Nhưng khoảng đen diễn ra rất nhanh. Thi thoảng nó chỉ chợt lóe lên, như thể ai đó vừa tắt đèn rồi lại bật lên ngay lập tức, và thế là bất cứ khi nào khoảng không gian chìm trong màu trắng kia, anh lại lơ mơ ngủ gà ngủ gật.

Một ngày nọ, khi nó có màu trắng, anh đưa tay ra và chạm phải thứ gì đó. Anh cầm nó giữa những ngón tay và bóp nó. Trong một lúc lâu anh cứ nằm đó, để những đầu ngón tay vẩn vơ chơi đùa với cái thứ chúng đang sờ phải. Rồi anh từ từ mở mắt ra, nhìn xuống tay mình, và thấy rằng mình đang cầm thứ gì đó có màu trắng. Đó là mép của một tấm khăn trải giường. Anh biết nó là một tấm khăn trải giường bởi vì anh có thể thấy chất vải và những mũi thêu trên viền của nó. Anh nheo mắt rồi lại nhanh chóng mở ra. Lần này anh trông thấy căn phòng. Anh thấy chiếc giường mình đang nằm; anh thấy những bức tường xám và chiếc cửa ra vào và những tấm màn xanh lá cây treo bên cửa sổ. Có vài đóa hồng khoe sắc trên chiếc bàn kế giường anh.

Rồi anh thấy chiếc chậu đặt trên bàn gần những đóa hồng. Đó là một chiếc chậu men trắng, và cạnh nó là một ly thuốc nhỏ.

"Nơi đây là một bệnh viện," anh nghĩ. "Mình đang ở bệnh viện." Nhưng kí ức của anh trống rỗng. Anh ngả người nằm trên gối, mắt nhìn trần nhà và tự hỏi chuyện gì đã xảy ra. Anh chăm chăm nhìn cái sắc màu xám trơn nhẵn của trần nhà vừa thật xám lại thật sạch, và rồi đột nhiên anh nhìn thấy một con ruồi bò trên đó. Việc nhìn thấy con ruồi này, việc đột nhiên nhìn thấy cái đốm đen bé nhỏ ấy trên một biển màu xám xịt, quét qua bộ não anh, và trong giây phút đó, anh nhanh chóng nhớ lại tất cả. Anh nhớ ra chiếc Spitfire và anh nhớ máy đo độ cao chỉ hai mươi mốt ngàn bộ[5]. Anh nhớ mình đã đẩy ngược capô ra bằng cả hai tay, và anh nhớ mình đã nhảy dù ra ngoài. Anh nhớ chiếc chân của mình.

5 1 bộ (từ gốc: foot, số nhiều: feet) = 0,3048 mét.

"Giờ nó có vẻ ổn rồi thì phải." Anh nhìn xuống phía cuối giường nhưng chẳng trông thấy gì cả. Anh thò tay xuống dưới lớp khăn trải giường và sờ soạng đầu gối. Anh rờ thấy một chiếc, nhưng khi sờ soạng tìm chiếc kia, tay anh chạm phải thứ gì đó mềm mại phủ đầy băng gạc.

Ngay khắc đó, cánh cửa bật mở và một y tá tiến vào.

"Xin chào," cô nói. "Vậy là cuối cùng anh cũng tỉnh dậy."

Đó không phải là một cô y tá xinh xắn, nhưng cô ấy to lớn và sạch sẽ. Cô tầm khoảng ba mươi đến bốn mươi tuổi, và có một mái tóc vàng hoe. Anh không thể nhận thấy thêm gì khác nữa.

"Tôi đang ở đâu đây?"

"Anh đúng là một anh chàng may mắn. Anh đáp xuống một khu rừng ven biển. Anh đang ở Brighton[6]. Họ đem anh vô đây hai ngày trước, và giờ anh đã được chữa trị toàn diện rồi. Anh trông ổn đấy."

6 Brighton: một thành phố biển thuộc phía Đông Nam nước Anh.

"Tôi mất một chân rồi," anh nói.

"Đó không là gì cả. Chúng tôi sẽ kiếm cho anh một chiếc khác. Giờ anh phải đi ngủ. Khoảng một tiếng nữa bác sĩ sẽ đến đây gặp anh." Cô cầm lấy chiếc chậu và ly thuốc và bước ra ngoài.

Nhưng anh không ngủ. Anh muốn giữ cho đôi mắt luôn mở, bởi anh sợ rằng nếu anh lại nhắm chúng lại, mọi thứ sẽ tan biến đi hết. Anh nằm đó nhìn trần nhà. Con ruồi vẫn còn ở đó. Nó tràn đầy năng lượng. Nó cứ vọt như bay lên trước vài inch[7] rồi ngừng lại. Rồi nó lại vọt lên trước, dừng lại, vọt lên trước, dừng lại, và thi thoảng nó cất cánh và lẩn quẩn vo ve bay theo những vòng tròn nhỏ. Nó luôn đáp lại xuống cùng một chỗ trên trần và bắt đầu vọt lên và ngừng như cũ suốt. Anh ngắm nhìn nó lâu đến nỗi một lúc sau nó không còn là một con ruồi nữa, mà chỉ là một chấm bụi đen trên biển màu xám xịt. Và khi cô y tá mở cửa ra và đứng tránh sang một bên chờ bác sĩ tiến vào, anh vẫn cứ đang nhìn nó. Đó là một vị Bác sĩ quân y, một thiếu tá, và trên ngực ông đeo vài tấm huân chương được trao từ trận chiến trước đó. Ông có dáng người nhỏ thó và hói đầu, nhưng gương mặt ông tươi cười và đôi mắt ông đầy ân cần tử tế.

7 1 inch = 2,54 cm.

"Chà chà," ông nói. "Vậy là cuối cùng anh cũng quyết định tỉnh dậy rồi hả. Giờ anh cảm thấy thế nào?"

"Tôi thấy ổn."

"Chuẩn đấy. Anh sẽ có thể rời khỏi giường và hoạt động trở lại ngay thôi."

Vị bác sĩ cầm lấy cổ tay anh để bắt mạch.

"À nhân tiện," ông nói, "vài anh chàng từ phi đội của anh đang réo gọi hỏi thăm về anh đấy. Họ muốn tới đây thăm anh, nhưng tôi nói rằng tốt hơn thì họ nên đợi một hai ngày nữa đã. Tôi bảo họ rằng anh ổn cả, và rằng ít lâu sau họ có thể đến thăm anh. Hãy cứ nằm yên đó và nghĩ ngơi chút đã nhé. Anh có cái gì để đọc chưa?" Ông nhìn lướt qua chiếc bàn để hoa hồng. "Chưa. Chà, viên y tá sẽ chăm sóc cho anh. Cô ấy sẽ lấy cho anh bất cứ thứ gì anh muốn." Nói rồi ông vẫy tay và ra ngoài, cô y tá to lớn sạch sẽ theo sau.

Khi họ đã đi khuất, anh lại nằm xuống nhìn trần nhà. Con ruồi vẫn ở y chỗ cũ, và khi nằm nhìn nó, anh bỗng nghe thấy tiếng máy bay ở khoảng cách xa. Anh nằm đó, lắng nghe tiếng động cơ. Nó phải cách đây đến một quãng xa. Mình tự hỏi nó là máy bay gì nhỉ, anh nghĩ. Để xem coi mình có thể nhớ ra nó không nào. Thình lình anh giật mạnh đầu sang một bên. Bất cứ ai từng bị ném bom đều có thể nói rằng đó là âm thanh của một chiếc Junkers 88[8]. Thêm vào đó họ có thể chỉ ra hầu hết những chiếc oanh tạc cơ Đức khác, nhưng đặc biệt là một chiếc Junkers 88. Động cơ của nó như cất lên một bản song ca[9]. Cái chất giọng trầm ngân sâu hòa cùng tông giọng cao the thé. Chính nhờ cái âm giọng cao kia mà âm thanh của một chiếc JU-88 là thứ mà người ta không thể nào nhầm lẫn được.

8 Junkers 88 (hay Junkers Ju 88) là một loại máy bay được sử dụng trong Thế chiến 2 và được đánh giá là loại máy bay tốt được trang bị động cơ đôi-bổ nhào, vũ khí tốt và có thể trở thành máy bay ném bom một cách dễ dàng. Nó thường được biết dưới cái tên hiệu "Người phục vụ đa năng" vì đã thể hiện rất tốt vai trò của mình trên chiến trường là máy bay đánh đêm, đánh bom bổ nhào, oanh tạc-phóng ngư lôi, do thám và đánh bom hạng nặng. Có khoảng 15.000 chiếc Junkers Ju 88 được sản xuất trong thế chiến II - nhiều hơn bất kì loại máy bay bổ nhào nào của Đức.

9 Song ca, song tấu,...: thường chỉ hát bè đôi hay biểu diễn một tác phẩm âm nhạc dùng hai loại nhạc cụ khác nhau.


Anh nằm đó, lắng nghe âm thanh huyên náo ồn ào, và thấy khá chắc nó là máy bay gì. Nhưng tiếng còi, tiếng súng đâu cả rồi? Viên phi công Đức chắc chắn là một kẻ bạo gan khi dám đơn thân độc mã bay đến gần Brighton giữa ban ngày ban mặt.

Chiếc máy bay vẫn luôn ở xa, và rồi những âm thanh huyên náo ồn ào sớm nhỏ dần và mất hút. Lát sau lại có một tiếng ồn nữa. Tiếng này cũng bay ở xa, nhưng nó cũng phát ra cùng chất giọng trầm ngân sâu và tông giọng cao the thé đặc trưng không thể lẫn vào đâu được. Anh đã nghe thấy âm thanh ấy mỗi ngày trong suốt những tháng ngày chiến trận.

Anh thấy bối rối. Ở trên chiếc bàn gần giường có một quả chuông. Anh với tay ra và rung nó. Rồi anh nghe thấy tiếng chân bước dọc hành lang, và cô y tá tiến vào.

"Cô y tá này, mấy cái máy bay đó là loại gì vậy?"

"Chắc chắn là tôi không biết rồi. Tôi có nghe thấy chúng đâu. Có thể là máy bay chiến đấu hoặc oanh tạc cơ. Tôi cho rằng chúng đang trở về từ Pháp. Sao thế, có vấn đề gì vậy?"

"Chúng là những chiếc JU-88. Tôi chắc chắn chúng là những chiếc JU-88. Tôi biết âm thanh của loại động cơ ấy. Có hai âm tất cả. Chúng đang làm gì ở đây cơ chứ?"

Viên y tá đến bên cạnh giường và bắt đầu trải phẳng lớp ga và nhét chúng xuống dưới nệm.

"Ôi chao, anh đang tưởng tượng cái gì thế. Anh không được thấy lo âu về một việc như vậy. Anh có muốn tôi lấy cho anh cái gì đó để đọc không?"

"Không, cảm ơn cô."

Cô dùng tay vỗ nhẹ gối và vén đi những lọn tóc còn vương trên trán anh.

"Chúng không còn bay ngang đây vào ban ngày nữa. Anh biết điều đó mà. Có thể đó là những chiếc Lancaster[10] hay Flying Fortress[11] thôi."

10 Lancaster là một loại máy bay ném bom hạng nặng 4 động cơ trong Chiến tranh thế giới II của Anh. Nó tham gia các cuộc ném bom chiến lược trên chiến trường Châu Âu và trở thành máy bay ném bom hạng nặng chủ lực. Nó được đặt tên thân mật là "Lanc", tên gọi này đã trở nên nổi tiếng nhất và là máy bay ném bom ban đêm thành công nhất trong Chiến tranh thế giới II, nó đã "thả 608.612 tấn bom (tấn dài) trong 156.000 phi vụ."

11 Flying Fortress hay Boeing B-17 Flying Fortress (Pháo đài bay B-17) là máy bay ném bom hạng nặng được phát triển cho Không lực Lục quân Hoa Kỳ. Nó có uy lực lớn, bay cao, ném bom tầm xa, có sức phá hủy lớn trong khi có khả năng tự phòng thủ, và nhất là khả năng quay về sân bay nhà cho dù hư hại nặng trong chiến đấu B-17 được Không lực Mỹ sử dụng chủ yếu trong các chiến dịch ném bom chiến lược chính xác ban ngày vào các mục tiêu công nghiệp, quân sự và dân sự của Đức trong Thế Chiến II.

"Cô y tá này."

"Vâng."

"Có thể cho tôi điếu thuốc được không?"

"Tất nhiên là được rồi."

Cô y tá đi ra và gần như ngay lập tức quay lại với vài que diêm và một gói Players. Cô đưa cho anh một điếu, và khi anh đã đưa đưa nó lên miệng rồi, cô liền quẹt diêm và châm lửa.

"Nếu anh có lại cần gì tôi," cô nói, "chỉ việc rung chuông là được." Rồi đi ra ngoài.

Một buổi chiều nọ anh lại nghe thấy âm thanh của một chiếc máy bay nữa. Nó ở cách xa nơi đây, nhưng dẫu vậy anh vẫn biết đó là loại máy bay một động cơ. Nhưng anh không thể nhớ ra nó là chiếc gì. Nó đang bay rất nhanh, anh có thể biết vậy. Nhưng đó không một chiếc Spit, cũng không phải một chiếc Hurricane Fighter Air Craft[12]. Nghe nó cũng không giống loại động cơ của Mỹ nữa. Chúng ồn ào hơn. Anh không biết nó là máy bay loại gì, và nó khiến lòng anh cực kỳ lo lắng. "Có lẽ mình đang bệnh rất nặng," anh nghĩ. "Có lẽ mấy thứ ấy chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của mình mà thôi. Có lẽ mình đang có chút mê sảng. Mình đơn giản chỉ là không biết nghĩ gì."

12 Hurricane Fighter Air Craft (Máy bay chiến đấu Hurricane) hay còn gọi là Hawker Hurricane là một máy bay tiêm kích một chỗ ngồi của Anh Quốc có vai trò tiêm kích đánh chặn, tiêm kích ném bom (còn được gọi là"Hurribombers"), và hỗ trợ tấn công mặt đất.

Tối hôm đó vị y tá tiến vào với một chậu nước nóng và bắt đầu tắm rửa cho anh.

"Chà," cô ấy nói, "tôi hy vọng là anh không có vẫn nghĩ là chúng ta đang bị đánh bom đấy chứ."

Cô cởi chiếc áo ngủ của anh ra và xát xà phòng lên tay phải anh bằng một miếng khăn mặt. Anh không đáp lại.

Cô giũ miếng khăn mặt trong nước, chà thêm nhiều xà bông lên nó, và bắt đầu lau chùi ngực anh.

"Tối nay anh trông ổn đấy chứ," cô nói. " Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật ngay khi anh được đưa vào đây. Họ đã thực hiện một công việc phi thường. Anh sẽ ổn thôi. Tôi có một người anh trai trong RAF[13]," cô nói thêm. "Lái mấy chiếc oanh tạc cơ."
13 RAF (Royal Air Force): Không quân Hoàng gia Anh, là lực lượng không quân thuộc Quân đội Anh.

Anh nói:

"Tôi từng đi học ở Brighton."

Viên y tá nhanh chóng nhìn lên. "Sao, chuyện đó cũng tốt thôi," cô nói. "Tôi cho rằng anh có biết vài người ở trong thị trấn nhỉ."

"Đúng thế," anh nói, "Tôi biết khá nhiều người."

Viên y tá đã hoàn tất việc rửa ráy khuôn ngực và hai cánh tay anh, và giờ cô lật lớp khăn trải giường lên để chân trái của anh lộ ra ngoài. Cô làm việc ấy theo cái cách khiến cho chiếc chân cụt bó bột của anh vẫn được phủ dưới lớp khăn trải. Cô tháo dây buộc quần ngủ của anh và cởi bỏ chúng. Để tránh không động vào lớp băng, người ta đã cắt bỏ ống phải quần đi, thế nên cô y tá làm việc này mà không chút trở ngại. Cô bắt đầu chùi rửa chân trái và toàn bộ cơ thể anh. Lần đầu tiên trong đời anh được tắm rửa trên giường, và anh thấy nóng mặt vì xấu hổ. Đặt một chiếc khăn lót dưới chân anh, cô đang dùng miếng vải flannel lau rửa nó. "Cái thứ xà phòng thảm hại này chẳng có tạo chút bọt nào cả. Do nước đấy. Nó cứng như đinh vậy." Cô nói.

"Hiện giờ thì không thứ xà phòng nào là cực tốt cả," anh nói. "Và với nước cứng[14] thì chuyện đó dĩ nhiên là vô vọng." Khi nói vậy, đột nhiên anh nhớ ra điều gì đó. Anh nhớ những đợt tắm rửa ngày trước ở ngôi trường tại Brighton, trong căn phòng tắm dài có sàn lát đá với bốn buồng tắm trong một phòng. Anh nhớ nước mềm đến nỗi bạn phải tắm sau đó để gột sạch mớ xà phòng trên người, và anh nhớ đám bọt từng nổi lều phều trên mặt nước khiến bạn không thể nhìn thấy chân mình ở bên dưới. Anh nhớ thi thoảng bọn anh lại được cho những viên canxi, bởi vị bác sĩ của trường từng nói rằng nước mềm thì có hại cho răng[15].

14 Nước cứng (có hoà tan nhiều muối vô cơ): là loại nước tự nhiên chứa trên ba mili đương lượng gam cation canxi (Ca2+) và magie (Mg2+) trong một lít. Nước chứa nhiều Mg2+ có vị đắng. (Ví dụ: Nước ngầm, nước giếng)

15 Nước mềm: nước không có chứa muối can-xi và ma-giê. (Ví dụ: Nước mưa)

"Ở Brighton," anh nói, "nước không hề..."

Anh không nói hết câu. Trong tâm trí anh chợt nảy ra điều gì đó; điều gì đó tuyệt vời và ngớ ngẩn đến nỗi trong một chốc anh cảm thấy như mình sẽ nói cho viên y tá nghe và cả hai sẽ cùng bật cười vui vẻ.

Viên y tá ngước lên. "Nước không hề gì cơ?" cô hỏi.

"Không có gì," anh đáp. "Tôi chỉ đang mơ màng thôi."

Cô giũ miếng khăn mặt vào trong chậu, chùi sạch lớp xà phòng trên chân anh, rồi dùng một chiếc khăn lau khô nó.

"Thật tuyệt khi được tắm rửa," anh nói. "Tôi thấy tốt hơn rồi." Anh dùng hai tay rờ mặt mình. "Tôi cần được cạo râu."

"Ngày mai chúng ta sẽ làm việc đó," cô nói. "Có lẽ anh cũng có thể tự mình làm được vậy."

Đêm đó anh cứ thao thức suốt. Anh nằm đó, nghĩ về những chiếc Junkers 88 cũng như về độ cứng của nước. Anh không thể nghĩ suy về điều gì khác nữa. "Chúng là những chiếc JU-88," anh tự nhủ. "Mình biết chúng là loại máy bay đó. Và tuy vậy đó là điều không thể, bởi lẽ chúng không thể bay vòng vòng quanh đây ở độ cao thấp như thế giữa ban ngày ban mặt được. Mình biết nó đúng là vậy, và tuy thế mình biết đó là điều không thể. Có lẽ mình đang bệnh. Có lẽ mình đang xử sự như một thằng ngốc và không hề có khái niệm về thứ mình đang nói hay đang làm. Có lẽ mình đang bị mê sảng mất rồi." Anh cứ nằm thao thức nghĩ về những điều đó trong một lúc lâu, và rồi ngay lập anh ngồi nhổm dậy và nói to, "Mình sẽ chứng tỏ là mình không điên. Mình sẽ phát biểu đôi chút về điều gì đó phức tạp và trí thức. Mình sẽ nói về những việc nên làm với bọn Đức sau chiến tranh." Nhưng ngay cả trước khi anh có thời gian bắt đầu, anh liền chìm vào giấc ngủ.

Anh thức giấc ngay khi những tia nắng ban mai đầu tiên của ngày mới chiếu rọi qua khe hở của bức màn treo bên cửa sổ. Căn phòng vẫn tối om, nhưng anh có thể cả quyết rằng bên ngoài trời đã bắt đầu hửng sáng. Anh nằm nhìn những tia sáng xám rọi qua khe hở của bức màn, và khi nằm đó, anh nhớ về ngày hôm trước. Anh nhớ về âm thanh của chiếc Junkers 88 và về độ cứng của nước; anh nhớ đến viên y tá to con dịu dàng và vị bác sĩ tốt bụng, và lúc này đây chút ngờ vực nhỏ nhoi bén rễ trong tâm trí anh, và rồi nó bắt đầu sinh sôi nảy nở.

Anh nhìn quanh căn phòng. Đêm trước viên y tá đã đem mấy bông hồng đi, và giờ không còn gì ngoại trừ chiếc bàn với gói xì gà, một hộp diêm và một chiếc gạc tàn . Nếu không căn phòng đã trống không. Không còn hơi ấm hay sự thân thiện nữa. Thậm chí nó còn không thoải mái nữa là. Căn phòng lúc này đây lạnh lẽo và trống rỗng và cực kỳ tĩnh lặng.

Rồi từ từ, chút ngờ vực dần sinh sôi nảy nở, kèm theo nó là nỗi sợ hãi - một nỗi sợ hãi mơ hồ, nhảy múa nhưng cảnh báo chứ không làm hoảng sợ; đó là kiểu sợ hãi nảy sinh nhưng không vì người ta thấy sợ hãi, mà là do người ta cảm thấy có gì đó sai. Rồi nỗi ngờ vực và sợ hãi nhanh chóng lớn dần, đến nỗi anh liền trở lên bồn chồn và giận dữ, và khi đưa tay lên rờ trán, anh nhận thấy vầng trán mình ướt đẫm mồ hôi. Khi ấy anh biết rằng mình phải làm gì đó; rằng anh phải tìm cách nào đó tự chứng minh cho mình thấy rằng anh hoặc đúng hoặc sai. Anh nhìn lên và lại thấy khung cửa sổ và tấm màn xanh. Khung cửa sổ ở ngay đối diện phía nơi anh nằm, nhưng nó lại cách anh đến tròn mười thước. Bằng cách nào đó anh phải chạm tới được nó và nhìn ra ngoài. Ý tưởng ấy trở thành một nỗi ám ảnh với anh, và chẳng mấy chốc chiếc cửa sổ choán trọn tâm trí anh khiến anh chẳng còn có thể nghĩ được điều gì khác nữa. Nhưng còn về chiếc chân của anh thì sao? Anh thò tay xuống bên dưới tấm khăn trải giường và thấy tất cả những gì còn sót lại ở phía bên tay phải anh là chiếc chân cụt quấn băng dày cộm. Nó dường như có vẻ ổn. Nó không đau. Nhưng nó sẽ không dễ dàng.

Anh ngồi dậy. Rồi anh hất chiếc khăn trải giường qua một bên và đặt chân trái xuống sàn. Chậm rãi, cẩn thận, anh đu người cho đến khi cả hai tay anh cũng chạm mặt sàn; và rồi anh đã rời khỏi giường, chân quỳ trên tấm thảm. Anh nhìn vào chiếc chân cụt của mình. Nó ngắn ngủn và dày cui và quấn đầy băng gạc. Chiếc chân bắt đầu đau và anh nó thể cảm thấy nó đang nhói lên. Anh như muốn gục mình xuống, nằm bệt ra thảm và không làm gì nữa cả, nhưng anh biết rằng mình phải tiếp tục.

Bằng hai cánh tay và một chân, anh trườn người về phía khung cửa sổ. Anh dùng tay rướn ra xa nhất có thể, rồi anh sẽ hích người nhảy lên một chút và lê chiếc chân trái theo sau. Mỗi lần làm vậy, vết thương của anh lại bị va chạm và anh phải chịu một nỗi đau âm ỉ, nhưng anh vẫn tiếp tục bò trên sàn bằng hai bàn tay và một đầu gối. Khi đến được phía cửa sổ, anh liền với tay lên, rồi anh lần lượt đặt cả hai tay lên bậu cửa. Từ từ, chậm rãi, anh nâng người lên cho đến khi đã đứng vững được trên chiếc chân trái của mình. Rồi anh mau lẹ kéo rèm ra và nhìn ra bên ngoài.

Anh thấy một căn nhà nhỏ mái xám đứng lẻ loi kế cạnh một con đường nhỏ hẹp, và ngay phía sau nó là một cánh đồng đã được cày xới. Trước ngôi nhà là một khu vườn lộn xộn bừa bãi, và có một bờ rào bằng cây xanh ngăn cách khu vườn với con đường. Trong lúc nhìn ngắm bờ rào anh bỗng thấy một tấm biển hiệu. Đó chỉ là một tấm bảng nhỏ đóng trên đầu một cây cột thấp, và bởi bờ rào ấy đã không được cắt tỉa từ lâu lắm rồi, những cành cây đã mọc chìa ra và quấn quanh tấm bảng khiến nó trông gần có vẻ như thể người ta đã đặt nó vào giữa bờ rào vậy. Có cái gì đó được viết trên bảng bằng sơn trắng, và anh ịn đầu vào tấm kính cửa sổ, cố đọc xem nó ghi cái gì. Anh có thể thấy, chữ cái đầu tiên là G. Chữ thứ hai là A, và chữ thứ ba là R. Rồi cứ lần lượt như vậy, anh đã xoay sở nhìn ra được đó là những chữ gì. Có ba từ, và anh chậm rãi đọc to những chữ cái ấy lên cho mình nghe khi anh xoay sở đọc nó. G-A-R-D-E A-U C-H-I-E-N. Garde au chien (Coi chừng chó dữ). Đó là những gì ghi trên tấm bảng.

Anh đứng đó, thăng bằng trên một chân và dùng hai tay bám chặt vào gờ bậu cửa sổ, mắt nhìn chằm chằm tấm biển và những từ quét vôi trắng. Trong chốc lát anh không thể nghĩ được bất cứ thứ gì. Anh đứng đó, mắt nhìn tấm bảng, miệng cứ lặp đi lặp lại những từ ấy với mình, và từ từ, anh bắt đầu nhận ra đầy đủ nghĩa của những từ ghi trên tấm bảng. Anh đưa mắt nhìn lên mái nhà tranh và cánh đồng đã được cày xới. Anh nhìn vườn cây ăn quả nhỏ ở phía trái căn nhà và anh nhìn vùng quê xanh ngắt ở phía xa. "Vậy ra đây là nước Pháp," anh nói. "Mình là nước Pháp."

Lúc này đây bắp đùi phải của anh đang nhói đau dữ dội. Anh tưởng như có ai đó đang dùng búa tạ mà giã vào phần đuôi chiếc chân cụt của anh vậy, và rồi đột nhiên cơn đau nhức trở nên mãnh liệt đến nỗi nó tác động đến đầu anh và trong chốc lát anh đã nghĩ mình sẽ gục ngã mất. Anh mau chóng quỳ xuống, bò lại về phía giường và nhấc mình nằm lên. Anh kéo chiếc khăn trải giường đắp lên người và nằm vật ra gối, cả người mệt lử. Anh vẫn không thể nghĩ được bất cứ thứ gì khác ngoại trừ tấm biển nhỏ sát bờ rào, và cánh đồng đã được cày xới và vườn cây ăn quả. Chính những từ ghi trên tấm biển là thứ mà anh không tài nào quên được.

Cũng phải lâu sau đó viên y tá mới lại tiến vào. Cô đem theo một chậu nước nóng và cô nói, "Chào buổi sáng, hôm nay anh thế nào rồi?"

"Chào buổi sáng, cô y tá." Anh nói

Cơn đau vẫn còn rất dữ dội dưới lớp băng, nhưng anh lại không muốn nói cho người phụ nữ này nghe bất cứ điều gì. Anh nhìn viên y tá khi cô bận rộn chuẩn bị cho việc tắm rửa. Bây giờ thì anh nhìn cô kỹ hơn. Tóc cô rất vàng. Cô là người có dáng cao và to xương, và gương mặt cô nom có vẻ dễ chịu. Nhưng trong đôi mắt cô có chút gì đó không thoải mái. Chúng không bao giờ ở yên. Chúng không bao giờ nhìn vào thứ gì đó trong chốc lát và chúng cứ đảo nhanh hết từ nơi này đến nơi khác trong căn phòng. Cũng có điều gì đó trong những chuyển động của cô. Chúng quá tinh tường và bồn chồn để đi đôi với cách nói chuyện ung dung của cô.

Cô đặt chiếc chậu xuống, cởi áo ngủ của anh ra và bắt đầu công việc lau chùi người anh.

"Anh ngủ có ngon không?"

"Có."

"Tốt," cô nói. Cô đang lau chùi tay và ngực anh.

"Tôi tin là sau bữa sáng sẽ có ai đó từ bên Không quân đến đây gặp anh đấy," cô nói tiếp. "Họ muốn một bài báo cáo hay cái gì đó. Tôi cho là anh biết hết về nó rồi phải không. Về chuyện anh bị bắn rơi như thế nào và mọi thứ. Tôi sẽ không để cho ông ta nán lại lâu đâu, thế nên đừng lo lắng nhé."

Anh không trả lời. Viên y tá đã hoàn tất việc lau chùi cho anh và đưa cho anh một chiếc bàn chải và kem đánh răng. Anh chải răng, súc miệng và nhổ nước vào chậu.

Sau đó viên y tá liền bê chiếc khay đựng bữa sáng của anh vào, nhưng anh không muốn ăn. Anh vẫn cảm thấy yếu và bệnh, và anh chỉ ước được nằm yên và nghĩ về những gì đã xảy ra. Và rồi một câu nói chạy lướt qua đầu anh. Đó là một câu nói mà Johnny, viên Sĩ quan Tình báo trong phi đội của anh, luôn lặp lại với những người phi công mỗi ngày trước khi họ ra ngoài. Lúc này anh như có thể thấy Johnny đang dựa lưng vào vách chòi tập trung[16] với chiếc ống tẩu trong tay và nói, "Và nếu chúng bắt được các anh, đừng quên, chỉ tên của anh, cấp bậc và quân hiệu. Không gì khác nữa. Vì Chúa lòng lành, không nói gì khác nữa."

16 Chòi tập trung: có trong các Căn cứ Chiến đấu, nơi những viên phi công chờ cất cánh.

"Của anh đây," cô nói khi đặt chiếc khay vào lòng anh. "Tôi có đem cho anh một trái trứng. Anh có thể xoay sở được ổn thỏa cả chứ?"

Vâng."

Cô đến đứng kế giường anh. "Anh thấy ổn đấy chứ?"

"Vâng."

"Tốt. Nếu anh có muốn quả trứng nữa tôi có thể lấy thêm cho anh một quả."

"Như vầy là ổn rồi."

"Ừ, cứ rung chuông nếu anh có muốn thêm gì nữa nhé." Và rồi cô bước ra.

Anh chỉ mới vừa ăn xong thì viên tá lại tiến vào.

"Trung úy Không quân Roberts đang ở đây." cô nói. "Tôi đã bảo là ngài ấy chỉ có thể nán lại đây vài phút thôi rồi."

Cô vẫy tay ra hiệu và vị Trung úy Không quân tiến vào.

"Xin lỗi vì đã làm phiền hà đến anh như thế này," ông nói.

Đó là một sĩ quan RAF thông thường diện trên người bộ quân phục có hơi chút sờn cũ và đeo phù hiệu phi công và một tấm DFC[17]. Ông ta khá cao và gầy và có mái đầu đầy tóc đen nhánh. Thậm chí hàm răng viên sĩ quan - vốn không đều và thưa thớt - còn chìa ra một chút khi ông khép miệng. Vừa nói ông vừa lôi từ túi áo ra một tờ đơn in sẵn và một cây viết chì, rồi ông kéo ghế ra và ngồi xuống.
17 D.F.C (Distinguished Flying Cross): Huân chương trao cho một người hùng chiến trận hay một thành tựu phi thường khi bay chống lại kẻ thù.

"Anh cảm thấy sao rồi?"

Không có tiếng đáp lại.

"Chuyện về cái chân của anh thật xui xẻo. Tôi biết anh cảm thấy như thế nào. Nghe nói anh đã có một màn trình diễn tuyệt vời trước khi bị chúng bắt được."

Người đàn ông trên giường vẫn nằm yên không nhúc nhích, mắt nhìn người đàn ông ngồi trên ghế.

"Thôi được rồi, hãy làm cho xong chuyện này nhé." Người đàn ông ngồi trên ghế nói. "Tôi e rằng anh phải trả lời vài câu hỏi để tôi có thể điền vào bản tường thuật trận đánh này. Giờ để tôi xem nào, trước nhất, phi đội của anh là gì?"

Người đàn ông trên giường vẫn bất động. Anh nhìn thẳng vào vị Trung úy Không quân và nói:

"Tên tôi là Peter Williamson. Cấp bậc của tôi là Chỉ huy Phi đội và quân hiệu của tôi là chín bảy hai bốn năm bảy."

HẾT
Dịch giả: streetchick
Hiệu đính: conruoinho

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3