[Tản văn] [Hộp cảm xúc 5] - Gánh rau chợ Tết
Sài Gòn se lạnh. Chỉ là se lạnh thôi. Không phải cái lạnh cắt da cắt thịt đến ứa máu như ngoài bắc. Những ngày gần Tết, người ta thèm lắm cái lạnh đến bật máu ấy.
Ngày còn ở quê, từ khi còn bé xíu, con bé tôi còi cọc mặc áo len mẹ đan, chân dép lê, bám quang gánh mẹ đi bán rau chợ Tết. Chợ huyện xa lắm, nhưng đầy hấp dẫn với bánh đúc, bánh đa, bánh trôi, bánh rán và những thứ đồ chơi lạ lẫm, chỉ có thể nhìn mà chẳng đủ tiền mua.
Gánh rau của bà, của mẹ là những hành, những rau diếp, bắp cải, su hào, bí xanh, cà chua, cùng những nắm mùi trổ đầy hoa trắng li ti thơm ngát để dành gội đầu, tắm rửa ngày tất niên và mồng một đầu năm. Là ước mơ của Người mong mua cho con manh áo mới. Là giấc mơ con về quả bóng bay nhiều sắc màu, là dây pháo đỏ, là đôi dép quai hậu có nơ con bướm xinh xinh.
Con bé tôi lớn lên bên gánh hàng rau Tết của mẹ. Những ngón chân quắp lại vì cố bấm xuống bùn cho khỏi trơn. Bà ngoại bảo mình là ngón chân Giao Chỉ. Tự hào lắm. Dấu ấn xót xa của một dân tộc phát triển bằng nông nghiệp đầy vất vả.
Con bé tôi tập gánh rau cho mẹ. Cánh đồng làng xanh ngắt một màu, mờ mờ trong sương sớm. Hai mẹ con hòa mình vào đoàn người trong làng đi tắt theo đường mương nước dẫn đi chợ huyện. Tiếng cười nói, tiếng hỏi han nhau xôn xao... xôn xao...
Là con bé tôi giúp bố cắt lá chuối, lá dong, đãi gạo, đãi đậu xanh gói bánh vào ngày hai tám tết. Khuya, hai anh em ngồi bên bếp lò trông bánh, tiện tay vùi vài củ khoai, vài bắp ngô vào tro nóng, tiếng trò chuyện râm ran suốt đêm. Sáng ra, bố gọi hai đứa dậy ăn mẻ bánh đầu tiên, cái bánh bé xíu bằng bàn tay mà tôi nằng nặc bắt bố làm cho trong mẻ gạo cuối cùng khi gói bánh. Mùi đậu, mùi tiêu, mùi lá dong quyện vào nhau thơm nức, nóng hổi, ăn kèm với thịt đông và dưa cải muối, trong tiết trời lạnh căm căm, dường như chẳng có điều gì hạnh phúc bằng khoảnh khắc ấy.
Rồi mẹ sẽ trở về trong phiên chợ cuối cùng ngày ba mươi tết, là bó hoa, là cành đào, là quần áo mới. Nụ cười của mấy đứa em rạng rỡ hơn bao giờ hết. Mắt mẹ lấp lánh niềm vui...
Nay xa rồi. Con bé tôi vẫn còi như trước. Chỉ khác là Sài Gòn lạc lõng những niềm vui. Không lạnh nên người ta không cần xích gần nhau nương nhờ hơi ấm. Không phải là nơi chôn rau cắt rốn nên người ta chẳng cần đến chào nhau ngày đầu năm. Không phải quê hương nên họ rủ nhau đi du lịch. Những ánh mắt giao nhau ở lễ hội, gặp đấy, rồi xa đấy.
Nhớ sao gánh rau của mẹ, của bà. Nhớ những ngày gánh nước tưới rau, chân bám xuống bùn, lạnh ngắt. Nhớ những vết nứt ứa máu trên thịt da, tới mùa hè còn hằn lên dấu vết như vết nẻ khi ruộng đồng khô hạn. Nhớ ánh mắt đầy ái ngại của bạn bè cùng lớp khi bắt gặp mình trong những hàng rau, cùng là con nhà nông nghiệp, đứa tóc xanh tóc đỏ ăn hàng, đứa mặc áo len dày sụ đứng đon đả mời chào bán rau...
Những ngày cuối năm. Hai mẹ con dìu nhau đi dạo trong ráng chiều ửng đỏ nơi xứ người. Mẹ khẽ thở dài, kêu nhớ, rồi thôi. Tay mẹ vẫn in hằn dấu vết tháng năm. Tay con chẳng còn vết nứt, chỉ xanh trắng một màu yếu ớt. Ánh mắt mẹ xa xăm, giục con gọi điện về cho mẹ hỏi thăm mọi người ở quê. Giọng mẹ sang sảng nói Tết vui, Tết to, các bác cứ an tâm. Cúp điện thoại, mẹ nghẹn ngào, nhưng không khóc. Mẹ nhớ gánh rau xưa...
-- Tác giả: Ktmb --