Vùng sâu, vùng xa

 

"Vùng sâu, vùng xa" là từ mà người ta nói về tôi nhiều nhất khi họ biết đến làng tôi. Ngày ấy, tôi còn nhỏ nên không hiểu vì sao. Mỗi lần như thế tôi chỉ biết cười trừ.  Rồi mối nhân duyên của tôi với  "vùng sâu, vùng xa" đã bắt đầu từ đó.

Trường tôi học chỉ có hai phòng bé tẹo, nằm bên dòng sông quê hiền hòa, êm đềm. Bao vây xung quanh là những hàng cây bạch đàn thẳng tắp. Mùa hè nắng gắt sông cạn khô để lộ bãi cát trắng phau. Nắng và gió của miền trung thân yêu như đang cào xé con sông từng ngày. Dòng sông không chảy chẳng khác nào dòng sông chết. Còn vào những ngày mưa con sông nhỏ bé với lòng sông cạn đã không thể ngăn được cơn lũ dữ ào về từ đầu nguồn. Nó như đâm từng nhát, từng nhát vào dòng sông đang quằn quại.  Nắng nhiều hay mưa nhiều sông đều phải khổ sở bởi vì ở "vùng sâu, vùng xa" nên thiệt thòi đủ thứ.

Có lẽ cũng vì lý do đó mà tạo hóa đã có phần ưu ái cho tôi. Mỗi năm ngoài ba tháng nghỉ hè, tôi còn phải nghỉ thêm từ một đến hai tháng nữa vì nước lũ. Chiếc cầu gỗ đơn sơ nối liền hai bên bờ như bị nuốt chửng mỗi khi trời giận dữ. Thầy cô dưới thị trấn không lên dạy nên chúng tôi phải nghỉ học vô thời hạn. Những ngày nước lũ về cứ tới giờ đi học tôi lại ngồi ở bên này sông nhìn sang bên kia đợi thầy cô qua dạy. Chờ đợi, hy vọng rồi thất vọng. Những ngày tháng đó tôi đã quen rồi. Nhà tôi ở bên này sông nên học ở trường làng. Các bạn ở bên kia sông được học dưới thị trấn. Tôi và các bạn chỉ cách nhau một dòng sông rộng chừng năm mươi mét nhưng con mắt của người đời đã cho tôi biết chúng tôi đang cách nhau hàng cây số. Chương trình của những ngày nghỉ học sẽ được học bù trong một đến hai ngày sau khi hết lũ. Bởi phải học như vậy mới kịp thi học kỳ với các bạn dưới thị trấn.

Mỗi ngày đến trường tôi đều đi bộ vài cây số. Tôi không hiểu vì sao mình có thể làm được điều đó trong vài năm liên tiếp khi tôi vẫn còn rất nhỏ. Nếu thời gian quay ngược lại liệu tôi có còn làm được như thế nữa không? Tôi thực sự tò mò. Con đường đến trường quanh co và dốc đá đúng nghĩa vùng sâu, vùng xa. Mỗi ngày tôi đi học từ rất sớm và phải trèo qua một con dốc cao. Sau này khi lớn lên mỗi lần chạy xe qua con dốc ấy tôi lại nhớ mình của những năm tháng xa xưa. Ôi tuổi thơ thật kỳ diệu biết bao.

Ngôi trường dù là nhà xây cấp bốn nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Bức tường chằng chịt những vết nứt và mái ngói đã xanh màu rêu phong. Khung cửa sổ cũ kỹ, bạc màu hằn vết thời gian trên từng thanh sắt. Căn phòng trước đây được dùng để làm hợp tác xã nông nghiệp rồi mãi đến sau này mới chuyển sang làm trường học. Vì không đủ phòng học nên hai lớp ngồi chung một phòng. Mỗi khi thầy dạy lớp này thì lớp kia ngồi làm bài tập và ngược lại. Học chung vừa vui lại vừa sợ. Có lần tôi để quên vở bài tập ở nhà bị thầy phạt quỳ. Về nhà chẳng dám nói với mẹ thế nhưng hôm sau cả xóm ai cũng biết dĩ nhiên trong đó có mẹ tôi. Cuộc đời đôi khi rất đẹp bởi những kỷ niệm tuổi học trò. Có những chuyện tưởng chừng mình không nói thì không ai biết hóa ra đã có người khác nói thay mình rồi.

 

Rồi cứ như thế đường làng, mái trường, dòng sông đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn tôi. Dù đơn sơ, xa xôi và mộc mạc nhưng tôi vẫn yêu mến vô cùng. Bây giờ tôi đã lớn, rời xa quê hương lên thành phố học tập và làm việc nhưng bất cứ lúc nào có thể tôi lại trở về thăm. Mỗi lần như thế cảm xúc trong tôi lại dạt dào. Đi lại con đường xưa bằng xe máy của mình tôi chợt nhận ra thời gian trôi qua thật nhanh. Cô bé ốm yếu ngày nào giờ đã cao lớn và trưởng thành. Trước khung cảnh quê hương thân thương tôi ước mình có thể trở về tuổi thơ lần nữa để cảm nhận trọn vẹn những tình cảm yêu mến và gắn bó với từng cảnh vật nơi đây. Quê hương đang thay đổi và cô gái bé nhỏ đi giữa lòng quê hương cũng đổi thay từng ngày.

Cứ nghĩ tuổi thơ còn mãi, ký ức còn mãi, dòng sông và mái trường còn mãi. Nhưng rồi cơn lũ lịch sử ập đến, miền trung ngập chìm trong biển nước, toàn bộ tuổi thơ của tôi đã bị lũ cuốn trôi. Chỉ sau một đêm, hàng loạt ngôi nhà ven sông đã biến mất đến một viên gạch cũng chẳng còn sót lại. Ngôi trường cũ kĩ giờ chỉ còn lại nền đất trống. Những bức hình, bằng khen, kỷ vật tự tay thầy trò làm nên ngày nào chúng tôi nâng niu, giữ gìn giờ chỉ còn trong hoài niệm.

Vậy là khó khăn chồng chất khó khăn, làng quê vốn đã nghèo nay lại còn nghèo  hơn. Ngôi trường bé nhỏ đã không từ mà biệt. Trước đây tôi chỉ nghỉ học khi có lũ còn bây giờ sau lũ lại tiếp tục nghỉ vô thời hạn. Rồi một trường học dã chiến được mọc lên bên cạnh nền đất cũ. Một học kỳ sau đó tôi và các bạn phải học trong căn phòng được dựng tạm bằng những tấm bạt nhựa phơi lúa. Học kỳ ấy trôi qua rất nhanh và cũng là kỳ học cuối cùng ở trường làng. Sang năm sau tôi đã xuống thị trấn học vì là năm cuối cấp.

Bây giờ ở quê tôi các em đã được học trong ngôi trường mới khang trang. Nhưng quá khứ về một tuổi thơ nghèo khó vẫn tồn tại trong ký ức. Tôi yêu quê hương tôi không phải bởi những dãy phố tấp nập, con đường rộng thênh thang hay những tòa nhà chọc trời mà yêu nét thanh bình, an yên và sức sống trào dâng của miền quê nghèo khó.

                                                                                                                                                                      Ngọc Trai

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay