[Tản văn] Ai thương quê một mùa rau dại

- Chú ơi! Mua rau cho chị đi! Rau sạch đó chú!
Giọng hồ hởi người đàn bà nhà quê lam lũ chào mời tôi với những mớ rau xanh non mơn mởn trong một phiên chợ chiều. Cái màu xanh nõn nà khiến người ta thích mắt, họ say cái vẻ khỏe khoắn của những cọng rau ấy. Còn tôi, tôi lại say cái vẻ đẹp mộc mạc và bình dị của một loại rau cuối rổ, một loài rau như nhắc nhở cho tôi về những hồi ức của một thuở xa xăm nào đó. Những hồi ức đang dần bị lãng quên bởi dòng đời vội vã trong sự bon chen của cuộc sống mưu sinh. Cái nỗi lo cơm áo gạo tiền nuốt chửng tôi trong nhịp sống vội vàng để một phút bình lặng tôi lại nhớ về nó, một hồi ức thân thương mang tên mùa rau dại...

Quê tôi là một miền quê nghèo phía nam đồng bằng Bắc bộ, miền quê mang vẻ đẹp trầm buồn và có phần hiu hắt. Trong cái ký ức mờ nhạt của tôi, nó hiện lên từ những mái nhà cấp bốn liêu xêu lụp xụp bên con đường đất trơn trượt ngày mưa. Ở nơi đó những gốc đa trưa hè tỏa bóng, góc sân đình vui hội đầu xuân. Thế đấy, quê tôi nghèo nhưng vẫn đẹp, một nét hoang sơ khiến người ta phải nhớ. Họ nhớ cái bản tính hiền lành chất phác của người dân quê chịu thương chịu khó hay nhớ vì một điều gì khác mà tôi không biết? Còn tôi, tôi nhớ về điều gì? Phải chăng, tôi nhớ về quê từ chính những điều giản dị, mộc mạc mà gần gũi. Nó là những ngày nắng dài trải rộng trên nỗi nhọc nhằn của mẹ, giọt mưa rơi ướt vai trần của cha. Những năm tháng lúa chiêm mất mùa, ngô khoai sắn thay cơm trừ bữa làm cho cơn đói lòng chẳng lúc nào nguôi ngoai. Ngày ấy, nhà tôi nghèo như bao ngôi nhà khác, những bữa ăn chỉ vẻn vẹn vài ba món rau đạm bạc. Cái đói luôn làm con trẻ chúng tôi phải thèm thuồng trước những mâm cỗ Tết. Những ánh mắt hau háu trực chờ luôn làm người lớn phải chép miệng thở dài... Họ thở dài vì điều gì thì mãi bây giờ tôi mới biết. Họ thương đó, thương con trẻ sao phải khổ vì nghèo và thương cho chính họ, những mảnh đời cơ cực nhỏ nhoi như một nhành rau dại, lặng lẽ gửi hương trời để gió cuốn đi...

Gió đến và đi rất nhẹ nhàng đem theo những cánh hoa xuyến tô điểm cho quê tôi những ngày hè oi ả. Nắng dịu dàng từ buổi sớm, chói chang cho buổi trưa nhưng lại buồn le lói khi chiều muộn. Có phải tuổi thơ tôi như ánh nắng dịu dàng được nuôi lớn bằng những loài rau thân quen ấy. Nhớ sáng tháng ba lang thang ngoài đồng nội để tìm hái cho được vài mớ tầm bóp. Cái loài cây nhỏ nhoi mọc bên thềm ruộng như những nhánh cỏ dại không có gì đặc biệt. Cô quạnh và lẻ bóng,nó lặng lẽ như những người dân quê tôi. Thế mà chẳng hiểu sao người ta lại săn lùng nó như một thứ đặc sản của đồng nội. Người ta say cái vị chan chát có chút bùi bùi và cả vị ngòn ngọt sau cảm giác đắng chát. Hết say người ta lại nghiện, nghiện vị chua chua cảm giác thanh mát của rau sam luộc, vị ngọt bùi món canh dền cơm. Những loài rau giản dị nhưng có màu sắc và mùi vị đặc trưng khiến người say, người nhớ. Mộc mạc chân chất như cái sự trong veo của tâm hồn con trẻ mà có sức quyến rũ đến lạ lùng.

Thời gian chậm chạp trôi nhưng đủ để xóa nhòa trong tôi những hồi ức thân quen ngày nào. Để hôm nay khi nếm lại cái vị chan chát ngọt bùi của bát canh cải dại nó lại trào về một cách ồ ạt và mạnh mẽ. Hình ảnh người đàn bà nhà quê lam lũ, cái mớ rau nơi cuối rổ sao lại khiến lòng tôi gợn sóng. Hình như đâu đó tôi đã thấy bóng mẹ sau những nhành rau tập tàng trên tay người đàn bà ấy. Tôi bất chợt cảm thấy đói lòng, thèm cái vị quê vào những mùa giáp hạt. Chút bi thương mấy ai còn nhớ:

Đói lòng nhờ chén canh rau.

Chén cơm, hạt muối dạt dào tình quê .

Đâu phải bây giờ người ta mới nhớ, ngày xưa chẳng phải có người cũng nhớ, cũng thương mà rồi thổn thức viết ca dao. Vị canh của tôi giờ ngọt hơn nhưng nó không khiến tôi thèm như vị của mẹ. Canh mẹ nấu sao mà chát đến vậy, bởi nó chỉ có những loài rau dại không nhiều gia vị như bây giờ. Cuộc sống của tôi giờ nhiều màu hơn của mẹ nhưng sao tôi lại cảm thấy yêu cái cuộc đời của mẹ và tôi cũng yêu hơn vị đắng cuộc đời. Mẹ từng ôm tôi mà thủ thỉ những lúc cha vắng nhà với một câu quen thuộc. "Cuộc đời như một bát canh rau mà số phận là người nấu, con người là nguyên liệu, cuộc sống là gia vị khiến cho bát canh đắng chát trước, ngọt bùi sau. Nên nếu muốn nếm trải ngọt bùi thì trước tiên hãy chấp nhận cay đắng." Có lẽ vậy, nhưng hình như đời mẹ tôi chỉ thấy đắng chát hoặc có chăng ngọt bùi trong đời mẹ là thấy tôi nên người.

Mẹ đi xa rồi, mẹ về với cha ở một nơi chân trời vắng lặng với những bông hoa dại và cả những loài rau. Chỉ có tôi còn ở lại, một mình thưởng thức bát canh rau với cái vị quen mà lạ. Quen vì vẫn có cái vị đắng chát quen thuộc của những ngày trẻ dại. Nhưng lạ lẫm khi nó lại không có cái sự dẻo dai mà cằn cỗi của quê nhà. Phải chăng bây giờ người ta chuộng nó như thứ đặc sản hiếm hoi chốn thị thành. Vẫn hoang dại nhưng được chăm chút nên nó mềm hơn, dễ nuốt hơn với những người thành phố. Còn đâu đó trên những nẻo đường quê liệu còn tồn tại loài cây khó nuốt ấy, để những ai xa quê còn nhớ mà đặt cho mình câu hỏi: Ai thương quê một mùa rau dại?