VÒNG TAY HỌC TRÒ
“Lên hết thang lầu, Trâm đứng lặng nhìn xuống vùng bóng tối dưới kia, khuôn mặt Minh thoắt buồn thoắt vui hiện lên ở đó… Một thoáng, Trâm vụt nghĩ đến gia đình, đến những người quen biết, đến công việc, đến những dự định tương lai, đến vòng vây tù đày eo hẹp khe khắt của cuộc đời. Rồi Trâm nhìn xuống những nấc thang lầu đen thẫm trong đêm khuya như một chiếc cầu giao nối địa ngục với thiên đường…”
(Chương 3, Vòng tay học trò).
________________________
… Có một hôm, trên facebook của tôi xuất hiện thông báo của anh Bình (Bình Bán Book), kèm theo ảnh chụp một bộ sách:
“ Điều chúng ta mong đợi: trả lại giá trị đích thực cho nền văn học miền Nam trước 75 dần thành hiện thực. Sau tiếng tóc rách của tuỳ bút Võ Phiến là sự hiện diện trở lại của một trong những nữ văn sĩ cự phách một thời: NGUYỄN THỊ HOÀNG. Ngày mai 25/3/2021. VÒNG TAY HỌC TRÒ chính thức phát hành. Mời bạn.”
Tất nhiên, tôi bấm vào xem ngay.
Cùng với cuốn sách “đinh” – Vòng tay học trò làm nên tên tuổi vang dội của tác giả là 4 cuốn khác, gồm: Tiếng chuông gọi người tình, Một ngày rồi thôi, Tuần trăng mật màu xanh và Cuộc tình trong ngục thất tạo thành một combo đầy đặn, chỉn chu, đẹp tinh tế từ trang bìa đến từng trang sách bên trong, do NXB Nhã Nam xuất bản.
Theo Nhã Nam, để có thể tái bản bộ sách này, đặc biệt là cuốn Vòng tay học trò, phía Nhã Nam đã cùng với tác giả Nguyễn Thị Hoàng chuẩn bị bản thảo cẩn thận đến từng chi tiết, câu chữ. Mọi chỉnh sửa dù là nhỏ nhất đều được bàn bạc kỹ lưỡng trước khi đi đến bản in cuối cùng. Một số cuốn, ngay cả bản thảo gốc mà tác giả đang giữ, cũng bị thiếu trang, Nhã Nam đã phải kỳ công truy tìm nhiều bản in cũ từ những nhà sưu tầm sách hiếm, để có được bản thảo đầy đủ nhất. Đồng thời, Nhã Nam còn mời tác giả ra Hà Nội, tham gia buổi giao lưu với bạn đọc.
(Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, ảnh: fanpage Nhã Nam)
Tôi có ý chờ xem các phần trích đoạn buổi giao lưu mà Nhã Nam ghi lại và ngắm thật lâu những bức ảnh chụp buổi tọa đàm. Bà Nguyễn Thị Hoàng ngồi đó – trang điểm đậm, rất điệu và đầy phong cách, tóc dài buông xõa, áo dài duyên dáng, thong thả nói về bối cảnh ra đời và sự chìm nổi, tao loạn của cuốn VÒNG TAY HỌC TRÒ đầy tai tiếng, thị phi, một thời được xếp vào loại “Dâm thư”, “Phi luân”, “Văn hóa phẩm đồi trụy” với bao nhiêu bình luận nghiệt ngã; rằng “đó là sự buôn lậu tư tưởng của một con bệnh dâm tình thành thị”; rằng “đó là sự mất thăng bằng và bệnh hoạn về nhân cách”, rằng “đó là một Francoise Segan Việt Nam, viết về sự nhầy nhụa trong tâm hồn”… và hàng ngàn, hàng vạn những tung hô xen lẫn chỉ trích, miệt thị khác.
Mấy năm trước tôi có đọc một bài viết khác, khá dài hơi, kể về bà. Đúng hơn, kể về một người nào đó tên là Mai Tiến Thành – hiện thân của nhân vật Trần Duy Minh và mối quan hệ của Thành với tác giả Nguyễn Thị Hoàng – hiện thân của cô giáo Quỳnh Trâm – tại trường Nam sinh Trần Hưng Đạo, Đà Lạt vào những năm 1960-1962 để minh chứng rằng tác giả viết Vòng tay học trò để tự sự câu chuyện của chính mình, cho mối tình cấm kỵ của mình và cậu học trò mình dạy. Và vì thế, bà mới bị kết một cái tội tày trời: tội “sư đồ luyến” – đặc biệt, là sự luyến ái của một cô giáo 25 tuổi đã trưởng thành, rất thành thục và “đàn bà” với một câu học trò 17 tuổi chập chững vào đời.
Cô giáo Quỳnh Trâm trong truyện của bà rất đẹp. Bà trong buổi giao lưu cũng thật đẹp.
Cô Trâm nhạy cảm, yếu đuối nh:ưng lại luôn nổi loạn. Bà kiên cường nhưng cũng rất mỏng manh.
Cô Trâm có một cách sống, cách ứng xử rất khác so với những người phụ nữ cùng thời. Còn bà thì sao nhỉ? Tôi tự hỏi, hơn 50 năm qua, bà đã làm gì để chống lại những búa rìu dư luận? Bà đã đi qua những gập nghềnh truông thẳm của giai đoạn ấy thế nào? Bà có hạnh phúc với tác phẩm mang lại tên tuổi cho bà, hay bà đau đớn? Có lúc nào bà hối tiếc vì đã viết Vòng tay học trò không?...
Bà từng trả lời với báo chí rằng “Truyện mình viết thường là truyện tình bế tắc và đi xuống. Trong đó những vai nữ bao giờ cũng khát khao đi tìm một đời sống thật của mình, nghĩa là tìm kiếm chính mình. Những nhân vật nữ lang thang bất định, và xa rời với phận sự gia đình. Chất liệu lấy từ những năm bất ổn lênh đênh trong cuộc đời đã qua của mình, đôi khi được ráp nối với những câu chuyện thời sự, cộng với một phần tưởng tượng, phóng tác, vẽ vời... rồi ráp thành truyện. Riêng về Vòng Tay Học Trò, nếu bảo đó là thực thì cũng không hẳn là thực mà bảo là không thực thì cũng chẳng phải…”
Báo chí nhận xét “bà có cách làm mờ đi những dữ kiện mà người ta nói về bà”
Tôi lại thích sự khéo léo, tế nhị khi trả lời như thế.
Cho dù, bà và cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm có mang tâm tư hay dáng hình giống nhau đến đâu đi chăng nữa; cho dù đã từng có một Mai Thế Thành xuất hiện trong cuộc đời dạy học ngắn ngủi của bà, và cho dù bà thừa nhận rằng “những nhân vật cảnh huống diễn ra trong khoảng thời gian đó đều cho mình một xúc động rất lớn, rất đẹp. Câu chuyện chính trong Vòng tay học trò xảy ra dựa trên vài điều có thật…” thì cần gì phải “làm rõ” hay khẳng định cô giáo Trâm là bà, hay không phải bà. Cần gì phải chỉ ra, Minh chính là Mai Thế Thành hay là ai đó.
Ngần ấy năm qua rồi, bể dâu cũng lặng rồi. Tôi tin, nếu có một “Trần Duy Minh” năm xưa đã từng thốt lên rằng “Mai cô đi rồi để lại em những lo lắng không nguôi, đầu óc trống rỗng, ý nghĩ khô khan, chữ nghĩa thiếu hụt. Biết lấy gì viết để cô hiểu và tin em yêu cô, yêu cuồng dại, yêu tha thiết, yêu với niềm lo sợ mất cô… Mai cô đi rồi, để lại em với bao điều hối hận dày vò, tự trách đã si mê cuồng dại, đặt tình yêu không đúng chỗ, trót đã trèo cao. Vì dù sao, dù sao cô còn trẻ đẹp quí phái biết bao người âm thầm hay bộc lộ tình cảm đối với cô… Còn em, một học trò, mà tàn ác nhất là học trò trường cô dạy, hai bàn tay trắng không biết đếm tiền, chỉ biết đánh lộn, đánh vỡ hết những gì làm mình thất vọng khổ đau, với vòng tay học trò không bao giờ ôm giữ nổi đời cô”.” thì giờ đây hẳn vô cùng bình yên, hạnh phúc khi nhìn thấy “cô Trâm” đã thực sự trở về, trong sự tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ đúng mực của bạn đọc.
(ảnh: fanpage Nhã Nam)
Kể từ bản in đầu tiên, năm 1966, “Vòng tay học trò” ra mắt đọc giả, cho đến nay không biết có bao nhiêu lần cuốn sách đã được tái bản chính thức, bao nhiêu lần in lậu, và bao nhiêu bản chép tay? Có lẽ là nhiều, rất nhiều. Nhưng sau lần tái bản như một sự trở về này, có lẽ “Vòng tay học trò” và những tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng sẽ có một đời sống văn học khác, được đón nhận, khen chê bằng những lý lẽ đa chiều hơn, phong phú hơn, và ít đi những phán xét hay chỉ trích cay nghiệt.
Với riêng tôi, lối văn miêu tả dàn trải và xen nhiều tự sự của tác giả khác nhiều so với văn phong hiện đại ngày nay. Nhịp điệu, tiết tấu và những nút thắt mở trong tiểu thuyết của bà cũng mông lung. Dường như bà vừa muốn nói toạc ra hết những tâm tư, lại vừa muốn nhẫn nhịn, tránh né đụng chạm đến tận cùng khát khao mong đợi. Thế nên, nhịp văn của bà hay đứt khúc, bỏ ngõ chi tiết vào những phút cuối, gây nên một sự hẫng hụt, lưng chừng cho người đọc…
Trừ “Vòng tay học trò” tôi đọc một mạch, những cuốn còn lại tôi đọc chậm hơn nhiều. Thong thả, nhẩn nha để cảm nhận thời gian đang trôi ngược lại theo mỗi trang sách chạm vào, mỗi chương hồi lướt qua. Đâu đó, tôi nhìn thấy thời thanh xuân của cha mẹ mình được tái hiện và bóng dáng Đà Lạt của những ngày xưa cũ quay về...
20/5/2021
Cà phê và sách